Mùa Xuân 1981, tôi từ Đà Lạt về Hội An thỉnh an thầy chúng tôi trước khi vào Nam tìm đường vượt biển. Chân bước một mình trên đường Phạm Phú Quốc mà nghe lòng xao xuyến với bao nhiêu kỷ niệm đang nao nức trở về. Đường phố buồn như có một đám ma vừa mới đi qua. Nhà thơ Luân Hoán một lần đã viết trong ngày anh trở lại Hội An:
Đêm trở lại mưa sa mù Phố cũ
Đường hoang vu thao thức ánh đèn vàng
Dáng âm thầm muôn thuở của Hội An
Bước khe khẻ sợ phố phường thức giấc
(Đêm Mưa Về Hội An, thơ Luân Hoán)
Tôi không cần phải bước khẻ. Sáu năm sau ngày 29 tháng 3 năm 1975 định mệnh, Hội An vẫn chưa thức giấc. Thành phố lịch sử bị chính lịch sử bỏ quên suốt mấy trăm năm như còn chìm trong giấc ngủ.
Chùa Viên Giác với hai cây đa già, chiếc cỗng Tam Quan màu nâu đậm, văn phòng Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử tỉnh Quảng Nam với hàng chữ nổi chạy dài trên tường. Tất cả vẫn còn đó. Tôi đứng lặng yên nhìn cảnh cũ như tìm lại chính mình trong một quá khứ nhiều trắc trở. Văn phòng Ban Hướng Dẫn trống hoang, không một huynh trưởng nào làm việc. Chiếc máy in Roneo thân yêu của tôi ngày nào nằm trơ trọi trong một góc phòng. Thằng bé chùa Viên Giác như bà con hàng xóm thường gọi tôi ngày xưa để phân biệt với các chú tiểu chùa Viên Giác, trở về đây.
Tôi trở về nơi tôi đã dành khoảng thời gian trong trắng nhất để học, để xây dựng cho mình một nhân sinh quan, để tập một cách sống và chọn một hướng đi.
Tôi muốn cúi nhặt một chiếc lá, vuốt nhẹ đầu con lân bằng sứ trước cỗng chùa, dựa lưng một chút vào hai chiếc cửa sắt rỉ đã hoen màu. Với tôi, mỗi viên sỏi, mỗi chỗ ngồi và mỗi chiếc lá trong sân chùa là một kỷ niệm, một phần của đời sống tôi, một phần của tâm hồn tôi.
Thầy tôi, Hòa Thượng Thích Long Trí, ngạc nhiên khi tôi trở lại. Thầy mững rỡ, đưa tay choàng lấy vai tôi thân thiết như ngày nào. Thầy nói như than thở “trong lúc mọi người đều bỏ đi thì con lại trở về.” Tôi ngước nhìn lên như muốn bạch với thầy “nhưng rồi con cũng sẽ ra đi, đi xa lắm.” Tuy nghĩ thế nhưng tôi không dám đáp lại, chỉ sợ thầy buồn.
Thầy trò chúng tôi ngồi trong giảng đường Thanh Niên và nói về những đổi thay trong giáo hội. Thầy nói rất nhiều về đất nước, về đạo pháp. Thầy nói nhiều hơn về Gia Đình Phật Tử, tổ chức mà tôi đã phát nguyện đi theo từ năm 7 tuổi và cũng là tổ chức mà thầy chúng tôi dành cả cuộc đời để gieo trồng, vun xới và vất vả trông nom. Trong hoàn cảnh khắc nghiệt đó, đừng nói gì đến chuyện phát triển, chỉ tồn tại được đã là một điều khó khăn lắm rồi. “Phải tồn tại”, thầy nhấn mạnh từng chữ. Thầy nói với tôi nhưng thật ra đang dặn dò chính mình.
Thầy hãnh diện về quê hương xứ Quảng Địa Linh Nhân Kiệt của thầy. Ngày xưa thầy thường dạy chúng tôi “Huế là chiếc nôi của Gia Đình Phật Tử nhưng Quảng Nam lại là nơi chôn nhau cắt rốn của người đã góp phần lớn nhất để tạo dựng nên tổ chức này.”
