Phần 3:
Kiến trúc Phật giáo thời Lê Sơ và thời Mạc
+ Kiến trúc Phật điện
Mặt bằng Phật điện phổ biến là một khối nhà hình chữ công gồm tòa Thượng Điện thờ Phật một gian hai chái (còn gọi là hậu cung), tòa Bái Đường song song với tòa Thượng Điện dùng làm nơi hành lễ của Phật tử (còn gọi là Tiền Đường). Tòa Thiêu Hương là tòa nhà nối giữa Bái Đường và Thượng Điện, là nơi để lễ Phật và thắp hương (tên gọi dân gian là tòa ống muống).
Kết cấu các công trình kiến trúc Phật giáo thời Mạc về cơ bản giống với kiến trúc Phật giáo thời Trần. Các cột được liên kết với nhau bằng các vì kèo tạo thành bộ khung đỡ toàn bộ sức nặng của mái nhà. Trên cùng hai cột cái nối với nhau bằng một câu đầu lớn úp chụp từ trên xuống. Cột cái nối sang hai cột quân bằng các xà nách nhỏ. Trên các câu đầu và xà nách là các bộ phận liên kết con rường và đấu vuông thót đáy đỡ hoành. Càng lên cao, con rường càng ngắn lại do mái nhà thu lại. Rường cánh trên cùng, chân mộng được tạo như một chốt khóa vững chắc ăn sang bên kia thân cột được tạo hình đầu dư trang trí hình rồng. Các bộ khung được nối bằng các xà dọc (thường gồm hai xà song song là xà thượng và xà hạ), ngạch, dầm (nối các chân cột với nhau) tạo thành một thể thống nhất và ổn định. Vì kèo kiểu chồng rường phổ biến trong thời kỳ này (nguồn gốc vì chồng rường từ kiến trúc Trung Quốc được du nhập vào nước ta rất sớm) có độ bền vững và ổn định hơn loại vì kẻ chuyền của văn hóa bản địa. Tuy vậy, trong quá trình tiếp thu của từng thời kỳ, vì kèo chồng rường cũng có những biến đổi cho phù hợp với văn hóa bản địa mang những đặc trưng riêng của từng thời. Các vì chồng rường cuối Trần hai trụ đấu giữa của vì nóc được nâng cao tạo thành một khoảng trống cho các trang trí lá đề, thì sang thời Mạc, các trụ trên vì nóc ngắn, phía trong khoảng trống được bịt kín bằng “ván rốn nhện”. Các quầng sáng nhọn đầu chỉ còn là một đường khắc chìm chạy viền quanh tấm ván đó. Phía trong các đường viền không trang trí những hình rồng trang nghiêm nữa, mà có bố cục sinh động hơn với những hình hổ (chùa Bà Tấm), hình thú (chùa Cói).
Vì kèo chùa nói chung đơn giản do quy mô chùa thời này thường không lớn, gồm 4 hàng cột (2 cột cái ở giữa, hai cột quân hai bên), riêng chùa Cói có 6 hàng cột nhưng có thể hai hàng cột hiên được thêm vào ở thời kỳ sau. Kết cấu kiến trúc chùa Cói dựa trên 4 cột cái ở giữa, tạo thành 2 bộ vì giá chiêng đỡ mái. Bốn cột cái nối ra các cột quân và cột hiên bằng những cốn và xà nách tạo thành dạng kiến trúc một gian hai chái, 4 mái hình vuông. Bộ vì theo kiểu chồng rường, bẩy hiên nhưng tạo cho ngôi chùa có vẻ thoáng đãng hơn và nhẹ nhàng hơn so với thời Trần.
Mái nhà của các tòa thường là 4 mái, hai mái chính chạy dọc và hai mái phụ hai bên. Người ta đắp gờ diềm nổi cao giữa các mặt mái (giữa hai mái chính gọi là bờ nóc, và giữa mái chính và mái phụ gọi là bờ dải). Trang trí hai đầu bờ nóc là những con kìm được đắp cao dưới hình dạng đầu rồng. Góc đao được uốn cong bởi nhiều phiến đất nung mỏng được kê chốt chặt chẽ (khác với kiểu đầu đao lá mái của đình làng) nên bộ mái không có tính bay bổng nhiều. Đây có thể là sự bảo lưu lối cấu trúc cũ từ nguồn gốc phương Bắc, về sau mái đao chùa mới được thực sự uốn cong theo kỹ thuật truyền thống của mái đình.
