Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammàsambudihassà.
Những chữ tán tụng này được tìm thấy trong kinh bảo Pall cổ điển:
Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammàsambuddhassà‘ti.
Được dịch sang Việt ngữ như sau:
Kính lễ Đức Thế Tôn, Ứng cúng, Chánh Biến Tri
Hôm nay, vì sự gia tăng của ý thức và trí tuệ và trong dịp lễ Phật Đản khi ý thức và trí tuệ được tìm thấy đầu tiên trong thời đại của thế giới chúng ta bởi Đấng Thế Tôn. mà những lời tán tụng cổ điển này sẽ được minh giải. Chúng ta sẽ thấy cách nào những lời tán thán Đấng HÒA BÌNH TỐI THƯỢNG như Ngài được xưng tụng sau khi Giác Ngộ và cách nào PHÁP HÒA BÌNH Tối thượng này tự biểu lộ khác nhau như Đại Thanh Tịnh, Đại Từ Bi và Đại Trí Tuệ của Đức Phật.
Để có thể hiểu minh bạch sự Giác Ngộ của Đấng Thế Tôn, chúng ta phải biết rõ điều kiện của chính chúng ta như những con người rất bình thường. Đức Phật Cồ Đàm, sau kinh nghiệm Giác Ngộ, thường được coi như Mahàsamana, «Đại Sa Môn hay Đại Tịnh Lạc hay vị Hòa Bình Hiện thân». Chúng ta có thể thẩm định phần nào tính chất của Giác Ngộ bằng cách tìm hiểu đôi chút về sự hòa bình và an tịnh này. Trước hết, chúng ta hãy nghĩ về chúng ta. Chúng ta là tâm và thân thể, nhưng cái nào trong hai yếu tố này được hòa bình an tịnh. Chúng ta hãy nhìn vào tâm chúng ta, nhìn xem tâm đầy những tư tưởng xao động, một cuồng lưu ý tưởng, tri giác, hoài niệm, cảm giác ước muốn, sợ hãi, ảo tưởng v.v… Khi nào thì tâm này lắng lại, khi nào tâm thực sự hòa hình? Tâm luôn luôn bị rối loạn bởi những ước vọng khác nhau thế nào ? Con người, sự vật, kinh nghiệm hay những thứ trừu tượng hơn nữa như (danh vọng, những thứ này có thể là ước vọng của con người. Tất cả những cái đò là thứ lấy, chụp lấy, nắm lấy và thuộc về tham ái. Nhưng khi có ham muốn đối với một số kinh nghiệm, người ta còn bắt buộc phải gớm ghét những kinh nghiệm khác. Người ta tức giận, bất mãn, hay ghê tởm, hoặc có ác ý, hoặc nuôi căm thù tất cả những điều này thuộc về SÂN. Hoặc tâm người ta trở nên mê muội, trống rỗng, không muốn học hay hiểu, khước từ hiểu biết và bị bao trùm trong ngu si, tất cả những điều đó thuộc về Sĩ. Bây giờ, Tham, Sân, và Si không làm nên cho hòa bình nhưng luôn luôn cho xung đột và chúng càng được khuyến khích trong tâm bao nhiêu, càng xảy ra nhiều tranh chấp xung đột bấy nhiêu, cả trong con người và phản ánh ra xung quanh họ. Do đó chúng ta bị gọi là kẻ không hòa bình, không chế phục, không huấn luyện, bởi trạng thái của tâm chúng ta. Khi tâm chúng ta đã bị rối loạn bởi Tham, Sân, Si dưới những hình thức khác nhau, thì chúng ta đừng mong thân thể chúng ta hòa bình. Thân thể phải thay đổi vị trí thường xuyên. Từ đi chúng ta phải đổi ra ngồi, từ ngồi ra nằm hầu gắng tìm thoải mái. Chúng ta luôn luôn phải thay đổi vị trí của tay, chân và đầu bởi vì hòa bình và an tịnh trong thân thể thật là khó chịu và chúng ta muốn cố tránh sự khó chịu, bực bội này. Những giác quan của chúng ta cũng không chịu đứng yên bởi mắt phải lơ láo ngó đây ngó đó và chúng ta khao khát tất cả những ấn tượng cảm giác khác và tất cả những điều này đến lượt chúng lại khuấy động tâm và mang lại thêm nhiều rối loạn nội tâm. Không thanh tịnh trong tâm, không thanh thản trong giác quan hay thân thể, chúng ta tạo ra một môi trường thiếu, hòa bình xung quanh. Bởi hành động có dụng ý mà chúng ta gọi là kamma (nghiệp) qua ý, khẩu và thân, chúng ta tự tạo ra chúng ta trong vị lai và chúng ta tạo ra những môi trường vị lai xung quanh. Kamma có sức mạnh tồn tại và kết thành quả khi nhân duyên cho phép, và ác nghiệp phi nhân hóa chúng ta và làm hại những người khác, sẽ đưa đến những rối loạn và lộn xộn, trong cuộc sống này hay trong cuộc sống mai sau. Bởi thế, bằng cách theo đuổi con đường tham muốn và vị kỷ thế tục, chúng ta tạo ra cho chúng ta một tương lai ràng buộc trong phiền não và bất hạnh, kinh nghiệm đau đớn. Hòa bình không thể tìm thấy bằng đường lối này.