Ý thầy muốn nhắc đến Bác Sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, người sáng lập nên Gia Đình Phật Hóa Phổ, tiền thân của Gia Đình Phật Tử Việt Nam. Quê hương của thầy cũng là nơi dừng chân cuối cùng trên đường hành đạo của Thiền Tổ Minh Hải, tổ sáng lập nên dòng Lâm Tế Chúc Thánh từ thế kỷ 17.
Cũng tại tổ đình Chúc Thánh uy nghiêm cỗ kính này, năm 1917 hai tăng sĩ trẻ từ Huế vào thọ Tỳ Kheo trong Đại Giới Đàn Minh Hải. Hơn nửa thế kỷ sau, hai vị tăng sĩ trẻ đó đã trở thành Đệ Nhất Tăng Thống Thích Tịnh Khiết và Đệ Nhị Tăng Thống Thích Giác Nhiên của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.
Cách chùa Viên Giác vài trăm mét là nhà thờ thân tộc của văn hào Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, người đã để lại cho muôn đời sau câu nói bất hủ “đời tôi để lịch sử xử” trong cuộc đấu tranh của Phật Giáo 1963.
Quảng Nam cũng là quê hương của Phật Tử Phan Châu Trinh, nhà cách mạng lãnh đạo phong trào Duy Tân và cũng người một lần đã viết: “thời đại nào Phật Giáo suy yếu là thời đại đó Dân Tộc suy yếu.” Quê hương xứ Quảng của thầy cũng là quê hương của nhiều Phật Tử khác đã đi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc.
Chiều xuống, tôi phải ra đi.
Thầy cùng đi với tôi ra cửa chùa. Tôi cố nén lòng để thưa thật với thầy, “lần này con vô Sài Gòn để tìm đường vượt biển. Nếu đi được, không biết ngày nào con mới về thăm thầy.” Thầy nhìn tôi và nói một cách tự tin “các con như những chiếc lá trong sân chùa, dù có bay đi xa bao nhiêu rồi cũng rơi về cội.” Tôi khẻ đáp “con cũng tin như thế.”
Tôi chấp tay lạy thầy để ra đi. Đó cũng là lần cuối cùng tôi gặp lại người đã mang tôi ra khỏi thôn làng nhỏ bé ở Mã Châu về dạy dổ, đã truyền cho tôi niềm tin vào Chánh Pháp và niềm tự hào về Dân Tộc Việt Nam. Thầy ra đi để lại ngôi chùa không còn ai coi sóc, để lại những đoàn viên Gia Đình Phật Tử không ai che chở, để lại chúng tôi như chiếc lá vẫn còn bay chưa hẹn buổi quay về.
Chúng ta sống trên đất tự do, dễ dàng nói về nhau về tinh thần vô úy, dễ dàng nói với nhau về tự do tôn giáo, về dân chủ đa nguyên. Nhưng nếu chúng ta có cơ hội để sống một ngày, chỉ một ngày thôi, trong đời của chư tôn giáo phẩm GHPGVNTN sau 1975, chúng ta sẽ biết được thế nào là ý nghĩa đích thực của tinh thần Bi Trí Dũng.
Chúng ta sống trên đất tự do, dễ dàng nói với nhau về yêu nước, yêu đạo, dễ dàng nói với nhau về hy sinh, đại nguyện. Nhưng nếu chúng ta có cơ hội sống một đêm, một đêm thôi, trong đau thương trăn trở giữa ngục tối Hàm Tân như HT Thiện Minh, một đêm mang nặng ưu tư đau nhức tại nhà tù Phan Đăng Lưu như HT Quảng Độ, một đêm trầm mặc suy tư trên mỗi bước thiền hành ở Quảng Ngãi như HT Huyền Quang, chắc chắc chúng ta sẽ hiểu ra rằng Bồ Tát giống tất cả chúng ta nhưng chúng ta không phải dễ dàng là Bồ Tát.
Trong 6 năm ở lại Sài Gòn, tôi đã bao lần tôi lo âu tự hỏi “Dân Tộc sẽ về đâu và Phật Giáo sẽ về đâu?”
