Long Thọ: GIẢNG VỀ TÂM BỒ ĐỀ
Tác giả: đức Long Thọ (Nagarjuna)
Tựa đề tiếng Phạn: Boddhicittavivarana
Tựa đề tiếng Việt: Bồ Đề Tâm Thích: Giảng Về Tâm Bồ Đề
(Hồng Như dịch từ bản Anh ngữ [A Commentary On The Awakening Mind] của Geshe Thupten Jinpa. Bản dịch đầu 2007, nhuận văn 2009, 09/2020.)
Kính lễ tán dương đức Kim Cang Tát Đỏa!
Chư Phật nói rằng:
Không có thực thể;
Lìa bỏ phân biệt / đối tượng, chủ thể,
Như là các uẩn, / hay là giới, xứ;
Vạn pháp bình đẳng / vô ngã như nhau,
Tâm vốn vô sinh;
Chân tánh của tâm / chính là tánh không.
Cũng như chư Phật cùng chư bồ tát đã từng phát tâm vô thượng bồ đề, nay tôi cũng làm đúng theo như vậy, kể từ bây giờ cho đến khi vào trái tim giác ngộ, tôi nguyện phát tâm vô thượng bồ đề, để có khả năng cứu vớt những ai chưa được cứu vớt, cởi thoát những ai chưa được cởi thoát, cứu độ những ai chưa được cứu độ, và cho những ai còn chưa triệt để siêu thoát khổ đau, tôi sẽ giúp cho siêu thoát được cả.
Chư vị bồ tát hành trì mật pháp sau khi phát tâm bồ đề qui ước nhờ vào nguyện lực, tiếp theo phải nhờ năng lực thiền định mà thành tựu tâm bồ đề cứu cánh. Vậy nay tôi xin hiển lộ chân tánh của tâm bồ đề.
1. Trước đấng cát tường / Phật Kim Cang Trì,
Ngài là hiện thân / của tâm bồ đề,
Đệ tử đảnh lễ / và xin thuyết về / thiền định bồ đề,
Là tâm khiến cho / luân hồi đoạn diệt.
2. Chư Phật minh xác / tâm bồ đề này
Vốn không từng bị / khái niệm che mờ,
Như niệm chấp “ngã,” / chấp “uẩn” hay là / chấp các thứ khác;
Tâm bồ đề vốn / chỉ là tánh không.
3. Phải vận dụng tâm / thấm nhuần từ bi,
Để mà tinh tấn / phát tâm bồ đề.
Tất cả chư Phật / đại từ đại bi
Đều luôn miên mật / phát tâm như vậy.
4. Ngã do các phái / cực đoan đề xướng
Nếu dùng luận lý / quán sát tận tường
Bên trong các uẩn / [của thân và tâm].
Sẽ không thể thấy / ngã thật ra trú / ở nơi chốn nào.
5. Các uẩn tuy có / [nhưng] không thường còn;
Nên không thể mang / tính chất của ngã.
Thường và vô thường, / không thể nào có
Cái này làm chỗ / chứa đựng cái kia.
6. Nếu cái gọi là / “ngã” vốn không có,
Thì cái gọi là / “thực thể” làm sao / có thể thường còn?
Phải có các pháp / rồi mới có thể
Quán xét truy tìm / thuộc tính của nó / trong cõi thế gian.
7. Điều gì thường còn / thì không thể nào / tạo nên tác dụng
Dù tạo từ từ / hay ngay tức thì;
Vậy dù bên ngoài / hay là bên trong
Đều không thể có / thực thể thường còn.
8. Nếu như cái ngã / vốn là vạn năng / làm sao có thể / tùy thuộc thứ khác?
Lẽ ra phải tạo / [tất cả các pháp] / trong cùng một lúc.
Đã là tùy thuộc / vào điều gì khác
Thì không thể nào / thường còn, vạn năng.
9. Nếu như cái ngã / là một thực thể / thì không thường còn,
Vì các thực thể / đều luôn chuyển biến / trong từng sát na;
Còn đối với các / thực thể vô thường, / tạo nên sự vật,
[[tôi]] không phủ nhận.
