Lịch sử tư tưởng nhân loại, có khi đi bằng bước chân “song trùng nhị bội” có khi đi bằng bước chân “tao nhã hai bàn nhẹ nâng” như nhà thơ Bùi Giáng đã nói. Tức là, với bước chân “song trùng nhị bội”, tư tưởng hủy diệt cái làm ra nó để phôi dựng nên cái mới và, với “bước chân tao nhã hai bàn nhẹ nâng”, tư tưởng kế thừa và phát huy những gì được các tiền nhân của nó sở tạo. Trong trường hợp này, ta có một Empedocles, một triết gia phức hợp, một nhà tiên tri, một nhà khoa học, một nhà thơ, nhà thần học và cũng là một thầy thuốc dạo, một trí tuệ đến từ thiên hà xa xôi nào đó, một trí tuệ của huyền thoại Hy-lạp. Chúng ta đã từng bắt gặp ở Pythagoras với tất cả những hành tướng như thế và giờ đây được minh họa hoàn chỉnh ở Empedocles, một nhân vật có sức ảnh hưởng to lớn vào khoảng năm 440 trước Công nguyên; thậm chí sức ảnh hưởng ấy vẫn còn cho đến ngày hôm nay. Ông ta là một nhân vật trẻ tuổi cùng thời với Parmenides, thay vì bị chi phối bởi tư tưởng Parmenides, thế nhưng học thuyết của ông lại tương đồng với học thuyết Heraclitus hay nói khác hơn, triết học của ông là sự hài hòa giữa thuyết vô thường biến dịch của Heraclitus và thuyết hữu thể thường tại bất biến của Parmenides và Zenon. Với Heraclitus và các nhà tư tưởng tiền bối trong quan niệm sắc đơn thể cơ bản, thì ông kết hợp tất cả lại, từ đó ông có được bốn yếu tố tạo nên thế giới này. Đó là tứ đại [đất, nước, gió, lửa]. Theo ông, ở thể hài hòa, chúng cuốn hút với nhau bằng ái lực; ở thể phân ly, chúng tự chia tay bằng các xung đột như một niệm bất giác vô minh và, chúng sẽ đoàn tụ khi định nghiệp của thời kỳ xung khắc cáo tận, v.v… Nghĩa là, với Parmenides và Zenon, thì có một hữu thể hài hòa tự tồn, còn với ông thì chỉ có tình yêu và sân hận với các chu kỳ trầm luân của tứ đại phân ly. Có thể nói, học thuyết về chu kỳ mâu thuẫn của tứ đại hoàn toàn tương ưng với thuyết Thắng luận của Ấn Độ qua tính chất tối, động và các đức của Số luận. Điều đó cho ta biết rằng, trên tầm cao của tư tưởng nhân loại, tự bản chất của mọi luận điểm đều có nét liên hệ chung. Trong suy luận hay giả thuyết, ta không nên nói là tuyệt đối đúng hay tuyệt đối sai, mà ta nên nói là các giả thuyết và những tư duy như thế đã mở cho ta một con đường đầy hưng phấn và đầy sáng tạo, tính trầm lặng và cách quan sát thực tiễn của các bậc tiên hiền ấy, cái cách quan sát của các “trục” ấy, và đây là cốt cách độc đáo của thời kỳ tiền Socratle.
Để làm rõ hơn về các luận thuyết của Empedocles, ta có thể chia cuộc đời và sự hoạt động tư tưởng của ông theo các chi tiết như sau [và từ sự chi tiết hóa như thế, ta sẽ dễ dàng đánh giá được tư tưởng của ông trên một mức độ nào đó trên cơ sở nhận thức của từng cá nhân; tất nhiên, ở đây có những liên hệ đến triết học Phật giáo qua một vài quan điểm vũ trụ luận và học thuyết về nhân sinh của ông, và ta cũng có thể khảo sát nó qua lăng kính của bất cứ nền triết học cổ đại nào của Ấn Độ]:
1. Đời sống
Nguồn chi tiết nhiều hơn cả về Empedocles, thì phải kể đến tác phẩm Đời sống của những triết gia xuất chúng [Lives of the Eminent Philosophers] của Diogenes Laertus hoặc là tác phẩm Die Pragmente der Vorsokratiker [Các tản văn thời kỳ tiền Socratus – Berlin, 1952 von Diels, H. und W. Kranz] và nhất là dịch phẩm J. Empédocles của Bollack [Paris, 1956-9]. Trong tất cả tác phẩm vừa nêu, hầu như các nhà nghiên cứu đều chú trọng đến các giả thuyết về cái chết của Empedocles, bởi vì, hành tướng diệu kỳ của ông cần phải được một đúc kết ly kỳ như một bi kịch vinh danh cho cõi đời này, rằng ông ta đã chết đuối dưới biển khi ngã từ mạn tàu xuống, rằng ông ta té ngựa và chết trong tình trạng gãy chân, rằng ông ta đã tự sát hoặc là với sự kiện quá nổi tiếng của mình, ông cảm thấy mệnh mình quá ngắn, rằng ông ta sinh ra đời là để được phong thánh và đã lao vào miệng núi lửa ở Etna để chứng minh điều đó. Thật không may, trong câu chuyện lừa bịp này, người ta đã phát hiện khi một trong hai chiếc giày ông mang với thương hiệu bằng đồng của nó bay lên khỏi núi lửa, tức là ông không được lên Thiên đàng hay phong thánh gì cả.
Do các nguồn liên hệ, ta có thể đoán là Empedocles sinh vào khoảng năm 492 trước Công nguyên ở Acragas, tức là quần đảo Sicile ngày nay và từ trần vào lúc 60 tuổi. Ông ta là con trai của một dòng tộc Meton, tiền thân của giòng Aristocratic quý tộc và quan yếu của lịch sử văn minh Tây phương và một phần của nhân loại. Nội tổ của ông cũng gọi là Empedocles và được cho là người đã chiến thắng vẻ vang trong cuộc đua ngựa của Thế vận hội Olympic vào năm 496 trước Công nguyên. Nếu thế gian này có thiên tài, thì thiên tài ấy phải quy cho Empedocles, bởi vì ông là sự hiện thân của một thông tuệ tự biện, như ông đã nói là mình đến từ một thiên hà xa xôi nào đó nhằm vạch ra cho trần gian khổ đau này con đường đạo hạnh dành cho những ai mong cầu giải thoát để về với thiên giới và ở trường hợp này ta khó chứng minh là ông đã học triết học ở đâu và do ai truyền thụ; cho dầu mọi học thuyết của ông là một kế thừa nghiêm túc từ các bậc tiền bối của mình. Ta không thể nói rằng, như Gs. Lê Tôn Nghiêm, Empedocles là học trò của Parmenides và Zenon. Chính xác hơn, ông là người kế thừa của các bậc tiền bối mình. Tuy nhiên, một lĩnh vực cần phải được quan tâm, chính là quan niệm về quỷ thần của ông và hệ luận này đã là nền tảng trọng yếu cho triết học Thiên chúa giáo [Le ‘demonologie’ Empedoclee: prolemi di metodo e altro, Quỷ thần luận: vấn đề về một phương pháp hướng đến quan điểm khác cho chủ luận này.] Cho dù, nhà thờ đã loại đi ý niệm về luân hồi hữu ngã của ông. Ta tự hỏi ông đã thừa kế những ai trong các bậc trí như là: Parmenides, Pythagoras, Xenophanes, Anaxagoras và Anaximander (từ những người này, ông được cho là đã kế thừa cách trang sức lạ đời của mình). Tuy nhiên, ông thừa nhận là mình được gợi hứng từ Parmenides để viết nên các vần thơ lục vận và một phần nào đó về cách quan sát sự vật của Parmenides, ông đã chọn ra và đưa vào trong hệ thống vật lý của mình như một cương giới. [from whom he took the inspiration to write in hexameter verse, and whose physical system he adops in part, and partly seeks to rectify.]
