“Đèo Ngang Đông Dọc”
____________________________________
KIM ĐỊNH
I). LỐI VỀ
“Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen đá lá chen hoa
Lom khom dưới núi tiều dăm chú
Lác đác bên sông chợ mấy nhà”
Điều đáng ghi trước hết khi đọc xong bốn câu thơ trên là một tấm lòng thanh thoát không bám víu: cái nhìn đặt trên sự vật thật là lâng lâng như muốn bay bổng. Thoạt coi tưởng đâu như khách vô tình, nhưng nhìn lại mới nhận ra mối tình của khách nổi dậy tuy êm ả nhưng mênh mông bao la trùm cả nước, cả nhà, cả thiên địa.
“Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia”
Đó mới là mối tình phát xuất từ cội nguồn sâu thẳm làm bằng bâng khuâng xao xuyến. Thứ bâng khuâng gợi dậy do không gian đang loãng ra trước một lữ khách xa nhà, thứ xao xuyến do một thời gian ngày đang sửa soạn bàn giao cho thời gian đêm. Tất cả nhà, cỏ, hoa, đá đang bị xóa mất đường phân ranh và gây ra cho khách mối u hoài, như mong muốn một cuộc tương phùng mà chưa biết là với ai: một tác động chưa tìm ra đối tượng. Vì tất cả đang tản mát và chòm cây khối đá, lẩn lút giữa các quốc quốc gia gia.
Ở những mối tình khác như sợ hãi cầu mong người ta tìm ra được đối tượng hơn kém có qui định. Còn đây là mối tình rất mông lung, không thể xếp loại. Tình trong hai câu nhớ nước thương nhà hình như bao hàm cả hai loại tình đó. Thoạt tiên là tình có đối tượng tức là tình nhớ nước thương nhà, nhưng liền đó cả nước cả nhà bị hai tiếng trùng điệp “quốc quốc, gia gia” làm tan hòa vào phổ quát gồm hết mọi nước, mọi nhà và từ phổ quát tan vào phổ biến tức là nền tảng cho các nước gần nhau: nơi Ta ngoại gặp Ta nội trong một trạng thái Trung Dung siêu việt. Đó là đại để mấy nét chấm phá của lộ trình, mà đích điểm nằm trong ba chữ “ta với Ta”. Ba chữ đó bao hàm một nguồn vui siêu việt khôn tả và là một thành công chỉ thâu đạt được sau bao nguy hiểm bao cạm bẫy đã tránh được trên con đường dẫn đến chỗ hai ta tìm lại nhau. Người Việt Nam chúng ta quen sống trong bầu không khí nhân sinh không hay biết nhiều đến những nguy khốn rình chực nên ta coi kết quả đó cũng thường thường. Vì thế để ý thức được giá trị trong kết quả kia, cần nhận thức các mối nguy cơ. Nhưng trước tiên phải biết “ta với TA” là ai đây đã?
Thưa là “ta với Mình tuy hai mà Một”. Một trong trạng thái tháng nhất nguyên sơ (unité originelle) nhưng trong cuộc đại diễn vũ trụ cũng như trong xuất hoạt của con người bó buộc phải chia ly và từ hôm ấy…
“Sông Thương nước chảy hai chiều”…
“Quân tại Tương giang đầu
Thiếp tại Tương giang vĩ
Tương tư bất tương kiến
Đồng ẩm Tương giang thủy”.
Sao lại quân với thiếp chi đây?
Thưa là vì có sự biệt ly kẻ ở lại nhà, người xa muôn dặm. Ở lại nhà gọi là nội tướng thuộc thiếp, nói bằng Tiềm thức cộng thông, còn xuất hoạt gọi là ngoại thuộc chàng, nói bằng ý thức cá nhân. Trong trạng thái Sơ nguyên lý tưởng thì Tiềm thức phải thẩm thấu với ý thức, để vừa có nhận thức (ý thức) vừa có tầm mở rộng như vũ trụ (tiềm thức). Nhưng đấy là cùng đích, trong khi chưa đạt thì ý thức và tiềm thức phân li như không còn biết có nhau nữa.
Vì xa nhau mà trở thành hai tính dị biệt và cũng vì đấy: tuy Một mà Hai rồi, vì chàng (ý thức) mãi theo hai (nhị nguyên) mà quên phắt tiềm thức. Trừ vài ba đại hiền triết, dăm ba vị thánh huyền niên) còn nhận ra Nhất Thể (Tâm Linh) ngoại giả chỉ biết có đa tạp ý thức, không ngờ chi đến Nhất nữa. Cho đến nay thêm được một số nhà tâm lý miền sâu mới khám phá ra Nhất Thể dưới hình thức Ý-Trung-Nhân. Đấy là khám phá sẽ gây tiếng vang lớn sau này trong văn học. Ở triết lý chúng ta cũng đang được chứng kiến sự khám phá kia trong số hi hữu một vài triết gia tiền phong.
Như Heidegger khi định nghĩa “Người là một cuộc đối thoại, là sự trao đổi giữa ngoại và nội” (Phévé. 159.) “L’ hom-me est un dialogue, l’échange de l’ intériorité et dẹ l’extériorité”: người là sự trao đổi giữa ngoại và nội. Vô tình mà dùng đúng danh từ ngoại và nội của Khổng Tử và danh tử “quân, thiếp” của thi sĩ. Hy vọng rồi đây sự truy nhận bản chất ngoại nội này sẽ tiến được những bước dài trong việc mở rộng tâm thức con người nó ở tại ý thức (ngoại) giao hợp với tiềm thức cộng thông (nội). Nhưng cho đến nay sự ngộ nhận đã gây nên biết bao tang tóc và chắc còn lâu lắm loài người mới thoát khỏi cảnh huống trên, nên chúng ta cần ôn lại những khó khăn trên đường để tự liệu. Bởi vì chưng từ thuở xa xăm nào đó, khi mà “vầng trăng ai xẻ làm đôi, nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường” thì nửa soi dặm trường (đa tạp ý thức) vẫn nao nao nhớ nửa in gối chiếc (là Tiềm thể Tâm linh).
