Pháp thoại tại Tu Viện Lộc Uyển.
Ngày 18–05–2008.
Hôm nay là ngày 18 tháng 5, rơi đúng vào ngày rằm tháng tư âm lịch là mùa Phật Đản. Tại sao tôi gọi là mùa Phật Đản, thưa vì theo truyền thống Đạo Phật hầu hết mọi nơi đều tổ chức lễ Đản Sinh của Đức Thích Ca rất trọng thể kéo dài đến cuối tháng năm. Nói về ngày Phật Đản, người con Phật chúng ta lại nhớ về tính cách cùng phẩm hạnh của Đức Phật; bậc Đại Giác mà sự đóng góp rất lớn của Ngài cho hành tinh nầy.
Thưa quí vị, đời người đến rồi đi rất nhẹ. Ai đến rồi cũng ra đi; từ đất mẹ sinh ra rồi loay hoay chúng ta lại trở về với đất mẹ. Tuy nhiên phải kể đến sự đóng góp của con người cho đời thật là quan trọng. Sự ra đời, có mặt của một người đôi lúc chi phối và ảnh hưởng vào dòng chảy lịch sử rất lâu dài; làm chuyển biến tâm thức của một dân tộc. Và điều nầy có thực.
Ví dụ như trong quá khứ có những con người xuất hiện làm rung chuyển cả hành tinh, gây đại họa cho nhân loại, đồng thời bên cạnh vẫn có những con người đến để đóng góp những phát minh đem lại lợi ích, nâng đời sống nhân loại lên một tầng cao như hiện tại. Và neu có những người mà sự hiện diện của họ tặng cho người, cho đời một tôn giáo hòa bình, yêu thương tạo thành mảng văn hóa rất lớn, thì cũng có những tôn giáo có mặt mang đến cho nhân loại nỗi hãi hùng. Điều nầy lịch sử đã chứng minh sự bành trướng của họ trải qua bao thế kỷ.
Ngoài con người thì đất đá, loài thực vật, thảo mộc cũng vươn lên góp mặt nơi đây bằng mọi cách dù có những loài cây cỏ đời sống của chúng vô cùng ngắn ngủi. Chắc không ít quí vị ở đây đã đôi lúc lặng người, ngẩn ngơ trước một loài hoa dại bên đường, mọc cạnh hốc tường, hay trong kẽ đá… Ấy thế mà vẫn nở hoa, lặng lẽ tặng cho đời sắc hương bằng những cánh hoa nhỏ bé mỏng manh của mình. Nó nở không vì mục đích gì, nở chỉ để mà nở thế thôi.
Đối với con người sự viên mãn của một đời sống, quan trọng không ở trong sự phô trương tự thân hay những sở hữu mình thủ đắc mà hãy quay lại bên trong làm viên mãn được cuộc sống tức hoàn thiện tính cách, phẩm chất và năng lực giác ngộ của mình mới thực quan trọng. Nhìn lại quá khứ chúng ta thấy các bậc Thánh, các Ngài làm mọi việc tu tập, giáo hóa, độ sinh là điều tự nhiên. Do vì họ thành tựu viên mãn đời sống, họ khai triển tiềm năng làm Phật nơi chính họ, làm cho mình trở thành đúng nghĩa là một con người. Đây mới là đời sống đích thực. Nếu chúng ta tự làm được điều nầy cho chính mình, tự nhiên ta sẽ tỏa hương.
Tại Nhật Bản có một nhà thơ hài cú (hài cú là một thể thơ rất ngắn gồm 17 âm tiết, nếu dịch ra tiếng Việt chỉ khoảng 12, 13 chữ) nổi tiếng khắp thế giới tên là Basho, và chúng ta thường gọi là Ba Tiêu. Những câu thơ ít chữ, cô đọng và bát ngát thiền vị của ông đã làm ông trở thành một bậc thầy trong nền thi ca thiền của Nhật.
Tôi đọc lên một trong những bài thơ rất hay, đầy tuệ giác của Ba Tiêu để quí vị cùng thưởng thức: “Giữa mùa thu tàn. Vươn lên từ rác. Một cành triêu nhan.”