Nhưng bây giờ,chúng ta hãy nhìn một vài đặc tính của Đấng Thế Tôn của chúng ta. Chúng ta đã xét tới tính cách không hòa bình của con người thông thường trong tâm, thân và giác quan. Nhưng Đức Phật về phương diện này ra sao? Trước khi Giác Ngộ, Ngài đã tu luyện tâm trí, quả thực Ngài đã trau dồi tâm trí không những trong kiếp này mà còn trong nhiều tiền kiếp, trong đó Ngài đã phát triển nhiều đức tính cao thượng. Ngài đã tăng tiến một cách có hệ thống tất cả những khuynh hướng thánh thiện, đạo đức, trong bản thân Ngài qua nhiều pháp từ bi, đến nỗi trong kiếp cuối cùng, Ngài tu tập Đạo Pháp môn đưa Ngài đạt đến Giác Ngộ, mà một trong những đặc tính là sự hòa bình của mọi tư tưởng, thanh tịnh vắng lặng hoàn toàn của tâm. Đó cũng còn là sự hòa bình hóa của nghiệp và một người khi đã trở thành Phật không gây ra bất cứ nghiệp nào mà Ngài phải nhận chịu kết quả. Đấng Thế Tôn của chúng ta được coi như Đấng Mahàsamana, Đại Sa Môn hay Đại Hòa bình. Những kẻ may mắn hơn chúng ta và có thể gặp Phật Cồ Đàm trong sinh tiền Ngài, đều chú ý tới một điều : sự tĩnh lặng của giác quan Ngài. Nên giác quan chúng ta có khuynh hướng giống như dã thú lang thang trong rừng tới bất cứ nơi nào chúng muốn, giác quan Ngài hoàn toàn thuần thục dưới sự kiểm soát dễ dàng không cần cố gắng, tựa những con ngựa đã được điều phục của cỗ xe tráng lệ. Vì nội tâm ngài hoàn toàn hòa bình, nên không có tham ái nào tỏ lộ qua những giác quan, cử chỉ Ngài như người ta mô tả rất trang nghiêm và duyên dáng và thân thể Ngài chỉ cử động khi cần và không bao giờ ở trong tình trạng bứt rứt. Tuy nhiên như thế không có nghĩa là Ngài ngồi trong chỗ ẩn khuất thiền định suốt đời vì chúng ta biết rằng Ngài đi bộ chín tháng một năm và đi như vậy trong trong bốn mươi chín năm. Tuy thế, thân ngài vẫn hòa bình khi so sánh với những người khác. Một tâm hòa bình dĩ nhiên làm nên cho một thân hòa bình. Ngài có thể ngồi trong hòa bình toàn diện và hưởng niềm hoan hỷ cao viễn nhất trong bảy ngày bất động và không cần một chút cố gắng, vì sự hòa bình này là điều tự nhiên đối với những người đã giác ngộ. Trong lời nói của Ngài cũng vậy, Ngài thật hòa bình, những lời Ngài nói ra thảy đều liên quan tới pháp, một giáo lý đặt nền tảng trên sự giác ngộ và Luật, con đường tu tập dẫn tới Giác Ngộ. Lời nói của Ngài không bao giờ cho thấy sân hận hay tham ái, chúng không bao giờ biểu lộ si mê vì những tính xấu này làm sao có thể tìm thấy cho một Đức Phật?