Như đã nêu, Empedoles là người thuộc giòng quý tộc, ông luôn là khách mời tham dự hàng đầu trong những chàng trai, và tất nhiên ông được các cô gái ở Acragas xem là của hồi môn của mình. Về cách trang phục, ông vận áo dài màu tía [purple robe] với đai thắt lưng vàng và mang giày có thương hiệu bằng đồng với một vòng nguyệt quế Delphic quàng thân. Trong cách nghiêm sức như vậy, ông trở thành một người tôn quý và có vẻ như là một vương giả trong quần chúng. Như ta biết qua cách sinh hoạt vương giả như vậy, đã đi ngược với quan điểm chánh trị lúc bây giờ, một quan điểm lấy sự đúc khuôn quyền lực và các chỉ đạo sở kiến làm mẫu mực. Trong chương Ăn thịt và tội ác, ông cho rằng, tội ác của nhân loại không chỉ trong việc “phạm giới” là ăn thịt, hơn thế, “bóp nghẹt tư duy” của người khác mới là đại trọng tội, mới là “đại sát sinh” – và quan điểm này đã đưa đời ông thành hành tướng của một nhà chính khách, với một thuật hùng biện vô song, làm nên nền tảng dân chủ cho các học thuyết sau này về lãnh vực ấy và thuật hùng biện [rhetoric] này đã truyền hơi nóng của mình cho thế hệ Aristotle. Chính ngay thời đại ông, thuật hùng biện đó đã làm sụp đổ đi cái bóng tối của cơ chế chánh trị Aristocratic bấy giờ, và nó được gọi là “thousand – ngàn chánh kiến”. Thật vậy, sự xuất hiện của Empedocles là một bức tranh toàn vẹn, một bức toàn đồ của một nhà chánh trị quần chúng, một lý thuyết gia hùng biện, một nhà quán quân về dân chủ và một phẩm chất bình đẳng của một hiền nhân như ‘các tản văn thời kỳ tiền Socratle’ đã mô tả.
Ngoài tư cách là một triết gia, một nhà thơ và một nhà chánh trị tuyệt vời, Empedocles cũng nổi tiếng về kỹ năng y khoa và tài năng chữa bệnh của mình nữa. Trong những bài viết về y khoa, ông tự cho mình là một thầy thuốc lang bạt hiến tặng cho vô lượng người ủng hộ mình những “cẩm nang khoa lý tự đoán bệnh” và các “tố vấn cho mọi loại bệnh” [trích từ die Fragmente der Vorsokratiker von Diels-Kranz]. Ông cũng cho phép Pausanias là địa chỉ của mình với châm ngôn, “bạn cần học y khoa (φαρμακα- pharmaka) để chinh phục bệnh tật và chiến thắng lão suy” và thậm chí “bạn sẽ lôi ra từ địa ngục nguồn sinh khí của thây ma.” Ngôn ngữ y khoa của Empedocles đã trở thành là hạnh nguyện, cho dù chưa phải vẹn toàn như bản nguyện của Dược Vương, hay Địa Tạng, tuy nhiên cái phẩm chất ấy rất cần thiết để cho các “bác sĩ tử thần lộng hành” thuộc về thời đại hôm nay của chúng ta. Những y ngôn của ông, khiến ta nhớ lại một mô hình “đại học y khoa” của bản kinh Dược Sư, mà hầu như ta chưa nghiêm túc khảo sát, ta chỉ khảo sát trên phương diện bản thệ theo “truyền thống” nào đó của Phật giáo mà thôi hay nói khác hơn bản thệ chỉ còn là “tụng niệm” chớ chưa thành là “hành và nguyện” phổ niệm ở thế gian và, đây là một vấn đề bức thiết của ngày hôm nay “hành và nguyện” nhằm để làm xói mòn dần những “tệ nạn xã hội”, chẳng hạn, tệ nạn bác sĩ “bán và nhập rác y tế” hay “buôn và nhập thuốc quá hạn” hoặc bác sĩ “đào tạo thôn làng” như được diễn thường xuyên qua thông tin báo chí mà ta từng biết là đã gây ra khổ đau cho trăm vạn đời thường.
Bản văn die Fragmente der Vorsokratiker von Diels–Kranz cho rằng, qua các diễn ngôn của ông, một thực thể Empedocles là không thể nắm được, tuy nhiên, truyền thống sinh ra từ ông vừa cho cả nền y khoa rạng rỡ lẫn một hành giả tâm linh dũng kiện hoặc nguyên lý y khoa phổ biến là một điều hoàn toàn hiện thực. Hơn nữa, những sự kiện có tính nhân loại như thế có thể đã sinh ra từ những trang thơ của ông. Nói cách khác, trong các trứ tác của mình, ông đã trình bày mối bận tâm đáng kể về khoa sinh vật và nhất là ngành khoa học phôi bào [embryology] và chỉ chừng ấy đủ cho ta biết ông đã cống hiến như thế nào về lãnh vực y khoa mà ông phải là người đầu tiên đại diện cho một nền y khoa cổ đại có văn bản cụ thể và mạch lạc để làm thành khoa y cho chính trường phái mình.
2. Tác phẩm
Tác phẩm của Empedocles chỉ hiện còn bằng những tản văn, và thật là may, khi chúng có số lượng nhiều hơn hết so với bất cứ số lượng tác phẩm nào của thời kỳ “tiền Socratle”. Những tản văn này được tìm thấy tương đương với các trích đoạn có trong các tác giả như Aristotle hay Plutarch. Mặc dù nhiều tác phẩm bao hàm Bi kịch và Y luận đã không tồn tại, thế nhưng, nhờ vào các tản văn được viết hoàn toàn bằng khổ thơ lục vận mà trong đó chứa đựng hầu hết về lý thuyết y khoa, thuyết sinh vật, thuyết tịnh hóa, và thuyết luân hồi cũng như vũ trụ luận của ông như ta được biết về ông vốn là một tri thức bách khoa. Các tản văn này là: Περι φuσωος (về Nhiên tính) hay Φuσικα (khoa Vật lý) và καψαρμοι (các Tịnh hóa). Xét về các tác phẩm ấy, ta thấy những ý tưởng và những thể tài được Empedocles nêu ra hoàn toàn nghịch với những tác giả khác. Chẳng hạn, tác phẩm Về nhiên tính, bản văn đã cấu trúc trở lại nhiên tính và nhiên tính được xem như là công việc của vật lý cơ giới chi phối thay cho các chư Thần theo truyền thống với bốn hành chất phi cá thể vô động và hai lực hút và đẩy của vũ trụ, tức là Ái lực [gern mögen hay lieben] và Sân lực [Streife hay männlich]. Nói tóm lại, trong tác phẩm Về các tịnh hóa, người ta bắt gặp các “huyền ngôn” sâu xa về tôn giáo của trường phái Pythagoras và, con người hàm tàng một cái ngã đầu thai trong xung đột như là một định nghiệp của chính nó do các hoạt động bất thiện của mình. Từ quan điểm như thế, ta có thể phóng cái nhìn về trật tự và sự mất cân bằng hiện tại của ta và vũ trụ, tức là “hoàn cảnh và môi trường như thế nào là do hoạt động thiện và ác của chúng ta, đưa đến tình trạng mất cân đối các yếu tố sắc của chúng ta”. Tất nhiên, quan niệm về một thứ “định nghiệp” nào đó của Em- pedocles dễ dẫn đến một định kiến thường hữu. Tuy nhiên với các khám phá của ông cũng đã nói lên tư duy của một thiên tài đáng kính. Tóm lại, cái ngã hay linh hồn, theo Empedocles là một thật hữu tính, nó khổ đau, luân hồi là do tính hỗn độn, là do vô minh có định kỳ và rồi, nó sẽ phục hồi bản vị của nó với sự hài hòa bản hữu và theo Empedocles, vũ trụ cũng vậy thôi. Tức là nó luân hồi với chu kỳ thành và diệt. Thành thì hạnh phúc và diệt thì hỗn độn, thì luân hồi và khổ đau. Vũ trụ và linh hồn của thuyết Empedocles giống với thuyết Phạm Thiên của Ấn giáo.
