KHỞI NGUYÊN CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM
(Rút trong Bắc thuộc thời kỳ đích Việt nam)
Lời giới thiệu của dịch giả:
Đây là dịch một chương trong Đặc san của Viện «Đông Nam Á nghiên cứu chuyên san» số III nhan đề: «Bắc thuộc thời kỳ đích Việt nam» của tác giả Lã Sĩ Bằng ở Đại học Trung Văn Hương cảng.
Với tinh thần tôn trọng sự thật của nhà văn hóa, nhất là ngành sử học, giáo sử Lã Sĩ Bằng trong tác phẩm nói trên tỏ ra hết sức trung thực, cởi mở và xây dựng. Riêng về những nhận định về Việt nam chúng tôi thấy rất chính xác, khách quan của nhà học giả chân chính cho nên chúng tôi có dùng làm tài liệu nghiên cứu về sự tương quan giữa văn hóa Trung hoa và Việt nam. Nay xin dịch nguyên văn một chương để độc giả thưởng thức và thẩm định sự cố gắng đáng mong đợi của «Viện Nghiên cứu Đông Nam» ở Hương cảng.
NĐT
Dân tộc Việt nam nguyên thuộc về hệ thống dân tộc bản xứ Đông nam Trung quốc thời cổ. Từ thượng cổ cho đến thời Tần Hán giải đất hiện tại gọi là Triết giang, Phúc kiến, Quảng đông, Quảng tây cho đến Bắc việt, Trung việt đều là đất của người Việt ở cả. Cuối thời Xuân thu Việt vương Câu Tiễn xưng Bá ấy là thời kỳ thịnh vượng nhất của người Việt, theo nhà Hán học người Pháp tên là E. Chavamres khảo chứng thì lãnh vực nước Việt thời ấy, phía Bắc suốt cả miền Giang tô đến tận phía Nam Sơn đông. Năm 465 tr. Kỷ nguyên dương lịch sau khi Câu Tiễn mất rồi người sau không thể thừa kế nghiệp Bá ấy nữa, nước Việt bên suy vong. Truyền lại sáu đời đến Vô Cương, nước sở đem quân đánh nước Việt. Vô Cương bị giết, người Sở chiếm hết đất đai. Bấy giờ vào năm 333 tr. Kỷ nguyên dương lịch, sử ký của Tư Mã Thiên quyển 41 mục «Việt vương Câu Tiễn thế gia» có nói: «Từ đấy người Việt tản mác, con cháu các họ tranh chấp, người làm Vua, người làm Chúa ở ven biển Giang nam hàng phục vào nước Sở.»
Nhà Hán học người Pháp là L. Anrousseau căn cứ vào đoạn sử ấy mà suy luận ra cuộc di cư của người Việt như sau: «Căn cứ vào đoạn văn trên đây có thể thấy được việc di dân của người nước Việt xưa vào năm. 333 tr. K.n. dương lịch. Bắt đầu họ đi xuống phương Nam tập đoàn chính dời khỏi bình nguyên phì nhiêu phía Bắc Đại dũ lĩnh, phía Đông vòng quanh các núi theo dọc bờ biển thiên di về phương Nam. Sử ký đã nói: «Con cháu các họ tranh lập hoặc làm Vua, hoặc làm Chúa», thì có thể thấy rằng họ lập lên một số nước nhỏ mà không có thể thống nhất, nhân thế mà Việt tộc tản cư mới sinh ra nhiều nước nhỏ mà phổ thông gọi là Bách việt vào thế kỷ thứ 3 tr. K.n. dương lịch. Tóm lại mà nói thì năm 333 sau khi nước Việt đi xuống miền Nam lập thành một số quốc gia phong kiến, trong số ấy có bốn nước trọng yếu hơn cả là:
- Nước Việt ở giải Ôn châu tức Đông Âu việt,
- Nước Việt ở giải Phúc châu tức Mân việt,
- Nước Việt ở giải Quảng châu tức Nam việt,
- Nước Việt ở giải Quảng tây phía Nam cùng với Bắc việt tức là Lạc việt hay Tây Âu hùng.
Bốn nước ấy vào thời cuối nhà Chu nghĩa là cuối thế kỷ thứ IV đầu thế kỷ thứ III tr. K.n. Tây lịch đã thành lập rồi vì sách Trang tử quyển 7 trong ấy có nói đến Nam việt mà ở thời nhà Chu cũng có danh từ Lạc việt».
Ông L. Aurousseau nghiên cứu lầu lượt bốn nước trọng yếu trong hàng Bách việt rồi kết luận mà đoán định rằng nước Việt nam ngày nay trực tiếp thuộc về di dân của nước Việt đã diệt vong vào năm 333 tr. K.n. Tây lịch, mà tổ tiên của họ tại 6 thế kỷ tr. K.n. Tây lịch đã dựng nước ở lưu vực sông Triết ngày nay trong tỉnh Triết giang.
