ĐẠI HỌC TƯ LẬP ĐẦU TIÊN
TẠI VIỆT NAM HIỆN ĐẠI[1]
VŨ ĐỨC BẰNG
[dropcap]T[/dropcap]hoạt nhìn vào đầu đề bài này, chắc ít độc giả nghĩ ngay đến Đông Kinh Nghĩa Thục. Người viết đã có dịp hỏi khoảng mười sinh viên, không một sinh viên nào trả lời Đông Kinh Nghĩa Thục là một trường đại học. Khó khăn một phần không những vì định kiến sai lầm về một số chi tiết quan trọng liên hệ tới Đông Kinh Nghĩa Thục, phần khác còn do sự khó định nghĩa của danh từ «đại học».
Thật vậy, ngay người Tây Phương cũng không đồng í với nhau về trường đại học đầu tiên của họ. Một số tác giả cho rằng đại học đầu tiên của Tây Phương bắt nguồn từ thời Trung Cổ. Nhưng cũng có tác giả cho là cần phải thụt lùi tới thế kỉ thứ X, tới trường Al-Azhar của người Á Rập. Lại cũng còn có người cho rằng phải lùi xa hơn nữa, tới khoảng thế kỉ thứ II mới gặp được thủy tổ thật sự của định chế đại học Tây Phương hiện đại, Đại Học Nhã Điển.
Trở về Đông Phương, vấn đề cũng nan giải không kém. Trước hết, chúng tôi không nghĩ rằng lịch sử có thể chứng minh định chế đại học như chúng ta thấy hiện nay thoát thai trực tiếp từ quan niệm «tại minh minh đức, tại tân dân». Bởi vậy, chúng tôi sẽ không lấy năm 124 trước Tây lịch ở Trung Hoa, thế kỉ IV sau Tây lịch ở Cao Li, thế kỉ VIII ở Nhật, hoặc năm 1076 ở Việt Nam, làm mốc phát xuất đại học; bởi lẽ, đại học theo quan niệm hiện đại gắn liền với một số cơ cấu và giá trị vắng mặt trong quan điểm cổ truyền phát xuất từ Trung Hoa.
Trở về Việt Nam nói riêng, từ trước tới nay các sử gia cũng chưa xác quyết được năm Việt Nam có trường đại học đầu tiên. Có tác giả dựa vào năm 1902, năm người Pháp thành lập Trường Thuốc tại Hà Nội. Có người cho là năm 1906, năm người Pháp mở tại Saigon mấy lớp đầu tiên dạy luật nhằm đào tạo chức phụ án cho người bản xứ. Lại cũng có tác giả căn cứ vào năm 1907 là năm có một nghị định hẳn hoi của vị đương nhiệm toàn quyền Đông Dương thiết lập lần đầu tiên tại Việt Nam một viện đại học năm phân khoa lấy tên là «Université Indo-chinoise» (sẽ trình bày chi tiết hơn ở phần sau). Sau hết, lại có một số tác giả chỉ chấp nhận Việt Nam có đại học thật sự kể từ 1917, bởi lẽ kể từ năm này, một truyền thống cao đẳng và đại học mới được xây dựng liên tục mãi tới ngày nay.
Trước bối cảnh rất dị đồng đó, bài viết này chỉ có mục đích nhỏ mọn đóng góp với những ai sẽ cầm bút viết lịch sử giáo dục nước nhà một số dữ kiện hiện đang thiếu sót hoặc đặt không đúng chỗ và do đó, có thể độc giả nói chung và người học trò Việt Nam nói riêng đã nhận định sai vị trí và tầm quan trọng của trường đại học đầu tiên ở nước ta. Người viết không tự hào là người đầu tiên khám phá ra sự vắng bóng của Đông Kinh Nghĩa Thục trong truyền thống văn hóa, giáo dục nước nhà.[2] Người viết chỉ muốn nhấn mạnh đến một khía cạnh từ trước tới giờ dường như chưa được nghiên cứu đầy đủ: ĐÔNG KINH NGHĨA THỤC NHƯ MỘT ĐẠI HỌC TƯ LẬP VÀ CŨNG LÀ ĐẠI HỌC ĐẦU TIÊN CỦA VIỆT NAM TRONG THỜI HIỆN ĐẠI. Một trong những định đề then chốt trong bài này nhầm đả phá quan điểm sai lầm coi Đông Kinh Nghĩa Thục như một định chế văn hóa giáo dục trá hình, một «trường ma», một «hội kín.»[3]
Xin khẳng định ngay rằng Đông Kinh Nghĩa Thục là một cơ cấu giáo dục thật sự: có trụ sở, số 4 phố hàng Đào (rue de la Soie) Hà Nội, có giáo chức (khoảng 15 vị), có học viên (ít nhất trên 300) và có một chương trình giáo dục hẳn hoi đặt trọng tâm vào việc dạy và học. Đông Kinh Nghĩa Thục lại còn là một cơ cấu giáo dục đại học và cũng là cơ cấu đại học đầu tiên của Việt Nam. Thật vậy, nếu tổng hợp lại các côngtrình nghiên cứu gần đây cùng với những dữ kiện đương thời được khai quật, chúng ta có đầy đủ yếu tổ cần thiết giúp các sử gia giáo dục Việt Nam chấp nhận luận thuyết đó.[4]
HOÀN CẢNH THUẬN LỢI
Trường Đông Kinh chào đời trong một số hoàn cảnh khá thuận lợi. Vua Thành Thái, lên ngôi từ 1889 đến 1907, rất sính bàn chuyện tân học. Vị vua không ngai này, tuy nổi tiếng bướng với Tây, song lại cúp tóc, ăn mặc, cầm ba toong, lái xe, bơi thuyền, khiêu vũ như Tây. Cũng tại kinh đô Huế, triều đình vẫn du nhập được các tân thư Trung Quốc và theo dõi một cách chăm chú các hoạt động biến pháp duy tân của người Tàu. Trung Quốc đã quyết định bỏ chế độ khoa cử cũ kể từ 1905. Hệ thống giáo dục mới của họ mô phỏng theo Nhật và một Học Bộ được thiết lập kể từ 1900 để kiểm soát các trường đổi sang tân chế độ. Ngay từ 1898, một trường đại học theo mô thức Tây Phương chào đời tại Bắc Kinh, sau này sẽ trở thành đại học nổi tiếng Bắc Đại (Bắc Kinh Đại Học).
