Huyết Âm là chữ của Nguyễn Lương Vỵ hay dùng trong thi ca của ông, như muốn nói rằng, máu có âm thanh, máu vang lên âm điệu, máu có âm nhạc. Hoặc có thể hiểu ông ngầm nói, từng chủng tử trong thân luôn ca hát, và ông đã có các thi phẩm về ÂM này: Hòa Âm Âm Âm Âm (2007), Huyết Âm (2008), Tinh Âm (2010), Bốn Câu Thất Huyền Âm (2011), Tám Câu Lục Huyền Âm (2013), Âm Tuyết Đỏ Thời Gian (2019) là thi tập sáng tác sau cùng nằm trong số 11 tập thơ chủ đề, đã in ấn. Trong lãnh vực Đạo, bậc Thầy Tổ nói rằng, bao giờ tất cả chủng tử trong thân được huân tập tịch tịnh, tức khắc người tu hành ấy đắc Đạo. Các vị cũng có nói, tâm hồn thi nhân rất gần ngưỡng cửa Giác Ngộ Đạo. Thi-kệ được dùng trong hầu hết tôn giáo ở phương Đông. Kinh Koran được ngâm diễn một cách thượng thừa.
Tôi có thấy, khi một người mang “cái nghiệp nghệ sĩ”, từ nghệ sĩ hội họa, nghệ sĩ âm nhạc, nghệ sĩ phim ảnh, nghệ sĩ kịch trường, nghệ sĩ cải lương… nhẫn đến nghệ sĩ chữ nghĩa; tất cả những người mang nghiệp sĩ này đều có cái “thú”, mà Lê Uyên Phương gọi là “thú đau thương”. Cái thú có cái “vị” của nó, nên mới có chữ “thú vị”; hai chữ ghép lại thành một từ ngữ, là sắc thái đặc thù của tiếng Việt, nếu ai cắc cớ ghép thêm chữ kèm vào chữ THÚ thì có lắm ngạc nhiên thú vị. Và từ khi biết rằng cái VỊ của THÚ ĐAU THƯƠNG của người nghệ sĩ là một thứ mùi vị mà nếu mình không thể nếm được hay chia sẻ được, thì mình không nên phê phán nó; từ đó tôi luôn nghiêng mình tôn trọng một con người nghệ sĩ.
Hai người mần thơ ở chung nhà, Nguyễn Lương Vỵ và Lê Giang Trần.
Nhà Thơ Nguyễn Lương Vỵ, tên và chữ lót còn có ý nghĩa nôm na là một vị lương thiện, một người lương tri, một mùi vị hiền lương. Rồi chàng thanh niên này sớm sủa trở thành thi sĩ năm 1969, ở tuổi 17. Trở thành thi sĩ là một định mệnh không ngẫu nhiên, nhưng không cần thiết trình ra nguyên ủy nhân duyên. Tuy nhiên có thể nói, thi nhân là một người hát ca nỗi lòng của mình, ca hát tâm hồn và trái tim của mình một cách hồn nhiên không ngằn ngại. Milarepa đã hát tụng đến 10 ngàn bài Đạo ca, Nietzche và Henry Miller cũng là hai nghệ sĩ hát ca, cuồng nộ và cuồng nhiệt, một cách triết lý và văn chương, về con người. Nay lại thấy Nguyễn Lương Vỵ là một nghệ sĩ hát ca tận tụy về tư duy bằng thi ngữ văn chương và ẩn mật. Trong Kinh Pháp Cú, đức Phật bảo rằng, “Chúng ta là những gì chúng ta tư duy”. Mình trở nên, trở thành, biến thành, hóa ra… một nhân-cách-sống, đó là hệ quả kết tựu từ sự suy nghĩ của trí tuệ, tuệ giác. Cũng không ngạc nhiên khi Tâm-Lý-học cho biết còn có người có đa nhân cách. Nhân cách thi nhân chỉ là một trong một con người sống trong xã hội đời thường. Đôi lúc giật mình:
Từ khi tôi trở thành tôi
Đôi khi chẳng phải là tôi đang là
Có khi tôi rất lạ xa
Ít khi tôi tự hát ca nỗi lòng
(LGT)
Một trong vài bài thơ đầu đời đăng đàn bấy giờ của Nguyễn Lương Vỵ đã như một định mệnh, một lá số tử vi chấm cho cả cuộc đời của thi nhân này, bài thơ hay và mạnh, đăm đẵm một điệu sầu hát ca bi mẫn:
ÂM NHẠC
Ghi trên nền nhạc giao hưởng số 5 của Ludwig Van Beethoven
Âm nhập cốt
Âm binh phiêu hốt tiếng tru
Ta tru một kiếp cho mù mắt
Mù lệ đề thơ để nhớ đời
À ơi! Rượu đỏ hoàng hôn tắt
Ta dắt hồn ta túy lúy chơi!