Con người trở thành những bóng ma đi tìm hồn, bất cứ đâu cũng ghé, bất cứ cửa nào cũng gõ. Nửa in gối chiếc những ngóng cùng trông, luôn luôn tìm dịp nhắn gửi ý thức. Nhưng khốn nỗi bao thư tín của Tiềm thể đều bị chặn dọc đường, tệ hơn nữa nội dung bị xuyên tạc và lợi dụng. Đấy là đầu mối nguy hại thường xuyên cho đại đa số quần chúng.
Thư tín là gì? Thưa chính là lòng khát mong siêu việt Tiềm thể, là sự nhắn gửi bằng mối tình lênh láng bâng quơ với một nội dung mập mờ thấp thoáng, nó thường gây nên nơi tâm hồn con người một khắc khoải, một hướng vọng ,về do lai nơi xuất phát uyên nguyên, vì chính đó mới là căn tính của con người, một hữu thể siêu hình, một vật đói khát cõi U linh Tiềm thể. Nhưng vì Tiềm thể man mác, không có qui định, không thể qui định, nên dễ xảy ra những truyện xuyên tạc: ai bảo đây là Tiềm thể, kia là Tiềm thể cũng theo. Theo vì lòng khát vọng linh thiêng toàn thể. Do đó nảy sinh những cái hại sâu xa như khi bị xuyên tạc do một tình ý nào đó đã được triển nở đến độ phát phì một cách bệnh hoạn đủ để nuốt trôi tình hướng vọng do lai kia, như tình cảm về tội lỗi nơi một Kierkegaard và đây là trường hợp thường xuyên dưới những hình thức khác nhau của ma thuật, của tôn giáo, vu nghiễn đủ loại, các thứ hương nguyện đủ cỡ hiện diện khắp lên con đường mình-ý-thức đi tìm lại Mình-Tiềm-Thể và vô tình khai thác lòng khát vọng đó của con người vốn nhớ nhung thương mến đầy hông, nên các trung gian dễ bề thao túng.
Vì lòng khắc khoải mong cầu nêu đại chúng dễ để mình bị lợi dụng, giá trị tinh thần hướng thượng ở đại chúng phát hiện rõ rệt nhất qua sự để mình bị lợi dụng. Tuy những việc đại chúng làm nhiều khi có hại cho đời sống vật chất và tinh thần của họ, nhưng ít ra nó chứng tỏ còn có cái chi cao hem ích lợi vật chất. Tuy nhiên cái chi cao hơn đó quá tinh vi tế nhị đại chúng ồn ào làm sao chân nhận được. Những người lợi dụng lại thành tâm không biết mình lợi dụng, nên càng thẳng tay khai thác vì không cho đó là khai thác, mà là làm việc thiện chứ có ngờ đâu là cản bước đại chúng tiến về hợp với Tiềm thể. Tai nạn loại này kinh khủng hơn khi con người đã ăn sâu vào trong ngõ ngách nào đó rồi, thì có cuộc gặp gỡ với cục cưng (anima), nhưng mà cục cưng trá ngụy, nên cuộc gặp gỡ kết thúc bằng “một còn một mất” như thiếu phụ Nam Xương sau bao năm tháng mong chờ để lúc gặp lại được tình xưa thì cuộc trùng phùng trở nên bi đát. Đấy là những trường hợp mà các nhà sử huyền niệm gọi là huyền niệm nuốt trôi (mystique inclusive) một thứ đồng nhất bằng bạo hành mà nàng (tiềm thể giả tạo) nuốt chửng mất chàng (ý thức) như bồng ngựa cái ăn thịt con đực sau lúc giao hoan. Đó là những thứ “Nhất” ngụy trang trong những thuyết phiếm thần và duy hữu đủ loại.
Ta có thể kể đến duy tâm của Hégel, đại biểu của các thứ duy hữu tế vi, nơi mà ý niệm mang danh tinh thần, nuốt trôi cái ta ngoại (cá nhân) chỉ được coi như những “lúc” của vòng biện chứng cần được nuốt trôi vào bánh xe lịch sử. Sau này ở người Cộng sản con người cá thể chỉ còn bị coi là bèo bọt (épiphénomenon) của hạ tầng cơ sở kinh tế (thay thế cho Tiềm thể trừu tượng).
Thí dụ thứ hai: theo phiếm thần Đế thiên (một thứ tiềm thể giả tạo) thì Huyền Trân Công Chúa phải lên giàn hỏa (sutee) để bị nuốt trôi vào “Ta Nội”. Nhưng Huyền Trân đã kịp cao chạy xa bay nhờ cha nàng không phiếm thần nhưng là theo triết lý nhàn sinh : nên liệu cho nàng thoát thân trở về đất tổ để ghi lại sử xanh cái hậu quả rõ rệt nhất của hai nền triết lý. Một bên là đồng nhất nuốt trôi (inclusive) bên này là nhân sinh hòa lạc (harmonie) mà nữ sĩ Thanh Quan là phát ngôn viên cỏ giọng trong trẻo lạ. Đó là vài thí dụ cùng cực đặt nổi mối nguy cơ trên con đường tìm về Tiềm thể. Bao lâu Tiềm thể còn được quan niệm có hình có tượng thì còn xa người, và sẽ có trung gian đứng ra liên lạc, gây nên các nguy cơ khi lộ liễu, khi kín nhiệm mà trong thực tế mối nguy cơ thường ít lộ liễu, nhưng chính vì thế nên có thể lưu hại lâu dài vì cần phải tinh tế mới nhận ra được.
