Từ năm nào trong tôi có hình ảnh của một vị Thầy dõng dạc bày tỏ thái độ bất khuất trước bạo lực. Trong một bài thơ, lời lẽ hùng dũng thể hiện đạo phong của một người không sợ bạo quyền. Và mới đây, cũng vị Thầy đó đã khước từ những ưu đãi của kẻ cầm quyền, không một chút hối tiếc. Đó là thầy Quảng Độ – với tôi, Thầy là con người không sợ khổ.
Theo dõi báo chí, với hình ảnh của Thầy đứng trước những viên chức cầm quyền, không một chút sợ sệt và dõng dạc trình bày: “Chúng tôi chỉ là những người tranh đấu vì lý tưởng dân tộc, vì quyền lợi của người dân. Chúng tôi không có tội với ai cả.“ Bao nhiêu người, khi có danh lợi thì cố bám, đến khi thất thời đã cắm cổ bỏ chạy. Riêng Thầy, với chiếc áo nhà tu không dính bụi, lúc an, lúc nguy đều sống đời đạo hạnh, lúc nào cũng giữ khí tiết của đấng trưởng tử Như Lại.
Lúc đó, tôi đã thấy vừa cảm phục, vừa kính thương Thầy. Trong hoàn cảnh dầu sôi lửa bỏng, sao Thầy không chịu nhún nhường để được yên thân? Thầy không sợ tù tội hay sao? Sau này, được đọc những tác phẩm do Thầy dịch, tôi mới thấy mình trẻ con quá. Một người như Thầy đã chấp nhận “SỐNG NHƯ MỘT NGƯỜI ĐÁNG SỐNG” thì sao lại còn sợ những trò chơi bịp bợm của những kẻ hết còn nhân tính. Những tư tưởng thoát tục, thanh cao đã chảy ra từ ngòi bút của Thầy phải chăng chính là xương thịt, tim óc của Thầy. Không làm sao khác hơn được, là lên tiếng nói của lòng dù đứng trước bạo lực, dù gặp phải gian nguy.
Rồi khi nghe Thầy ngồi tù và nhìn thấy cổng chùa Ấn Quang bị khoá chặt, đêm đó tôi khóc. Cũng không biết vì sao mình khóc! Tôi chưa một lần gặp Thầy, chưa một lần thấy chùa Ấn Quang. Vậy mà, thấy cảnh đó xảy ra cho người vô tội, vốn một đời chỉ biết lấy đạo hạnh làm phương châm cho đời sống, tôi thật thương cảm vô cùng. Về sau, khi đọc bài thơ” Nhắn nhủ khổ đau”, Tôi mới cảm nhận trọn vẹn tính thần vô uý, không sợ cam khổ của Thầy. Từng lời thơ như từng lời thách thức với bạo quyền, với vô minh:
Khổ đau ơi!
Thôi đừng hù ta nữa
Ta biết mi lắm rồi
Ta đã gặp mi trên khắp nẻo đường đời
Và mỗi lần gặp mi ta đều mỉm miệng cười
Và nhìn thẳng mặt mi không hề sợ sệt.
Không hề sợ sệt là bản chất con người của Thầy. Nhà tu Ngọc Lâm khi thấy mình còn bị duyên nghiệp ràng buộc đã không sợ hãi, chạy trốn định mệnh. Trái lại, nghe lời Thầy, bình tỉnh tìm cách giải quyết điều oan trái của nghiệp duyên. Chúng ta hãy cùng hình dung cảnh tình của một chàng trai, với lý tưởng, với tình thương, trong đêm tân hôn đã dõng cảm đối mặt với dục vọng, đem lòng mình trải rộng để khuyên cô dâu:
– Điều đó có lẽ cô không hiểu, vì tôi muốn đem vẻ đẹp của hình hài để đổi lấy vẻ đẹp của sự sống. Bởi lẽ vẻ đẹp hình hài của chúng ta ngắn ngùi, tạm bợ, như bông sen sớm nở tối tàn, còn vẻ đẹp của sự sống thì mãi mãi bất diệt. Cô đừng tưởng vẻ thanh tú của tôi sẽ mãi như thế này, năm tháng trôi qua, một ngày kia tuổi xuân tàn tạ, tôi sẽ trở thành một ông lão tóc bạc, da mồi, chính cái thân của cô rồi cũng vậy. Đang lúc thanh xuân mặt hoa da phấn, điểm trang lộng lẫy, nhưng rốt cuộc rồi cũng chỉ là một đống xương tàn chôn ngoài đồng hoang, nội cỏ. Nghĩ đến kiếp sống vô thường của con người, chúng ta há lại ham mê vẻ đẹp hình hài giả dối và ngắn ngửi hay sao?