Mặt khác, Nhật Bản vừa thắng hai trận lẫy lừng những năm 1894-1895 và 1904-1905, trận đầu với Trung Quốc, người đàn anh «tiền đạo văn minh» da vàng, trận sau với Nga, một bậc thầy của nền văn minh da trắng, làm cho tên tuổi của Nhật Bản, anh học trò trẻ của Tây Phương, nổi lên như cồn. Không những Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh nối gót nhau qua Nhật (1905-1906) để được chứng kiến tận mắt bài học Âu hóa, các chí sĩ khác của Châu Á (đặc biệt là Trung Hoa, Ấn Độ và Phi Luật Tân), cũng «đông du» đông đảo để được chiêm ngưỡng tại chỗ bài học duy tân của Nhật. Chính tại đây, các chí sĩ Việt Nam mới có dịp nhận thức Phi cũng là xứ thuộc địa mà họ đã có đại học từ thế kỉ XVII, Ấn Độ, một thuộc địa khác cũng đã có đại học từ giữa thế kỉ XIX.
Phan Bội Châu ghi nhận trong tập hồi kí[5]:
«Hồi tôi lên Đông Kinh, cụ Tây Hồ [Phan Châu Trinh] cùng đi với tôi, thăm quan khắp các học đường, vào khảo sát khắp những công việc chính trị giáo dục của Nhật Bản.»
Rất tiếc Phan Bội Châu đã không cho độc giả biết rõ hơn hai cụ đã thăm viếng những trường nào. Nhưng căn cứ vào các học giả đã nghiên cứu tại Nhật và ngoại quốc[6] cũng như các tác giả Việt Nam như Nguyễn Hiến Lê và Nguyễn Bá Thế, chúng ta có thể quả quyết hai cụ Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh đã viếng thăm ngôi trường đại học tư lập đầu tiên của Nhật, Keio gijuku, mà các tài liệu cổ truyền của ta thường gọi là Khánh Ứng Nghĩa Thục.
Tác giả Nguyễn Hiến Lê viết[7]:
«Ở Nhật ba, bốn tháng, cụ [Phan Châu Trinh] khảo sát phương châm tự cường của người Nhật, lại thăm Khánh Ứng Nghĩa thục, nơi đào tạo các nhà tiền bối duy tân của Nhật, tiếp xúc với các giáo sư trong trường, tìm hiểu cách huấn luyện đồng chí và phương pháp tổ chức việc học.»
Tác giả san đó[8] còn khẳng định Đông Kinh Nghĩa Thục ra đời tại phố hàng Đào là do quyết định tập thể của một số sĩ phu yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Tăng Bạt Hổ, Lương Văn Can, Nguyễn Quyền… thể theo đề nghị của cụ Phan Châu Trinh muốn mô phỏng Khánh Ứng Nghĩa Thục của Nhật Bản.
Tác giả Nguyễn Bá Thế[9] tuy có nêu ra một ban tham mưu sáng lập gồm bốn vị (Phan Bội Châu, Tăng Bạt Hổ, Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Quyền) trong đó vắng mặt Phan Châu Trinh, nhưng tựu trung cũng khẳng định rõ rệt là Đông Kinh Nghĩa Thục được thành lập để «noi gương chí sĩ Nhật là Phúc Trạch Dụ Cát [Fukuzawa Yukichi] đã mở Khánh Ứng Nghĩa Thục.»
Ngoài ra, chúng ta còn có thể căn cứ vào một số dữ kiện gián tiếp. Suốt đời, cụ Phan Bội Châu thường nhắc nhở đến Phúc Trạch Dụ Cát với một cảm tình ưu ái đặc biệt. Ngay về sau này, khi đã bị người Pháp bắt đem về giam lỏng tại Huế, nhân một dịp được đến nói chuyện tại trường Quốc Học (1920), cụ không dấu nổi cảm tình này và đã trích dẫn vị sáng lập Đại Học Keio như sau[10]:
«Cái hồn của một nước nào thì y phục [nương tựa] ở vào dân nước ấy, cái hồn của dân nước ấy thì y phục vào môn [lớp] thanh niên học sinh; thanh niên học sinh ấy là linh hồn quốc dân vậy.»
