PHẬT HỌC VIỆN HẢI ĐỨC NHA TRANG
HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
(1956-1976)
Phật Học Viện Hải Đức Nha Trang (PHVHĐNT) hình thành trong năm 1956 và khai giảng vào tháng giêng năm 1957, từ sự hợp nhất giữa Phật học đường Báo Quốc và Tăng học đường Nha Trang. Đây là chủ trương chung của hai Tổng trị sự Tăng già và Phật học, nhằm đào tạo chính qui tu sĩ trẻ cho 17 tỉnh miền Trung. Đúc kết quá trình này, không thể không khái quát về Phật học đường Báo Quốc (PHĐBQ) và Tăng học đường Nha Trang (THĐNT) còn gọi là Tăng học đường Nam phần Trung Việt.
A) KHÁI QUÁT VỀ PHẬT HỌC ĐƯỜNG BÁO QUỐC
“Sắc Tứ Báo Quốc Tự”, một Tổ đình nổi tiếng của đất Thần Kinh. Nơi đây, vào năm 1935 (dời từ Trúc Lâm ra BQ), Hội Tăng già Thừa Thiên quyết định mở trường đào tạo Tăng tài lấy tên là “Phật Học Đường Báo Quốc”. Trực tiếp điều hành trường là Pháp sư Thích Trí Độ đảm nhận chức vụ Đốc giáo, cùng với các bậc Cao tăng và nhiều Thiện Trí thức khác trong đó có Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám trực đã tiếp giảng dạy và góp công đức vào việc điều hành nhà trường. Bước đầu trường mở lớp sơ cấp. Theo “Trí Quang tự truyện” (TTTQ) thì giai đoạn đầu: “Viện thành lập Pl. 2477 (1933), chủ yếu do hòa thượng Giác tiên (khai sơn chùa Trúc lâm) và bác sĩ Tâm Minh (Lê Đình Thám, đệ tử ngài). Ban đầu đặt tại chùa Trúc lâm, kế tại Quan công, sau mới tại Báo quốc” (trang 24, nhà xbTHtpHCM năm 2011), sau đó “trường đủ 4 cấp: sơ đẳng 6 năm, cao đẳng và siêu đẳng, mỗi cấp 2 năm…” (trang 27 sđd).
Tám năm sau, tức năm 1943 trường dời về chùa Kim Sơn ở làng Lựu Bảo cách TP Huế chừng 10 cây số về phía Tây. Trường lấy tên là “Cao Đẳng Phật Học Đường Kim Sơn”. Nhưng bốn năm sau, tức năm 1947, vì an ninh, vì kinh tế khó khăn…, trường lại dời về chốn cũ lấy lại danh xưng cũ. Khoảng giữa giai đoạn này, theo TTTQ thì “năm 1944, 2 lớp sơ đẳng và trung đẳng của Phật học viện (mà bấy giờ gọi là Kim sơn) được tạm dời vào Nam, với thân giáo sư là thầy Trí Tịnh, quản lý là thầy Thiện Hoa, hộ chủ là Trương Hoàng Lâu. Vào đó liền gặp 1945, trường rã luôn.” (T.29, sđd).
Bấy giờ, Ngài Thích Trí Thủ, bậc cao tăng trong Giáo Hội Tăng Già Thừa Thiên Huế, trụ trì chùa Báo Quốc, thay ngài Trí Độ làm Giám đốc kiêm Đốc giáo. Thời trước, thời của ngài Trí Độ, trường đào tạo được những vị Tăng ưu tú như quí ngài: Trí Quang, Trí Nghiễm (Thiện Minh), Trí Đức, Trí Thuyên, Trí Tịnh, Trí Hữu, Trí Thành, Thiện Hoa, Thiện Hòa, Trí Nghiêm… Thời sau, thời của ngài Trí Thủ, đào tạo được các thầy: Thuyền Ấn, Thiên Ân, Mãn Giác, Nhất Hạnh, Minh Châu, Nguyên Hồng, Đức Tâm, Chơn Trí, Thanh Trí (sau Tri sự Báo Quốc), Trí Không (Trần Quang Thuận), Đức Thiệu, Đức Tạng… và nhiều hậu học nối tiếp nhau, tiêu biểu như các thầy: Đức Phương, Minh Chiếu, Thiên Chơn, Thiện Châu, Thiện Hạnh, Châu Đức, Từ Mẫn, Đức Tạng, Đức Chơn, Thiện Bình, Chánh Trực, Chánh Lạc, Chánh Kế, Nhật Lệ, Thiện Phước (A), Thiện Phước (B), Thiện Đức, Như Đạt, Trí Tánh, Giác Đức, Diệu Tánh… cũng như hàng trăm Tăng tài xuất thân từ PHVHĐNT, PHĐBQ, từ Già Lam Quảng Hương trong hậu bán thế kỷ 20, một số như: Chánh Liêm, Huệ Tánh, Đức Thanh, Trí Siêu (Lê Mạnh Thát), Tuệ Sĩ (Nguyên Chứng), Nguyên Tánh, Minh Tuấn, Phước Sơn, Phước Đường, Phước Niệm, Đồng Tiến, Phước An, Đức Thắng, Trung Hậu, Nguyên Giác, Nguyên Hạnh, Trí Hoằng (Bình), Đỗng Tuyên, Nguyễn Văn Lộc (?), Phước Hạnh, Thiện Đạo, Không Tánh, Hải Ấn, Hải Mẫn, Nguyên Đức, Huệ Trí, Đạt Đạo, Minh Thông, Trí Viên, Minh Châu, Giác Viên, Chơn Trí (Nguyên Siêu), Thiện Nhơn (B), Nguyên Quang, Bảo Quang, Quang Đạo, Phước Tú, Đức Nghi, Thiện Vinh, Thiện Dương, v.v…
Giáo sư Nguyễn Lang tác giả Việt Nam Phật Giáo Sử Luận đã ghi nhận: “Phật Học Đường Báo Quốc do Thiền sư Trí Thủ chủ trì là một đạo tràng rất hưng thịnh. Từ năm 1950 trở đi, Phật học đường này đã bắt đầu thu nạp nhiều học tăng từ Hà Nội và Sài Gòn gửi tới. Trong số các giáo sư giảng dạy tại Phật học đường, có các Thiền sư Bích Phong, Mật Nguyện, Đôn Hậu, Trí Thủ, Quang Phú, Trọng Ân, Hoằng Thơ, Trí Quang và Trí Đức. Phật học đường này đã cung cấp giảng sư cho các Tỉnh hội Phật học miền Trung, cố vấn giáo lý cho các đơn vị Gia Đình Phật Tử và giáo sư Phật pháp cho các tư thục Bồ Đề.” (VNPGSL quyển III, xb 1994 trang 289)
B) KHÁI QUÁT VỀ TĂNG HỌC ĐƯỜNG NHA TRANG
Tư liệu Tăng Học Đường Nam Phần Trung Việt cũng gọi Tăng Học Đường Nha Trang (THĐNT) hiện còn((TT Minh Thông Hiệu trưởng trường TCPHKH cung cấp)), đó là: Diễn Từ của Ban Giám Đốc đọc trong dịp mãn khóa 1955 và Bản Tổng kết tình hình tổ chức và sinh hoạt của Phật Học Đường Tổng Hội tại Nam phần Trung Việt (Nha Trang) từ ngày khai giảng tháng 10 năm 1952 đến năm 1956. Trong Diễn từ có đoạn nói rõ: “Phật Học Đường Nha Trang là đứa con chính thống thừa tự đạo nghiệp của Đại học đường Kim Sơn truyền lại: Phật Học Đường Nha Trang đã ra đời trong yếu đuối, sống trong gian khổ, nhưng có một điều đặc biệt nhất là trưởng thành khôn lớn trước tuổi phải lớn.”
Bấy giờ trường có 5 ban: Ban Giám đốc, Ban Giáo thọ, Ban Bảo trợ, Ban Quản lý, Ban Y tế. Trường chính thức khai giảng vào ngày 19-10-1952 tại một phòng học của tầng trên. Trường Trung học Bồ-đề Nha Trang. Nhân sự ban đầu thiếu ổn định, trong thời gian ngắn bốn, năm năm có đến ba lần kiện toàn, cụ thể như sau:
I. Ban Giám đốc niên khóa đầu (10/1952 – 1/1954) gồm có:
Giám đốc: Thầy Thiện Minh
Phó Giám đốc: Thầy Huyền Tân (Trụ trì chùa Thiền Lâm Phan Rang), Ban Giáo thọ: Thầy Định Tuệ và thầy Từ Mãn, sau đó vì sức khỏe, vì bận việc, vì phải lui về quê, thầy Thiện Minh thay thế giảng dạy, Thư ký: Học tăng Như Ký.
Nói chung, trong năm học này thầy Thiện Minh bao quát việc điều hành và giảng dạy. Một lớp Tiểu học nhất niên 30 học chúng (gồm một số ngoại trú). Bản Tổng kết nhận xét: “Hơn một năm hoạt động của nhà trường, bề ngoài ta thấy nhà trường cũng có phần tiến, nhưng bên trong ta chưa đặt được căn bản nào vững mạnh đáng kể trên mọi mặt hoạt động.”