10. Toàn cõi thế gian / vốn dĩ không có / cái ngã, vân vân,
Thế nhưng lại bị / triệt để khống chế / bởi những khái niệm
Về uẩn, giới, xứ,
Chủ thể, đối tượng.
11. Vì làm lợi ích / cho khắp chúng sinh,
Nên [Phật tùy duyên] / dạy chúng Đệ tử:
Năm uẩn là sắc,
Thọ, tưởng, hành, thức.
12. Đấng Lưỡng Túc Tôn / thường dạy thêm rằng:
“Sắc như bọt nổi;
Thọ như bóng nước;
Tưởng như ảo ảnh;
13. Hành như thân chuối;
Thức như ảo thuật.”
Đó chính là lời
Phật dạy bồ tát.
14. Tất cả những gì / hợp từ tứ đại
Đều là sắc uẩn.
Các uẩn còn lại / đều được xác định /
Là phi vật thể.
15. Trong đó, nhãn căn / và sắc, vân vân…
Được gọi là giới;
Và cũng được gọi / là mười hai xứ,
Hay là chủ thể, / cùng với đối tượng.
16. Cực vi sắc trần / là điều không có, / nhãn căn cũng không;
Và nhãn căn làm / chủ thể nhận thức / cũng không hề có;
Cho nên cái tạo / và cái được tạo
Hoàn toàn chẳng hợp / với sự tạo sinh.
17. Vi trần không thể / tạo sinh nhận thức
Vì lẽ vi trần / nằm ngoài phạm vi / của các giác quan.
[Hoặc giả] nói rằng / vi trần tập hợp / mà sinh ra thức?
Thế nhưng tập hợp / của các vi trần / cũng không thể có.
18. Cho dù phân xẻ / chí đến cực vi
Thì cũng vẫn còn / thành phần phương hướng;
Đã là một vật / gồm nhiều thành phần,
Làm sao có thể / gọi bất khả phân?
19. Trước một đối cảnh,
Có thể phát sinh / nhiều loại nhận thức
Người này thấy đẹp
Nhưng với người kia / có khi lại khác.
20. Đối với cùng một / thân người phụ nữ,
Có khi phát sinh / ba loại nhận thức : Nhà tu khổ hạnh / sẽ thấy thây ma ;
Đàn ông nhìn ra / đối tượng thèm muốn;
Chó [hoang] lại thấy / là miếng mồi ngon.
21. [Nếu như nói rằng] / “khả năng tác động / nằm ở đối cảnh”
Chẳng phải cũng là / giống như trong mơ / thấy mình bị hại?
Nếu xét khả năng / tác động của cảnh,
Giữa cảnh trong mơ / và cảnh khi tỉnh / khả năng tác động / chẳng khác gì nhau.
22. Chủ thể, đối tượng,
Đều hiện trong tâm
Tách lìa tâm ra
Hoàn toàn không có / đối cảnh nào khác.
23. Vì vậy không có
Đối cảnh thực hữu;
Chỉ do nhận thức / trong tâm mỗi người
Hiện thành đối cảnh.
24. Tựa người mê muội
Thấy toàn huyễn cảnh,
Thành quách đền đài / quỉ càn thát bà,
Do đó họ thấy / sắc uẩn hiện ra / cùng các uẩn khác.
25. Vì để phá tan / mê lầm chấp ngã
Nên [đức Phật] dạy / về uẩn, giới, xứ…
Những kẻ thiện duyên / trú ở Duy thức
Về sau ngay cả / [pháp này] cũng bỏ.
26. Duy thức nói rằng
Vạn pháp đều do / tâm tạo mà thành.
Vậy tánh chất của / tâm ấy là gì?
Tôi sẽ minh giải / điểm này ở đây.
27. Đức Mâu ni dạy
“Nhất thiết duy tâm,”
Đó là để giúp / cho kẻ ấu trĩ / vất bỏ sợ hãi;
Sự thật đúng ra / không phải như vậy.