Đàng khác, chính cái lên trường «Đông Kinh» mà các sĩ phu sáng lập đã chọn, ngoài í muốn gợi lại quá trình văn học củađếđô Hà Nội, cũng còn bao hàm rõ rệt mối liên hệ giữa ngôi trường mới và kinh đô xứ Phù Tang. Phan Châu Trinh, trong đoạn kết bài «Đời Người Cuộc Thế» viết nhân một dịp ra Bắc diễn thuyết tại Đông Kinh Nghĩa Thục, mạnh dạn đề cao[11]:
«Thầy Đông Kinh đã đứng lên
Đem kinh giác thế mà khuyên những lời !…»
Thật vậy, cái tên trường «Đông Kinh» gợi lên một cách quá lộ liễu mối liên hệ giữa ngôi trường mới với Nhật Bản đến độ ta có quyền quả quyết là các sĩ phu sáng lập đã quá say sưa mô thúc giáo dục Nhật Bản mà quên hoặc thấy không cần thiết phải đề phòng phản ứng của chính quyền thực dân thời đó. Theo Nguyễn Quyền, trường bị đóng cửa vì có người hiểm ác tâu với Pháp[12]:
«Đông Kinh là Đông Kinh của Nhựt Bản, trường lấy hiệu Đông Kinh là có tư tưởng thân Nhật. Nghĩa thục là một tư thục dạy việc khởi nghĩa, việc cách mạng.»
Thiết nghĩ người Pháp đủ thông minh (và nhất là đủ tin tức tình báo từ Nhật gởi qua) để tự họ thấy ngay mối liên hệ giữa Đông Kinh của Nhật và Trường Đông Kinh của các sĩ phu, hà tất phải có «người hiểm ác»tâu báo. Lại nữa, chúng tôi không đồng í ngay cả phần sau của đoạn trích dẫn cho rằng «nghĩa thục là một tư thục dạy việc khởi nghĩa, việc cách mạng.» Sự thật, sở dĩ các vị sáng lập đã xử dụng danh từ «nghĩa thục» (lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử giáo dục Việt Nam?) là nhằm lột tả í nghĩa danh từ «gijuku» trong Nhật Ngữ.
MÔ THỨC KEIO-GIJIKU
Keio-gijuku[13] hiện nay tuy hãnh diện làm trưởng đại học tư lập đầu tiên của Nhật Bàn, nhưng lại có một quá trình rất khiêm tốn. Trường chào đời năm 1858, tại nhà riêng của Fukuzawa Yukichi (1835-1901), một võ sĩ đạo đồng thời cũng là một học giả uyên bác không làm việc trong chính quyền, song lại được coi là nhân vật ảnh hưởng nhất dưới thời vua Minh Trị. Thoạt đầu, đó chỉ là mấy lớp dạy tiếng «mọi rợ» Hòa Lan. Về sau, nhờ có chút vốn liếng Anh Ngữ tự học lấy, Fukuzawa mở thêm các lớp dạy tiếng Anh. Kể từ 1808, sau hai chuyến du hành qua Hoa Kì và Châu Âu trở về, ông cải tổ lại toàn bộ ngôi trường chuyên dạy ngoại ngữ do ông sáng lập.
Cũng như người Anh hãnh diện vì đã thắng Napoléon không phải trên chiến trường Waterloo, nhưng trên ghế những ngôi trường họ gọi là nghĩa thục (Public school)[14], Fukuzawa cảm thấy cần phải nuôi dưỡng nơi mỗi công dân Nhựt cắp sách tới trường tình yêu chính thể đại nghị, bởi lẽ định chế này thể hiện rõ rệt nhất truyền thống tự do dân chủ của Tây Phương. Do đó, cùng năm với Minh Trị nguyên niên (1808), Fukuzawa đổi tên trường của ông thành Keio-gijuku, «Keio» là để ghi nhớ triều đại trước chính thể Minh Trị (1865), còn «gijuku» là cố í lột tả tinh thần «public school» của người Anh. Tinh thần này, theo Fukuzawa, bao gồm bốn đức tính đã làm rạng danh cho người Anh; đó là tính tự chế, í chí độc lập, óc tháo vát, và sau hết, lòng tự nguyện đóng góp vào các việc công ích, công thiện.
Thoạt đầu, Pukuzawa chỉ nhằm dạy các học viên lớn tuổi, ông để cho các học viên này tùy sáng kiến dạy lại học viên nhỏ tuổi hơn. Dần dà có sự phân chia ra cấp lớp và kể từ 1874, trường đã có một số lớp «tiểu» và «trung» học. Năm 1890, với sự cộng tác của một số giáo sư Đại Học Harvard (Hoa Kì), trường mở các lớp «đại học» Năm 1891, trường mở thêm một số lớp đêm chuyên dạy các môn thương mại; và kể từ 1905, trường thiết lập thêm một phân khoa chuyên về khoa học kinh doanh, ngoài bốn phân khoa đã có sẵn: kinh tế, chính trị, luật học và văn chương.