Trong thời gian này, ghi nhận về sinh hoạt An cư năm 1953, thầy Đỗng Minh nói: “…Tôi đến Nha Trang, đến với Tăng học đường tại chùa Long Sơn, trụ sở Tỉnh Giáo hội Phật học Khánh Hòa. Tôi nhớ rõ năm ấy là năm 1953, và càng nhớ rõ hơn Hòa Thượng Giám luật Thích Đôn Hậu từ Tổng trị sự Huế vào phụ trách dạy luật cho trường Hạ… Đây là dấu ấn đức hạnh như tên gọi của Ngài đã đặt lên tôi nói riêng, cho quí thầy từ bốn tỉnh: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, và Đà Lạt Tuyên Đức nói chung về tu học tại Tăng học đường trong mùa An cư năm đó”((Phi lộ cho dịch phẩm “Trùng Trị Tì-ni Sự nghĩa yếu tập” Tập 1, xb năm 2006)).
Ban điều hành và Học tăng khóa đầu trước chùa Long Sơn
II.- Tình hình năm thứ hai từ 2/54 đến 1/55:
Sau Hiệp định Genève, THĐNT có nhiều thay đổi nhân sự cũng như nền nếp tu học, trong đó đoàn Học tăng ưu tú 18 người của Phật giáo Liên khu 5 đóng vai trò nồng cốt. Theo hồi ký của Tăng sinh Giác Tuệ thì “Đoàn Học tăng khởi hành từ chùa Hưng Long Bình Định đi bộ vào Tuy Hòa rồi lên xe vào Nha Trang, đến Tăng học đường Nam phần Trung Việt, tại chùa Long Sơn, lúc 5 giờ chiều, ngày 10 tháng 11 năm 1954. Đoàn gồm có: Đỗng Quán (Vào rất sớm rồi quay trở về đưa đoàn vào, làm trưởng đoàn), Quảng Y (Từ Hạnh), Thiện Nhơn (Hồ Sĩ Từ), Thiện Duyên (Võ Đình Như), Nguyên Hồng (Lý Kim Hoa), Nguyên Trạch (Giác Lâm), Đồng Thiện (Lê Văn Hiến), Như Cầu (Đỗng Quang, Nguyễn Như Minh), Tâm Hiện (Hồ Thoại), Phước Khánh (Trần Bì), Như Kế, Thiện Trí (Võ Phi Thiên), Thị Vị (Nguyễn Thành Ký), Như Bửu (Võ Mạnh Hùng), Tâm Lâm (Đức Minh), Đồng Từ (Lê Văn Huấn), Liễu Không (Nguyễn Xuân Đệ), Giác Tuệ (Trần Nguyên Sanh)…
Về nhân sự Ban Giám đốc, sau một thời gian chấp vá, một Ban Giám đốc (BGĐ) lâm thời được bầu ra, gồm có:
– Cố vấn: Thầy Thiện Minh
– Giám đốc: Thầy Huyền Quang
– Phó Giám đốc: Thầy Viên Giác
– Thư ký: Học tăng Như Bửu.
Ban Giám đốc đề ra ba việc phải thực thi là:
1) Củng cố cơ cấu nhà trường:
a) Ban Lãnh chúng: Trong phiên họp đại chúng ngày 13-2-1955 bầu:
Thủ chúng: Thầy Đỗng Minh
Phó Thủ chúng: Thầy Từ Hạnh
Thư ký: Thầy Như Bửu
Ủy viên: Thầy Nguyên Hồng và Trừng San
Nhưng đến đầu học kỳ 2-1955 vì công tác Phật sự cũng như thu gọn lại nên BLC được sắp xếp lại: Thủ chúng: Thầy Từ Hạnh, Phó: Thầy Trừng San, Thư ký: Thầy Như Cầu.
b) Sắp đặt hàng ngũ đại chúng: Chia ra 7 chúng theo thế hệ: Chúng Khuôn Việt, Huyền Trang, Tăng Quang, Phước Huệ, Thiện Tài, Vạn Hạnh, La-hầu-la.
2) Điều chỉnh hệ thống sinh hoạt:
a) Ban Giám đốc chịu dưới quyền lãnh đạo trực tiếp của Tổng hội.
b) Ban Lãnh chúng trực tiếp điều hành sinh hoạt Đại chúng theo chỉ đạo toàn diện của BGĐ
3) Cải thiện hình thức kỷ luật: Thực hiện đúng tinh thần Bản Nội qui đã đề ra về tu học và mọi sinh hoạt khác.
Nhận xét về niên học này, Bảng Tổng kết nói: “Một năm qua nhà trường đã có lần khủng hoảng rất bi quan, nhưng nhờ dưới sự lãnh đạo của BGĐ lâm thời đã củng cố kịp thời mọi sinh hoạt theo lề lối mới tương đối phù hợp với những yêu cầu của học Tăng. Đồng thời có đủ hiệu lực đẩy mạnh mức tiến của nhà trường trong năm đến, làm căn bản cho sự sống còn vững mạnh của nhà trường trên đường nhiệm vụ: ‘đào tạo Tăng tài’.”
III. Năm học từ 2/1955 đến 1/1956:
Tháng 3 năm 1955, trong phiên họp đại hội đồng Tổng hội tại Huế thành lập Ban Giám đốc, thành phần như sau:
– Cố vấn: Thầy Thiện Minh
– Giám đốc: Thầy Huyền Quang
– Phó Giám đốc: Thầy Trí Thủ
– Đốc giáo: Thầy Thiện Siêu
– Thư ký: Học tăng Từ Hạnh
Sau gần một năm ổn định Ban lãnh đạo và tổ chức, năm học này thực hiện mọi chủ trương đề ra ở năm trước, nhất là đặt nặng việc học tập.
Qua thử thách, qua gạn lọc, nhà trường xếp thành hai lớp:
Lớp Tiểu học nhị niên có 21 tăng sinh gồm: Hồ Thoại (Tâm Hiện), Nguyễn Hữu Lợi (Hạnh Cơ), Nguyễn Huệ Khai (Huệ Khai), Lê Văn Hòa (Nguyên Thuận), Võ Phi Thiên (Thiện Trí), Nguyễn Văn Khánh (Chánh Huệ), Nguyễn Văn Đích (Nguyên Phương), Huỳnh Công Bình (Đức Trường), Đỗ Xuân Lượng (Quang Minh), Trần Nguyên Sanh (Giác Tuệ), Lục Bích Hải (Thiện Duyên), Nguyên Cẩn (Nguyễn Văn Kính), Trần Tấn Thục, Lê Xuân Ký (Đức Hạnh), Trần Tấn Đức, Trần Đình Chiến (Nguyên Đạt), Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Cư (Quảng Tấn), Lê Như Kế, Lê Minh Tâm (Viên Dung), Lê Văn Ngộ (Nguyên Pháp). (Từ bảng xếp hạng cuối năm thứ 3)
Chương trình học gồm: Luật Sa-di, Di giáo, Tứ Thập Nhị chương, Phật học Giáo khoa thư, Kỉnh sách, Duy thức dị giản, học thêm các môn học thường thức như: Dịch thuật, soạn bài và tập giảng v.v… (chung hai lớp). Ngoài ra học chương trình Phổ thông các lớp Trung, Tiểu học Bồ-đề.
Lớp Trung học đệ nhất niên sĩ số 20 Tăng sinh, gồm: Từ Hạnh, Nguyên Hồng, Thiện Nhơn, Đỗng Quán, Như Cầu, Đồng Từ, Tâm Lâm, Thiện Duyên (A), Thị Thức, Quảng Đại (Tuệ Hải), Như Bửu, Liễu Không, Nguyên Trạch, Trừng San, Diệu Bổn, Đồng Thiện, Hạnh Nghiêm, Minh Chiếu, Thành Ký, Đồng Trí. (Từ bảng xếp hạng cuối năm học).
Chương trình học gồm: Kim Cang Giảng Lục, Bát Thức Qui Cũ, Duy Ma, Lăng Nghiêm Trực Chỉ, Nhơn Minh và Đại Thừa Khởi Tín… Dịch thuật, diễn giảng, soạn đề tài. Song song là học chương trình phổ thông ở các lớp Trung học Bồ-đề.
Chương trình học như vậy là quá nặng, nhưng để tuổi tác và năng lực bắt kịp thời gian, bắt kịp Phật sự dày đặc sau khi đất nước bị chia cắt thì học Tăng phải nỗ lực học tập đêm ngày, phải đạt trình độ kiến thức nhất định để đối ứng thích đáng với hoàn cảnh đất nước đang rơi vào tay ngoại đạo. Do đó, việc đào tạo Tăng tài mang tính cấp bách và nặng nhọc như thế. Trong diễn từ của ban Giám đốc cũng đã bộc bạch điều này: “Thì giờ và đầu não có chừng, nhưng ở đây vượt qua mức độ hữu hạn ấy là, một năm nhà trường đã thanh toán một lượt hai chương trình (một Phật pháp, một Thế pháp) một cách đầy đủ. Cụ thể nỗ lực ấy sẽ thấy ở bản thành tích học tập. Đó là một khả năng học tập mà lề lối học tập cũ không thể làm nỗi.”
