Ngày 1 tháng 9 năm 2022, Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ đã công bố việc thành lập Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN) và Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương đã cung thỉnh Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ làm Chánh Thư Ký kiêm Xử Lý Thường Vụ Viện Tăng Thống GHPGVNTN. Đây không những là một tin rất hoan hỷ đối với cộng đồng Phật Giáo Việt Nam trong và ngoài nước, mà còn là bước ngoặt mở ra trang sử mới của GHPGVNTN.
Thật vậy, kể từ ngày 25 tháng 11 năm 2018, khi Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ (1928-2020), Đệ Ngũ Tăng Thống GHPGVNTN, ra quyết định giải tán toàn bộ nhân sự của Viện Hóa Đạo cho đến nay về mặt điều hành Phật sự của Giáo Hội xem như bị ngưng trệ hoàn toàn. Nhiều Tăng, Ni và Phật tử có lòng với GHPGVNTN đã canh cánh nỗi lo lắng cho sự sống còn của Giáo Hội này, đặc biệt trước hoàn cảnh sa sút về mặt đạo đức và tâm linh của xã hội Việt Nam. Chính trong tâm trạng đó nên khi nghe được công bố việc thành lập Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương và Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ được cung thỉnh làm Chánh Thư Ký kiêm Xử Lý Thường Vụ Viện Tăng Thống GHPGVNTN thì Tăng, Ni và Phật tử đều thở phào nhẹ nhõm và hoan hỷ vô cùng, dù có lẽ mọi người đều thấy được việc phục hoạt GHPGVNTN sẽ còn rất nhiều chướng duyên trong tình trạng của một đất nước bị độc quyền đảng trị và các tổ chức tôn giáo độc lập đều gặp phải vô vàn khó khăn với chính quyền.
Nhưng có lẽ có người không hiểu duyên khởi từ đâu mà Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ có thể đứng ra dựng lại Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương và được Hội Đồng này thỉnh cử vào ngôi vị Chánh Thư Ký kiêm Xử Lý Thường Vụ Viện Tăng Thống GHPGVNTN, một vai trò lãnh đạo tối cao của Giáo Hội khi ngôi vị Tăng Thống khuyết tịch.
“Vô khả nại hà”
Không phải tự nhiên mà Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ tự mình đứng ra triệu tập chư vị Giáo phẩm để thành lập Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương, Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ trong cương vị là người phụng thừa Quyết định ủy thác điều hành Viện Tăng Thống từ Đức Đệ Ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ mới có thể làm được việc này. Dù là đã được Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ ủy thác điều hành Viện Tăng Thống vào tháng 5 năm 2019, nhưng Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ chưa được cung thỉnh vào ngôi vị chính thức nào trong Viện Tăng Thống, cho nên từ đó đến nay Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ vẫn xem mình như là một “bỉnh pháp Tỳ-kheo.” Danh vị Chánh Thư Ký kiêm Xử Lý Thường Vụ Viện Tăng Thống GHPGVNTN là ngôi vị chính thức đầu tiên mà Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ được Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương cung thỉnh vào ngày 21 tháng 8 năm 2022 tại Chùa Phật Ân, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Sau đây là một số sự kiện đã diễn ra từ năm 2018 đến nay liên quan đến vai trò của Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ đối với GHPGVNTN.
Trong Công Bố của Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương GHPGVNTN ngày 1 tháng 9 năm 2022 có viết rằng:
“Tự thể bị tổn thương, cùng với tác động ngoại tại bởi những thông tin nhiễu loạn, sự phân hóa nội bộ càng lúc càng trầm trọng, cho đến lúc, vô khả nại hà, đức Đệ ngũ Tăng thống đã ban hành quyết định lịch sử: giải thể toàn bộ nhân sự và đình chỉ mọi hoạt động Viện Hóa Đạo,…”[1]
Bản Công bố dùng chữ “vô khả nại hà,” có nghĩa là không còn cách nào khác ngoài việc phải làm như vậy để cứu lấy sinh mệnh của GHPGVNTN trước cơn khủng hoảng thập tử nhất sinh của Giáo Hội này từ sau năm 1975.
Đó là Quyết Định số 12 do Đức Đệ Ngũ Tăng Thống GHPGVNTN, ban hành vào ngày 25 tháng 11 năm 2018, mà trong đó Điều 4 và Điều 5 viết như sau:
“Điều 4: Giải tán mọi nhân sự và chức vụ trong Ban Chỉ đạo Viện Hoá Đạo nhiệm kỳ 2018 – 2020 quy định trong Giáo chỉ số 18 do Viện Tăng Thống ban hành ngày 8 tháng 8 năm 2018.
