Bài này được viết theo lời đề nghị của bạn Tâm Thường Định — một nhà giáo, một huynh trưởng Gia Đình Phật Tử, và là một nhà văn trong nhóm chủ biên Tạp chí Phật Việt — rằng “nhờ anh viết bài gì để giúp hoằng pháp.” Bản thân người viết không có đủ tầm nhìn để viết về những suy nghĩ chiến lược; việc đó xin để các bậc tôn túc như Thầy Tuệ Sỹ và nhiều vị khác suy nghĩ. Trong khi đó, trong và ngoài nước đang có hàng ngàn bậc thiện tri thức, ở cả tứ chúng tăng ni cư sĩ, nơi người muốn học Phật có thể tìm nghe pháp, tìm học pháp, cũng như đã có hàng trăm ngàn bài viết giá trị về Phật học trên mạng… do vậy bài này sẽ dựa vào Kinh Phật để nói về một đề tài ít được chú ý: thiền tập với pháp ấn, câu hữu với định. Pháp định nơi đây sẽ tập trung vào sơ thiền. Những sai sót có thể có, xin được sám hối.
Nhân quả, vô thường, vô ngã
Tin sâu nhân quả là một cơ duyên lớn. Nếu để ý, trong khi chúng ta giao tiếp trong xã hội, sẽ thấy nhiều bạn khác tôn giáo ưa nói về phép lạ. Thậm chí, ngay như trong giới Phật tử chúng ta, trong thời con nít cũng ưa nói về phép lạ, ưa tìm phép lạ, nghe đồn chỗ nào linh ứng là tới cầu xin, kể cả vô nghĩa địa thắp nhang, cầu cơ… Văn học dân gian cũng thế, trong truyện cổ tích quê nhà, truyện nôm, tuồng chèo đều có những phép lạ thần kỳ. Phật Giáo cũng có phép lạ, nhưng không phải hễ xin là có, không tự nhiên từ trên trời rơi xuống. Các linh ứng được kể trong Tích Truyện Pháp Cú đều ghi rằng do nhiều nhân duyên đời trước với vị trời này hay vị Bồ tát kia, vì tương ưng nhân quả đời trước, nên chuyện kỳ diệu mới xảy ra. Bởi vậy, trước tiên là phải tu phước đức trước, rồi sẽ chiêu cảm những hạnh ngộ sau.
Thêm nữa, Đức Phật dạy rằng phép lạ lớn nhất chính là giáo hóa thần thông. Tức là đưa Chánh Pháp tới nhiều người hơn, làm sáng tỏ giáo lý hơn, tức là chúng ta phải tự rèn luyện để có trí tuệ và sức thuyết phục lớn. Đó mới là phép lạ lớn nhất. Tin sâu nhân quả cũng là một yếu tố để tâm định, để không bận tâm chuyện bên lề trong khi bước đi trên con đường tu học. Người Phật tử cần phải tin lời Đức Phật dạy: tin sâu nhân quả (và do vậy, cố gắng không làm hại mình, hại người), tin và nhận ra pháp ấn vô thường (tất cả pháp đều đang chuyển biến, chảy xiết, không có cái gì gọi được là cái gì), tin và nhận ra pháp ấn vô ngã (tất cả pháp đều không có gì là tự ngã, không gì là tôi, ta, hay người). Thấy được như thế, sẽ không rơi vào các tôn giáo khác, vì sẽ không tin vào thuyết cứu rỗi, sẽ không tin vào thuyết phục sinh, cũng không tin vào thuyết hồn xác lên trời.
Ra sức học Phật, đó là niềm vui vô tận
Trong khi chúng ta nói chuyện với người khác đạo, có thể sẽ rơi vào tranh luận. Những chuyện như thế nên tránh, vì không có lợi cho người, và cũng không có lợi cho mình. Bởi vì, sự hòa hài xã hội phần chắc sẽ là một môi trường tốt hơn là những nơi đầy xung đột, do vậy nên tìm những điểm chung để làm việc với nhau. Thêm nữa, Phật giáo là tôn giáo thiểu số tại Hoa Kỳ, Phật tử chỉ chiếm 0.7% dân số tại Hoa Kỳ. Các tôn giáo khác họ có loa kèn tràn ngập khắp nơi, kể cả toàn cầu, nếu để làm tiếng ồn thì họ hơn chúng ta xa. Do vậy, chúng ta chỉ tùy duyên mà hoằng pháp thôi.
Riêng phần Phật tử với nhau, cũng có thể sẽ rơi vào tranh luận bộ phái. Câu chuyện tại sao Phật Giáo từ thời sơ kỳ, bỗng nhiên tách ra khoảng 20 bộ phái, để rồi bây giờ còn ba khuynh hướng chính: Phật Giáo Nam Truyền, Phật Giáo Bắc Truyền và Phật Giáo Tây Tạng. Để nói thì vô cùng tận. Chuyện này nên để cho các học giả, còn chúng ta nên tự xem như khách vào một bữa tiệc lớn của Phật Giáo, với ba bàn ăn đa dạng. Hãy nghiên cứu, hãy đọc nhiều, hãy ngồi xuống nhìn vào tâm mình, hãy thử tất cả những gì có thể, để rồi sẽ tự thấy cách mình thích nghi ra sao.