Sinh ra trong một xứ thấm nhuần triết lý nhân sinh coi con người cao trọng hơn cả, nên Đạo không thể xa người một li, nhờ đó những hành ngơi của bọn trung gian nói trên kia chỉ hoạt động phần nào trong chốn hạ dân: còn nơi những người có được may mắn ăn học đều lấy xã hội nhân tràn làm môi trường đạo hạnh, đôi khi thêm sơn thủy làm bàn nhún bay lên (văn vô sơn thủy vô kỳ khí). Thi sĩ Thanh Quan cũng đi tìm “kỳ khí” nơi sơn thủy và lòng có thể cũng rộn lên những tiếng gọi kiểu Tản Đà:
“Chung quanh những đá cùng cây
Biết người tri kỷ đâu đây mà tìm
Hỏi thăm những cá cùng chim
Chim xa bay bóng cá chìm mất tăm
Bây giờ vắng mặt tri âm
Lấy ai là kẻ đồng tâm với mình
Nước non vắng khách hữu tình
Non xanh nước biếc cho mình nhớ Ai.”
Hãy viết chữ AI hoa và hiểu là Tiềm thể đang gọi thì sẽ nhận ra sự thanh thoát của Đạo làm người.
Thật là nhân sinh, non xanh nước biếc không làm át được nỗi nhớ “Ai”, cũng không ăn chận mất lòng mong ngóng đó : không dồn hết tình ý vào thiên nhiên được coi trọng hơn tình người (non plus sensible aux subtilité de nature qu’ aux subtilité du coeur). Một lúc nào đó có lẽ thi sĩ đã chực ghé siêu nhưng “thiên kỳ phân nhi” “dừng chân đứng lại trời non nước” cái dừng chân của thi sĩ có giá trị như cái giật mình của Nguyễn Công Trứ:
“Sực nghĩ lại giật mình bao xiết kể”
Nếu không giật mình, nếu không dừng chân cứ buông theo những ý tưởng quốc tế, quốc gia tuy rất cao thượng nhưng còn thuộc ý thức cá nhân nên đi quá sẽ thành quay cuồng trống rỗng vì đánh mất đầu mối quan trọng nhất với dòng sống mênh mông của Tiềm-Thể-Ta-Nội. Sự quên đó chính là quên Mình, đó là “vong thân”. Vì thế tác giả phải “dừng chân” không để mình bị ứ đọng trong tình nước tình nhà, dầu sao đó mới là Đèo Ngang hiện tượng, ý thức cần đi vào Đèo Dọc tâm linh nữa mới mong tìm ra cái Tổ trên các tổ (Văn tổ), cái Thất trên hết các thất (Thái thất). Vì thế từ quốc quốc trở lại gia gia, và từ gia gia trở lại thẳm cung lòng mình.
“Thiên hạ chi bổn tự quốc
Quốc chi bổn tự gia
Gia chi bổn tự thân”
(Mạnh Tử IV. 5)
Để rồi:
“Phản thân nhi thành
Lạc mạc đại yên”
“Trở lại với thân không vui nào bì kịp”. Vì lúc ấy con người tìm lại được sự thống nhất nguyên sơ tròn đầy viên mãn, đem lại một sự hoan lạc siêu việt khôn tả, đến nỗi một số nhà huyền niệm quen dùng tiếng nói thân tình của yêu đương để nói bóng: vì lúc giao hoan cũng có một sự sảng khoái do hai mảnh nam nữ chấp lại cho thành người toàn khối, nhân đấy có sự hoan lạc. Hoan lạc đó báo hiệu một sự hoan lạc khác khi tìm lại được sự viên mãn xa xưa, trên bình diện tâm linh, nên sự vui cao sáu hơn vạn bội. Hồn có thể thả trôi theo triều hoan lạc khoái sảng.
Và từ đây “cấm ngoại thủy không ai được biết” để cho cuộc căn cơ Hội Thoại bắt đầu, “khách văn nhân xe với khách giai nhân” của “lý ngoại tình nội” trong một cái hôn dài “nghìn năm giao ước kết đôi” và sẽ không còn “miệng kề miệng” nữa, nhưng là “tâm kề tâm”: heart speaks to heart chỉ có trong cuộc, chỉ có “thính ư vô thanh” mới nghe lọt Hội Thoại nghĩa là “hòa vào” cái dòng vận chuyển của “yêu thương” của sinh sinh hỏa hỏa giữa Một mà Hai: không bên nào nuốt trôi bên nào. “Trước sau ta vẫn là ta”.
Toujours un, toujours deux.
C’est un chant de l’amour (Tagore). Trong cái thái hòa gây nên do Tâm linh tinh dòng không còn chỗ pha trộn: để mặc cho đôi “ta với Ta” vỗ cánh tung bay trên bầu trời siêu thoát: Flight of the alone to the Alone” (Plotin).