Giữa mùa thu tàn,
Vươn lên từ rác
Một cành triêu nhan[1].
(Nhật Chiêu dịch)
Giữa đống rác trong một ngày cuối thu, một cành Triêu Nhan nở ra tinh khôi hương sắc. Nhìn màu hoa dịu dàng giữa rác bụi trong buổi ban mai, đóa triêu nhan nở và tàn rất mong manh như nói lên dùm ta thân phận con người; người và hoa đều phù du như nhau. Hoa từ rác, và con người cũng từ chốn bụi trần đầy nước mắt, hệ lụy, khổ đau mà có mặt; đến và đi như trong mơ. Nhưng nếu biết tự đứng lên, làm tỏa hương cho chính mình trong cuộc sống và hiến tặng cho đời, ấy mới là điều quan trọng. Nếu đọc vào những văn bản của kinh điển thì chúng ta thấy những điều nầy Đức Phật đã từng khai triển. Bản hoài của Ngài muốn gửi gấm là làm thế nào cho đời sống chúng ta tự nở hoa như đóa triêu nhan nơi đám rác bụi kia, dù không bền lâu nhưng chỉ cần một lần thôi thì cũng đã viên mãn một kiếp người.
Thưa, có đôi điều quan trọng tôi muốn chia xẻ cùng quí vị hôm nay trên bước đường tu. Đức Phật từng dạy ngay nơi cõi đời nầy, ngay nơi ô trược chốn nhân gian nầy con người được sinh ra, có khả năng tu tập và thành đạo. Chưa hề có một vị Thánh, một vị Phật nào thành đạo tại thiên giới. Các Đức Thế Tôn đều thành đao ngay tại chốn nầy, ngay tại đời sống nầy hay nói một cách cụ thể hơn ngay nơi hình hài nầy, ngay nơi từng thân phận của mỗi con người. Và trong văn học A Hàm đã rất nhiều lần lập lại câu: “Chư Phật giai xuất nhân gian, chung bất ư thiên giới thành đạo giả.”: Các Đức Thế Tôn đều được sanh ra từ cõi nhân gian nầy, chưa có một vị nào thành Phật chứng quả Chánh giác ở chốn thiên cung”.
Từ bài học nầy, chúng ta cùng quay lại để thấy mình có thói quen nghĩ rằng phải làm một điều gì khác đặc biệt hơn trong tương lai, hay phải đứng khác vị trí hiện tại mới thực hành được điều mình muốn, ví dụ như muốn tu tập phải đến chùa mới tu được, muốn học đạo phải tìm kiếm một vị thầy thật giỏi mới học được. Chúng ta thường nghĩ phải nương vào thầy, nương vào một ngôi chùa, tự viện nào đó mới tu được, mới trở thành tài giỏi được. Điều nầy không hẳn đúng.Và chúng ta cũng hay thích gắn cuộc đời mình vào bất cứ một cái gì bên ngoài, không tự tin vào nơi chính mình. Đây là điều hoàn toàn trái với tinh thần của đạo Phật. Đạo Phật dạy chúng ta chính là chủ nhân ông của chính mình; chủ của hình hài nầy, của dòng sinh mạng nầy, của vui buồn, sầu khổ, bất an nầy. Vận mệnh mình, mình nắm trong lòng bàn tay. Và khi làm được điều nầy thì thưa, chúng ta giải quyết được, vượt thắng được mọi niềm đau nỗi khổ ngay chính nơi thân phận mình. Khả năng, tài ba vốn là điều tự phát từ bên trong, không một bậc đạo sư hay thần linh nào giup ta về bất cứ điều gì. Đem lại hạnh phúc hay vượt thoát khổ đau đều do chính ta làm lấy cho ta thôi.