Nói thế, không có nghĩa là tránh né tranh luận. Nhưng hãy tự trang bị kiến thức trước. Đối với các bạn trẻ trong VN, người viết đề nghị nên học tiếng Anh thật giỏi, để sẽ đọc kinh sách bằng tiếng Anh. Nhiều kinh sách khi dịch qua tiếng Việt lại có nghĩa mơ hồ, khó hiểu, nếu đối chiếu với nhiều bản dịch tiếng Anh sẽ nắm rõ nghĩa hơn. Bạn có thể tự học tiếng Anh bằng cách vào YouTube và gõ chữ “learning English” hay các nhóm chữ tương tự; trên mạng này hầu hết là giáo sư xuất sắc của quốc tế. Theo kinh nghiệm của người viết, nếu chỉ đọc Kinh Phật bằng tiếng Việt, mà không tìm đọc Kinh Phật bằng tiếng Anh, sẽ có rất nhiều bất toàn.
Thí dụ như Kinh 54.11, về pháp thở 16 chi, bản Việt dịch của Thầy Minh Châu viết: Thở hơi dài, thì biết hơi thở dài; thở hơi ngắn, thì biết hơi thở ngắn…
Bản của Thầy Nhất Hạnh cũng tương tự, với dài và ngắn. Bản Anh dịch của Thầy Thanissaro cũng nói là hơi thở dài, ngắn: “Breathing in long, I discern…”
Nhưng bản Anh dịch của Thầy Sujato lại dịch là nặng, nhẹ: “I’m breathing in heavily.’ When breathing out heavily I know: ‘I’m breathing out heavily.’ When breathing in lightly I know” (Tức là, hơi thở nặng nề, hơi thở nhẹ nhàng… thay vì dịch là hơi dài, hơi ngắn.)[1]
Theo người viết, dù bàn thân không biết tiếng Pali, nhưng đoán là không thầy nào dịch sai hết, vì chắc chắn qúy Thầy đã có tham khảo tự điển. Thêm nữa, Thầy Sujato dịch sau các Thầy khác nhiều năm, đã biết đa số bản dịch trước đều dịch là hơi thở dài/ngắn, hẳn là có lý riêng khi dịch là hơi thở nặng/nhẹ. Có thể có chữ nhiều nghĩa, quý Thầy khi dịch đã chọn nghĩa nào tự thấy thích nghi nhất. Cho nên, càng đọc nhiều (bằng tiếng Anh), sẽ có thể nhìn được lời Đức Phật dạy từ nhiều hướng, và tự trải nghiệm trên thân mình, trên tâm mình để xem các chuyển biến, các thích nghi. Hiển nhiên là một niềm vui tuyệt vời.
Hãy nói về thân tâm này, để thấy pháp ấn ngay đây
Trong ba thập niên sống với nghề báo giữa nơi sóng gió nhất của người Việt hải ngoại, người viết nhận thấy những cuộc tranh luận dễ dàng làm mất bạn, trong khi hầu hết trường hợp là không cần thiết như thế.
Đôi khi người viết gặp các trường hợp có thể gọi là “tao ngộ chiến” – thường, bản thân người viết tự nói rằng mình dốt, không đủ trình độ, không có bằng cấp Phật học, nên không muốn tranh luận. Thế rồi, để vài tháng sau đó, người viết mới viết một bài nhẹ nhàng trả lời, chủ yếu là trích Kinh Phật, chỉ để người trong cuộc hiểu, để họ thấy Chánh pháp rõ hơn. Hãy suy nghĩ thế này: nếu bạn là một người đã lìa tham sân si, hay sắp gần lìa tham sân si, tâm của người này không thấy có chữ nào khởi lên, vì đó là một tâm tịch lặng xa cả bờ này và bờ kia, đó là tâm của vô ngôn, của lìa hý luận, là tâm của xa lìa tất cả các tướng của sắc thọ tưởng hành thức, sao lại dính vào tranh luận được, vì người này còn tìm đâu ra chữ mà khởi tâm chúng sanh nữa.
Do vậy, thay vì tranh luận, hãy nói về chuyện ngay ở đây và bây giờ. Trong khi kiên nhẫn hướng dẫn người khác, thay vì nói chuyện trên trời dưới đất, hãy nói với họ rằng: “Thôi bây giờ tụi mình nói chuyện này thì ai cũng kinh nghiệm được, khỏi cần kinh sách: hãy tin vào thân này, và hãy tin vào tâm này, vì đó là cái chúng ta thấy được ngay lúc này.”
Đức Phật nói rằng giải thoát là nơi thân tâm này, chứ không ở đâu xa. Do vậy, sau khi thâm tín nhân quả, hãy có niềm tin chắc thật rằng giải thoát là từ nơi thân này và tâm này.
Thay vì tranh luận bằng cách mượn những lý luận của nhiều ngàn năm trước, hãy mời gọi nhau nói bằng những gì rất cụ thể, dễ hiểu, thấy được, nghe được. Thí dụ, khi dạy Ngài Rahula về vô thường, Đức Phật nói khởi đầu rằng “mắt là vô thường, cái được thấy là vô thường.” Đó là những gì rất cụ thể, ngay ở đây và bây giờ.
Tương tự, nếu có ai hỏi bạn vô thường là gì, bạn hãy mời người kia nhìn lên đám mây giữa bầu trời, chỉ rằng đó là cái được thấy, rằng ngay khi bạn vừa chớp mắt, là trong khoảnh khắc, gió thổi mây bay tan rồi. Đó là vô thường. Còn núi kia, rừng kia, cao ốc kia, bàn ghế quanh đây… cũng là những cái được thấy, nhưng cái chớp mắt của vô thường có thể dài hơn, trăm năm, ngàn năm…
Tương tự, nếu có ai hỏi bạn vô ngã là gì, bạn hãy mời người kia lắng nghe tiếng đàn trên TV, nói rằng đó là cái được nghe, không từ đâu và cũng không về đâu, rằng chỉ trong khoảnh khắc, là cái được nghe biến đi rồi. Đó là vô ngã, vì không ai níu được bất kỳ cái gì trong âm thanh kia.