+ Vật liệu và kỹ thuật xây dựng
Thời Mạc, vật liệu chủ yếu vẫn sử dụng vật liệu gỗ, gạch, đất nung và đá trong xây dựng tháp và chùa. Các công trình truyền thống thường sử dụng vật liệu gỗ (gỗ lim, gỗ đinh, gụ, táu)… cho hệ thống kết cấu khung cột, hệ thống cửa, rui hoành… Ðá thường được sử dụng là đá nguyên khối từ đá ong, đá sa thạch, đá xanh… sử dụng trong nền, bậc cấp, chân tảng.
Một số vật liệu đất nung hiện còn từ thời Mạc không thể không kể đến là các dạng gạch vồ trang trí hình con thú, lá cây độc đáo cỡ 39 x 16 cm, gạch trang trí chữ vạn 40 x 20 cm.
Trên đỉnh nóc là ngói cong máng úp thường gọi là ngói bò. Ngói mũi hài (phía trên mỏng, phía dưới dày nhô lên hình mũi hài) dày và lớn được tìm thấy ở chùa Mui, chùa Trăm Gian với kích thước thường thấy là 32 x 22 x 3cm, mũi ngói cong cao 6,7cm được sử dụng để lợp mái. Các viên ngói có gờ nổi cao để bám chắc vào hệ thống rui mè của sườn nhà. Cuối dốc mái là hàng ngói giọt gianh mũi thẳng rộng 25 cm, dài 40 cm.
Kỹ thuật xây dựng thời Mạc kế thừa từ những thời kỳ trước đặc biệt là thời Trần thể hiện qua giải pháp xây dựng. Chùa chữ “công” phát triển từ hai ngôi chùa chữ “đinh”, thành hai gian chữ nhất nối với nhau bằng ống muống. Bộ vì kèo gỗ theo kiểu chồng rường và bẩy hiên tạo cho công trình có dáng dấp bề thế nhưng thanh thoát hơn.
Những thợ đá tài hoa của một thời Lý Trần đã bị giặc Minh tàn sát và bắt bớ khiến nghề đá dưới thời Lê Sơ và thời Mạc không thể phục hồi. Dường như nghề đục đá phải bắt đầu mới hoàn toàn với một thế hệ nghệ nhân mới. Thời này ta không bắt gặp các kiệt tác bằng đá xanh như thời Lý Trần. Tuy nhiên, bên cạnh đó, nghề chạm khắc gỗ thời Mạc vẫn tiếp thu được những đường nét tinh xảo thời trước, các kỹ thuật chạm thủng chạm bong được phát triển hoàn hảo. Bí quyết làm cho các kiến trúc gỗ bền vững, hệ khung cân bằng ổn định, bên cạnh việc chọn vật liệu (gỗ to, gỗ tốt, đá cứng hay gạch nung già) hay sự tính toán hợp lý của người xưa về cả hình học, vật lý, cả về mỹ thuật và kỹ thuật thi công xây dựng đã được kế thừa và áp dụng.
+ Trang trí, điêu khắc
– Tuy những bức chạm đẹp có giá trị về trang trí điêu khắc thời Lê Sơ không có mặt trong các công trình Phật giáo, nhưng bài viết cũng đề cập sơ qua để bạn đọc nắm được dòng chảy liên tục của nghệ thuật mỹ thuật nước nhà. Đầu thời kỳ Lê Sơ, giai cấp phong kiến chưa bị ảnh hưởng của văn hóa phương Bắc nên hoa văn truyền thống được sử dụng nhiều. Những đường nét tinh tế, chắc khỏe từ thời Trần được kế thừa và đổi mới. Sự chắc khỏe trong hình khối và hình thái biểu hiện hoàn chỉnh của các mẫu hoa văn trang trí cũng như sự hài hòa trong bố cục.