3. Vật lý và vũ trụ luận
a. Vật lý
Nền tảng vật lý của Empedocles nằm trong bốn hành chất hay là các “căn tính” như ông thường gọi. Các căn tính này dùng như là một phép ẩn dụ thực vật, nghĩa là chúng ép ra được tiềm năng tạo sinh của mình cho vạn loài, tức là địa đại, thủy đại, phong đại và khí đại. Đây là những năng tố tạo thành vũ trụ mà người ta có thể nhận diện được chúng qua mọi tạo vật, nói khác hơn, bốn tố chất này là nguồn cội của tồn sinh. Chúng nối kết với nhau bằng tính phức hợp và các cân đối [Grössenverhäntnisse] trong tình trạng đặc thù [andere]. Tuy nhiên, mỗi một yếu tố đều có thể tự trì yếu tánh của mình trong sự phức hợp này, do vậy, tự mỗi tố chất có một hằng tính
thường tại (nhậm trì tự tính, quỹ sinh vật giải). Vị thế của bốn tố chất này cấu thành bộ phận truyền thống của các nguyên lý sở tạo sắc đối nghịch hẳn với nền triết học “tiền Socratle” lúc bấy giờ, thế nhưng nó cũng có nguồn cội của nó trong một nỗ lực chống lại thuyết đơn nhất và hằng hữu của Parmenides, người đã tuyên bố là “hữu thể không thể do vô xuất sinh, và không thể có cái không nào hoại được cái có, tức không thể có mà thành không; học thuyết này xét như là nhất nguyên thực tại luận. Empedocles đã dùng hệ luận của Parmenides và đảo ngược lại rằng, nếu như hữu không thể do vô xuất sinh và cũng không do vô hoại diệt, và do vậy để giải thoát hiện thực của thế gian luân hồi, thế thì ta cần phải kết luận là có một cái gì đó tinh tế nhất ở bên dưới của dịch biến, phát sinh và lão suy tương tục của sắc thế gian này mà sinh già suy chết là các hiện thực phổ kiến. Và từ lập luận như thế, Empedocles chuyển tính thường tại được Parmenides chủ trương vào trong thế giới tứ đại của mình và thay thế tính tĩnh tại thường hằng của Parmenides bằng một đa nguyên động với bốn nguyên tố. Bốn tố chất này hoàn toàn tương ưng với các biểu đạt của chúng nơi cấp độ vĩ mô của nhiên giới, như ta thấy tình trạng tứ phân của vũ trụ qua đất, biển, khí và Ête tạo lửa của các thiên thể [heavenly bodies]. Về bản chất, bốn yếu tố này minh hiện sự tách ly tự nhiên có cơ sở của sắc pháp hay vật chất ở phạm vi rộng rãi nhất. Sự tách ly này [mà sau này người ta ứng dụng cho trừ pháp trong toán học] ở cấp độ thực tại vĩ mô được ứng dụng cho cấp độ vi mô để sản xuất một lộ trình song song giữa giòng tương tục của vật chất và các giòng tương tục nền tảng của vũ trụ, tuy nhiên, sự tái sản xuất của thế giới qua bốn bộ loại chất liệu đó không làm hoại đi thực tại của thế giới như ta thấy, mà thay vào đó làm tăng thêm giá trị cho sự tái tạo này. Empedocles nhấn mạnh lộ trình song song này giữa các yếu tố ở các cấp độ khu biệt của thực tại bằng dụng ngữ: “mặt trời”, “biển”, “đất” và chúng có thể thay cho “lửa”, “nước” và “đất”. Về tứ đại này, mặc dù Empedocles nhấn mạnh đến lực bình đẳng của chúng, thế nhưng lửa thì vẫn được thừa nhận là một nguyên tắc thù thắng cho cả trong hiệu quả ngạnh hóa [härten] hay kết tinh ở dạng rắn trong các phức hợp của các yếu tố khác và lẫn cho nguyên lý nền tảng của sinh loại trong vũ trụ này.
Về nguyên lý hỏa đại, ta thấy học thuyết của Empe- docles giống với hành hỏa của kinh Dịch, khi mà quẻ Càn [乾] còn ở trạng thái tiên thiên, theo thuyết quái vị tiên thiên, lúc bấy giờ quẻ Càn nằm ở chánh Nam của hậu thiên Ly vị, tức là hành hỏa hay hỏa đại. Hỏa đại làm khô dần trạng thái nước của giai đoạn “thiên nhất sinh thủy” của Thalès và có một cái vô hình vô ảnh là Lửa phát sinh vạn hữu trong quan kiến của Heraclitus, cho đến khi nước lửa giao nhau, tức là nước và lửa hút nhau, thì thành nên vạn hữu. Trên mặt vĩ mô, hỏa đại là hệ thống thái dương; ở mặt vi mô, xét từ lý “cận quán tự chư thân,” thì hỏa thuộc về trái tim và nước đại diện cho trái thận, nơi xuất sinh nhân loại. Hỏa đại, trong học thuyết âm dương còn là biểu ngữ cho văn minh nữa. Chẳng hạn, “thánh nhân cư Nam diện,” hoặc là “ly chi minh giả”, hay “ngọ môn quan” tức là cánh cổng đi vào trái tim bằng “thiên hành kiện” và, trong truyền thống của Bái hỏa giáo và tính trong sáng của Thắng Luận, thì lửa vẫn là biểu ngữ cho sự sáng tạo, cho sự bốc lên cao, cho tính chất thanh khí. Hỏa chính là mặt trời, mặt trời mọc ở phương Đông và rực rỡ ở phương Nam, “Đế xuất hồ Chấn, tề hồ Tốn, tương kiến hồ Ly…”, khi mà Đế hội kiến ở cung Ly, tức là thời đại của Ái lực, thời kỳ của từ bi thông tuệ, khi mà Đế lao khổ ở cung Càn hay là hướng về phía Tây nam, thì vũ trụ rã phân, sân lực hợp thành sân lực chi phối đất trời này, lúc bây giờ, vũ trụ đi vào vận Bỉ, thời kỳ Diệt của hệ thái dương, đây là cái vòng luẩn quẩn của vũ trụ và cũng là cái vòng luẩn quẩn của kiếp người. Chỉ có một tổng hợp tương đối như thế này, ta mới biết giáo chỉ của Phật-đà cao siêu biết chừng nào, sự cao siêu ấy, chỉ có thể
hội ngộ cùng các triết gia “tiền Socratle”, bởi vì, các vị tiên hiền đó, đã tư duy về vũ trụ và nhân sinh trên thân giới và tâm giới, từ khi Logos trở thành logique, thì con người đã tư duy theo hệ nhị phân rồi, nghĩa là người ta chỉ còn lý luận và không còn giới thể nữa, người ta chỉ còn lý trí mà dần kém từ bi, nói theo kinh Dịch hay Empedocles, thì lúc bây giờ, người ta chỉ còn có quả Thận [thận thủy chủ về trí, chủ về ái hà, chủ về bóng tối uất khúc, chủ về lý luận, chủ về ngã tưởng] và nước làm tắt lụi hỏa, vũ trụ hụt hẫng sự cân bằng của nước và lửa, của kim và mộc, của thổ và thủy. Và giờ đây là thiên tai, là chiến tranh, là lừa gạt và nhất là phi giới luật, trong phạm vi rộng của vũ trụ và toàn cộng đồng. Tuy nhiên, học thuyết nhị phân của kinh Dịch còn đi xa hơn một bước, đó là cái học của phương vị, thuật ngữ thường gọi là triết lý biện phương, thuật ngữ biện phương này, có thể sánh với chữ sukhāvatì vyuhaḥ trong bản kinh A-di-đà, nghĩa là cõi được biện phương bằng các trạng thái phúc lạc.
