Từ khi luồng gió Âu tây thôi tạt vào dải đất thân yêu này đã mang theo những tư tưởng mới mẻ. Chính nó đã xáo trộn cả một nền luân lý Á đông.
“Chủ nghĩa cá nhân” đã lôi cuốn con người chạy theo với vật chất. Chịu ảnh hưởng nhiều hơn hết chính là tuổi bồng bột của thanh niên.
Những bậc tuổi tác thức giả đã lo cho thế hệ ngày mai, thế hệ thay thế cho lớp người các cụ, các cụ đã ra công đem nền Nho học để ngăn cản triều sóng đang hỗn độn tràn bờ.
Chính luận lý Nho giáo từ lâu đã là nền đạo đức căn bản của dân tộc Á đông, đã đào tạo những con người của dân tộc. Vì Nho giáo không những cải tạo cho bản thân mà còn rèn luyện thanh niên thành một người con trung kiên của tổ quốc, một con người hữu ích cho xã hội, con người mà Nho giáo đã kết tinh trong danh từ “Quân tử”. Luân lý Khổng Mạnh đã thiết lập giáo thuyết trên phương châm “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”.
Nhưng vì quá câu nệ trong khuôn khổ hoặc về sau giáo lý bị lệch lạt bởi người áp dụng không đúng cách, hoặc nữa có vài điểm không còn thích ứng với tinh thần của trào lưu tiến hóa. Mà đời là một bánh xe tiến hóa không ngừng. Cho nên các cụ đã phải thất bại trong ngậm ngùi đau xót:
“Văn minh Đông Á trời thu sạch
Này lúc luân thường đảo ngược ru!”
Phật giáo cũng đã nhìn thấy vai trò quan trọng của mình đối với thế hệ tuổi trẻ nên sau 1932, khi nền Phật giáo được chấn hưng, đoàn thể “Thanh niên đức dục” được tổ chức với mục đích giáo dục thanh niên dựa trên tinh thần của Phật giáo. Nhờ thế nền luân lý được chấn chỉnh trong con người thanh niên của thời đại.
Bắt nguồn từ đó, những đoàn Đồng ấu Phật tử rồi Gia đình Phật hóa phổ đến Gia đình Phật tử càng ngày càng được mở rộng. Hiện nay trên nửa lãnh thổ miền Nam nước Việt không một nơi nào vắng bóng những đoàn trẻ áo lam.
Nhưng cũng chỉ là một vài mảnh váng nhỏ chưa đủ giúp cho tất cả muôn ngàn người bị đắm. Cần phải cấp thời có rất nhiều những chiếc phao khổng lồ hơn. Thưa các bạn tôi muốn nói đến đoàn Nam (Thanh niên) Phật tử trong giai đoạn hiện thời.
Bão tố đã không ngừng mà mỗi lúc mọi thêm phũ phàng. Bao nhiêu người đã bị đắm trong những ngọn sóng cuồng của vật dục. Xin bạn hãy đứng ở ngưỡng cửa nhìn xem trên vỉa hè của chốn thị thành trong mười lăm phút, mười lăm phút thôi cũng đủ để cho bạn nhìn thấy những trang thanh niên vênh váo, nện gót giày cồm cộp, đầu chải tóm quần tóp ống… họ qua lại không biết bao nhiêu vòng để theo dõi một tà áo xanh… vàng, tím, đỏ… Họ là những con người chỉ biết đi tìm những gì thỏa mãn cho xác thân mà quên hẳn đi vấn đề tinh thần. Không chốn truy hoan nào là không có bóng dáng những chàng trai điển hình của thời đại ấy. Thưa các bạn họ có còn xứng đáng để mang danh người thanh niên của dân tộc không?
Chừng ấy cũng đủ cho chúng ta nhận thấy sự cần thiết của đoàn Nam Phật tử đến mức nào!
Thưa các bạn, người thanh niên của dân tộc cần phải có một lý tưởng để sống, sống cho mình, cho những người chung quanh mình và cho tất cả. Con người có giá trị hay không là ở chỗ có lý tưởng hay không có lý tưởng.
Nhưng, thưa các bạn, còn lý tưởng nào cao đẹp hơn nếu không phải là tinh thần Tự giác, Giác tha của Phật giáo?
Đoàn Nam Phật tử cần được mở rộng hơn để đón nhận những người bạn đồng trang đang bước phải những nẻo đường lầy lội. Đoàn Nam Phật tử là nơi làm sáng lại cuộc đời của thanh niên, xông thêm hương cho cuộc sống.
Nhưng không phải chỉ có chừng ấy thôi. Đoàn Nam Phật tử còn có một nhiệm vụ nặng nề và cần kíp. Bão tố càng dữ dội thì những phao giải thoát càng tăng cường. Hiện nay Gia đình Phật tử đã phát triển mạnh mẽ. Ngay cả những miền quê hẻo lánh xa xôi hay nơi núi đồi trùng điệp vẫn có cơ sở của Gia đình Phật tử. Đó là một điều vừa đáng mừng, vừa đáng lo. Gia đình mỗi ngày một nhiều, đàn em mỗi ngày một đông cần phải có những người anh (cũng như những người chị) vững vàng, đủ khả năng và nghị lực để dìu dắt hướng dẫn. Những người anh đó tìm đâu ra? Chắc chắn phải là ở đoàn Nam Phật tử.