Có tài liệu[15] cho rằng Fukuzawa sở dĩ đứng ra mở đại học tư lập đầu tiên cho Nhật Bản là nhằm thiết lập một lực lượng đối lập để quân bình hóa khí thế mỗi lúc một mạnh của chính quyền Minh Trị. Tiên sinh quan niệm phải có tiếng nói đối lập, Nhật Bản mới canh tân được một cách kiên trì, liên tục.
Như vậy, vào khoảng 1906, khi hai chí sĩ Việt Nam, Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh, thăm viếng Đại Học Keio tại Đông Kinh, chắc hẳn hai vị đều nhận chân được một cơ sở giáo dục vững chãi, độc đáo: về hàng dọc bao gồm cả ba cấp tiểu, trung, đại, và về hàng ngang, phát triển theo chiều hướng một học viện đa khoa.
TRƯỜNG ĐÔNG KINH TẠI HÀ NỘI
Ai cũng cho là đến nay chúng ta đã biết khá nhiều về Đông Kinh Nghĩa Thục nói chung, về vị thục trưởng, vị giám học, và một số vị trong ban chỉ đạo của nhà trường, nói riêng. Nhưng nếu muốn biết rõ hơn những dữ kiện như ngày tháng nhà trường khai giảng và bế giảng, muốn tìm hiểu kĩ hơn học trình, chiều hướng phát triển cũng như thành phần ban giáo huấn, và ngay tới con số chính xác học viên là bao nhiêu, nhiều chi tiết hãy còn trong vòng tranh luận. Dẫu vậy, thiết nghĩ chúng ta đã nắm được một số dữ kiện căn bản đủ để cho phép nhận diện một cách không còn nghi ngờ gì nữa Trường Đông Kinh là đại học tư lập đầu tiên của Việt Nam.
Các tài liệu đều ghi nhận nhà trường chấp nhận nhiều loại học viên. Chẳng hạn, tác giả Nguyễn Hiến Lê cho biết[16]:
«Muốn mở cả ba ban: tiểu, trung và đại học, trường phải mượn thêm nhà ông Cống Sùng. Tuy chia ra ba ban như vậy, nhưng thực sự chương trình không được hoạch định rõ ràng. Đại loại, tiểu học để dạy những người mới học quốc ngữ, trung học và đại học dạy những người lớn đã thông chữ Hán hoặc muốn học chữ Pháp…»
Tác giả Đặng Thái Mai viết[17]:
«Chương trình dựa theo lối tân học Trung Hoa và Nhật Bản dạy thể thao, dạy cách trí, toán pháp, địa dư, lịch sử, văn chương, công dân giáo dục. Đối với học sinh các lớp trên, nhiều tuổi và đã thông chữ Hán, nhà trường dùng sách tân thư Trung quốc làm tài liệu giáo khoa.»
Khi cho du nhập mô thức Keio vào Việt Nam, các sĩ phu sáng lập thừa hiểu nó chỉ thích hợp phần nào, bởi lẽ có sự chênh lệch trong hiện tình dân trí quá rõ rệt giữa hai dân tộc Việt Nhật; thứ đến có sự cách biệt quan trọng giữa phương tiện sẵn có và chủ đích các Ngài đang theo đuổi, và sau hết, không kém phần quan trọng hơn hai yếu tố trước, nó còn tùy thuộc đường lối thống trị của người Pháp tại Việt Nam.
Căn cứ vào tài liệu đương thời, Trường Đông Kinh là trung tâm giáo dục của một nhóm giáo chức có chân trong hội Trí Tri, một hiệp hội thành lập tại Hà Nội vào năm 1892 do sáng kiến của một nhóm thông dịch viên và giáo chức nhằm tương trợ lẫn nhau trong việc trau dồi chữ quốc ngữ và tiếng Pháp cùng các khoa học thực dụng của Thái Tây, chẳng hạn như điện, nhiếp ảnh và máy móc cơ giới. Hội được sự bảo trợ «kín đáo» của chính quyền bảo hộ. Với tư cách đó, Trường Đông Kinh nhận được sự tài trợ của chính quyền[18].
Sự kiện trên (một khám phá gây nhiều ngỡ ngàng cho người viết) nếu đem đối chiếu với những ai đã viết nhiều về Đông Kinh Nghĩa Thục, thật ra không có sự mâu thuẫn. Tác giả Nguyễn Hiến Lê[19] ghi nhận người «đảm nhiệm việc xin giấy phép mở trường» là Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Duy Tốn. Chúng ta biết cả hai ông đều tốt nghiệp Trường Thông Ngôn, Hà Nội. Nguyễn Văn Vĩnh tốt nghiệp từ 1896 và sau đó tùng sự tại Thư Kí Tòa Sứ. Phạm Duy Tốn cũng vậy, ông tốt nghiệp cùng một trường mấy khóa sau Nguyễn Văn Vĩnh, sau đó cũng được bổ vào ngạch thông ngôn Tòa Sứ Bắc Kì. Như vậy, chính kiến của hai ông, chắc hẳn người Pháp không còn lạ gì; bởi đó nếu thật sự giấy phép xin mở Trường Đông Kinh là do hai ông đứng tên, thiết tưởng chính quyền bảo hộ chấp thuận không chút e ngại.
