Vấn đề giáo dục Phật giáo đã được trình bày nhiều lần trong Tư tưởng bộ cũ. Chúng tôi cũng đã ấn định một đường hướng giáo dục Phật giáo, đồng thời đặt nền tảng cho mọi phương pháp giáo dục. Những vấn đề này đã được đúc kết trong tập «Trước sự nô lệ của con người» của T. T. Thích Minh Châu do ban tu thư Đại học Vạn Hạnh xuất bản.
Ở đây chúng tôi muốn phân tích những nguyên nhân của sự khủng hoảng giáo dục hiện đại và xem khả tính của Phật giáo đối với sự khủng hoảng này.
I. NGUYÊN NHÂN CỦA SỰ KHỦNG HOẢNG GIÁO DỤC HIỆN ĐẠI
Sự khủng hoảng giáo dục bùng nổ một cách mau chóng trên hầu hết các đô thị lớn thế giới và lan tràn bằng bạo động một cách bất ngờ làm cho các nhà xã hội học, chính trị học và nhà giáo dục bàng hoàng ngơ ngác nhìn nhau không biết mình tính sai hay thế giới sai. Máy tính điện cơ bảo rằng công thức đúng, phép tính cái nhiên bảo rằng theo thống kê học những dữ kiện không có trật, cơ cấu thuyết thì bảo rằng những tổ chức đều cố định tốt đẹp. Mọi việc theo lý thuyết đều an toàn, hoàn hảo trong một nền giáo dục hợp lý mà tất cả mọi chính phủ đều đặt trọng tâm vào với gần phân nửa ngân sách quốc gia (Ở Việt nam chỉ có vài phần trăm mà thôi). Tất cả đều sống với ảo ảnh trên cho đến ngày nhà cháy đột ngột mới đi tìm khuyết điểm. Những sự kiện bột phát nghịch lý này theo triết lý nhà Phật là điều kiện cần thiết cho nhân loại để biết chuyển y (parávritti), biết ngạc nhiên đặt câu hỏi do đó, biết dừng chân trên con đường duy lý và bớt suy tôn phương tiện máy móc. Những vị nào đã có cơ hội xuất ngoại sẽ không khỏi ngạc nhiên khi được tin sinh viên bạo động chống cơ cấu giáo dục hoàn bị nói trên vì đâu đâu cũng có những cơ sở đồ sộ, trang bị tối tân, với những vườn hoa, hồ tắm, sân vận động tiện nghi đầy đủ. Ngạc nhiên vì theo thành kiến duy lý, chúng ta đã thâu hẹp nhân tính của sinh viên quá nhiều mà không hay. Chúng ta quan niệm rằng sinh viên chỉ là một cái máy ăn ngủ, giải trí và học nghề, không hơn không kém. Tất cả chỉ là một vấn đề tổ chức mà thôi, một khi mà máy đã ăn khớp thì ngành giáo dục được coi như hoàn toàn bảo đảm và hữu hiệu. Nếu rủi ro cố trục trặc thì chúng ta cho rằng vì có những phần tử thiếu số phá hoại với những lý do ngoài phạm vi nhà trường (như sự xúi dục của đảng phái hay sự bất hòa trong gia đình v.v.) Sự biện minh này không đứng vững được nữa vì hàng vạn sinh viên khắp nơi bùng nổ dậy hầu như đồng thời trên khắp mọi nơi, toàn thế giới. Họ chống đối một sự kiện mà chúng ta, giới trưởng thành, không thể nào quan niệm được vì những thành kiến hợp lý đã từ lâu ăn sâu bám rễ vào tâm hồn vào chúng ta. Phần nhân tính của chúng ta đã khô héo, nguồn suối sống động tuổi trẻ của chúng ta không còn, cho nên chúng ta chỉ biết sẵn sàng mạnh tay đàn áp giới hậu sinh khi thấy rằng nền giáo dục đầy tiện nghi vật chất và đầy hiệu quả chuyên môn như vậy mà lại bị chống đối một cách phi lý, vong ơn bội nghĩa. Nhưng sự đàn áp vì tức giận không giải quyết vấn đề cũng như dạy học bằng nội chiến là một việc phi tưởng. Chúng ta phải thẳng thắn mà công nhận rằng chúng ta đã thất bại trong đường hướng giáo dục hiện đại. Tôi xin nhấn mạnh vào chữ hiện đại vì từ xưa trong lịch sử nhân loại không có bao giờ có sự chống đối lạ lùng như vậy giữa thầy và trò, giữa hàn sĩ và xã hội. Thế giới «Lầu chõng» của Ngô tất Tố ngày nay không còn, câu chuyện Lưu bình Dương Lễ chỉ là một bài thơ thanh bình xa xăm. Chính đường hướng giáo dục hiện đại là nguyên nhân của sự khủng hoảng giáo dục thế giới ngày hôm nay. Trên khắp mọi nơi, từ Đông sang Tây từ Nam chí Bắc đâu đây cũng theo đúng một đường hướng giáo dục như nhau: «Đường hướng đó theo Krishnamurti trong de I‘ Education là sự đào tạo một mẫu người khuôn khổ, thích an toàn, ham cạnh tranh mê giải trí, giết thời gian bằng cách sống máy móc và suy nghĩ ít chừng nào hay chừng ấy ». Mẫu người này có thể đọc thuộc làu đức lý nhưng không mấy khi thực hiện một cách tâm thành. Đường hướng giáo dục trên đã được nhiều nhà giáo dục ấn định một cách hợp lý theo những xu hướng khác nhau trên phương diện hình thức chi tiết, nhưng về phần nội dung thì không ra ngoài tư tưởng quan trọng của Emile Durkheim (1858-1917) và John Dewey (1859-1952).