28. Tự tánh giả lập, / tự tánh tùy thuộc,
Tự tánh viên thành, / ba tánh chỉ có
Một tánh chân thật / đó là tánh không;
Hành trạng ba tánh / được dựng lên từ / ngay ở nơi tâm.
29. Đối với những người / vui trong Đại thừa
Đức Phật nói lời / ngắn gọn như sau:
Rằng vô ngã vốn / tuyệt đối bình đẳng;
Và rằng tâm vốn / bản lai vô sinh.
30. Du Già Tông nói
Chính nhờ điều phục / và nhờ chuyển hóa / toàn bộ tâm thức
Mà tâm trở nên / hoàn toàn thanh tịnh,
Và cũng trở thành / đối tượng nhận thức / của tâm tự biết.
31. Quá khứ không còn;
Tương lai chưa tới;
Hiện tại thì lại / luân chuyển không ngừng,
Vậy đâu thể có / [tâm trong] hiện tại?
32. Thật tánh của tâm / thì không thể thấy;
Những gì thấy được / đều không phải là / thật tánh của tâm;
Tâm thức vô ngã;
Và cũng không có / nền tảng nào khác.
33. Ví như thỏi sắt
Gần đá nam châm / lập tức qui về;
Tuy không có tâm
Nhưng lại giống như / là vật có tâm.
34. Tương tự như vậy / tạng thức không thật
Mà thấy giống như / là điều có thật;
Cứ vậy tới lui,
Lưu giữ tất cả / [ba cõi] luân hồi.
35. Cũng như thân cây / bập bềnh trên biển
Dù chẳng có tâm;
Tạng thức cũng vậy
Tùy thuộc nơi thân / mà có chuyển động.
36. Như vậy, nếu nói
Rằng không có thân / thì không có thức,
Vậy phải giải thích
Xem “tâm tự biết” / thật ra là gì?
37. Gọi “tâm tự biết”
Vậy là mặc nhiên / khẳng định thức này / là một thực thể;
Thế nhưng khi nói / “nó là như vậy”
Thì lại khẳng định / thức này vô năng.
38. Tự mình xác quyết,
Và để giúp cho / người khác xác quyết,
Bậc trí luôn dùng / luận lý tuyệt hảo
Không vướng sai lầm.
39. Thức là chủ thể / nhận biết đối tượng;
Nếu không đối tượng / chủ thể cũng không;
Vậy sao các ông / không thấy ra rằng
Chủ thể, đối tượng, / đều không thật có?
40. Tâm là giả danh;
Ngoài cái tên ra / không là gì cả;
Cho nên phải thấy / thức là giả danh
Và cả danh này / cũng không tự tánh.
41. Dù trong hay ngoài,
Hay ở chính giữa,
Chư Phật chẳng từng / tìm thấy được tâm;
Vậy tánh của tâm / là tánh như huyễn.
42. Phân biệt sắc, dạng,
Đối tượng, chủ thể,
Nam, nữ, trung tính –
Tâm chẳng hề có / tướng dạng nhất định.
43. Tóm lại chư Phật / chẳng từng thấy qua
Và cũng sẽ không / bao giờ nhìn thấy / [cái tâm như vậy];
Tâm không tự tánh / làm sao chư Phật
Lại có thể thấy / là có tự tánh?
44. “Thực thể” thật ra / chỉ là khái niệm;
Vắng bặt khái niệm / đó là tánh không;
Nếu như niệm khởi / tánh không đâu còn?
45. Cái tâm phân biệt / chủ thể, đối tượng,
Là điều Như lai / chẳng từng nhìn thấy;
Nơi nào còn có / chủ thể đối tượng
Thì chẳng thể có / giác ngộ bồ đề.
46. Vô tánh, vô sinh;
Và không thật có; / ngoài tầm nghĩ bàn;
Hư không, bồ đề, / cùng với giác ngộ,
Tất cả vượt ngoài / phạm trù đối đãi.