“Điều 5: Trong thời gian chờ Viện Tăng Thống triệu tập Đại hội bất thường GHPGVNTN công cử nhân sự mới cho Viện Hoá Đạo, tạm ngưng mọi hoạt động của Viện Hoá Đạo cùng mọi nhân sự Ban Chỉ đạo quy định trong Giáo chỉ số 18 do Viện Tăng Thống ban hành ngày 8 tháng 8 năm 2018.”[2]
Quyết định của Đức Đệ Ngũ Tăng Thống giải tán nhân sự Viện Hoá Đạo
Đến ngày 12 tháng 5 năm 2019, Đức Đệ Ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ, lúc đó đã về tịnh dưỡng tại Chùa Từ Hiếu, Quận 8, Sài Gòn, ra Giáo Chỉ số 19 cung thỉnh Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ đăng lâm pháp tịch vào hàng Trưởng Lão Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương Viện Tăng Thống.” Trong Giáo chỉ số 19, Điều 1 viết rằng:
“Cung thỉnh Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ đăng lâm pháp tịch trong cương vị thành viên hàng Trưởng Lão Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương Viện Tăng Thống.”[3]
Ngày 24 tháng 5 năm 2019, Đức Đệ Ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ ra Quyết Định Số 14 “ủy thác quyền điều hành Viện Tăng Thống” cho Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ. Trong Quyết Định số 14, Điều 2 và Điều 3 viết rằng:
“Điều 2: Thỉnh cử Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ thay Tôi đứng đầu vào vị trí của Viện Tăng Thống, bảo đảm tiếp tục sứ mệnh của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất trong tương lai. Tôi hoàn toàn tin tưởng và ủy thác trọng trách này cũng như trao toàn quyền cho Hòa Thượng Tuệ Sỹ điều hành mọi hoạt động của Giáo Hội.
“Điều 3: Bất cứ lúc nào, khi hội đủ điều kiện thuận duyên, Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ thay mặt Viện Tăng Thống triệu tập Đại Hội Bất Thường để bầu cử nhân sự mới cho tất cả các chức vụ trong Viện Hóa Đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.”[4]
Ngày 7 tháng 4 năm 2020, tức là ngày 15 tháng 3 năm Canh Tý, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ đã cung kính phụng thừa sự ủy thác của Đức Đệ Ngũ Tăng Thống. Trong lời khâm thừa Quyết Định của Đức Đệ Ngũ Tăng Thống ủy thác quyền điều hành Viện Tăng Thống, Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ đã cung bạch như sau:
“Khâm thừa Quyết định của Đức Đệ Ngũ Tăng Thống, tôi Tỳ-kheo Thích Tuệ Sỹ tự xét chướng thâm huệ thiển, nhưng Tổ giáo nghiêm, vô khả nại hà, nay phủ phục đê đầu phụng chỉ.
“Song le, hiện tại, tôi thân cung luy nhược, tứ đại bất hòa, chỉnh e trọng nhiệm khó thành, vậy nay kính thỉnh Hòa Thượng Thích Nguyên Lý hiệp trợ, đồng nhiếp tâm bảo trì Tổ ấn, khâm thừa ủy thác, y giáo phụng hành.”[5]
Trong lời khâm thừa này, Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ cũng sử dụng cụm từ “vô khả nại hà” để nói lên tình huống không thể chối từ sự ủy thác của Đức Đệ Ngũ Tăng Thống để điều hành Viện Tăng Thống, vì sức khỏe của Đức Đệ Ngũ Tăng Thống đã suy yếu và ngày viên tịch của ngài không còn bao lâu, và vì sinh mệnh của GHPGVNTN cũng nằm ở tình trạng như ‘chỉ mành treo chuông’.
HT Thích Tuệ Sỹ khâm thừa Quyết Định của Đệ Ngũ Tăng Thống ủy thác quyền điều hành Viện Tăng Thống
Ở đây, cũng xin nói thêm một sự kiện là sau khi trở về Chùa Từ Hiếu, Quận 8, Sài Gòn, để an dưỡng, Đức Đệ Ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ đã quán chiếu sâu thẳm vào thực trạng mà ngài gọi là “lao xuống vực thẳm ô nhiễm hủy diệt” của GHPGVNTN, ngài đã tự nhận lãnh trách nhiệm lịch sử trước “uy đức của Lịch đại Tổ Sư” về sự khủng hoảng của Giáo Hội, nên trong Tâm Thư số 15 được công bố vào ngày 26 tháng 3 năm 2019, Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ đã viết một cách thống thiết như sau:
“Tôi, Sa-môn Thích Quảng Độ, trong cương vị lãnh đạo tối cao của Giáo Hội, tự nhận trách nhiệm lịch sử này trước uy đức của Lịch đại Tổ Sư, và cũng trong trách nhiệm lịch sử này, với ý hướng kịp thời ngăn chặn bánh xe phân hóa không lao xuống vực thẳm ô nhiễm hủy diệt, tôi đã quyết định, bằng Quyết định số 12/TT/VTT/QD, Phật lịch 2562, Saigon ngày 19 tháng 10 âm lịch Mậu tuất (tức 25/11/2018), đình chỉ mọi hoạt động của Giáo hội, để Tăng-già có thời gian thể hiện bản thể thanh tịnh và hòa hợp, làm nơi quy ngưỡng vững chắc cho bốn chúng hòa hợp đồng tu, hòa hợp hành đạo và hóa đạo, phụng sự Dân tộc và Đạo pháp, trong lý tưởng phụng sự hòa bình dân tộc và nhân loại.”[6]
Tuy nhiên, tại sao phải duy trì và phục hoạt GHPGVNTN? Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta cần nói đến thực trạng của Phật Giáo Việt Nam trong nước và vai trò của GHPGVNTN đối với sinh hoạt tôn giáo, văn hóa, đạo đức và tâm linh của xã hội Việt Nam từ trước tới nay.