II. DURKHEIM CHỦ TRƯƠNG TÁCH RỜI GIÁO DỤC RA KHỎI CÁ TÁNH CON NGƯỜI.
Đặc tính của khoa học là chỉ thấy những gì tổng quát, phổ biến chứ không chú trọng đến sự đơn độc hay độc thù, Durkheim do đó không để ý đến con người mà chỉ chú trọng đến xã hội mà thôi và cho rằng giáo dục là một sự kiện xã hội (fait social) vượt ra khỏi ý thức cá nhân. Đối với ông giáo dục là dạy học mà thôi, giáo dục chỉ là mô phạm hay là «phương pháp xã hội hóa thế hệ trẻ» (Science de l’ éducation), Nhà trường là một nơi huấn luyện đức dục lý tưởng vì tuổi trẻ còn non dễ dạy và biết vâng lời, do đó Durkheim ấn định một phương pháp cưỡng chế xã hội dựa trên nguyên tắc «giáo dục là tác dụng của thế hệ trưởng thành đối với những thế hệ chưa thành thục với đời sống xã hội» (Science de l‘ éducation). Thế hệ trưởng thành nói trên được đại diện bằng giáo sư và phụ huynh học sinh, và tác dụng là «một áp lực không bao giờ nghỉ đè. nén trên đứa bé, đó chính là áp lực của khung cảnh xã hội cố sức đào luyện đứa bé theo mẫu ấn định trong khi phụ huynh và giáo sư chỉ thủ vai trung gian mà thôi» (Règles de la méthode sociologique). Vì chủ trương như vậy cho nên vai trung gian bị sinh viên phản kháng đầu tiên và các giáo chức thường bị chống đối oan trong khi thừa hành nhiệm vụ. Chính đường hướng giáo dục Durkheim đã tạo ra sự phân chia thế hệ già trẻ; xã hội là xã hội của người già, giàu kinh nghiệm đủ khả năng đào luyện người trẻ và không cho người trẻ quyền sống trong xã hội ngoài việc tòng quân hy sinh cho chính nghĩa. Nhờ Durkheim, chính trị nhảy vào tuổi trẻ một cách đẹp mắt với mục đích là «phát triển đứa bé trên phương diện sức khỏe, trí tuệ và đạo đức mà xã hội chính trị đòi hỏi trên phương diện tổng quát và hoàn cảnh, ấn định cho nó, đòi hỏi trên phương diện đặc thù» (id.) Nói một cách khác, theo Durkheim đứa bé được giáo dục trên hai phương diện: tổng quát với sự đòi hỏi chính trị hay chủ nghĩa do chính quyền vạch sẵn phải theo và đặc thù với sự định đoạt do hoàn cảnh nghề nghiệp chuyên môn cho cá nhân sinh sống. Chính cái giáo dục song phương này đã gây mâu thuẫn nội tại cho cá nhân mà «nhà xã hội học nhưng thiếu tâm lý học» Durkheim không để ý đến. Sự tương phản giữa giáo dục tổng quát và giáo dục đặc thù là sự tương phản của văn hóa đại cương và chuyên môn kỹ thuật, một sự kiện mà những xã hội kỹ nghệ hiện đang lâm vào nạn bế tắc không giải quyết được. Sự khủng hoảng của hệ thống giáo dục ở đây thường đi kèm với sự khủng hoảng của chính ngay hệ thống xã hội, nhưng đối với Durkheim thì những mâu thuẫn nói trên có thể dẹp tắt bằng áp lực xã hội đối với những thế hệ trẻ. Durkheim không có thể ngờ đến sự khủng hoảng của chính ngay hệ thống xã hội với sự đồng tình giữa thợ thuyền và sinh viên trong vấn đề văn hóa và chuyên môn tương phản này. Những khủng hoảng giáo dục do Durkheim tạo ra biến thành khủng hoảng xã hội. Chính Durkheim cũng nhận thấy sự tai hại của mâu thuẫn này khi đem áp bụng vào xí nghiệp – vì ở đây không còn không khí áp lực như ở học đường, – do đó trong La division du travail social Durkheim chống đối sự phổ biến văn hóa cho công nhân vì: «một khi công nhân quen nhịn những chân trời rộng lớn, phóng những tầm mắt bao quát, có những khái niệm tổng quát đẹp đẽ, họ sẽ không còn chịu nhẫn nại trước sự gò bó trong khung cảnh chật hẹp với một công tác, đặc thù ». Duy trì mâu thuẫn giáo dục tại học đường bằng áp lực xã hội và ngăn chận văn hóa tại xí nghiệp là chủ trương của một chánh sách giáo dục hợp lý đầy mâu thuẫn mà không ai tiên đoán hậu quả tai hại cho mãi tận bây giờ. Chính đường hướng đào tạo con người khuôn mẫu thích an toàn ít suy nghĩ đã xã hội hóa giáo dục một cách tai hại như vậy. Chúng ta không thể nào thay đổi chánh sách giáo dục một khi mà đường hướng trên vẫn tiếp tục được chấp nhận. Không thể nào nghĩ đến chuyện giáo dục xã bội nếu xã hội là yếu tố tối cao vượt ra khỏi ý thức cá nhân, nếu xã hội vẫn còn muốn đào tạo con người khuôn mẫu có kiến thức nhưng lại chủ trương chận đứng ý thức cá nhân.
III. DEWEY CHỦ TRƯƠNG GIÁO DỤC XÃ HỘI ĐỂ ĐÀO TẠO CON NGƯỜI «TỰ DO» BẰNG PHƯƠNG PHÁP THỰC DỤNG.
Dewey là một nhà giáo dục nặng phăn tâm lý hơn phần xã hội, ông chủ trương phương pháp tác dụng để cho tuổi trẻ có tinh thần tự lập, phát triển khả năng tiểu công nghệ và sáng kiến cá nhân. Nhiệm vụ của nhà giáo dục là tìm kiếm tương quan giữa tri và hành của sinh viên. Thuyết tri hành hợp nhất của Dewey được các Đại học ở Mỹ áp dụng triệt để, và ngay cả Lounatscharski tổng trưởng giáo dục Nga (1928) cũng sùng bái tinh thần cách mạng giáo dục này. Những chánh sách và phương pháp giáo dục của thế giới tư bản và cọng sản không khác nhau cho nên sự phản kháng cùng bùng nổ một lần với nhau. Đường lối chính trị hai bên tuy khác nhau nhưng vẫn thừa nhận Dewey vì đương sự chủ trương một triết học hành động thay thế cho triết học thuần lý nhồi sọ nhà trường không thích hợp với xã hội kỹ nghệ. Có thể nói là thế giới tự do chú trọng vào phần «tâm lý» của Dewey còn thế giới cộng sản thì chủ trọng về phần «xã hội» vậy. Hay nói một cách khác, chánh sách giáo dục của thế giới tự do là Dewey cộng với Freud còn chánh sách của thế giới cộng sản là Dewey cộng với Marx (Freud, Marx và Dewey là ba tư tưởng gia chủ trương thuyết hành động của nhân loại ngày hôm nay). Với Dewey hướng về tâm lý thì thích giáo dục tự do còn hướng về xã hội thì thích giáo dục bình đẳng, sở dĩ đường lối chính trị hai bên tương phản là vì tự do và bình đẳng hạn chế nhau sinh mâu thuẫn (xem bài Tư tưởng Hoa nghiêm về con người xã hội trong Tư tưởng số 3 bộ mới).
Dewey không chủ trương phương pháp giáo dục bằng áp lực vì với triết học hành động hay tác dụng, sự mâu thuẫn nội tại của con người giữa lý thuyết và thực hành được xem như đã giải quyết. Tuy nhiên sở dĩ không có mâu thuẫn ở đây là nhờ ở sự hạn chế tư tưởng chứ không phải nhờ ở một giải đáp thích hợp với nhân tánh. Dewey không chấp những giải đáp lý thuyết và những tư tưởng siêu hình, ông cho rằng «lý thuyết không phải là những giải đáp bí ẩn ngỏ hầu đem lại hòa bình, nhưng lại là những kiến tạo mà chúng ta phải sử dụng như khí cụ». Với Dewey văn hóa tổng quát không còn chỗ đứng để gây mâu thuẫn với chuyên môn ông viết: «điểm quan trọng và đặc sắc của ý niệm thực tại hiểu theo phái thực dụng; chính là quan điểm cho rằng một triết thuyết tổng quát không thể có được và cũng không cần thiết» (trích theo Ludwig Marcuse trong Amerikanisches philosophieren). Đối với ông nhu cầu siêu hình của Kant là một đòi hỏi bất thường mà xã hội không bao giờ biết đến. Thật tình theo ông thì siêu hình không có ích lợi gì cho sự crei tạo xã hội mà ông chủ trương bằng phương pháp giáo dục. Phương pháp giáo dục tác dụng khác với phương phá Durkheim, không phân biệt nhà trường với xã hội, nhà trường là một nhà máy và nhà máy là một nhà trường. Giáo dục «hậu học đường» (Postgraduale course) và «tiền xí nghiệp» (Workshop) này đã dung hòa được tuổi trẻ và tuổi già một cách mật thiết và nếu đi quá trớn sẽ tạo ra một thế hệ có văn hóa nửa chừng (mid-cult) nếu không phải là thiếu hẳn. Xã hội ngày hôm nay nếu không có sự bùng nổ của nhân tánh thì sẽ gồm toàn một hạng người già mà còn ấu trĩ không khác gì với trẻ mà đã cụ non. Hạng người thiếu văn hóa này rất thích hợp với sự tiến bộ của khoa học, của kỹ nghệ máy móc, của sự tập trung vào những tổ chức như hiệp hội hay đảng phái, và của những thành phố đông đúc dân cư. Thực dụng chủ nghĩa của Dewey dần dà đi vào con đường của thủ lợi chủ nghĩa vì phần học nghề quả mạnh chận đứng mọi phần về tư tưởng và nghệ thuật. Giáo dục ở đây có nghĩa là huấn luyện (training), chân lý có nghĩa là hữu hiệu, thực tại có nghĩa là thực tế, và thực tế có nghĩa là làm ra tiền. Chúng ta không thể trách thiện chí của Dewey, một thiện chí mà một vài tu sĩ Phật giáo (Nhất hạnh) đã noi theo đễ cố gắng cải tổ và «hiện đại hóa Phật giáo Việt Nam» cùng dùng «thanh niên để phụng sự xã hội» theo phương pháp thực dụng vừa mới học được. Lý thuyết hành động của Nhất hạnh là một góp nhặt tư tưởng của bộ ba Freud, Marx, Dewey, nhưng lại góp nhặt những gì kém nhất của họ. Ví dụ:
– Với Freud ông đặc biệt quan tâm đến vấn đề sinh lý của tu sĩ theo luật thiên nhiên một cách khẩn khiết, trong Đạo Phật hiện đại hóa (trang 60) ông cho rằng thiền định cũng «tiêu xài tinh lực như người đời trong lúc giao tiếp nam nữ».Ông quên mất luật nhân quả của Tục đế nhà Phật mà chấp nhận luật thiên nhiên khôi hài của phái bách khoa thế kỷ thứ 18.