47. Các bậc trú trong / trái tim giác ngộ
Như chư Thế tôn, / cùng chư đại sĩ,
Chư đại từ bi,
Đều biết tánh không / tựa như hư không .
48. Vậy phải miên mật / thiền quán tánh không:
Nền tảng các pháp,
An tịnh, như huyễn,
Và vô sở trú, / đoạn diệt luân hồi.
49. [Chấp không] như là / “vô sinh,” “tánh không,”
Hoặc như “vô ngã,”
Thiền quán những loại / tánh không như vậy
Đó chẳng phải là / thiền quán [chân thật].
50. Khái niệm thiện ác
Mang tánh sinh diệt
Phật nói là không;
Ngoài ra chẳng có / tánh không nào khác.
51. Tâm vô sở trụ, / trú xứ của tâm
Có những đặc tánh / tựa như hư không;
[Vậy] thiền tánh không
[Thật ra] phải nói / là thiền hư không.
52. Tánh không chính là / tiếng gầm sư tử
Làm cho kinh sợ / mọi giáo thuyết khác;
Luận sư dị tông / dù trú nơi đâu,
Tánh không cũng vẫn / đợi ngay nơi ấy.
53. Đã nói tâm thức / vốn luôn sinh diệt,
Thì đâu thể nào / nói thức thường còn;
Nếu tâm vô thường
Làm sao có thể / nghịch với tánh không?
54. Tóm lại chư Phật
Nói tâm vô thường,
Sao các ông lại / chẳng thể chấp nhận
Tâm cũng là không?
55. Tâm tự bản lai
Vốn không tự tánh;
Nói vậy không phải / tâm có tự tánh
Rồi tự dưng lại / mất đi tự tánh.
56. Thấy được như vậy, / là lìa bỏ hết
Ngã chấp trong tâm;
Đi quá ra ngoài / bản tánh sự vật
Thì chẳng phải là / chân tánh vạn pháp.
57. Cũng như vị ngọt / là tánh của đường
Hay như sức nóng, / là tánh của lửa,
Tương tự như vậy, / chúng tôi nói rằng
Tánh của vạn pháp / chính là tánh không.
58. Nói tánh không là / tánh [của vạn pháp]
Như vậy chẳng phải / đề xướng đoạn kiến
Đồng thời cũng không
Đề xướng thường kiến.
59. Khởi từ vô minh / cho đến lão tử,
Tất cả quá trình / phát sinh ra từ
Mười hai nhân duyên,
Chúng tôi nói rằng / như mộng, như huyễn.
60. Bánh xe nhân duyên / gồm mười hai nhánh
Lăn trên đường đời / luân hồi sinh tử,
Ngoài ra chẳng thể / có chúng sinh nào
Tạo nghiệp, thọ quả.
61. Ví như khuôn mặt / tùy thuộc vào gương / mà ảnh hiện ra,
Đó chẳng phải là / mặt đi vào gương;
Thế nhưng không gương
Thì cũng không ảnh.
62. Tương tự như vậy / ngũ uẩn giả hợp / thành kiếp sống mới;
Nhưng mà bậc trí / luôn thấy rõ rằng
Chẳng phải có người / vừa mới tái sinh
Cũng chẳng có ai / chuyển sang kiếp mới.
63. Nói tóm gọn lại: / từ những sự vật / vốn chỉ là không,
Mà phát sinh ra / những sự vật khác / cũng toàn là không;
Người tạo nghiệp cùng / với nghiệp đã tạo, / quả tạo, cùng với / chính người chịu quả, // Đức Phật dạy rằng / tất cả đều thuộc / phạm trù qui ước [Tục đế].
64. Như tiếng trống lớn, / hay như chồi non
Đều do nhân duyên / phối hợp mà thành.
Do đó mà nói / cảnh giới duyên sinh
Đều như mộng ảo.
65. Rằng vạn pháp đều / do nhân duyên sinh,
Không hề mâu thuẫn / [với không tự tánh],
Vì chính nhân này / rỗng lặng không nhân,
Nên phải hiểu rằng / vạn pháp vô sinh.