Hạnh phúc ư? Ta làm lấy. Sầu khổ, bất an ư? Ta có trách nhiệm. Người kia dễ thương hay không dễ thương? Không phải họ dễ thương nhưng chính ta làm cho họ dễ thương. Người kia đáng ghét ư? Không có một người nào trên nhân gian nầy đáng ghét cả. Tất cả đều từ cái nhìn của chúng ta thôi. Do vậy, điều đầu tiên hãy nhớ chúng ta chính là chủ nhân của đời sống mình, chịu trách nhiệm về cuộc đời mình. Đừng bao giờ liệng đời mình vào bất cứ nơi đâu, vào bất cứ một ai. Rõ ràng nhất khi chúng ta gắn đời mình vào một ai thì sầu khổ, bất an từng bước liền theo sau. Thông thường nếu quí vị là người có nhiều niềm vui, có hạnh phúc thì ta ban niềm vui, hạnh phúc cho người đến với mình. Nhưng nếu ta và người cùng tìm đến nhau bằng hai tâm hồn cô quạnh thì, sự nương tựa, gắn chặt hai mảnh đời vào nhau lại càng đan dày thêm nỗi cô quạnh. Và chính điều nầy làm cho đôi bên càng thấy đối tượng kia vô cùng cần thiết cho mình. Vì vậy, nỗi lo lắng, sầu khổ bất an lớn dần khi quan hệ có vẻ bất ổn, không còn tươi đẹp như ngày nào.
Cho nên, điều người con Phật phải làm là hãy sống hùng, sống mạnh. Đứng vững trên hành tinh nầy bằng đôi chân mình, an trú ngay nơi thân tâm nầy, chuyển hóa nghiệp thức phiền não của chính mình. Ta hãy như đóa triêu nhan kia, vươn lên từ rác, nở hoa dâng cho đời chút sắc hương dù chỉ một lần trong buổi tàn thu.
Thưa đại chúng, từ bình diện cạn của cuộc đời thường cho đến chiều sâu của sự tu tập, ta chưa có năng lực tự tin thì ta chưa phát triển được đời sống tâm linh. Trong cuộc sống mà ta không tin vào khả năng vươn lên của mình thì không thể làm giàu, tạo dựng cơ đồ được. Nếu không vững tin ta có thể học hành tới nơi, tới chốn thì không thể thành công trên con đường khoa bảng. Trên đường tu cũng thế, ta chưa khơi mở trong trái tim mình niềm tin sau chắc ta sẽ thành Phật, chứng nghiệm được an lạc, giải thoát ngay trong hiện đời thì chúng ta không thể nào tu tập giỏi. Và chúng ta sống dật dờ, nương gá như hồn ma, bóng quế vất vưởng trên nhân gian.
Chư Phật xuất hiện trên cõi đời, chưa có một vị Phật nào trụ mãi ở hành tinh nầy đến trăm năm. Nhưng nơi đây, chính ngay cõi ô trược nầy là môi trường tốt lành nhất để con người tu tập, thành tựu trí tuệ, an lạc và giải thoát. Ngay nơi hình hài nầy, thân phận nầy, có biết bao nhiều điều kiện tuyệt vời mở ra cho chúng ta tu. Chúng ta không cần tìm kiếm một hành tinh nào khác xinh đẹp hơn trái đất nầy mới tu tập được. Mỗi con người chúng ta đều có hạt giống thiện lành, chỉ có điều là chúng ta không biết chăm sóc hay nhận ra hình hài ta đang cưu mang đây có giá trị hơn bất cứ một loại động vật nào khác. Dù rằng kiếp người không bền lâu, 70, 80 năm không là gì cả so với chiều dài cuộc sống của thực vật hay động vật khác, (có loài cây, loài thú sống đến cả ngàn năm), nhưng bên trong ta có điều kiện tuyệt vời của sự tỉnh giác; biết quay lại để đổi thay, để hoàn thiện. Nên câu Kinh trong văn học A Hàm: “Các đức Thế Tôn đều xuất hiện trong cuộc đời, chưa có vị nào thành đạo ở Thien cung.” là nguồn cảm hứng rất lớn cho các vị thầy. Câu nầy trao cho chúng ta niềm tin vững mạnh về thân phận con người. Tuy chưa thể thành tựu giải thoát, tối thiểu chúng ta cũng nắm được trong tay vận mệnh của mình. Có thể làm cho mọi thứ trở thành niềm vui, mật ngọt hạnh phúc. Nếu chúng ta tu tập giỏi thì suốt đời không có gì gọi là phiền muộn, bất hạnh, đối kháng đến với ta. Tất cả đều được ta chuyển hóa thành dòng nước mát ngay nơi đây, nơi quả đất nầy.