Âm nhập cốt
Âm vàng mấy gót hồ ly
Vạn kỷ cung thương còn réo rắt
Còn ru ta mãi quãng đời xanh
À ơi! Ai hát ngoài phương Bắc
Chờ nhau tinh đẩu sáng long lanh
.
Tiếng đá ngân nga chìm giếng lạnh
Sói đầu mây bạc áng thiên tinh
Ô hô! Quan tái đà xao xuyến
Giọt máu năm xưa bỗng tượng hình
Lâng lâng tinh khí xuất luân hồi
Nguyệt thở thơ bay rợp nắng đồi
Khuya khoắt ta nằm trong lá mới
Dìu nhau hoan lạc quỷ nương ơi
Quỷ nương cốt đá ta cốt mây
Ôm ấp ngàn thu sương chớp vây
Trống mái ướt dầm cung bậc chín
Reo suốt thinh không đợt sóng gầy
Thạch cầm vỡ
Ngàn năm thơ thẩn với âm vang
Ta ôm trời đất sầu vô hạn
Thương nhớ Thanh Xuân mộng úa tàn
À ơi! Dâu bể chưa khô cạn
Chưa dứt tâm tư vọng ngút ngàn…
03.1970
Bài thơ này làm tôi đọc rởn da gà. Thơ Nguyễn lương Vỵ xuất hiện và anh nổi tiếng từ đó. Và anh cho biết thêm, một thi hữu xuất hiện cùng thời cùng thành danh là thi sĩ Võ Chân Cửu, tình bạn này đã thắm thiết cho đến khi anh Cửu về trời trước ngày lễ Chúa Giáng Sinh khoảng 2 tuần, 2020; thế rồi anh Vỵ lại ra đi vào ngày 17 tháng 2, 2021, 5 ngày sau đầu năm Tân Sửu.
Trước tin đau buồn này, Đặng Thơ Thơ nói “Anh Trần viết bài cho anh Vỵ đi…” vì Thơ Thơ biết tôi có một khoảng thời gian sống bên cạnh nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ. Bài viết tản mạn này ghi lại theo trí nhớ vài tâm tình ý nghĩa trong cuộc sống đời thường mà chúng tôi đã cùng nhau chia sẻ.
Thi sĩ Trần Quang Ngân đến quận Cam thăm Nguyễn Lương Vỵ
và đi cà phê cùng Lê Giang Trần tại quán Picasso.
Tôi cùng tuổi với Nguyễn Lương Vỵ, và cũng làm thơ, nên khi quen biết nhau đã nhanh có lòng quý mến, sau đó trở thành bạn. Tôi không biết anh lúc tôi còn trẻ ở Việt Nam. Anh đến quận Cam định cư, thơ anh đăng trên báo chí nên tôi có đọc và lưu ý đến nhà thơ này ngay. Hỏi thăm vài bạn thi văn thì có người nói ông này làm thơ “điên điên” và cũng ít gặp ông. Nhưng rồi tôi cũng có cơ duyên gặp anh.
