Theo truyền thuyết, “Tọa Thiền” (ngồi thiền) hay “Tham Thiền” là một tập quán đã có từ ngàn xưa của Ấn Độ. Các nhà chuyên gia học giả suy đoán và tin tưởng rằng trước khi sắc tộc Nhã Lợi An (người Arian) ở trung tâm Mông Cổ bỏ nơi đó vì quá đông dân số, đi xuống và xâm lăng Ấn Độ, xóa sạch dân bản địa, thì dân nguyên quán của Ấn Độ đã có tập tục này, căn cứ vào sự phát hiện những hình tượng đàn ông trong tư thế ngồi thiền trong số các di vật văn minh cổ được ngành khảo cổ khai quật dưới lòng sông. Vì thế, không riêng Phật giáo, các tôn giáo khác ở Ấn Độ cũng đã sử dụng phương thức thiền định để tu hành. Từ đó chúng ta biết rằng trong thời đại Phật giáo nguyên thủy, ngồi thiền là một phương pháp, một cách thức được mọi hành giả thuộc các tôn giáo ở Ấn Độ áp dụng trong việc tu hành chứ chẳng phải chỉ chuyên biệt của Phật giáo đồ.
Chữ “Thiền” nguyên là tiếng Ấn Độ, Phạn ngữ của Ấn Độ gọi là Dhyana, tiếng Pali đọc là “Jhàna”, âm Hán ngữ dịch là “Thiền Na” hoặc “Thiền”. Ngoài ra cũng còn gọi là “Thiền định”, lấy cái ý để dịch là “Định” cộng thêm dịch âm chữ “Thiền”, gộp lại thành “Thiền Định”; ý nói “Thiền Định” là một phương pháp điều phục tâm tán loạn, và đây là một phương thức chuyên nhứt làm cho tâm an định; cho nên chữ “Thiền” còn được phiên dịch là “Tư duy” hay “Tịnh lự”.
Phật giáo dùng Thiền làm phương pháp tu “Định” và “Huệ”: ngồi thiền biết vọng dấy lên mà không theo là Huệ, không theo vọng tưởng nên tâm lặng lẽ an nhiên là Định. Định Huệ đầy đủ đó là Thiền. Ngài Huệ Năng giải thích: “Định và Huệ giống như đèn và ánh sáng. Có đèn tức có sáng, không đèn tức có tối. Đèn là thể của cái sáng, cái sáng là dụng của đèn, tuy hai mà là một; Cũng vậy, định và huệ chẳng phải hai, Định là thể của Huệ, Huệ là dụng của Định. Tức là khi huệ phát thì định ở trong huệ, khi định phát thì huệ ở trong định”. Tọa thiền nghĩa là “Ngoài, đối với mọi cảnh giới lành dữ, niệm chẳng dấy lên gọi là tọa. Trong, thấy tự tánh chẳng động gọi là thiền. Sao gọi là thiền định? Ngoài lìa hình tướng tức là thiền, trong chẳng tán loạn gọi là định. Trong thiền ngoài định gọi là thiền định”.
Người tu theo đạo Phật, dù cạn dù sâu, chủ yếu là gạn lọc tâm mình từ thô đến tế, gạn lọc cho đến khi nào tâm hoàn toàn thanh tịnh, đó là y “Tánh” khởi tu. Tánh có nghĩa là bản thể, yếu lý, linh hồn, hoặc cái bẩm sanh ở con người. “Tánh” theo ngài Huệ Năng, là Phật tánh, hoặc nói riêng về mặt trí, đó là “Bát Nhã”. Bát nhã là tiếng dịch âm từ tiếng phạn “Prajna”, dịch nghĩa là Trí huệ, Huệ, Nhận thức, là một khái niệm trung tâm của Phật giáo Đại Thừa, chỉ một thứ trí huệ không phải do suy luận hay kiến thức mà có, mà là thứ trí huệ chớp nhoáng lúc trực nhận tính “Không” là thể tính của vạn sự. Đạt được trí Bát-nhã được xem là đồng nghĩa với giác ngộ – Giác ngộ (Bodhi) còn gọi là Bồ Đề hay tỉnh thức, chỉ trạng thái lúc thiền giả bỗng nhiên trực nhận tính Không, chỉ với trực nhận đó, con người mới thấu hiểu được thể tính mọi hiện tượng. Trong Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật-đa Tâm kinh chỉ rõ “sắc tức thị không, không tức thị sắc” tức là không hề có hai thế giới, không còn nhị nguyên theo phàm trí. Nhờ tình trạng giác ngộ sâu xa, hành giả từ bỏ được cái Ngã. Trong Thiền tông, một khi cái Ngã đã chết (đại tử) thì “đời sống” mới bắt đầu, đó là một cuộc sống tự tại trong sáng và an lạc.
Ngài Huệ Năng dạy rằng bát nhã ấy vốn sẵn đủ ở bất cứ người nào, chỉ vì ta mê loạn trong tư tưởng nên không hiện thực được ánh sáng ấy ở trong ta. Vậy ta cần có sự hướng dẫn và khai ngộ của một bậc Thiền đức cho đến khi “con mắt Huệ” mở ra trong ta, ngay khi ấy tự ta có thể kiến chiếu vào tự tánh. Theo Lục Tổ Huệ Năng, Thiền là “Thấy Tánh”. Đó là hai chữ tinh yếu nhất chưa bao giờ được đúc kết đầy thần lực hơn trong dòng khai diễn của đạo Thiền. Trong bài luận có tên “Huyết Mạch Luận”, luận về sự “thấy tánh” hay “Ngộ” của Lục Tổ, ngài nhấn mạnh “Muốn tìm Phật, cần thấy tánh, vì tánh tức là Phật (Tánh tức là Tâm, Tâm tức là Phật, Phật tức là Đạo, Đạo tức là Thiền). Phật trước Phật sau chỉ nói thấy tánh. Muôn vật đều vô thường. Nếu không thấy tánh mà rêu rao là được Chánh Giác, đó là người đại tội”.