Đoàn Nam Phật tử là nơi đào luyện những người anh có tác phong đạo đức có căn bản Phật pháp và những khả năng cần thiết thực tế để chu cấp cho những đàn em đang thiếu người hướng dẫn.
Ngoài ra, xã hội còn bao nhiêu công việc đang chờ đến những bàn tay mạnh mẽ và tràn ngập tình thương của người Nam Phật tử. Đây một mái nhà xiêu vẹo của kẻ bản hàn, kia một em bé đang run rẩy trong cơn gió mùa đông. Và đây nữa, những gia đình đang rên la trong cơn sốt hay bệnh lỵ vì họ sống trong khu đất nhỏ bé, bẩn thỉu, nước đọng, bùn lầy… và biết bao nhiêu sự việc nữa kể sao cho hết ở đây.
Vấn đề Nam Phật tử đã trở nên tối cần thiết và cấp bách trong giai đoạn này. Chính thầy Thích Thiện Minh Ủy viên thanh niên Phật tử đã đề cập đến vấn đề Nam Phật tử trong bài “Thử đề nghị một bước tiến mới cho gia đình Phật tử” (đăng trong Phật Giáo Việt Nam tập kỷ yếu Đại hội Phật giáo toàn quốc kỳ thứ ba).
Chương trình tu học của đoàn này cũng được kịp thời sửa đổi cho thích ứng với mọi nhu cầu hơn. Những điểm nào trong chương trình cũ không sát thực tế hoặc không thể có phương tiện thực hiện thì bỏ đi. Chương trình mới sẽ nhắm vào bốn trọng điểm:
- – Dựa trên luân lý Phật giáo để cải tạo bản thân.
- – Tạo một căn bản giáo lý khả dĩ cho người thanh niên Phật tử.
- – Song song với chương trình tu học ấy phải thêm phần huấn luyện huynh trưởng để phục vụ cho các Gia đình.
- – Chú trọng đến công tác xã hội.
(Chúng ta sẽ cùng nhau thảo luận về chương trình một cách rất ráo hơn trong những dịp khác).
Trong giai đoạn thống nhất Phật Giáo này, Đoàn Nam Phật tử cũng cần được tổ chức lại có quy cũ và duy nhất. Muốn vậy, nên tổ chức ngay một trại họp bạn ngành “Thanh” để thắt chặt thêm tình thân ái giữa những con người Thanh niên Phật tử trên toàn cõi Việt Nam, thảo luận những đề án cho ngành mình, trao dồi và trình bày cho nhau những nếp sống của Thanh niên trong mỗi tỉnh.
Ngoài ra, những Thanh niên Phật tử cần thường xuyên liên lạc, trao dồi cho nhau những hiểu biết, kinh nghiệm, tư tưởng và tình cảm của mình bằng cách xuất bản một tờ nội san. Nếu không đủ phương tiện thì kính nhờ một tạp chí nào của Phật giáo (chẳng hạn như Liên Hoa) mở rộng phạm vi và gây cho nhau nhịp cầu thông cảm.
Các bạn là những Nam Phật tử ư? Quý hóa quá. Trong lúc mọi người đang cấu xé nhau về tranh giành quyền sống với châm ngôn “Sống là tranh đấu” thì bạn đã biết tìm về đây chung sống bên nhau trong sự đầm ấm thương yêu, xây hạnh phúc trên vườn hoa Đạo lý. Bạn đã chọn lấy đạo Từ Bi và Trí Tuệ để làm lý tưởng cho đời mình, đưa cuộc đời ra ngoài vòng u tối, hướng về chân, thiện, mỹ để đi đến tự tại giải thoát. Thật bạn đã khéo tìm ý nghĩa cho cuộc sống của mình vậy.
Rồi đây, ngoài bổn phận tu tập để cải tạo cho đời sống của chính mình các bạn còn có một sứ mạng cao cả là dìu dắt đàn em non về với vườn Đạo ngát hương chân lý. Các em đang trông đợi những bàn tay êm dịu và đầy trìu mến của những người anh đấy.
Những giọng hát trong trẻo, những nụ cười tin yêu ngoan ngoãn, những cặp mắt ngây thơ trong sáng cùng với tiếng reo đùa vui vẻ kia không đủ làm một nguồn an ủi cho đời người Huynh trưởng hay sao.
Nhanh chân lên các bạn, thì giờ không chờ ta mà tuổi thanh niên đâu phải là lúc mới khai mùa, còn ngại ngùng gì nữa!… Tinh tấn lên! Dũng mãnh lên! mau về đây chúng ta cùng châm ngọn đuốc sáng của vô biên. Lời Đức Phật còn dư âm mãi bên tai ta: “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi” và cho cả đàn em đi theo sau chúng ta nữa các bạn ạ.
Các bạn ơi! Chúng ta hãy xiết chặt tay nhau làm một bức thành kiên cố để che chở cho đàn em của chúng ta. Tôi tin chắc không một bạo lực nào có thể lay chuyển được những con người thanh niên này mỗi khi chúng ta đã có một lý tưởng vững vàng. Không một cường quyền nào có thể đàn áp được những người trai Áo Lam khi chúng ta biết đoàn kết trong tình thương để mạnh bước trên đường chân lý.
[Tạp chí Liên Hoa, số 6, năm 1960]