Tuy nhiên, theo tác giả Nguyễn Bá Thế[20], người đứng tên xin mở trường lại là Nguyễn Quyền và Trần Đình Đức. Về Nguyễn Quyền, chúng ta được biết sở dĩ ông xin thôi làm huấn đạo tại Lạng Sơn là để dồn hết thời giờ và tâm trí cho ngôi trường tương lai; vậy nếu một vị huấn đạo của triều đình đứng tên xin mở trường mới, thiết tưởng chính quyền bảo hộ không phải e dè lắm. Riêng về Trần Đình Đức (có tài liệu ghi Trần Hữu Đức), chúng ta biết ít hơn. Tác giả Nguyễn Bá Thế[21] ghi nhận cụ là «một giáo học chữ Pháp hồi hưu». Tác giả Nguyễn Hiến Lê[22] lại cho biết cụ là một trong số những «nhà tân học»,«một nhân viên sở Địa Lý». Như vậy, với tư cách là một công chức hay một giáo chức hồi hưu, thiết tưởng nếu cụ đứng tên xin phép mở trường, chắc người Pháp cũng không đến nỗi e ngại.
Dầu sao đi nữa, giấy phép đã thật sự đến trường vào khoảng tháng 5 năm 1907 cho phép ông Huấn Quyền mở một trường «theo phương châm khai hóa của chính phủ bảo hộ.»[23]
ĐẠI HỌC TƯ LẬP
Nếu thật sự giấy phép mở trường chỉ nói một cách mơ hồ «theo phương châm khai hóa» như ghi nhận ở trên, chắc chắn các vị sáng lập được tự í sử dụng những sự giải thích cần thiết làm sao cho tinh thần «khai hóa» đi sát với chủ đích đã được các vị ôm ấp, thảo luận, và đề xướng.
Phải xác định ngay rằng tuy những vị đứng tên xin mở trường có liên hệ ít nhiều tới nhà nước bảo hộ, Trường Đông Kinh vẫn là một cơ sở giáo dục tư lập. Tăng Bạt Hổ, xuất thân là con nhà võ lại bôn ba bôn tẩu hết Tàu tới Nhật, chưa từng khi nào làm công chức. Phan Bội Châu, đậu thủ khoa kì thi Hương năm 1900 rồi vào Huế mượn tiếng học Trường Quốc Tử Giám kết nạp đồng chí lo «chuyện đại sự». Từ hồi còn là thầy đồ Nghệ âm thầm «gõ đầu trẻ.» trong đám «hơn 200 môn sinh» cho tới lúc bị bắt (1925) và được người Pháp chiêu dụ đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trong chính quyền, kể cả chức Thượng Thư Bộ Học, cụ dường như không một giây phút nào mơ tưởng làm công chức dưới quyền thống trị của Pháp. Phan Châu Trinh đậu phó bảng năm 1901 rồi được bổ làm thừa biện bộ Lễ ở kinh đô, nhưng cụ luôn luôn là một công chức bất đắc dĩ, say mê tân thư Trung Quốc hơn là ngoan ngoãn vâng lời hàng quan lại của triều đình bảo hộ. Cụ đã làm cho chính vị Thượng Thư Bộ Lễ có lần bực mình phải nhắn khéo[24]: «Bộ tôi có một anh thừa biện mà cả năm tôi không thấy mặt.» Đời công chức dưới thời Pháp không có gì quyến rũ nên đến 1905 cụ từ dịch luôn để chu du Nam Bắc hô hảo duy tân. Nguyễn Thượng Hiền, đỗ hoàng giáp năm 1892, có lãnh chức biên tu lại Quốc sử Quán của triều đình Huế và sau đó làm đốc học tại Nam Định, nhưng sau vụ bất mãn người Pháp truất phế vua Thành Thái, cụ cũng từ quan luôn.
Lương Văn Can 56 tuổi, người nhiều tuổi nhất trong nhóm sĩ phu sáng lập, được bầu làm thục trưởng Trường Đông Kinh. Cụ đỗ cử nhân, có lần được triều đình bổ làm giáo thụ Phủ Hoài, lần khác lại được người Pháp đề cử vào nhiều chức vụ khác, lần nào cụ cũng nhất mực từ chối lấy cớ ở nhà dạy học. Riêng vị giám học của nhà trường, Nguyễn Quyền, 38 tuổi, ông quả có làm công bộc của triều đình một thời gian với tư cách huấn đạo tại Lạng Sơn. Nhưng chính tại đây, vì được nghiền ngẫm các tài liệu duy tân của Tàu nên ngoài những giờ «gõ đầu trẻ» ông còn để tâm nghiên cứu những biến chuyển mau lẹ về hiện tình Trung Quốc, Nhật Bản. Ngoài ra, nhờ được vị trí nằm sát biên thùy Trung Hoa, Lạng Sơn còn là trạm gặp gỡ của các chí sĩ Việt Nam trên đường xuất ngoại hoặc «nhập cảnh». Chính tại đây, vị giám học tương lai ngôi trường mới được hai cụ Tăng Bạt Hổ và Phan Bội Châu nhiều lần trần tình về hiện trạng dân trí cũng như trình độ giáo dục tại Nhật Bản. Những dữ kiện quí báu này đã «mở mắt» cho vị huấn đạo Lạng Sơn nên ông quyết đoạn tình đời công chức đứng ra mở một trường tư tương tự Đại Học Keio theo lời mô tả tỉ mỉ của Tăng Bạt Hổ và Phan Bội Châu.
