Một buổi sáng mùa thu năm 1976, tụng xong phẩm Dược Vương bổn sự của kinh Pháp Hoa, bước xuống tầng cấp chánh điện chùa Già Lam thì tôi gặp thầy tôi, Hòa thượng Trí Thủ, chống chiếc ba toong đứng tựa người vào thành lan can của sàn nhà hóng mát thấp lè tè nối liền với bàn chờ của tầng cấp dẫn lên điện Phật. Người mặc bộ đồ vạt hò vải đã cũ, màu vàng anh nhàn nhạt nổi lên thanh thoát giữa những tán lá xanh của mảng vườn bên cạnh. Tôi chắp tay cúi chào, người khẽ gật đầu đáp lại và hỏi:
– Ông tụng kinh chi rứa?
– Bạch Ôn, con đang tụng kinh Pháp Hoa.
– Có còn trì Đại Bi và Bát Nhã tâm kinh không?
– Dạ còn.
– Vậy thì, mỗi ngày sau khi trì 5 biến Đại Bi và Bát Nhã tâm kinh, ông thêm một biến Kim Cương là hay nhất.
– Dạ! Bạch Ôn, con nghe lời Ôn.
Thật tình, lúc ấy tôi không hiểu tại sao Hòa thượng không khuyến khích tôi tiếp tục tụng kinh Pháp Hoa mà lại dạy hãy trì Kim Cương. Tôi vẫn thấy Hòa thượng thường trì kinh Pháp Hoa mỗi mùa an cư, và chính Ngài để thờ bộ kinh ấy gồm 10 quyển bằng tiếng Hán trong một lung kính trên án thờ trước tượng Đức Bổn sư trong chánh điện. Hơn nữa, có lần trong lúc nói chuyện vui, ngài kể tôi nghe về hai huynh đệ tu hành trong một ngôi chùa nọ, một người ở thất mé trái chánh điện chuyên trì kinh Pháp Hoa, người kia ở thất bên phải lại chuyên trì kinh Kim Cương. Một thời gian sau, cây cối bên phải chánh điện khô héo dần, còn cây cối bên trái có người trì kinh Pháp Hoa ở thì tươi tốt hẳn ra. Thế thì tại sao Hòa thượng lại khuyên tôi trì kinh Kim Cương? Thắc mắc vậy, nhưng do cơ duyên thầy trò, tôi vẫn ngoan ngoãn nghe lời, như tôi đã từng nghe trước đây và được nhiều kết quả không ngờ. Ấy là, môt hôm thầy trò ngồi nhổ cỏ bên luống cải vườn rau sau nhà tổ, Hòa thượng dạy tôi, muốn làm ông thầy tu, ngoài chuyện học hành, cần phải đắp cho mình một cái nền, cái nền ấy là siêng năng trì 5 biến Đại Bi và Bát Nhã tâm kinh mỗi ngày. Với đầu óc duy lý của mình, tôi nghĩ cái nền Ngài muốn tôi vun đắp là tình thương và tuệ giác, hai đức tính thiết yếu làm nên một ông thầy tu. Lý luận vậy nên tôi đã cần cù làm theo lời Hòa thượng chỉ dạy. Lần này dạy trì kinh Kim Cương, có phải Ngài muốn khai hóa thêm cái mảnh đất lòng còn hoang dại nơi con người tôi?
Chẳng bao lâu, tôi đã có thể nhớ và tụng thuộc lòng bản kinh Kim Cương, không phải lần theo từng chữ trên trang kinh mà đọc. Nhưng nắm được chính xác nội dung của kinh và ý nghĩa chữ phi lập đi lập lại trong kinh là điều không dễ. Tìm ra được phương pháp thích hợp với căn cơ của mình để thể hiện ý nghĩa đó trong đời sống thực tiễn lại còn mơ hồ hơn.