Nhìn cảnh Hòa Thượng Thích Trí Độ trong chiếc áo sơ-mi trắng ngắn tay, già nua run rẩy trên khán đài trước dinh Độc Lập mấy ngày sau 30-4-1975, tôi cảm thấy đau xót và xấu hổ. Phật Giáo Việt Nam chẳng lẽ từ nay sẽ không còn cơ hội nào nữa hay sao? Một chiếc áo tràng nâu ngài cũng không được mặc đừng nói gì là giáo hội, là tiền đồ đạo pháp. Phật Giáo miền Bắc gần như không còn gì cả. Những ngôi chùa nỗi tiếng như Trấn Quốc, Chùa Thầy, chùa Dâu, chùa Tây Phương, chùa Hương Tích v.v. chỉ là những di tích lịch sử của một thời phong kiến xa xưa còn để lại.
Phật giáo Việt Nam, nếu may mắn được nhắc đến chỉ là Phật Giáo của đời Lý, đời Trần, Phật Giáo của Lý Công Uẩn, của Trần Thái Tông, chứ không phải Phật Giáo của thời ngài Tố Liên, ngài Vĩnh Nghiêm, ngài Tuệ Tạng. Đảng và Nhà nước CS nghiên cứu Phật Giáo Lý Trần chỉ để chứng minh tính thời đại, tính lịch sử đã qua của Phật Giáo như một món đồ cỗ văn hóa, dấu vết của một thời vang bóng chứ không nhằm khai triển và phát huy các tinh hoa vượt thời gian và vượt không gian của Phật Giáo.
Sự thật đúng như thế. Trong suốt mấy mươi năm, Phật giáo miền Bắc không được phép xây thêm được một ngôi chùa nào, không được phép xây dựng được một Phật Học Viện nào, không được phép tổ chức được một Giới Đàn nào và dĩ nhiên cũng không đào tạo được thế hệ tăng ni nào cả. Tiền đồ Phật Giáo nói như lời Hòa Thượng Quảng Độ trong đại hội đặc biệt 1978: “Tiền đồ Phật Giáo Việt Nam như chiếc thuyền nan trong cơn sóng dữ”.
Tuy nhiên dù chỉ còn một viên gạch cũng phải giữ, còn một nắm đất cũng phải giữ, như thầy tôi đã dặn “Phải tồn tại”, bởi vì:
Mái chùa che chỡ hồn dân tộc
Nếp sống bao đời của tổ tông
(Nhớ Chùa, thơ Huyền Không)
Cũng vì “nếp sống bao đời của tổ tiên” đó mà bao nhiêu đệ tử của đức Phật mang tinh thần của ngài Đại Vô Úy Phu Lâu Na, của Khuông Việt Thiền Sư, đã đứng dậy, cùng vươn vai gánh lấy quê hương và đạo pháp.
Các Hòa Thượng Thiện Minh, Hòa Thượng Huyền Quang, Hòa Thượng Đức Nhuận, Hòa Thượng Quảng Độ, Hòa Thượng Thuyền Ấn, Hòa Thượng Thông Bửu, Thượng Tọa Trí Siêu, Thượng Tọa Tuệ Sĩ, Thượng Tọa Liễu Minh…đã chọn một con đường hành đạo mà cách đây 2546 năm Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni đã chọn: đi vào thế gian ô trược của con người, chịu đựng nỗi khổ đau Sinh Lão Bệnh Tử của kiếp người để rồi gieo rắt Chánh Pháp nhằm giúp con người giải thoát.
Chư tôn đức lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất sau 1975, những bậc Như Lai Trưởng Tử của thời đại Phật Giáo Việt Nam cuối thế kỷ 20, kế thừa đại nguyện của đức Bổn Sư, đã chọn chịu khổ đau cùng với dân tộc, ở tù chung với dân tộc, để cuối cùng mong cứu lấy dân tộc Việt Nam.
Nước và sữa có thể phân ly nhưng Đạo Phật Việt Nam và Dân Tộc Việt Nam không thể nào và cũng không ai có thể làm phân ly được.
Bởi vì Đạo Phật là đạo của Tự Do, Sự Thật và Khai Phóng. Trong suốt 49 năm hành đạo, Đức Phật không rao giảng một hệ thống tín điều tuyệt đối nào. Đạo Phật không bắt tôi phải tin những điều mà tôi không thấy và không biết. Đạo Phật không bắt anh tin vào những điều anh không thấy và không biết.