Thực trạng của Phật Giáo Việt Nam
Trong bản Công bố của Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương GHPGVNTN ngày 1 tháng 9 năm 2022, Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, Chánh Thư Ký kiêm Xử Lý Thường Vụ Viện Tăng Thống, đã nêu ra thực trạng tổng thể mà trong đó bốn chúng đệ tử Phật đang đối mặt trên bình diện thế giới cũng như tại Việt Nam:
“Cộng đồng bốn chúng đệ tử Phật, trong hiện tại, hành đạo và hoằng đạo giữa các cộng đồng dân tộc trong một thế giới đang bị bao phủ trong hận thù, nghi kỵ, điên đảo tranh chấp quyền lực, danh vọng, lợi dưỡng. Trong một thế giới đảo điên, với sự phổ biến chóng mặt của các phương tiện truyền thông toàn cầu; xoay vần giữa những nhiễu loạn thông tin, trí ngu đồng đẳng, thực giả khó phân, chánh kiến tà kiến không phân biệt, Phật thuyết, ma thuyết đồng giá. Và, trong một đất nước trải qua 20 năm chiến tranh huynh đệ tương tàn, dù được biện minh hay lý giải bằng bất cư lý luận gì: vì một xã hội tiến bộ được định hướng theo ý thức hệ gì, duy tâm, duy vật hay duy linh các thứ, thì thực tế không thể phủ nhận đối với ai còn đủ lương tri để nhìn lại lịch sử dân tộc, hòa bình và thống nhất đã đẩy dân tộc dấn sâu vào hận thù, nghi kị kéo dài trên nửa thế kỷ vẫn chưa có dấu hiệu hòa dịu. Trong một thế giới như vậy, một đất nước như vậy, chúng đệ tử Phật, trực tiếp hoặc gián tiếp, có ý thức hay không ý thức, dễ bị cuốn hút trong vòng xoáy của danh vọng và lợi dưỡng, đã minh giải những giá trị chân thật được tác thành bởi Minh và Hành xuất thế bằng những giá trị thế tục; từ nơi đó khoét sâu và làm vỡ cộng đồng hòa hiệp mà đức Thích Tôn đã thiết lập bằng Pháp và Luật thiện thuyết.” (xem chú thích 1)
Bản Công bố nói rõ trong thế giới “điên đảo tranh chấp quyền lực, danh vọng, lợi dưỡng,” và trong một đất nước “dấn sâu vào hận thù, nghi kị kéo dài trên nửa thế kỷ vẫn chưa có dấu hiệu hòa dịu,” đã dẫn tới hệ quả tất yếu là “chúng đệ tử Phật, trực tiếp hoặc gián tiếp, có ý thức hay không ý thức, dễ bị cuốn hút trong vòng xoáy của danh vọng và lợi dưỡng,…”
Bản công bố của Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương Viện Tăng Thống – GHPGVNTN
Điều này là một sự thật không thể chối cãi trong thực trạng của Phật Giáo Việt Nam trong nước hiện nay. Thượng Tọa Thích Thanh Thắng là vị Tăng sĩ thuộc thế hệ trẻ lớn lên tại Việt Nam, người có nhiều bài viết phản ảnh những biến chất của Tăng, Ni và những bất ổn của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam trong nhiều năm qua, trong một bài viết gần đây được đăng trên trang mạng Thư Viện Hoa Sen có tựa đề “Hanh Giáo Hạo Đại” (đọc ngược là ‘háo danh hại đạo’), đã viết như sau:
“Nay hướng đi của Phật giáo lại nhuốm màu của cai trị thế tục, hành xử kiểu quyền hành, dọa nạt. Toàn bộ cơ chế hành chính chạy theo ngành dọc, tạo ra các nhóm lợi ích, đua chức, chạy quyền, nhìn chùa thấy lợi, lạm dụng chữ phước…
“Thể chế toàn trị, Phật giáo cũng trở thành công cụ phục vụ thế quyền, xum xoe nịnh bợ, sắp đặt nhân sự nhằm tranh giành mối lợi, từ đó đánh mất đạo tình, rời xa nhân nghĩa… Kẻ này cậy thế làm được, kẻ kia bắt chước làm theo, đến nỗi tuổi tác đã cao cũng vẫn ham danh hám lợi.”[7]
Thầy Thích Thanh Thắng nói đến việc “Phật giáo cũng trở thành công cụ phục vụ thế quyền,” là một thực tế bởi vì Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam là thành viên của Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, một tổ chức ngoại vi của Đảng CSVN, từ lúc mới thành lập đến nay và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Tôn Giáo Chính Phủ. Một bằng chứng cụ thể mới đây về việc Ban Tôn Giáo Chính Phủ đã can thiệp vào sinh hoạt của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam từ nhân sự đến chính sách được hé lộ ra ánh sáng nhân vụ thuyên chuyển Thầy Trúc Thái Minh, trụ trì Chùa Ba Vàng tại tỉnh Quảng Ninh vào làm Phó Ban trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Bình, mà hai bản tin của Đài Á Châu Tự Do (RFA) phát đi hôm 23 và 25 tháng 8 năm 2022 đã cho thấy rõ. Bản tin của RFA ngày 23 tháng 8 năm 2022 viết như sau:
“Đại đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng, tỉnh Quảng Ninh, đã được phân công đảm trách phó ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Bình nhiệm kỳ 2022-2027, kiêm Trưởng Ban Phật giáo quốc tế tại Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh Quảng Bình lần thứ IV vừa qua.