Như vậy ta có thể khẳng định hầu hết ban lãnh đạo và sáng lập nhà trường đều là tư chức. Đa số thành phần giáo chức cũng vậy, trừ một số dạy môn Pháp và Việt Ngữ. Đó là những vị tân học như Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn, Trần Đình Bức, Bùi Đình Tá, Phạm Đình Đối, Nguyễn Bá Học. Trong số này, chúng ta được biết có những công chức như Trần Đình Đức, nhân viên sở Địa Lí. Tuy nhiên các vị còn lại trong đám tân học chưa hẳn đã là công chức tất cả. Trường hợp điển hình là Nguyễn Văn Vĩnh. Sau một thời gian làm việc tại Thư Kí Tòa Sứ, ông được đề cử đi dự cuộc đấu xảo Marseille năm 1906. Nhờ có cơ hội quan sát tận mắt kĩ thuật làm báo và vai trò tiến bộ của báo chí tại Pháp, về nước ông đã từ dịch nghề thông ngôn và từ đó góp phần tranh đấu đến «vỡ nợ» cho báo chí nước nhà.
Một chi tiết khác vừa được một học giả Việt Nam lôi ra ánh sáng là tờ Đại Nam Đăng Cổ Tùng Báo, tuy thoát thai là một «quan báo» (báo của nhà nước) dưới danh xưng Đại Nam Đồng Văn Nhật Báo, nhưng kể từ số ra ngày 28-03-1907, tờ báo trở thành cơ quan ngôn luận của tư nhân[25], và là của nhóm thân hữu với Đông Kinh Nghĩa Thục. Đối chiếu chi tiết này với dữ kiện cho rằng Trường Đông Kinh được thiết lập trước khi có giấy phép (tháng Ba, 1907), chúng ta thấy có một sự song hành đáng tin cậy về thời gian.
Như đã được đề cập ở trên, Trường Đông Kinh quả là cơ sở giáo dục của một nhóm tư nhân. Ai cũng biết một tổ chức có sự tự nguyện đóng góp của nhiều người khi đem ra thực hiện chắc hẳn phải gặp nhiều khó khăn hơn các cơ sở do nhà nước trực tiếp và toàn quyền chỉ huy. Một khó khăn quan trọng dĩ nhiên là phương tiện tài chánh. Chúng ta chưa biết một cách chính xác nếu chính quyền thực dân không đóng cửa Trường Đông Kinh, ngân sách của nhà trường cho phép trường sẽ còn tồn tại được bao lâu. Nhưng điểm nêu lên để làm sáng tỏ ở đây là lập trường cho rằng Đông Kinh Nghĩa Thục là một loại «trường miễn phí», rồi từ đó cơ hồ như đồng nhất nó với những «lớp học bố thí» trẻ con Việt Nam thường thấy quảng cáo khắp đầu đường xó chợ là một quan điểm tai hại. Quan điểm này đi ngược lại truyền thống gijuku (public school) mà Trường Đông Kinh đã minh thị chọn làm mô thức.
Chưa ai chứng minh Trường Đông Kinh là một loại trường «Vô chính sách, vô chiều hướng», ai vào học cũng được, ai bỏ đi cũng không biết, nhất nhất cái gì cùng rẻ rề, hạ giá. Đã đành các tài liệu có ghi học trò nghèo, đúng theo truyền thống Keio, được chước giảm hoặc khỏi trả học phí, có khi còn được nhà trường đãi ăn bữa trưa cùng với ban giáo chức, và những trò ở xa còn được ngủ lại ban đêm trong trường. Nhưng phải thêm ngay rằng Trường Đông Kinh là một tư thục thâu nhận học phí. Một phương thức khá phổ biến là các bậc cha mẹ sẽ tùy tâm đóng góp cho nhà trường và danh sách các vị «ân nhân» đó được ghi rõ trong một tấm bảng treo trước cổng trường. Mặt khác, tác gia Nguyễn Hiến Lê[26] ghi nhận là các học viên ban Pháp Ngữ phải đóng «mỗi tháng năm hào». Những lớp dạy tiếng Pháp tại Trường Đông Kinh rất thành công, thành công đến độ một số học trò Quảng Nam (trong đó có Phan Khôi) không vào học tiếng Tây «thuộc địa» tại Tây Cống, lại chịu lặn lội ra Hà Nội ghi danh vào các lớp Pháp Ngữ tại Trường Đông Kinh[27]. Giống như Đại Học Keio, Trường Đông Kinh từ căn bản không phải là một trường bố thí. Các tài liệu gốc do công an Pháp nắm giữ cho biết phần lớn các học viên của trường thuộc về con nhà vọng tộc thế gia («l’élite des jeunes lettrés et des fils de famille»).[28]
Sau hết, một chi tiết liên hệ tới quan điểm đề cập ở trên là người ta thường suy diễn sai lầm rằng đã là một tư thục dạy học «để làm nghĩa» thì chắc hẳn các giáo chức không hưởng thù lao. Đã đành có thể có một số giáo chức tặng không dịch vụ giảng dạy của họ cho nhà trường, nhưng phần lớn các vị trong ban giảng huấn đều có nhận thù lao bốn đồng bạc một tháng, họ lại còn được đãi bữa ăn trưa tại trường. Có độc giả sẽ cho rằng bốn đồng chỉ đáng là một thù lao tượng trưng! Sự thật, nếu một mặt ta đối chiếu mãi lực của đồng bạc Đông Dương hồi đó, mặt khác, nếu ta í thức rằng ở thời đại nào, giáo chức cũng là một trong những nghề bị bạc đãi hơn cả về vật chất, thiết tưởng thù lao bốn đồng là một cố gắng tích cực của một tư thục đang trong thời kì phát triển buổi ban đầu.