Ngoài việc học tập, trường cũng tổ chức An cư, năm ấy thay vì An cư Hạ lại An cư Đông, từ 15/9 đến 15/12 Ất Mùi. Bên cạnh ấy là lao động cải tạo xây dựng:
– Dọn bằng ngọn đồi để chuẩn bị cất tu viện
– Trực tiếp quản trị nhà in Hoa Sen
– Phá núi đào hầm trồng 200 cây ăn trái, lấy củi trong mùa mưa gió vừa qua.
– Củng cố hàng ngũ Chi, Khuôn hội trong Thị xã Nha trang.
Trong việc lao động sản xuất có một việc được đồng phạm hạnh Chí Tín kể lại như vầy: Ngày ấy học Tăng Đồng Thiện gánh phân “bắc” pha loãng tưới rau muống: Tăng sinh Hữu Lợi và Lê Văn Hòa buộc miệng “khen”: “ông này được Phật thọ ký thành Phật trước nè !” Máu nóng con nhà Tổng đùng đùng nổi dậy, quăng ngay quan gánh… học tăng Đồng Thiện chữi đổng một câu nhớ đời rằng: “Tao gánh phân tưới rau cho cha tao ăn hay sao”. Ghi lại “giai thoại” này như nén hương quí tưởng niệm bậc thầy đức hạnh luôn tìm cầu “đệ nhất nghĩa đế” cho mình.
Trên nền tảng ấy, chương trình hoạt động của THĐ trong năm 1956, theo đó thực hiện với chủ trương: “Củng cố, Tu chỉnh, Tăng cường”. Khi có lệnh từ Tổng Trị sự THĐNT hợp nhất với PHĐBQ để thành lập PHVHĐ vào thượng tuần tháng 1-1957. THĐNT đã ổn định mọi việc lại chuẩn bị kế hoạch di chuyển hợp nhất. Con đường quanh co men theo đồi Trại Thủy từ chùa Hội sang Hải Đức, được Học tăng THĐ Hòan thành vào cuối năm, kịp phục vụ Đại giới đàn, lúc bấy giờ chỉ rộng hơn lối mòn.
Lên danh sách thọ giới và phục vụ Giới Đàn, phân công phân nhiệm cụ thể.
Nói tóm lại, những Tăng sinh ưu tú của Liên khu năm mà nỗi bật nhất là đoàn Tăng sinh Bình Định vừa hỗ trợ, vừa thực hiện đúng chủ trương của Ban Giám đốc giàu kinh nghiệm đặt dưới sự lãnh đạo kịp thời của Tổng hội Phật giáo Trung phần đã vực dậy THĐNT, từ chỗ èo ọp, yếu đuối thành một trường nền nếp qui cũ mọi mặt, trong thời gian chưa đầy hai năm, đạt được thành tích vô cùng mỹ mãn. Để khẳng định điều này,
Ban điều hành trường đã kết luận: “…Phật Học Đường của Tổng hội đã ra đời vượt qua những khó khăn mà sống còn, nhất là ta đã thành công được trong giai đoạn củng cố nhà trường là nhờ có những phương pháp căn bản thích đáng kịp thời, làm động cơ chính cho sự phát triển của nhà trường năm qua và cũng có những triển vọng trong chương trình hoạt động năm tới. Căn cứ vào thành tích phát triển ấy, chúng ta có một tin tưởng Pháp mạng của nhà trường sẽ muôn tuổi để làm bổn phận: ‘Đào tạo tăng tài và hoằng dương Phật pháp’…”
C) PHẬT HỌC VIỆN TP HẢI ĐỨC NHA TRANG (PHVHĐNT)
Tư liệu về Phật Học Viện Hải Đức Nha Trang rất nhiều, nhưng sau 1975 ngưng hoạt động gần như thất tán hết. Tuy vậy, nhiều văn bản, sách báo, hình ảnh… vẫn được lưu giữ trong tủ sách một số chùa trong nước, trong cựu học tăng… Riêng về nhân chứng hiện còn khỏe thì “bộ nhớ” của họ đã có thể cung cấp một số dữ liệu cần thiết của non 60 năm về trước về Tăng học đường, về PHV. Nhờ thế chúng tôi, những cựu học tăng đúc kết được một số sinh hoạt của Viện. Tuy nhiên, sự thiếu sót là không tránh khỏi vì trong số cựu học Tăng nhân chứng không ai sống trọn thời gian tồn tại của PHV, ngoài hai vị cữu trụ là thầy Trừng San và thầy Đỗng Minh nay đã quá vãng. Hơn nữa lớp bậc thầy, lớp đàn anh từ 1957 đến 1963 chỉ tu học tại PHV có vài năm rồi lên đường hoằng pháp hoặc làm Giảng sư, Giáo sư đại học, du học, Trụ trì, Hiệu trưởng Bồ-đề, giám học, giám thị, giáo sư bộ môn giáo lý…, nhân viên hảng Vị trai Bồ-đề, điều hành phòng thí nghiệm, sản xuất Hương giải thoát, điều hành phòng phát hành kinh sách, ấn quán Hoa Sen… hay thuyên chuyển ngược trở về Báo Quốc, hoặc vào Già Lam học đại học, sau khi Tu viện Già lam Quảng Hương thành lập vào năm 1961… thậm chí có không ít pháp hữu thôi tu… Cho nên, ít cựu học tăng nắm bắt hết sinh hoạt của PHV, đến nỗi lớp trước không biết lớp sau là những ai… Tất nhiên, tất cả học Tăng trước sau đều có danh bạ nhưng hồ sơ lưu trữ đã bị thiêu hũy hết. Bởi thể, đúc kết quá trình hoạt động của Viện sự hạn chế, thiếu sót không nhỏ, rất mong các Cựu học tăng (CHT) còn tại thế sống khắp thế gian niệm tình thứ xá và hãy coi đây là nén hương tưởng niệm tri ân quá khứ, ý nghĩa này là trên hết. Tuy nhiên, điều đúc kết này, có thể coi như bổ sung cho Tập “Phật Học Viện Trung Phần Hải Đức- Nha Trang” do Ban Phiên Dịch Pháp Tạng biên soạn, xuất bản 2009, đã trình bày tương đối rõ ràng về cơ cấu tổ chức, về đường hướng hoạt động, về các PHV vệ tinh, về 3 Đại Giới đàn, cũng như việc thành lập Viện Cao đẳng Phật học Hải Đức Nha Trang (VCĐPHHĐNT) năm 1974. Sau đây là nội dung biên tập:
1) Sơ lược về địa lý và pháp lý chùa Hải Đức.
– Về địa lý: Khu đồi Trại Thủy((Xưởng đóng tàu về đời Tây Sơn đánh nhau với nhà Nguyễn Phúc, và thời kháng chiến chống Pháp (1945-1954) cũng là chỗ chiến trường (theo ghi chú thơ của cư sĩ Chơn Quang Nguyễn Diệu))) rộng lớn chạy vòng cung từ Đông sang Tây non 1km. Riêng diện tích đất đồi chùa chiếm hai phần ba tòan khu đồi rộng lớn, phía trước chân núi ôm vòng lồi lõm theo đất bằng Xóm Xưởng, phía sau chân núi vòng quanh giáp ranh với Xóm Phường Củi.
Ranh móc trên đỉnh đồi, phía Đông cách Kim Thân Phật Tổ không xa đến tận chân đồi phía Tây. Sở hữu chủ trước ngày 26-7-1956 (19-6-năm Bính Thân) thuộc về Hòa thượng Thích Phước Huệ. Sau ngày này thuộc về hai Tổng trị sự (Tăng già và Hội Phật học) mà đại diện là HT Thích Trí Thủ và Chánh Hội trưởng Thích Trí Quang có thẩm quyền sở hữu (Theo giấy Tình nguyện cúng chùa: Ký giao, HT Thích Phước Huệ và Ban Hộ tự; Ký nhận, HT Thích Trí Thủ, ngày 26-7-1956, cũng như văn bản phúc đáp của ngài Chánh Hội trưởng Thích Trí Quang).
– Về pháp lý: Theo văn thư của Tổng Tri Sự phúc đáp ngài HT Thích Phước Huệ, mang số 301 TTS Hc, đề ngày 29 tháng 6 năm 1956, Pl 2.519 mang chữ ký cuả ngài Chánh-Hội-Trưởng Tổng-Trị-Sự Hội Việt Nam Phật Học TT.Thích Trí Quang thì chủ quyền chùa Hải Đức sau ngày 26-7-1956 thuộc về Tổng Tri Sự, trụ sở đặt tại chùa Từ Đàm mà HT Thích Trí Thủ đại diện cho TTS trực tiếp quản lý Già lam Hải Đức.
Như vậy, sau này thuộc cấp (Trong môn phái hoặc Tăng nào được nhị vị HT chỉ định thừa tiếp quản trị mới hợp pháp) muốn duy tu, muốn sang nhượng, muốn giở bỏ đều phải được đồng thuận của nhị vị HT) tự quyền, không thưa trình, không được sự chấp thuận, mọi việc làm của thuộc cấp không có đủ tư cách pháp lý.