Ngài là Mahàsamana Đại Sa Môn, một vị có tâm hòa bình, giác quan hòa bình, ngôn ngữ hòa bình và một thân thể hoàn toàn hòa bình. Vì sự hòa bình này, Ngài được tán tụng với những chữ sau đây: Samo tassa Bàhagavato Arahato Sammà- sambuddhassa».
Bây giờ đã đến lúc đi sâu vào ý nghĩa của những chữ này, bởi bằng cách này, chúng ta sẽ hiểu biết thêm nhiều về Mahàsamana. Ở đây có ba chữ cần phải khảo sát là«Bhagavat»,«Arahat» và «Sammàsambuddha». Mỗi một chữ trình bày trong những phương tiện chủ yếu của Giác Ngộ: Đại Từ Bi, Đại Thanh Tịnh và Đại Trí Tuệ.
Trước hết chúng ta hãy xem chữ«Bahagavat» (Thế Tôn) thường có nghĩa là Đại Từ Bi.«Bahagavat» có thể có nhiều nghĩa nhưng trước tiên vẫn có nghĩa là «kẻ có nhiều đức tính tốt đẹp» và do đó thường được dịch sang Việt ngữ là «Đức Thế Tôn» chữ này cũng còn được dịch là « Từ Phụ». Đức Thế Tôn có loại từ bi nào? chúng ta trước hết hãy nghĩ đến lòng từ bi của chúng ta. Nó khởi lên từ tâm chúng ta khi chúng ta nhìn thấy hay nghe thấy những nỗi đau khổ và cùng với nó nẩy ra ước muốn giúp đỡ chúng sinh bất hạnh đang khổ đau. Trong những lúc khác, đặc biệt khi chúng ta miệt mài vào khoái lạc riêng, chúng ta không có lòng từ bi bởi lẽ ngã và ngã ái che lấp ánh sáng của từ bi. Nhưng giả thử cỏ một người đã đoạn trừ ngã và ngã ái bằng mọi cách trong người, từ bi có thể tỏ lộ mọi thời. Người này là đấng Đại Hòa Bình, đấng Mabàsamana. Trong ngài lòng từ bi thường hằng và tự nhiên. Lòng từ bi nầy không cần phải vun trồng, nhưng nó tự khởi lên lúc Giác Ngộ. Nó cũng không cần một đối tượng, như một chúng sinh đau khổ, để kích thích nó, bởi nó hiện hữu ngay cả trong lúc không có bất cứ một cá nhân nào. Cái đức tính tự nhiên không bị ngăn ngại này của một Đức Phật được gọi là lòng Đại Từ Bi của Ngài. Chư Phật nhìn thấy cách nào chúng sinh bị giàng buộc với tội lỗi và những dục lạc nguy hiểm, nguyên nhân của khổ đau tiếp nối, mặc dầu họ ước muốn hòa bình và hạnh phúc. Chư vị thấy rằng chúng sinh chưa giác ngộ chẳng hiểu Đạo chưa thoát khỏi những băn khoăn rối bời và luôn luôn những nỗ lực mưu cầu hòa bình và hạnh phúc của họ bị hướng dẫn một cách lầm lạc và chỉ tạo ra những khổ đau gia tăng. Một kinh bản Phật Giáo cổ điển giải thích về lòng Đại Từ Bi của một Đức Phật trong nhiều câu kệ.
«Đấng Giác Ngộ, bởi Ngài thấy loài người trầm luân trong Đại Dương Sinh, Tử và Khổ Đau, và muốn cứu độ họ; vì lẽ đó Ngài động lòng từ bi, bởi Ngài thấy họ tạo ác pháp bằng tay, tâm và lưỡi, và biết bao lần nhận chịu quả đắng cay của tội lỗi, nhưng vẫn nhượng bộ dục vọng mình; vì lẽ đó Ngài động lòng từ bi. Bởi Ngài nhận thấy họ dầu khát vọng hạnh phúc không tạo được cho mình lạc nghiệp và dẫu ghét đau khổ, tuy sẵn sàng tạo cho mình khổ nghiệp; và họ thèm thuồng lạc thú cõi thiên, tuy nhiên chẳng theo Huấn Giới của Ngài ở thế gian; vì lẽ đó Ngài động lòng từ bi. Bởi Ngài thấy họ sống triền miên trong tội lỗi, chịu gông cùm của vua chúa bạo tàn và nhiều khổ sở; vì lẽ đó Ngài động lòng từ bi. Bởi Ngài thấy họ sống trong thời binh lửa, giết chóc, đả thương nhau; và biết rằng vì sân hận rối loạn phát triển trong tâm, họ tàn phá nhau tới muôn kiếp thù hằn, vì lẽ đó Ngài động lòng từ bi.