Một hôm anh đưa tôi về nhà anh ở thuê phòng để cho biết. Hóa ra chủ nhà là Nguyễn Sơn và vợ là ca sĩ Thiên Hương, hai vợ chồng là chủ quán cà phê Tao Nhân, một quán cà phê quen thuộc mà anh em viết lách rất thân tình vì Thiên Hương và Sơn dành cho những buổi ra mắt sách, ra mắt băng nhạc, như Cao Đông Khánh ra mắt tập thơ “Lửa Đốt Ngoài Giới Hạn”, Phạm Công Thiện ra mắt nhiều tác phẩm, trong đó có “Đi Cho Hết Một Đêm Hoang Liêu Trên Mặt Đất”, Vô Thường ra mắt hầu hết những băng đĩa đàn guitar… cũng như một số văn-thi sĩ khác, trong đó có Nguyễn Tất Nhiên, Cao Xuân Huy… Còn nhớ thêm, sau một buổi ra mắt sách, nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng ôm đàn hát cho anh em nghe bản nhạc anh vừa sáng tác, “Đêm Nhớ Về Sài Gòn”, làm cho cả bọn trĩu buồn rớm lệ. Thành ra, nhờ anh Vỵ mà tôi gặp lại Sơn và Thiên Hương sau một thời gian dài do tôi đã không còn đi ra ngoài phố nhiều nữa. Sơn và Hương rất thân tình với nhóm của tôi bấy giờ, Hương được Lữ Mộc Sinh gọi là “con nhạn trắng Qui Nhơn”. Thật buồn, sau đó một thời gian, Thiên Hương lâm bạo bệnh và qua đời để lại bao tiếc thương trong thân hữu. Cặp vợ chồng này sống thật hạnh phúc bên nhau.
Rồi anh Võ Chân Cửu qua Mỹ 2 lần, đều đến Little Saigon để thăm anh Vỵ, ở nhà tôi vài hôm, cùng nhau đi cà phê, thăm viếng các bạn, nhanh chóng trở nên thân tình với nhau. Tôi về Việt 2 lần đều được anh Cửu tiếp đãi tận tình, đến nhà anh ở Bảo Lộc chơi đôi hôm. Chuyến về năm 2019 là lần gặp và chia tay vĩnh viễn với anh Cửu. Anh Vỵ đã rất đau buồn khi nghe tin anh Cửu đổ bệnh nặng.
Sơn và Thiên Hương buộc phải trả nhà nên anh Vỵ tìm nơi thuê trọ khác. Anh thấy tôi lúc đó te tua đủ chuyện nên anh thương tình, nói với tôi, “Tôi về ở nhà anh cho có anh em hủ hỉ”. Thế là căn nhà có đến 2 người mần thơ. Tôi nói với nhạc sĩ Lại Tôn Dũng, là người bạn thân, đã phổ 10 bài thơ của Nguyễn Lương Vỵ rất hay, rằng, “Đây là cơ duyên mình được sống gần gũi với một người hiền và một nhà thơ lớn, Anh Vỵ đến ở nhà tôi là một tình thương dành cho bạn chứ không phải anh thiếu chỗ ở thuê.”
Thầy Huỳnh Kính viện chủ Chùa Lá, Gò Vấp sang Mỹ đến thăm thi sĩ Nguyễn Lương Vỵ,
cùng ăn bữa cơm chay với các thân hữu tại nhà Lê Giang Trần.
Dũng là người bạn tôi đã quen từ hơn 30 năm, ở những tháng ngày còn trẻ trung, vui nhộn, lúc đó anh Phạm Công Thiện chọn ở nhà tôi chơi nhiều ngày mỗi khi xuống Sài Gòn Nhỏ, do tôi có nhóm bạn bè mà anh đều thương mến, nên Dũng hiểu ý tôi muốn nói rằng, mình gặp anh Vỵ cũng như thời tôi có duyên gặp những anh chị, bằng hữu, những người nghệ sĩ thứ thiệt. Qua anh Thiện thì vinh hạnh được quen biết các bậc đàn anh trưởng thượng đã thành danh nổi tiếng, điển hình gần gũi như anh Lê Uyên Phương, anh Mai Thảo, còn anh Du Tử Lê thì tôi có dịp quen riêng. Thời gian lần lượt mang các bậc trưởng thượng này về lại uyên nguyên. Trong nhóm điên ăn nhậu tụi tôi cũng dăm người đã ra đi: Cao Đông Khánh, Vô Thường, Lữ Mộc Sinh, Cao Xuân Huy, Nguyễn Tất Nhiên. Ngoài ra chúng tôi cũng thân tình với các anh Hùng Cường, Duy Khánh, Trầm Tử Thiêng, cũng đã về trời. Nên nói với Lại Tôn Dũng để thấy rằng có duyên rồi lại hết duyên, vậy khi mình gặp được “thiện tri thức” nên hết lòng quý trọng và tri ân, vì mình được tiếp nhận thêm thiện lành cho tâm thức mình. Cảm ơn những tấm chân tình / Bạn dành cho bạn – lung linh nắng vàng.
