Nói một cách đơn giản, quán niệm là điều cần thiết ta làm hàng ngày để có nhận thức đúng đắn về những sự việc xảy ra. Đó là sự suy gẫm tường tận và thấu đáo vấn đề. Khi đã hiểu rõ hoàn cảnh nảy sinh và những khía cạnh thường là phức tạp của sự việc, chúng ta sẽ không HIỂU LẦM và từ đó tránh được cho mình sự phiền muộn, sân hận kể cả phản ứng hay manh động không hợp lẽ nữa.
Lấy một ví dụ quen thuộc như khi tôi biết được có người nói điều mình thấy “khó nghe”. Chẳng hạn như câu bình phẩm “Ông Thầy Từ L., người gì đã ốm yếu mà lại vô duyên nữa!” Nghe vậy, ai mà chẳng thấy nóng mặt, nóng cả người. Nếu không tu tập, quán chiếu thì đã phản ứng TỨC THỜI! (tôi cũng không biết sẽ làm gì được “đối phương” khi thân hình mình chỉ vỏn vẹn có 98 pounds!)
Đây là lúc cần phát khởi chánh niệm, coi thử “nhận xét” trên hư thực ra sao, đúng sai ở điểm nào. Thật ra, câu nói trên có phần đúng. Đó là trọng lượng quá khiêm tốn của tôi. Còn nếu nói mình vô duyên, tôi thấy cần tự xét lại mình trước khi có thể cho rằng người nói CHƯA HIỂU tôi cho lắm nên vui miệng mà bình phẩm. Hiểu như thế, tôi tự dập tắt được sự phiền muộn có thể đã chớm trong lòng. Bởi vì, xét kỹ tôi không giấu điều tự hào về sở trường của mình, vừa có thể hát cải lương, môn nghệ thuật được ưa chuộng của đồng bào trong Nam, lại vừa tụng kinh theo giọng của quê nhà xứ Huế. Chỉ cần điểm đó thôi là tôi thấy mình có duyên lắm rồi! Nghĩa là mình có được lợi khí dễ dàng làm quen với đám đông, với những người y bạn mới.
Như thế, nói chung, trong tinh thần quán niệm được phát huy, mọi sự việc xảy ra đều là những tác nhân giúp ta suy gẫm để hoàn thiện, không nên để chúng là duyên cớ khiến ta phiền muộn hay giận hờn. Từ đó, tôi mạn phép để đưa ra kết luận rằng: duy trì quán niệm thường xuyên trong cuộc sống là điều kiện đem lại an tĩnh cho tâm hồn.
Trở lại môi trường thực tế mà những người Huynh trưởng như quý Anh Chị dấn thân phục vụ cho lý tưởng và theo tâm nguyện, những nghịch duyên đã dẫn đến bất đồng hay mâu thuẫn xuất phát trong hoàn cảnh khác nhau là điều khó mà tránh khỏi. Vấn đề cần làm là chúng ta quán chiếu sự việc ra sao để duy trì được nhận thức và hành động giữ vững tình huynh đệ trong tổ chức, trước nhất là không góp phần vào việc tạo thêm chướng duyên hay tạo cơ hội cho nghịch duyên phát triển.
Tiến trình giải quyết có thể rất khó khăn và đòi hỏi ý thức cống hiến cao độ cho lý tưởng của mỗi người. Trong phạm vi cuộc thảo luận, tôi chỉ mạo muội chia sẻ cùng quý Anh Chị hai điều dưới đây mà thú thật, tôi xem như lời cầu nguyện hàng ngày như thể tôi cầu nguyện cho chính mình gặp được thuận duyên để thực hiện trọn vẹn hạnh nguyện xuất gia.
I. HÃY THỂ HIỆN NHIỀU THƯƠNG YÊU
Khi lặp lại yêu cầu quen thuộc này, tối muốn xin quý Anh Chị hãy suy gẫm thêm về mối tình cảm tương thân ràng buộc giữa những người cùng chung một màu áo, một lý tưởng điển hình là hơn một trăm Huynh trưởng cùng hiện diện nơi đây để thấy sự cần thiết phải tô bồi thường xuyên tình cảm thiết thân này. Hiển nhiên là, như quý Anh Chị đều rõ, tình cảm liên đới và hỗ tương giữa những người cùng chung tổ chức là sức mạnh để tổ chức được tồn tại. Tình cảm này được khuyến khích, vun bồi sẽ là sinh khí và nhuệ khí cho tổ chức thăng tiến, phát triển.