Trong đêm cuối cùng lúc Thái tử Sĩ Đạt Ta sắp thành tựu quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, ma vương dùng mọi cách cố hủy diệt Ngài bằng binh tướng, đao thương, lũ lụt… nhưng Ngài vẫn trụ trong đại thiền định nên những vũ khí chạm đến Ngài đều trở thành những đóa sen tươi thắm. Đây là một biểu tượng nói lên một con người với tâm thức đang an trụ vững vàng trong chánh niệm. Quí vị nếu tu giỏi, tự bên trong luôn chánh niệm trong từng ý nghĩ, trong từng động tác thì mọi thế lực xấu ác từ hoàn cảnh xã hội bên ngoài, hay phiền não, lo âu, bất an… khởi lên từ trong ta đều trở thành hương hoa cả.
Tôi chia xẻ những lời Đức Phật dạy để quí vị nắm lấy thực tập; thấy rằng ta chính là chủ nhân của đời sống mình, tất cả mọi việc đều do ta quyết định, làm chủ. Ta là Thượng Đế tạo dựng đời sống Thiên đường, Niết bàn cho chính ta, và ta có thể làm được điều nầy bằng dũng lực cùng niềm tin vững chắc. Đây là điều quan trọng. Làm được điều nầy chúng ta mới cắt được kiếp lang thang, mới trọn vẹn nhân cách của một con người; nở ra như một đóa triêu nhan. Bằng chưa làm được thì ta vẫn mãi loay hoay trong sống, chết, đến, đi, vui buồn, khổ lụy kéo dài muôn triệu kiếp.
Làm thế nào để vươn lên, viên mãn kiếp người trong cuộc đời nầy?
Thưa quí vị, bước đầu tiên trên con đường tu, chúng ta luôn phát khởi niềm tin nơi mình có Phật tánh, bước thứ hai lam thế nào nhận ra ta chính là Phật, có niềm tin sâu dày và chỉ cần làm thế nào sống được trong tâm thái nầy là vượt thoát ngoài ba cõi. Đời sống thường nhật dù tiếp cận với bao nhiêu khó khăn, phiền toái, khổ đau nhưng ta không giao động, vẫn an nhiên đi đứng, nói cười vì ta an trú được trong trạng thái bất động của tâm để hành xử.
Tôi trích dẫn ra đây hai câu trong bài kệ dài do Bảo Tích xướng lên ca ngợi Đức Phật khi các vị Bồ Tát về thăm Ngài. (Kinh Duy Ma Cật: Phẩm Phật Quốc): “Năng thiện phân biệt chư pháp tướng. Ư đệ nhất nghĩa nhi bất động”: Khéo phân biệt các pháp tướng rành rẽ, thế nhưng nơi đệ nhất nghĩa vẫn bất động”, có nghĩa là hiểu biết rõ ràng tường tận về tất cả pháp của nhân gian như một vị thầy thuốc giỏi. Nhìn là sáng tỏ mọi điều; phân biệt mọi việc, nhận biết mọi việc đến với tai, mắt, mũi… thế nhưng tâm luôn trụ trong vùng trời bất động của Như Lai. Khi ta bước vào cõi giới nầy, tức ta đang an trú trong tâm Phật sáng chói, rỡ ràng bất động của chính mình. Ta phân biệt rõ ràng được mọi thứ, nhận biết mọi thứ, sống và xử sự như mọi người trong cuộc đời nhưng ta không giống mọi người vì tâm ta là cảnh giới tịch tĩnh bất động. Đây là phương pháp mà tôi muốn quí vị đi vào phát khởi niềm tin nhận ra vị Phật trong ta.
Nếu đọc thêm vào Kinh Duy Ma Cật ta sẽ thấy có một chương đặc biệt nói về cảnh giới bất động của Đức Phật quá khứ, và khi Thế Tôn giới thiệu về cảnh giới nầy thì các vị Thanh văn, các vị Trời đều muốn được nhìn thấy. Đức Phật bảo Ngài Duy Ma Cật có thể giúp các ông thấy được cảnh giới của đức Như Lai ở cõi A Súc.