– Với Marx ông chủ trương «chính quyền có thể nhân danh đạo đức cách mạng để mà áp dụng biện pháp trưng dụng hoặc truất hữu… thuận theo ước vọng của đại chúng» (trang 196 và 197). Nhất hạnh hiểu sai tinh thân Vô úy Phật giáo khi cho rằng tinh thần này phải «bao gồm pháp luật, chính trị và quân sự nữa để bảo vệ tự do và an ninh» (trang 111).
– Với Dewey, Nhất hạnh chủ trương «giáo dục trước tiên phải nhắm đến hướng thực dụng» (trang 172) nhưng không hiểu ông nghĩ thế nào mà lại gọi «Phật giáo có thể là một thực nghiệm chủ nghĩa (trang 101) chống lại «siêu hình»? Cái này là học ở phái Duy thực nghiệm (positivisme) hiện đang khủng hoảng trầm trọng mà vì quá duy cựu nên tác giả không hay biết gì cả.
Thiện chí hiện đại hóa « duy cựu » của Nhất hạnh cũng như thiện chí của Dewey đã đem lại khủng hoảng thay vì cải tạo xã hội. Dewey đã không sáng suốt khi vẫn tiếp tục chấp nhận đường hướng giáo dục đào tạo mẫu người khuôn khổ thích an toàn, ham làm lớn và ghét suy nghĩ v.v… Chính đường hướng này đem lại khủng hoảng giáo dục hiện đại, lỗi ở đường hướng chứ không phải ở phương pháp của Dewey. Rất tiếc là Dewey đã cách mạng nửa chừng ham phương tiện quên căn nguyên. Phương pháp của Dewey nếu nặng thêm phần Tri thì sẽ tiến tới thuyết Tri hành hợp nhất của Vương dương Minh, và nếu bớt phần suy tôn phương tiện (instru- mentism) thì có thể đi vào con đường nhập thế của tư tưởng Hoa nghiêm, sau khi đã tự giác bằng hành trì tu chứng. Thiện chí của Nhất hạnh là một thiện chí bậc hai vì đi theo đuổi những tư tưởng giáo dục duy nghiệm đang gieo rắc khủng hoảng. Chính vì sự thiếu sáng suốt này nên Phật giáo Việt Nam ngày nay đang hiện đại hóa khủng hoảng cho chính bản thân; và chính vì theo đuổi phương pháp và phương tiện Tây Âu một cách mù quáng cho nên mẫu người thích an toàn và ham làm lớn mới có cơ hội phát triển và tạo ra nhiều giáo hội kỳ quái xuất hiện tại Việt Nam bất chấp Phật pháp, đề cao giáo chủ. Đôi khi sự theo đòi này đi quá mức tưởng tượng với sự kiện trở về hình thức những giáo hội Trung cổ. Phật giáo không bao giờ cần hiện đại hóa vì đường hướng giáo dục của Phật giáo triệt để chống đối sự huấn luyện con người thành mẫu người. Nếu xét cần phải hiện đại hóa hình thức hay phương tiện thì khỏi phải bàn nhiều lôi thôi vì Phật giáo từ lâu không những chấp nhận phương tiện thiện xảo xem như chiếc bè cứu độ mà còn khuyến khích là đằng khác. Tuy nhiên chiếc bè chưa phải là bờ sông cho nên phương tiện dầu cho thiện xảo cách mấy cũng phải nhường bước cho cứu cánh. Và cứu cánh là «cái gì còn lại»trong con người sau khi «quên hết» những gì do giáo dục đem lại. Phần còn lại là nhân tánh mà chúng ta không thể đem ra trình bày bằng bất cứ phương tiện nào vì không có gì có thể đại diện hay thay thế cho nhân tánh được cả. Vấn đề cải tạo xã hội hay phụng sự xã hội chỉ có thể đặt một cách chính thống khi nào nhân tánh được biểu lộ với con người toàn diện. Thiếu phần nhân tánh, dầu cho có thiện chí bao nhiêu cũng là vô ích vì mẫu người sẽ là người máy và cái tự do của Dewey là cái tự do tích cực, của khả năng chế tạo, muốn làm gì được nấy chứ không phải trạng thái tự do giải thoát thoải mái tâm hồn. Với Dewey thì con người không có lối thoát ngoại trừ vác thân đến chữa bệnh với các ông lang chuyên trị thần kinh, sản phẩm hạ giá của phân tâm học Freud, hoặc nhắm mắt liều theo chân Marx mà hô to khẩu hiệu: «cần lao là tất yếu vì lao động là tự do!» để chôn vùi cuộc đời theo ý thức hệ. Điểm son của chính sách giáo dục lãng quên siêu hình Dewey là đưa con người lên cung trăng với Apollo 11 nhưng điểm đen của chánh sách là chiến tranh bùng nổ dễ dàng giữa Honduras và El Salvador vì hâm mộ túc cầu (trên 3.000 người chết). Hai sự kiện này xảy ra đồng thời nhưng vì phần nhân tính quá kém cho nên nhân loại chúng ta chỉ chú ý có việc trên.