Tôi làm nghề layout sách báo nên đã làm cho anh Vỵ những tập thơ từ khi anh ở chung nhà được gần 4 năm. Tuyển tập thơ 50 năm là tác phẩm cuối của anh, tập hợp lại 11 thi tập sáng tác và những bài thơ tuyển từ 1969-1975, chia thành 2 tập, khoảng 1500 trang; tôi dàn trang hoàn tất, Trịnh Y Thư / NXB Văn Học đã in xong trong tháng 11-2020; do mùa dịch lại nổi lên nên anh gửi tại nhà nhà văn Lê Lạc Giao, dự định chờ dịch lắng xuống sẽ cùng Lê Lạc Giao, Lê Giang Trần, làm một buổi ra mắt bỏ túi ở nhà Tô Đăng Khoa để tặng sách cho thân hữu. Nhưng rồi anh đột ngột trở bệnh phải nhập viện, sau 4 tuần, anh lặng lẽ ra đi. Một số thân hữu chúng tôi dự định sẽ bàn chuyện ra mắt bộ thơ tuyển 50 năm của anh khi hoàn cảnh cho phép, và đó cũng sẽ làm ngày tưởng niệm thi sĩ Nguyễn Lương Vỵ.
Anh Du Tử Lê như người anh ruột của cá nhân tôi, nên nhân đây xin phép nhắc lại một chút. Chị Hạnh Tuyền giao tôi làm 4 quyển toàn tập thơ của anh Du Tử Lê. Khi in xong, chị định trong ngày giỗ đầu của anh sẽ có 4 quyển thơ toàn tập này đặt nơi bàn thờ như là món quà cho anh vui, và chị sẽ mời một số thân hữu đến dự buổi cúng giỗ tổ chức ở chùa. Nhưng rồi giữa tháng 3, 2020 quận Cam đã nằm trong tình trạng bế quan tỏa cảng, cách ly xã hội, ngày giỗ đầu của anh Lê đành thu gọn trong gia đình.
Để thấy, Tang lễ vẫn còn bị tình trạng đại dịch ảnh hưởng nặng nề, Peek Family cho biết, khi gia đình chúng tôi đến đặt ngày tang lễ / hỏa táng cho người cháu trai mất ngày mùng 2 Tết, danh sách của Tang Nghi Quán chờ đợi thực hiện tang lễ dày đặc. Hiện trung bình thì lễ địa táng phải chờ 1 tháng, lễ hỏa táng chờ 2 tháng, kể từ ngày thuê đặt việc tang lễ ở nghĩa trang này.

Nguyễn Lương Vỵ, Thành Tôn, Nguyệt Mai, Trịnh Y Thư, Hải Hồ, Lê Giang Trần.
Ngày 18-02-21 thức dậy nghe bà xã Hải nói trên mạng FB đã có vài thông báo anh Vỵ mất. Tôi ngồi cà phê ở hiên trước nhà, mở FB để xem qua. Có hai lời bình luận trong một thông báo của một thân hữu loan tin thi sĩ Nguyễn Lương Vỵ qua đời, thay vì tỏ lời thương cảm một nhà thơ ra đi thì lại nói rằng ông thi sĩ này cuồng Trump, coi thường con covid 19 nên bị lây mà chết; còn lời kia nói ông này chơi với nhóm cuồng Trump nên bị chết nhiễm covid. Sao họ biết chắc chắn anh Vỵ nhiễm covid?? Tôi cảm thấy buồn vô hạn. Anh Vỵ ở trong chung cư dành cho người già, nơi có y tá chăm sóc, mùa dịch nơi này cấm cửa ra vào. Anh Vỵ không nói động gì đến chuyện bầu cử, thế mà vừa nhắm mắt đã bị vu khống bằng một giọng điệu rất hả hê, đáng đời nhé!! Người đăng thông tin có lẽ chưa đọc đến, nên chưa kịp hủy 2 lời bình chú bất nhân này.
