Năm tháng dễ trôi qua, lòng người dễ thay đổi, muốn cho sự nghiệp lâu dài bền vững, người chung đoàn thể tất nhiên phải khéo dùng phương tiện để khuyên răn nhắc nhủ lẫn nhau. Ôn lại lịch trình dĩ vãng, vạch thêm kế hoạch tương lai, là nhiệm vụ tối cần cho một cơ quan lãnh đạo. Hy cầu vận mệnh Hội miên trường, hạnh nguyện hội viên tăng trưởng, nên lễ kỷ niệm Thành lập phải được tổ chức hằng năm và tổ chức long trọng.
Chúng ta nay nhân khiết tịnh tâm tư để đón rước lễ Đản sanh đức Giáo chủ mà liên tưởng đến ngày thành lập Tổng hội Phật Giáo Việt Nam: ngày mồng tám tháng tư Tân mão.
Giữa đất thần kinh Thuận hóa, quanh chùa lịch sử Từ Đàm, trong vòng khói lửa chiến tranh mà lộ thấy những nghi vệ thái bình, nghiêm nhiên xuất hiện. Quang cảnh tưng bừng náo nhiệt làm cho khách bàng quan trông thấy phải hàng tâm. Có ai ngờ đâu! dưới chân nền Đạo Từ Bi đã sẵn có những tiềm lực vô cùng mạnh mẽ. Đó là cuộc đón rước 51 vị Tăng già Cư sĩ, Đại biểu sáu Tập đoàn Phật giáo Bắc, Trung, Nam, vân tập để chung lo xây dựng nền thống nhất.
Quay quần dưới ánh từ quang, còn đáng kể hàng triệu tín đồ từ bốn phương xa đổ đến. Lớp trước lớp sau nối gót trùng trùng điệp điệp, hình thành trăm ngàn đợt sóng giữa một biển người áo lam. Ai nấy đều một dạ hân hoan, trên nét mặt thuần thành, biểu lộ một niềm tin tưởng thiết tha đầm ấm, tin tưởng vào sự thành công của Hội nghị.
Con nhà Phật có một sự đồng tâm nhất trí lẹ làng như thế, cũng chẳng lạ gì! Trải 80 năm ly biệt bởi mưu mô chia rẽ của thực dân, đức nghiệp Hoằng Dương mãi gặp lũ đê hèn làm chướng ngại, khiến giáo đồ lạc lối đi xa lần bản sắc của Đạo Chơn Thường. Thiếu Tăng tài để cảm hóa nhơn quần, do đó mà phong hóa nước nhà càng trụy lạc. Ai là người có mắt đạt quang đều công nhận phương thuốc cứu đời thần hiệu nhất là đạo đức thuần túy. Đang cơn đại chúng ôm lòng phân phỉ mà được nghe lời khải phát của Bề Trên, khác nào đại hạn gặp mưa, vui mừng vô hạn. Lòng tin tưởng của tín đồ toàn quốc phát nguyên từ đó. Lại thêm những nguyên nhân tăng thượng lược kể dưới đây càng làm cho họ kiên cố lòng tin hơn nữa:
a) Lời hiệu triệu do tâm thanh tịnh của chư Tôn Hòa Thượng phát ra đã được toàn diện giáo đồ hưởng ứng. Hưởng ứng gồm có nghĩa hộ trì, thì kết quả quyết nhiên mỹ mãn.
b) Bản quyết nghị của toàn thể Đại biểu đã nêu cao tinh thần hòa hiệp của Phật tử toàn quốc với câu: «Xóa bỏ bản vị các tập đoàn để thành lập một Tổng hội lấy danh hiệu là Hội Phật Giáo Việt Nam». Vấn đề căn bản của mọi hoạt động là Ý Chí đã được thống nhất ngay từ bước đầu tiên. Quảng đầu đã khai thông, thì trên đường đi đến thành công Phật tử có rất nhiều hy vọng.
c) Trước bàn thờ Phật Tổ, 51 vị đại biểu và các yếu nhơn phát động phong trào, đã long trọng làm lễ phát nguyện: «Nguyện thống nhất lực lượng, ý chí và hành động của Phật tử Việt Nam, hướng dẫn Phật tử Việt Nam đi đúng với Chơn Tinh thần Phật pháp». Lời thệ nguyện tha thiết ấy rung cảm cả mười phương và có một giá trị thiêng liêng không ai phá hoại được, đủ bảo đảm cho vận mệnh Tổng Hội đang trưởng thành.
