“Nếu không đập vỡ mình ra,
các bạn sẽ không biết được mình là cái gì đâu.”
Hầu hết con người trên trái đất này, hoặc âm thầm hoặc công khai, đều tự khẳng định tồn tại của bản thân mình là thực hữu. Chỉ có Đức Phật và những ai thấy-biết như Ngài mới thấy rằng con người không phải “thực-hữu”, mà cũng không phải “không-thực-hữu”.
Sự thật này đã được đức Phật công bố trong cả hai hệ Thánh Điển Pāli & Sanskrit, và đã được rất nhiều luận sư Phật giáo triển khai trong Luận Tạng. Thế nhưng, phần lớn chúng ta đều cố tình tránh né sự thật này. Chúng ta muốn khẳng định có một cái Tôi đang sở hữu Phật Pháp, có một cái Tôi đang hưởng thụ phước báo, có một cái Tôi đang tiếp tục tích luỹ phước báo, có một cái Tôi đang nỗ lực trở thành thanh tịnh, có một cái Tôi đang hướng đến giải thoát, có một cái Tôi muốn đắc quả A-la-hán, có một cái Tôi đang thực hành Bồ-tát đạo, có một cái Tôi muốn cứu độ chúng sinh, v.v.
ĐỨC PHẬT KHÔNG CHIỀU LÒNG NGƯỜI—cả người theo Ngài lẫn người không theo Ngài. Khi Ngài còn tại thế, có ngoại đạo đã gọi Ngài là “kẻ-huỷ-diệt-sự sống” (bhūnahuno; life-destroyer); rồi ngay trong Tăng-già đã xuất hiện một phản đồ, đố kỵ và mống tâm hãm hại Ngài; rồi cũng chính trong Tăng-già, khi nghe tin Ngài nhập diệt, có người đã nhảy múa mừng reo: “từ nay sẽ không còn ai bắt ta phải làm cái này, bắt ta không được làm cái kia”; v.v.
Tại sao những hiện tượng như thế lại có thể xảy ra? Chỉ có duy nhất một nguyên nhân: Đức Phật đã “đụng” đến cái mà con người trân quý nhất—cái Tôi. Nếu may mắn nhận ra được điều này, chúng ta sẽ phải thừa nhận một sự thật: không phải chỉ có một mình Đề-bà Đạt-đa và những người như ông ta, mà kể cả chúng ta, chưa chắc đã thực sự tin tưởng Ngài như chúng ta nghĩ.
Ở đây, có thể nêu lên một câu hỏi: Nếu không tin tưởng Ngài thì chúng ta tu học Phật Pháp để làm gì? Chúng ta mượn Phật Pháp để khuếch trương cái Tôi của chúng ta. Chúng ta không cần phải trích dẫn kinh điển để bào chữa cho điều này. Bởi vì làm thế chỉ càng lộ rõ hơn các “mánh khoé” rất người của chúng ta mà thôi. Có phải chúng ta sẽ chỉ trích dẫn những đoạn kinh, những bài kinh nào đức Phật tán dương các phẩm tính tốt đẹp của một con người đang trên đường tu tập? Và chúng ta sẽ tảng lờ những lời dạy nào của Ngài muốn giúp chúng ta đập vỡ cái Tôi của mình? Hoặc tệ hại hơn, chúng ta sẽ tạo một cái khung mang tên “Phi-Phật-Thuyết” và sẵn sàng “quẳng” vào đó tất cả những gì đụng đến cái-Tôi, hay cái-của-Tôi của chúng ta?
Khi đức Phật giảng giải cho các tỳ-kheo về vòng tái sinh, có vị đã hỏi Ngài, đại ý rằng “vì sao con người hiện hữu”. Và Ngài đã điều chỉnh cái nhìn của vị đó bằng cách chỉ ra rằng “không có người nào (pudgala; person) hiện hữu cả; mà chỉ có sự “hiện hữu” sinh khởi dựa vào sự “chấp thủ” trước đó làm duyên; và cũng không có người nào chấp thủ cả, mà chỉ có sự “chấp thủ” sinh khởi dựa vào sự “tham ái” trước đó làm duyên; v.v.
Có khi Ngài lại khuyên các vị tỳ-kheo hãy chuyên tâm thiền định; vì chỉ có thiền định mới giúp mình biết được mình là ai, là cái gì; và từ đó mới biết được khổ-não-sầu-bi xuất phát từ đâu.
Có khi Ngài lại giải thích vì sao Ngài lại tự gọi mình là “kẻ sống không nhà”: Khi các Thức của chúng ta không đeo bám sắc thân, không đeo bám các cảm thọ, không đeo bám các ý tưởng, không đeo bám các trạng thái tâm, thì đó chính là lúc chúng ta đã “xuất gia”.
Có khi Ngài lại chỉ ra cho các vị tỳ-kheo đang thực hành Bồ-tát đạo: đã không có cái gọi là ‘người’ thì làm sao có cái gọi là “bồ-tát”, và rồi đã không có cái gọi là “bồ-tát” thì làm sao có cái gọi là “chúng sinh”; tất cả đều là các nhãn hiệu do quy ước thế gian, vì vọng tưởng đảo điên, mà bày đặt ra.
Nói chung, chúng ta có thể tìm thấy trong Thánh điển vô số những lời dạy của Ngài, kêu gọi chúng ta hãy tìm mọi cách để nắm cho được cấu trúc, cũng như sự vận hành của thân-tâm mình, không chỉ một lần trong đời, mà phải từng ngày-đêm. Nếu không can đảm đập tan chính bản thân mình thành “năm đống” thì chúng ta không mong gì có ngày thoát ra được mọi lừa đảo của cái-Tôi của chúng ta cả.
Giống hệt như một lữ khách khởi đầu cuộc hành trình dài, nếu không tự biết mình để chuẩn bị những hành trang gì cần và đủ thì nguy cơ bị đói-khát, thậm chí có khi lạc đường, là không tránh khỏi. Vì thế, muốn đi được lâu dài trên con đường này, chúng ta không thể không biết mình là “ai”, mình là “cái gì”. Tất cả đều được đức Phật chuẩn bị sẵn cho chúng ta. Vấn đề còn lại là chúng ta có tin tưởng Ngài đủ để dẹp bỏ cái-Tôi của mình sang một bên, để có thể bước đi không quá đỗi nặng nề hay không mà thôi.