IV. WILLIAM JAMES VÀ BERGSON ĐEM NHÂN TÁNH VÀO ĐẠI HỌC VÀ GIEO MẦM CÁCH MẠNG GIÁO DỤC
William James (1842-1910) và Bergson (1859-1941) là hai giáo sư đại học chủ trương đặt lại giá trị con người toàn diện chống lại nền giáo dục suy tôn khoa học và máy móc. Cá nhân theo James là «cá nhân đơn độc, một hiện tượng căn bản hơn mọi tổ chức, mọi tập thể và xã hội» cá nhân đơn độc này là cá nhân được giải thoát khỏi mọi hệ thống ràng buộc. Tự do của James khác hẳn tự do của Dewey vì nghệ sĩ James tự do sáng tác một mình khác với công dân Dewey sống trong chính thể tự do, (nghĩa là ứng cử viên tự do, cử tri tự do, đảng viên tự do hay thương gia tự do v.v…) Cá nhân của James là cá nhân sống động của Bergson luôn luôn biến chuyển và sáng tác không ngừng. Nhưng nhắc đến cá nhân đơn độc của James và đà sống của Bergson mà không nói đến Nietzsche (1844-1900) một giáo sư siêu phàm, là một thiếu sót lớn, mặc dù Nietzsche chỉ dạy học có 10 năm (1869- 1870). Trong tập «Schopenhauer, nhà giáo dục» (Schopenhauen, als Erzieher ) Nietzsche đã nắm ngọn James và Bergson trong câu «Ý nghĩa của đời sống không ở trong sự duy trì hay sự tiến bộ của những chế độ, nhưng lại ở trong các cá nhân». Do đó Nietzsche cũng như James và Bergson mặc dầu danh tiếng nhờ cá tánh hiểu biết của sinh viên nhưng không ảnh hưởng gì đến các cơ cấu tổ chức giáo dục nói chung. Những nhân vật này đi vào đại học như những vết sao băng sáng ngời nhân tánh nhưng không tồn tại vì họ chống đối mọi cưỡng chế xã hội và mọi thể chế giáo dục. Nếu ta theo Mac Iver mà cho rằng «Văn minh là phạm trù của những lợi ích còn văn hóa là phạm trù của những giá trị» thì Nietzsche, James và Bergson nắm phần văn hóa và nhường phần văn minh tiến bộ lại cho chánh sách giáo dục Durkheim-Dewey. James chống đối tổ chức xã hội triệt để cho đến nỗi y tuyên bố thà sống vô trật tự với «chế độ» vô chính phủ hơn là chịu đựng độc tài. Và vì muốn giữ vững những giá trị nhân tánh, James cũng như Nietzsche chống đối luôn cả văn minh không một chút mến tiếc và mở đường hướng mới cho phong trào hiện sinh trong đại học với Camus và Berdiaeff, hai triết gia chống xã hội máy móc, rất có ảnh hưởng với sinh viên hiện đại. Chống đối văn minh là chống đối những sản phẩm của lý trí trong đó gồm có không những kỹ thuật khoa học mà cả thế giới duy lý với những hệ thống lý thuyết suông. Tuy nhiên sở dĩ James và Bergson chống đối lý trí ma vẫn sống một cách thoải mái trong khuôn viên đại học duy lý được là vì họ đang còn tin tưởng vào thế giới tương lai, Bergson thì tin vào sự tiến hóa (évolution) còn James thì cho rằng thế giới có thể cải thiện được (meliorism). Do đó họ không triệt để bằng Schopenhauer hay Nietzsche để từ khước đại học đầy ràng buộc này. Schopenhauer và Nietzsche không tin rằng phần nhân tánh con người có thể giáo dục bằng một phương pháp ngoại tại nếu trong lòng cá thể còn chống đối. Giáo dục chính thống phải phát xuất từ nội tâm, không hướng về tương lai nhưng hướng về căn nguyên, câu «Hãy trở thành nguyên tánh ngươi» của Nietzsche chính là câu «Bản lai diện mục» của Phật giáo. Sự kiện này không thực hiện được vì không có một nền giáo dục nào mà không hướng về tương lai, không có một nhà trường nào mà dám chủ trương chống tiến hóa cho nên Nietzsche và Schopenhauer không có đất đứng tại đại học. Khác với Bergson và James tuy chống đối cưỡng chế tại đại học nhưng vẫn còn tin tưởng vào ngày mai tươi sáng, họ khước từ xã hội nhưng trông cậy vào đời sống vô trật tự đầy sáng tác. Họ đã đi lầm đoạn đường chót, hay nói một cách khác họ đã làm cách mạng nửa chừng không khác gì Dewey. Nếu Dewey ham phương tiện quên nhân tánh thì James say mê nhân tánh quên phương tiện. Nếu Dewey chú trọng phương pháp khoa học thì James để ý đến phương pháp thiên nhiên, cả hai đều sai lầm vì cùng cho rằng chân lý là một món quà có thể tặng nhau được trong tương lai. Cả hai đều làm cách mạng giáo dục nửa chừng vì quên mất hiện tại của con người sống động. Con người hiện tại đó chính là hiện thể (Dasein) của Heidegger. Muốn giáo dục hiện thể phải giải thoát trước tiên con người ra khỏi sự kiềm chế của thời gian duy lý đo đạc được của Dewey hay thời gian tâm lý cảm nhận được của James. Đó là một sự kiện vô cùng lạ lùng mà chúng ta cần phải «chứng» trước khi đọc những tác phẩm căn bản về giáo dục như «Schopenhauer I‘Edura-tteur» của Nielzsche hay «De I‘Education» của Krishnamurti. Tuy nhiên, mặc dẫu không đạt được kết quả mong muốn với chánh sách giáo dục hướng về nhân tánh quên phương tiện này. James và Bergson đã có công gieo mầm cách mạng giáo dục và mở đường cho sự đề cao Schopenhauer và Niezsche sau này đồng thời giúp cho tư tưởng Tây phương huớng về tinh thần căn nguyên của giáo dục Phật giáo.
V. KHẢ TÍNH CỦA PHẬT GIÁO ĐỐI VỚI SỰ KHỦNG HOẢNG GIÁO DỤC HIỆN ĐẠI.
Phật giáo không bao giờ chủ trương giáo dục bằng trường học xem như trại tù nhốt trẻ vì mục đích của Phật giáo là đi đến sự giải thoát tâm linh giải quyết ngay sự khủng hoảng kể từ phút ban đầu sở dĩ trường học là trại tù đối với trẻ là vì tất cả các phương pháp giáo dục đều chủ trương nhôi sọ không ít thì nhiều. Trẻ em chưa «ngạc nhiên» tìm hỏi mà chúng ta đã cho ngay giải đáp để chạy theo kịp chương trình càng ngày càng nhiều rắc rối. Dần dà trẻ em chỉ biết học với trí nhớ, điên đầu bể óc để lo thi cho đậu; vì thi hỏng là một tai nạn kinh niên cho tuổi trẻ rùng rợn cho sinh viên hết hạn tuổi hoãn dịch và thê thảm cho những tráng niên bẽ bàng vì thấy ai thi đâu đậu đó. Sự ngạc nhiên sống động của tuổi trẻ không còn thì sự thắc mắc của tinh thần căn nguyên và sự hoài nghi của tinh thần khoa học cũng biến mất. Cái sinh khí mà James mong muốn và cái hành động Dewey đòi hỏi khó lòng mà thực hiện một cách trung thực được với một tổ chức giáo dục lo «thông tin» tài liệu để học thuộc lòng càng nhiều càng hay và lo «ấn định» những luật lệ xã hội theo truyền thống phải phục tùng càng rắc rối càng tốt. Theo kinh nghiệm thì những trẻ xuất sắc nhờ trí nhớ thường không thành công trên đường đời và theo thống kê thì các giám đốc xí nghiệp tư hầu hết không mấy ai xuất thân đại học. Einstein không đậu nổi tú tài và được thầy phê trong học bạ là dốt, nên đã tự học theo khuôn khổ của sở thích riêng lúc làm thơ ký ở sở cấp bằng phát minh tại Thụy sĩ, và nhờ vậy mà tạo ra cho mình một đường hướng cách mạng trong lý học. Học tăng Tùng sơn có trí nhớ siêu phàm đi đến tìm Thiền sư Vân môn để xin học đạo, Vân môn hỏi:
– Ông ở đâu đến?