Riêng tôi nghĩ về người thi sĩ này, từ khi biết anh đến khi thân tình, anh là một con người nghiêm trang nhưng dạt dào tình cảm, nhân cách anh khiến người ta nể trọng hay thương quý. Anh đã nhận chịu nhiều nghiệt ngã trong cuộc đời. Ông 13 tuổi đã phải sống bụi đời, bươn chải để tiếp tay mẹ nuôi mấy đứa em, cố gắng học hành xong đại học. Được học bổng du học của Vạn Hạnh thì mẹ anh than thở, con là anh cả, đi du học thì mẹ ở nhà không đủ sức cho các em học hành đến nơi đến chốn, Thế là anh hủy bỏ, cố gắng lo cho người em trai học ra Bác sĩ, cô em gái học ra Dược sĩ. Đã vậy, còn một người em trai của anh bị bệnh tâm thần, anh phải cùng hai em chăm nuôi cho đến khi người em này qua đời, và anh đã cố gắng hoàn thành tập thơ ĐIÊN cho người em thi sĩ điên xấu số này. Người anh cả do vậy, đã được các em kính trọng. Hai cô con gái anh là Quế và Phương đều rất hiếu thảo và thương kính ba mình, đã lo liệu cho anh khi phải mổ để nối thông ba đường động mạch tim bị nghẹt. Từ đó anh phải ở trong chung cư có y tá chăm sóc, cho đến khi vĩnh biệt ra đi.
Qua Mỹ, chỉ sau vài tháng sum họp gia đình, anh lại sống trong cô độc và lặng lẽ, tuy nhiên thơ là cứu cánh đối với anh, nên anh tâm sự với tôi về cuộc đời anh đã trải qua, nhận chịu những gì trong thời chiến tranh và sau khi chấm dứt chiến tranh, anh đều không mang lòng oán hờn hay thù hận, im lặng sống bình thản, “mần thơ” là chính, mấy thứ khác thì quên đi cho nhẹ nhàng. Ba năm liền từ khi anh đến ở chung nhà, là 3 tập thơ sáng tác và phát hành, năm sau là tập thơ dịch Thơ Trần Nhân Tông. Chưa kể soạn in tuyển tập 45 năm thơ.
Khi layout những tập thơ của anh, tôi đọc say mê và thú vị vô cùng, thấy rõ ràng nếu anh là con người trái với những gì anh nói, những gì anh sống, thì con người như vậy sẽ không có những dòng chữ thơ tuyệt vời được. Tôi cười với anh, chấp tay xá xá nói, “thơ anh hay quá, tôi khẩu phục tâm phục, cái kiểu thơ anh khó ai làm ý tứ xuất sắc hay ho được như anh.” Ngoài tôi, còn có Tô Đăng Khoa, người rất yêu quý thơ Nguyễn Lương Vỵ, đã viết hai lời tựa cho 2 tập thơ của anh. Khoa làm việc theo ngành học ra trường, nhưng còn là một thiền giả, nghiên cứu về đạo Phật một cách nghiêm túc, đặc biệt nhìn dòng thơ của Nguyễn Lương Vỵ là thơ “xuất thần”, minh triết, chứa chan tính đạo của thiền đạo, thi đạo, tâm đạo. Những bao la ôm trùm, những ẩn chứa sấm sét, những ngôn ngữ bùng nổ, mà tôi muốn nói ngắn gọn giang hồ, võ công thi ca của Nguyễn Lương Vỵ là tuyệt đỉnh của “THÚ ĐAU THƯƠNG.”