Trên đám mây kia, và trong tiếng đàn kia, các pháp đều là không, đều là vô tướng, đều là tịch lặng, đều là như như tịch lặng. Tất cả những gì chúng ta cho là thế này hay thế kia, chỉ là các niệm chúng ta có về các pháp. Đức Phật từng dạy rằng chẻ cây đàn ra trăm mảnh, ra ngàn mảnh cũng không tìm đâu ra tiếng đàn.
Chúng ta có thể chỉ ra vô thường, vô ngã theo Kinh Phật bằng tất cả những trải nghiệm qua cái được thấy, cái được nghe, cái được ngửi, cái được nếm, cái được cảm xúc, cái dược tư lường. Đó là tất cả những gì chung quanh chúng ta, tương ưng với mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý.
Hãy thấy toàn thân mình, toàn tâm mình là rỗng rang, là như huyễn, y hệt trò ảo thuật, không có gì là cái gì để nắm giữ. Hãy đi đứng nằm ngồi đều thấy rỗng rang như thế — trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm Tông Thông (bản Việt dịch của Thiền sư Nhẫn Tế), quyền 4, phần thứ hai, gọi người sống trong pháp tánh như thế là “chẳng thọ nhận một mảy trần… tình phàm ý Thánh đều hết ráo, thể lộ Chân Thường, Lý Sự không hai, tức Như Như Phật.”
Tại sao tâm của người giải thoát lại tịch lặng? Bởi vì đã đoạn tận hành, đoạn tận thức. Tâm trở thành một gương sáng, nơi không gì có thể dính vào nữa.
Thường trực sơ thiền, khi chết sẽ sinh thiên, rồi vào Niết Bàn
Dĩ nhiên phải tu từ từ. Có một Kinh rất đặc biệt, nói rằng dù bạn chưa đắc quả gì hết, nhưng nếu thường trực sống trong sơ Thiền, khi mãn tuổi thọ, là sinh thiên rồi vào Niết Bàn. Kinh nói rằng, người đắc định cũng vẫn còn là phàm phu, chưa vào Thánh quả (có thể nhớ rằng, Đề Bà Đạt Đa đã đắc tứ thiền, luyện được nhiều thần thông để rồi ly tách giáo đoàn và rơi địa ngục). Tuy nhiên, Đức Phật dạy trong Kinh AN 4.123 rằng hễ có ai thường trực sống trong sơ thiền, dù là chưa đắc quả thánh, khi từ trần, oai lực sơ thiền sẽ đưa học nhân lên cõi trời Phạm chúng thiên, khi hết tuổi thọ cõi thiên, vị trời phàm phu (không phải Phật tử) có thể thối đọa xuống địa ngục hay bàng sanh hay ngạ quỷ, nhưng Phật tử khi hết tuổi thọ chư Thiên sẽ vào Niết Bàn giải thoát. Nghĩa là, giây phút cận tử nếu ở trong sơ Thiền, là sẽ chứng quả Bất Lai. Như thế, giải thoát có thể là nhảy vọt, chứ không tuần tự. Vấn đề khó sẽ là: vào sơ thiền an trú thường trực. Như thế, không có nghĩa là cần ngồi thiền 24 giờ trong 365 ngày cho trọn một năm và rồi nhiều năm kiên định như thế. Như thế, sơ Thiền đây sẽ là đi đứng nằm ngồi đều không lìa cảnh giới này.
Kinh 4.123, trích bản dịch Thầy Minh Châu (độc giả nên đọc thêm các bản Anh dịch):
“Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người ly dục, ly pháp bất thiện, chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ. Vị ấy nếm được vị ngọt của Thiền ấy, ái luyến Thiền ấy và do vậy tìm được an lạc; an trú trên ấy, chú tâm trên ấy, sống phần lớn với Thiền ấy, không có thối đọa; khi thân hoại mạng chung, được sanh cộng trú với chư Thiên ở Phạm chúng thiên. Một kiếp, này các Tỷ kheo, là tuổi thọ vô lượng của chư Thiên ở Phạm chúng Thiên. Tại đấy, kẻ phàm phu, sau khi an trú cho đến hết tuổi thọ ấy, sau khi sống trọn vẹn tuổi thọ của chư Thiên ấy, đi đến địa ngục, đi đến bàng sanh, đi đến ngạ quỷ. Còn đệ tử Như Lai, tại đấy, sau khi an trú cho đến hết trọn vẹn tuổi thọ của chư Thiên ấy, nhập Niết-bàn trong hiện hữu ấy. Này các Tỷ-kheo, đây là sự đặc thù, đây là sự thù thắng, đây là sự sai khác giữa Thánh đệ tử có nghe pháp và kẻ phàm phu không nghe pháp, tức là vấn đề sanh thú.”[2]
Từ sơ Thiền, nghe thuyết pháp (hay đọc Kinh), có thể giải thoát
Trong khi đó, Kinh AN 5.26 cho thấy một cơ duyên khác cho những người ưa nghe thuyết pháp hay ưa đọc Kinh, rằng khi nghe thuyết pháp hay đọc Kinh, người nghe có thể đoạn tận lậu hoặc rồi giải thoát. Thời xưa chưa có YouTube, chưa có TV, nên Kinh này nói về trường hợp trực tiếp nghe một vị Thầy giảng, hay nghe một bạn đạo chỉ pháp.