Những lời ngài đã nói với người dân xứ Kàlama đã chứng minh điều đó: “Này các Kàlama, đừng để bị dẫn dắt bởi những báo cáo, hay bởi truyền thống, hay bởi tin đồn. Đừng để bị dẫn dắt bởi thẩm quyền kinh điển, hay bởi lý luận suông, hay bởi suy lý, hay bởi sự xét đoán bề ngoài, hay bởi những thích thú trong lý luận, hay bởi những điều dường như có thể xảy ra, hay bởi ý nghĩa đây là bậc Đạo Sư của chúng ta. Nhưng này các Kàlama, khi nào các ông biết chắc những điều ấy là thiện, là tốt, hãy chấp nhận và theo chúng.” (Tăng Chi I).
Bởi vì Đạo Phật là đạo Nhân Bản và Nhân Chủ, là chiếc ghe giúp cho con người tìm đến tự do vĩnh cửu bằng cách giải thoát khỏi mọi sự ràng buột siêu nhiên và hệ lụy của kiếp người. Thuyết Nghiệp Báo cho chúng ta thấy rằng, hơn ai hết con người là kẻ duy nhất chịu trách nhiệm và cũng là kẻ kế thừa hậu quả các hành động của họ. Hành trình Tri Kiến là nỗ lực của mỗi người, không ai, kể cả Đức Phật, có thể thay đổi được hoàn cảnh của con người. Con người là chủ nhân và cũng là quan tòa cho chính mỗi hành động của chính họ như Đức Phật đã dạy “Hãy tự mình làm chỗ nương tựa của chính mình“.
Bởi vì Đạo Phật là đạo của Dân Chủ và Bình Đẳng. Không phải đợi đến Tổng Thống Lincoln mới giải phóng nô lệ hay cách mạng 1789 mới tuyên bố khẩu hiệu “tự do dân chủ và bình đẳng”, cách đây trên 2000 năm đức Phật đã từng tuyên bố mọi giai cấp, địa vị quyền thế chỉ là những hàng rào của xã hội, chỉ có giới hạnh mới làm cho mỗi chúng ta khác nhau mà thôi.
Đức Phật đề cao tin thần dân chủ đến mức độ khi nhập diệt, ngài đã không chỉ định một ai thay thế ngài đễ lãnh đạo tăng đoàn hay lãnh đạo đạo mà ngài khai sáng. Trái lại, mỗi đệ tử của ngài đương thời, và ngay mỗi chúng ta ngày nay, phải chọn giới luật để tu học và thăng tiến lấy chính mình. Mười nguyên tắc lãnh đạo Đức Phật đã để lại trong Kinh Bổn Sinh, không chỉ đúng trong các quốc vương thời Phật còn tại thế mà đúng ngay cả trong thời đại ngày nay:
· Phải cởi mở và không ích kỉ;
· Duy trì đạo đức cao;
· Sẵn sàng hi sinh lợi ích cá nhân để phục vụ cho an sinh của dân chúng;
· Phải thành thật và ngay thẳng;
· Phải dịu dàng và giàu lòng nhân ái;
· Phải sống giản dị để làm gương cho dân chúng;
· Phải vượt lên trên mọi hận thù;
· Biết áp dụng tinh thần bất bạo động;
· Biết nhẫn nại;
· Tôn trọng ý kiến dân chúng, và biết phát triển sự hòa bình và hòa hợp.
Bởi vì Đạo Phật là đạo của Tình Thương và Bao Dung. Đức Phật từ bỏ tất cả cung vàng điện ngọc để tìm đạo Giải Thoát chỉ bằng một chiếc áo vàng và đôi chân đất. Đức Bổn Sư không đi tu chỉ tìm kiếm một đời sống vĩnh hằng, hạnh phúc, an lạc cho chính mình mà vì tình thương của ngài đối với chúng sanh, nhân loại.
Hãy nhìn từ Âu sang Á, nhiều nơi tôn giáo đã trở thành một phương tiện để bành trướng các thế lực chính trị, để đàn áp, thu phục, thôn tính đất đai lãnh thổ, để phục vụ cho các mục đính cá nhân, phe nhóm, thế lực và đế quyền, trong lúc đó, Phật Giáo vẫn thơm ngát như một cánh hoa sen trong vũng bùn lầy của nhân loại.
Hãy nhìn từ Đông sang Tây, thịt xương nhân loại đã chất chồng từ bao nhiêu thế kỷ vì những cuộc tranh chấp chứa đầy lòng sân si, thù hận, trong lúc đó, Phật Giáo, sau 2500 năm, vẫn là một giòng suối tình thương chảy róc rách trong tâm hồn khao khát tự do, tình thương và an lạc của con người.