II). ĐƯỜNG LÊN NGŨ LĨNH
Đọc đoạn thơ trên nhiều người sẽ hỏi có thật tác giả bài thơ đã đạt trình độ đó chưa? Thưa rằng có thể là không. Thế tại sao lại đưa ra bấy nhiên suy luận? Thưa tác giả đã muốn làm thế để chứng minh rằng cố những lối lý luận bằng nghệ thuật, bằng thơ. Tất nhiên lối suy luận như vậy chỉ tiềm ẩn bên trong, nên thoạt trông coi như không có lý luận, và thi sĩ cũng không có lý luận để thắng lý với ai. Tác giả chỉ nói lên những cảm nghĩ trong lúc đối cảnh sinh tình, nhưng ta vẫn có thể coi đó như một “sơ nguyên tượng”, mà tác giả chỉ cảm thấy lơ mơ rồi đưa tay phóng ra một hai nét chấm phá lung linh. Nay nếu muốn nhận thức ra cách xác định hơn nội dung của bức họa thì cần triết lý phải đặt nó vào đồng văn phổ quát của nền văn hóa Việt nho. Đồng văn đó hay môi trường đó là suy tư bằng tâm tình hoặc nói cụ thể hơn là bằng nghệ thuật. Ba trăm bài của Kinh Thi không có mục đích khác hơn là giúp cho biết suy tư không tà vậy, “thi tam bá, nhất ngôn dĩ tế chi”, viết tư vô tà”. LN. II. 2. Và “Thi khả dĩ quan”. VII. 9. Thi giúp cho hưng khởi thần hứng, giúp cho biết quan. Vậy quan là gì? Chữ Quan có một ý nghĩa đặc biệt trong Kinh Dịch nếu không hiểu thì không biết Kinh Dịch nói chi. Không hiểu chữ “Quan kỳ hội thông” hệ trọng như thế nào
Muốn hiểu sơ qua chúng ta cần căn cứ vào lối nhìn và nguyên lý nền móng.
Trước hết về lối nhìn ta có thế căn cứ vào câu Hệ từ (IV) sau đây đặng phân biệt:
“Ngưỡng dĩ QUAN ư thiên văn
phủ dĩ SÁT ư địa lý”
Ngửa lên là để quan chiêm thiên văn, cúi xuống là để thị sát địa lý. Theo câu đó ta nhận ra Quan là lối nhìn cởi mở, không chú ý hẳn đến một đối vật, nhưng là cái nhìn rộng mở đón nhận tất cả mọi đối tượng hiện lên trước mắt như tấm gương trong chiếu giãi lại hết mọi hình ảnh mà không giữ lại hình nào. Quan như thế là đối với Sát. Sát tuy có nhìn gần hơn, nhưng vẫn chưa chú ý tới một vật riêng lẻ. Khi nào có sự chú ý vào một vật thì gọi là xác định. Xác định là lối nhìn độc chú vào một sự vật, vào một khía cạnh riêng biệt không để vật khác xen vào. Lối xác định này đôi khi được dùng trong việc thiền định, thường là ở những bước sơ bộ, rồi sau chuyển sang lối quan, lối sát. Còn xác định chỉ là lối nhìn của các khoa học thực nghiệm chuyên môn, của các loại tri thức có kiện tính (factual) để biết một sự vật riêng lẻ, biết để chinh phục, để sử dụng.
Đấy là một lối tiểu tri, một tai họa cần thiết (un mal nécessaire) cho khoa học thực nghiệm. Khoa học không thể tiến lối khác, tuy nhiên đó vẫn là tai họa vì nó làm cho sự vật bị cô lập khỏi môi trường, trở nên bé nhỏ. Nên người có nhiệm vụ phải sử dụng lối nhìn xác định có kiện tính cách thường xuyên, thì tầm mắt dễ trở thành co rút thắt bóp lại, và khả năng nhìn toàn diện bị tê liệt. Đó là lý do tại sao những người chuyên môn thường có cái nhìn rất thiển cận hẹp hòi. Vì thế Nho giáo bảo người học triết đừng dùng lối nhìn chuyên môn (quân tử bất khí).
Trái lại phải nhìn lối quan là lối nhìn đầy thông cảm sẵn sàng đón nhận trong yêu thương kính nể, nghĩa là để mặc cho sự vật hiện hình ra như chúng có, mà không “chinh phục” nghĩa là không bắt sự vật phải khuôn theo những phạm trù, những ý niệm đã sắp đặt trước là cái sẽ bóp méo sự vật, chặt nhỏ sự vật ra. Trái lại quan là một thái độ thanh thản hồn nhiên để mặc sự vật biểu lộ ra sao tùy chúng. Và đó là thái độ thuận lợi nhất để nhìn ra cái tế vi của sự vật hay là sự vật trong liên hệ với cái Toàn Thể. Đó là “Thuận nhi tốn” hay là “Tòng viết nghệ” trong ngũ hành. Có tòng theo thì mới đạt tới nghệ với ý nghĩa nghệ là ưu tú đặc biệt trong tài năng và huyền đức (éminent en talent et en vertu). Bởi vì sự vật đã thoát ra những ý niệm về trước, sau, đây, đó, nhân, quả, sở năng… để hiện lêu tròn đầy viên mãn mà Nho triết kêu là “Quan kỳ hội thông”nghĩa là nhìn sự vật trong liên hệ với Toàn thể tức vượt qua mọi hiện tượng ngoài chu vi của lối xác định, để đạt đến nơi căn để của Đất, Trời, Người giao hội, tức là đạt tới một cái gì bao la như vũ trụ, vượt hẳn tầm tai mắt hay mọi giác quan của ta.