Quả thật, Kim Cương rất khó nuốt với những điệp khúc của mô thức luận lý “a là phi a, nên a là a”. Nó khác với Pháp Hoa, một bản kinh làm cho người đọc vừa thấy gần gũi với những thí dụ đời thường, vừa thấy siêu thoát với những huyền thoại bay bổng. Kim Cương cũng khác với những bản kinh ngắn trong bộ A Hàm, ở đó, dầu cũng theo lối vấn đáp, kể chuyện, nhưng bình dị, ít lý luận, đặc biệt là luôn luôn cho người nghe một phương pháp để thực hành đề tài giáo lý được giảng. Quay sang cầu cứu những bản luận giải, chúng cung cấp cho tôi rất nhiều khái niệm triết học về chữ không chữ phi của Bát Nha, nhưng tu tập thế nào thì đa số còn bỏ mặc chuyện ấy cho người đọc. Tôi thầm nghĩ, nếu cứ miệt mài đuổi theo những khái niệm kia thì có ngày cây cỏ xung quanh tôi chắc cũng khô héo mất. Có lần đọc truyện Lục tổ Huệ Năng mà phát thèm lợi căn sẵn có nơi Ngài, mới nghe người ta tụng đến câu “ưng vô sở trú nhi sinh kỳ tâm” là ngộ đạo và thay đổi cả một cuộc đời.
Năm tháng trôi qua, ngoài việc tụng kinh Kim Cương Bát Nha mỗi sáng, tôi vẫn kiên trì tìm hiểu nghĩa không của Kim Cương Bát Nhã, đi từ những khái niệm không trên bình diện luận lý triết học, cho đến khái niệm không của khoa vật lý thực nghiệm. Gặp chỗ nào bàn đến nghĩa không là tôi cố đọc và tìm hiểu. Định nghĩa của ngài Long Thọ, “ngôn ngữ đạo đoạn tâm hành xứ diệt, dĩ hữu không nghĩa cố nhất thiết pháp đắc thành”, hé cho tôi thấp thoáng một con đường, nhưng vì trình độ chưa chín, ý nghĩa của nó vẫn như nước trượt lá môn, trôi qua tâm thức tôi theo dòng tư biện. Với tôi, ngôn ngữ là môi trường trực tiếp của ý thức, theo như những nhà Phật học và các triết gia tầm cỡ đã nói, vậy thì, bỏ cả ngôn ngữ và ý thức đi, con người làm thế nào để biết và biết cái gì?
Câu hỏi ấy nằm sâu trong tiềm thức, đẩy tôi đến một thử nghiệm mới. Sau bao nhiêu năm bỏ lá lại vin cành, mệt mỏi nơi chỗ sơn cùng tuyệt lộ, một hôm ngồi một mình trong chòi tranh trên ngọn đồi vắng vẻ giữa bóng đêm khuya khoắt, nhớ đến Hòa thượng đã mất, tôi thủ thỉ trong lòng, “Thầy ơi, nếu con còn có duyên với Phật pháp, xin Thầy chỉ cho con một con đường”. Nhủ thế rồi tôi đứng dậy, hướng vào bức vách bằng tre, chú tâm đọc thầm một danh hiệu Phật, xong buông thả toàn thân và mọi ý nghĩ trong đầu như một kẻ chết rồi mà lạy Phật. Lạy Phật cách này cho tôi thấy thân thể hết sức nhẹ nhàng, sảng khoái mà cái biết vẫn hiện hữu minh bạch, chẳng mất mát đi đâu. Hóa ra, có những tồn tại lệ thuộc suy tư nhưng cũng có cái tồn tại siêu việt suy tư; có những hỷ lạc lệ thuộc cảm xúc và có những hỷ lạc nhờ thoát ly cảm xúc. Sau những lần thử nghiệm như vậy vào mỗi thời công phu sáng, tôi quyết định dùng phương pháp An ban thủ ý (Anapanassati) để tập đi vào trạng thái siêu việt ngôn ngữ và tâm hành của chữ phi trong kinh Kim Cương, tập ở nơi thân này mà biết phi thân để đi đến Phật thân. Với tôi, nó là một công cụ hữu hiệu để cày bừa và dọn dẹp những cây gai cỏ dại nơi mảnh đất nội tâm.