Bởi Ngài thấy con người thế gian cày ruộng, gieo hạt, đổi chát gian lận, cò kè buôn thúng bán bưng, rốt cuộc chẳng thu hoạch được chi ngoại trừ niềm đắng cay, vì lẽ đó Ngài động lòng từ bi.
Lòng Đại từ bi này được thực hành mỗi ngày trong đời sống đấng Thế Tôn. Chúng ta nghe nói rằng mỗi buổi ma khoảng từ bốn giờ tới sáu giờ, Ngài thường trải ra trên thế gian cái được gọi là «Lưới đại từ bi» thiên nhãn này cho phép Ngài quán sát thấy bất cứ chúng sinh nào cần cứu độ. Tất cả mọi chúng sinh sẵn sàng nương nhờ Chính pháp sẽ được «mắc» vào lưới này và sau khi nhìn thấy họ và biết rõ nhu cầu của họ và dẫn dắt họ thấu hiểu chính pháp. Ngay đến những kẻ nhất thời hư hỏng hoặc những người đã kề bên cái chết, ngay cả những kẻ đỏ mắt cũng không rời Thánh đế của Chính Pháp.
Đức Thế Tôn đã viên thành vô lượng từ bi pháp qua cuộc đời Ngài, và đó là một cuộc đời hoạt động không ngừng, cần nhiều sức chịu đựng bền bỉ. Ngài thường phải ngủ trên đất trần, gồ ghề lởm chởm, Ngài đã ngủ trong lâu đài xa hoa tráng lệ, tuy nhiên vì lòng từ bi vô lượng Ngài có thế nằm sương gối đất dễ dàng. Đôi khi Ngài phải bước đi lòng không dạ trống khi dân làng Bà La Môn chẳng chịu cúng dường, nhưng vì lòng từ bi cứu độ chúng sinh vô lượng nên sự thiếu thốn ấy dường như chẳng đáng kể gì. Nhiều phen trong mùa đông giá, chiếc y mỏng manh, vá víu của Ngài không mang lại chút hơi ấm nhưng Ngài được phủ ấm hơn trong lòng từ bi vô lượng. Tất cả những điều cực khổ đó chẳng đáng kê chi bởi lòng từ bi vô lượng của Ngài. Ngài không cần phải sống như thế, dòng họ Sakiya của Ngài hân hoan đón rước Ngài trở về, hay cư sĩ bảo trợ sẵn sàng cung cấp cho Ngài mọi tiện nghi, hay thêm nữa Ngài có thể để xác thân tịch diệt và bỏ cuộc sống lúc giác ngộ, nhưng thấy rằng một vài chúng sinh có «một chút bụi trong mắt» Ngài quyết định thuyết pháp vì lòng từ bi vô lượng.
