Mặc dù đã hơn 2500 năm kể từ khi Đức Phật còn tại thế và giảng dạy Giáo Pháp ở Ấn Độ, bản chất tinh tuý lời dạy của Ngài vẫn còn phù hợp cho đến ngày nay cũng như nó đã được áp dụng trong thời đó. Trong khi khoa học hiện đại đã phát triển sự hiểu biết tinh vi về thế giới vật chất, thì khoa học Phật giáo lại cống hiến hết mình để phát triển sự hiểu biết chi tiết, trực quan về nhiều khía cạnh của tâm thức và cảm xúc, những lĩnh vực vẫn còn tương đối mới đối với khoa học hiện đại. Tôi tin rằng sự tổng hợp của hai phương pháp này sẽ có tiềm năng to lớn dẫn đến những khám phá giúp làm phong phú thêm về sức khỏe thể chất, tình cảm và xã hội của chúng ta.
Là một tu sĩ Phật giáo Tây Tạng, tôi coi mình là người thừa kế Truyền thống Nalanda. Phương thức Phật giáo được giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học Nalanda thể hiện đỉnh cao của sự phát triển Phật giáo ở Ấn Độ. Nếu chúng ta muốn trở thành Phật tử của thế kỷ 21, điều quan trọng là chúng ta phải tham gia vào việc nghiên cứu và phân tích giáo lý của Đức Phật – như rất nhiều người đã từng nghiên cứu ở Nalanda – thay vì chỉ đơn thuần dựa vào niềm tin.
Đại Lễ Buddha Purnima hay Vesak – kỷ niệm ngày Đản sinh, Thành đạo và Nhập Niết Bàn của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni; và được coi là ngày thiêng liêng nhất trong lịch Phật giáo. Nhân dịp Cát tường này, tôi xin gửi đến chư Phật tử Pháp Hữu khắp nơi – những lời cầu chúc tốt đẹp nhất! Nguyện cầu Quý Vị có được một cuộc sống đầy ý nghĩa với tấm lòng bi mẫn và trái tim ấm áp nhân hậu.
Với những lời nguyện cầu và lời chúc tốt đẹp nhất!
Đạt Lai Lạt Ma
9 tháng 5, 2024