– Ở Sato.
– Mùa hè ở đâu?
– Ở chùa Konan.
– Ra đi khi nào?
– 25 tháng 8 âm lịch.
Vân môn bèn la lớn: mày sẽ lãnh đủ ba chục trượng. Bây giờ cút đi.
Chiều tối, Tùng sơn vào phòng Vân môn hỏi xem đã lỗi lầm gì để tương xứng với một hình phạt quá nặng như vậy. Thiền sư trả lời:
– Mày chỉ là một túi gạo mà dám vác thân lang thang khắp nước sao?
(Trích trong Thế giới Thiền của Nancy Wilson Ross)
Thượng sĩ Huệ trung trong bài Thị học (Ngữ lục) cũng bảo cho hàng học giả không nên học theo lối «mài mài gạch ngói» bắt chước mượn ý người khác như sau:
Học giả phân phân bất nại hà
Đồ tương linh đích kho tương ma
Báo quán hưu ỷ tha môn hộ
Nhất điểm xuân quang xứ xứ hoa.
Tất cả các cậu bé đều thích «Nhất điểm xuân quang xứ xứ hoa» này để mà thoát khỏi nhà tù học đường nhồi sọ. Chỉ cần thấy một điểm ánh sáng mùa xuân cũng đủ làm nở hoa khắp mọi nơi, hà tất mà phải nhai đi nhai lại những tư tưởng của người khác? Giáo dục chính thống không phải là gom góp những sự kiện, những kiến thức để mà phân hạng, chia loại, kê khai nhưng mà là gây phản ứng để làm biểu lộ ý nghĩa của sự sống toàn diện. Học bằng phương pháp mài gạch ngói và mượn cửa nương tựa theo người khác là giết chết tư tưởng trung tính hay tư tưởng trầm tư (pensée méditante) theo danh từ Heidegger. Nương tựa theo sự hợp lý là đi theo một đường mòn luận lý không lối thoát vì đã được tiền định trong sự chấp nhận những nguyên lý đầu tiên. Tư tưởng chấp nhận không biết ngạc nhiên là tư tưởng tính toán Heidegger (pensée calculante) rất hiệu năng, rất lợi ích và rất thực dụng, nhưng nguy hiểm nếu ta đi quá xa đến đỗi quên giá trị của khởi điểm, và quên giới hạn của nguyên lý mà mình chấp nhận. Nguyên lý đầu tiên bao giờ cũng đáng đề mà ngạc nhiên nhưng chúng ta không làm và không hao giờ làm vì đã hợp lý hóa nó từ lúc ban đầu. Sự hợp lý hóa tiên khởi này được lớp son thời gian bao phủ nhiều lần nên chúng ta dần dà lãng quên sự quan trọng của nó. Trí nhớ là một sự lãng quên căn nguyên. Truyền thống là lớp sơn che lấp căn nguyên. Tinh thần chủ trương trở về căn nguyên của Phật giáo là một sự chống đối tinh thần chủ trương bảo vệ truyền thống. Chính cái tinh thần truyền thống tai hại này không những đem chúng ta vào lãng quên mà lại còn tìm cách hợp lý hóa cho nguyên lý đầu tiên. Đó là cái vòng lẩn quẩn hay trùng phức hy hữu nhất của nhân loại vì hợp lý hóa cho nguyên lý đầu tiên là đem cái kết quả để chứng minh cho cái nguyên nhân, hay nói một cách khác, đem lý cuối chứng minh cho lý đầu vì lý đầu đào tạo ra lý cuối! Tư tưởng tính toán của khoa học không thể nào thoát khỏi cái vòng lẩn quẩn khôi hài trên đây. Nhà Phật thường gọi cái vòng trùng phức này là kiếp luân hồi của chúng sanh.
Chỉ có tư tưởng trầm tư hiểu theo Heidegger mới có thể giúp ta đi vào tinh thần căn nguyên Phật giáo. Tinh thần căn nguyên là tinh thần luôn luôn thấy sự ngạc nhiên, không chấp nhận một nguyên lý đầu tiên nào hết, không chạy theo những ý thức hệ giai đoạn (prajnapti) để làm chính trị tùy thời. Tinh thần căn nguyên là tinh thần triệt để, không nhân nhượng, không nương tựa, không chủ hướng, không chú trọng vào sự hữu hiệu mà đặt biệt để ý vào sự trung tính hay sự chính thống của chánh kiến. Đó là một câu hỏi về ý nghĩa của con người sống động trọn vẹn, một con người «hoàn toàn người» theo danh từ Nietzsche. Con người hoàn toàn người lại không phải con người cá thể của chủ nghĩa cá nhân. Cá nhân chủ nghĩa cũng như xã hội chủ nghĩa tuy chống đối nhau trên bình diện lượng nhưng lại cùng chung một giá trị trên bình diện phẩm: «cá nhân thế nào thì xã hội làm vậy». Cả hai đều phát xuất từ tinh thần tính toán của giáo dục phân loại, chia hạng và kê khai kiến thức. Duy cá nhân là một sự phân loại đặc biệt của tinh thần tính toán nằm giữa xã hội học và phân tâm học, hai môn học được thế giới đặt biệt chú ý nhất, hai nền tảng cho giáo dục học đường ngày hôm nay. Sự sai lầm căn bản giáo dục tựa trên tinh thần tính toán đã đem khủng hoảng trong ngành giáo dục. Đây là một chứng bệnh mà chúng ta có thể gọi là nan y. Nan y vì đau tại thuốc chứ không phải có bệnh thực sự, càng chữa bằng phân tâm học và xã hội học thiếu óc căn nguyên thì khủng hoảng càng trầm trọng thêm.
Henry Miller trong hồi ký của ông có một đoạn về óc tính toán và óc trầm tư như sau:
«Trí thức người ta có hai loại thi khôn ngoan cũng có hai thứ, hai truyền thống hai vũ trụ và khi còn bé chúng ta cũng đã thấy được sự hiện hữu của hai nguồn học hỏi: những gì mà chúng ta tự tìm ra và cố gắng giữ lại riêng cho mình và sau đó những gì mà trường dạy. Những gì trường dạy đối với chúng ta không những vụn vặt vô ích mà còn đầy sai lầm và tà ý một cách tàn nhẫn. Những gì chúng ta hứng được ở nguồn suối thứ nhất đã nuôi dưỡng chúng ta trong khi giáo dục công lập giết mòn chúng ta. Và sự kiện này – với đầy đủ nghĩa bóng và đen– theo danh từ Rimbaud. Thanh niên xứng đáng với danh nghĩa phải là một tên ngang tàn và bất khuất. Nếu thanh niên được phát triển theo bản năng và bản tính thì xã hội sẽ được thay đổi một cách triệt để đến đỗi nhà cách mạng lão thành chỉ còn có cách thâu bé hình lại và khiếp sợ. Xã hội không còn là một tổ chức tiện ích và hảo ý mà là phản ánh của công bằng, ánh sáng và trọn vẹn. Mạch sống sẽ đập mạnh thêm, nguồn sống thoát khỏi khuôn khổ. Và ai có thể hình dung một viễn ảnh nào ghê sợ cho người lớn hơn hình ảnh này?»
Giáo dục hướng về tổ chức tiện ích cho cá nhân mặc dầu đầy thiện chí nhưng không bằng giáo dục hướng về nguồn sống của con người trọn vẹn nhân tánh.