Cần nêu lên ở đây bốn điểm căn bản làm cho chúng ta ngày nay có lí mà hãnh diện về trường đại học đầu tiên của ta. Trường Đông Kinh là một đại học tư lập:
- Cởi mở bao dung trong tư tưởng;
- Sinh hoạt như một ngã tư quốc tế;
- Có một học trình tiến bộ nhấn mạnh cả hai mặt giáo dục chuyên môn cũng như giáo dục căn bản;
- Có đầy đủ một quốc sách và một căn bản triết lý giáo dục nhằm đổi mới con người, đổi mới xã hội Việt Nam.
(Còn tiếp)
VŨ ĐỨC BẰNG
___________________
[1] Một số định đề trong bài được viết vào cuối 1968, và đã được Viện Đại Học Hawaii xuất bản, xin xem cùng tác giả, «The Đong Kinh Free School Movement, 1907-1908» Aspects of Vietnamese History (University of Hawaii Press, 1973) tr. 30-95. Người viết chân thành tri ân Giáo sư Fujimori Mitsuo, Viện Đại Học Keio, và Đại Đức Thích Nguyên Hồng, Viện Đại Học Vạn Hạnh, đã giảng giải cho một số chi tiết liên quan đến học chế Nhật Bản.
[2] Việc đó, ít nhất một tác giả đã làm cách đây trên mươi năm, xin xem Thiếu Sơn «Một Thiếu Sót Quan Trọng: Đông Kinh Nghĩa Thục Trong Văn Học Sử Việt Nam» Phổ Thông LXXXVI (15-8-1962) tr. 10-16; và Nguyễn Bá Thế trong loạt bài giá trị đăng vào khoảng 1970-71 trong nhật báo Đuốc Nhà Nam (sẽ ghi tắt ĐNN) «Chí Sĩ Trên Đường Duy Tân Cứu Quốc».
Ngoài ra, bất cứ ai nghiên cứu về Đông Kinh Nghĩa Thục cũng không thể quên ơn Nguyễn Hiến Lê, tác giả đã khai quật được nhiều dữ kiện liên quan tới nhà trường. Tác phẩm căn bản của tác giả, Đông Kinh Nghĩa Thục: Phong Trào Duy Tân Đầu Tiên & Việt Nam (xuất bản lần đầu năm 1956, Saigon, 121 tr.) nay đã lên tới ấn bản thứ ba (Saigon, Lá Bối, 1974; 203 tr.) Tuy nhiên, vì ấn bản 1974 có mấy đoạn in sai, chúng tôi sẽ căn cứ vào ấn bản năm 1968 (cùng nhà xuất bản, 178 tr.)
[3] Georges Coulet, trong cuốn sách tập hợp được nhiều tài liệu đương thời, Les Sociétés secrètes en terre d’Annam (Saigon: Imprimerie Commerciale, c. Ardin, 1926; 452 tr.) đã làm cho một số tác giả vội suy diễn sai lúc ông đề cập tới Đông Kinh Nghĩa Thục trong tác phẩm của ông viết về hội kín. Sự thật trái ngược hẳn. Lập trường của Coulet nhằm đả phá quan điểm «chính thức» của Pháp gặp cái gì cũng cho là «ám muội, ám xả». Xin trích một đoạn tiêu biều (tr. 286):
«S’abritant sous la fausse qualité d’une école libre d’ensei- mutuel aidé par notre Gouvernement dont elle avait demandé àl’origftie la protection, le-vieux Cu Can depuis longtemps gagné à la cause de Phan Boi Chau sut y réunir l’élite des jeunes lettrés et des fils de famille, et les y préparer au rôle ambitieux qu’il caressait par avance pour ses fils et pour eux.
C’est une erreur, et d’ailleurs, il ne saurait y avoir là qu’une affirmation gratuite. En effet, la société secrète ne se cache pas sous les formes d’une société civile quelconque. Bien au contraire, elle est et veut être exactement cette société civile… » Phần chữ cho in nghiêng là sáng kiến của kẻ viết bài này.