Lòng từ bi, dù thản hoặc mới được thực hành bởi những kẻ chưa giác ngộ, còn tạo ra đôi chút hòa bình và hạnh phúc, huống hồ đấng mà hiện thân là từ bi, Ngài hẳn sẽ là suối nguồn vĩnh cửu của hòa bình. Nhưng để những kết quả của dòng suối mát và thanh tịnh này được thị hiện trên thế gian, con người phải thực sự đem những phiền não mình tắm gội trong đó. Dẫu lòng từ bi của Ngài vô lượng, tuy nhiên đã và đang còn có kẻ chẳng có ý nương nhờ. Thế gian luôn luôn như vậy, luôn sầu khổ bởi những người chẳng muốn rèn mình theo đường lối đạo đức v.v… mà lại thích buông mình vào ác pháp. Bởi thế lòng từ bi vô lượng này không phải là một sức mạnh có thể thay đổi toàn thể thế gian mà không có nỗ lực của con người và đấng Thế Tôn biết rằng thế gian sẽ chẳng biến thành tốt hơn hay xấu hơn, nhưng vì lợi ích của những kẻ không muốn thay đổi mình, Ngài dạy nhiều loại giới huấn thích hợp với nhiều người khác nhau, nhiều phương pháp thiền định khác nhau như thuốc chữa nhiều loại tâm bệnh khác nhau, và nhiều cách nâng cái trí tuệ và ý thức nhiều căn cơ khác nhau cần đến. Tất cả những thứ đó, giới huấn, thiền định, trí tuệ dĩ nhiên tạo ra mưu cầu hòa bình. Đó là Pháp gọi là santikara «hòa bình pháp» tự nhiên từ lâm đấng hiện thân hòa bình «Paranasonli» của Niếtbàn. Bởi lẽ đó đức Phật Gotama của chúng ta được coi như đấng «Mahasamana», Đại Sa Môn trở thành hiện thân Hòa Bình. Với một lòng đại từ bi như vậy Ngài được coi là «Bhagavat» đấng Thế Tôn và chúng ta phải nhớ điều đó khi tụng «Namo tassa Bhagavato Arahato sammàsambudhassa»
Sau khi đã thấy vài nét của lòng đại từ bi, bây giờ chúng ta hãy quay sang Đại Thanh Tịnh của Ngài được tôn vinh như hình dung từ của « A La Hán » Đấng có Chân Giá Trị. Khi chúng ta nghĩ tới điều đó, thì những cái chúng ta thường coi là có giá trị trong thế gian này hoặc có tính cách phù du hoặc nối kết với khả năng quấy lên dục vọng và đố kỵ. Mọi sự vật vật chất đều giống như vậy, nhưng con người thế tục thông thường lại đánh giá trị rất cao. Tuy nhiên, mọi tôn giáo đều đề cao giá trị tinh thần hơn của cải trần gian này. Đức Phật ca ngợi mọi công đức cao quí như kho báu đích thực con người nên tích trữ và hơn nữa với kho báu này, tâm được thanh lọc mọi ô trược của tham dục thèm muốn, trói buộc, đố kỵ, kiêu mạn và sân giận. Đó là một bước đi đến thanh tịnh. Phương pháp tu tập bản thân kiên quyết đó để buông xả ác pháp và vun trồng thiện đức, ân cần và cao thượng chỉ có thể thực hiện với một cố gắng lớn lao. Người ta gắng sức tránh tội lỗi và gia tăng thiện đức và điều đó gọi là «tinh tấn». Trong những tiền kiếp, đấng Thế Tôn đã tinh tấn tu lập phương pháp này và đã đoạn trừ mọi tội lỗi và vun trồng mọi thiện đức trong Ngài. Nhưng những khuynh hướng tội lỗi sâu thẳm và sự ràng buộc với thiện đức vẫn chưa được vượt qua mãi cho đến thời Giác Ngộ. Vào lúc đó, Ngài đi tới chỗ biết Đại Thanh Tịnh. Đối chọi với Đại Thanh Tịnh là thanh tịnh tâm của riêng chúng ta, phải tinh tấn lắm mới duy trì được. Chúng ta phải thường xuyên quán sát mình để những giới luật khỏi bị vi phạm nhưng một đức Phật hay một A La Hán đã đoạn diệt mọi khuynh hướng, có thể đưa tới việc vi phạm giới luật nên Ngài không cần phải cố gắng. Đức hạnh thanh tịnh tự nhiên đối với đấng đã tìm thấy Giác Ngộ bở tâm Ngài thanh tịnh. Chúng ta được biết, trong một cuộc đối thoại của đức Phật, rằng A La Hán không thể cư xử theo chín lối: «A La Hán không thể cố ý tước đoạt đời sống của một chúng sinh; cũng không theo lối trộm đạo lấy cái gì không được người ta cho mình; chẳng buông lung theo dục lạc; cũng chẳng loạn ngôn dối trá; chẳng tích chứa đồ ăn để uống ăn phè phỡn như trước kia khi còn là gia trưởng; A La Hán không thể sai lầm vì tham lam si mê hay sợ hãi». Khi chúng ta nghĩ tới bảng kê trên đây, chúng ta có thể thấy tất cả mọi khổ đau trong thế gian đều đến qua những hành động mà vị A la Hán không thể làm. Vì thế qua A la Hán, không có xao động hay bất cứ khổ đau nào phát khởi nhưng ngược lại, chỉ có thanh tĩnh và hạnh phúc. Một lần Đức Phật nói bằng thơ:
«Hoặc trong làng mạc hoặc trong cánh rừng,
Hoặc trong thung lũng hoặc trên núi đồi,
Bất cứ nơi nào A la Hán trú
Vui thú vô vàn nơi đó chẳng sai.»