Vào một mùa an cư mấy năm sau đó, tôi lại có duyên cùng đại chúng tụng kinh Pháp Hoa. Tụng đến phẩm Dược Vương bổn sự thì một cảm nhận mới lạ về ý nghĩa của phẩm kinh nầy bất ngờ xuất hiện. Lời kinh vang lên như một trận mưa rào đổ xuống, và tôi là một loài cây cỏ theo chủng loại của mình mà hưởng thụ riêng.
Bồ tát Dược Vương, theo Phật kể lại, thuở quá khứ là Bồ tát Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến, sinh ra đời gặp Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức, theo ngài tu tập Chánh pháp hoa sen, được định hiện các sắc thân. Cảm ân đức Phật và kinh Pháp Hoa, ngài đem các thứ hương hoa quý báu nhất trên đời cúng dường Phật và pháp. Cuối cùng ngài uống các loại danh hương và hương thơm các loại hoa, thoa mình bằng dầu thơm, quấn mình bằng vải quý được tẩm bằng các thứ dầu thơm, rồi tự đốt mình trước Đức Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức suốt một ngàn hai trăm năm để cúng dường Phật và kinh Pháp Hoa nhằm cầu tuệ giác vô thượng. Ngài được chư Phật mười phương đồng thanh khen ngợi là đã làm một sự tinh tiến chân thật, một sự hiến cúng tối thượng trong mọi sự hiến cúng, vì đã lấy Chánh pháp mà hiến cúng Như lai. Nhờ vậy ngài được pháp tổng trì biết hết tiếng nói của chúng sinh, được nghe kinh Pháp Hoa với rất nhiều bài kệ. Sau khi chết, hóa sinh trong cung vua Tịnh Đức, ngài lại gặp Đức Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức, được Phật đem giáo pháp, đệ tử, quốc độ và pháp tuệ giác vô thượng của ngài mà giao phó cho. Sau khi Phật nhập diệt, Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến dùng hương đàn hải ngạn làm giàn củi để thiêu thân Phật rồi xây tám vạn bốn ngàn tháp mà tôn thờ Xá lợi Phật. Sau đó lại đối trước các ngôi tháp mà tự đốt hai cánh tay được trang sức bởi cả trăm phước, cháy suốt bảy vạn hai ngàn năm, để cúng dường Xá lợi Như Lai, khiến những đệ tử của ngài xót lòng bi thương vì thấy thầy mình thân không hoàn bị. Thế nhưng Bồ tát Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến ở giữa các chúng mà thề, rằng tôi bỏ hai cánh tay thì quyết chắc sẽ được cái thân màu hoàng kim của Phật. Nếu thật như vậy thì nguyện hai cánh tay của tôi trở lại như cũ. Thề như vậy rồi tự nhiên hai tay phục hồi như cũ. Ấy là do phước đức và tuệ giác của Bồ tát cực kỳ thuần hậu mà cảm ra.
Câu chuyện cổ tích trên được Đức Phật kể cho các đệ tử Ngài nghe cách đây trên hai ngàn rưỡi năm, tưởng như một huyền thoại hư cấu. Nhưng trong lần tụng kinh ấy, pháp âm ngày xưa vọng về như một sấm sét lóe lên cho tôi thấy cái phong cách rất thực của Bồ tát Dược Vương biểu hiện qua sắc thân của các ngài Quảng Đức, Quảng Hương v.v…, những vị Bồ tát Việt Nam đã tự đốt thân mình để hiến cúng pháp trong mùa pháp nạn Quý Mão 1963.