Thiên thời, địa lợi, nhơn hòa, ba yếu tố tối cần đề sáng nghiệp đều đã chuyển thành thuận duyên. Khó hơn hết là nhơn hòa; nhưng tín tâm đồng nhất của đại chúng mà thấy phát khởi một cách dễ dàng như thế thì thật là hy hữu.
Thiết tưởng ai là người tham gia phát động phong trào, ai là người có hoài bão truyền giáo hãy nên khấp khởi mừng thầm mà cũng nên nơm nớp lo sợ. Sợ ở chỗ quần chúng có tin tưởng tất có trông chờ, có trông chờ tất có dò xét. Nhà Nho nói: «nhơn cả thị kỷ như kiến kỳ phế can». Người nhìn ta như soi thấu phổi gan. – Một câu cảnh sách nghiêm minh, rất lợi ích cho người tu tâm đức. Theo đó mà suy, thì hành vi tư tưởng của những người tự mệnh là bậc đàn anh, luôn luôn được kiểm điểm do nhãn quan quần chúng. Vậy nên các bậc chơn tu, trên đường hành đạo, lúc nào cũng tự thấy như kẻ mé vực sâu, giày len giá mỏng. Nhờ đức khiêm cung ấy mà tránh khỏi ngộ dụng thông minh, lạc vào tà kiến mà khỏi cô phụ lòng tin của Phật tử.
Từ ngày bản Tuyên ngôn thành lập Tổng hội ban bố đến nay, thấm thoát đã sáu năm qua, đã đến tuần làm lễ kỷ niệm Đệ lục chu niên rồi vậy. Kiểm điểm lại, bước tiến của Tổng Hội rất là chậm chạp, một phần lớn vì đối ngoại gặp nhiều trở duyên. Chánh phủ Nguyễn văn Tâm kém lượng khoan hồng đối với Tôn giáo, kém phần nhận xét ảnh hưởng của Đạo Phật trên nền đức dục quốc dân, đã tỏ ra thái độ thờ ơ đối với chúng ta, nên ban Quản trị Trung ương lâm thời lận đận bốn năm ròng mới nhận được chữ ký duyệt điều lệ. Trong thời gian ấy đối nội có chỉnh đốn được nhiều việc khả quan như thành lập giáo hội Tăng già toàn quốc, tổ chức các bạn hoằng pháp lưu động, chỉnh lý nội bộ Tăng già vv… Đội ngoại, vị pháp lý chưa được công khai, hoạt động khó khăn nên kết quả chưa có gì đáng kể.
Kế đến ban Quản trị Trung ương chính thức được bầu lên thay thế thì liền gặp cảnh thương tâm: Thời cục đã cắt xén hết của chúng ta một phần năm lực lượng. Hai tập đoàn Bắc Việt di cư vào Nam vừa Tăng già vừa Cư sĩ không đầy bốn vạn, quán xá chưa yên nên phần góp công xây dựng thấy cũng nhọc nhằn; nhưng các bạn vẫn thường hoan hỷ cho là một thử thách trên đường tu học, bình tĩnh để lướt qua.
Bốn tập đoàn Trung Nam đều đang thời hưng vượng, số hội viên gia nhập ngày nhót thêm đông, đường tu học ngày càng tiến ích. Nhiều Phật sự lớn lao được tiếp tục như việc Xây Chùa Xá Lợi (Nam phần), lập Phật học Viện Nha trang, mở đại giới đàn Hải đức (Trung phần) do các tập đoàn đứng ra tổ chức nhưng đều nhân danh Tổng hội Phật Giáo Việt Nam. Vẫn biết các tập đoàn hoạt động với hạnh nguyện hồi hướng công đức nhưng quyền điều động chưa trực tiếp thì hành động Phật tử chưa thống nhất. Thành tích chia sẻ vì lực lượng chưa thống nhất: cái tình trạng chưa thống nhất ấy không thể kéo dài hơn nữa.
Nay nhơn ngày Tết năm 2501 đã đến, toàn thể Phật tử cung chúc sáu tập đoàn sáng lập hội viên «trí tuệ sáng suốt» để ủng hộ Tổng Hội thực hiện nhanh chóng những lời thề nguyện năm xưa trước đài quang minh Chư Phật. Cơ duyên đã tới, tưởng nên bội bước tiến lên cho kịp trào lưu Thế giới.