b. Vũ trụ
Empedocles đặt cho vũ trụ hai sức mạnh hiện thực mà ta có thể xét qua biểu hiện của nó trong thế giới này, đó là những yếu tố sinh và diệt. Với con người, năng lực sinh, chính là tình yêu [φιλια] – một lực hút và nối kết – và lực đẩy hay diệt [νεικος] – lực xung đột và tách ly. Các năng lực vũ trụ như vậy có được quán sát bằng thuật ngữ cơ giới thuần túy như Empedocles mô tả cái cách vạn hữu xuất sinh hay không hoặc như các biểu đạt thuộc tính nội tại của các yếu tố này có được hay không, hoặc có hay không như các năng lực ngoại tại tác động cho các yếu tố này như thế nào thì không được rõ ràng cho lắm. Tức là sự lý giải của Empedocles chưa được rõ ràng cho lắm là hai năng lực này có phải được xem như là những năng lực vật lý cơ giới phi cá thể [unpersönlich] hay không, hoặc có phải là chư thiên trí vận hành trong cái cách có mục đích ở sự tạo sinh và tạo diệt hay không, nghĩa là một nguyên nhân luận cho tất cả thì Empedocles không cụ thể đề cập. Chứng cứ có thể tìm thấy cho tất cả các thuyên thích này là cái mà cả hai-Ái lực và Sân lực-đưa đến mâu thuẫn nội tại để giành cho được sự thống trị vũ trụ và rồi kết quả của chu kỳ vũ trụ vận hành chính là do sự mâu thuẫn này. Tuy nhiên, các chi tiết của chu kỳ vũ trụ, những sở cứ do Empedocles nêu ra cũng rất khó chứng minh, nhưng, trong phạm vi rộng có thể chấp nhận được theo một lược trình sau đây nhằm hiển thị quan kiến của Empedocles:
Theo tiến trình của kim đồng hồ, khi mà Ái lực hoàn toàn thống ngự, “cô nàng” ấy hay tịnh âm kéo hết mọi yếu tố liên kết với nhau trong một khối hình cầu, cho dù các yếu tố này không kết tinh trong một khối đơn nhất, thế nhưng mỗi một yếu tố đều không tha hóa. Lúc bấy giờ, khối hình cầu này là một trạng thái phi vũ trụ [acosmic] diễn ra phi vật chất và không có sự sống nào có thể xảy ra, tức là một vũ trụ trong trạng thái tịch lặng. Ta thấy, Ái lực của Empedocles là tịch tịnh, là sinh khí là cuốn hút, là phi hữu, hoàn toàn âm tính. Khi mà Ái lực dần dà yếu đi, thì Sân lực tiệm tăng, lúc bây giờ “anh ấy” hay tịnh dương tách ly các tố chất trong khối hình cầu ra, cho đến khi các tố chất ấy đủ tách rời để vật chất hiện thành và để cho thế giới được tạo sinh và cho mọi loài khởi phát. Khi mà anh chàng “Sân lực” đã hoàn toàn thống trị, chúng ta lại có một tình trạng phi vũ trụ mà ở đó các yếu tố triệt để tương ly, toàn là Dương tính và thế giới lẫn vũ trụ bị phá hủy trong cơn lốc xoáy [Wirbeln / en colimaçon], vũ trụ cứ xoay vần như thế, hết hận rồi tới yêu, hết Ái rồi tới Sân và ta tưởng đến chuỗi 12 chi nhân duyên của Phật giáo cứ như vậy theo giòng thuận nghịch của vô minh, không có chỗ dừng. Cho dù Ái lực của Empedocles không phải ở trong phạm trù của vô minh, tuy nhiên, vũ trụ tịch tĩnh trong ái lực của ông giống như sự tĩnh tại của vòng “Thái cực” trong học thuyết nhị nguyên của kinh Dịch hay lý tưởng tuyệt đối hài hòa của một số học thuyết thái hòa viễn vông nào đó, và rồi đến một chu kỳ nào đó nó bị Sân lực hoặc “dục nhiễm” hay mâu thuẫn nội tại nổi lên và thủ tiêu nó. Với ý nghĩa như vậy, chư Phật và các bậc Thánh ra đời và thành đạo dưới cội Bồ-đề chính là ở chỗ mâu thuẫn này—các Ngài thành đạo trong cơn lốc xoáy ấy và cơn lốc đã được chuyển thành bánh xe Pháp theo giới thể của mình và ba cõi từ đó được vinh danh—chớ không phải bằng các hạn từ lý thuyết của những vết son môi.
Khi vũ trụ tồn tại trong giòng tương tục, thì lúc đó sở y của nó hẳn có một phẩm tính ổn định nào đó trong sự vĩnh hằng của các tố chất. Nếu như thế giới tồn tại trong tình trạng tương tục tiến hóa có tổ chức, vậy thì ở đó phải có hai tạo vật và hai cảnh giới dị biệt mà giữa chúng không cần có sự liên hệ trực tiếp nào. Theo sự thuyên thích ở mức độ rộng nhất được thừa nhận, Empedocles cho rằng, chính chúng ta đang sống trong thế giới dưới năng lực hoại diệt tăng dần, nghĩa là chúng ta đang bước vào chu kỳ hắc ám của toàn dương tính thống trị.
4. Sinh vật học
Khoa vật lý của Empedocles có một tiêu điểm sinh vật đặc thù được ông dùng như là phép ẩn dụ thực vật để chỉ cho các căn tính và sau đó mới định danh là các yếu tố. Thuật ngữ “các căn tính” nhắm vào sự tạo sinh của chính các căn này hơn là minh họa cho tạo vật về sự hỗn hợp bằng các nối kết đặc thù của chúng; từ ngữ “các yếu tố” trong tiếng Latin là elementa, trong Hy Lạp là stoikseio [στοιχειο], chúng thường dùng cho các mẫu tự của bảng chữ cái và phép ẩn dụ nhấn mạnh vào khả tính của các yếu tố vật chất để hình thành các loại vật chất đặc thù bằng sự hoán vị, tức là chúng ta chồng các chất liệu lại để có một hình thể như ý nào đó. Trong khi căn tính là một cái gì đó trừu tượng, và yếu tố là cái đúng như một số mẫu tự mà ta có thể cấu thành những loại từ ngữ khác nhau ở trên trang sách vậy, yếu tố được hiểu như là giới [dhātu trong Phạn văn] còn các căn tính được hiểu như là các Đại chủng [mahābhūta] trong Câu-xá. Để minh họa khía cạnh này về các khả tính tạo sinh cho các căn tính của mình, Empedocles dùng đến pháp loại suy, [analogie/Entsprechung] tức là như những họa sỹ dùng một số màu sắc giới hạn để tạo ra mọi loại màu khác nhau và thể hiện tất cả những gì đa dạng của thiên nhiên. Như một họa sư, người nghệ sỹ nói lên tiếng nói trí tuệ bằng sự thực hành nghệ thuật: con người, cây cối, sự vật, các cung điện, chim muông và các hiện tượng tâm lý, tất cả đều được liên hệ từ những tích tập của bạn, từ khả tính tạo sinh thiên thần của bạn, tâm của bạn là một họa sư và thế giới muôn màu in hình trong tri kiến của bạn.