Về sau, điêu khắc thời Lê Sơ sử dụng thủ pháp cân xứng, đăng đối, dường như ở mỗi tác phẩm đều dựa trên trục thần đạo. Hình rồng thời kỳ này về mọi thành tố thì cơ bản vẫn được kế thừa từ thời kỳ trước nhưng có những điểm khác biệt như mồm kiểu mõm thú, dài nhô ra trước, tư thế chính diện hay nghiêng thì hai con mắt vẫn tròn lồi, mũi sư tử, hình thức dữ tợn, chi tiết nghệ thuật không còn lãng mạn mà có tính chất cung đình chính thống, xa rời nghệ thuật dân gian. Hình tượng rồng mang những yếu tố của rồng Trung Hoa (mắt quỷ, miệng lang, sừng hươu, tai thú, trán lạc đà, mũi sư tử, thân rắn, vẩy chép, chân cá sấu, móng chim ưng…)
Loại hoa văn hình sóng nước cũng tương đối phổ biến trong nghệ thuật trang trí thời Lê Sơ (xuất hiện tại các diềm chân bia và bệ tượng). Nghệ thuật trang trí hình sóng mang tính tả thực, hoa văn sóng nước ngoài kiểu uốn lượn hình sin kế thừa thời Lý và Trần có đơn giản hóa trong chi tiết, thì xuất hiện thêm kiểu các ngọn sóng cung tròn đồng tâm nối tiếp nhau tạo thành nhiều lớp, ở chính giữa có hình sóng bạc đầu với những bọt hình hoa, đây là dạng hoa văn mang đậm tính ngoại lai (phổ biến trong nghệ thuật trang trí phương Bắc thời Minh). Hoa văn trang trí thời Lê Sơ khá phong phú, hình mây là sự phát triển của hình mây thời Lý sang thời Mạc và Lê Trung Hưng. Các trang trí hình mây trời thường gặp là những cụm mây xoắn ốc hai đầu, đè so le lên nhau hoặc quấn lấy nhau tạo thành lớp, ngoài ra mây kéo dài hình như ngọn lửa cũng thường gặp ở thời kỳ này. Ngoài ra, trang trí thời Lê Sơ còn có loại hoa văn hình sừng nhọn và u tròn chạm nổi trên bệ đá.
– Sang đến thời Mạc, mỹ thuật trở nên tương đối đa dạng, được thể hiện trên các chất liệu gỗ tinh tế, trên đá tả thực thô vụng, trên gốm điêu luyện phóng khoáng. Trong cách tạo tác, nghệ nhân không bị bó buộc vào quy luật cụ thể nào. Các bộ phận chạm khắc trên cùng một mảng chạm luôn đầy đủ chi tiết cả khi nhìn nghiêng và tỉ lệ không được chú ý nhiều.
Trong nội thất các công trình chùa thời Mạc, các nghệ nhân tận dụng mọi thành phần kiến trúc để trang trí làm đẹp thêm cho tác phẩm. Các đầu bẩy, đầu dư, cốn, lá gió… được biến thành những trang trí vô cùng đẹp mắt với các đề tài như rồng, phượng (chùa Trà Phương, gạch chùa Trăm gian), lân (bệ tượng chùa Ngo, gạch chùa Bối Khê) sóng nước, mây lửa, hoặc một số con vật như hổ (gạch chùa Sổ, chùa Trăm Gian), hươu (gạch chùa Trăm Gian), voi (gạch chùa Trăm Gian), ngựa (chùa Trăm gian, chùa Đậu, Bà Tấm). Các bức chạm về cảnh sinh hoạt của con người như cảnh dắt ngựa cho quan, cầu hiền, cưỡi hổ báo (chùa Cói). Các tượng gắn trên kiến trúc như nhạc sĩ và vũ nữ thiên thần được tạc trên các đòn tay nhô ra từ đấu ba chạc (chùa Đông – Hà Tây).
Đề tài trang trí liên quan đến lực lượng thiên nhiên (hoa cúc, mặt trời) được chạm giữa các bông hoa sen nở (bệ chùa Cập Nhất – Hưng Yên), hoặc mặt trời chạm riêng biệt, tỏa đao sáng hai bên (chùa Dâu – Bắc Ninh). Các cặp sừng nhọn đặt chéo nhau (tượng trưng cho linh vật) đi đôi với nhau tạo thành lưỡng nghi (âm dương) và các u tròn (tượng trưng cho sự giao kết của lưỡng nghi). Nền dưới các cặp sừng và u tròn thường thấy là loại cây thiên mệnh với những đường nét khúc khuỷu ấp ủ nguồn sinh khí. Tất cả hệ thống đó tạo nên một nguồn năng lượng vô biên làm nảy sinh cây trồng, muôn loài phát triển dưới sự bảo trợ của Phật và Bồ Tát. Lá và hoa sen cũng là một đề tài phổ biến mang tính tinh tế, thanh khiết, chiếc lá sen được chạm trên nền sóng nước, hoặc làm bệ đỡ cho các dạng hồi văn, đôi khi đỡ các cặp sừng và u tròn… Các đề tài vân xoắn (thể hiện cho tia chớp) chạm thủng, hoặc được xếp ken vào nhau, hoặc làm trung tâm mảng chạm, hoặc làm nền cho các linh thú thường đi cùng với các đao mác (tượng trưng cho tia sáng) được tìm thấy phổ biến trong chạm khắc kiến trúc đình chùa.