Để nói đầy đủ, Kinh này nói là có 5 giải thoát xứ, rằng không nhất thiết phải ngồi thiền, vẫn có 5 trường hợp chúng ta có thể giải thoát. Trong Kinh AN 5.26, Đức Phật nói người sống không phóng dật và nhiệt tâm có thể đi đến đoạn diệt hoàn toàn qua một trong năm giải thoát xứ: (a) nghe pháp, (b) thuyết pháp, (c) tụng đọc pháp, (d) tư duy và khảo sát về pháp (bản dịch Bodhi: ponders, examines, and mentally inspects the Dhamma), (e) khéo nắm giữ một định tướng, khéo tác ý, khéo thọ trì, khéo thông đạt với trí tuệ.
Nơi đây, chúng ta chỉ trích dẫn về giải thoát xứ đầu tiên, là khi nghe pháp bỗng nhiên giải thoát. Nên nhớ rằng thời Đức Phật chưa có chữ viết, do vậy khi nói “nghe pháp” bây giờ cũng có thể hiểu là “đọc pháp, đọc kinh, đọc luận…” Lý do tập trung trích dẫn nơi đây về nghe pháp vì bây giờ ai cũng có thể qua YouTube để nghe kinh, hay qua các trang web để đọc kinh luận. Đoạn trích dẫn sau có ám chỉ rằng người nghe pháp phải có ít nhất là sơ Thiền: “Do lạc thọ, tâm được định tĩnh. Ðây là giải thoát xứ thứ nhất.”
Kinh AN 5.26, bản dịch của Thầy Minh Châu, trích:
“Ở đây, này các Tỷ-kheo, bậc Ðạo Sư hay một vị đồng Phạm hạnh đóng vai trò vị Ðạo Sư thuyết pháp cho vị Tỷ-kheo. Tùy theo bậc Ðạo Sư, hay một vị đồng Phạm hạnh đóng vai trò vị Ðạo Sư thuyết pháp cho vị Tỷ-kheo như thế nào, như thế nào,tùy theo như vậy, như vậy, vị Tỷ-kheo tín thọ về nghĩa và tín thọ về pháp trong pháp ấy. Do vị ấy tín thọ về nghĩa, tín thọ về pháp, nên hân hoan sanh. Do hân hoan, nên hỷ sanh. Do ý hoan hỷ, thân được khinh an. Do thân được khinh an, vị ấy cảm giác lạc thọ. Do lạc thọ, tâm được định tĩnh. Ðây là giải thoát xứ thứ nhất; ở đấy, vị Tỷ-kheo sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, thời tâm chưa giải thoát được giải thoát, hay các lậu hoặc chưa được đoạn diệt hoàn toàn, đi đến đoạn diệt hoàn toàn, hay vô thượng an ổn khỏi các khổ ách chưa đạt, được đạt tới.”[3]
Có thể kinh hành (đi bộ) để vào sơ thiền
Trong Kinh AN 5.29, Đức Phật dạy rằng, thiền đi bộ có thể đắc định, hiểu là ít nhất là sơ thiền. Như thế, không nhất thế là phải ngồi nhiều, có khi thiền đi bộ nhiều lại có lợi ích hơn, vì khi đắc định nơi kinh hàng sẽ tồn tại lâu dài hơn.
Kinh AN 5.29, bản dịch của Thầy Minh Châu, trích:
“Này các Tỷ-kheo, có năm lợi ích này của kinh hành. Thế nào là năm? Kham nhẫn được đường trường; kham nhẫn được tinh cần; ít bệnh tật; đưa đến tiêu hóa tốt đẹp các đồ được ăn, được uống, được nhai, được nếm; định chứng được trong khi kinh hành được tồn tại lâu dài. Những pháp này, này các Tỷ-kheo là năm lợi ích của kinh hành.”[4]
Thiền đi bộ, đắc định, khởi tâm nhàm chán, giải thoát
Như trường hợp Đại đức trưởng lão Bhagu, có thể thấy rằng thiền đi bộ có thể dẫn tới giải thoát. Trường hợp của ngài được kể trong lời tự thuật trong Trưởng Lão Tăng Kệ Thag4.2, thứ tự là, vì buồn ngủ, ngài Bhagu mới đi kinh hành, rồi trượt té, lại đi kinh hành, đắc định nội tâm (hiểu là: ít nhất cũng là sơ Thiền), ngài mới tác ý, thấy những bất lợi (Khổ đế) của thân tâm trong cõi này, mới nhàm chán, thế là tâm giải thoát, đắc Tam Minh.
Bản dịch tiếng Việt Thag4.2 của ngài Indacanda, trích:
“Bị tác động bởi cơn buồn ngủ, tôi đã đi ra khỏi trú xá. Trong khi đang bước lên đường kinh hành, ngay tại chỗ ấy, tôi đã bị ngã trên mặt đất.
Sau khi phủi khắp tay chân, rồi lại bước lên đường kinh hành, tôi đã đi kinh hành ở đường kinh hành, tôi đây đã khéo được định tĩnh nội tâm.
Do đó, sự tác ý theo đúng đường lối đã khởi lên ở tôi, điều bất lợi đã hiện rõ, sự nhàm chán đã được thiết lập.
Do đó, tâm của tôi đã được giải thoát; hãy nhìn xem bản chất tốt đẹp của Giáo Pháp. Ba Minh đã được thành tựu, lời dạy của đức Phật đã được thực hành.”[5]
Vào sơ thiền, quán vô thường, khổ, vô ngã
Trong khi đó, Kinh MN 64 nói về một lộ trình giải thoát: chứng và trú sơ Thiền, rồi quán tất cả những gì liên hệ tới sắc thọ tưởng hành thức đều là vô thường, từ đây nhận ra Khổ đế (là khổ, bệnh, mụt nhọt, mũi tên, va chạm, tật bệnh, khách lạ, biến hoạt) rồi nhận ra không, nhận ra vô ngã. Tức là, từ sơ Thiền, nhận ra bốn pháp ấn (vô thường, khổ, không, vô ngã), cũng gọi là ba pháp ấn, vì chữ “không” đồng nghĩa với vô ngã. Có nghĩa là, sơ Thiền có oai lực giải thoát.
