Con đường của Phật dạy có hai yếu tố là thiết thực (practical) và hiện tại (here now), hay nói một cách khác là nó có thể mang lại sự an vui cho ta ngay bây giờ và ở đây. Giáo lý của Phật dạy rất sâu sắc và nhiệm mầu, nhưng đừng vì thế mà chúng ta đánh mất đi yếu tố thiết thực hiện tại của nó.
Thầy biết không, tôi nghĩ sự tu học bao giờ cũng phải cung hiến cho ta một lối sống thiết thực và cụ thể. Sự tu học của ta không thể chỉ dựa trên niềm tin, hoặc những lý thuyết siêu hình và trừu tượng mà thôi. Tôi nghĩ, những người đến tu học, cho dù với một hoài bão hay kỳ vọng nào, có một khó khăn hoặc khổ đau nào, đạo Phật cũng vẫn có thể giúp được cho người ấy. Cho dù ta có là một bác sĩ, kỹ sư, một nhà kinh tế, một học sinh, hoặc một người vợ, một người chồng, một người cha, một người con… sự tu học vẫn có thể giúp cho ta thấy ra và chuyển hóa được những vấn đề của chính mình. Vì tất cả đều là sự sống, mà đạo Phật dạy cho ta một lối sống hạnh phúc và tự tại.
Tính cách thiết thực
Có lần vào một tiệm sách tôi thấy có một quyển sách với tựa là “How To Be Sick: A Buddhist-Inspired Guide for the Chronically Ill“, chia sẻ về phương cách làm sao để ta sống với tật bệnh của mình theo tinh thần giáo lý của đạo Phật. Tác giả là bà Toni Bernhard, bà cũng đã thực hành thiền rất nhiều năm. Bà mang phải một chứng bệnh đau kinh niên, khiến bà không thể đi ra ngoài xa được. Mỗi ngày bà phải đối diện và sống với cơn bệnh của mình, nhiều khi đó là những cơn đau dài. Tác giả chia sẻ những kinh nghiệm của chính mình, khi phải đối diện với một căn bệnh bất trị và đã bỏ dở sự nghiệp của mình, giữa khi đang là một giáo sư đại học với một tương lai đầy hứa hẹn. Bà viết quyển sách ấy để chia sẻ những kinh nghiệm thiền tập của chính mình, hy vọng giúp đở cho những ai cũng như bà, đang phải đối diện và sống với một căn bệnh kinh niên nào đó.
Có lẽ chúng ta cần phải có nhiều hơn những sách thuộc loại này, vì đạo Phật phải giúp chúng ta chuyển hóa được những khó khăn cụ thể của mình trong cuộc sống. Tôi nghĩ giáo lý của Phật sâu sắc nhưng cũng rất là thực tiễn, nó có thể giúp ta sống hạnh phúc ngay giữa những khó khăn và phiền não của cuộc đời.
Tôi có nhận xét là người Tây phương họ học Phật theo một đường lối rất cụ thể và thực tế, những giáo lý cao xa được họ cụ thể hóa và làm cho nó được dễ hiểu và dễ ứng dụng hơn cho mọi người. Đạo Phật được họ mang vào áp dụng trong đời sống gia đình, nơi công sở, ngoài xả hội. Họ sẵn sàng nêu lên và thẳng thắng luận bàn về những quan điểm của Phật giáo về các vấn đề như là tự tử, trợ tử (euthanasia), đồng tình luyến ái, chiến tranh, luân lý… trong đời sống hằng ngày.
Có lần tôi nghe Sư Ông nói đùa với các thiền sinh Tây phương như thế này, là “Ở Đông phương, chúng tôi uống trà bằng cách pha những lá trà thơm, có khi là ngồi chờ hằng giờ. Khi trà du nhập vào Tây phương người ta lại sáng chế ra loại trà tea bags, chỉ cần vài phút.” Cái gì người Tây phương cũng muốn “thực tiển hóa” cho tiện lợi và dễ sử dụng!