Rồng thời Mạc đẹp về hình thức và gần gũi về tinh thần giống như rồng thời Lý. Tuy nhiên, hình tượng con rồng đã thoát ra khỏi biểu tượng của vương quyền mà chỉ còn mang ý nghĩa quyền lực huyền bí. Tượng rồng chạm tròn có nhiều loại mang phong cách khác nhau, loại đầu mang phong cách thế kỷ 13, 14 nhưng chắc khỏe hơn, các cụm mây lớn và ít dày đặc, đôi khi chạm khắc rồng đưa chân lên vuốt râu, nhiều sóng cuộn dưới bụng. Loại thứ hai ảnh hưởng phong cách Lê Sơ thì phần mặt nhất là mồm đã được rút ngắn lại bớt dữ tợn hơn (chùa Cói), thân ngắn, mập, kèm trên thân là các đao mảnh chạm bong. Loại thứ ba là hình rồng kết hợp cả hai phong cách trên với mũi to, tai và sừng hai chạc, trán ngắn nhưng dáng khỏe chắc theo kiểu rồng Trần nhưng không có mào, được kết hợp với những mảng vân xoắn lớn (chùa Ngo, chùa Bối Khê). Còn một số hình rồng rải rác mang đầy tính dân gian như thân nhiều đoạn gẫy vuông góc (bệ tượng Quân Âm chùa Hạ – Vĩnh Phúc), nhiều bia với niên đại xác định cũng có những hình rồng khác nhau không ổn định phong cách chung, chỉ có một điểm chung là hay được chạm đi kèm với vân xoắn và đao nhọn điểm xuyết hoa văn chữ S, bộc lộ tư duy dân dã về sức mạnh thiên nhiên ẩn chứa trong hình dạng rồng.
Một vài đặc điểm khác biệt nhận thấy giữa thời Mạc so với thời kỳ trước là: trang trí thời Lý Trần gồm những đề tài đề cao Phật giáo hoặc thống nhất và mang ý nghĩa cụ thể nào đó. Thời Lê Sơ ảnh hưởng tạo hình của Trung Quốc chủ yếu tập trung vào các linh vật. Sang thời Mạc, bên cạnh các đề tài truyền thống có xuất hiện những mảng chạm mang những nét phản ánh đời thường và tính dân dã mạnh dần.
+ Bài trí tượng thờ
Một số tượng tròn nổi tiếng có niên đại tuyệt đối dưới thời kỳ này đã đóng góp một phần không nhỏ vào kho tàng mỹ thuật nước nhà. Tượng Phật Bà ngàn mắt ngàn tay, biểu tượng của lòng từ bi bác ái tại chùa Hạ, tượng Quan Âm Nam Hải ở chùa Cập Nhất năm 1582, các tượng Tứ Pháp… Các tượng thờ vẫn bộc lộ khuynh hướng tượng Phật chính thống mặc dù nhiều chi tiết đã được biến đổi mang tính dân gian. Phong cách tạc tượng thời kỳ này là sự nối tiếp của tượng tròn thời Lý, những biểu hiện quý tướng của Phật trong vẻ đẹp trầm tư, thân mình sang quý, nếp áo rủ mềm mại. Những điểm dễ nhận nhất của các tượng tròn thời kỳ này là thân ngắn vai xuôi, lưng tròn eo nhỏ. Nhiều pho tượng đẹp tạc bằng gỗ mít, gỗ hoàng tâm, đặc biệt là tượng Quan Âm hiện còn nguyên vẹn cho tới ngày nay với dáng vẻ trầm ngâm suy tư thế sự mà trong sáng, nhân hâu, truyền tải được sự từ bi trong từng nét điêu khắc. Tượng Quan Âm được mô tả trong tư thế ngồi thiền, đứng, trong hình dạng Quan Âm Thiên thủ thiên nhãn (hoặc dạng Việt hóa Phật mẫu Chuẩn đề).
