(Trích đặc san Vạn Hạnh số 8 & 9,Kỷ Niệm Ngày Đức Phật Thành Đạo)
Trước sự thực lịch sử hiện đại hầu như toàn thể nhân loại đều đang gánh chịu và cam nhận bằng cuộc sống khổ đau của mình, đó là: mối giằng xé nội tâm, mối xung đột tư tưởng, mối đố kỵ dân tộc, mối kỳ thị chủng tộc, mối đấu tranh giai cấp, mối giật giành quyền thế và mối đối kháng đạo đời. Tất cả những hiện tượng trên đang đe dọa trầm trọng cuộc sống và nền hòa bình thế giới, đang tạo ra những hình thái chiến tranh:
Chiến tranh chìm: thứ chiến tranh băng hoại tâm hồn mỗi người tự mất tin tưởng ở chính mình và cuộc đời, để rồi sống khắc khoải trong thống khổ tuyệt vọng.
Chiến tranh lạnh: thứ chiến tranh tâm lý, chính trị, kỹ thuật, kinh tế làm căng thẳng thần kinh nhân loại, xáo trộn thường xuyên cuộc sống xã hội.
Chiến tranh nóng: thứ chiến tranh vũ lực và xương máu, đã, đang và rất có thể diễn ra trên mọi mảnh đất thân yêu của nhân loại. Cụ thể và khốc liệt nhất tại Việt nam, quê hương của chúng tôi, đang phải gánh chịu mọi hình thái chiến tranh của thời đại, gánh chịu mọi bất hạnh của thế giới.
Với tinh thần Từ Bi, giác ngộ sẵn có nơi mỗi người tin Phật-nhất là các hàng trưởng tử của Phật-chúng ta không thể không đau lòng trước thảm cảnh ấy và không thể không tìm phương giải thoát cho mình, cho thế giới, và xây dựng vững vàng đạo pháp trên một xã hội tốt đẹp.
Thực hiện sự mong muốn ấy, chúng ta soát lại sự thăng trầm trong sự truyền giáo của mỗi địa phương, rút tỉa kinh nghiệm, tái thiết tổ chức giáo hội Phật giáo Quốc gia và Quốc tế vững mạnh và biết đem đạo vào đời bằng những lợi ích nhân sinh thiết thực.
Dõi theo lịch sử, Phật giáo Trung hoa cũng trải qua những thời cực thịnh, bác tạp, suy vong do hoàn cảnh và nhân sự tạo nên.
Phật giáo Việt nam được du nhập vào khoảng cuối thế kỷ thứ II dương lịch, mà pháp truyền phần lớn đều phát nguyên từ Trung hoa và Tam tạng Thánh giáo bằng Hán văn. Qua XVIII thế kỷ có mặt trên đất nước Việt nam, Phật giáo đã đem lại sự đại thịnh trong hai triều Lý, Trần; nhưng cũng đã bị suy vong dần dần sau đó.