“Ông Trần Đức Thủy – Trưởng Ban tôn giáo tỉnh Quảng Bình xác nhận thông tin trên với truyền thông Nhà nước trong ngày 23/8.
“Ông Thủy đồng thời cho hay, việc bổ nhiệm người ở địa phương khác vào Ban trị sự Giáo hội Phật giáo của tỉnh là rất bình thường. Thẩm quyền luân chuyển bổ nhiệm do Sở Nội vụ và Ủy ban tỉnh quyết định và đã được Giáo hội Phật giáo Việt Nam phê duyệt.”[8]
Nhưng một ngày sau đó, thì ông Trần Đức Thủy đã phải lên tiếng đính chính rằng việc bổ nhiệm Thầy Trúc Thái Minh là do GHPGVN quyết định không phải Sở Nội Vụ và Ủy ban tỉnh quyết định. Bản tin Đài RFA ngày 25/8/2022 viết như sau:
“Ban tôn giáo tỉnh Quảng Bình lên tiếng đính chính việc Đại đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) được bổ nhiệm làm phó Ban trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Bình không phải do Sở Nội vụ, Uỷ ban tỉnh quyết định mà do nội bộ Giáo hội Phật giáo Việt Nam lựa chọn, thực hiện.
“Thông cáo báo chí thanh minh sự việc trên được Ban Tôn giáo tỉnh Quảng Bình phát đi vào tối ngày 24/8 chỉ một ngày sau khi ông Trần Đức Thuỷ, trưởng Ban tôn giáo tỉnh này xác nhận với truyền thông rằng trụ trì chùa Ba Vàng, tỉnh Quảng Ninh, đã được phân công đảm trách phó ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Bình nhiệm kỳ 2022-2027, kiêm Trưởng Ban Phật giáo quốc tế tại Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh Quảng Bình lần thứ IV vừa qua.
Ông Thuỷ, cùng lúc đó, xác quyết thẩm quyền luân chuyển bổ nhiệm trụ trì chùa Ba Vàng do Sở Nội vụ và Ủy ban tỉnh quyết định và đã được Giáo hội Phật giáo Việt Nam phê duyệt.”[9]
Thực ra, chính quyền VN không nên đính chính vì có đính chính thì cũng vô ích, bởi lẽ mọi người đã biết rõ rằng GHPGVN trực tiếp chịu sự chỉ đạo của Ban Tôn Giáo Chính Phủ.
Điều này rất dễ thấy vì chỉ cần nhìn vào cái khẩu hiệu “Đạo pháp, Dân tộc, Chủ nghĩa xã hội” đi kèm với danh xưng của GHPGVN thì ai cũng thấy rõ là Giáo Hội này là công cụ của chính quyền. Gắn chặt “Chủ nghĩa xã hội” theo sau “Đạo pháp, Dân tộc” thì chỉ biến “Chủ nghĩa xã hội” thành một cái đuôi nặng nề xấu xí làm cho “Đạo pháp, Dân tộc” không thể thăng hoa, tiến bộ và hướng tới tương lai tươi sáng được! Đó là sự gán ghép rất khiên cưỡng, rất nghịch lý và rất trái đạo lý nữa. “Chủ nghĩa xã hội” là một chủ nghĩa, một ý thức hệ đã lỗi thời, bị chính nơi khai sinh ra nó là nước Nga đào thải từ cuối thập niên 1980s. Trong khi Đạo pháp là con đường khế lý và khế cơ để giúp con người giác ngộ vô minh và vượt thoát khổ đau đã tồn tại và phát triển trên 2,600 năm trên khắp thế giới và hơn 2,000 năm tại Việt Nam. Còn Dân tộc Việt Nam đã có mặt và tồn tại trên lãnh địa mà ngày nay là nước Việt Nam, với nền văn hiến trên 4,000 năm.