Kinh MN 64, bản dịch của Thầy Minh Châu, trích như sau:
“Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng: “Y chỉ vào sơ Thiền, các lậu hoặc được đoạn tận”, như vậy được nói đến. Do duyên gì, được nói đến như vậy? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo ly dục… chứng và trú sơ Thiền. Vị ấy, ở đây đối với cái gì thuộc về sắc, thuộc về thọ, thuộc về tưởng, thuộc về hành, thuộc về thức, các pháp ấy, vị ấy tùy quán là vô thường, là khổ, là bệnh, là mụt nhọt, là mũi tên, là va chạm, là tật bệnh, là khách lạ, là biến hoại, là trống không, là vô ngã. Vị ấy tránh né tâm mình khỏi những pháp ấy, sau khi tránh né tâm mình khỏi những pháp ấy, vị ấy hướng dẫn đến giới bất tử: “Ðây là tịch tịnh, đây là thù thắng, tức là sự chỉ tức tất cả hành, sự từ bỏ tất cả sanh y, sự diệt tận khát ái, ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn”. Vị ấy trú ở đây, đạt đến sự diệt tận các lậu hoặc, nếu không diệt tận các lậu hoặc, với pháp ái ấy, với pháp hỷ ấy, do đoạn diệt năm hạ phần kiết sử, là vị hóa sanh, tại đấy chứng được Niết-bàn, không còn trở lui thế giới này nữa.”[6]
Đoạn tận 5 pháp, sẽ có thể vào sơ Thiền
Đức Phật nói có 5 tâm tham làm cản trở sơ Thiền. Sẽ không vào được sơ Thiền nếu tâm mình ưa thích chùa lớn nhà cao, ưa thích niềm vui gia đình, ưa thích lợi dưỡng bạc tiền, ưa lời khen ngợi tung hô, thấy pháp hay là giấu biệt…
Kinh AN 5.256, bản dịch Thầy Minh Châu, trích:
“Do đoạn tận năm pháp này, này các Tỷ-kheo, có thể chứng đạt và an trú sơ Thiền. Thế nào là năm? Xan tham trú xứ, xan tham gia đình, xan tham lợi dưỡng, xan tham tán thán, xan tham pháp. Do đoạn tận năm pháp này, này các Tỷ-kheo, có thể chứng đạt và an trú sơ Thiền.”[7]
Đoạn tận 6 pháp để vào sơ thiền
Trong Kinh AN 6.73, Đức Phật cũng dạy phài đoạn tận sáu pháp mới vào được sơ Thiền.
Bản dịch của Thầy Minh Châu, trích:
“Ðoạn tận sáu pháp, này các Tỷ-kheo, có thể đạt được và an trú sơ Thiền. Thế nào là sáu? Dục tham, sân, hôn trầm thụy miên, trạo hối, nghi, không như thật khéo thấy với chánh trí tuệ các nguy hại trong các dục. Ðoạn tận sáu pháp này, này các Tỷ-kheo, có thể đạt được và an trú sơ Thiền.”[8]
Tương tự, đoạn tận 6 pháp để vào sơ thiền
Trong Kinh AN 6.74, Đức Phật cũng dạy phài đoạn tận sáu pháp mới vào được sơ Thiền.
Bản dịch của Thầy Minh Châu, trích: “Ðoạn tận sáu pháp, này các Tỷ-kheo, có thể đạt được và an trú sơ Thiền. Thế nào là sáu? Dục tầm, sân tầm, hại tầm, dục tưởng, sân tưởng, hại tưởng. Ðoạn tận sáu pháp này, này các Tỷ-kheo, có thể đạt được và an trú sơ Thiền.”[9]
Nếu độc giả thấy các nghĩa cần hiểu thêm, nên tìm đọc các bản Anh dịch để đối chiếu, sẽ rõ thêm. Một điểm ghi nhận: ly dục. Có nghĩa là, nếu bạn đang có gia đình, thì nên đổi tình cầm sắt thành duyên cầm kỳ, đồng thời hãy từ từ dứt bỏ các thói quen trần gian như đi xem đại nhạc hội, đi chơi sòng bài, hát karaoke, vân vân. Tham và sân cần từ từ buông bỏ. Nếu có thể, nên tìm nơi vắng lặng như ven rừng, góc núi để cư trú. Nếu bạn giữ thói quen thức dậy sáng sớm, cỡ 3 hay 4 giờ sáng, có thể không cần ngồi Thiền, có thể chỉ cần ngồi uống trà hay đọc kinh, và khi đó nếu tâm bạn ly dục, đã nhạt bớt tham sân, thì sẽ thấy vào sơ Thiền dễ hơn các giờ khác trong ngày.
Năm chi phần của sơ Thiền
Kinh MN 43 nói rằng sơ Thiền (Thiền thứ nhất) có 5 chi phần: tầm, tứ, hỷ, lạc và nhất tâm. Chữ tầm, có nghĩa là hướng tâm vào, đặt tâm vào (placing the mind), chữ tứ có nghĩa là dán tâm vào (keeping it connected). Hỷ là niềm vui (rapture). Lạc là hạnh phúc triệt để (bliss). Chữ nhất tâm (unification of mind) là tâm đã lặng lẽ như mặt hồ nước, không còn chao động.