Đặc biệt gần thế kỷ nay, Phật tử Việt nam đã hết sức nhẫn nhục chịu đựng để phục hưng đạo giáo song nhiều lúc cũng gặp những hoàn cảnh bi đát gần như bị tiêu diệt. Năm Phật lịch 2057 (1963) bất đắc dĩ, Phật giáo Việt nam phải mở cuộc vận động, mong đem lại tự do tư tưởng, bình đẳng Tôn giáo và cân bằng xã hội. Với ngọn đuốc tự thiêu cao cả của Bồ-tát Quảng Đức và các vị Tăng Ni Phật tử và với sự chịu đựng, sự vu khống đánh đập, tàn phá, giam cầm, chết chóc của toàn thể Tăng, tín đồ trong, ngoài nước, đại pháp nạn này được thoát khỏi. Đại pháp nạn này được nói lên những sự hy sinh vô bờ bến của Phật tử Việt nam, đó là những ảnh hưởng vô cùng cao đẹp của nguồn giáo lý Phật đà. Giờ phút đen tối đã qua, và còn là một cơ hội lịch sử, một động cơ mạnh mẽ để Phật tử Việt Nam thực hiện nguyện vọng hoài bão thống nhất Nam, Bắc tông dưới danh nghĩa “Giáo Hội phật Giáo Việt Nam Thống Nhất”
Giáo Hội phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ra đời, tất cả Phật tử Việt nam đều hướng vào sự xây dựng, đem tinh thần Từ Bi Hỷ Xả đối với những gì mà quá khứ đã làm họ đau khổ, và quyết tâm đem đạo giúp đời, bằng tinh thần thuần túy Phật giáo. Nhưng bất hạnh thay, Phật tử Việt nam không được như sở nguyện, lại phải đón nhận một đại pháp nạn lần thứ hai trong những năm Phật lịch 2508 (1964), với tất cả những tang tóc, những thủ đoạn chính trị tế nhị khủng khiếp; vơi công cụ chính trị đã khai sinh tổ chức Phật giáo hư danh để chia rẽ hàng ngũ nội bộ, hòng phá vỡ nền tảng Giáo Hội phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, bởi bàn tay và cõi lòng của những lực lượng thoái hóa, những vọng niệm ác nhân tạo nên. Chủ trương phá hoại, chia rẽ và định tiêu diệt ấy, hiện nay vẫn còn đe dọa trầm trọng đối với những công việc làm và sự xây dựng tổ chức Giáo Hội phật Giáo Việt Nam Thống Nhất chúng tôi. Tuy nhiên, sức mạnh Bi, Trí, Dũng của Phật tử Việt nam đã được thể chứng qua hai thời kỳ pháp nạn, và biết rằng: Tinh thần hiểu biết, đoàn kết, gắng làm của những con người sẽ làm, dám làm bằng được những gì… hay, đẹp cho xã hội con người mà thế lực vật chất không thể lấn át được.
Con người đã tìm lại được ý nghĩa hy sinh và hy vọng. Đấy cũng nhờ công quả của Phật tử khắp nơi trên thế giới và nhân loại giác ngộ, cùng đóng góp của Phật tử Việt nam. Và đấy cũng có thể nói lên rằng: mọi vấn đề thời đại đều mang tầm vóc quốc tế, và đều giải quyết trên bình diện thế giới. Tất nhiên không thể nhìn nhận vấn đề một cách giản lược, mà phải tìm ra một căn bản tư tưởng, các mối mâu thuẫn, nhằm cùng với nhân loại xây dựng một đời sống hòa bình, tự do, điều hợp. Căn bản tư tưởng và nguồn nhân lực đó hy vọng rằng sẽ được đạo Phật đem thực hiện sau khi đã kinh quá những thử thách trong cuộc sống của tự do chủ nghĩa phóng nhiệm và chủ nghĩa xã hội máy móc, sau khi đã dung hợp được những tư tưởng, sáng kiến và đà phát triển của nền kỹ thuật hiện tại, sau khi đã thống nhất được lực lượng Phật giáo thế giới — thống nhất trên giáo lý, giáo chế, tổ chức Giáo hội và hạnh nguyện lợi tha.
Cuộc vận động thống nhất Phật giáo thế giới được tiến hành từ nhiều năm qua, đang là hy vọng của toàn thể Phật tử, và được tích cực chuẩn bị của Giáo hội phật giáo mọi dân tộc, mà cụ thể là cuộc Đại hội Đại biểu Hoa tăng hôm nay. Chúng ta cùng hy vọng rằng: Qua cuộc Đại hội nơi đây và nhiều cuộc Đại hội của các nước khác, một ngày không xa gia đình Phật giáo thực sự bước vào phòng Đại hội lớn lao mà thời đại đang mong đợi.