Pháp âm ấy, qua ánh sáng của phương pháp Anapanassati mà bấy lâu tôi dùng để thực hành Chánh pháp Kim Cương, cũng lóe lên cho tôi thấy một khía cạnh rất thực nữa của chuyện cũ Dược Vương. Đó là, tất cả chúng ta, tất cả muôn loài, ai cũng đang tự đốt thân mình trong từng hơi thở, trong từng khoảnh khắc để thể hiện đời sống của mình. Hít oxy vào để chuyển hóa các chất liệu trong cơ thể thành những nguồn năng lượng cung cấp cho mọi hoạt động của mình, rồi thở thán khí ra, mọi sinh vật chẳng phải đang tự đốt thân mình đó sao? Có khác chăng là đốt để làm gì. Hoặc học theo phong cách Bồ tát Dược Vương đốt thân cúng Phật để hướng lên cầu tuệ giác vô thượng, hoặc chạy theo thói thường đốt thân để trầm mình trong vị ngọt chóng tan của danh lợi và thanh sắc.
Trong nỗi khô khốc vì ngọn lửa thèm khát hạnh phúc nung nấu tâm can, con người đốt thân mình để đuổi bắt hình bóng những vị ngọt xuất hiện lung linh nơi ngũ dục, y như con nai khát nước vắt kiệt sức mình chạy theo những quáng nắng hiện ra giữa sa mạc nóng bỏng. Đốt mình suốt một trăm năm để thí thân cho những vị ngọt mong manh như thế giữa cuộc đời, có khác gì đốt một điếu thuốc trên môi để tìm khoái cảm. Khoái cảm tan rất nhanh, còn điếu thuốc… thì ngắn dần. Trăm năm một thoáng chiêm bao, thân cháy mất dần, mà nỗi ám ảnh về hình bóng một cái thân bị mất chưa chịu cháy. Hai tay cháy hết dần, mà thói quen bám níu vào những gì mình gặp, những gì gọi là sở thuộc của mình, cũng vẫn hừng hực y nguyên. Tàn dư hai thứ ấy lại trở thành ma lực đẩy phận người trôi nổi trong cuộc hành trình đuổi bắt một hình bóng hạnh phúc giữa biển tử sinh đầy khổ lụy.
Học theo phong cách Dược Vương thì khác. Phải ướp thân bằng hương thơm thượng hạng, hương thơm giới định tuệ, mà đốt thân trong từng hơi thở. Đốt cách ấy mới đốt cháy hết cái đầu óc luôn bị ám ảnh về một cái tôi hạn hẹp nơi thân tâm, mới đốt bỏ được thói quen của đôi tay chuyên bám níu nơi vật, mới đốt sạch hết mọi sự xấu xa và chướng ngại trong nội tâm mà tạo cho mình cái sức mạnh có thể từ nơi thân phàm mà siêu việt đến thân Phật, giữa biển lửa cuộc đời mà ngồi trên hoa sen vô trước để hoạt dụng độ sanh, hoàn thành ân đức của Phật.
Nhìn chuyện cũ Bồ tát Dược Vương dưới ánh sáng này, tôi chợt hiểu ra, ngày xưa khi khuyên tôi trì tụng và tu tập kinh Kim Cương hàng ngày, chính Hòa thượng thầy tôi đã khéo léo dẫn dắt tôi đi vào Chánh pháp hoa sen. Suốt một đời người, Ngài đã theo phong cách Bồ tát Dược Vương, hàng ngày ướp thân mình bằng hương thơm thượng hạng mà đốt thân để cúng dường Phật và quảng bá Pháp Hoa theo tâm nguyện của mình:
Một lòng kính lạy Phật đà
Ngàn đời con nguyện ở nhà Như Lai
Con hằng bận áo Như Lai
Con ngồi pháp tọa Như lai muôn đời.