Trong Tâm Thư gửi đến chư Tăng, Ni và đồng bào Phật tử trong và ngoài nước vào ngày 24 tháng 9 năm 1992, Đức Đệ Tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang, lúc đó là Quyền Viện Trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN, đã kêu gọi:
“Hãy bỏ khẩu hiệu “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội,” vì Phật giáo Việt Nam chưa bao giờ và sẽ tiếp tục không bao giờ tôn thờ, hoặc làm công cụ tuyên truyền cho bất cứ một chủ nghĩa chính trị nào.”[10]
Nói như thế không có nghĩa là GHPGVNTN không có thiện chí muốn làm việc với Nhà nước và nhân dân VN để “xây dựng đất nước theo truyền thống Phật giáo, dân tộc.” Trong Đơn Xin Cứu Xét Nhiều Việc gửi cho các nhà lãnh đạo Đảng và chính quyền VN vào ngày 25 tháng 6 năm 1992, Đức Đệ Tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang, lúc đó là Quyền Viện Trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN đang bị quản thúc tại Quảng Ngãi, đã viết như sau:
“Giáo Hội chúng tôi muốn làm việc với Nhà nước và nhân dân, để xây dựng đất nước theo truyền thống Phật giáo, dân tộc. Nhưng không thể làm việc được, hoặc làm việc trong sự điều khiển của một chế độ, còn xem tôn giáo là kẻ thù và nhúng nhiều tay kiểm soát can thiệp nội bộ tôn giáo chưa từng có trong lịch sử tôn giáo tại Việt Nam!” (xem chú thích 10, tr. 131-32)
Ở các nước tự do, dân chủ trên thế giới ngày nay, tôn giáo đã được tự do hành đạo với quyền tự quyết đối với mọi hoạt động của mình mà không bị thể chế chính trị điều hành đất nước buộc phải trở thành thành viên của bất cứ cơ thế chính trị ngoại vi nào. Tất nhiên, để có được sự tự do này, người dân ở các quốc gia đó cũng phải đánh đổi bằng sự tranh đấu và hy sinh lâu dài. Chẳng hạn, những người di dân từ Anh Quốc và Châu Âu đầu tiên đến Tân Thế Giới do kinh nghiệm đau thương mất tự do tôn giáo ở quê nhà nên đã thiết lập một thể chế chính trị điều hành quốc gia với quyền tự do tôn giáo được tôn trọng triệt để.
Nhờ vậy, các tôn giáo mới có thể tự do phát triển và nhà nước cũng không bị ảnh hưởng hoặc thao túng bởi các thế lực tôn giáo. Tại Miền Nam Việt Nam sau pháp nạn năm 1963 cho đến trước năm 1975, các tôn giáo cũng có được tự do hành đạo. Chính vì thế, GHPGVNTN đã có thể phát huy một cách có hiệu quả tiềm năng sẵn có của một Đạo Phật Việt có mặt hơn hai ngàn năm trên đất nước để góp phần vào việc xây dựng và phát triển xã hội qua nhiều lãnh vực như văn hóa, giáo dục, đạo đức, tâm linh, v.v…
Trong bối cảnh của đất nước và Phật Giáo Việt Nam như thế thì sự tiếp tục có mặt và phát triển của GHPGVNTN là điều cần thiết.
Tại sao phải phục hoạt Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất?
Chỉ trong khoảng trên dưới nửa thế kỷ, kể từ phong trào chấn hưng Phật Giáo vào đầu thập niên 1930 đến đầu năm 1975, dù trong hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn vì chiến tranh, Phật Giáo tại Miền Nam cũng đã nỗ lực phi thường để mở ra một trang sử mới với những thành quả sáng chói mà trải qua nhiều thế kỷ trước đó chưa làm được. Trong khi đó, Phật Giáo tại Miền Bắc dưới chế độ Cộng Sản hầu như không còn sinh hoạt được nữa. Phật Giáo tại Miền Nam đã tạo được một sức mạnh đoàn kết Tăng già và cư sĩ thuộc các tông phái khác nhau để bảo vệ Đạo Pháp vượt qua cơn pháp nạn năm 1963. GHPGVNTN sau khi được thành lập vào đầu năm 1964 đã tạo ra nhiều thành tựu lịch sử, mà cụ thể nhất là đẩy lùi được tệ nạn mê tín dị đoan lan tràn trong các sinh hoạt Phật Giáo trước đó; chế định lại các nghi lễ thống nhất và cách thờ Phật tại các chùa; phục hồi lại quy củ của sinh hoạt Thiền môn mà cụ thể nhất là việc thực thi các nghi quỹ giới luật; xây dựng và phát triển hệ thống giáo dục Trung Tiểu Học Bồ Đề trên toàn quốc; đồng lúc là Viện Đại Học Vạn Hạnh chỉ trong 9 năm đã trở thành một trong những Đại Học tư thục có uy tín hàng đầu trong nền giáo dục tại Á Châu. Tất cả những thành tựu đó đều nhờ vào nỗ lực tự thân và tự quyết của Tăng, Ni và Phật tử mà không phải lệ thuộc vào bất cứ thế quyền nào. GHPGVNTN do vậy là Giáo Hội dân lập đúng nghĩa. Qua đó, chúng ta thấy rằng nếu Phật Giáo Việt Nam có cơ hội tự quyết định vận mệnh của mình thì từ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 đến nay đã chắc chắn có được những bước phát triển ngoạn mục, với nội hàm của một Đạo Phật truyền thống hơn hai ngàn năm.