Hệ thống tượng thời Mạc cũng đa dạng phong phú hơn các thời kỳ trước cho thấy sự phát triển nghệ thuật tạo hình và là sự minh chứng cho sự giao lưu của Phật giáo với các tôn giáo khác. Phật giáo được dân gian hóa thích ứng với yêu cầu của xã hội đương thời. Những tượng Phật theo quan niệm dân gian được thờ phổ biến trong các Phật điện. Ở thời Mạc, ghi nhận được trong điện thờ các dạng tượng Tam thế (chùa Nành, chùa Dâu, chùa Lệ Mật, chùa Trà Phương), tượng Quan Âm (chùa Cập Nhất, chùa Hội Hạ, chùa Thượng trưng, chùa Ngo, Bối Khê, Đa Tốn), Thích Ca cửu long. Bên cạnh đó có tượng Ngọc Hoàng (chùa Vua – Hà Nội, chùa Ngo), tượng Tứ pháp (tượng Pháp Lôi hiện đặt tại chùa Thái Lạc), thiên thần và nhạc công thiên thần, tượng diêm vương… Các hình tượng vua, công chúa dưới hình thức Phật tử. Có thể kể đến tượng Mạc Đăng Dung được tạo tác mang dáng dấp giống với tượng Ngọc Hoàng, phù điêu Nguyễn Thị Ngọc Toàn, vợ Mạc Đăng Dung sử dụng chất liệu đá vôi tại chùa Trà Phương – Hải Phòng.
– Kết luận phần 3
Trong vòng hai mươi năm đầu, mỹ thuật thời Lê Sơ với phong cách phóng khoáng, ngôn ngữ tạo hình trong sáng, là tiền đề nối nguồn mỹ cảm dân gian thời Trần đến những thế kỷ sau. Một điều đáng tiếc trong thời kỳ này, tuy là thời kỳ mở đầu cho nghệ thuật dân gian phát triển lại không có đóng góp của kiến trúc Phật giáo do sự bảo thủ của hệ tư tưởng phong kiến. Về sau, dưới ảnh hưởng của nghệ thuật phương Bắc, tính dân tộc trong kiến trúc thời gian đó bị mờ nhạt, nghệ thuật cung đình phát triển với những cách biệt và ưu thế rõ rệt. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng này không kéo dài lâu, về cơ bản, ý thức dân tộc vẫn chi phối tư tưởng xã hội. Tinh thần yêu nước, ý chí độc lập đã là nguồn sức mạnh nuôi dưỡng nền văn hóa mang tính dân tộc, thoát khỏi những tác động ngoại lai do Nho giáo đem lại.
Kiến trúc thời Mạc ngoài những nét kế thừa của nền mỹ thuật và kiến trúc thời Lý Trần, đồng thời còn mang đậm những nét riêng biệt của thời Lê Sơ, thời Mạc còn tạo nên một sự đổi khác trong mỹ thuật, đánh dấu bước chuyển tiếp từ nghệ thuật chính thống sang nền mỹ thuật dân dã. Mỹ thuật Mạc vô cùng đa dạng vì thế, xen lẫn những hoa văn cao quý là những họa tiết giản đơn, xen lẫn sự trang nghiêm là nét phóng túng… Thời Mạc, chỉ một giai đoạn ngắn trong lịch sử đã có những tác động đến phương diện kiến trúc nói chung và kiến trúc Phật giáo nói riêng. Nền nghệ thuật dân gian được dịp trỗi dậy mạnh mẽ, các chùa làng được xây dựng và tu bổ nhiều góp phần tạo nên một nền mỹ thuật có giá trị thẩm mỹ cao. Khác với thời Lê Sơ, nghệ thuật hướng ngoại và bế tắc, thời kỳ này đã đưa nghệ thuật dân tộc trở về với vị thế của mình. Điều này, một lần nữa minh chứng cho truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc, cho dù bị tàn phá, bị lai căng, bị thể chế chi phối… vẫn luôn hướng đến Chân Thiện Mỹ mang sắc thái riêng mình.
[box type=”shadow” align=”” class=”” width=””]
Tài liệu tham khảo:
Lê Mạnh Thát. Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam tập 1 (1999), tập 2 (2001), tập 3 (2002), NXB Tp. HCM
Trần Lâm Biền. Chùa Việt. NXB VH-TT 1996
Nguyễn Ðăng Duy. Văn hoá tâm linh. NXB VH-TT 2001
Nguyễn Ðức Nùng và các tác giả. Mỹ thuật thời Lê Sơ. NXB VH năm 1979
Nguyễn Tiến Cảnh, Nguyễn Du Chi, Trần Lâm, Nguyễn Bá Vân. Mỹ thuật thời Mạc. Viện Mỹ thuật năm 1993 [/box]
[Tập san Pháp Luân số 16]