“Thấy Tánh” là danh từ thông dụng của các Thiền sư, và chính đó là đối tượng của phép hành thiền. Chữ “Ngộ” phổ thông hơn trong đại chúng, hễ thâm nhập trong sự vật thì có ngộ; Chữ Ngộ dễ dùng hơn, còn Thấy Tánh ám chỉ riêng sự phát huệ, mở con mắt bát nhã.
Đạo sư Osho dùng ngôn ngữ của thời hiện đại giảng về “con mắt Huệ” mà ông gọi là “con mắt thứ ba” như sau: “Tất cả các giác quan của bạn đều mở ra bên ngoài, tất cả chúng đều hướng ngoại: tai bạn nghe âm thanh vang tới từ bên ngoài, mắt bạn thấy màu sắc hay ánh sáng tới từ bên ngoài, tay bạn nắm bắt cái ở bên ngoài bạn. Không một thứ gì của giác quan bạn có thể đạt tới bên trong được. Để tới được bên trong có một cảm giác khác, phải là con mắt thứ ba, không có tay.
Tại ngay giữa hai lông mày của bạn, đích xác ở giữa, là chỗ có thể nhìn vào trong được. Khi bạn hiện hữu với mắt nhắm lại, cố gắng nhìn vào trong, xô về trung tâm của mình, thì bạn đang chạm vào con mắt thứ ba một cách liên tục. Bởi vì nó đã không được mở ra trong hàng thế kỷ nên nó đã quên mất cách mở ra. Do đó, mọi ngày thiền định… và một hôm bỗng nhiên bạn sẽ thấy con mắt này mở ra, và toàn bộ con đường là sạch sẽ và trong trẻo, bạn chỉ đơn giản bước về trung tâm đó”.
Rồi ngài Osho còn nhắn nhủ thêm với chúng ta rằng: “Thế giới theo chư Phật được chia thành hai loại Phật: người đang ngủ và người thức tỉnh. Người đang ngủ hôm nay có thể thức tỉnh ngày mai, người đang thức hôm nay có thể rơi vào giấc ngủ ngày mai. Thiền là việc thức tỉnh của ánh sáng bên trong đó. Và trong việc thức tỉnh đó, tất cả mọi luân lý đều tuân theo cách riêng của nó. Nếu bạn đơn giản thức tỉnh trong ý thức của mình và hành động theo nhận biết đó thì cuộc sống của bạn sẽ là luân lý, đức hạnh. Thiền cho bạn một tự do vô biên, nhưng tự do này lại lớn lao như trách nhiệm của bạn – nếu bạn dứt bỏ trách nhiệm thì bạn cũng vứt bỏ luôn tự do của mình. Và người không biết tự do thì cũng chẳng biết gì về cuộc sống, chẳng biết gì về tình yêu, chẳng biết gì về sự sáng tạo, chẳng biết gì về vũ trụ mênh mông này. Tự do là trách nhiệm lớn lao, nó cho bạn nhân phẩm và niềm kiêu hãnh. Nó làm cho bạn nhận biết rằng bạn đang sống theo một cách có ý nghĩa. Không có ý nghĩa nào khác cần tìm. Không có cái giàu nào khác hơn là sống từng khoảnh khắc mà không bận tâm về quá khứ vốn không còn nữa; và không ham muốn về tương lai, cái chưa hiện hữu. Bạn sẽ hiệu quả hơn nhiều trong việc sống ngày mai nếu bạn sống mãnh liệt cuộc sống hôm nay”.
Osho cho là “Thiền dạy cách mạng theo một cách duyên dáng: Thiền muốn bạn hiểu những tác động của cuộc cách mạng bên trong, và bạn phải đi trên con đường của riêng mình. Thiền đơn giản làm rõ ràng không có gì được tìm thấy cả, rằng không có chân lý bị giấu kín – đấy chỉ là mắt bạn nhắm lại thôi”. Nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng “Thiền không dành cho kẻ tin tưởng, nó dành cho người khám phá, dành cho những người thông minh, chín muồi, người không còn ngây thơ nữa, người đã trưởng thành. Rất ít người trưởng thành, phần lớn mọi người chỉ già đi. Trưởng thành làm cho người ta thành vị Phật”.
Ngài Osho không nói “Thấy Tánh” như Lục Tổ Huệ Năng, mà nói là “Nhớ lại bản tính”: “Thiền chính là bản tính bạn, không có cách nào ném nó đi được. Tất cả những điều bạn có thể làm với Thiền là hai điều: bạn có thể nhớ, hay bạn có thể quên. Đây chỉ là khả năng. Nếu bạn quên mất bản tính của mình, Phật tính của bạn, thì đây là tội lỗi duy nhất trong thế giới của Thiền: sự lãng quên. Lời cuối cùng của Phật Gautam trên trái đất cần phải được ghi nhớ: samasati. Samasati có nghĩa là ‘nhớ lại’. Thiền không phải là suy tư. Thiền đích xác là ‘samasati’ – nhớ lại điều tối thượng của bạn, nhớ lại cái thiêng liêng của bạn. Việc nhớ lại nó, và vui mừng với nó, và nhảy múa từ niềm vui mà bạn được bắt rễ sâu sắc vào trong sự tồn tại đến mức không có cách nào để bạn lo nghĩ, để bận tâm. Sự tồn tại là bên trong và bên ngoài bạn – nó là một toàn thể”.
Lê Giang Trần