Trên hình thức, cuộc thống nhất Giáo Hội Phật Giáo Thế Giới coi như tạo ra cho nhân loại một cái gì mới, nhưng mà nội dung ý nghĩa nhất định sẽ không thể là một cuộc phân ly nội giáo và nhân loại; trái lại, nó phải là một thế lực tinh thần nhẫn nhục, hòa ái và từ bi, trí tuệ để dung hợp hai ý thức hệ đang trái nghịch nhau trên thế giới, để hồi phục giá trị tự do và sáng tạo của mỗi người trong các tập thể tình thương, hòa bình và hạnh phúc
Tất cả những đòi hỏi của thời đại hôm nay, về mặt tinh thần và tư tưởng, đều đã được giải đáp cặn kẽ trong giáo lý của đức Phật, đều đã được Giáo sử Phật giáo của các dân tộc chứng minh: tại Trung hoa hai nguồn Vô vi của đạo Lão, Hữu vi của đạo Khổng đã từng gây ra những sóng gió trong tư tưởng giới, nhưn nhờ sự du nhập của đạo Phật, một nguồn tư tưởng thỏa đáp hai mặt Vô vi siêu thoát và Hữu vi nhập cuộc. Tại Việt nam, đạo Phật cũng đã dung hợp hai đạo Lão, Khổng, tạo ra sự phồn thịnh dưới đời đại Lý, Trần… Ngày nay chúng ta tin tưởng rằng tinh thần dung hóa và với vai trò lịch sử của đạo Phật sẽ đem lại tình thương, thông cảm và xây dựng chân thành cho xã hội loài người trong sự hòa bình và tiến hóa mãi mãi.
Ánh Từ quang của Phật đã rọi chiếu nhiều nước trên thế giới, người hiểu, tin Phật đông đảo nhưng chung ta công nhận tổ chức Phật giáo thế giới của chúng ta được chặt chẽ và hoàn hảo. Ngay các quốc gia vùng Thái bình dương, Phật tử chiếm đa số hiện nay, vẫn chưa triệt để thông cảm nhau. Dù vậy, nếu chúng ta mang hết tâm chân thành xây dựng cho cơ sở Giáo hội Phật giáo Thế giới về mọi mặt, tổ chức này cho phép chúng ta có cảm nghĩ rằng, nó sẽ giúp ích nhiều cho sự hiểu biết, tiến bộ, hạnh phúc của con người và nạn kỳ thị sẽ không còn giữa tư tưởng, chủng tộc, quốc gia nữa. Đạo Phật xuất hiện giữa thế kỷ phân hóa giai cấp, đẳng cấp hết sức trầm trọng, đức Thế Tôn đã nhiều lần thể chứng tinh thần phá bỏ thành kiến đẳng cấp, giai cấp, chỉ cho mọi người thấy chân giá trị của con người bình đẳng: mọi người đều có Phật tánh và đều có khả năng thành Phật. Ngài còn dạy cho mọi người phương pháp chuyển nghiệp lực để giải thoát mình và giải phóng đời; mọi quyền hành được phân công theo tài, đức và hiệu năng hoạt động của mỗi người
Chiếu theo cuộc đời của đức Phật tổ, bằng vào giáo lý vi diệu của đạo phật và căn cứ vào Phật giáo sử, chúng ta hãy cùng tin tưởng cùng cố gắng thực hiện một cuộc hoạt động văn hóa bằng cách phát huy nguồn giá lý Từ bi, Trí tuệ và sự dung hợp bằng sự thông nhất Giáo Hội Phật Giáo Thế Giới, để cùng các lực lượng tinh thần chân chính khác của nhân loại, hướng dẫn các cuộc vận động cho nhu cầu, hy vọng Tự Do, Hòa Bình, Hạnh Phúc thực sự và vĩnh cửu của nhân loại sau này.*
THÍCH TÂM CHÂU
* Diễn văn của Thương Tọa Thích Tâm Châu, Viện trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN đọc trước ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU HOA TĂNG tại Đài loan, hồi 10 giờ ngày 5-11-1965, nhân chuyến công du thăm thiện chí các nước Phật giáo Trung Hoa Dân quốc – Nhật bản – Đại hàn và Hồng kông.