Trong bản Công bố của Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương GHPGVNTN được phổ biến hôm 1 tháng 9 năm 2022 có viết rằng:
“Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất không phải là một hiệp hội thế tục, do đó, không tự đặt mình dưới sự chỉ đạo của bất cứ quyền lực thế tục, không là công cụ bảo vệ sự tồn tại của bất cứ xu hướng chính trị, của bất cứ tổ chức thế tục nào; không hành đạo, hoằng đạo theo bất cứ định hướng ý thức hệ nào; duy chỉ một định hướng duy nhất: Thập phương Bạc-già-phạm nhất lộ Niết-bàn môn; một cứu cánh duy nhất là giải thoát.” (xem chú thích số 1)
Trong đoạn trích trên từ bản Công bố, Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương GHPGVNTN đã minh định rõ ràng không còn nghi ngờ gì nữa về định hướng và cứu cánh mà GHPGVNTN đã, đang và sẽ đi tới. Đó là “duy chỉ một định hướng duy nhất: Thập phương Bạc-già-phạm nhất lộ Niết-bàn môn; một cứu cánh duy nhất là giải thoát.”
Định hướng duy nhất của GHPGVNTN là vào cửa Niết-bàn của mười phương chư Phật. Cứu cánh duy nhất của GHPGVNTN là giải thoát sanh tử khổ đau. Đó là mục tiêu tối hậu mà người con Phật nhắm tới trên con đường tu tập và hành đạo. Nếu không thì mọi hành hoạt sẽ trở thành phi Chánh Pháp.
Điều này đã được chứng minh rất rõ trong bản Công bố của Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương GHPGVNTN ban hành ngày 1 tháng 9 năm 2022, đề cập tới danh xưng của hai Hội Đồng Viện Tăng Thống: “Pháp Tòa Hoằng Pháp và Pháp Tòa Hoằng Giới.”
“Cơ cấu lâm thời của Hội Đồng Viện Tăng Thống gồm hai Hội đồng, mệnh danh là Pháp Tòa Hoằng Pháp và Pháp Tòa Hoằng Giới, đứng đầu bởi một vị Thượng Thủ, điều hành bởi một vị Điển Tòa.
“Pháp Tòa Hoằng Pháp hướng dẫn nội dung và các phương tiện thuyết giáo y chỉ nguyên tắc Khế lý và Khế cơ.
“Pháp Tòa Hoằng Giới y chỉ Tì-ni tạng duy trì kỷ cương và cương lĩnh của Tăng-già, giáo giới và xiển minh ý chỉ Phật chế Tì-ni tạng, hành sự chất trực, nhu nhuyễn; hoằng dương giới đức và truyền thụ giới phẩm cho bốn chúng đệ tử, gồm xuất gia và tại gia.” (xem chú thích số 1)
Đọc hai chữ “Pháp tòa,” người viết bài này có cảm giác thật ấn tượng và sực nhớ đến hai chữ “Pháp tòa” thường được nhắc đến trong các Kinh điển. Cũng từ điều này làm cho người viết có suy đoán rằng Hiến Chương GHPGVNTN có thể cũng sẽ được tu chính với cách dùng từ ngữ mang đầy ý nghĩa Đạo Pháp.
Trong bản Công bố của Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương GHPGVNTN cũng đã nhấn mạnh đến hoạt động của Giáo Hội như sau:
“Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương thể hiện bản thể thanh tịnh hòa hợp của Tăng-già, làm sở y cho bốn chúng đệ tử hành Đạo và hóa Đạo, tác Như Lai Sứ, hành Như Lai sự.
“Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương kế thừa sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh của Lịch đại Tổ Sư, kế thừa và phát huy lý tưởng phụng sự Dân tộc và nhân loại như đã được minh định bởi Hiến Chương của Giáo Hội, vì một đất nước thanh bình an lạc, vì một truyền thống nhân ái bao dung, vì một xã hội đạo đức tôn trọng phẩm giá của con người, tôn trọng các quyền tự do bình đẳng giữa người và người.” (xem chú thích số 1)
Đức Đệ Tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang đã viết trong Tâm Thư gửi cho Tăng, Ni và đồng bào Phật tử trong và ngoài nước được phổ biến vào ngày 24 tháng 9 năm 1992, lúc ngài còn là Quyền Viện Trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN và đang bị quản thúc tại Quảng Ngãi:
“Phật giáo Việt Nam suốt mấy ngàn năm lịch sử luôn luôn đứng về phía quần chúng bị áp bức, khổ đau để chống đối với cái ác, cái mê lầm, tham lam và tàn bạo.” (xem chú thích số 10, tr. 169)
Phật Giáo không chống đối chính quyền với ý định lật đổ chính quyền đó hay với tham vọng quyền bính thế tục. Phật Giáo chỉ chống lại “cái ác, cái mê lầm, tham lam và tàn bạo” của bất cứ thế lực chính trị nào áp đặt lên người dân. Khi người dân bị đối xử không bao dung, phẩm giá bị chà đạp, quyền tự do bình đẳng giữa người và người không được tôn trọng, thì một Giáo Hội tự nhận là đại diện cho quần chúng nhân dân bị áp bức đó phải lên tiếng. Sự lên tiếng trong các trường hợp này không thể được diễn dịch một chiều đầy thành kiến và ác ý là chống đối chính quyền hay là “phản động,” mà là một thái độ tự nhiên phải làm khi thấy người dân thấp cổ bé miệng bị đối xử tàn bạo. Theo truyền thống dân tộc Việt Nam, đó là hành động trượng nghĩa, phù hợp với luân thường đạo lý làm người.