2) Thành phần Ban Quản Trị Phật Học Viện
Ngay sau khi giao, nhận chùa Hải Đức, Tổng Tri Sự quyết định thành lập Ban Quản Trị gồm 6 vị:
– Viện trưởng: Hòa thượng Thích Giác Nhiên
– Phó Viện trưởng: Thượng tọa Thích Trí Quang
– Giám viện: Thượng tọa Thích Trí Thủ
– Giáo thọ trưởng: Thượng tọa Thích Thiện Siêu
– Tổng Thư ký: Thượng toạ Thích Huyền Quang
– Tổng Thủ quỹ: Thượng toạ Thích Thiện Minh
Trong 6 vị, gánh nặng trọng trách là ngài Giám viện và ngài Giáo thọ trưởng. Hai ngài bắt tay điều hành guồng máy PHV, việc làm trước hết là mở Giới Đàn vào vía Thành đạo Đức Bổn sư 7,8,9 tháng Chạp năm Bính Thân, tức 7,8,9 tháng 1 năm 1957. Đây là Phật sự trọng đại đánh dấu sự ra đời PHVHĐNT. Giới Đàn có tiếng vang rất lớn không chỉ 17 Tỉnh miền Trung mà còn đến tận miền Nam. Các vị thầy trong nửa nước đều mong muốn đệ tử mình được vào tu học tại Tòng lâm này. Từ đó các bậc Tôn túc, Cao tăng trong nước thường về thăm viếng ngài Giám viện, động viên Ban điều hành PHV cũng như học chúng.
Phụ tá đắc lực hai vị về học vụ, hành chánh, đời sống Tăng chúng, lúc đầu có thầy Chánh Nhàn, sau đó chính thức là thầy Trừng San, Đỗng Minh và hai chúng cư sĩ của PHV.
Ngoài ra, Tỉnh hội Phật giáo Khánh Hòa yểm trợ tích cực mọi mặt ngay từ buổi đầu thành lập. Việc ngoại hộ, xây dựng cơ sở vật chất lúc đầu là Ban Hộ Tự cũ, về sau chuyển cho chúng Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di do ngài Giám viện thành lập… Trong đó vai trò vợ chồng cụ Võ Đình Dung, vợ chồng cụ Nguyễn Diệu, vợ chồng ông Buì Liên, vợ chồng ông Nguyễn Lạc, bà Võ ĐìnhThụy và một số đông Thiện trí thức, Phật tử Thành phố Nha Trang… đóng góp công đức thật lớn lao. Đối với hai thầy Trừng San, Đỗng Minh là những “Tri sự” tận tâm, tận lực đối với nhị vị điều hành nói riêng, Ban Quản Trị nói chung. Về sau hai thầy trở thành trợ lý đắc lực trong việc phát triển PHV, nhất là sau năm 1963.
Cám hứng Tòng lâm Hải Đức khởi sắc, Cư sĩ Chơn Quang Nguyễn Diệu làm bài Vịnh khá dài, xin trích đoạn:
…
Viện Tăng học xây từ năm sáu (1956)
Mở Tòng lâm, điện báu trước, sau:
Đăng lâm đường thấp, đường cao
Trai đường, Thiền thất, thẳng vào Tịnh hiên
…
Trông ngoại cảnh nghìn tầm non nuớc
Hòang Ngưu Sơn (Đồng Bò) mặt trước quanh chầu
Sớm chiều mây ráng chen nhau
Rừng lam, khói biếc, đượm màu xanh xanh
…
Bức tranh lúa, trải thành tấm thảm
Giọt sương mai, dường nạm kim cương
…
Tiếng chuông Hải Đức vẳng xa muôn trùng.
3) Có thể phân ra hai giai đoạn: 1957-1963; 1964-1976.
3.1) Giai đoạn 1957- 1963:
Đầu năm 1957, PHV đi vào hoạt động. Toàn bộ Tăng sinh của THĐNT chuyển sang, trong đó THĐ có thu nhận thêm nhiều học tăng mới ở các tỉnh lận cận, tiêu biểu là Quảng Thành (Bùi Ngọc Đường), Nguyễn Lạc (Thiện Đạo)…, đã nhanh chóng ổn định. Còn Tăng sinh PHĐBQ lần lượt chuyển vào từng đợt, gồm có: Chánh Trực, Từ Mẫn, Thiện Hạnh, Thiện Bình, Thiên Chơn, Đức Trạm, Thiện Đức, Minh Tuệ, Minh Chiếu, Châu Đức, Chơn Ngữ, Thiện Giải, Trí Tánh, Thiện Phước (A,B), Đức Chơn, Thanh Hương, Nhật Lệ, Diệu Tánh, Phước Hải (Nguyễn Khánh), Minh Nghĩa, Quán Tâm (Lê Đình Hưng), Tâm Thuât (Trí Tri), Đức Tường (Đoàn Văn Hiền), Đức Huy, Toàn Chơn, Thật Tánh (Hồ Đắc Đỗng), Phước Thông (Hòang Xuân Linh) Bửu Đàm, Phú Nhơn, Huệ Minh (Trần Kim Phú), Đạo Dung (Lê Văn Vỹ), Hải Thanh (Lê Văn Viện), Hải Tịnh (Trần Hữu Thuần), Hạnh Minh (Võ Trọng Trung), (5 Học tăng sau từ chùa Từ Đàm)…
Sau năm đó, năm nào cũng có nhiều thầy từ Huế, Quảng Trị xin đệ tử nhập học, như: Phạm Hữu Diệu, Hồ Khắc Dũng (Nguyên Giác), Phan Gia Du (Toàn Thiện), Lê Ngân (Toàn Hiệp), Huệ Nhật, Tánh Huệ, Tánh Dung, Phước Châu (Ngọc), Lê Hậu (Nguyên Hạnh), Hòang Lựu (Kim), Hòang Thuận, Nguyễn Tịnh Bình, Văn Minh, Nguyễn Phi Hùng, Lê Quang Đòan… Đến năm 1963 từ PHĐ Báo Quốc chuyển vào có: Bùi Ngọc Chấn (Thiện Thành), Nguyễn Tâm Huệ, Hòang Hải, Lê Tư Chỉ (Phước Đình), Trần Tâm Huấn (Nguyên), Nguyên Minh…
Các tỉnh khác gồm:
Phú Yên có: Thầy Viên Đức, Trì Liên (Trần Văn Hương), Thiện Thông (Nguyễn Bá Dần), Thiện Lợi (Nguyễn Dư), Đồng Tiến (Huỳnh Đồng Tiến). Sau năm 1957, 1958, 1959… là Phước Hùng (Kim Long), Nguyên Đức (Nguyễn Văn Lê), Lâm Văn Cảnh, Nguyễn Xuân Cảnh, Nguyễn Thu (Đồng Thành) v.v…
Bình Định, sau các năm 1957, 1958, 1959… có: Hồ Bửu Thanh, Nhật Ban (Hồ Bửu Hoa), Nhật Châu (Hồ Công Luận), Thị Phước, Phước Sơn (Đặng Thành Công), Thiện Huệ (Trần Hữu Kiều), Phước An (Trần Hữu Cư), Phước Mỹ (Nguyễn Du), Phước Đạt (Đào Duy Thị), Đức Thắng (Nguyễn Bá Nghị), Phước Chí (Nguyễn Văn Huy), , Nhữ Đình Thân, Đặng Ngọc Chức (Tịnh Minh), Đặng Hữu Ích, Quảng Hạnh (Nguyễn Hồng Minh), Lê Anh Tuấn (Hai Tăng sinh sau từ Gia Lai, Kontum) v.v…
Quảng Nam, Quảng Ngãi: Thầy Trí Châu…, sau các năm 1957, 1958, 1959 có: Thiện Thông (Nguyễn Đức Ngại), Lê Văn Tỵ, Phạm Văn Chơn (Phước Minh) – Đà nẵng, Thiện Tường (Phan Miệng), Phước Nhơn, Phước Duyên (Cang), Phước Viên (Lâm), Hồ Tấn Long…
Khánh Hòa: Sau các năm 1957, 1958, 1959… có: thầy Hạnh Phát, Nguyên Đạt (Phan Lý), Nguyên Lượng (Nguyễn Trí), Phước Niệm (Trang Văn Dật), Phước Thắng (Nguyễn Văn Tư), Hồ Văn Ẩn, Nguyên Thắng (Trẩm), Nguyên Văn Hòa (Phước Lý), Nguyên Thanh (Nguyễn Đẩu), Hải Mẫn (Thẩm Văn Niên), Trần Văn Mỹ, Nguyễn Văn Sinh, Phước Hạnh (Nguyễn Tiến Học), Không Tánh (Phan Ngọc Ấn, P. Rí), Nguyễn Văn Đàn (Quảng Dũng), Ngọc Lê,…
Từ chùa Ấn Quang Saì Gòn: Đức Niệm, Hồng Huệ, Từ Mẫn (sau giám đốc nhà xb Lá Bối), Thiện Thông, Thiện Phú…
Từ chùa Từ Quang Sài Gòn: Giác Đức (Đức Hương, Trần Thanh Hưng), Giác Đạo…
Từ chùa Giác Tâm (SG) Sau năm 1957… có Nguyễn Như Thoản, Nguyễn Như Sếnh, Trần Ngọc Lộ. Phước Hân (Từ Hỷ) từ Tây Ninh, Nguyễn Văn Lộc từ Thủ Đức…
Có thể coi lớp Tăng sinh từ PHĐBQ, từ THĐNT, từ Ấn Quang, Từ Quang (SG), Phú Yên, Khánh Hòa, Quảng Ngãi v.v… chuyển đến trong năm 1957, 1958,… là lớp Tăng sinh đầu tiên của PHVHĐNT.