Giá trị chân thực, vẻ đẹp chân thực, hoan hỷ chân thực, tất cả đều khởi qua thanh tịnh tâm. Hòa bình đích thực cũng khởi qua thanh tịnh tâm. Tâm ô nhiễm, uế trược hư hỏng bởi tham sân si chỉ có thể khởi lên xáo động và rối loạn. Từ cuộc đời Đấng Thế Tôn, người đã tìm thấy Hòa Bình, chúng ta biết rằng Ngài chỉ mang những thứ hạnh phúc khác nhau tới cho nhiều loại người khác nhau. Trong một kinh bản Ấn độ chúng ta đọc thấy câu:
«Ta sẽ bồi dưỡng mọi chúng sinh,
Những kẻ thân đã khô héo, bám vào Tam Giới,
Kẻ đã úa tàn trong đau khổ, ta sẽ đặt họ nơi thoải mái,
Và ta sẽ cho họ lạc thú và sự nghỉ ngơi cuối cùng».
Trong trường hợp Chư Phật và Chư vị A La Hán, tâm thanh tịnh không có nghĩa là một đỉnh cao cô liêu cách biệt thế gian. Trái lại, có Đại Thanh Tịnh này Chư vị có thể cứu độ chúng sinh của thế gian một cách vô cùng hữu hiệu, mà không bị thế tục lôi kéo xuống. Đức Phật và A La Hán thường được ví với bông sen. Sinh ra trong bùn của dục vọng và khao khát của thế gian, Chư vị lớn lên qua nước bùn tối đen ô trược của phiền não, bất thần cuối cùng vươn lên qua ánh sáng và không khí — để nhìn vầng thái dương của Chánh Pháp chiếu sáng lần đầu tiên, rồi lớn và căng phồng trong mọi Pháp môn tu tập thượng thừa, Chư vị trưởng thành và mở rộng hương hoa Giác Ngộ trong tâm. Không nước bùn nào có thể làm như bông hoa sen, bởi không uế trược nào dính vào đó cả, cũng không uế trược thế tục có thể bám vào A La Hán người đã đạt Đại Thanh Tịnh. Nhưng sương móc hoặc nước mưa đôi khi đọng như châu báu trên lá và lòng Liên Hoa. Đó chính là châu báu lấp lánh phẩm chất vô giá do A La Hán tìm thấy và bằng châu báu đóA La Hán có thể làm điều thiện cho những kẻ khác. Đấng Thế Tôn của chúng ta được tôn kính với tước hiệu « A La Hán » đấng đã có Đại Thanh Tịnh này một cách tự nhiên và luôn luôn, và trải ra xung quanh mình chánh Pháp kiến tạo Hòa Bình. Chúng ta phải nhờ điều này khi tụng: «Namo tassa Bhagaoato Arahato Sammàsambuddhassa».
Đức tính cuối cùng của một Đức Phật là Đại Trí Tuệ. Điều đó đã được giải thích dưới nhiều bản kê khai Đức tính, bởi quả thực một Đấng Chánh Đẳng Chánh Giác có vô lượng đặc tính, nhiều hơn cát bên bờ sông Hằng. Người ta đã nói về những Đấng Chánh Đẳng Chánh Giác như vầy: «Giới vức của Chư vị Chánh Đẳng Chánh Giác không thể tư lường, không thể suy tính; bất cứ kẻ nào cố gắng suy tính sẽ chỉ thu hoạch được điên cuồng và thất bại». Tri thức và trí Tuệ Chư vị vượt quá tầm giới hạn của tâm trí chưa giác ngộ bị Tham, Sân, Si vây bọc của chúng ta rất nhiều. Bởi thế chúng ta không nên thăm dò cái bất khả thăm dò mà chỉ nên quan sát sơ qua tâm điểm của trí tuệ đồng thời là Giáo lý đặc biệt của chư Phật này mà thôi: Nghĩa là Tứ Diệu Đế.