Trên thực tế, thú thực, do nhiều nguyên nhân hay hoàn cảnh, trong nhiều trường hợp chúng ta chưa thể hiện được đầy đủ tình thương yêu như mong muốn chung hay như đòi hỏi của tổ chức chưa kể có lời nói, thái độ hay hành động không phù hợp với mục đích phát huy tình thương trên. Nay, trong tinh thần quán niệm được khuyến khích, chúng ta có cơ hội nhìn lại và nhìn rõ hơn sự việc trong đó có những điều chúng ta đã nghĩ, đã làm để nhận ra rằng chỉ có sự phát huy tình thương yêu mới đem lại an tĩnh cho tâm mình, đem lại an lạc cho người và sự tăng trưởng của tập thể. Trong niềm tin tưởng đó, giờ đây, xin quý Anh Chị cùng nhất tâm nghe lời QUÁN NGUYỆN VỀ đức bồ tát Quán thế Âm (đọc lời quán nguyện sau ba tiếng chuông).
Trong tinh thần quán niệm, chúng ta thấy được chân tướng của sự việc đồng thời hiểu rõ thêm tâm hồn những người quanh ta, thông cảm được hoàn cảnh của mỗi người cũng như khả năng mỗi người khi ứng phó. Sinh hoạt với miền Thiện Minh, tôi có cơ hội lưu tâm đến hoàn cảnh cá nhân Huynh trưởng, thường cầu nguyện cho chị Đồng Nguyệt, cho anh Đường Hào, cho các Huynh trưởng của Chánh Đức và Chánh Hòa… Quả thật, quý Anh Chị công việc bộn bề, nào là việc nhà, việc hai bên nội ngoại, có người còn lo toan việc làng, việc xóm nữa. Nghĩ lại, đôi lần, mình vẫn còn cảm thấy buồn bực ít nhiều khi quý Anh Chị vì lý do riêng không đáp ứng lời yêu cầu giúp đỡ của tôi (như quên mua cà-rem cho tôi chẳng hạn.) Công phu hai buổi, ngồi thiền mỗi sáng để nhiếp tâm, đã giúp tôi khiến sự phiền muộn chỉ thoảng qua trong lòng. Thú thực, công phu tu tập ấy chưa đủ khả năng khiến tâm an nhiên trước những điều không được như ý.
Có lần, tôi bùi ngùi khi nghe một anh Huynh trưởng, tuổi đời trên sáu mươi, tuổi đoàn gần bốn mươi năm, tâm sự: “Thầy ơi, chẳng lẽ, suốt một đời sinh hoạt với châm ngôn Bi Trí Dũng, mà gần cuối đời lại có kết quả: vợ không hiểu, con không thương, còn mình thì không đủ can đảm và quyết tâm để dẹp bớt bản ngã, tự ái cá nhân. Con phải làm gì cho đúng, thưa Thầy.” Tôi thấy anh đã thốt lên trong lúc bi quan nhưng tôi cũng hiểu rằng công phu tu tập trong đó có sự quán chiếu bản thân phải là việc làm thường xuyên và kiên trì của người Huynh trưởng và cần được thể nhập trong đời sống hàng ngày chứ không phải chỉ trong thời gian tu tập.
II. HÃY THÊM PHẦN ĐOÀN KẾT
Đoàn kết là hệ quả tất yếu khi tình tương thân tương ái trong tổ chức chúng ta được xiển dương và cần được xem như yếu tố tạo nên sức mạnh và thống nhất của tập thể. Câu chuyện ngụ ngôn về bó đũa bị tách rời thì chúng ta đã nghe cả và đã có ít nhiều kinh nghiệm. Với mục đích phát huy tinh thần đoàn kết, tôi xin đưa ra đề nghị gồm ba điểm sau như một đóng góp thiết thực trong cuộc hội thảo.