Viện phân chia thành ba khối: Khối Tỳ-kheo, khối Sa-di và khối Điệu.
Khối Tỳ kheo trực tiếp ngài Giáo thọ trưởng và ngài Giám viện giảng dạy Kinh học, Luật học, Luận học, Duy thức, Nhân minh… Soạn đề tài thuyết giảng, thuyết trình, tham khảo lịch sử Phật giáo trong nước, nước ngoài, Văn học Phật giáo thời Lý, Trần nói riêng… Mời giáo sư thỉnh giảng các bộ môn này, phần lớn học giả Cao Hữu Đính phụ trách, về sau có thêm thi sĩ Quách Tấn, cụ Chơn An, Lê Văn Định dạy Hán Nôm, Tứ thư, Ngũ kinh… Bà Võ Đình Thụy dạy Pháp văn, Thạch Trung Giã dạy văn học… Thầy Nhất Hạnh, Thiện Châu thuyết giảng các đề tài tu tập, thiền định, kinh nghiệm thuyết giảng… song song, các Tỳ-kheo theo học các lớp Trung học Bồ-đề hay các Trung học Tư thục nhị cấp trong thị xã Nha Trang kể cả trường công lập Võ Tánh. Ngoài ra, các Tỳ kheo đi thực tế xuống các Chi hội, Khuôn hội hay Tỉnh Giáo hội vào các ngày lễ vía lớn trong năm để thuyết giảng, hướng dẫn Phật tử Thọ Bát Quan Trai, tu tập, sinh hoạt đoàn thể, kiện toàn tư cách người Phật tử…
Khoảng 1959, 1960 gần như các thầy của khối này đã hoằng pháp khắp các địa phương miền Trung, nhất là các thôn làng, miền núi thuộc các vùng liên khu 5 cũ, có vị giảng sư, có vị Trụ trì, giáo sư Bồ-đề, vị nào tiếp tục học đại học thì rời PHV vào Saì gòn hay ra Huế. Phải nói sinh hoạt từ Vức hội lên đến Tỉnh hội, dạy giáo lý Gia Đình Phật Tử… rất nền nếp, có tổ chức. Phật sự này, hầu hết các Sứ giả Như-lai xuất thân từ PHVNT khóa đầu đảm trách, đặt nền tảng cho các lớp sau kế tục. Cũng cần nói thêm thầy Thiện Châu, lúc bấy giờ là vị giảng sư nổi tiếng đang thuyết giảng ở các địa phương Phú Yên, Khánh Hòa và các Tỉnh khác…
Thầy trở thành tấm gương hoằng pháp mẫu mực để Tăng sinh soi theo. Trong khối này, sau 1963 có một số du học như thầy Nguyên Hồng, Thiện Châu, Viên Dung, Lê Văn Hòa, Đức Niệm, Thuyền Ấn, Giác Đức… Khoảng năm 1971 thầy Nguyên Hồng về nước làm Khoa trưởng phân khoa giáo dục Đại học Vạn Hạnh.
Khối Sa-đi học chương trình kinh, luật, luận thấp hơn khối Tỳ-kheo một bậc, không đi sâu vào nghĩa lý khúc chiết, vi tế. Phần lớn Giáo thọ giảng dạy ở khối Tỳ-kheo xuống dạy khối này. Đặc biệt vị Giáo thọ trưởng cắt cử một số thầy của khối này dạy một số giờ ở khối Sa-di, và Điệu chúng như thầy Thuyền Ấn, thầy Đỗng Minh, Nguyên Hồng, Từ Hạnh… Việc học tập, thực hành, đi thực tế cũng giống như khối Tỳ-kheo nhưng mang tính chọn lọc nhiều hơn. Khối Sa-di thành đạt thế học hơn khối Tỳ-kheo, sau khi đỗ Tú tài Bán, hay Toàn, các Sa-di đảm nhận Hiệu trưởng, Giám học, Giám thị, Giáo sư bộ môn giáo lý, tự nhiên hay xã hội. Một số tiếp tục học Đại học thì vào Già Lam, hay trở về Báo Quốc. Về sau có vị vào Đại học Vạn Hạnh làm việc ở Tổng Vụ Giáo dục như Hải Thanh, Quảng Thành (Trưởng phòng SV vụ) Phước Sơn… sau đó Quảng Thành tu nghiệp nước ngoài. Phước Sơn trở thành nhà dịch thuật, nghiên cứu.
Khối hành Điệu: Phần lớn đậu Tiểu học hoặc trình độ lớp thất, lục… Chương trình Phật học giống như chương trình Tiểu học nhị niên của THĐ trước đây. Ngoài thầy Đỗng Minh dạy luật, Duy thức… có một số thầy trong khối Tỳ kheo như thầy Đức Chơn, Thầy Châu Đức, thầy Nhật Lệ hay trong khối Sa-di như Giác Tuệ xuống dạy các kinh: Tứ Thập Nhị Chương, Di Giáo, Kinh Bát Đại Nhân Giác, chữ Hán, Nghi Lễ… Hầu hết các Điệu đều theo học chương trình Phổ thông bên trường Bồ-đề hay trường Võ Tánh… Con đường học vấn của lớp Điệu suôn sẽ hơn, về sau số tốt nghiệp đại học cũng nhiều hơn, khi trưởng thành phần lớn đưa đi dạy học hay đảm nhận điều hành trường Bồ-đề ở các điạ phương. Đã có Học tăng khối này, về sau đậu Bác sĩ như Phạm Hữu Diệu, Hải Ấn, Đặng Hữu Ích, Dược sĩ như Phan Gia Du, kiến trúc như Lê Quang Đoàn… Nguyễn Văn Lộc du học. Vào mùa An cư chương trình học nặng nhọc gấp đôi. Các thầy đi hoằng pháp cũng quay về An cư tu dưỡng, đặt nặng sự tham khảo, trao đổi kinh nghiệm hoằng pháp…
Cuộc họp thống nhất Phật sự giữa Viện và hai chúng cư sĩ. Chủ tọa ngài Phúc Hộ, thuyết trình ngài Giám viện.
Bàn chủ tọa (từ trái qua) ngài Thiện Siêu, ngài Phúc Hộ, ngài Trí Thủ, ngài Trí Hữu (Hương Sơn).
Bố-tát, An cư, Tự tứ… là các sinh hoạt vô cùng nghiêm mật của PHV. Dưới sự chủ trì của ngài Giám viện, sinh họat tu học trở thành nền nếp, qui cũ. Âm thanh thuyết giới của Ngài rất uy lực như gieo vào lòng học chúng sức sống trang nghiêm của giới. Khi tiếng chung, tiếng bảng, chuông trống Bát-nhã vang lên báo hiệu mùa An cư bắt đầu cũng là lúc chương trình tu học theo giờ giấc nghiêm túc thực hiện. Con đường vắt qua đồi Trại Thủy, nhịp bước của học chúng học ở trường Bồ-đề hay làm việc ở hãng vị trai, kể cả ngài Trí Nghiêm, thầy Chí Tín, thầy Đỗng Minh bên chùa Hội, như nhanh hơn một nhịp sang Viện để có khoảng thời gian nghỉ ngơi trước giờ quá đường… Ngoài ra hai chúng Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di cũng được các thầy hướng dẫn tu tập Bát quan trai, dạy giáo lý theo lịch qui định. Phần ngọai hộ hai chúng phân công đảm trách theo chỉ dẫn của thầy Tri sự Thích Trừng San…
Hãng Vị trai lá Bồ-đề nằm cạnh trường Bồ-đề, có lẽ manh nha từ thời THĐ, nhưng phải đợi sau khi PHV hình thành, nhân duyên mới hội đủ. Thầy Đỗng Minh đi học một khóa chế biến với kỹ sư Lâm Văn Vãng ở Sài Gòn với quyết tâm tạo ra nguồn kinh tế tự túc cho Viện theo chủ trương của Ban Quản Trị. Thế là, Hãng nhanh chóng hình thành đi vào sản xuất khoảng 1957. Từ một cơ sở nhỏ trở thành cơ ngơi bề thế giàn rộng trên một diện tích trên hàng ngàn mét vuông. Thương hiệu “Vị Trai Thanh Khiết Nhản Hiệu Lá Bồ-đề” nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường, nhất là thị trường miền Trung và Tây nguyên. Về sau gầy thêm cơ xưởng sản xuất muối ăn, hương, đèn, xà phòng… Liên kết, chỉ đạo Hãng cùng nhãn hiệu ở chùa Giác Sanh, Sài Gòn, Từ Đàm, Huế. Được biết việc mua bất động sản để thành lập Tu Viện Quảng Hương Già Lam Gò Vấp là chủ trương của Ban Quản Trị. Theo chỉ đạo của ngài Giám viện, vào năm 1961, thầy Đỗng Minh lo liệu việc mua bất động sản tại Xóm Gà, Gò Vấp trong đó có xuất ra một số tịnh tài từ qủy phúc lợi của Hãng Vị Trai.