Những Chân Lý này áp dụng hay có thể áp dụng cho cuộc đời chúng ta hiện tại. Hai Chân Lý áp dụng ngay hiện tại, đó là Chân Lý về Khổ (Khổ Đế) và Chân Lý về Nguyên nhân của khổ (Tập Đế). Chữ khổ vụng về là một cố gắng dịch thuật ngữ «dukkha» của Pali. Chữ dukkha này chỉ mọi kinh nghiệm không muốn, khó chịu của tâm hay thân. Nó có thể là đau đớn xác thân từ sự khó chịu nhỏ nhặt nhất cho tới nỗi đau đớn ghê gớm nhất, hay nó có thể là đau đớn tinh thần từ nỗi phiền não nhỏ nhặt nhất – ưa hay không ưa hoặc buồn tẻ, tới sự xáo trộn tâm can trầm trọng nhất trong đó trí thông minh hoàn toàn bị lật nhào bởi sức mạnh của phiền não. Cá tính của chúng ta không được thỏa mãn và trong khi chúng ta đeo vào những yếu tố của cá tính này tin tưởng rằng nó là «của tôi» chúng ta sẽ không tìm thấy Hòa bình và Hạnh phúc đích thực. Chúng ta đi qua cuộc đời, cùng với tất cả chúng sinh, cố gắng tránh sự bất đắc chí hay dukkha này nhưng chúng ta họa hoằn mới hiểu làm cách nào thực hiện điều đó và say mê tìm dục lạc trong niềm tin tưởng rằng trong những dục lạc ấy chúng ta sẽ tìm thấy chân hạnh phúc. Nhưng Đức Thế Tôn dạy rằng dukkha cần phải được «thấu triệt» nghĩa là, nó không thể bị lảng tránh, nhưng phải được đối mặt một cách thẳng thắn bởi bất cứ kẻ nào muốn tu tập. Đệ nhất Diệu Đế về Dukkha mà chúng ta có thể kiểm chính bất kỳ lúc nào bằng chính kinh nghiệm riêng của chúng ta, cho thấy Đại Trí Tuệ của Đức Phật, Ngài đã thâu tóm một cách minh bạch sự xáo trộn tìm thấy bất cứ chỗ nào trong cuộc đời này nhưng sự phân tích của Ngài cần phải được nghiên cứu tỉ mỉ.
Khi đã thấu triệt Bậc nhứt Diệu Đế thì Đệ nhị Diệu Đế về Nguyên nhân Phát khởi Dukkha trở nên rõ ràng. Nguyên nhân này được gọi là tham ái tham dục sinh, tham diệt, và dục vọng này trong tâm chúng ta trở nên bền vững vì kinh nghiệm liên tiếp đến nỗi chúng ta sẽ tiếp tục quay tròn trong bánh xe sinh tử, luân hồi, trong đó có rất nhiều Dukkha. Nguồn gốc của Dukkha cần phải «đoạn diệt» nghĩa là dục vọng phải được trừ tận gốc bằng cách khép mình vào kỷ luật, bằng xả ly khước từ. Dục vọng càng có thể được xả ly bao nhiêu, hạnh phúc càng đến cho tự thân và cho tất cả mọi chúng sinh khác trong thế gian này bấy nhiêu. Diệu Đế này còn có thể thấy và hiểu thấu ngay trong cuộc sống hiện tiền. Người ta càng thấy dục vọng này trong mình bao nhiêu, người sẽ càng mong ước cởi bỏ nó bấy nhiêu, bởi sự xả ly dục vọng mang lại Hòa bình. Đại Trí Tuệ của Đức Phật có thể được nhận thức rõ ở đây bởi những ai quan tâm quán sát cho mình.
Bây giờ sự xả ly dục vọng, nếu được thành tựu, có nghĩa là Đệ Tam Diệu Đế, gọi là Diệt Đế. Sự diệt trừ dục vọng này phải được «thể hiện» trong tâm con người. Nó cũng được gọi là Niết Bàn, mục đích tối thượng của sự tinh tấn phấn đấu trong Chính Pháp, có nghĩa là sự dập tắt những ngọn lửa của tham, sân và si trong chúng ta, sự chấm dứt của ngã và ngã ái và kinh nghiệm về Hòa Bình Tối Thượng. Đệ Tam Diệu Đế này không thể nhìn thấy trong cuộc sống hiện tiền của chúng ta, nó chỉ được khám phá tìm thấy sau khi chúng ta đã «hoàn toàn thấu triệt dukkha» và đoạn từ nguồn gốc của Dukkha hay dục vọng.