Tới đây ta chạm đến điểm thứ hai thuộc nội dung chữ Quan là chữ Tín hay là “hữu phù” mà Kinh Dịch hay nói tới. Hữu phù là có lòng tin rằng nơi mình có một cái Linh lực vô biên và rất cương kiện đầy hiệu năng có thể làm tất cả thay cho mình miễn là mình đừng chống lại bằng những cái bé nhỏ ý thức hữu vi để che khuất lấp mất tác động của nó. Muốn được như vậy thì cần tin mạnh vì càng có lòng tin mạnh mẽ thì càng không chú trọng đến tai mắt hay bất kể giác quan nào, cũng như mọi phương pháp đặt ra đều vô hiệu, có chăng chỉ là sửa soạn cho tâm trạng được sẵn sàng đón nhận sự xuất hiện của cái nội lực tâm linh mà thôi, và do đỏ những phương pháp được kê là tương đối hiệu nghiệm hơn cả thì chính là những phương pháp làm buông lơi, phương pháp xả. Những lối sống, lối nghĩ làm cho nghị lực lơi ra khỏi cõi hiện tượng, không tin trọn vẹn vào hiện tượng như trước nữa, nói khác đi là tương đối hóa hết mọi phương pháp, nghĩa là coi chúng chỉ có một giá trị sửa soạn dọn đường mà không đặt tin tưởng vào chúng nhưng đặt vào cái Đức vô hình. Quan chính là lối nhìn thuận theo lòng tin đó, cho nên nhìn mà không nhìn.
Đó là một lối áp dụng triết lý an vi vào cái nhìn. Triết lý an vi ở tại làm việc hăng say hết mình, gọi là “chí thành”, nhưng cái “hết mình” đó không để vào đối tượng của tác động, nhưng để vào chính tác động. Quan là thế: nhìn mà không chăm chú đến chi cả. Đây có thể là phần tích cực về giác quan để bù trừ với câu “nhĩ mục chi quan bất tư” ở chương III. Ở trên mới có phần tiêu cực rằng giác quan không thể suy tư. Nhưng câu đó lại hơi quá đáng dùng để đối chọi với các lối suy tư y cứ trọn vẹn trên giác quan lý trí thì tốt, nhưng bóc trần ra thì chưa đủ vì tai mắt cũng như lý trí có phần đóng góp của nó tuy tương đối, nhưng nó có đóng góp. Và ở đây xác định sự đóng góp đó bằng quan là nhìn mà không đặc chú đối tượng.
Ở danh lý (logique) nhìn đối tượng cách tuyệt đối. Ở lối phản lý thì từ chối cả nhìn, cả đối tượng; còn ở đây là nhìn mà không nhìn chi cả: nhìn mà không có đối tượng nhìn, cốt tránh không để cho đối tượng bẻ quặt sự cảm nhận của những cảnh vật mới xuất hiện xuyên qua lăng kính ý niệm đã có trong óc trước làm cản trở việc cảm nhận được y nguyên như là sự vật có thế. Vì giữa sự vật được nhìn và tác động nhìn có những ý niệm khác được lưu trữ làm cách biệt ra để có chủ tri và sở tri mà không đạt trí tri là cái biết ở tại “cách vật”, nghĩa là không còn gì cản trở nữa để được đi đến tận cùng cái lý vạn vật phổ biên, và nếu đã hoàn toàn phổ biến thì còn gì là sự vật riêng lẻ nữa để mà có năng tri và sở tri, mà chỉ còn có thể nghiệm.
Vì thế muốn cho Quan được hiện thực thường đôi khi người ta lên núi hay xuống bể. Những cảnh bao la đó giúp ta có được cái nhìn thanh thoát. Một vị tu hành nào đó nói khi tôi đã sống ít ngày trong sa mạc tôi cảm thấy như mọi cái tương đối biến đâu cả để cho tuyệt đối dâng lên, là vì cảnh vật đã biến đi, chỉ còn có không gian trơ trọi bao la để giúp lòng lơi khỏi sự vật và nhường chỗ cho tiềm thức xuất hiện lên chân trời tâm thức, đặng bơm sinh khí mới vào, giúp cho mình nhìn xuyên qua sự vật lẻ tẻ để thấy được cái toàn thể u linh. Có thể vì đó mà các cụ xưa nói “văn vô sơn thủy vô kỳ khí”. Cái Khí nói đó là cái gì thuộc tiềm thể mới nhô lên mặt tâm thức mà chỉ người nào biết Quan mới cảm nhận được, nên gọi là kỳ khí, là huyền lực. Về thời gian thuận lợi cho việc Quan thì là hết mọi lúc ở đây và bây giờ, nhưng có những lúc thuận lợi hơn như là hoàng hôn và ban mai. Hoàng hôn là lúc ngày sắp trao về đêm: ý thức sắp giao lại với tiềm thức và buổi bình minh là lúc đêm sắp trả lại ngày: tiềm thức sắp giao hội với ý thức. Nên đó là những lúc có nhiều may mắn để“Triêu văn Đạo”.
Chúng ta hãy trở lại cái nhìn của thi nhân và quan sát theo tiến trình của quẻ Quan trong Kinh Dịch.
Quẻ Quan nói rằng:
“Quán nhi bất tiến, hữu phu nhung nhược. Đại quan tại thượng. Thuận nhi tốn. Hạ Qua nhi hóa dã…
1). — Sơ lục: đồng quan, tiểu nhơn đạo dã
2). — Lục nhị: khuy quan. Khuy quan nữ trinh, diệc khả sũ dã
3). — Lục tam: quan ngã sinh, tiến thoái vị thất dạo dã
4). — Lục tứ: Quan quốc chi quang, thượng tân dã
5). —Cửu ngũ: quan ngã sinh, quan dân dã
6). — Thượng cửu: quan kỳ sinh. Chí vị bình dã.