Còn có các bình diện khác nữa, pháp loại suy này đã là đời sống tư duy của Empedocles về khả tính tạo sinh của các yếu tố dưới dạng sản xuất thực vật của chúng. Ở đây, ta thấy một bản danh mục liệt kê một cách đặc trưng về trật tự khác nhau của thiên nhiên, được Empedocles trình bày: những cánh đồng, con người, đàn súc vật, chim muông, và cá cũng như các thiên thần. Nếu như các họa sỹ dùng một hỗn hợp màu sắc nhỏ nào đó để sản xuất các bản sao chép của thiên nhiên, vậy thì, một tiến trình được xuất sinh cho thế giới tự nhiên cũng tương tợ như vậy. Nói cách khác, như sự trình bày của ông về chu kỳ vũ trụ, lực hút và lực đẩy vô tận của các yếu tố này có khuynh hướng xóa nhòa sự phân biệt giữa các yếu tố và những hình thức tồn tại do chúng sản sinh. Đúng như trong lộ trình song song được ông rút ra giữa các yếu tố của vũ trụ cho cả cấp độ vĩ mô lẫn vi mô, như vậy thì một lộ trình song song cũng được rút ra giữa các tạo vật và những yếu tố tương tục sinh diệt của chúng, hay nói khác hơn, lộ trình sinh chính là lộ trình diệt và chỉ có tứ đại là bất diệt mà thôi. Trong ngữ cảnh này, ta thấy Empedocles đang muốn nói đến tổng tướng và biệt tướng, cái dài diệt cái ngắn, cái lớn diệt cái nhỏ, v.v… Quan điểm “mâu thuẫn nội tại” này đã bị Phật giáo chỉ trích triệt để, nhất là trong bản kinh Lăng-già, bởi vì, các cặp nhị nguyên mà ta cho là có thực thể như thế, chẳng qua là do phân biệt hay cấu tưởng đối chiếu [pari-vikalpa] của tư duy, nghĩa là cái dài chỉ là cái bóng in của cái ngắn trong ký ức của chúng ta mà thôi và thật sự nó sẽ dẫn đến một loại ngã chấp và pháp chấp nào đó bàng bạc ở thời kỳ tương lai trên các học thuyết khác nhau. Trên thực tế, Triết học Tây phương chỉ có thể di chuyển trên hai lộ trình ngã hay pháp, cái mà giờ đây ta hay gọi là hữu thể vậy. Lại nữa, học thuyết của Empedocles hoàn toàn vắng mặt cái thức của nhân loại, phải đợi đến Anaxagoras vấn đề này mới được đề cập; và nhất là sự hỗn độn giữa tâm và vật, Empedocles vẫn chưa định vị được rõ ràng. Sự hiện thân của đức Phật nơi Bồ-đề đạo tràng không có nghĩa là Ngài thủ tiêu mọi pháp hay chặn đứng bước đi văn minh của nhân loại mà bước đi này hình thành bằng các hệ thống thông minh, bằng ngã tưởng của chúng ta, Ngài dạy rằng, cho dù chư Phật có ra đời hay không thì Pháp tính vẫn như vậy, vấn đề là Ngài đã nhận ra được “kẻ xây nhà”, tức là cái nghiệp của “thức tưởng” về vũ trụ này mà “cảm thọ dơ bẩn” của chúng sinh trực tiếp gây nên. Thế nhưng, ta vẫn quan niệm rằng, vấn đề là niềm hưng phấn của tư duy và những hoài niệm về các chân trời khả thể của một thời đại mặt trời “hồng” đã mất của Hy Lạp và cả của chúng ta nữa.
Ta tự hỏi là, cái ngã có hữu ích hay không và thật sự nó “đáng ghét” đến mức độ nào? Hẳn là ta đã mặc nhiên thừa nhận rằng, cái ngã thật hoàn toàn hữu dụng cho phạm vi đời thường của chúng ta, trong trường hợp ta cho là nó có thực, lúc bấy giờ nó giúp ta xác định được cái ranh giới của tướng chung và tướng riêng và các quy luật pháp chế của xã hội. Nó, cái ngã cho ta biết cái nào là “của mình” và cái nào là “của người khác” và thật buồn cười, bản chất của cái ngã lại luôn muốn biến cái “của người khác” thành cái “của mình”. Cái ngã là cái cần suy ngẫm hơn hết, Phật giáo nói tiêu diệt cái ngã, là tiêu diệt cái ngã vừa nêu, một cái ngã cực đoan không biết đạo lý là gì. Và cũng thật buồn cười đến độ rất hồn nhiên là, khi mà cái ngã “tưởng” đó bị diệt rồi, thế thì cái “pháp” cũng không còn lý do gì để tồn tại – Ngã và pháp luôn song hành trên mặt hữu cơ – và do vậy, ta biết là giải thoát được hiện thành bởi do giới luật hơn là do thông minh. Nói cách khác, thế giới có thành hay không là do bi của giới vậy.
a. Nguồn gốc vạn hữu
Tới một giới hạn nào đó của nhận thức, ta cũng phải thừa nhận rằng, đời sống của ta hình thành bằng các ấn tượng và các liên hệ tên gọi – các ấn tượng – đôi khi là những liên hệ tồn hữu mọi tiềm năng, khi chúng hiện lên, hoặc tuần tự hoặc đồng thời, trên mặt phẳng của ý thức để tạo nên những kinh nghiệm và chỉ định với các tên gọi khác nhau, từ đó ta có thể bảo vệ và chứng minh cho sự hiện hữu của mình bằng các vết nhăn trên mặt phẳng ấy và, từ đó đời sống tri thức của một cá nhân luôn pha màu cùng một cái ngã và một sở thuộc nào đó của cái ngã này, nếu cái tự thể mường tượng đó bị tách rời ra khỏi ta, thì lúc bấy giờ thế giới hầu như không tồn tại. Với kinh nghiệm hình thành trên mặt phẳng đã nhăn nheo như thế, ta quan sát thế giới cùng với những danh xưng, ta thấy hình như sự hiện hữu của mình là một tập hợp của những tính đa dạng mà ta cố gắng bố trí nó theo một trật tự bao gồm ngã và ngã sở của ta. Khi một cái gì ở bên ngoài những tập hợp đa dạng này thì cái đó được cho là bất thực, và bây giờ tri thức đi vào các ngõ siêu hình trên một bản thể hữu tại. Nghĩa là, vạn hữu là vạn hữu của cơ học mang tính tư duy hay lý tính và rằng, ta tồn tại là tồn tại cùng với tính đa dạng của tư duy bao gồm: đời sống động vật và thực vật, tất nhiên là bao gồm cả những gì thuộc về huyền thoại phát sinh từ trí tưởng hữu hạn của mình, để ta có thể chi phối vạn hữu và chi phối luôn cả Thượng đế với các tính đồng đẳng mà ta đã tạo ra về Ngài, với mình. Thượng đế được ẩn dụ cho cái phần bên trong tối linh của ta. Và đây là những gì mà Empedocles cố gắng trình bày với chúng ta về nguồn gốc của vạn hữu và nguồn gốc này đi đôi với những huyền thoại và hiện thực như vậy, cho dầu Empedocles chưa xác định đâu là cái thức của sinh loại. Có lẽ cái thức ấy ông quy cho tứ đại thường tại cũng nên. Ta cũng nên thừa nhận là, huyền thoại hầu như là một truyền thống đặc trưng của người Hy Lạp và nhất là pháp ẩn dụ mà họ gài vào vạn hữu để thành nên một trang sức ngữ cho nền văn minh của nhân loại. Ta cũng nên thừa nhận các quan niệm phi Thượng đế như vậy, đã làm nên vương quốc của thời kỳ tiền Socratle và vương quốc này đã bị nhận chìm dưới sức mạnh vật chất đáng kể của nhà thờ La-mã và giờ đây nó đang dần phục sinh và hiển minh những khuôn mặt đen của chủ nghĩa thường tại, và thay vào đó bằng các tư duy đích thực chỉ có con người mới có thể thực hiện mà thôi. Và chỉ có con người mới lập ra từ đó, các lý thuyết khác hơn về nguồn cội con người và mọi sự phán quyết chỉ mong chờ ở chính những học thuyết nào xác đáng nhất. Giờ đây, tất cả đang chờ trước mắt.
Về mặt huyền thoại, người Hy Lạp cho rằng thú vật là những loài động vật được chuyển sinh từ con người. Và nguồn gốc con người, theo Empedocles, là những vị anh hùng thù thắng và đơn biệt [particular heroes], là những nhà kiến tạo đại đô hội hay các giống nòi mà, được ông thường xuyên mô tả bằng hạn từ “phép loại suy thực vật” như ta hiện dụng. Có lẽ, không còn một hình ảnh thú vị nào hơn, khi cho rằng con người là một cây sậy, một hệ thực vật biết tư duy, bởi vì, độ bao la của trái tim và một khối óc biết kéo theo mọi vũ trụ khả hữu nào quanh nó trong một cái gì mềm mại nhất mà mình vốn có, tức là một huyền thoại văn minh, một quy nhập cho sự hữu hạn yếu đuối về mình. Tuy nhiên, khi con người đi vào trạng thái “vắng bặt” tư duy, thì anh hay cô ấy, không thể cho là không tồn tại hay không thể không tồn tại. Con người, như vậy đối với Empedocles, hẳn nhiên phải là cái gì đó vô cùng cao quý, còn loài thú vật luôn là phó phẩm của họ mà thôi. Thú vật là một hình ảnh tương đương khi con người tác ác, khi con người vượt qua cái cây sậy của mình. Với trường hợp như vậy, theo Phật giáo, là ta đang khai thác một trong những cá tính khác hơn nữa của mình—lục đạo luân hồi. Trong Phật giáo, cái mà một hành giả cần đạt đến là sự phủ định về mọi khái niệm kép này, tức là một thái độ vật lý khi con người muốn tách mình ra để dò tìm chính mình. Trong sự tách ly ấy, được xem như là ta đang đem một tư duy khác nữa quy nhập vào các ấn tượng tiền sinh của mình, một loại chứng tự chứng phần đi ngược trong dòng thuận lưu của nó. Và, tính tự cấu trúc của nó cho phép người ta chuyển sinh trên những nguồn ngôn lưu bất tận.