Theo pháp lý quốc tế, đó là các quyền dân sự ắt phải có của người dân mà một khi chính quyền của nước đó đã ký tham gia thì phải bảo vệ các quyền đó cho người dân. Các quyền đó cũng đã được ghi trong Công Ước Quốc Tế Về Các Quyền Dân Sự và Chính Trị do Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc thông qua vào ngày 16 tháng 12 năm 1966 và có hiệu lực bắt đầu từ ngày 23 tháng 3 năm 1976, mà trong đó có Nhà Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam ký tên chấp thuận tham gia, có nghĩa là cam kết tôn trọng, vào ngày 24 tháng 9 năm 1982.
Cho nên, GHPGVNTN có lên tiếng khi các quyền dân sự của người dân bị chà đạp thì cũng không nên bị kết án là chống chính quyền hay phản động. Đúng ra, chính quyền nên nhìn thấy mặt xây dựng tích cực đối với việc lên tiếng như thế, bởi vì có như vậy thì chính quyền mới biết mà sửa sai và người dân mới bớt khổ, và hệ quả tất yếu theo sau là chính quyền được lòng dân.
Từ các đoạn trích dẫn ở phần trên trong bản Công bố của Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương cho phép người viết bài này dự đoán về hướng đi của GHPGVNTN sắp tới như sau: Thứ nhất là Viện Tăng Thống với hai Pháp Tòa Hoằng Pháp và Pháp Tòa Hoằng Giới sẽ là cơ quan lãnh đạo tối cao của GHPGVNTN chỉ đạo về mặt hoằng dương Chánh pháp và mặt duy trì kỷ cương giới luật cho hai chúng xuất gia và tại gia. Thứ hai là Viện Hóa Đạo, theo danh xưng của Hiến Chương GHPGVNTN, bản tu chính vào ngày 12 tháng 12 năm 1973, sẽ là cơ quan điều hành các Phật sự trong nhiều lãnh vực như văn hóa, giáo dục, cư sĩ, thanh niên, từ thiện xã hội, v.v… Tất cả đều nhắm đến việc “công bố lý tưởng hòa bình của giáo lý Đức Phật” “để phục vụ cho nhân loại và dân tộc,” theo như Lời Mở Đầu của Hiến Chương GHPGVNTN.
Kết luận
GHPGVNTN, từ ngày thành lập vào tháng 1 năm 1964 đến nay, năm 2022, đã tồn tại 58 năm. Dù trải qua bao thăng trầm lịch sử theo vận nước nổi trôi, mà có lúc tưởng chừng như sức tàn lực kiệt, vì những chướng duyên từ bên trong hay bên ngoài, GHPGVNTN vẫn còn đó với dân tộc này. Đã có biết bao nỗ lực, âm mưu, kế hoạch, chính sách nhằm triệt hạ, GHPGVNTN vẫn còn đó trong chí nguyện và hoài bão của lịch đại Tổ Sư. GHPGVNTN còn tồn tại vì đó là Giáo Hội dân lập đứng trên lập trường Dân tộc và Đạo pháp thuần khiết.
GHPGVNTN tự thân hàm ngụ chí hướng xuất thế của Đức Phật và lịch đại Tổ Sư, dù hiện thân là một tổ chức tôn giáo nhập thế đi vào xã hội. Cho nên, GHPGVNTN bề ngoài là hình thức của cơ chế thế gian, nhưng nội hàm bên trong là thượng cầu Phật đạo và hạ hóa chúng sinh, tức thi thiết hạnh và nguyện của Bồ-tát đạo. Với bản thể như thế thì GHPGVNTN không thể tự đặt mình dưới sự sai khiến của bất cứ cơ cấu chính trị thế tục nào, bởi vì nếu làm như vậy thì Giáo Hội tự đánh mất mục tiêu cứu cánh xuất thế của mình.
Có thể có người nói rằng thì cứ xem như là phương tiện quyền xảo để hành đạo trong thời pháp nhược ma cường cũng nên! Thực tế bốn mươi năm có mặt của GHPGVN đã không cho người ta có thể suy nghĩ theo chiều hướng đó, mà ngược lại.