Kinh MN 43, bản dịch của Thầy Minh Châu, trích:
“Này Hiền giả, Thiền thứ nhất có năm chi phần. Ở đây, này Hiền giả, Tỷ-kheo thành tựu Thiền thứ nhất, có tầm, tứ, hỷ, lạc và nhất tâm. Này Hiền giả, Thiền thứ nhất có năm chi phần như vậy.”[10]
Khi chứng sơ Thiền, lời nói được đoạn diệt
Kinh SN 36.15 ghi rằng, khi vào sơ Thiền, thì ngôn ngữ sẽ tịch lặng, trong tâm không thấy chữ nào hiện lên.
Kinh SN 36.15, bản dịch của Thầy Minh Châu, trích:
“Này Ānanda, Ta tuyên bố rằng đoạn diệt (nirodho) các hành là tuần tự. Khi chứng Thiền thứ nhất, lời nói được đoạn diệt. Khi chứng Thiền thứ hai…”[11]
Bản dịch của Thầy Sujato: “For someone who has attained the first absorption, speech has ceased“
Bản dịch của Thầy Nyanaponika: “In him who has attained the first meditative absorption, speech has been stilled.”
Ngài Khương Tăng Hội dạy: trước tiên, vào sơ Thiền
Chúng ta có thể nhớ rằng ngài Khương Tăng Hội (? – 280) có bài kệ trích như sau, theo bản dịch của GS Lê Mạnh Thát (chữ “hiệp vị” đồng nghĩa với “nhất tâm”):
“Ngồi có ba cấp. Một là ngồi hiệp vị. Hai là ngồi tịnh. Ba là ngồi không có kết.
Ngồi hiệp vị là gì? Là ý bám lấy hạnh không rời, đó là ngồi hiệp vị.
Ngồi tịnh là gì? Là không niệm nghĩ, đó là ngồi tịnh.
Ngồi không có kết là gì? Là kết đã hết, đó là ngồi không có kết.”
Nói “không có kết” nghĩa là kiết sử đoạn tận, tức là giải thoát hoàn toàn, đã lìa lậu hoặc. Bài kệ nói rằng, trước tiên là vào sơ Thiền, rồi không khởi tác ý (Đức Phật khi dạy Thiền vô tướng đã nói rằng “không tác ý đến tất cả tướng…”), không khởi tâm gì hết, chỉ tịch lặng, không vương bận gì tới sắc thọ tưởng hành thức, thấy tất cả sinh/diệt, hữu/vô đều như mộng, là lìa tham sân si, sẽ tới lúc giải thoát (không còn kiết sử nữa).[12]
Hỷ lạc trong sơ Thiền
Làm thế nào để biết đang vào sơ Thiền? Nhiều người đã có thể vào sơ Thiền, nhưng không biết rằng đó là sơ Thiền. Kinh AN 5.28 kể rất chi tiết về cảm giác toàn thân hỷ lạc khi đắc sơ Thiền.
Bản dịch của Thầy Minh Châu, trích:
“Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ly dục… chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất với tầm, với tứ. Vị ấy thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân mình với hỷ lạc do ly dục sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do ly dục sanh ấy thấm nhuần.
Ví như, này các Tỷ-kheo, như một người hầu tắm hay đệ tử hầu tắm, sau khi rắc bột tắm trong thau bằng đồng, liền nhồi bột ấy với nước. Cục bột tắm ấy được thấm nhuần nước ướt, trào trộn với nước ướt, thấm ướt cả trong lẫn ngoài với nước, nhưng không chảy thành giọt. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho dung mãn, tràn đầy thân này với hỷ lạc do ly dục sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do ly dục sanh ấy thấm nhuần. Ðây là sự tu tập thứ nhất về Thánh chánh định gồm có năm chi phần.”[13]
Đức Phật dạy Rahula về pháp ấn trước, pháp thở sau
Thứ tự dạy pháp là điều nên chú ý. Nếu không dạy pháp ấn trước, mà chỉ lo dạy kỹ thuật thiền tập, học nhân có thể rơi vào mê đắm thần thông, hay sẽ rơi vào tà kiến (để rồi sẽ lập thêm các tà giáo, như ngài Đề Bà Đạt Đa…).
Trong Kinh MN62 (Ðại kinh Giáo giới La-hầu-la), đầu tiên, vào buổi sáng, Đức Phật dạy ngài Rahula là phải thấy vô ngã trước (sắc thọ tưởng hành thức không là ta, không của ta…), rồi tới buổi chiều, Đức Phật mới dạy ngài Rahula pháp thở. Nhưng, trước khi nói pháp thở, Đức Phật dạy phải quán vô ngã trước (nội thân, ngoại thân, địa giới, thủy giới, phong giới, hư không giới… trong thân đều vô ngã), rồi quán tâm vô ngã y như đất, như nước, như lửa, như gió, như hư không… rồi quán tâm từ, bi, hỷ, xả, rồi quán vô thường, rồi mới dạy pháp thở 16 chi. Nghĩa là: dạy nhận ra pháp ấn trước, rồi mới vào pháp thở.
Pháp thở 16 chi tóm tắt như sau:
Thở hơi dài vô (hay ra), biết hơi thở dài vô (hay ra) (Ngài Sujato: hơi nặng).
Thở hơi ngắn vô (hay ra), biết hơi thở ngắn vô (hay ra) (Ngài Sujato: hơi nhẹ).
Cảm giác toàn thân, thở vô (thở ra).
An tịnh thân hành, thở vô (thở ra).