Xét về cơ bản, loài thú vật, theo Empedocles, chúng có nguồn gốc bản xứ [autochthonoustly – bản xứ phát sinh] như thực vật ngày nay vậy và đây là cơ sở cho những lý thuyết khoa học thời cổ đại: tối sơ của cuộc sống là từ đất hay Đại địa. Với cách quan sát này, Empedocles cố gắng chứng minh, không chỉ tính cơ học toàn diện về nguồn cội nhân loại, về các loại thú vật cá biệt mà còn cả đến sinh hoạt của chúng, bao quát luôn con người và một cơ giới lý tính luôn luôn được thực hiện với sự đòi hỏi cho bất cứ kiểu dáng nào trong sáng tạo hay bất cứ tiềm năng nào cấu trúc chúng và tách chúng trong các hình chất cá biệt của chúng nữa—đất là nhân sinh của các loài và lý tính được xem như là dục ý.
Theo Empedocles, tính tương y tạo thành vạn hữu theo bản chất cơ giới của chúng—sự điều phối này hơn cả tính mâu thuẫn nội tại của bất cứ cảnh giới nào, bởi vì, cái cách mâu thuẫn như thế sẽ đưa đến một học thuyết nhất nguyên, còn với ông, quá trình tự hoại là do tính mất cân đối của chính chúng—vạn hữu sinh từ đất và có khả tính đi đến với nhau theo tính đồng chức, tiến trình tương duyên như thế phân thành hai cực, hoặc sự trùng lập: tương duyên và tương ly. Nếu như sự hôn phối nào diễn ra bằng tạp loạn, thì loài thú ấy dần tuyệt chủng hoặc không có khả năng sinh sản, và loại thú nào khi hôn phối đồng chức, thì chúng sinh sôi và phát triển như hệ thực vật được diễn giải như là một pháp ẩn dụ huyền thoại. Tiến trình sinh hóa cơ giới như vậy được người ta thừa nhận như là thủy tổ của học thuyết về sự chọn lọc thiên nhiên của Darwin. Sự chọn lọc thiên nhiên này làm nên cuộc đối đầu chưa từng được hóa giải giữa nhà thờ và các học thuyết về sắc của Tây phương. Tuy nhiên, khác với Darwin, quá trình sinh hiện của vạn hữu, theo Empedocles, là quá trình đột hiện vĩ đại, ngẫu nhiên chớ không tiệm hóa, tiệm tiến, đến độ hầu như học thuyết của Darwin chỉ thuần là những luận cứ bề mặt và sau đó là dựa trên các suy diễn. Tuy nhiên khi đã gọi là học thuyết, thì bản chất của nó thường là dùng để tham khảo và một vài ứng dụng có thể xảy ra, nếu như nó mang lại hiệu quả thật sự qua vài ứng dụng này, hơn là đóng gói nó và gửi đi theo các phạm trù cứng. Trở lại, tiến trình nội hàm nhị phân của Empedocles quy cho vạn hữu hầu như tương tợ thuyết Âm Dương của kinh Dịch, thế nhưng, từ vựng “vô cực” thì ta không thấy trong học thuyết của ông, bởi vì 4 yếu tính cơ bản và vĩnh hằng trong học thuyết này được xem như một thứ vô cực nhi thái cực rồi vậy. Và, hai nghi đã nêu, tức là lưỡng tính của vạn hữu—Âm và Dương—cái nào mất cân đối sẽ là “đạo tiểu nhân” và tự hoại, cái nào đồng chức hay cân đối, thì cái đó là “đạo quân tử”, tuy thế, tính kép này không thể diễn ra song hành. Với cách quan sát theo lý luận như vậy, Empedocles được thừa nhận là người chi phối toàn bộ hệ thống lý luận của Hegel, chẳng hạn, tiến trình hình thành của con gà chính là sự tự hủy của trứng gà và thật vậy, cái gì có khả năng tự hủy thì cái đó có khả năng loại đi các tạp chất của mình để tự sinh. Tuy nhiên, đối với Empedocles, tiến trình đột hiện trong tự thân nó có luôn tiến trình tự hủy và đây là điểm khác biệt về lý mâu thuẫn nội tại của ông như ta vừa nêu.
Hơn tất cả, khi đức Phật ra đời, vũ trụ quan chân thật của nhân loại được vén màn. Con người ngoài việc tư duy vạn hữu cũng như vô số diễn trình tâm phức tạp diễn ra trên thấu kính của thức cảm quan mà còn, theo Phật giáo, người ta phải giải thoát ra khỏi “đạo tiểu nhân” nữa. Sự giải thoát này, hoàn toàn nằm bên ngoài các nghiên cứu về nguồn cội con người, bởi vì cho dù có chinh phục được nguồn cội con người, thì cái nguồn cội đó không gì khác hơn là bản chất vô thường của nó mà thôi: cái gì sinh ra từ vô thường, thì cái đó phải là vô thường, cái gì tịch tĩnh thì nhân của nó phải là tịch tĩnh. Một hệ luận như vậy, nếu, với một ai đó không cho là phổ niệm, thì họ có quyền đi tìm một cái phi kiến nào đó để thỏa mãn tri thức của mình và, biết đâu, sẽ có một nền văn minh nào đó, hoàn toàn không dựa trên nhân quả gì cả. Và, thật sự, tính liên kết mới là nguồn cội của con người, bởi vì, con người duy nhất là loài động vật biết và nguyện thực hành giải khổ. Có lẽ, nhờ đặc tính này, mà ta vốn đi bằng hai chân chăng? Nếu, Ái lực được cho là “thời hoàng kim” và Sân lực được cho là “thời hắc ám”, thì nhiệm vụ của người theo Phật là hàng phục trọn vẹn hai chu kỳ này và Tánh không mới đúng là cội nguồn của vạn hữu, theo ý nghĩa vĩ đại của—nguyện pháp giới chúng sinh tề thành Phật đạo.
Theo kinh Khởi thế nhân bổn, con người trở lại với thế giới này theo ánh sáng được minh dụ là từ cõi Quang Âm Thiên mà ở đó họ sống bằng Hỷ và do Ý sinh. Khi trở lại với thế giới này qua thời kỳ chuyển hoại, thì con người ở đây cũng sống bằng Hỷ và do Ý sinh, họ tự có ánh sáng và sống trong sự vinh quang…[thỉnh xem kinh Khởi thế nhân bổn, HT. Thích Minh Châu dịch, Trường bộ, trang 80-98.] Bản kinh này cho biết, ta vốn có sự tịch tĩnh bản nhiên và biết tu tập hay thăm dò trạng thái tịch lặng bất động này, tuy chưa được rốt ráo. Thế nhưng, nhờ sự tu tập ấy, mà ta chuyển sinh từ cõi trời ấy đến thế giới này và từ thế giới này ta chuyển sinh về cõi trời ấy khi chu kỳ hoại của cõi đó diễn ra—ánh sáng tiềm thể tính của chúng sinh là cốt cách duy nhất để họ chuyển sinh. Ở đây, một giáo chỉ về sự chu hành được trình bày, tức là con người và vật loại được sinh ra từ sự hoạt động của chúng, của dòng xoáy đa chiều, bất định này—Nghiệp. Sự hoạt động được xem như là nền tảng của các pháp và mọi hệ lụy, sự hệ lụy ấy chỉ có thể dừng dứt khi mọi hoạt động dừng dứt với tất cả các lực được thành tựu, bấy giờ con người sẽ thấy được phẩm chất siêu vật lý của mình, vượt ra ngoài cách sở sinh của Dục, Hỷ và Ý cũng như các tương tác của sắc. Điều huyền nhiệm của tôn giáo và sự văn minh tột cùng của nó chỉ xảy ra, khi ta dấn thân vào hành trình chinh phục thế giới nhị phân—cách sở sinh thân của tịnh ý— mà chính ta phải tạo ra.