Một là, cần củng cố và kiện toàn tổ chức hiện tại mà những khó khăn trong giai đoạn qua đã ảnh hưởng hay tác động bất lợi đến hoạt động hay kế hoạch, dự án. Mục đích, nội dung và ý nghĩa của công việc trên không xa rời châm ngôn lấy từ đôi câu Cùng ngồi xuống, thọ trì giới pháp, chăm sóc thân tâm, vui tình đạo Hãy đứng lên, xây dựng nhà lam, báo đền ơn Phật, vẹn nghĩa đời. Hai là, hãy tiếp tục TÌM KIẾM và MỞ RỘNG những cơ hội liên lạc hay gặp gỡ với các đoàn thể anh em mà vì lý do riêng nay hoạt động biệt lập. Đây là hoàn cảnh thuận lợi và là cơ hội tốt để chúng ta tiến gần nhau hơn trong tinh thần cảm thông, hiểu biết và thân hữu. Nỗ lực trên trở nên hết sức cần thiết cho việc đem lại sự ổn định trước mắt cho tổ chức nếu chúng ta xem đây là những cơ hội ngăn chặn sự nẩy nở thêm những nghịch duyên, đào sâu những bất đồng hay bồi đắp thêm thành kiến. Chúng ta vui mừng khi thấy trong thời gian qua đã có cuộc gặp gỡ và sinh hoạt ngoài trời (picnic) tại Stockton, miền Bắc California quy tụ các đơn vị GĐPT trong vùng. Tại miền Nam California cũng có chín đơn vị GĐPT xum họp trong một trại họp bạn tại công viên. Sự việc trên tuy lẻ tẻ nhưng là dấu hiệu đáng mừng của một nỗ lực lâu dài nhằm thúc đẩy sự thông cảm và hiểu biết lẫn nhau. Và, vì chúng ta đều hiểu rằng chính sự đồng thuận trong lòng người mới là nền tảng vững bền của sự hợp nhất.
Sau cùng, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng ta vẫn giữ vững tinh thần lạc quan và tin tưởng vào tương lai, vào vận hội mới của tổ chức. Sự lạc quan, tự tin sẽ giúp chúng ta sức mạnh tinh thần cần thiết để hành động, để vượt qua nghịch cảnh và thử thách.
CÓ THỰC SỰ thương yêu và THÀNH TÂM đoàn kết, chúng ta sẽ tìm được an lạc trong tâm hồn, phúc lợi cho tập thể và trường tồn cho tổ chức.
KẾT LUẬN
Từ ngàn xưa, Khổng giáo đã đề ra tiến trình cần thiết cho công cuộc bình trị bằng việc lấy việc rèn luyện bản thân làm căn bản: tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Giáo lý nhà Phật cũng chỉ rõ cái gốc của mọi sự việc: tâm dẫn đầu mọi pháp. Chúng ta cần quán chiếu sự việc từ tâm mình để nhận chân hình tướng và mối tương quan nhân quả của chúng hầu tránh được những suy nghĩ, thái độ hay hành động không hợp lẽ. Được thế, tâm ta an lạc, trí ta thảnh thơi, nghịch duyên dần hóa giải.
Thưa quý Anh Chị,
Đề tài thì bao quát mà xét lại mình, tài hèn đức bạc, những điều vừa trình bày chưa đáp ứng được những băn khoăn hay thao thức bấy lâu của quý Anh Chị.
Lẽ đó, tôi xin giới thiệu quý Anh Chị tập tài liệu hữu ích và súc tích của cố Hòa Thượng Thiện Hoa, người từng giữ trọng trách Trưởng Ban Hướng Dẫn Trung Ương Gia Đình Phật Tử Việt Nam, tác phẩm “Tu Tâm Dưỡng Tánh”. May mắn thay, công việc tu tập bản thân chúng ta nay vẫn còn được bậc Tôn Sư đã khuất để mắt, theo dõi và chỉ giáo.
Cầu Phật gia hộ anh Trưởng Ban cùng quý Anh Chị Huynh Trưởng nhiều an vui và đạt được thành quả trong khóa Hội thảo này.
Nam mô Thường Hoan hỷ Bồ tát Ma ha tát.
Thích Từ Lực
(trích Tài liệu khóa Hội thảo Huynh trưởng GĐPT Việt Nam tại Hoa Kỳ vào ngày 19 & 20.9.2009 tại Trung tâm Tu học và Huấn luyện Thích Quảng Đức ờ San Bernadino, miền Nam California)