Giải nghĩa:
1). — Ở hào đầu (sơ lục) là đồng quan, đó là lối quan của tiểu nhơn. Tiểu nhơn theo lối thế tục quan sát hằng tai mắt theo những lề lối ước định của xã hội đương thời. Đây là lối nhìn theo lưu tục chưa chút chi khoa học cả, mới chỉ thấy một chiều duy nhất, nên gọi là đồng quan là lối quan của trẻ con, của “đồng hồ lưu tục”, của lũ đông.
2). — Hào hai (lục nhị) là khuy quan tức là xem qua lỗ khóa. Đó là cái nhìn của tiểu ngã, cái Ego cogito, có ý thu gọn lại một khía cạnh cho dễ đào sâu cách khoa học. Tuy thế có sâu là đối với đồng quan ở hào thứ nhất, nhưng chưa đủ sâu để thấy Toàn Thể tính trong sự vật. Lẽ ra phải dùng chữ xác định thay chữ quan, nhưng vì trong một quẻ, nên dùng chữ quan kèm thêm hai chữ đồng quan và khuy quan khiến Quan trở thành xác định. Còn khi muốn chỉ vào quan thực thì phải nói là đại quan.
Lối khuy quan dùng trong khoa học thực nghiệm thì hay, nhưng đưa vào triết lý thì dẫu có “trinh bền như nữ nhân” cuối cùng cũng đáng xấu hổ (nữ trinh diệc khả sũ dã) y như các thuyết nhất nguyên độc khối vì quá chú trọng đến ý niệm là sản phẩm của giác quan, nên còn mắc trong trừu tượng khô đét, làm cho tâm thức co thắt lại do những hình ảnh chồng chất, vì thế thường không theo kịp đà sống luôn luôn chuyển động lung linh. Vậy cần dùng lối quan thứ ba hướng vào chính đời sống thì mới “tiến bộ”.
Thi sĩ của chúng ta đã trực thị điều đó, nên đã vượt hai hào đầu là đồng quan và khuy quan. Bằng chứng nằm la liệt trong bốn câu thơ đầu: Bước tới Đèo Ngang là bước tới khúc rẽ tâm tình. Tâm tình không còn để trôi theo dòng lưu tục, nhưng khởi đầu để lên Đèo và đâm ngang ra để sửa soạn cho một cuộc hôn phối ý thức với vô thức. Nên hôn phối thời xa xưa được cử hành vào lúc hoàng hôn (nên gọi là hôn phối) nói lên ý nghĩa ngày (dương) sắp giao hợp với đêm (âm): ngày là ý thức sáng sủa của tác giả sắp giao hội với tiềm thức đầy chất sống là Ta lớn tâm linh thường hoạt động về đêm, lúc ý thức ngủ (vì thế đêm với Tiềm thức có họ âm u linh diệu). Đến lúc ấy thì những ranh giới phân chia sự vật trở thành nhập nhằng, thẩm thấu ăn ngoàm vào nhau để sửa soạn cho sự biến dần. Điều đó có thể đọc được trong những chữ chen, lom khom, lác đác: “cỏ cây chen đá, lá chen hoa. Lom khom dưới núi tiều dăm chú. Lác đác bên sông chợ mấy nhà”. Hai cặp chữ lom khom và lác đác cũng nhấn mạnh trong chiều hướng xóa dần: người không còn thấy mặt thấy đầu mà chỉ còn thấy có lưng (lom khom) và xóa nữa nên nhà cũng thưa thớt dần ra. Tất cả sửa soạn cho một cuộc bay bổng được diễn tả bằng những mối tình mênh mông: nhớ nước thương nhà. Nhà là nước, nước là nhà, ta quen nói nhà-nước : hai mà một, bài thơ nói đến nước trước nhà. Quẻ quan nói tới nhà rồi mới đến nước.
3). — Hào ba rằng: “Quan ngã sinh: tiến thoái”. Quan tâm đến đời sống và xã hội là tiến bộ hơn chú mục đến những ý niệm trừu tượng. Chữ Ngã có thể hiểu cả về nước lẫn nhà. Nhưng cái vị của hào ba chưa phải là của quân tử nên mới chỉ trỏ vào nhà, trỏ vào cái sinh sống của tiểu ngã hay của gia đình. Tuy vậy cũng đã là tiến bộ hơn cái Quan trừu tượng ở hào hai. Vì thế chưa thất đạo. Nhưng chưa thất đạo còn thấp hơn chưa “đắc đạo” và có thể thoái nếu chỉ dừng lại lo cho gia đình tư riêng. Muốn khỏi thất đạo phải bước lên hào bốn, và chỉ ở đây mới nói là chưa đắc đạo. Đắc đạo chỉ xảy ra ở hào 5 : chỉ trên ngọn Ngũ lĩnh Đế Minh mới gặp tiên nữ tức là Minh Triết uyên nguyên. Vì thế phải từ giã hào 3 để lên hào 4, bằng “nhớ nước đau lòng con quốc quốc. Thương nhà mỏi miệng cái gia gia”.
Thiệt đúng là một sự ngẫu hợp với hai chữ “Thanh Quan” nghĩa là quan mà không có đối tượng, hay đối tượng sở quan với năng quan hòa hợp. Sở quan là nhớ nước, năng quan là đau lòng con quốc quốc. Nước với quốc là một, cũng như gia với nhà không hai: vô nhị. Vì thế trong quẻ nói: “Quan quốc chi quan thượng tân dã”. Xem đến hoặc lo về vận mạng vinh quang của nước với tấm lòng của tân khách nghĩa là với tấm lòng thanh thoát không mong cầu vinh thân phi gia. Đó là tấm lòng mà bất cứ ai thực tình thương nước cũng phải có, nên lời Kinh nói: “lợi dụng tân vu vương”, nên dùng cái lòng không màng chi như khách cho các bậc đế vương, tổng thống, thủ tướng, bộ trưởng… tất cả phải lấy lòng thanh thoát như khách qua đường trước của chung, thì may chăng công quỹ mới tiêu vào việc chung được 2/3 nghĩa là đủ cho việc chung thành tựu.