Có một điều quan trọng cần lưu tâm: tính châu lưu tái sinh [của chúng sinh] giữa cõi Quang âm thiên và cõi Diêm phù này chỉ toàn là cách tuần hoàn dựng đứng của Sát-na diệt sinh trên cái giá đỡ của một vài phẩm loại Thiền định được hiểu như là ánh sáng đã tạo nên phức lực để hành tướng thuộc về nhân loại sở y—các cõi là do tự thể của Nghiệp sinh. Pháp ẩn dụ về chủng tử của Duy Thức hiển minh cho trường thực tại của các lực rõ hơn phép Ẩn dụ huyền thoại thực vật của Hy-lạp. Đây là điểm khác biệt tối thắng của Phật giáo giữa các lý thuyết, nó thách đố với bất cứ học thuyết nào về nguồn cội nhân loại và nhất thiết pháp. Nó rực rỡ như ánh sao mai giữa bầu trời hý luận đen, khi mà, kẻ “xây nhà” được cái đến-như-vậy nhận chân.
b. Phôi bào học
Empedocles xứng đáng là người đại biểu đầu tiên cho ngành Phôi bào học hay học thuyết về chủng tử của sắc pháp ở Tây phương. Lý thuyết này mô tả rằng, thân của sinh vật được tạo ra bởi hai hành chất: cực vi cha và cực vi mẹ. Các nhân thân này được xem như là thời kỳ hậu thiên mà người ta có thể thấy được như là những sao chép hay bản sao của chính hai cực vi này [tiny copy]. Cực vi cha làm nhiệm vụ tạo sinh mũi, còn cực vi mẹ làm nhiệm vụ tạo sinh mắt hay bốn quan năng còn lại. Lộ trình tạo sinh đó được cho là một kịch bản hoàn hảo chứng minh sự kế thừa các đặc tính hay các gen di truyền, tuy sự kế thừa này không phải là một khuôn đúc như nhau. Bản văn Các tản văn thời kỳ tiền Socratles nói rằng: “Empedocles tư duy về cấu trúc cội nguồn của thú loại với tư cách là một tiến trình tương ưng với cấu trúc hiện có về phôi bào trong thai tạng. Từ sự mô tả của ông về tính chất ‘tương duyên và tương sinh’, hầu như chúng ta có được hai tiến trình vận hành trong cấu trúc của cả tạo vật hiện có lẫn nguồn căn bản của cuộc sống.” Tính “tương duyên” này mô tả vừa là tương duyên bản sơ về chi phần của tạo vật đầu tiên và lẫn sự tương duyên của các chi phần cực vi suy niệm. Còn một phương diện khác nữa của tiến trình sáng tạo này, là tiến trình tăng trưởng được minh họa do Sân lực tạo ra về “các phóng xạ của giống đực [đàn ông] và giống cái [nữ tính] đồng thuận” mà các bộ phận này ban đầu chưa được nhất quán hay chưa được định hình: chúng sẽ trải qua một tiến trình “tăng tấn” như là các nụ thực vật và phát triển hoàn toàn thành người. Quá trình tăng tấn này được song hành một cách rõ ràng thành phôi bào bởi sự tiệm tiến và thành chủng tử trong thai tạng. Tuy nhiên, người ta nên nghĩ đến những bộ phận và các căn cực vi chứa đựng trong sinh chủng mà ở đây các bộ phận và các căn chưa được phát triển toàn diện, ngoài ra ta nên nghĩ đến các chất liệu di truyền chứa đựng tiềm năng cho sự phát triển các bộ phận và các căn như thế thì mới đúng. Như vậy, chẳng những đây là một lý thuyết cần được nghiên cứu, mà ta còn phải dẫn ra từ Empedocles một học thuyết tiến hóa thật sự gần gũi nhất đến độ nó đã được ông phô diễn trước đây rồi. Hẳn là phải có sự sai biệt trong hai phái tính được ông mô tả dưới dạng tiềm năng: Có phải noãn khí của thai tạng sẽ chi phối phôi bào thành giống đực hoặc giống cái hay không. “Chúng được quy nhập trong các tịnh xứ; một ít gặp lãnh khí thì thành giống cái và một ít gặp noãn khí thì thành giống đực, đó là lý do vì sao mà đàn ông ngâm đen và nhiều năng lực xây dựng và biểu diện bằng râu tóc rậm. Tuy nhiên, môi trường cũng góp phần định tính cho phái tính nữa.”
Về phương diện Phôi bào học, ta không đủ thẩm quyền, đây là công việc của ngành Di truyền học. Tuy nhiên, trên lãnh vực triết học, cách quan sát của Empedocles, giống với thuyết Thắng luận, nhất là lãnh vực di truyền. [xem Sáu phái triết học Ấn Độ, HT. Thích Mãn Giác. Nxb TP.HCM].
c. Khái niệm và tư duy
Nhân loại có phát triển hay không là do sự phát triển của ý thức, và ý thức có thành hình là do tiếp xúc, có nghĩa là, thế giới hiện tượng phát triển như thế nào là do ý thức phát triển như thế đó hoặc ngược lại. Vũ trụ là vũ trụ của tư duy. Hơn thế chính diễn trình khái niệm và ký ức đã tạo thành hệ thống tỷ lượng của cá thể. Do vậy, sự tựu thành của ý thức là kết quả của hậu tri giác. Từ đó, ta nói rằng, thế giới là thế giới của tư duy và các quan năng đóng vai trò quyết định như một tiền trạm. Tuy nhiên, năng lực của chủng tử có thể hiện thành hay không chính là do các tương tác như thế-năng huân và sở huân. Ta nói, các chủng tử, là nói đến một thời kỳ mà văn minh nhân loại đã tiến một bước quá dài, nhất là với Phật giáo, nó vượt qua hẳn những gì đã được Empedocles quyết sách. Ý thức hay các niệm tưởng, theo Phật giáo là không thể tự tồn, nó là một khối kết tập của những va chạm và các tiền sử di truyền của chúng, chủ yếu là dòng chảy của chủng tử trên các căn tri nhận. Vì tính duyên khởi như thế, nên khái niệm hay tư duy, đối với Phật giáo không phải là yếu tính mà yếu tố quyết định của một hành giả Phật giáo, chính là phải nhận ra tính liên hệ của mọi hiện tượng, và nhất là với quan điểm Đa nguyên thực tại luận của Empedocles, theo Phật giáo cũng chỉ là một loại luận thuyết dẫn đến con đường quy ngã. Tuy nhiên khi tham khảo về Empedocles, ta không chỉ tham khảo trên các quan niệm của ông, mà ta còn tham khảo trên mọi lãnh vực mà ông đã cống hiến cho nhân loại trong cách quan sát hiện tượng giới và ở đó ta sẽ rút ra một cái gì đó trong khoa lý luận của Phật giáo, chẳng hạn Duy thức học.
Khái niệm và tư duy, theo Empedocles, được phát sinh là do va chạm, và do các Đại của con mắt quyết định. Chẳng hạn, khi con mắt thấy hiển sắc [light colours] thì cái thấy này là do Hỏa đại trong con mắt, sắc đen là do Thủy đại, v.v… Nghĩa là cảnh giới ngoại tại “đi” đến các quan năng.