[4] Gần đây, luận thuyết này cũng đã được các học giả Tây Phương đề xướng. Chẳng hạn, Alexander B. Voodside, «Vietnam» In Search of Southeast Asia: A Modem History (do David J. Steinberg đứng chủ biên; New York: Praeger, 1971; tr. 301-312) có thể được coi là học giả Tây Phương đầu tiên mạnh dạn gọi Đông Kinh Nghĩa Thục là một «Đại học viện» (University).
[5] Xin xem Phan Bội Châu Niên Biểu (Saigon: Nhóm Nghiên Cứu Sử Địa, 1973; sẽ ghi tắt PBCNB) tr. 73.
[6] Chẳng hạn, David G. Marr, Vietnamese Anticolonialism 1885-1925 (ấn bản bìa mỏng; Berkeley: University of California Press, 1971; tr. 156-184) dành trọn một chương viết về Đông Kinh Nghĩa Thục. Tác giả ghi nhận (tr. XVIII) ông có được đi nghiên cứu tận những nơi như Nhật, Hương Cảng, Việt Nam và Pháp. Tiếc rằng các tài liệu Nhật liên hệ tới trường đã ít ỏi, các tài liệu căn bản bằng Pháp Ngữ dường như không được tác giả quan tâm đúng mức.
[7] sđd., tr. 37.
[8] sđd., tr. 41-44.
[9] Xin xem ĐNN ngày 21-01-1971.
[10] Trích theo Thế Nguyên, Phan Bội Châu: Thân Thế và Thi Văn 1867-1940 (in lần thứ hai; Saigon: Tân Việt, 1956) tr. 181-182; để đối chiếu, xin xem cùng tác giả, ĐNN ngày 11-7-1971.
[11] Trích theo Thái Bạch, Thi Văn Quốc Cấm Thời Thuộc Pháp (Saigon: Khai Trí, 1968) tr. 83.
[12] Trích theo Lam Giang, Giảng Luận về Phan Bội Châu (Saigon: Tân Việt, 1959) tr. 25-26.
[13] Kể từ đây, tên trường cũng như vị sáng lập sẽ được viết theo lối người Nhật thường làm trong các tài liệu quốc tế.
[14] Một loại trường không phải do chánh quyền (hoặc giáo quyền) nhưng là của một nhóm tư nhân tự nguyện hùn vốn hiệp sức lại thành lập. Chữ «public» đây không có nghĩa «công lập», mà là «thiết lập để phụng sự công ích, công thiện». Các trường này nhấn mạnh việc đào luyện nhân cách. Một thí dụ điển hình là Eton, một «nghĩa thục» thành lập từ khoảng giữa thế kỉ XV đến nay hãy còn hoạt động.
[15] Xin xem Nước Nhật 100 Năm Sau Minh Trị (Bộ Ngoại Giao Nhật phát hành 1973) tr. 14-15.
[16] sđd., tr. 52.
[17] Xin xem Văn Thơ Cách Mạng Việt Nam Đầu Thế Kỷ XX (1900-1925) (in lần thứ hai; Hà Nội: Văn Học, 1964) tr. 57.
[18] Xin xem Coulet, sđd., tr. 285; Isabelle Massieu, Comment j’ai parcouru I’Indo-Chine (Paris: Librairie Plon, 1901) tr. 373; Louis Sa- laun, L’lndo-Chine (Paris: Imprimerie Nationale, 1903) tr. 290; Bulletin de l’Ecole Français d’Extrême-Orient (sẽ ghi tắt BEFEO) số 1-2, tháng Giêng — tháng Sáu, 1907, tr. 179-180; và Đại Nam Đăng Cồ Tùng Báo (sẽ ghi tắt ĐNĐC) DCCXCVII (25-4-1907) tr. 76.
[19] sđd., tr. 45.
[20] ĐNN., ngày 21-01-1971.
[21] ĐNN., ngày 21-01-1971.
[22] sđd., tr. 65
[23] Đặng Thái Mai, sđd., tr. 59.
[24] ĐNN., ngày 12-3-1971.
[25] Điểm này chúng tôi học được với nhà văn Phạm Việt Tuyên trong buổi nói chuyện về «Từ tờ báo Hán Văn đến tờ báo quốc ngữ đầu tiên ở Hà Nội » tại Đại Học Văn Khoa, Saigon, ngày 24-11-1974.
[26] sđd., tr. 57. Chúng ta nên nhớ hồi đó một ổ bánh mì giá chưa tới năm xu, một tô phở chưa tới mười xu. Một vài tác giả chẳng hạn, D.G. Marr, sđd., tr. 165, bối rối trước hai qui chế dị biệt của nhà trường (một đàng bắt đóng học phí, một đàng lại không) đã vội kết luận là những lớp đêm dạy Pháp Ngữ thâu nhận học phí thật ra không thuộc trong chương trình nhà trường. Thiết tưởng quan điểm này giới hạn phạm vi sinh hoạt của trường một cách không cần thiết. Chúng ta nên nhớ các lớp đêm dạy sinh ngữ tại 27) Đại Học Keio cũng nằm trong toàn bộ chương trình của trường này.
[27] Xin xem Nguyễn Văn Xuân, Phong Trào Duy Tân (Saigon: Lá Bối 1970) tr. 290.
[28] Xem chú thích số 3.
[Tạp chí Tư Tưởng số 48, năm 1975]