Giáo dục bằng óc tính toán đem lại tiện nghi cho đời sống nhưng quên căn nguyên của cuộc đời. Đời sống vật chất hay tinh thần không phải đời sống trọn vẹn vì đó mới chỉ là hai loại đời mà thôi. Nếu ta thêm và đó đời sống tâm linh, đời sống siêu hình gì nữa cũng chỉ thêm rắc rối bằng danh từ, đời sống trọn vẹn không thể kê khai, không thể «thực nghiệm» theo một lý thuyết hay chủ trương gì nếu chúng ta không thấy ngạc nhiên về căn nguyên của lý thuyết ấy, của chủ trương ấy. Ngạc nhiên về nguyên lý đầu tiên là bắt đầu sự học và ngạc nhiên về cuộc đời là chấm dứt sự học. Đó là nền tảng của giáo dục Thiền tông đời Lý, Trần.
«Nhất điểm xuân quang xứ xứ hoa» là tư tưởng giáo dục Phật giáo nhà Trần, một nền giáo dục đem lại cho Việt nam một xã hội Diên hồng, một nền giáo huấn căn cứ vào sự cởi áo từ quan nếu xét mình bất lực,một sự khước từ công danh nếu thấy mình cần phải sửa lấy bản thân, vua cũng bỏ ngôi, dâu không thiết chức, giai cấp không quan trọng vì tinh thần đoàn kết quá mạnh.
Muốn có đoàn kết mình phải tự đoàn kết lấy bản thân, đừng có mâu thuẫn nội tại, sự kiện này không thể có với một nền giáo dục căn cứ trên óc tính toán lo sửa sai cho người khác trong khi mình sai lầm nhiều hơn. Giáo sư phải tự giáo dục mình trước khi lo giáo dục con em. Sở dĩ giáo sư ngày nay không đặt sự tu thân làm nền tảng giáo dục là vì họ lo dạy nghề hơn là dạy đức, lo hiệu quả hình thức hơn căn nguyên nội tại. Họ quên rằng lo chống nạn nghèo đói là tốt nhưng tìm hiểu tại sao nghèo là việc cần thiết hơn: phải chăng vì ta quá tham lam? phải chăng vì ta ta thích sống một cách ỷ lại? phải chăng nghèo vì bản thân ta còn chấp ngã? Lo chống nạn tham nhũng là hay nhưng phải biết tại sao sinh ra tham nhũng mới là chuyện khó. Tư tưởng tính toán chỉ biết tìm biện pháp ngăn ngừa giai đoạn không chịu khó đi kiếm điểm cốt yếu căn bản thành thử làm cho căn bệnh xã hội càng ngày càng thêm trầm trọng. Chữa bệnh không tận gốc đã là tối kỵ trong y lý, nhưng ở đây sự kiện lại nguy hại gấp bội vì căn bệnh là ở nơi ông thầy ! Giá trị của tư tưởng tính toán là tạo phương tiện cho cuộc đời nhưng không thay thế cho cuộc đời được, công án Thiền sau đây giúp cho chúng ta ý thức được giới hạn của giáo dục khoa học :
«Từ Xưa ở Nhật bản người ta thường dùng đèn lồng làm bằng tre và giấy trong đó có thắp một ngọn nến. Một người mù đi thăm bạn, lúc trở về được bạn tặng một cây đèn lòng vì trời tối,
– Tôi không cần vì đối với tôi ngày cũng như đêm.
– Tất nhiên, nhưng nếu anh không mang đèn thì người ta sẽ va chạm anh.Vậy anh nên nghe tôi mà cầm lẫy.
Chàng mù thuận lấy, nhưng mới ra đi vài bước thì đụng ngay một khách bộ hành một cách dữ dội.
Chàng mù bèn la lớn: –Mày đi mà không xem đàng trước. Mày không thấy đèn hay sao? Người bộ hành trả lời – Đèn anh tắt từ lâu, ông bạn ơi!
(Le Monde du zen, Nancy Wilson Ross)
Khởi điểm của óc tính toán là một sự ngạc nhiên về nguyên lý. Sự học bắt đầu tại đây với những nhà bác học kiêm triết học như Aristote, Descartes, Galilée, Newton, Leibniz hay Peirce. Nếu phần triết học bị lấn áp và nhường chỗ cho phần khoa học thì ngọn đèn lồng đã tắt rồi, ra đi sẽ bị chạm, càng đi xa càng va chạm nhiều. Chúng ta không có bộ óc nguyên thủy của những nhà bác học nói trên cho nên chúng ta không còn thấy ngạc nhiên với nguyên lý. Chúng ta chấp nhận vì tin tưởng vào uy tín của họ thay vì hiểu họ. Chúng ta phải cố gắng đọc những tác phẩm triết của những nhà bác học nói trên mới hiểu được giá trị nông cạn của phần khoa học mà nhà trường trình bày một cách thiên vị. Chính ngay những nhà bác học uyên thâm như Einstein hay Oppenheimer cũng tự hạn chế giá trị của phần khoa học siêu phàm của họ. Trong tạp chí Réalités (2-1962) Oppenheimer đã trả lời cho sinh viên phỏng vấn ông về ý nghĩa của sự sống theo khoa học. Ông đã trả lời một cách khiêm tốn rằng Phật đã dạy rõ ý nghĩa của đời cách đây trên hai ngàn năm rồi. Phải có tinh thần căn nguyên mới có thể tiếp tục tinh thần khoa học một cách chính thống, phải biết ngạc nhiên mới có thể bắt đầu sự học, phải thắp đèn mới có thể soi đường, phải biết bơi mới có thể nhảy xuống sông cứu người theo kinh. A di đà sớ sao. Bộ óc nguyên thủy tính toán là một bộ óc đầy ngạc nhiên hứng thú với Archimède bất chấp «hình thức y phục» khi tìm ra nguyên lý về sức đẩy của nước. Cái ngạc nhiên tiên khởi này khó lòng mà tồn tại với hình thức giáo dục đại chúng ngày hôm nay. Giáo dục căn cứ trên lượng hơn là phần làm mất giá trị của tư tưởng dần dà đi đến chỗ không còn tinh thần phê bình, mất hết óc chỉ trích. Chúng ta không đủ khả năng đê phân biệt Chân giá trị với ý kiến đương thời. Những tư tưởng cao siêu đầy nhân tánh của Heidegger, Herbert Marcuse, Nietzsche và ngay của đức Phật cũng có thể bị phương pháp thông tin ngày hôm nay phổ biến bừa bãi thiếu chiều sâu làm hạ giá trị vì gây hiểu lầm. Phổ biến rộng rãi một cách vô ý thức những tư tưởng trầm tư là một điều tối kỵ. Cái lượng của đại chúng sẽ giết chết cái phẩm của căn nguyên. Tinh thần a dua xu thời của đại chúng sẽ chận đứng tất cả mọi ngạc nhiên hay thắc mắc. Óc tính toán của tổ chức tuyên truyền khoa học đã gia nhập vào Phật giáo ở Nhật bản với phong trào Tân tăng kỳ dị (soka-Gakkai) suy tôn giáo chủ và tranh đấu chính trị khắp mọi mặt một cách rùng rợn. Giáo hội Trung cổ này được tái lập một cách lạ lùng tại Nhật bản nhờ tinh thần tính toán được điện tử hóa. Ở Việt nam một số Tăng thiếu đạo đức đang cố gắng thành lập một Giáo hội tương tựa để giáo dục đào tạo Tân tăng «có tú tài». Cái khôi hài này sẽ kéo dài thêm chiến tranh cho đất nước.