66. Vô sinh của pháp
Đức Phật dạy rằng / đó là tánh không;
Tóm lại, năm uẩn
Gọi là “vạn pháp.”
67. Khi mà chân đế / được thuyết như vậy
Thì chẳng hề làm / chướng ngại tục đế;
Lìa tục đế ra,
Chân đế chẳng còn.
68. Phật dạy tục đế / chính là tánh không;
Tánh không, tự nó, / chính là tục đế;
Cái này không thể / tách lìa cái kia
Cũng như vô thường / chẳng lìa sinh khởi.
69. Tục đế khởi sinh / từ nghiệp, phiền não;
Nghiệp thì lại từ / tâm mà sinh ra;
Còn tâm là do / tập khí tích tụ;
Tách lìa tập khí / an lạc hiện tiền.
70. Tâm hỉ thì tịnh;
Tâm tịnh thì định;
Không loạn động vì / thấy đúng như thật;
Thấy đúng như thật / là đạt giải thoát.
71. Tâm này gọi là / “chân như,” “pháp giới,”
“vô tướng,” “chân đế,”
“vô thượng bồ đề,”
và là “tánh không.”
72. Không hiểu tánh không,
Thì không thể nào / đủ sức lĩnh hội / đường tu giải thoát;
Nên kẻ vô minh / cứ phải trầm luân
Ở trong sáu cõi / tù ngục luân hồi.
73. Nếu bậc hành giả
Quán không như vậy
Chắc chắn tâm sẽ
Thiết tha mong muốn / lợi ích chúng sinh.
74. “Đối với chúng sinh / trong đời quá khứ
Đã từng cho tôi / rất nhiều ơn nặng,
Như là cha, mẹ, / bằng hữu, thân nhân…
Tôi nguyện đền trả / trọn vẹn ơn này.”
75. “Vậy mà chúng sinh / lại bị thiêu đốt
Bởi lửa phiền não / tù ngục luân hồi;
Trong thời quá khứ / tôi khiến cho họ / chịu nhiều khổ não;
Nay tôi xin nguyện / làm điều lợi ích / mang đến cho họ / tất cả an vui.”
76. Quả lành, quả dữ;
Thọ sinh thiện đạo, / hoặc sinh ác đạo
Tất cả đều do / làm lợi cho người
Hay là tác hại.
77-78. Nương vào chúng sinh
Chắc chắn rồi sẽ / đạt quả vô thượng;
Chẳng đáng ngạc nhiên
Khi thấy bất cứ / quả an lạc nào
Trong cõi trời, người, / như là các đấng
Phạm Thiên, Đế Thích / Hắc Thiên cùng với
Thần linh bảo hộ / trong khắp ba cõi,
Đều có là nhờ / lợi ích chúng sinh.
79. Còn như địa ngục, / ngạ quỉ, súc sinh,
Bao nhiêu khổ não
Chúng sinh phải chịu,
Đều có là vì / nhiễu hại người khác.
80. Chịu đói, chịu khát, / xâu xé lẫn nhau,
Hấp hối quẫn bách, // Chẳng thể quay đầu, /
không có kết thúc; // Tất cả đều là /
quả báo phải chịu / vì hại chúng sinh.
81. [Bên này thì có], / quả Phật, bồ đề,
Thọ sinh thiện đạo;
[còn bên kia là] / thọ sinh cõi dữ ;
Cho nên phải biết / [nghiệp] quả có hai.
82. Vậy có được gì / hãy mang ra hết / phụng sự chúng sinh;
Giữ gìn chúng sinh / như giữ thân mạng;
Còn tâm dửng dưng / đối với chúng sinh
Hãy nên vất bỏ / như vất thuốc độc.
83. Chư vị thanh văn / đạt quả vị nhỏ / chẳng chính là vì
Các vị không có / tình thương rộng lớn / đối với chúng sinh?
Chư Phật không hề / lìa bỏ chúng sinh
Do đó đạt được / vô thượng bồ đề.