Nhưng đa số sẽ đòi hỏi một lối đoạn trừ dục vọng, họ sẽ hỏi làm cách nào thực hiện điều đó? Bởi thế Đấng Thế Tôn với Đại Trí Tuệ đã phát biểu Đệ Tứ Diệu Đế về con đường tu tập dẫn tới Diệt trừ Dukkha. Và Chánh Đạo tu tập gồm có Giới Luật, Thiền định, và thanh tịnh hóa tâm bằng Trí Huệ. Đệ Tứ Diệu Đế này phải có trong đời sống những Phật tử chân thành tinh tấn phấn đấu hướng về Hòa Bình Tối Thượng cho chính họ, ý thức được rằng khi họ thể nghiệm điều đó, họ có thể giúp đỡ những người khác.
Tứ Diệu Đế này được khám phá như trọng tâm của Trí Tuệ, dễ nói, hoàn toàn dễ nhớ, nhưng không dễ thực hành và càng không dễ cho thường nhân quán sát trong tự thân. Để đạt được Đại Trí Tuệ này, người ta phải kêu gọi tới tinh tấn nhiệt thành, có thể mất nhiều năm và chỉ có người nào thực sự đề cao giá trị của hòa bình và hạnh phúc mới có thể được sửa soạn thực hiện nỗ lực này.
Hòa bình và hạnh phúc không phải chỉ là những đức tính trừu tượng của Đức Phật, chính Ngài và Giáo đoàn Tăng Già hòa bình và hạnh phúc phải được tìm thấy trong đời sống của Phật tử ngay tự bây giờ. Đại Trí Tuệ, được ghi nhớ khi chúng ta tán tụng Đấng Thế Tôn với hình dung từ «Chánh Đẳng Chánh Giác», giúp mang lại Hòa bình trong đời sống con người.
Bây giờ chúng ta chưa thể hiểu Đại Trí Từ Bi, Đại Thanh Tịnh và Đại Trí Tuệ, bởi tâm chúng ta chưa đủ tự do giải thoát để hiểu. Nhưng chắc chắn chúng ta có thể bắt đầu và trưởng thành trong hành động từ bi, trong quyết định chân thành thực hiện khôn ngoan và ý thức hành vi đạo đức và huấn giới và trong trí sáng suốt sâu xa về những việc chúng ta làm trong cuộc đời chúng ta. Bằng cách đó, chúng ta bước ra khỏi cái thế giới hỗn loạn tạo ra bởi tâm ô nhiễm, và hướng về lý tưởng biểu lộ cho chúng ta qua con người của Đấng Mahasamana, đấng Thế Tôn của chúng ta, người đã tìm thấy Đại Hòa Bình. Người ta càng tu tập bao nhiêu, tâm càng thanh tịnh bao nhiêu, hòa bình và hạnh phúc cho tất cả chúng sinh trong bất cứ trạng thái sự vật nào họ thường trụ càng có cơ thành tựu bấy nhiêu. Chúng ta hãy mang từ bi, thanh tịnh và trí tuệ vào tâm chúng ta, quán tưởng tới Đại Từ Bi, Đại Thanh Tịnh và Đại Trí Tuệ của Đấng Chánh Đẳng Chánh Giác khi chúng ta tụng:
«Namo tassa Bhagavato Arahato Sammàmabuddhassa»
Evain
Pháp nhĩ như thị
KHANTIPALO
Chơn Pháp dịch
_______________
Đ.Đ. Khantipalo, vị sư người Anh, đã được Viện Đại Học Vạn Hạnh mời qua Việt Nam dự tham dự vào cuộc phát biểu chung về Khả tính của Phật Giáo tronq vấn đề Hòa Bình. Bài phát biểu trên, nguyên văn Chữ Anh, do Chân Pháp dịch ra Việt văn.
[Tạp chí Tư Tưởng, số 2 năm 1969]