Tư tưởng của Marx đang chết vì kém căn nguyên nên phải cố sống dở bằng phương pháp tuyên truyền đại chúng. Tư tưởng Phật giáo đầy đủ tinh thần căn nguyên lại đi tìm cái chết cũng bằng phương pháp tuyên truyền đại chúng này. Một số khá đông tăng sĩ Việt nam đang được du học tại các nơi nặng óc tính toán (Âu, Mỹ và Nhật) sẽ ảnh hưởng khá nặng nề cho tiền đồ giáo dục Việt nam nói chung và Phật giáo Việt nam nói riêng. Phần đông chỉ học «đời» thay vì đạo, học tổ chức thay vì tu thân khác hẳn những học giả Tây phương dày công sang tận Trúc thiên Tây tạng tham thiền nhập định ở những nơi thâm sơn cùng, cốc. Chúng tôi mong rằng những ngài chuyên trách giáo dục Phật giáo hoan hỉ tiếp tục giữ vững tinh thần căn nguyên của giáo lý Thiền tông để duy trì nền giáo dục tăng ni sắp bị chính trị chi phối mạnh mẽ khi đình chiến. Chỉ có những vị chân tu hằng quan tâm đến giáo dục mới thấy được chân tướng hoạt động của một nhóm rất nhỏ, nhưng nguy hiểm vì bị hậu thuẫn chính trị lợi dụng. Phật giáo Việt nam trên phương diện hình thức ngày nay tan rã tơi bời nhưng không đáng ngại mà đáng mừng vì lượng tan thi phẩm hiện. Rủi ro vì danh từ thống nhất bắt đầu bằng một sự biệt ly : Trong khi Giáo hội Vatican nâng Đức Tổng giám mục Bắc Việt lên địa vị Hồng y để cai quản tinh thần Đông nam Á thì giáo hội Phật giáo chỉ thống nhất từ Bến hải đến Cà mau thay vì từ Nam quan đến Cà mau như trong tinh thần Tổng giáo hội nguyên thủy. Thống nhất cùng đoàn kết phải theo đúng tinh thần kinh Trường A Hàm nghĩa là họp trong đoàn kết, làm việc trong đoàn kết và chia tay trong đoàn kết. Cái khó là phải đoàn kết trong chia tay, tan mà vẫn tụ trong tinh thần. Sự kiện này chỉ xuất hiện khi mình không mâu thuẫn với mình : đó là sự đoàn kết nội tâm của từng đoàn viên.
Một khi lượng tan và phẩm hiện thì vấn đề giáo dục tu sĩ là quan trọng bậc nhất. Phải lo giáo dục cho giảng sư là vấn đề then chốt, chú trọng vào phẩm là ở chỗ này chứ không phải ở chỗ lôi kéo đám đông bằng thuyết pháp hướng về văn nghệ hay chính trị. Nền tảng của giáo dục Phật giáo là khai ngộ cho từng người chú không bao giờ chủ trương lôi kéo đám đông, có khi khước từ đám đông đòi hỏi thuyết pháp cũng là một cách để khai ngộ. Công án Thiền sau đây chứng tỏ việc này:
« Ngài Dược sơn đã lâu không thuyết pháp. Vị thủ chúng đắn đo mãi mới đến xin như sau:
– Tăng chúng mong đợi ngài thuyết pháp.
– Vậy hãy đánh chuông kêu tụ họp.
Khi tất cả tăng chúng hội đông đủ tại giảng đường, Dược sơn lại bỏ trở về tư phòng không nói một lời. Vị thủ chúng chạy theo hỏi:
– Ngài nói sẽ thuyết pháp. Tại sao ngài không làm?
– Thuyết về Kinh đã có các luận sư trình bày trong Luận; thuyết về Luận đã có những học tăng phụ trách. Vậy anh còn làm phiền đến sư già này làm chi?
(The Iron flute hay Bách Thiền Công án do Nyogen Senzaki chú giải)
Không có một nền giáo dục nào mà chú trọng về phẩm bằng giáo dục Phật giáo. Thế giới đang mắc bệnh «dân chủ»suy tôn đám đông, lấy đa số đè bẹp thiểu số, gây khủng hoảng triền miên. Căn bệnh của con người thời đại là «duy lượng »cho nên nếu ta dùng phương pháp theo thị hiếu đám đông mà chữa bệnh thì không khác gì lấy dầu tưới vào lửa vậy. Chỉ có những nền giáo dục hướng về phẩm mới mong giải quyết khủng hoảng giáo dục ngày nay. Nền tảng của giáo dục hướng về phẩm là tinh thần căn nguyên với Chân thật trí (tattvajnàna) hay Căn bản trí theo danh từ Hoa nghiêm.
VI. CHÂN THẬT TRÍ VÀ PHƯƠNG TIỆN TRÍ
Chân thật trí không có chứng minh bằng luận lý vì luận lý là sự suy diễn tư tưởng chiếu theo một vài nguyên lý đầu tiên. Chân thật trí là sự thắc mắc về nguyên lý đầu tiên hay nói một cách khác là bước nhảy vượt ra ngoài nguyên lý đầu tiên. Đó là bước «nhảy căn bản của lý trí» theo danh từ Heidegger để ra khỏi vòng lẩn quẩn của lý sự luân hồi.
Chân thật trí cũng không thể nào kiểm chứng bằng một thí nghiệm khoa học khách quan vì Chân thật trí là một kinh nghiệm tâm linh nội tại bất khả tư nghị. Chân thật trí vượt ra ngoài thế giới biểu tượng cho nên chúng ta không làm sao nhận thức bằng biểu tượng được.
Ngài Đức sơn cho rằng những luận thuyết của ngài về kinh Kim cang là vô giá và tối yếu khi chưa đạt được Chân thật trí. Một hôm bỗng dưng ngài đem đốt toàn bộ luận và nói rằng: «Dầu cho tri thức ngươi về triết lý tuyệt đối có uyên thâm đến đâu nó cũng tợ như sợi tơ lơ lửng giữa hư không vô biên; dầu cho kinh nghiệm ngươi về sự vật thế gian quan trọng đến mức nào nó cũng như giọt nước rơi vào hố thẳm không đáy» (Bách Thiền công án).
Chân thật trí chỉ có thể trình bày một cách tiêu cực với việc ngài Đức sơn đốt luận án về Kim cang. Nếu Hố thẳm tư tưởng đã đến với Đức sơn trước Heidegger từ đầu thì Hư không vô biên cũng có lần đến một cách mãnh liệt với nhà nghệ sĩ kiêm «toán học siêu hình» Léonard de Vinci, một bộ óc siêu phàm, như sau:
«Trong những sự việc quan trọng mà chúng ta phải tìm kiếm trong chúng ta, sự hiện hữu của Hư vô là hơn hết»
Muốn đạt Chân thật trí con người phải sống động nghĩa là luôn luôn biết ngạc nhiên. Ngạc nhiên là một hành động tâm linh vượt qua hiện thể, là một sự xuất thể để nhìn lại cái đang là; ngạc nhiên là mình thoát ra khỏi mình để mà nhìn lại mình. Không có ngạc nhiên thì không có triết học cũng như khoa học. Luôn luôn tìm mọi cách để phát triển tinh thần biết ngạc nhiên chính là nền tảng giáo dục của Thiền tông.