Quý vị sẽ thích thú nếu đọc bài viết về thơ ông của Tô Đăng Khoa, hay của Trịnh Y Thư, sẽ thấy còn có thêm phạm trù Triết lý tiềm tàng trong thơ ông, kể cả bài viết của nhà văn Lê Lạc Giao về 45 năm thơ của Nguyễn Lương Vỵ cũng thế, và cộng thêm cái nhìn toàn diện một đời mần thơ của người thi sĩ xứ Quảng này. Nói chung, tất cả bài viết về thơ của người thi sĩ này đều rất thơ mộng về dòng thơ của ông, Nhất là Nguyễn Thị Khánh Minh, công nương thi-văn-sĩ này rất thân tình với anh Vỵ từ khi còn ở Việt, nên có hai ba bài viết về thơ anh bằng tất cả chân tình, bằng chữ nghĩa thơ mộng trong sáng đặc biệt hấp dẫn của nàng. Đây cũng là một thi sĩ mà tôi rất ngưỡng mộ và nhờ có anh Vỵ mà thêm thân tình. Nước mắt khóc thương bạn của nàng sẽ làm cho sơn tinh chìm ngập.
Đặc biệt, dòng thơ anh Vỵ đã hấp dẫn nhạc sĩ Lại Tôn Dũng phổ hơn 10 bài thơ thành những ca khúc tuyệt diệu. Du Tử Lê lưu ý đại khái rằng 50 năm thơ của Nguyễn Lương Vỵ là một đoạn đường dài mà nhà thơ vẫn tinh anh ngôn ngữ và rực rỡ tứ thơ. Thật vậy, nếu nhìn những nhà thơ đồng hành một thời cùng ông, sẽ thấy ông là một dòng sông khỏe mạnh như Hoàng Hà cuồn cuộn ầm vang, sức sáng tạo của ông vẫn dài hơi, mãnh liệt và chữ nghĩa đẹp đẽ óng ả.
Từ trái: Họa sĩ Nguyễn Đại Giang, Ngô Tịnh Yên, Lê Giang Trần, Nguyễn Lương Vỵ, Trịnh Thanh Thủy.
Bài tản mạn này sẽ làm thất vọng người tò mò về đời tư của Nguyễn Lương Vỵ. Những điều mà tôi thiết nghĩ, nếu không có một tâm hồn thiện lành để vô ngại, một bi hạnh Bồ Tát để không chấp trước, vượt qua vượt qua, bay lên ngọn đỉnh trời của tình yêu cao thượng, thì không thể nào trổ-hoa-thơ ngào ngọt thơm mùi sữa đòng đòng của bạt ngàn đồng lúa, hay mênh mông rừng anh đào rắc cánh dệt mơ. Một triết gia phương Tây nói, cái đau khổ cùng tột nhất chính là cái nuôi dưỡng ta trở nên mạnh mẽ và hùng vĩ; giống như vậy, bùn dưới ao sen chỉ là tố chất bồi dưỡng cho củ sen đâm ngó vươn lên vươn lên, nở thành đóa sen thơm ngát tinh khiết, hương vị mà chất phân bùn nhận chìm củ sen không thể thưởng thức được. Ngược lại, giống như trong thiên nhiên cũng có một số loại bông hoa trông rất diễm lệ thu hút, nhưng nếu khứu giác ngửi phải mùi hương của rực rỡ đó thì đó là một thứ độc hoa, có thể làm bị say, bị mê, đến có thể ngộ tử.