Tôi nghĩ đó cũng có cái hay, vì nó giúp cho những giáo lý không bị trở thành những lý thuyết suông, dẫu siêu việt quá mà ít người có thể thực hành và hiểu được thì cũng khó mang lại lợi lạc. Nhưng lẽ dĩ nhiên là ta cũng đừng để đánh mất đi cái cốt lõi của nó, phải không Thầy? Mà thực tại bao giờ cũng là một trường học hay, giúp ta trải nghiệm để điều chỉnh lại cái học của mình. Sống trong thực tại sẽ giúp cho cái học của ta được thiết thực hơn.
Pháp ấy rõ ràng ngay trước mắt
Thiền sư Lâm Tế có nói về “địa hành thần thông” phép lạ là đi trên mặt đất. Tôi tu học không phải để được đi trên mây, trên nước, hay bước trên lửa. Tu học không phải để tôi có được những khả năng phi thường, để khiến mình trở nên kỳ dị và khác thường với những người chung quanh. Tôi tu học để tôi có thể thật sự sống đời sống của tôi, ý thức được những gì đang xảy ra chung quanh tôi với một tâm tĩnh lặng và trong sáng. Tôi muốn mình có thể thật sự đặt những bước chân mầu nhiệm trên mặt đất xanh tươi này. Chúng ta tuy sống trong hiện tại nhưng thường đi trên mặt đất tiếc nuối của ngày hôm qua, hoặc lo âu của những ngày sắp tới. Phép lạ là làm sao ta có thể thật sự đi trên mặt đất này bằng những bước chân trọn vẹn trong giờ phút hiện tại!
Với một rừng kinh điển mênh mông, chúng ta có thể nghĩ rằng những điều Phật dạy rất là huyền bí cao siêu, khó hiểu, khó thấy, nhưng thật ra chúng cũng rõ ràng ngay trước mắt ta. Tăng Chi Bộ Kinh ghi, có một người ngoại đạo tên Sivaka đến hỏi Phật “Con nghe nói giáo pháp của Ngài là rõ ràng ngay trước mắt, the dhamma is directly visible, thưa Ngài thế nào là rõ ràng ngay trước mắt?”
Đức Phật đáp, “Nếu nội tâm có tham, ông có biết ‘nội tâm ta có tham’; nội tâm không có tham, ông có biết ‘nội tâm ta không có tham’ chăng?” Ông Sivaka thưa: “Thưa có.” Phật bảo: “Này Sivaka, nội tâm có tham, ông có biết ‘nội tâm ta có tham’, nội tâm không có tham, ông có biết ‘nội tâm ta không có tham’. Như vậy này Sivaka ‘pháp ấy là rõ ràng ngay trước mắt, (the dhamma is directly visible)’…”
Chúng ta đâu cần phải tìm kiếm đâu xa xôi để chuyển hóa những muộn phiền và khó khăn của mình, phải không Thầy? Tôi nhớ câu chuyện của một người ngoại đạo đến hỏi Phật, “Tôi nghe người ta nói ông dạy đạo sống an lạc và giác ngộ, thế thì mỗi ngày các ông ở đây thực tập như thế nào?” Phật đáp, “Ở đây mỗi ngày chúng tôi ăn, uống, đi, đứng, nằm, ngồi.” “Như vậy có gì là khác biệt, là khó đâu, ai mà lại chẳng đi, đứng, nằm, ngồi?” Phật đáp, “Nhưng chúng tôi ở đây khi đi mình biết là mình đi, khi đứng biết là đứng, khi ngồi biết là mình ngồi, và khi nằm chúng tôi biết là chúng tôi nằm!”
Thầy biết không, có người hỏi chúng tôi thêm rằng, ai mà đi lại không biết mình đi, ngồi mà lại không biết mình ngồi, thở mà không biết mình đang thở đâu? Chúng ta có thể mất công giải thích hết giấy mực, nhưng thật ra ta chỉ cần mời người ấy tự chính mình trải nghiệm và khám phá lấy mà thôi, Thầy hả.