84. Vậy, khi đã thấy / việc làm thiện, ác,
Dẫn đến nghiệp quả / lành dữ ra sao,
Làm sao có thể, / dù chỉ phút giây,
Giữ tâm vị kỷ / thủ lợi riêng mình?
85. Nhờ bám sâu rễ / nơi tâm đại bi,
Mà tâm bồ đề / đâm chồi nảy lá,
Từ đó trổ ra / quả [chân] giác ngộ, / là quả duy nhất / của tâm vị tha,
Đây là điều mà / những người con Phật / vẫn luôn thuần dưỡng.
86. Ai nhờ tu tập / mà tâm bồ đề / trở nên kiên cố,
Đối trước nỗi khổ / của khắp chúng sinh / xiết bao kinh hãi,
Hỉ lạc trong định / liền từ bỏ hết,
Muôn trùng sâu thẳm, / địa ngục vô gián / liền sinh ngay vào.
87. Tuyệt diệu biết bao / đáng phục biết bao
Thật là con đường / nhiệm mầu tuyệt hảo;
Dù có cho hết / của cải, thân mạng,
Cũng chẳng có gì / đáng để ngạc nhiên.
88. Thế nhưng hiểu được / vạn pháp đều không
Mà vẫn có thể / sống thuận nhân quả
Như vậy mới là / kỳ diệu hơn cả / những điều kỳ diệu!
Nhiệm mầu hơn cả / những sự nhiệm mầu!
89. Những ai vì muốn / cứu vớt chúng sinh
Mà nguyện sinh vào / bùn lầy thế tục,
Thì không thể nào / nhiễm uế vì bùn;
Tựa như cánh sen / mọc từ ao nước.
90. Dù chư bồ tát / như ngài Phổ Hiền
Dùng lửa trí tuệ / của tánh không này
Thiêu rụi tất cả / củi gỗ phiền não;
Nhưng tâm cũng vẫn / thuần dịu từ bi.
91. Chư vị nương dưới / sức mạnh từ bi
Thị hiện nhập thế, / đản sinh, hưởng lạc,
Từ bỏ ngai vàng, / hành trì khổ hạnh,
Đạt đại giác ngộ, / hàng phục quần ma.
92. Thị hiện chuyển đẩy / bánh xe chánh pháp,
Thị hiện lên tận / cõi trời chư Thiên
Và rồi thị hiện
Nhập cõi niết bàn.
93. Thị hiện Phạm Thiên, / Đế Thích, Vi Nữu,
Hắc Thiên oai thần,
Dùng bao sắc thân / thị hiện phong phú / điệu vũ từ bi / vô vàn thiện hạnh
Mang đến an lành / cho khắp chúng sinh.
94. Vì để cho người / trên đường sinh tử / thối chí nản lòng
Được thời ngơi nghỉ / cho nên Phật thuyết
Về hai trí tuệ / dẫn đến Đại thừa;
Đây chẳng phải là / trí tuệ rốt ráo.
95. Phật chưa thúc gọi
Thì chư Đệ tử / mải mê an trụ
Ở trong huệ thân
Đắm chìm cõi định.
96. Khi Phật thúc gọi,
Các vị xuất thiền, / hóa hiện nhiều thân, / thiết tha cứu giúp / khắp cả chúng sinh; Tư lương phước tuệ / tích tụ đủ rồi
Khi ấy các vị / viên thành Phật quả.
97. Vì có tập khí / của hai [chướng ngại]
Nên tập khí ấy / gọi là chủng tử ;
Bao giờ hạt giống / gặp gỡ nhân duyên,
Khi ấy nẩy mầm / chồi cây sinh tử.
98. Vì lẽ Thế tôn
Dựa theo nhiều loại / căn cơ chúng sinh
Mà thuyết Phật Pháp,
Cho nên cũng có / nhiều loại pháp môn .
99. Chia thành giáo pháp / [phương tiện] quảng đại, / [trí tuệ] thâm sâu,
Cũng có khi là / đầy đủ cả hai;
Tuy rằng có nhiều / pháp môn như vậy,
Nhưng mọi pháp môn / vẫn đều bình đẳng / trong tự tính không / và đều bất nhị.