Từ hào 5 trở đi là trở lại với lòng mình đến độ ý thức hội thông với tiềm thức: ta ngoại gặp TA nội: “một mảnh tình riêng ta với Ta”. Và ở hào này có lấy chính mình làm đích cũng không mắc lỗi: “quan ngã sinh: quân tử vô cữu” vì tuy quan ngã sinh mà cuối cùng vẫn hòa với “quân dân dã”. Vì đây là cái đạo nhân sinh không xuất thế, nhưng là xử thế: nên hòa hợp nội thánh (quan ngã sinh) hợp với ngoại vương (quan dân dã) trong cái đạo an vi, là “hậu quả” tất nhiên của Thanh Quan. Thanh Quan là quan không dính bén vào một vật riêng tư nhất định nào cả để có thể quan tất cả sự vật trong liên hệ với toàn thể, mà trong thực tế là thuận theo nhịp trời đất 4 mùa. Lời Kinh: “Đại quan tại thượng thuận nhị tốn” và “Quan thiên chi thần đạo nhi tử thời bất thắc”: Quan được cái thần đạo của trời thì bốn mùa không sai chạy, ý nói thuận theo tất cả, đón nhận bất cứ cái chi như đón gió trời, đón sự sự vật vật diễu hành qua mắt, đón mọi tình cảm, mọi xúc động đột khởi lưu linh qua lại trước tâm thức lâng lâng rộng mở: Từ cỏ cây chen đá, cho tới lá chen hoa, qua tiều dăm chú, qua chợ mấy nhà, rồi nhớ nước, rồi thương nhà, để cuối cùng gặp ra chính Năng quan: mình bắt gặp Mình, ta gặp Ta, tuy hai mà Một, cái lưỡng-nhất-thể đó là suối nguồn cho mọi cuộc cải hóa chân thực, và tất cả ý nghĩa quẻ Quan là đạt đến đó, nên lời Kinh nói: “Khi rửa tay rồi mà chưa dâng tế thì đó là lúc thuận lợi nhất để xem vào mình một cách đầy thành tín, đầy đức tin”: “quần nhi bất tiến, hữu phù ngung nhược”, để đạt đến suối nguồn của lòng thành tín là cái làm cho con người trở thành cao cả như vũ trụ đồng thời cấp cho một sức thần diệu tỏa ra từ tâm thức có đầy sức cảm hóa “hạ quan nhi hóa dã” và gây nên những âm vang sâu thẳm vào tâm hồn của những ai đã được chiêm ngưỡng.
Quan Đạo chính là đường đi của những người muốn “an bang tế thế” vậy. Khác ít nhiều với lối “bích quan” của Bồ Đề Đạt Ma chín năm ngồi ngắm tường. Đó là “tọa thiền”. Sau này đến lục tổ Huệ Năng thì tọa sẽ bớt đi để chỉ còn có Thiền không, nên đã khá giống với quan đạo, khác chăng là Quan trong Kinh Dịch có điềm đặc trưng là “quan ngã sinh” và “quan quốc chi quan”, “Quan dân dã” mà Thiền vì đứng trong thế tu hành, nên không chú trọng tới ngoại vương cách trực tiếp. Nhưng xét theo đại để thì trong dòng máu của Thiền tông có chứa nhiều yếu tố Viễn Đông dịch lý hơn là nặng lý trí Dhyana của Ấn Độ, nên mối bình quân giữa ta hiện tượng nhập thế với Ta ẩn tượng xuất thế được săn sóc nhiều hơn, do đấy thay vì tọa thiền ta có trà thiền, hoa thiền, xạ thiền, thơ thiền… tức là những bước đi gần lại Tâm tư: khi hiểu Tâm là tình tự bằng lý trí, và Tư là lý luận bằng tâm tình, ngoài là lý nhưng trong là tình, tình một cực giữa “ta với Ta”Riêng là không còn chi chen kẽ giữa ta ngoại với Ta nội, hai bên thông suốt xem tận mắt “bản lai diện mục” để cùng nhau mở cuộc Hội Thoại Uyên Nguyên: đó gọi là giây phút uy linh của Triêu văn Đạo của Đế Minh gặp Tiên Nữ.
III). “TRIÊU VĂN ĐẠO”
Nghe Đạo trong ánh bình minh sơ nguyên triêu triệt, nghĩa là nghe Lời Nguyên Ngôn đầy sinh đức huyền lực (Logos spermatikos) của dòng “sinh sinh bất tức” chiếu tỏa vào những miền sâu thẳm của tâm thức con người, để làm phát triển ra nguồn nghị lực cùng sáng nóng vô biên khiến con người xem mọi sự vật trong mối liên hệ với Toàn Thể nên là xem dưới một vòm trời mới lạ được cảm thấy trong đường gân máu mạch rõ ràng mình với vũ trụ là một, và câu nói “sáng nghe Đạo” không còn là nghe cái chi xa lạ, nhưng chính là nghe tiết điệu Uyên Nguyên của tâm hồn mình, lúc đó đột nhiên mở rộng ra bằng tầm vóc vũ trụ bao la man mác, và cảm thấy mình tiêu diêu thanh thoát tự tại khác thường, vì vũ trụ không còn là cái chi khách thể bên ngoài mình, đứng đó để hạn chế khả năng của mình, nhưng bây giờ mình cảm nhận thấy rõ ràng với mình như một, nên năng lực như được gia tăng vô kể để đôi môi nồng cháy kề thẳng vào nguồn suối luôn luôn vọt lên sáng láng và sức sống, không còn một trung gian nào, không một ý nghĩ về trước sau, tốt xấu, có không chen kẽ. Tâm thức như tung tăng giữa Đại Dương man mác không cần tìm cầu cái chi, theo đuổi mục đích nào. Còn thiếu cái chi, còn vật gì ngoài mình đâu nữa để mà phải kiếm tìm theo đuổi. Lúc ấy tất cả bầu nghị lực được dốc trọn vẹn vào động tác đang thực thi trong lúc hiện tại, khiến động tác át cả đối tượng nên làm một cách hăng say nồng nhiệt: chí thành. Đó có thể là ý câu “Châu công chi tâm dĩ thính ư thiên nhi dĩ .TD. 25 : cái tâm của ông Châu Công, của nhà hiền triết là ở tại nghe được trời, cũng gọi là nghe Đạo.