Thuyết của L. Aurousseau phát biểu 40 năm trước đây, bấy giờ nhân vì Khảo cổ học, Ngữ học, Dân tộc học các phương diện chưa được ấn chứng cho nên trong giới học thuật không được tiếp nhận một cách phổ biến. Và ông Aurousseau khảo luận về khởi nguyên của dân tộc Việt nam chuyên viết về hai chữ Âu và Việt mà Đông âu tức người Việt đất Ôn châu, Tây âu tức người Việt đất Вắс việt đều thuộc về chi phái Việt tộc gọi là Âu, thuyết ấy luận đoán có chỗ sai lầm. Xét chữ Âu thực trỏ vào dân bản xứ đảo Hải nam, chữ Tây âu trỏ vào người Việt ở phương Tây đất Âu tức Quảng tây phía Nam và Bắc việt, mà Đông âu trỏ vào người Việt ở phương Đông đất Âu tức là một giải Ôn châu, mà thời kỳ thiên cư cũng không nên xác định sau năm 335 tr. K.n. Tây lịch. Tuy nhiên: ngoài những khuyết điểm nhỏ ấy thuyết của ông Aurousseau suy đoán về nguồn gốc dân tộc Việt nam do từ Bách việt mà ra rất có giá trị.
Cận đại các phương diện phát hiện và nghiên cứu về Khảo cổ học, Nhân loại học, Ngôn ngữ học, Dân tộc học đủ để công nhận suy đoán của Aurousseau, Văn hóa Bắc sơn thời tiền sử Việt nam mà chủ nhân có bộ phận thuộc về chủng tộc Indonesian. Văn hóa Đông sơn về sau thuộc về Văn hóa Đông cổ của Lạc việt từng tiếp nhận ảnh hưởng bên ngoài phần chủ yếu tự Hoa trung mà địa khu trung tâm của văn hóa Đông sơn lại lấy Bán đảo Nam trung và Hoa nam làm chủ yếu. Nói rõ hơn thì dân tộc Việt nam thuộc về giống người tóc cứng da vàng miền Nam Mông cổ, hình sọ và mũi về chỉ số cùng bề cao của thân thể thì đại khái giống với người dân việt và Mán nước Tầu. Về ngôn ngữ thì dân tộc Việt nam nói tiếng độc vận đơn âm, thanh điệu phức tạp của tiếng Việt nam thuộc về Hán Thái ngữ. Đến như đặc trưng văn hóa nguyên thủy của họ đều thuộc về phạm vi văn hóa cổ Đông nam á. Giáo sư Lăng Thuần Thanh hơn 10 năm gần đây hết sức nghiên cứu so sánh dân tộc học của văn hóa cổ Đông nam á có kết luận rằng: «Không những dân tộc Việt nam do nhóm Bách việt thời cổ Trung quốc ra mà dân bản xứ Nam dương Indonésia cũng cùng một nguồn gốc Bách việt thời cổ Trung quốc. Theo thuyết của Lăng Thuần Thanh thì khu vực địa lý phân phát nền văn hóa cổ xưa của Đông nam á ấy không những chỉ bao quát bán đảo và Hải đảo Đông nam á như bản đảo phía Nam Trung hoa và Nam dương quần đảo, mà về lục địa còn bao quát từ bán đảo đến phương Nam Trung hoa ngược lên phía Bắc đến Trường giang vượt xa tới sông Hoài, Tần lĩnh phía Nam, chạy từ bờ biển phía Đông, ngang qua miền Nam Trung hoa sang phía Tây qua Điền (Vân nam), Miến điện cho đến Assam ở Ấn độ. Danh từ Trung quốc trong cổ sử thường gọi là Bách việt tức là hệ thống Tây nam cũng gọi là Cức liêu cùng với dân bản xứ Indonésia ở Nam dương hiện tại là dân tộc cùng thuộc về một hệ thống văn hóa, đấy là giòng giõi thiên di về phương Nam về sau của Việt tộc.
Trong Bách việt một chi nhánh Lạc việt đi xuống phương Nam để trở nên một dân tộc trong nhóm Bách việt còn bảo tổn được dân tộc tính chưa bị Hán tộc đồng hóa và dung hòa nhờ sự thuận lợi của tình thế địa lý cho nên đã có thể phản kháng quân Tần khoảng 4 năm từ 221 đến 217 tr. K.n. Tây lịch. Từ Hán Vũ đế diệt nhà Triệu (111 tr. K.n. Tây lịch) về sau Việt Nam tuy lệ thuộc vào Trung quốc hơn một ngàn năm thấm nhuần Hán hóa nhưng không bị Hán tộc đồng hóa và thu hút, kết cục vào thế kỷ thứ X kỷ nguyên Tây lịch đã thoát ly Trung quốc mà độc lập. Đến như người Việt Đông âu, Mân việt, Nam việt, các chi nhánh Việt tộc ấy từ thời Hán tới nay đã hướng vào trung tâm Hán tộc để bị đồng hóa đến dung hòa thành dân Trung quốc ngày nay ở các tỉnh Triết, Mân, Việt, Quế.
LÃ SĨ BẰNG
NGUYỄN ĐĂNG THỤC dịch
[Tạp chí Tư Tưởng số 2, năm 1973]