Cảm giác về tâm, tôi sẽ thở vô /ra. Cảm giác hỷ thọ (thở vô /ra). Cảm giác lạc thọ (thở vô /ra). Tương tự, với tâm hân hoan. Với tâm định tĩnh. Với tâm giải thoát. Quán vô thường, tôi sẽ thở vô/ra. Quán ly tham, tôi sẽ thở vô/ra. Quán đoạn diệt, tôi sẽ thở vô/ra. Quán từ bỏ, tôi sẽ thở vô /ra.[14]
Tóm tắt: niệm hơi thở, nhận ra thân (body: 2 nghĩa, thân xác, cũng có nghĩa độ dài hơi thở), và rồi nhận ra tâm, sau khi nhận ra tâm, sẽ quán pháp ấn vô thường, và rồi xa lìa lậu hoặc. Ngắn gọn: đầu bản kinh, giữa bản kinh, cuối bản kinh đều lấy pháp ấn vô ngã, vô thường bao trùm. Nghĩa là, nếu lìa pháp ấn mà dạy thiền, tức là chệch hướng sang ngoại đạo. Thành ra có 2 giai đoạn, niệm thân trước, niệm tâm sau, nhưng đều bao trùm trong pháp ấn.
Nếu bạn muốn vào sơ Thiền, chỉ đơn giản thiền với hơi thở vô, hơi thở ra, nhìn thấy thân mình và thân hơi thở chỉ là vô thường, vô ngã, rỗng không… Có kinh Đức Phật nói còn 2 chi phần: hơi thở vào; quán từ bỏ; khi hơi thở ra, quán từ bỏ. Thay vì “từ bỏ” có thể dùng chữ quen thuộc là xa lìa, buông xả. Nhưng luôn luôn thấy rỗng rang vô ngã trước hơi thở, trong hơi thở, và sau hơi thở. Trong khi tỉnh thức cảm nhận vô ngã hay vô thường, thì tâm không còn vướng gì của quá khứ, hiện tại và vị lai (và cái tỉnh thức này là phi thời gian, vì là tâm vô tướng). Chỉ chú tâm thở được như thế, khi ngôn ngữ tịch lặng, và được năm chi (tầm, tứ, hỷ, lạc và nhất tâm), thấy toàn thân mát rượi như xoa bột tắm, thì đó là sơ Thiền. Đi đứng nằm ngồi đều có thể an trụ trong sơ Thiền.
Thường trực nhìn thấy không, thấy vô ngã
Đây cũng là Bát Nhã Tâm Kinh. Trong bài Kinh Snp 5.16 (trong nhóm Kinh Nhật Tụng Sơ Thời, ở những năm đầu Đức Phật hoằng pháp), Đức Phật dạy cách nhìn rất ngắn gọn, là phải thường trực thấy thế giới là không, là rỗng rang.
Kinh Snp 5.16, trong bản Anh dịch của Thầy Sujato, Đức Phật dạy pháp ngắn gọn:
“Look upon the world as empty, Mogharājā, ever mindful.
Having uprooted the view of self, you may thus cross over death.”[15]
Dịch:
Hỡi Mogharājā, hãy luôn luôn tỉnh thức nhìn thế giới là không, là rỗng rang
Nhổ lên cội rễ cái nhìn ngã chấp, ngươi như thế có thể vượt qua cái chết.
Đối chiếu với Thiền Tông Việt Nam, có ngài Vô Ngôn Thông (759–826) khi nghe ngài Bách Trượng trả lời một vị tăng, “Tâm địa nhược không, huệ nhật tự chiếu.” (Khi thấy đất tâm là không, mặt trời trí huệ sẽ tự chiếu) thì liền triệt ngộ. Hình ảnh chư Tổ thường nói là, phải như trâu bùn mới qua sông được, nghĩa là thân tâm đều thấy tương ưng với không. Khi thấy tâm là không, đó là khi đã ly dục, đã lìa tham sân si, thì cũng không cần tu gì nữa, cứ đi đứng nằm ngồi với tâm này thôi. Có thể tập nhìn pháp ấn câu hữu với hơi thở, thấy thân tâm và hơi thở đều là rỗng rang, không một pháp vướng bận, thấy đi đứng nằm ngòi đều là không.
Ngài Phó Đại Sĩ (497-569) nói: “Muôn tượng tuy bao la, song một mảy trần chẳng lập.”
Ngài Bàng Uẩn (740–808) nói: “Nơi trường tuyển Phật, tâm không sẽ thi đậu.”
Tỉnh thức với cái không biết: Không tác ý với tất cả tướng
Chúng ta thấy rằng, trong khi xem một trận đá bóng trên TV, khi mắt nhìn theo đường bóng, có lúc nào chợt chúng ta tác ý [về tướng của một đường bóng], để bình luận về một đường bóng, sẽ thấy bị gián đoạn một số khoảnh khắc của đường bóng. Nghĩa là, tự cái nhìn chú tâm đã có sẵn định, hễ mở miệng bình luận là mất đi vài hình ảnh của trận bóng đá. Tương tự, khi chú tâm nghe một bản nhạc, tới một lúc chợt tác ý [về tướng của một âm thanh nào đó], bình luận về vài chữ trong ca khúc, lúc đó sẽ bị gián đoạn, không theo kịp giọng hát của ca sĩ. Nghĩa là, tự trong cái nghe chú tâm đã có sẵn định, hễ mở miệng bình luận là gián đoạn, là mất đi vài chữ dòng nhạc. Nghĩa là, chúng ta đang ở trong tự tánh định, hễ khi nào có tỉnh thức, có chú tâm và không khởi tác ý với tất cả tướng; đó là tỉnh thức với cái không biết, đó là tắm gội trong cái chưa từng biết, đó là đi đứng nằm ngồi trong cái xa lìa tất cả ba thời quá hiện vị lai. Nơi đó, là tâm đã lìa tham sân si. Khi tâm không tác ý tới tất cả tướng, đó là khi hiển lộ pháp ấn của bản tâm, của tâm bất động, của gương tâm chưa từng dính bụi.