Sau khi Thế Tôn dạy lời nầy, Ngài Duy Ma Cật vươn dài cánh tay của mình đến tận cảnh giới bất động xa hàng triệu năm ánh sáng: cầm cảnh giới lên tay mình như cầm quả cam trân trọng đặt trước mặt thính chúng. Đây là một hành tinh xa xôi, đầy sinh dân đang cư trú nay tự nhiên có người mang đặt lên cõi Ta bà mà vẫn không nhỏ lại. Các vị Bồ Tát trên cảnh giới ấy cảm nghiệm hành tinh rung chuyển, rồi không hiểu vì cớ gì bị người lấy đi. Đức Phật bất động trả lời: “Đấy là do thần lực của Duy Ma Cật.” Điều kỳ lạ và ngạc nhiên là không ai nhận ra được độ rung của hành tinh khi di chuyển, hoặc vỡ tung khi chạm phải địa cầu. Và họ cũng không thấy không gian cõi Ta bà thay đổi một mảy may.
Quí vị khi nghe chuyện chắc sẽ nghĩ rằng là huyền thoại. Nhưng thưa, nếu chúng ta tu tập giỏi, có định lực, có năng lực hùng hậu thì ta thể nghiệm rõ được điều nầy. Tuy còn tâm thức của con người đứng trong cõi phàm, nhưng ta cũng có thể an trú trong định bất động để hành xử như các vị Bồ Tát ngày xưa. Làm thế nào đứng trong thân phận con người với tâm thức của phàm phu nơi cõi ô trược thế nầy mà chúng ta có thể chứng nghiệm, và nhìn được cảnh giới bất động như người xưa? Một ví dụ thực tế rất gần với chúng ta là những khi tâm ta xao động, bất an vì lo âu, phiền muộn thì hoàn cảnh, không gian chung quanh tù túng, ảm đạm, hắt hiu. Nhưng khi lòng ta rộn rã niềm vui (được lên chức, con cái học hành thành đạt ), thì cũng trong không gian ấy, hoàn cảnh ấy, cũng ngôi nhà nầy nhưng ta thấy hình như rộng hơn, hoa cỏ tươi hơn, không gian thênh thang hơn. Và trong đời sống vật lý người ta đã từng làm được điều nầy. Chỉ với một vuông sân nhưng tùy theo cách trang trí của chủ nhân: một viên đá, một gốc tùng, màu cỏ xanh mướt cũng làm cho không gian trở thành thoáng đạt, cho ta cảm giác thư thái khi ngắm nhìn.
Từ ví dụ nhỏ nầy, quí vị quay về tâm thức để nhận ra một điều từ trái tim, ta tạo ra không gian của đời sống gia đình, của hoàn cảnh ta sống. Và cũng từ trái tim ta, ta làm cho năng lượng bình yên, yêu thương, tràn đầy trong ta. Không những chỉ mình ta thưởng lãm được niềm an bình của chính mình mà người bên cạnh ta, chung quanh ta cũng cảm nghiệm được đều nầy. Đấy là tầng cạn của tâm bất động.
Bước vào tầng sâu của tâm bất động: khi những hoàn cảnh khó khăn đến với ta, phủ lên đời ta bao nhiêu là nhọc nhằn, nếu chưa có năng lượng tu tập thì người đứng bên cạnh sẽ nhìn thấy ta rất tội nghiệp. Nhưng với người tu tập giỏi thì, hoàn cảnh dù đổi thay; khó khăn hay vui buồn chỉ là trò chơi, chẳng có gì dính đến ta cả. Tất cả đều sinh khởi, biểu hiện từ tâm thức của chính ta chứ không phải do bao nhiêu việc đến từ bên ngoài.
Do vì gắn cuộc đời mình vào hoàn cảnh, vào con người mà ta khổ lụy. Đến đi, mất còn là chuyện rất thường, vậy mà người đến thì lòng ta mở hội:
Gặp một bửa anh đã mừng một bửa.
Gặp hai hôm thành nhị hỷ tâm hồn.” (Thơ Nguyên Sa).