Rồi cũng bài thơ trên, trong một đoạn khác Thầy viết:
Đừng mơ tưởng:
Vì sợ mi
Ta sẽ đổi dời khí tiết
Để cúi đầu trước bạo lực phi nhân
Cứ đầy đọa ta đi cho thỏa tánh hung thần
Ta đã nguyện chẳng tiếc gì chiếc thân mộng huyễn.
Không một chút trách móc dù đã bị hành hạ, đối xử tệ bạc. Cũng như vậy, Ngọc Lâm không trách gì Vương tiểu thơ cả. Bằng vào thái độ của một người sáng suốt, có lòng thương, nhà sư trẻ khuyên nhắc:
– Tiểu thư, cô hãy nhìn những cánh hoa rơi trên mặt bàn xem, mới hôm qua hãy còn tươi thắm, mỹ miều, thế mà sáng nay đã úa vàng tàn tạ! Ai dám bảo đảm tuổi thanh xuân của chúng ta? Ai dám nói chúng ta trẻ mãi không già, sống hoài, không chết? Bởi thế, người thông minh phải tỉnh táo sáng suốt: “Đừng đợi tuổi già mới tin theo Phật, bao nấm mồ hoang rặt thiếu niên!” Tôi mong cô hãy mở rộng nhãn quang, và mạnh dạn tiến bước trên con đường sống mới!
Và con đường sống mới đó là nếp sống xuất gia đạo hạnh, đem tình thương ban rãi khắp nơi, không có giới hạn. Trong cuộc đời của Thầy, và qua nhân cách của Ngọc Lâm trong truyện Thoát Vòng Tục Luỵ do Thầy dịch, thân xác giả tạm chỉ là huyễn tướng, cho nên có bị tù tội, đọa đày, Thầy vẫn không lấy đó làm phiền.
Giờ đây, đứng trước vận hội mới, Thầy vẫn là con người tiên phong dám nói, dám làm. Đối với ôn Linh Mụ, Thầy thật nhỏ nhẹ, khiêm cung trong bức thư Thầy gửi Ôn hồi tháng 9- 1991:
“Kính bạch Hoà thượng, ước nguyện duy nhất của con hiện giờ là cầu mong khi con trở về, Hoà thượng vẫn mạnh khỏe để con được nhìn tận mắt cho bỏ bao năm xa cách và âu lo. Mỗi lần (lâu lắm), gặp ai ra con hỏi về sức khỏe của Hoà thượng mà cứ hồi hộp. Tuy nhiên, mỗi khi nhìn tấm hình Hoà thượng ngồi trên chiếc xe lăn thì con lại cảm thấy xót xa vô hạn! Rồi đây ngôi nhà Phật pháp sẽ ra sao khi mà các bậc lương đống cứ lần lần khuất bóng? Khi đọc xong bức tâm thư của Hoà thượng gửi cho các vị Tăng Ni ở hải ngoại, bất giác những giọt nước mắt từ từ lan xuống hai gò má của con; rồi đây còn ai lo cho Phật pháp, Tăng Ni được như thế nữa không?”