Bằng Địa đại, ta tri nhận đất, bằng Thủy đại ta tri nhận nước, tuy nhiên, với phong đại ta tri nhận lửa và lửa hoại lửa, với Ái lực ta nhận ra tình yêu và Sân lực là sự xung đột thảm hại. Trong cái cách đồng chức như thế, thì đạo tiểu nhân sẽ đi với đạo tiểu nhân và đạo quân tử sẽ theo cùng đạo quân tử. Thế thì mọi sự vật được gắn vào nhau và cùng nhau tương thành với chính phương tiện đó, chúng tư duy và cảm nhận khổ lạc. Thế thì phải có một tuyến liên hệ nghiêm mật giữa những gì để ta suy niệm và những gì để ta tư duy. Hơn thế, theo Empedocles, thì những gì ta tư duy thành hệ quả là do cơ cấu vật lý của chính chúng ta nữa. Tiến trình tương ái là tiến trình hữu lực từ cấp độ căn cơ nhất với các bộ phận của đại chủng hấp dẫn nhau và hiện thành với sự phức hợp nguyên chất tối tiên và đây là hình thái của tư duy. Do vậy, theo bản chất, vạn hữu vốn có một phần khái niệm và trí tuệ. Bản văn Các tản văn thời kỳ tiền Socratles cho là, “nên biết rằng vạn hữu đều có tính thông tuệ và một phần của tư duy.” Có thể kết luận rằng, học thuyết của Empedocles, đã khai màu cho một chủ nghĩa Đa nguyên thực tại mang tính sắc pháp mà tâm thức là một cái gì đó chưa rõ ràng cho lắm.
5. Đạo đức và thần thức phiêu du
Con người khi đã được ấn định bằng nghiệp và trong cơn khổ đau của ác hạnh diễn ra như một báo thân, người ta hầu như không còn cách nào khác hơn là hoài vọng về một trú xứ thơ mộng nào đó mà trong vài cơn hạnh phúc nhất thời đã lây lan trong tiềm thức và chúng đã thành là vết in cho một đảo kiến bi thương. Con người thấy rằng, mình đã phạm phải một lời thề, một điều răn mà nó là mặt trái của lần phân ly khi để vuột mất yêu thương. Cái bi thảm của con người không hẳn là mặc cảm phạm phải thề nguyền, mà có lẽ hơn hết là khi ta sanh ra, cũng là lúc đời sống lưỡng phân xuất hiện, ta đã cười khi hạnh phúc và ta đớn đau khi hỷ dục bất thành và ai, nếu chẳng phải là Thượng đế đã khéo bày ra những vết in tiền sử? Những vết hằn, chính là núi non đại hải, là sóng dập gió vùi và ngày trở lại thiên đàng thì mịt mùng không định trước. Thời Ái lực với những phức hợp tinh khôi, giờ đây đâu còn nữa. Con người, theo Empedocles, là một sinh loại bị đọa do sân lực phát sinh, do phạm phải lời nguyền mà nó được cho là sắc lệnh bản hữu tất định trong vạn hữu của chư Thần với các địa ngục vô gián mà ở đó ta luôn bị hành hạ. Empedocles đã thú nhận rằng, chính mình cũng là người tội lỗi và đã từng bị đọa đày nơi đó.
Tuy nhiên, khi thế giới lưỡng phân xuất hiện cũng là lúc tư duy con người sinh trưởng, anh ta hay cô ấy, thấy rằng, mình cũng có phần phẩm chất của Thượng đế, nếu không thì làm gì có phúc lạc của thuở yêu thương, có hoài niệm về một cái gì mà mình mơ hồ sở hữu. Đây là lúc, hoặc là ý thức tôn giáo phát sinh, hoặc là tự mình trang bị cho mình một học thuyết được rút ra từ thế giới lưỡng phân của lý tính và, bấy giờ vũ trụ mới thật sự thành hình. Hoặc là những con hươu khát ái, hoặc là một thăm dò trong u mật của các bậc anh hùng. Ta thấy, tiến trình ý thức tôn giáo, không phải là một tiến trình ru hời của những vỗ về vọng tưởng, mà nó là sự đánh thức của lòng yêu thương, của trí tuệ với các liên hệ của vạn hữu, là một cái gì vượt lên trên thế giới nhị phân mà chính chúng là vật cản ngại ta trở về nguồn phúc lạc. Hạnh phúc, ban đầu chỉ là ảo tưởng của dục và các cảm thọ. Thế nhưng khi dục và các cảm thọ được trui rèn bằng chính sự vô thường của chúng, con người của ta lúc bấy giờ đã đủ trưởng thành để hướng dẫn mọi trạng thái đi trên con đường hướng thượng. Tưởng và Dục là cơ chế tâm sinh lý không thể thiếu của nhân loại, tiếc thay, có một số người đã loại nó ra khỏi đời sống suy niệm của mình và đánh đồng nó với các trang bị nhị nguyên của sở tư.
Empedocles không dừng lại ở thế giới lưu đày như vậy, và ông cũng không dừng ở thế giới tìm về bản thể, ta có một Empedocles của giới hạnh, của tư duy và sau hết là một bậc thầy trên tiến trình siêu việt hóa: sự tịnh hóa sắc. Ông từng nói rằng ông từng bị lưu đày trong các đại ngục, ông đã sống qua những thời kỳ trong các cảnh giới hạ đẳng của tự nhiên và rồi ông sám hối và trở nên bất tử. Ông xuất hiện bằng tất cả các thân trong cuộc đời này để cứu lấy mọi loại đang rơi vào chu kỳ hắc ám. Ở đây, với ông, ta có thể chia được về giới hạnh, về lý tưởng ăn chay và tư tưởng hòa bình của ông trong sự chuyển niệm của nền tư duy cao tột nhất.
6. Ăn thịt và sát sinh
Empedocles cho rằng, sự ăn thịt thú vật, giống như tình cảnh “nồi da xáo thịt”. Cha giết con, chồng giết vợ và họ nhai ngấu nghiến những gì do yêu thương sinh ra. Nếu như ta cho rằng con người là do thú loại chuyển sinh, thế thì ta cũng có thể nói rằng tất cả thú loại là tự thân của ta, nó sinh do niệm tưởng của ta, và rằng, ta nên yêu thương chúng và rằng, ta ăn thịt chúng, cũng có nghĩa là ta đang ăn thịt mình vậy. Tiêu hóa là một quá trình chuyển hóa bằng men, ta không thể nói là, ăn thịt con cá hay bất cứ loài động vật nào là ta đang hưởng thụ mọi chất tinh túy của chúng, nếu thế thì ta cũng cần nên “ăn thịt người” vì con người là tinh hoa của tất cả. Với những ý niệm như thế, nên vào một thời đại gần vừa qua, ta có những “bác học” nghiên cứu về cách gieo trồng nhân chủng, như là một thủ pháp dã man nhất trên hành tinh này. Người Hy Lạp không tuyên bố về bảo vệ môi trường, thế nhưng phép ẩn dụ thần thoại thực vật của họ đã làm nên trang sử về môi trường học, ở Empedocles, ta chiêm ngưỡng ông không phải vì ông là một hiền triết, mà hơn thế, ông còn là một hành giả trong quá trình tịnh hóa hay tẩy xóa sắc pháp và sắc như vậy cũng có nghĩa là tâm, bởi vì, sắc là cái khiến người ta luân hồi và nó cũng là chất liệu cho một tư duy siêu thể, cho ngày trở về với cõi yêu thương. Sát sinh và ăn thịt là một tội ác đáng ghê sợ nhất, hành vi này đồng nghĩa với việc ăn thịt đồng loại. Tuy nhiên, những ai chận đứng tư duy của người khác, bịt kín tri thức con người, thì hành vi ấy sẽ kéo theo thảm họa của nhiều thế hệ-tội làm mù lòa và diệt chủng trí tuệ.
Thánh nhân ra đời bất kể Đông Tây, vấn đề là dấu chân của họ đã in như thế nào trong vũ trụ này.
Kết luận
Bài viết xin chấm dứt ở đây để nhường bước cho mùa xuân đến. Bản văn là một bẩm thụ chưa tròn của những giờ học triết chung với các chư Tăng dưới sự hướng dẫn của thầy Tuệ Sỹ, xét như là những mạn đàm. Nó khép lại cùng với sự nhập thất của thầy mình và, chiếc búa thì cứ treo lững lơ trên đầu lịch sử.
Nếu, ở đây những gì là tư kiến, thì cũng xin “chào nhau ở giữa con đường, mùa xuân phía trước miên trường phía sau.”
[Tập san Pháp Luân – số 46, 47, 2007]