Tháng 6 năm 1981 tôi ra đi.
Tôi ra đi khỏi nước mang theo dáng nghiêng nghiêng của Hòa Thượng Thích Thiện Minh trong những ngày còn ở Công Lý, Sài Gòn. Có lần thầy đã tâm sự với chúng tôi “Trước đây, thầy đã từng khóc vì các lớp anh đàn chị của các con.” Ý Hòa Thượng muốn nhắc đến phong trào sinh viên Phật Tử đầy nông nổi từ 1971 trở về trước. Những thao thức thời đại và những hào quang danh vọng hảo huyền được thổi phồng mỗi ngày trên các tờ Tin Sáng, Điện Tín, Đại Dân Tộc, đã đẩy các “lãnh tụ sinh viên” và hàng ngàn bạn bè của họ vào những chọn lựa sai lầm tai hại. Những năm sau 1975, Hòa Thượng Thiện Minh bị đuổi ra khỏi Tổng Vụ Thanh Niên, thầy đã phải chống gậy từ chùa này sang chùa khác. Hòa Thượng Thiện Minh, Cố Vấn Hội Đồng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN bị bắt vào ngày 13 tháng 4 năm 1978. Sáu tháng sau, nhà nước thông báo cho HT Trí Thủ ra trại tù Hàm Tân, Phan Thiết để nhận xác HT Thiện Minh. Hòa Thượng Thiện Minh, nhà kiến trúc của các quan điểm về tương lai dân tộc của GHPGVNTN thời cận đại không còn nữa, nhưng trong những buổi chiều vắng lặng ngồi nhớ lại thời sinh viên, tôi như vẫn còn nghe:
Bước chân thầy đi khập khểnh những buổi chiều
Dọc hai hành lang Trung Tâm Quảng Đức
Vết thương nặng dù nhiều năm đau nhức
Vẫn cố nghiêng người mang Đạo Pháp lên vai
Thầy còn đây với biển rộng sông dài…
(Hoa Đạo, thơ Trần Trung Đạo)
Tôi ra đi mang theo hình ảnh của Hòa Thượng Huyền Quang, Viện Trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN, khi thầy bị đem lên bêu xấu trên đài truyền hình Sài Gòn đầu năm 1979. Thầy ngồi trên chiếc giường tre nhỏ trong nhà tù, trong lúc người xướng ngôn kể tội Hòa Thượng nào là “chống phá Cách Mạng”, nào là “âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân” và hàng trăm “tội ác” khác. Đó là lần đầu tiên tôi biết đến thế danh của thầy là Lê Đình Nhàn vì Công An gọi thầy bằng thế danh trước khi gọi pháp hiệu. Thầy ốm và già đi nhiều dù chỉ mới hai năm kể từ khi chúng tôi gặp thầy lần cuối. Hòa Thượng Huyền Quang không tỏ ra một chút lo âu hay sợ sệt. Thầy nhìn thẳng vào ống kính truyền hình và mỉm cười như nhắn nhủ với nhiều triệu đồng bào Phật Tử Việt Nam “Thầy vẫn bình an, hãy giữ lấy niềm tin vào Chánh Pháp.” Trong những năm tháng lưu đày ở Quảng Ngãi, thầy vẫn tiếp tục lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất trong âm thầm và nhẫn nhục.