Thầy khóc khi đọc thư Ôn, và tôi khóc khi đọc thư Thầy. Thân còn mang phận lưu đầy mà Thầy không quên, trên thì bày tỏ tấm lòng với bậc trưởng thượng, còn dưới thì ôn tồn khuyên can. Ngôi nhà Phật pháp rồi đây sẽ ra sao, phải là câu hỏi cho tất cả chúng ta.
Mới đây nhất, hôm Bố tát tại chùa Từ Quang, tôi được xem mấy tấm hình của Thầy. Nơi thì chụp Thầy đang rửa rau, có lúc thì ngồi viết, nhìn đâu cũng chỉ thấy khung cảnh đạm bạc, bình an. An bần lạc đạo. Người tu sĩ sống đời nghèo nàn về mặt vật chất, mà giàu có về mặt tinh thần… Hình ảnh của Thầy, đạo hạnh của Thầy sẽ là một tấm gương sáng cho mọi người soi chung. Trong bức thư gửi cho Tăng Ni ở hải ngoại, thầy viết: “Tôi cảm thấy xót xa vô cùng và rất ân hận đã chẳng được gần bên cạnh Ngài vì hoàn cảnh khắc nghiệt, để mà hứa với Ngài là dù trong trường hợp khó khăn nào thì Tăng Ni chúng ta cùng một lòng đoàn kết, hoà hợp thương quý nhau để lo chu toàn mọi Phật sự như Ngài mong muốn, để Ngài yên lòng mà sống thanh thản qua những tháng năm còn lại của cuộc đời, mà đã tận tụy hy sinh cho Phật pháp, cho Tăng Ni chúng ta”. Cuối cùng Thầy chấm câu bằng ba chữ “Mong lắm thay!”
Mong lắm thay! Mong lắm thay! Tôi nghe âm ba như vượt biển Thái bình tràn đến Hoa Kỳ, rồi xuyên lục địa, vượt đại dương và lan đến trời Âu, trời Á. Là em, xin hãy mở cõi lòng để nghe tiếng kêu gọi của người anh với vô vàn trân trọng. Là môn đồ, đệ tử, xin hãy chắp tay, thở vào chánh niệm và nghe cho kỹ lời dạy của thầy. Việc vận động thống nhất Phật giáo Việt nam phải được nhắm vào lợi ích chung cho mọi người, mọi giới. Xin tất cả, hãy gạt bỏ ra ngoài những dị biệt để sự thống hợp sớm được hoàn thành. Trong niềm tin đó, ai mà không cảm khái trước lời kêu gọi thống thiết của Thầy?
Không biết Thầy có rõ hay không, lời kêu gọi Nêu Cao Ngọn Đuốc có thể làm cho Thầy mang thêm những oan chướng vào thân, có người thương, kẻ ghét. Chắc là mặc kệ việc đời, thăng trầm đen bạc, đường Thầy, Thầy cứ đi, là: nói lên tiếng với trung thực của lòng mình. Và hơn thế nữa :gởi trọn niềm tin của mình vào Phật pháp và con người trong một ý thức lạc quan, tin tưởng và bao dung. Đoạn cuối của một bài thơ do Thầy sáng tác mới đây nói lên điều đó
Bao độ cả tan, cà nảy nụ
Mấy mùa lúa rụng, lúa đơm bông
Năm tháng mỏi mòn đầu đã bạc
Còn chút lòng sơn gởi núi sông
Đầu Thầy đã bạc nhưng chắc nỗi khổ trên đời không bạc như đầu Thầy. Bể khổ mênh mông sẽ còn biết bao lớp sóng phế hưng lên xuống. Đời còn khổ xin những người thiện tâm, nhiệt huyết mạnh dạn bước theo dấu chân Không Sợ Khổ của Thầy.
Thích Chơn Huệ
(bút danh của Thích Từ Lực)
(Trích từ tạp chí NGUỒN SỐNG số 21, năm 1992, do HT Thích Giác Lượng làm chủ biên)