Một sự kiện đáng ghi nhớ là một đại hội Hoằng pháp tại PHV vào ba ngày 8,9,10 của tháng 7 năm 1961 (26,27,28/5/Tân Sửu) khoảng 100 đại biểu của nửa nước là quí Thượng Tọa, Đại đức, Tăng, Ni và một số Thiện trí thức của một vài thành phố Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Sài gòn, trong đó có nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba thuyết trình và biểu diễn âm nhạc Phật giáo.
Khi THĐ sát nhập, Ấn quán Hoa Sen trên đường Thống Nhất (Độc Lập cũ) là sở hữu của PHV. Giai đoạn đầu Minh Nghĩa, hai chú Chơn, Tỵ, thầy Đức Chơn quản lý. Phía sau là xưởng in, đằng trước phát hành kinh sách, pháp khí, tranh tượng Phật… Tuy nhiên, sự quản lý không tập trung, hết thầy này sang thầy khác, nên không phát triển trong kinh doanh… Sau đó, chuyển cho cư sĩ quản lý. Sau năm 1975 xảy ra tranh chấp, kiện cáo… Kết cục chủ quyền pháp lý vẫn thuộc về PHV dù có cho cư sĩ thuê mướn. Được biết lúc bấy giờ, ngài Trừng San đau yếu đã chỉ định ba thầy Phước An, Chánh Lạc và Minh Châu quản lý động sản và bất động sản của Phật Học Viện…
Hàng năm PHV đều tổ chức lễ kỷ niệm ngày thành lập vào Vía Phật Thành Đạo 8 tháng Chạp. Đệ nhất, đệ nhị, đệ tam chu niên tổ chức khá lớn, có trưng bày phòng triển lãm hình ảnh sinh hoạt, báo tường, tạp chí do khối Tỳ-kheo và Sa-di thực hiện, khối Điệu làm công việc dịch vụ, chấp lao, phục dịch… Về sau chỉ phát thanh kỷ niệm mà thôi. Việc trồng cây Bạch đàn, Phượng, Sứ, Xoài, Mít… đến mùa mưa đều thực hiện. Có khi ngài giám viện trực tiếp hướng dẫn Chúng trồng. Con đường từ Viện sang chùa Tỉnh hội trồng Bạch đàn và Phượng không biết bao nhiêu lần nhưng không mùa Hè này thì mùa Hè khác cũng chết khô. Nguồn nước máy không đủ dùng, nước đâu để tưới cây? Tuy nhiên, cây rừng trong đó có Cốc, Bằng lăng chịu nắng Hè rất tài tình, nhất định không chết, có mưa là có lộc, vào mùa cho hoa, hoa tím Bằng lăng trên đồi trông thật xinh. Nhìn hàng Sứ già, những cây Phượng lâu năm hiện vẫn cho hoa, CHT mới thấy hết quá khứ thánh thiện của mình, mới thấy hết ý nghĩa cao quí của lời chúc “Bách Niên Thọ Nhân”. Con đường này được CHT thuở ban đầu đặt tên là “Bình Minh”. Vào dịp đệ nhất chu niên, Bình Minh được mở rộng thêm, hằn sâu công lao của khối Sa-di mà tổng chỉ huy là thầy Thiện Châu không rời cặp kính cận dày cộm. Nhìn đòan học Tăng nối nhau sang học các lớp ở trường Bồ-đề vào buổi sáng sớm mới thấy Bình Minh lên Phật Học Viện rất đẹp.
Cũng trong dịp lễ này, một tháp kỷ niệm bằng sắt cao 10m, đỉnh tháp là hình chữ Vạn trên nền tròn hướng về thành phố Nha Trang, theo thiết kế của Sadi Minh Nghĩa và thầy Giác Đức, kỷ sư Thưởng rễ cụ Võ Đình Dung chỉ đạo thợ thi công dựng tháp. Loa treo lên tháp cao, âm thanh kỷ niệm Lễ Thành Đạo ngày thành lập Viện vang vọng khắp một vùng rộng lớn… Bây giờ tháp sắt đã bị triệt hạ.
Đại lộ Hoàng Hôn là con đường nối thông từ Kim Thân Phật Tổ sang Viện nằm trên đỉnh đồi. Công trình Kim Thân Phật Tổ do cựu tăng Thích Đức Minh (Tâm Lâm), bấy giờ là Chánh Đại Diện GHPGVNTNKH chủ xướng năm 1964. Chứng minh công trình là chư vị: Đại lão Tăng thống GHPGVNTN, HT Thích Tịnh Khiết, Đại lão Trú trì Tổ đình Thuyền Tôn Huế, HT Thích Giác Nhiên, Đại lão Trú trì chùa Tây Thiên, HT Thích Giác Nguyên, Huế, Ngài Ma-ha Thera Narada, Tích Lan. Ngài Thích Giác Nguyên đặt đá xây xựng, tham dự có TT. Thích Trí Thủ, ngài Pháp Tri (Phó VTVHĐ) cùng một số vị Theravada, và đông đảo Phật tử. Thực hiện Kim thân Thế Tôn là nhà điêu khắc Phúc Điền ở Sài Gòn. Kim thân Hòan thành vào năm 1965, tượng cao 24 m (Bệ đài bát giác trên đài sen tròn cao 7m, Kim thân Thế tôn 17m), trên đỉnh tôn trí hai viên Xá-lợi do chính phủ Tích Lan cúng dường, chung quanh đài tượng gắn phù điêu 7 vị Thánh tử đạo tự thiêu năm 1963 là các vị Bồ-tát: Quảng Đức, Nguyên Hương, Thanh Tuệ, Tiêu Diêu, Quảng Hương, Thiện Mỹ, Diệu Hương (Ni), bên trong chạm nổi chư vị Bồ-tát, La-hán (Theo bia chùa Long Sơn)
Chủ công trình (Thầy Đức Minh) cho xe ủi rộng con đường. Từ đó Học tăng các lớp đàn em, sau giờ tiểu thực bách bộ sang Kim Thân thư giản. Hoàng hôn thật đẹp trên con đường này, ngắm nhìn thành phố lên đèn, biển khơi lộng gió, chi chít ánh đèn điện trên tàu thuyền đánh bắt xa bờ như thắp sáng sức lao động của ngư dân trên mặt biển mênh mong. Đại lộ từ đó gọi tên là Hòang Hôn, Cụ Chơn Quang, Nguyễn Diệu vịnh:
…
Phía Đông Nam, người đua với cảnh
Mượn thiên nhiên, vẽ cảnh tô màu
Nguy nga Điệp các, Trùng lâu,
Sông Cù uốn khúc, nhịp cầu bắc ngang
Tháp Chúa Ngọc, khói nhan nghi ngút (Tháp Bà)
Miếu Sinh Trung, cao vút bên đường
… Hiện tại, một hồ chứa nước lớn chắn ngang “Đại lộ Hòang Hôn”…
Hằng năm, sau mùa An cư Viện tổ chức cho Học tăng du ngoạn thăm thú các Tổ đình, thắng cảnh trong tỉnh hay ngoài tỉnh, có năm cắm trại một ngày, một đêm tại vườn dừa của Viện, gần chùa Giác Hải, thôn Xuân Tự Vạn Giã, ngài Giám viện trực tiếp tham gia, năm khác vào thăm chùa cổ Trà Cú Phan Thiết, có năm ra tận Bích Đầm, Bãi Trụ… phơi nắng, tắm biển, nói chung năm nào cũng có tổ chức “trại Hè”. Ngòai ra Trung Thu, Tết nhất đều bày biện liên hoan, văn nghệ… Vào dịp Tết năm 1960 ngài Giám viện đưa khối Sa-di ra Huế thăm viếng các Tổ đình, đảnh lễ các bậc Tôn đức và dự kỵ Tổ chùa Báo Quốc…
Kể từ sau ngày thành lập, năm nào Viện cũng nhận học chúng, quá tải nhất là vào những năm 1960, 1961. Dự định mở chi nhánh PHV tại chùa Linh Sơn Đa Lạt của Ban Quản Trị, được sự đồng thuận của thầy Chánh Hội Trưởng Tỉnh Hội PG Tuyên Đức Thích Mãn Giác, trên 20 Điệu từ lớp đệ thất đến lớp đệ ngũ đưa lên đây. Đích thân ngài Giám viện đưa đoàn đi bằng phương tiện tàu lửa. Sa-di Lê Xuân Ký tức Đức Hạnh làm thị giả Ôn, vừa quản lý đoàn. Bấy giờ là sau khi thi tấn ích kỳ 1 niên học 1961-1962.
Cuối năm học 1962-1963, Thầy Đức Chơn đưa Tịnh Bình, Lê Anh Tuấn, Nguyễn Văn Lộc, Hồ Khắc Dũng (Nguyên Giác), Nguyễn Như Sếnh lên và rút Thiện Đạo (Nguyễn Lạc) Lê Hậu, Hồ Văn Ẩn, Thẩm Văn Niên đã tốt nghiệp THĐNC về lại PHV.