Sở dĩ trước lúc đó không nghe được Đạo, vì lý trí mình tự đồng hóa với những ý niệm nhỏ bé của sự vật, của thiên kiến tư dục, coi chúng chính là mình, thành ra bị ứ đọng lại ở đợt ngang là “vật giao vật” tưởng mình là vật tức là ý nghĩ này, tình cảm kia, liên tiếp thay nhau trong cái chuỗi nhị nguyên đối kháng bỉ thử, hữu vô, thiện ác, có không, sướng khổ, vui buồn… tất cả song đôi chạy thẳng chẳng bao giờ gặp nhau, nhưng cùng vào hùa để dệt nên bức mành mành chắn giữa “làm cho Ta nhìn chẳng được nhau” nên ta nhỏ nhận lầm ý niệm này dục vọng kia là chính Mình Ta. Trong nhà đâm ra lắm kẻ khác cũng nói năng om sòm làm khuất lấp mất tiếng của Chân-Nhân-Ta-Nội, và mảnh tình không còn là “riêng” nữa, nhưng đã bị chung chạ giữa bao trung gian. Chỉ khi nào biết xả, biết quan, nghĩa là biết lướt nhẹ trên tất cả hoa, lá, đá, nhà, chợ, thương, nhớ… thì lúc ấy mới gặp lại được mối tình riêng theo nghĩa huyền diệu không thể nào nói ra được. Và lúc ấy mới trông “sáng được nghe Đạo” tức là nhận thức ra được sứ điệp của cõi Tiềm thức bao la sâu thẳm đâm thấu đến những miền u tối nhất của tâm hồn, để tất cả con người như thăng hóa đồng nhất với cái tiết điệu Uyên Nguyên của vũ trụ.
“Sáng nghe Đạo” như vậy có nghĩa là “Nghe lời Người sơ nguyên”: “Le verbe de 1‘ Homme Primordial”: nghe không bằng tai nhưng bằng Tâm, vì kẻ nói với người nghe là Một, nên Nho triết kêu là Thành Tín.
Tín 信 là Lời và Người 亻: lời với người tương kiến tương nhập để trở thành vô nhị, nghĩa là Lời không còn đối tượng, mà chính là Lời nói lên cơ cấu Uyên Nguyên của Người cũng là của Trời cùng Đất, nên cũng gọi là Lời tự khải thị chân như, Lời của Ta chân thực mà Héraclite bảo phải nghe theo chứ đừng nghe lời của cái ta nhỏ bé bì phu ngoại tại: “Il est sage d’entendre non pas moi, mais le Verbe”. Hết mọi nền Minh triết, mọi nền triết lý chân chính, mọi phương pháp suy tư chân thực đều phải làm sao cho con người nghe được Lời huyền diệu đó, lời của con người chí nhân kêu gọi người tiểu ngã thức dậy khỏi giấc ngủ mê man giữa các vật thể, đặng tham dự vào nhịp sống Uyên nguyên của vũ trụ, của Nhân tính. Đó là tiếng nói diệu huyền linh động mọi tơ lòng để chúng rung theo nhịp của Đại Đạo. “Thánh nhân dữ thiên địa hợp kỳ đức”. Và từ sáng hôm ấy, một buổi bình minh triêu triệt sơ thủy “d‘une claté originelle, d‘une aurore primordiale” của mặt nhật tâm linh hiện lên trên ngọn đồi giàu huyền diệu, thứ giâu đã dùng làm tên để phóng tới bốn phương khi con người mới ra đời đặng nói lên sứ mạng của người, nói lên tinh túy Đạo làm người, là phải xua đuổi xong bốn xú khí là các ý niệm, công ước, thiên kiến để vượt tới chốn thiên thai, chưa gặp bước trần ai, đặng ôm lấy Trung Dung nương tử vừa thức giấc giữa cảnh rừng âm u, dưới cái hôn nồng cháy của công tử đặng hưởng một mảnh tình riêng “ta với Ta”, để chấm dứt giai đoạn nô lệ cho những ý hệ trừu tượng vô cứ, đặng bước vào giai đoạn mình tự đối với Mình, với Kỷ Đại Thể bao trùm được cả vạn vật, cả chính cái ta ý thức và nhờ đó ta ý thức được che chở không còn bị nô lệ, không còn gì ở ngoài Kỷ để có thể nô lệ hóa mình nữa.
Bao lâu chưa đạt được trạng thái đó thì có suy tư cũng chỉ là suy tư một chiều. Một nền suy tư chân thực là nhắm đạt được tâm trạng hai chiều, trạng thái thể nghiệm của “ta với Ta” đó vậy.
KIM ĐỊNH
(trích Tạp chí Tư Tưởng số 1, năm 1970)