Hiện thời Phật tử năm châu đang nỗ lực vận động hợp thành một khối để thừa đương sự nghiệp của đức Thế Tôn, lẽ nào chúng ta lại trù trừ mà bỏ giở công trình sáng kiến.
Phật Giáo Việt Nam có một lịch sử mười mấy thế kỷ, trưởng thành ngang hàng với Trung hoa, Nhật Bản, Miến điện, Tích Lan, và nhiều nước bạn khác. Tăng già lỗi lạc nổi tiếng để lại biết bao thành tích vẻ vang, chúng ta nên lo liệu làm sao mà kế chi; không thể tự cam lạc hậu, ngồi nhìn láng giềng, nơi này mở hội quy mô vĩ đại để kết tập thánh điển, nơi khác lập Đại học Đường đào tạo Tăng tài cao đẳng để truyền giáo; nước nọ phiên dịch Phật điển ra nhiều thứ tiếng để truyền đạo khắp tây phương; nước kia triển lãm văn hóa Phật Giáo để lôi cuốn hàng thượng lưu tri thức hoàn cầu. Trong khi ấy chúng ta làm gì? Nghi lễ. Tiến tới bước nữa, cũng lại là phóng đại nghi lễ.
Tại sao chúng ta tự hạn cuộc trong phạm vi ấy? Vì lực lượng chưa thống nhất thì chưa đủ phương tiện làm việc to tát hơn. Vì cơ quan chỉ đạo chưa đủ thực quyền thì công việc làm không có kế hoạch duy nhất, hư phí công phu của nhiều, mà thâu kết quả ít.
Bước qua năm mới (2501), ước mong các tập đoàn sáng lập xóa bỏ bản vị để quy tụ nhân tài tham gia công việc thi hành chương trình thống nhất của Tổng hội một cách tích cực hơn.
Toàn thể Phật tử sẵn sàng đứng sau lưng các cấp Trị sư để làm hậu thuẫn và góp nguyện lực cầu ơn Tam Bảo gia bị cho Phật Giáo Việt Nam chúng ta sớm thấy tiền đồ Quang Minh Chánh Đại.
Chơn An (1893 -1980), Cư sĩ, Bồ tát giới, tên thật Lê Văn Định, tự Nguyên Tịnh, hiệu Vĩnh Xuyên. Năm 1944, ông là Tuần vũ tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1930-1940, có nhiều sự việc xảy ra làm thay đổi quan niệm sống của ông, nhờ nhiều nhân duyên, ông quay đầu về Phật pháp. Năm 1945, Cư sĩ về hưu đến năm 1948, ông được mời làm Chánh hội trưởng hội Việt Nam Phật học ở Trung phần. Năm 1950, Cư sĩ được Giáo hội mời đứng ra tục bản báo Viên Âm và làm chủ nhiệm báo, đồng thời ông làm Hội trưởng Tổng hội Phật giáo Trung phần. Năm 1951, Cư sĩ thôi làm Hội trưởng Tổng Trị sự Hội Việt Nam Phật học Trung phần, năm đó lại được bầu làm Phó Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam. Cuối mùa hè năm 1955, Cư sĩ vào Sài gòn tham dự Đại hội kỳ II của Tổng Hội Phật giáo Việt Nam tại chùa Phước Hòa. Đại hội đã tái bầu Hòa thượng Tịnh Khiết làm Hội chủ, Hòa thượng Huệ Quang và Cư sĩ Chơn An làm Phó hội chủ, Cư sĩ Mai Thọ Truyền làm Tổng thư ký. Năm 1958, Cư sĩ ra Nha Trang thọ Bồ-tát giới tại Đại giới đàn Hải Đức do Đại lão Hòa thượng Giác Nhiên làm Đàn đầu. Cũng vào cuối năm 1958, Cư sĩ Chơn An xin từ chức Phó hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam. Cư sĩ Chánh trí Mai Thọ Truyền thay thế ở chức vụ này. Cuối năm 1962, Cư sĩ Chơn An dọn nhà vào Sài gòn. Từ đây, hằng ngày chỉ vui với con cháu, lo vun tưới vài cây cảnh ở mảnh vườn trước nhà. Cư sĩ cũng hay họp mặt với các bạn đạo đàm luận về giáo lý, xướng họa thơ văn.