100. Mọi chú tổng trì, / mọi địa [bồ tát],
Cùng ba la mật / của chư Phật đà,
Chư Toàn Giác nói
Đều là biểu hiện / của bồ đề tâm.
101. Chư vị luôn luôn / dùng thân miệng ý
Mà tạo lợi ích / cho khắp chúng sinh
Nên khi xiển dương / luận lý tánh không
Chẳng ai có thể / nói rằng các vị / vướng vào đoạn kiến.
102. Chư tôn thánh giả
Chẳng trú luân hồi, / chẳng trú niết bàn,
Cho nên chư Phật / dạy đây chính là
Niết bàn vô trú.
103. Từ bi chỉ mang / một vị duy nhất, / vị của công đức;
Còn tánh không thì / mang vị thắng diệu;
Những ai uống được / [nước cam lồ này] để mà thành tựu
Tự lợi lợi tha / thì đây đúng là / người con chân chính / của đấng Thế tôn.
104. Trước chư vị này / các ông hãy mang / hết thảy thân tâm / ra mà đảnh lễ;
Vì chư vị ấy / trong toàn ba cõi / luôn luôn xứng đáng / nhận sự tôn vinh;
Là người dẫn đường / cho khắp thế gian,
Là bậc kế thừa / của khắp chư Phật.
105. Tâm bồ đề này
Chính là tột đỉnh / của pháp Đại thừa;
Vậy các ông hãy / kiên trì nhập định
Phát bồ đề tâm.
106. Để đạt tất cả / tự lợi, lợi tha,
Ngoài tâm bồ đề / kiếm khắp cõi thế
Cũng không tìm ra / phương pháp nào khác;
Dù là chư Phật / cho đến ngày nay / cũng không thấy ra / có cách nào khác.
107. Công đức phát tâm
Vô thượng bồ đề
Lượng công đức ấy / nếu như có thân,
Không gian vô tận / vẫn không chứa hết.
108. Người nào nhập định / thiền tâm bồ đề,
Dù chỉ chốc lát,
Khối công đức ấy
Ngay đến chư Phật / cũng không đo nổi.
109. Tâm này quí giá / không vướng phiền não;
Là viên ngọc báu / tuyệt vời, duy nhất;
Dù ma phiền não / vẫn không thể nào / làm cho hư hại
Cũng không thể nào / đánh cắp mất đi.
110. Đại nguyện chư Phật / cùng chư bồ tát / không thể hư mòn;
Tương tự như vậy / những ai thấm nhuần
Trong bồ đề tâm
Nên giữ tâm này / cho thật kiên cố.
111. Thật là kỳ diệu, / các ông hãy nên
Ra công cố gắng / như nói ở trên;
Rồi các ông sẽ
Tự mình làm nên / hạnh nguyện Phổ hiền.
112. Tâm bồ đề này / chư Phật vẫn hằng / tán dương hoan hỉ, / nay tôi cũng xin / xưng tán bồ đề;
Việc làm như vậy / được bao công đức,
Nguyện nương vào đó / mà khắp chúng sinh / trầm luân biển cả / sinh tử sóng cuồng
Vào được con đường / chư Lưỡng Túc Tôn / đã từng đi qua.
Đến đây chấm dứt Giảng Về Bồ Đề Tâm của đại đạo sư thánh giả Long Thọ. Bài pháp này do Sư Trưởng Ấn độ Gunakara và dịch giả Rapshi Shenyen chuyển [Tạng] ngữ và hiệu đính, sau đó được Sư Trưởng Ấn độ Kanakavarma và dịch giả Tây tạng Patsap Nyima Drak duyệt lại.
Hồng Như Thupten Munsel chuyển Việt ngữ từ bản Anh ngữ của Thupten Jinpa, 2007, nhuận Văn 2009. Xếp trang A4 và nhuận văn 09/2020.
Nguồn: Hồng Như Thupten Munsel