Sau khi thầy Hội Trưởng Mãn Giác du học Nhật, thầy Minh Tuệ lên thay thế. Tăng sinh Lê Mạnh Thát từ Báo Quốc đưa vào, học triết học tại đại học Đà Lạt, sau tốt nghiệp, du học ở Mỹ. Sau Phật Đản 1963 vài tháng, thầy Đỗng Minh đích thân lên đưa một số lớn về lại Viện. PHVNT cùngvới Tỉnh Hội PGKH giữ vai trò nồng cốt trong việc đấu tranh, xuống đường phản đối chính sách kỳ thị tôn giáo của nhà cầm quyền đương cục lúc bấy giờ. Huệ Nhật phát nguyện tự thiêu, hay tin này, xe cảnh sát rượt đuổi xe của Viện chở Huệ Nhật chạy trên đường phố Nha Trang. Tay lái Minh Nghĩa thật cừ khôi đưa xe về Viện an toàn, sau đó hủy bỏ việc tự thiêu.
Có một sự kiện đáng nhớ là vào năm 1964, ngài Giám viện nhận học giả Phạm Công Thiện xuất gia, đặt pháp danh Nguyên Tánh. Tại Thiền thất, Nguyên Tánh viết Tiểu luận Bồ-đề Đạt-ma đánh dấu bước đầu ngộ đạo của mình. Việc học giả xuất gia trở thành tiếng vang trong giới trí thức miền Nam lúc bấy giờ. Sau thời gian làm chủ biên tạp chí Tư Tưởng, khoa trưởng phân khoa Khoa học nhân văn Đại học Vạn Hạnh, thầy Nguyên Tánh tu nghiệp ở nước ngoài từ năm 1970.
Thư viện của Viện, ngoài bộ Đại Chánh Tân Tu, bộ Thái Hư Đại Sư, Bộ Phật Học Tùng San… còn rất nhiều kinh sách Phật Giáo, sách nghiên cứu, sách triết học, văn học, Từ điển các loại… Trong đó có một số khá lớn sách triết học, sách nghiên cứu bằng chữ Anh, Pháp của Phạm Công Thiện, chuyển từ Đà Lạt về. Nhưng so với phòng Y tế và phòng Phùng y (may vá) thì thủ thư không bận rộn bằng. Hai tiểu ban này bận rộn nhất trong các tiểu ban dịch vụ khác như: Quản lý nhà trù, thị giả, hương đăng, vệ sinh, chăm sóc cây cảnh v.v…
Có thể coi hết năm 1963 là đợt cuối của khối Tỳ kheo và Sa-di rời Viện lên đường hoằng pháp khắp miền Trung và Tây Nguyên (sau năm 1963 nhu cầu Phật sự rất lớn) hoặc chuyển vào Già lam, hay ra Báo Quốc học Đại học. Khối Điệu bây giờ cũng đã thọ Sa-di, học nhị cấp thì ra Báo Quốc học Bồ-đề Hữu Ngạn hay trường Quốc Học, một số khác về lại chùa kế tục Thầy Tổ, làm giám học, giám thị, dạy giáo lý các trường Bồ đề, hay làm việc ở Hãng Vị Trai… Nói chung, đến năm 1963, Viện đã Hòan thành việc đào tạo hai khối Tỳ-kheo và Sa-di, đáp ứng được phần nào Phật sự ở miền Trung và Tây nguyên, đặt nền tảng học vấn cho khối Điệu tiếp tục học lên.
Sau năm 1963, Ban Quản Trị đề ra một số công việc để theo thời gian thực hiện, như:
– Thành lập Giảng sư đoàn
– Phiên dịch Pháp tạng
– Trước tác, thành lập nhà xuất bản
– Xây dựng dãy nhà Tăng trên khu đồi san ủi phía trên Thiền thất
– Xây một Tháp kỷ niệm các Thánh tử đạo
– Một Kim thân nhập diệt thờ trong tháp
– Một Niết-bàn thành (nghĩa trang) cho chư Tăng
– Một thư viện
– Một Tịnh thất cho 20 giảng sư có đủ phương tiện sinh họat, tĩnh dưỡng, lưu trú.
– Thành lập một viện Đại học Phật giáo tại Thị-xã Nha Trang.
(Rút từ Tập chùa Hải Đức PHVTPNT do đệ tử chùa HĐ biên soạn năm 1964)
3.2) Giai đoạn 1964-1976
Trong giai đoạn này có thể phân ra 3 giai đọan 1964 – 1969, 1969 – 1974 và 11/1974 – 1976.
– 1964 – 1969: Sau khi thành lập GHPGVNTN vào năm 1964 thì hệ thống PHV toàn miền Nam lên đến 22 cơ sở, dưới sự điều hành thống nhất của Tổng vụ Văn hóa giáo dục qua Phật Học Vụ. Việc trao đổi Tăng giữa các PHV là cần thiết, bởi lẽ giúp cho Tăng sinh mở rộng tầm nhìn trong việc tu học, tìm hiểu phong tục tập quán vùng miền, tạo ra mối quan hệ giữa Tăng với Tăng, giữa Tăng với quần chúng Phật tử mọi vùng một cách hài hòa nhằm tăng ích vai trò Sứ giả Như lai sau khi tốt nghiệp lên đường hoằng dương Chánh pháp. Trong lời Phi lộ Luật Bí-sô tập I, thầy Đỗng Minh viết như vầy: “Đến năm 1968, Viện Hóa Đạo ra quyết định tôi làm Vụ trưởng Vụ Phật học, tôi phải đi lại 22 PHV Sơ, Trung và Cao đẳng từ Bến Hải đến Cà Mâu. Tôi thường xuyên làm việc với Tổng vụ Trưởng giáo dục, Hòa thượng Thích Minh Châu để Hòan thành tốt phần việc của mình”. Một lần nữa cho thấy lý tưởng của thầy Đỗng Minh đối với Đạo, đối với PHV là kiên trung, trách nhiệm vô cùng.
Chức sắc, Cựu, Tân Tỳ kheo, Bồ-tát tại gia Giới Đàn 1968, chụp hình lưu niệm dưới Kim Thân Thế Tôn
(Ảnh từ album Phước Thắng)
Tăng sinh tại PHVNT lúc bấy đủ giọng nói vùng miền, tổng số lên trên cả trăm, chia ra hai khối Sa-di và Điệu, sắp lớp xen kẻ nhau theo năng lực học vấn. Chương trình học như trên đã đề cập. Tùy theo cấp học Phật pháp và Thế pháp mà năm nào cũng có Học tăng chuyển ra BQ học nhị cấp. Sau khi đỗ Tú tài II, tùy theo lựa chọn, hoặc ở BQ hoặc vào Già lam học tiếp Đại học đều được. Già lam trở thành nơi qui tụ học Tăng khắp các PHV, nghĩa là các Tăng tốt nghiệp Tú tài II, học đại học Quốc gia hay đại học Vạn Hạnh. Phân khoa Phật học ĐHVH tạo điều kiện cho mọi sinh viên vào học. Chương trình học e còn nặng hơn Văn khoa. Khoa trưởng là TT. Thích Trí Tịnh, các Thầy Minh Châu, Quảng Độ, Mãn Giác, Tuệ Sĩ, Nguyễn Đăng Thục, Lê Tôn Nghiêm, Ngô Trọng Anh, Tôn Thất Thiện, Trần Ngọc Ninh, Trần Trọng San, Khưu Thị Huệ, Doãn Quốc Sĩ, Văn Đình Hy v.v… dạy Pali, Tông phái Phật Giáo, Tiểu và Đại thừa Phật Giáo, Triết Đông, Thiền học VN, Triết Tây, chữ Hán, Bạch thoại, Văn học VN, Văn học Lý Trần, Thiền Học, Xã hội học… Trong thời gian còn học tập, Viện chỉ cho Học tăng thọ giới Sa-di phương trượng. Cho nên Giới Đàn sau cách Giới Đàn trước đến 12 năm (1956-1968). Giới Đàn, Viện tổ chức năm 1968 là để cho các Sa-di “thâm niên công vụ” của Viện thọ giới Cụ túc. Nhưng vẫn có một số thâm niên “bỏ quên” cơ hội trọng đại trong sự nghiệp tu hành của mình vì mãi mê với Cao học và Tiến sĩ.
Nói chung giai đoạn này là giai đoạn Hòan chỉnh, khuyến khích học lên cao, trước mắt là vào đại học đạo, đời. Tăng nào rớt Tú tài nhiều lần là phải rời Viện nhận phân công Phật sự ở địa phương nào tùy ý lựa chọn. Lớp Trung đẳng PH hình thành trong giai đoạn này.
1969-1974: Song song với lớp học hai chương trình Phật học và Thế học (Trung học đệ nhị cấp) Viện chính thức mở một Lớp Trung đẳng chuyên khoa tinh học nội điển, tức Kinh, Luật, Luận, Nhân minh, Duy thức, Thiền học, Cổ ngữ nhất là Hán văn, chương trình có học Văn học, Sinh ngữ, Văn học Phật giáo v.v… Vụ Phật Học soạn thảo chương trình này.