Cho nên, phục hoạt GHPGVNTN là nhu cầu cần thiết để duy trì một Giáo Hội truyền thống nằm trong lòng dân tộc và lịch sử hơn hai ngàn năm của Phật Giáo Việt Nam. Vị Giáo Phẩm mang trọng trách phục hoạt GHPGVNTN hiện nay là Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ.
Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ dù thân mang trọng bệnh vẫn canh cánh bên lòng lời ủy thác của Đức Đệ Ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ để dựng lại Viện Tăng Thống và Viện Hóa Đạo GHPGVNTN. Đồng thời Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ vì tiền đồ của Phật Giáo Việt Nam và vì sự sinh tồn của GHPGVNTN đã nỗ lực không ngừng thực hiện các Phật sự có ảnh hưởng lâu dài trong và ngoài nước để thúc đẩy sự phát triển của Phật Giáo Việt Nam và tạo thuận duyên cho công cuộc phục hoạt GHPGVNTN. Tháng 5 năm 2021, Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ khuyến thỉnh chư tôn đức Tăng, Ni và cư sĩ Phật tử tại hải ngoại thành lập Hội Đồng Hoằng Pháp để mở rộng công cuộc truyền bá Chánh pháp, đặc biệt nhắm đến giới trẻ, giữa thời đại khoa học kỹ thuật và truyền thông xã hội tiến bộ vượt bực. Cuối năm 2021, một Đại Hội của Hội Đồng Hoằng Pháp lần đầu tiên được tổ chức trên mạng qua Zoom quy tụ gần 500 đại biểu trên khắp thế giới.
Cũng qua Đại Hội Hội Đồng Hoằng Pháp này, Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ cùng Giáo Sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát công bố việc thành lập Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời để kế thừa sự nghiệp phiên dịch Tam Tạng Kinh Điển của Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng do Viện Tăng Thống GHPGVNTN thành lập vào tháng 10 năm 1973.
Khi Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ, Đệ Ngũ Tăng Thống GHPGVNTN, chọn Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ để ủy thác việc điều hành Viện Tăng Thống và khi thuận duyên thì dựng lại Hội Đồng Lưỡng Viện, ngài đã không tìm thấy ai khác có đủ tài năng, tầm vóc và phẩm đức ngoài Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ.
Quả đúng như thế. Khi được biết Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ đã được Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ ủy thác trọng trách của Giáo Hội vào ngày 14 tháng 5 năm 2019, Tăng, Ni và Phật tử các giới ở khắp nơi đều hoan hỷ tán trợ. Rồi mới đây, khi được biết Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ đã thỉnh mời một số vị Hòa Thượng nguyên là thành viên Viện Hóa Đạo được thỉnh cử trong Đại Hội Nguyên Thiều năm 2003 để thành lập Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương và cung thỉnh Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ lên ngôi vị Chánh Thư Ký kiêm Xử Lý Thường Vụ Viện Tăng Thống GHPGVNTN vào ngày 21 tháng 8 năm 2022 thì chư Tăng, Ni và Phật tử trong ngoài nước lại một lần nữa rất vui mừng và tán trợ.
Có lẽ mọi người đều biết rằng công cuộc phục hoạt GHPGVNTN còn nhiều gian nan và cần nhiều sự hỗ trợ của chư tôn đức Tăng, Ni và cư sĩ Phật tử các giới trong và ngoài nước. Sự lên tiếng ủng hộ của chư tôn đức Tăng, Ni và cư sĩ Phật tử là điều có thể làm được và cần làm bây giờ để tạo năng lượng tập thể thù thắng hầu chuyển hóa những chướng duyên thành thuận duyên cho công tác Phật sự trọng đại này, mà Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ đang gánh vác.
Cầu nguyện Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất sớm phục hoạt.
[1] https://hoangphap.org/hoi-dong-giao-pham-trung-uong-giao-hoi-phat-giao-viet-nam-thong-nhat-vien-tang-thong-tran-trong-cong-bo/
[2] https://uyennguyen.net/2020/05/31/29761/
[3] https://quangduc.com/a68013/di-ngon-le-tuong-niem-duc-truong-lao-hoa-thuong-thich-quang-do-ngay-18-04-2020
[4] https://quangduc.com/a68013/di-ngon-le-tuong-niem-duc-truong-lao-hoa-thuong-thich-quang-do-ngay-18-04-2020
[5] https://quangduc.com/a68013/di-ngon-le-tuong-niem-duc-truong-lao-hoa-thuong-thich-quang-do-ngay-18-04-2020
[6] https://hoangphap.org/tam-thu-15-uoc-nguyen-tang-gia-hoa-hop/
[7] https://thuvienhoasen.org/a38121/hanh-giao-hao-dai
[8] https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/head-of-ba-vang-pagoda-appointed-as-deputy-head-of-buddhist-executive-board-of-quang-binh-province-08232022075650.html
[9] https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/quang-inh-corrects-appointment-of-head-of-ba-vang-pagoda-as-deputy-executive-board-member-08252022081952.html
[10] Phật Giáo Việt Nam Biến Cố và Tư Liệu, Văn Phòng Thường Trực Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTNHN/Hoa Kỳ, 1996, tr. 170.