(HT.Trí Thủ)
Bảy mươi sáu năm trên đời, tùy hoàn cảnh, ngài đã đem thân phàm mà biểu hiện nhiều sắc thân khác nhau để thực hiện chí nguyện của mình: lạy Phật, tụng kinh, dạy dỗ chúng Tăng, xây dựng Giáo hội… Với chúng tôi, những đứa học trò còn nhỏ dại, Ngài đã thiêu đốt thân mình để nuôi dạy chúng tôi khôn lớn trong ngôi nhà Như Lai mà Ngài cùng các pháp lữ xây dựng.
Dưới những ngôi nhà ấy, từ Báo Quốc thâm nghiêm trên núi Hàm Long Huế, cho đến Hải Đức sừng sững giữa đồi Trại Thủy Nha Trang, và Già Lam rợp mát cây xanh ở Sài Gòn, chúng tôi được bảo bọc trong tình thương của Người để tu học, được dạy cách ăn ở theo phép lục hòa, chia ngọt sẻ bùi với nhau trong từng công tác, từng hoàn cảnh, được dạy luật dạy kinh để chập chững đi vào Phật pháp, được la rầy trị phạt để có thể trưởng thành hơn. Bằng đôi tay nhân ái, Ngài dắt dìu chúng tôi đi lên, nâng đỡ chúng tôi đứng dậy khi vấp ngã.
Dưới con mắt chúng tôi, Hòa thượng hiện ra như một người cha nghiêm mà hiền, hết lòng tác thành và thương yêu những đứa con nhỏ dại. Tình thương ấy thể hiện hết sức nhẹ nhàng và tự nhiên trong cuộc sống như hơi thở ra vào. Nhớ một buổi sáng mùa hè năm 1975, tôi cùng bốn anh em khác đang tỉa bắp trồng sắn trên miếng rẫy của chùa Già Lam ở Long Thành, thì nghe tiếng còi chiếc deux chevaux quen thuộc vang lên. Nhìn ra đầu đường đúng là xe của Hòa thượng. Chúng tôi dừng tay, chạy ra đón. Ngài cười hiền hòa, gật đầu nhận những cái vái chào, rồi cùng chúng tôi đi vào cái chòi tranh mái thấp cạnh đó. Chòi này nguyên chúng tôi chiếm lại của những con bò dưới thôn Phước Tân lên đây ăn cỏ, rồi dọn dẹp lại sạch sẽ thành nhà ở để làm rẫy. Vào trong chòi, HT bảo chú tài xế tên Nguyên Thanh, cùng cô Phật tử đi theo, lấy hũ mứt rong ra chuẩn bị nấu canh cho bữa ăn trưa. Còn chúng tôi thì dẫn Hòa thượng đi thăm rẫy một vòng. Khi mây đen kéo phủ khá dày trên trời, và gió đã trở mạnh, thầy trò quay vào lều tranh, ngồi quanh mâm cơm gồm một chén xì dầu dầm ớt mọi, một dĩa xào dăm bào bắp cải khô, và hai tô canh thượng hạng nấu bằng rau khoai trồng ở rẫy với mứt rong HT đem ra. Mới bắt đầu ăn thì mưa đổ xuống. Nhà dột, cả cơm và thức ăn món nào cũng được chan thêm nước mưa trời biếu. Vậy mà Hòa thượng vẫn ăn ngon lành với anh em chúng tôi. Nhìn cảnh ấy, tôi vừa vui vừa xúc động, chạnh lòng nhớ lại câu nói của ngài cách hai tháng trước giữa buổi họp chúng bất thường với đông đủ 110 vị trong chùa tối hôm ấy: “Mấy chú đi tu là tự nguyện, không phải do tôi rủ rê, hay dụ dỗ. Bây giờ đổi đời rồi, ai không muốn ở chùa nữa thì về, còn ai muốn ở lại, thì cùng tôi có cháo ăn cháo với nhau, có cơm ăn cơm với nhau”.