Như vậy chủ trương mở Trung đẳng chuyên khoa mang tính sàng lọc, Tăng sinh đi thẳng vào kho tàng Phật Pháp. Sau 7 năm học tập, 25 trên 40 học Tăng tốt nghiệp. Theo quyết định số 202-TVT/GD/QĐ ký ngày 27-5-1974 của Tổng vụ trường VHGDPG Tỳ kheo Thích Minh Châu, số Tăng Ni sinh tốt nghiệp (Khóa thi từ 15-21/7/1974) gồm có: Phan Thị Bé (Huệ Hiền), Võ Văn Can (Đức Nghi), Lê Xuân Cảnh (Thành Không), Nguyễn Xuân Cảnh (Đức Liên), Nguyễn Sĩ Dật (Hồng Siêu), Nguyễn Văn Hòa (Thiện Trí), Dương Minh Hồng (Trí Viên), Lê Hiền (Phước Viên), Lê Văn Hợi (Thiện Vinh), Nguyễn Văn Kiệt (Minh Thông), Võ Thị Lê (Huệ Như), Nguyễn Tường Linh (Giác Viên), Đặng Năm (Đức Từ), Võ Thanh Nhàn (Chí Lạc), Lương Trung Nghĩa (Thông
Nghĩa), Võ Văn Nghề (Công Thành), Nguyễn Thị Ngươn (Như Tâm), Nguyễn Ngọc Quang (Chánh Lạc), Châu Tân (Tánh Như), Phạm Toàn (Giải Chính), Phạm Văn Tòng (Tín Niệm), Nguyễn Xuân Thu (Quảng Ba), Lê Tư Vũ (Bảo Quang), Trần Vui (Chơn Trí), Nguyễn Văn Xuân (Tâm Đài)((Thầy T. Minh Thông cung cấp tư liệu này.)).
Tháng 11 năm 1973 mở Giới đàn thứ ba lấy tên là “Giới đàn Phước Huệ”. Ngoài giới tử của Viện, giới tử khắp các tỉnh về thọ giới rất đông. (Xem PHVTPHĐNT do Ban phiên dịch Pháp tạng PGVN biên sọan xb 2009).
11/ 1974 – 1976: Quyết định nâng PHVHĐNT lên thành cấp đại học PG là từ Vụ Phật Học. Tổng vụ VHGDPG ra quyết định mở “Viện Cao Đẳng Phật Học Hải Đức Nha Trang”, cạnh đó vẫn duy trì lớp học hai chương trình. Sinh viên của Viện là Học tăng được sàng lọc qua nhiều khóa từ sau năm 1963 đến 1974, nhất là từ lớp Trung đẳng chuyên khoa đã tốt nghiệp, kể cả học Tăng đạt tiêu chuẩn ở các PHV khác trong nước.
Tất nhiên, đầu ra là đáp ứng Tăng tài cho hạ tầng cơ sở Phật giáo khắp cả nước, hỗ trợ, tiếp nối các lớp bậc thầy, đàn anh tiên phong nay đã già yếu. Mặt khác, tạo ra một Ban Phiên dịch theo tiêu chuẩn “Tám đủ”((Thành tâm yêu pháp, chí nguyện lợi người, không ngại thời gian bao lâu. 2, Bước lên trường giác ngộ, trước hết giới bền chắc đầy đủ, không nhiễm thói xấu giễu cợt. 3, Gom hiểu ba tạng, nghĩa là xuyên suốt hai thừa, không khổ sở, tối tăm, trì trệ. 4. Tìm đọc khắp sách sử cổ (phần sử), ra công kết nối điển từ, không quá vụng về, đần độn. 5, Giữ lòng bình đẳng, thứ tha, khí lượng bao dung như hư không, không thích chuyên chấp. 6, Mải mê với đạo thuật, hững hờ với danh lợi, không muốn đề cao khoe mình. 7, Cốt yếu phải biết ngôn ngữ Phạm, mới nhàn nhã chính dịch, không đắm chìm trong việc học đó. 8, Xem phớt qua Thương, Nhã, hiểu sơ Triện Lệ, không tối lọai chữ này.” (Dịch theo tóm lược của học giả Lương Khải Siêu. Tòan văn xem Tục Cao tăng truyện, truyện Ngạn Tông, hay LS Phiên dịch Hán Tạng của HT. TPS))) (Bát bị) cuả đại sư Ngạn Tông (557-610, đời Văn Tuyên Đế, Bắc Tề) để dịch Tam tạng Thánh điển, tập thành Tam Tạng giáo điển Việt Nam, đây là mục tiêu chính. Nhìn vào thành phần điều hành và chương trình đào tạo((xem PHVTPHĐNT, Ban Phiên dịch Pháp tạng biên soạn)) thì thấy rõ điều đó. Như vậy, PHVHĐNT chánh thức thay đổi danh xưng thành VCĐPHHĐNT vào ngày 28 tháng 11 năm 1974, là đỉnh cao phát triển của Viện, với Ban điều hành:
– Viện trưởng: Thượng toạ Thích Thiện Siêu
– Phó Viện trưởng: Thượng toạ Thích Đỗng Minh kiêm Trưởng ban kinh tế.
– Tổng Thư ký: Thượng tọa Thích Thiện Bình
– Học vụ kiêm Thư ký: Đại đức Thích Tuệ Sỹ
– Trị sự: Thượng Tọa Thích Trừng San
– Quản chúng: Đại đức Phước Châu
– Thủ thư, phụ tá học vụ: Đại đức Phước An
Hội đồng giảng dạy: Ngoài các vị điều hành Viện, mời các ngài: TT Thích Trí Nghiêm, TT Thích Viên Giác, các giáo sư: Nguyên Hồng, Cao Hữu Đính, Lê Mạnh Thát, Doãn Quốc Sĩ, Võ Hồng v.v… Dự kiến mời các giáo sư thỉnh giảng ở các trường đại học như: TT Thích Minh Châu, TT Thích Quảng Độ, TT.Thích Mãn Giác, Gs Nguyễn Đăng Thục, Gs Lê Tôn Nghiêm, Ngô Trọng Anh v.v… Qua một năm giảng dạy (trang bị máy móc đầy đủ phục vụ tốt giảng dạy, thầy Đỗng Minh ở Tinh thất bên chùa Hội có thể nghe được tiết dạy của giáo sư bên Viện) một số sinh viên đã bắt đầu dịch thuật, viết Tiểu luận v.v…
Tăng, Ni sinh của Viện cao đẳng gồm có: Tăng sinh: Minh Thông, Trí Viên, Minh Châu, Nhuận Thông, Thiện Vinh, Nguyên Quang, Giác Viên, Viên Thành, Đồng Hạnh, Quảng Trừ, Đức Nghi, Chơn Trí (Nguyên Siêu), Chí Lạc, Huệ Đạt, Thông Nghĩa, Công Thành, Huệ An, Chánh Lạc, Phước Quảng, Vạn Đức, Bửu Sơn, Thông Chánh (Bảo Quang), Thông Định, Giải Chính, Phước Viên, Quảng Ba, Đức Từ, Hạnh Quang (Hồng Siêu), Tín Niệm, Thị Tâm (Cảnh), Nhuận Hải (Đức Liên), Đồng Chánh, Đồng An, Huệ Thành, Thục Quán (Minh Chiếu), Như Giáo, Hùynh Xuân Ngọc, Trường Khánh.
Ni sinh: Huệ Như, Huệ Hiền, Như Tâm, Hạnh Mãn, Diệu Minh (Bình Định), Thông Thuận. Ngoài con số chính thức còn có con số Tăng, Ni và Cư sĩ dự thính. Tổng số lên đến 60 sinh viên.
Sau năm 1975, nhất là sau khi Quốc Hội quyết định đổi tên nước VNDCCH thành CHXHCNVN, VCĐPHHĐNT chấm dứt hoạt động, sau gần 20 năm (1956-1976). Đúc kết lại, xin thưa: Quí vị là hành giả Bồ- tát, là một số vị lãnh đạo Hành chánh, Giáo dục PG hiện tại, là Trụ trì, nguyên là Giảng sư, nguyên là Chánh Đại Diện, nguyên là Hiệu trưởng, Giám học, giám thị, giáo sư Bồ Đề, hay giáo viên nghỉ hưu khắp Trung, Cao nguyên Trung phần, một số tỉnh Miền Nam, và có thể ra ngòai Bắc, một số vị giáo sư hay cựu giáo sư Đại học, các Bác sĩ, Dược sĩ, Lương y, Kiến trúc, nhà dịch thuật… đang hành nghề hay đã nghỉ hưu, một số vị du học và hiện nay trở thành lãnh đạo Phật giáo Việt Nam hải ngọai, hay đang là Viện chủ, Trụ trì các Tòng lâm, Tự viện trang nghiêm huy hòang…hướng dẫn kiều bào Phật tử tu học ở khắp Âu, Mỹ, Úc…, hoặc phó thường dân cùng hòa mình trong cuộc sống trần gian, không ít thì nhiều đều do PHVHĐNT đào tạo nên. Ân đức ấy, quí vị đã thể hiện một cách xứng đáng qua vai trò “Sứ giả Như Lai” của mình đối với kiếp sống trầm luân. Bởi vậy, PHVHĐNT rồi VCĐPHHĐNT trở thành di sản tinh thần của các lớp Cựu học tăng xuất thân từ chiếc nôi này. Điều lược ghi lại xin là nén hương, là vòng hoa tưởng niệm đặt lên di sản yêu kính của mình, nhân kỷ niệm Ngũ Thập Ngũ chu niên của Viện.
Vu Lan PL.2556, 8-2011
Sưu tầm tư liệu, Biên tập:
Thích Minh Thông cựu SV Cao đẳng, Giác Tuệ , Phước Thắng CHT
[Nguồn: Kỷ yếu Về Cội, Kỷ niệm 55 năm thành lập Phật học viện Trung phần]