Ở đây muốn nói rằng, thơ của Nguyễn Lương Vỵ là chất con người, là tâm hồn, là bổn tánh, là bản lai diện mục của thi nhân, là những cung bậc của huyết âm, những tấu khúc của tế bào. Nếu bằng trái tim, bằng tâm hồn của mình cảm nhận thơ thì dậy lên nỗi xúc cảm, đồng cảm, và trân trọng. Dùng lý trí soi rọi thơ thì sao? Lý trí là thứ sinh ra bản ngã, nhiệm vụ của nó làm thỏa mãn cái tôi. Nếu cái tôi nào đọc thơ mà lớn hơn bài thơ, hay cho là tôi lớn hơn người mần thơ, thì người thơ và bài thơ khốn nạn là cái chắc. Tôi không trích bài thơ nào của Nguyễn Lương Vỵ làm về sau này để quảng cáo cho thơ anh, tôi chỉ ghi thêm một bài thơ năm 1969 của anh, hai bài thơ thuở đầu đời này là chất than nguyên thủy, tiền thân của những hạt thơ kim cương trong tương lai:
NGUYỆT XƯA
Về đây phố cũ Nguyệt xưa
Sương lam trong mắt, cơn mưa ngoài trời
Mái hiên gió tạt chỗ ngồi
Quán khuya se lạnh những lời tro than
Nguyệt xưa, xanh quá hồn đàn
Gọi hồn biển thức, chìm tan bến bờ
Ngồi im cho lắng bất ngờ
Nhìn lâu cho thấu dại khờ rưng rưng
Nguyệt xưa, xanh quá hồn rừng
Dáng em huyễn mộng thơm lừng bao la
Ngồi im cho lắng gần xa
Nhìn lâu cho thấu quê nhà đăm đăm
Về đây phố cũ thì thầm
Lang thang bóng nhỏ hoài âm không lời
Cho ta gửi lại nụ cười
Mai sau vẫn nhớ một trời Nguyệt xưa…
Tam Kỳ, 1969
Để dừng lại, tôi nói về khuyết điểm của tôi. Thường thì tôi viết về thân hữu khi còn đang sáng tác. Có những người gặp nhau rồi chơi rất thân, gần gũi nhiều năm trời, điển hình như anh Cao Đông Khánh, anh Phạm Công Thiện, bạn Nguyễn Tất Nhiên, Vô Thường, Cao Xuân Huy, Lữ Mộc Sinh, khi ra đi, tôi không viết được một bài nào. Có thể nỗi đau buồn mất mát đã làm tôi không viết gì được, mặt nào đó, anh em đã chơi hết tình với nhau, không còn chi hối tiếc, thân tình ra đi thì mình niệm Phật tiễn tình ấy ra đi. Nỗi buồn đau riêng của mình thì giữ trong lòng chứ không bộc lộ ra. Vậy đây không phải là bài tưởng niệm người thi hữu thân thương Nguyễn Lương Vỵ, chỉ đơn thuần tản mạn đôi điều với NGUYỄN LƯƠNG VỴ ĐANG LÀ, LUÔN LUÔN ĐANG LÀ. Chưa có người thi sĩ nào chết cả, phải không anh Vỵ.
Bữa tiệc của nhà văn Lê Lạc Giao tổ chức tại nhà, cùng một số thân hữu chào đón nhà thơ Võ Chân Cửu
đến Little Saigon thăm Nguyễn Lương Vỵ. Từ Trái: Lê Giang Trần, Võ Chân Cửu, Nguyễn Lương Vỵ.
50 năm Thơ của thi sĩ Nguyễn Lương Vỵ giống như một quặng mỏ kết tinh theo thời gian trở thành kim cương. Đạo Phật mượn tính chất Kim Cương biểu ý sự “bất hoại” đứng ngoài thuyết “vô thường.” Ngôn ngữ thơ ông ngoài tinh chất văn chương con chữ còn bao hàm “tứ thơ” phong phú ẩn dụ, qua cách biểu tượng thâm thúy, rực lên biệt tài chữ nghĩa sáng tạo hóa thành kỳ hoa dị thảo. Dù ngàn câu thơ vẫn đẹp từng câu, cho thấy một tài thơ, bình thản cô độc một ngọn núi riêng; và pháp “đang là” đối với ông chỉ là “thế gian pháp” biến hiện từng sát-na trong cái gọi là “thời gian” mà thi sĩ đã siêu việt.
Thi ca của ông là kim cang không lệ thuộc thời tính nữa. (Trích tuyển tập Thơ 50 Năm NLV, 2020)
Hồi trưa hôm nay tôi có làm bài thơ ngắn, bình dị:
VÔ NGÔN
Đêm qua trằn trọc trắng đêm
Những gì về bạn lênh đênh trĩu buồn
Niệm Phật tiễn Vỵ lên đường
Nhìn thơ ở lại lặng câm nỗi sầu
Bão mùa Đông tuyết trắng màu
Bão trong lòng dạ đỏ ngầu huyết âm
Nguyễn Lương Vỵ rời trần gian
Tặng Sài Gòn Nhỏ nắng vàng chim ca
Ai ngồi như một bóng ma
Mùa Xuân hay tuổi tác già trong thân?
Lê Giang Trần
(Little Saigon, 02-18, 2021 – 8:00pm)
(*Bài đặc biệt dành đăng trên mạng Da Màu của Đặng Thơ Thơ)