Người chưa mất ta đã cảm thấy buồn, vắng một ngày là ta thấy sầu nhớ, tưởng tượng vu vơ rồi thắc thỏm, lo âu. Rõ ràng là không phải chuyện đến, đi làm mất mát mà do tâm thức của chính ta làm cho đời ta trở nên đau thương. Ta có mặt trên nhân gian nầy không vì một ai, đến đi chưa hề vì ai. Ta đến nơi đây đơn độc một mình, rồi ra đi vào cõi mịt mù cũng chỉ mình ta. Chưa hề có một cuộc sống dính liền với ai từ kiếp nầy qua kiếp khác. Ta có nhau nhiều lắm là 30, 50 năm, thế mà ta mượn những tạm bợ, bấp bênh của đời, của người gắn liền vào mình, xem họ là một nửa của đời mình rồi loay hoay tìm kiếm.
Nếu hiểu hợp, tan là lẽ thường của đời sống thì thưa quí vị, chúng ta đủ thông minh để biết đừng bao giờ gắn mình vào bất cứ cái gì, vào bất cứ ai, mà an trú ngay trong chính mình là cắt đứt mọi ràng buộc vướng mắc. Làm được điều nầy chúng ta đã chứng nghiệm được tầng bất động thứ hai.
Hãy thử quay lại quán chiếu tự thân, chúng ta đã an trú trong trạng thái bất động nầy chưa?
Ở mức độ thâm sâu nhất trạng thái bất động nầy chính là Như Lai, chính là tâm Phật của chúng ta. Là con mắt Phật rực sáng trong trái tim quí vị. Chỉ cần mở mắt ra là quí vị nhìn thấy, là nhận biết. Nhận biết nầy là con mắt Phật vô sinh bất diệt, vốn bất động mà ta đang xử dụng hàng ngày. Những tiếng thì thầm, những cảm thọ vui buồn khởi lên, mất đi liên tục đều không vượt thoát khỏi sự “nhận biết” nằm trong hình hài năm uẩn của chính quí vị. Năm uẩn nầy là phiền trược, nhiễm ô như bãi rác. Chính từ bãi rác làm nở ra đóa triêu nhan: “Giữa mùa thu tàn. Vươn lên từ rác. Một cành triêu nhan.”
Thưa đại chúng, nhân ngày Phật Đản năm nay, điều cuối cùng tôi muốn nhắc nhở là quí vị đều sở hữu một gia tài rất lớn. Gia tài đó không có nghĩa là vật chất quí vị đang có, không có nghĩa là tiền nhiều trong ngân hàng, không có nghĩa bao quanh quí vị nhiều người mến thương, quí trọng. Tất cả chỉ như đóa phù dung sáng nở tối tàn, như làn hương thoảng qua không giữ lại được. Nhưng phù du hơn tất cả là chuyện thương ghét của con người. Thử quay lại để ý đến chính mình thì trong một ngày ta thương đó, ghét đó bao nhiêu lần. Vậy mà ta than phiền; muốn mọi người, mọi việc đều theo ý mình. Ta đầu tư đời mình cho những chuyện thương ghét, ưu sầu, giận hờn, khổ lụy không đâu, ta tự làm cho đời ta khô héo. Trong khi quan trọng nhất trong mỗi kiếp sống là ta làm cho đống rác hình hài nầy vươn lên cành triêu nhan, nở một đóa hoa toàn vẹn trong trái tim mình. Ấy thế mà ta không làm được, ta cô phụ chính mình.
Thưa, Đức Thế Tôn chỉ một lần nở hoa đã mang hương sắc tặng cho hành tinh nầy. Hình thành một tôn giáo mà từ bi và trí tuệ siêu việt đã nâng dậy đời sống nhân loại trên mọi lãnh vực. Chúng ta tuy không làm viên mãn một kiếp người như Đức Thế Tôn, ít nhất cũng làm cho hoàn cảnh sống của mình trở nên đẹp, lành, mang cho những người khi đến với mình suối nguồn của sự an lạc.
[1] Hoa triêu nhan màu tím thẩm, nhụy trắng. Là một loài hoa dây leo cùng họ với hoa bìm bìm.
[trích Cành triêu nhan | Mười bốn bài pháp thoại]