Đem tấm thân già ngày một yếu dần để chia ngọt sẻ bùi như thế với học trò, Hòa thượng chỉ mong chúng tôi được yên vui tu học trong ngôi nhà Như Lai ấm áp tình người tỏa ra từ bản thân ngài. Bù lại, chúng tôi đã làm được gì, hay chỉ như đứa con đi hoang lâu ngày mới về chưa nhận ra được cha mình, chưa dám thừa kế cái gia nghiệp của người cha giàu có? Với sự nông nổi và ngu ngơ của lứa tuổi học trò còn ham ngủ ham vui với thanh sắc giữa đời, còn mơ mộng với những phương trời hứa hẹn nơi chữ nghĩa, chúng tôi chưa cảm nhận hết tầng nghĩa ẩn sâu dưới cái sắc thân Người biểu hiện trong việc bái sám mỗi khuya. Có khi chợt thức giấc giữa mùi trầm thoang thoảng, tôi nghe tiếng ngài xướng lạy, trầm bổng theo tiếng chuông đưa xuyên qua màn đêm tịch mịch:
Cần hành Đại tinh tấn:
Xả sở ái chi thân
Cúng dường ư Thế Tôn
Vị cầu Vô thượng tuệ.
(Siêng tu Đại tinh tấn:
Đốt bỏ thân mến yêu
Đem cúng dường Thế Tôn
Để cầu Tuệ giác Phật).
Những lúc ấy, trong lòng tuy có chút băn khoăn, áy náy, nhưng cơn thèm ngủ như một bàn tay ma quái níu tôi tiếp tục nướng thân vào giấc ngủ muộn về sáng. Năm tháng qua dần như thế, tôi vẫn chưa làm sao nhận ra được hình ảnh của một con người rất thực, rất gần, đang quảng bá Pháp hoa theo phong cách Bồ tát Dược Vương: tẩm mình bằng hương trầm thanh thoát để, trong từng hơi thở, đốt thân lạy Phật cúng dường. Tôi cũng chưa làm sao liên hệ mà nhận ra được, rằng chính nhờ công phu lễ Phật bình thường ấy, mà Hòa thượng đã tạo cho mình cái phong thái siêu thoát trong mọi hoạt động giữa đời thường, tạo cho mình cái khả năng nhẫn chịu những khó khăn của thế sự, những thói hư tật xấu của học trò, cái khả năng ngồi giữa hoàn cảnh nghiệt ngã mà như ngồi giữa hư không:
Vô tận không thời vô tận ý
Thị chưa từng bận ngại gì phi.
(HT.Trí Thủ)
Nếu khi thở vô thở ra là phải đốt thân mình cháy dần trong từng hơi thở, mà không nhớ Phật, lạy Phật để vượt qua tình phàm, Ngài lấy gì để chịu đựng và vượt qua những mưa nắng của cuộc đời để có được đôi tay từ bi che chở chúng tôi yên ổn tu học?
Thế nhưng, với đầu óc còn rập khuôn theo lập trình nhận thức “a là a, vì vậy mà nói là a”, chúng tôi chưa nhận ra được chiếc áo Như lai Hòa thượng đang mặc, chiếc ghế Như Lai Hòa thượng đang ngồi.
Đến khi nhận ra được người cha, người Pháp sư truyền dạy Pháp Hoa cho mình, chúng tôi không còn cơ hội gần gũi bên Người. Bây giờ… Thầy đã đi xa, quê hương còn giữ bao la bóng Thầy (Thanh Tịnh). Hình bóng Thầy quyện với những kỷ niệm chúng tôi gìn giữ trong lòng thỉnh thoảng hiện về như những đóa sen đẹp và thơm nổi lên thanh thoát giữa ao bùn, giúp chúng tôi nhẹ bớt mùi đời, khỏe khoắn đi trên con đường mình đã chọn.
Nguyên Giác
Trích Đặc san Về Cội (2009)