Kinh Bahiya Sutta (Kinh Ud 1.10) ghi lời Đức Phật dạy:
“Thế này, Bahiya, ông nên tu thế này: Trong cái được thấy sẽ chỉ là cái được thấy; trong cái được nghe sẽ chỉ là cái được nghe; trong cái được thọ tưởng sẽ chỉ là cái được thọ tưởng; trong cái được thức tri sẽ chỉ là cái được thức tri.’ Cứ thế mà tu tập đi, Bahiya.”[16]
Đó chính là sống với Như thị, là khi tâm không tác ý với tất cả tướng, còn gọi là khi tâm chưa sinh, hay bản tâm, tức là sống với tâm không biết đối với tất cả thấy nghe hay biết. Nơi đây, Thiền Đại Hàn gọi đó là “Don’t-know mind” (Tâm không biết), tức là sống với cái tâm có trước tất cả các khái niệm, trước tất cả ý kiến. Lời giới thiệu trên Amazon về sách “Don’t-Know Mind: The Spirit of Korean Zen” của tác giả Richard Shrobe viết: “”Don’t-know mind” is our enlightened mind before ideas, opinions, or concepts arise to create suffering.” (Dịch: Tâm không biết là tâm giác ngộ của chúng ta có trước các ý tưởng, ý kiến, hay khái niệm khởi lên để tạo ra đau khổ.)
Tại Việt Nam, chúng ta sẽ thấy cách gọi khác: Thiền thoại đầu (tức là: cái tâm có trước khi lời nói khởi dậy). Nhưng hình ảnh tuyệt vời nhất của Thiền Tông là khi ngài Tuệ Trung Thượng Sỹ (1230-1291) làm bài thơ 4 câu ghi lại hình ảnh trâu bùn qua sông:
Thủ nê ngưu (Giữ con trâu bùn)
Nhất thân độc thủ nhất nê ngưu (Một mình riêng giữ con trâu bùn)
Đằng tỵ khiên lai vị khẳng hưu (Xỏ mũi trâu, dắt về, chưa từng lơi tay)
Tương đáo Tào Khê đô phóng hạ (Cầm tới Tào Khê mới thả xuống)
Mang mang thuỷ cấp đả viên cầu. (Mênh mang nước chảy, lăn quả cầu tròn)
Nghĩa là, trâu bùn qua sông, tâm an trú trong nước, nơi thực tướng vô tướng.
Kết luận
Kinh Phật là thiên kinh vạn quyền. Có Kinh dạy vào Tuệ giải thoát, có Kinh dạy vào cửa Từ Bi Hỷ Xả… Riêng các Kinh trích dẫn trong bài này, là Thiền tập với pháp ấn câu hữu với định, đều có thể giúp chúng ta giải thoát hoàn toàn, chớ không nhất thiết nói riêng tới sơ Thiền. Trong đó có lời Đức Phật dạy rằng, dù ai còn phàm phu, mà sống thường trực trong sơ Thiền, khi từ trần sẽ sinh thiên rồi vào Niết Bàn. Đây là một lối đi tiện lợi, vì chúng ta chỉ cần thường trực sống trong sơ Thiền. Tuy nhiên, trong khi tu định, nếu không tu bằng pháp ấn vô thường và vô ngã, sẽ có thể bị chệch hướng. Do vậy, an toàn là giữ tâm câu hữu, Thiền tập bằng pháp ấn xuyên suốt sơ Thiền. Điều cần đầu tiên là ly dục, giữ giới, mới có thể vào định được. Hy vọng những trích dẫn Kinh Phật trong bài này sẽ giúp được một số bạn đọc.
[1] Kinh SN 54.11, bản dịch Sujato: https://suttacentral.net/sn54.11/en/sujato
[2] Kinh AN 4.123: https://suttacentral.net/an4.123/vi/minh_chau
[3] Kinh AN 5.26: https://suttacentral.net/an5.26/vi/minh_chau
[4] Kinh AN 5.29: https://suttacentral.net/an5.29/vi/minh_chau
[5] Thag4.2: https://suttacentral.net/thag4.2/vi/indacanda
[6] Kinh MN 64: https://suttacentral.net/an9.36/vi/minh_chau
[7] Kinh AN 5.256: https://suttacentral.net/an5.256/vi/minh_chau
Kinh AN 6.73: https://suttacentral.net/an6.73/vi/minh_chau
Kinh AN 5.74: https://suttacentral.net/an6.74/vi/minh_chau
[8] nt.
[9] nt.
[10] Kinh MN 43: https://suttacentral.net/mn43/vi/minh_chau
[11] Kinh SN 36.15: https://suttacentral.net/sn36.15/vi/minh_chau
[12] Khi Đức Phật Dạy Thiền: https://thuvienhoasen.org/a38250/khi-duc-phat-day-thien
[13] Kinh AN 5.28: https://suttacentral.net/an5.28/vi/minh_chau
[14] Kinh MN 62: https://suttacentral.net/mn62/vi/minh_chau
[15] Kinh Snp 5.16, bản Anh dịch Sujato: https://suttacentral.net/snp5.16/en/sujato
[16] Kinh Ud 1.10: https://www.accesstoinsight.org/tipitaka/kn/ud/ud.1.10.irel.html