Tính cách hiện tại
Phật có khi nào dạy chúng ta trên con đường thực tập, mình phải xa lánh cuộc đời này không? Tôi thì không nghĩ vậy. Trong con đường đi đến cứu cánh giải thoát cuối cùng, Phật có dạy chúng ta về sự thực tập Chánh Mạng, (Right Livelihood). Mà tôi nghĩ Chánh Mạng không thể nào là trốn tránh cuộc đời. Chánh mạng có nghĩa là phải sống với cuộc đời này sao cho thật trọn vẹn, với tình thương và tuệ giác!
Trong đạo Phật, trên con đường tu học có một sự thực tập gọi là hành động chân chánh, (samyak-karmānta, wise action). Nó cũng có nghĩa là trong giờ phút này ta chỉ có một việc để làm, một lời để nói, ta chỉ có mỗi bước chân này và con đường mình đang đi… Và dầu có bận rộn vì bổn phận, hoặc là công việc có nhiêu khê đến đâu, ta hãy nhớ thể hiện hành động ấy sao cho chân chánh, cho đẹp và thật trọn vẹn, ngay trong giây phút này.
Mà thật ra, đó cũng không phải là một sự cố gắng tập luyện nào hết, vì ta cũng đâu thể hành xử theo cách nào khác hơn được, phải không Thầy? Thật ra đó cũng là sự sống của mình mà thôi. Trong giờ phút này ta chỉ cần biết trở về để ý thức được những gì đang có mặt trong ta và chung quanh ta một cách trọn vẹn. Ta chỉ cần sống cho chân thật, với một ý thức sáng tỏ, và rồi tất cả sẽ tự nhiên chăm sóc cho tương lai của mình.
Hạnh phúc bao giờ cũng có mặt trên con đường tu học, như Phật nói, “Con đường của ta tốt đẹp ở đoạn đầu, tốt đẹp ở đoạn giữa và tốt đẹp ở đoạn cuối.” Hạnh phúc không phải chỉ có mặt ở giai đoạn cuối của con đường tu tập mà thôi. Con đường tu học của ta là một con đường hạnh phúc, ta có thể bắt đầu bất cứ khi nào, bất cứ ở đâu, và nó sẽ làm cho cuộc sống của ta được tốt đẹp hơn lên.
Trong kinh Tương Ưng có lần Phật nói, “Này các thầy, ví như có ai đến nói với một người rằng, ‘Này bạn, vào buổi sáng bạn hãy đâm một trăm cây thương vào thân mình, vào buổi trưa bạn sẽ đâm một trăm cây thương, vào buổi chiều bạn sẽ đâm một trăm cây thương nữa… sau một trăm năm bạn sẽ giác ngộ được Tứ Diệu Đế.’ Này các thầy, một người hiểu biết có thể nào chấp nhận điều ấy chăng? Này các thầy, tôi không bao giờ nói rằng nhờ khổ và ưu mà Tứ Diệu Đế được chứng ngộ. Nhưng này các thầy, tôi dạy rằng nhờ lạc và hỷ mà Tứ Diệu Đế được chứng ngộ!”
Có người nghĩ rằng, trên con đường tu học chúng ta phải chịu khổ cực bây giờ để ngày mai được giải thoát. Việc ấy có lẽ chỉ đúng được phần nào mà thôi. Lẽ dĩ nhiên, sự tu tập đòi hỏi một sự tinh tấn, nhưng không có nghĩa là ta phải chịu khổ đau và trốn tránh cuộc đời. Mà thật ra, sự tinh tấn ấy chính là sự buông bỏ thái độ lăng xăng tạo tác của mình, để quay trở về sống trọn vẹn trong giờ phút hiện tại, chứ không phải là một nỗ lực nào khác. Và đó cũng là ý nghĩa của thiết thực hiện tại.
[trích Một chia sẻ sống đẹp]