Tôi ra đi mang theo hình ảnh hiền hòa của Hòa Thượng Tổng Thư Ký Thích Quảng Độ. Trước ngày thầy bị bắt, mỗi tuần hai buổi tôi vẫn gặp Hòa Thượng đi bộ từ chùa Giác Minh trên đường Lý Thái Tổ xuống ngã sáu Trần Quốc Toản, để từ đó đón xe Lam qua Thanh Minh Thiền Viện giảng thiền học. Dáng thầy thanh cao, nghiêm trang, vầng tráng rộng, miệng thầy luôn mỉm cười. Phải chăng ngay cả trong lúc mang nặng ưu tư về tiền đồ dân tộc và đạo pháp, tâm Hòa Thượng Quảng Độ vẫn an nhiên, tự tại. Hành trình đầy bi tráng của thầy trong suốt 10 năm bị bắt giam tra tấn và lưu đày cùng với bà mẹ già trên 80 tuổi ở Thái Bình đã để lại một niềm thương yêu và kính phục sâu xa không những trong lòng nhiều triệu Phật Giáo đồ Việt Nam, dân tộc Việt Nam mà cả trong cộng đồng nhân loại. Đến nay đã có 209 Thượng Nghị Sĩ, Dân Biểu và Trí Thức khắp nơi trên thế giới đề nghị Ủy Ban Giải Nobel trao thầy giải Nobel Hòa Bình. Một bài thơ cảm động đầy tâm đạo và tâm huyết thầy viết ở Thái Bình trong mười năm lưu đày được gởi ra hải ngoại. Bài thơ không có tựa đề. Tôi chuyển bài thơ nầy lên Internet ngày 22 tháng 8 năm 1992 và mạo muội đặt tên là Chiều Đông:
Nghe lòng xa vắng những chiều đông
Nhìn nước mênh mông khắp mặt đồng
Bát ngát núi xa mờ bóng cọp
Thăm thẳm trời cao bặt cánh hồng
Bao độ cà tan cà nở nụ
Mấy mùa luá rụng luá đơm bông
Năm tháng mõi mòn đầu đã bạc
Còn chút lòng son gởi núi sông
(Thơ HT Thích Quảng Độ)
Xuân Di Lặc lại sắp sửa trở về. Xuân đến nhắc chúng ta về một bài kệ nỗi tiếng của ngài Mãn Giác Thiền Sư đời Lý:
Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai
Xuân đi, trăm hoa rãi
Xuân đến,trăm hoa khai
Xem chuyện đời trước mắt
Tóc trên đầu đã phai
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Tối qua, sân trước một cành mai.
(Thi sĩ Võ Đình dịch)
Chu kỳ Sinh Trụ Dị Diệt là một chu kỳ luân hồi diễn ra trong từng sát na của vạn vật và đời sống. Tuy nhiên nếu chúng ta định tâm thanh tịnh làm chủ lấy chính mình thì dù “tóc trên đầu đã phai” của chúng ta hay ” Xuân đi, trăm hoa rãi” của thiên nhiên vạn vật cũng chẳng thể nào làm thay đổi cái nhìn về thế giới của chúng ta.
Trong một ý nghĩa khác, trước cảnh vật đổi thay, xuân đến và xuân đi, trăng tròn rồi trăng khuyết, tóc xanh rồi tóc bạc, thay vì chúng ta ngồi thở ngắn than dài cho số phận ngắn ngủi của kiếp nhân sinh như thế, thì trái lại, nên hãy vươn lên, bước ra khỏi vòng lo âu số phận để hóa giải nghiệp báo cho chính mình, để đóng góp vào sự an vui của đồng bào, nhân loại, chúng sinh. Được thế, mùa Xuân trong Tâm sẽ không bao giờ tàn.
Và cũng từ ý nghĩa đó, Phật Giáo Việt Nam trong 26 năm qua đã có những Cành Mai Đạo tuyệt vời: Cành Mai Viên Lạc Phạm Gia Bình, Cành Mai Hạnh Minh Hồ Tấn Anh, Cành Mai Huyền Quang, Cành Mai Quảng Độ, Cành Mai Đức Nhuận, Cành Mai Long Trí, Cành Mai Thông Bửu, và những Cành Mai Âm Thầm, Cành Mai Nhẫn Nhục, Cành Mai Hóa Thân khác.
Ngày mai đây trên nước Mỹ, khi các em trong các Gia Đình Phật Tử lớn lên, các em và các thế hệ sau các em, cũng sẽ là những Cành Mai. Các em có thể không biết những Cành Mai Đức Nhuận, Cành Mai Huyền Quang, Cành Mai Quảng Độ là ai, các em có thể không còn nghe nhắc về một chặng đường bi tráng mà thầy tổ các em đã đi qua, các em có thể không còn nói được, viết được tiếng Việt Nam để đọc bài tôi đang viết hôm nay.
Điều đó không quan trọng, bởi vì tôi tin rằng trong Tâm các em, trong dòng máu Việt của các em đã có sẳn một cành mai mà cách đây gần một ngàn năm Thiền Sư Mãn Giác đã tìm thấy trước sân ngài: Cành Mai Chánh Pháp.
Trần Trung Đạo
Xuân Di Lặc, PL 2543, DL 1999