Giáo dục tây phương cũng bắt đầu với sự ngạc nhiên của Platon, Descartes Newton và Peirce. Cái ngạc nhiên của Platon là ngạc nhiên triết học để tìm nguyên lý đầu tiên mà ông tin chắc rằng có để làm nền tảng cho những Ý tuyệt đối của ông. Cái ngạc nhiên của Newton là ngạc nhiên khoa học để tìm nguyên lý căn bản cho những thuyết lý học của ông. Còn ngạc nhiên của Descartes là sự hồ nghi khoa học để kiếm phương pháp trường cữu, và ngạc nhiên của Pierce là sự hồ nghi giai đoạn để kiếm phương pháp tạm thời. Nếu Descartes tin tưởng vào một kết quả tuyệt đối thì Peirce tin vào một kết quả tương đối, cả hai đều hướng sự ngạc nhiên về «quả» trong khi Platon và Newton hướng về «nhân». Nền tảng của giáo dục Tây phương được xây bằng thuyết «nhân quả» thành thử cái ngạc nhiên của họ rất hữu hạn không siêu thoát, không đem lại tự do. Đó là cái ngạc nhiên của sự phân biệt, của lý trí phân hai, hay Sai biệt trí theo danh từ Hoa nghiêm. Sai biệt trí chính là Phương tiện trí (upàyajnàna) hay nền tảng của tinh thần khoa học ngày nay. Nếu Phương tiện trí khởi sự bằng ngạc nhiên trong tinh thần khoa học thì Chân thật trí khởi sự bằng ngạc nhiên trong tinh thần căn nguyên.
Phương tiện trí đem lại tiện nghi cho đời sống hằng ngày, tạm gọi là vật chất thì chân thật trí đem lại giải thoát cho đời sống tâm linh. Đó là hai mặt của một thật tại nhân tính mà chúng ta không thể tách rời ra được. Phương tiện trí nếu được trọng dụng quá mức sẽ đem lại khủng hoảng tai hại. Vì nếu sự ngạc nhiên chỉ hướng về «nhân» như những thuyết duy niệm hay chỉ hướng về «quả» như những thuyết duy vật thì không giải quyết được khủng hoảng do sự thiên vị tiên khởi ngay trong vòng «nhân quả». Những thuyết hành động chủ trương giáo dục con người bằng lý thuyết và thực hành bằng một tổng hợp của hai loại ngạc nhiên nói trên cũng khôngđi đến đâu vì con người vẫn còn kẹt trong luật nhân quả với Phương tiện trí. Phương tiện trí chỉ là cái bè cứu độ để sang bờ sông giải thoát. Khi chưa lên bờ, bè là vô giá nhưng «ham hành động» không thích lên bờ thì bè là một tai nạn. Đối với một số đông chúng ta, việc ngồi trên bè là thích thú hơn cả, chúng ta có thể thay đổi bè nhưng vẫn không chịu lên bờ vì lầm lẫn bè với bờ, lầm Phương tiện trí với Chân thật trí, lầm Sai biệt trí với Căn bản trí, chúng ta suy tôn khoa học mà quên mất căn nguyên.
Nhưng nếu chúng ta từ khước khoa học khi chưa đạt được căn nguyên, nếu chúng ta chống đối Phương tiện trí khi chưa nắm vững Chân thật trí thì chúng ta sống trở lùi hay sống cũng như chết vì chưa lên bờ mà đã bỏ bè là chết đuối.
Những sự khước từ đẫm máu của sinh viên chống đối Phương tiện trí tại các nước tân tiến đem lại khủng hoảng chứ không đem lại giải thoát vì mấy ai đã đạt được căn nguyên, mấy ai đã tự chuyển tánh trước khi làm cách mạng ? mấy ai tự thấy mình không mâu thuẫn với mình trước khi xuống đường đấu tranh? Chống đối Phương tiện trí của giáo dục Âu Mỹ một cách mù quáng không đem lại giải thoát. Một người sống ở thế giới văn minh đầy đủ tiện nghi mà lại quyết chí đạt cho kỳ được Chân thật trí thì sự thành công chắc chắn hơn một người sống trong bùn lầy nước đọng, vì quả khổ mà tu. Tu để thoát khổ không bằng tu để thoát sướng. Phải thấu triệt tinh thần khoa học mới đi đến tận cùng giới hạn của Phương tiện trí được. Phải đến tận cùng giới hạn của Phương tiện trí mới có thể bước lên bờ sông trí tuệ của Chân thật trí.
Giáo dục không thể nào trình bày Chân thật trí vì không thể nào định nghĩa nó được. Chân thật trí nếu định nghĩa được thì sẽ rơi vào Phương tiện trí. Do đó căn nguyên mà định nghĩa được sẽ là nguyên lý tuyệt đối, linh hồn vũ trụ, hay đấng tối cao hiểu một cách sai biệt Bergson cũng đồng quan điểm khi viết trong Les données immédiates de la conscience: «nếu tự do mà định nghĩa được thì sẽ thêm lý do cho định mệnh. Giáo dục chỉ có thể trình bày Phương tiện trí mà thôi, và Phương tiện trí chỉ biết có tương lai và hướng về sự tiến bộ với văn minh kỹ thuật. Làm sao mà dùng Phương tiện trí để hướng về căn nguyên là đều quan trọng. Căn nguyên ở đây không có nghĩa là dĩ vãng, căn nguyên là hiện tại luôn luôn có mặt nhưng bị truyền thống che lấp. Chính truyền thống là dĩ vãng hay lớp sơn thời gian che lấp căn nguyên. Căn nguyên vượt ra khỏi ý niệm thông thường và thời gian cho nên ta có thể gọi tinh thần căn nguyên là tinh thần vô thủy hay tinh thần vô chung bất khả tư nghị. Căn nguyên là hiện thể sống động luôn luôn biết ngạc nhiên. Câu của Nietzsche «Hãy trở về với nguyên tánh ngươi» hay câu «Bản lai diện mục» của Phật giáo có thể tượng trưng cho căn nguyên sống động luôn thể hiện này. Giáo dục nhà trường không thể nào trình bày Chân thật trí theo một phương pháp khoa học. Hubert Benoit trong Lâcher-prise có trình bày một phương pháp thực tiễn để thoát khỏi vòng lẩn quẩn lý luận bằng «ngôn ngữ phân tán» (Langage divergent) mà ông lấy trong các công án Thiền. Đem công án để dạy học trò là một tư tưởng táo bạo của nhà phân tâm học lỗi lạc Hubert Benoit. Tư tưởng này đã có lừ lâu tại Việt nam với bài Thị đồ (Dạy học trò) của Thượng sĩ Huệ trung (Trần quốc Tảng). Mục đích của công án là gây ngạc nhiên căn bản về sự phi Lý của luận lý, do đó tạo tia sáng «nhất điểm xuân quang» hay Căn bản trí để thấy một niết bàn tâm linh «xứ xứ hoa» không còn sai biệt nữa. Bài Thị đồ là một bài dạy học trò bằng một tràng ngạc nhiên như sau:
Thị đồ
Niệm khởi tâm tâm khởi
Tâm vong niệm niệm vong
Dục tri đoan đích ý
Thạch hổ giảo kim cương
Thiên địa do đàn chỉ
Sơn xuyên đẳng thấu thanh
Tạm thời phong võ động
Kê hướng ngũ canh minh.
Bảo học trò
Niệm dấy tâm tâm dấy
Tâm quên niệm niệm quên
Muốn biết vì sao ấy
Cọp đá cắn dê vàng
Đất trời ngón tay khảy
Sông núi tiếng ho khàn
Gió mưa chốc lát động
Gà báo năm canh sang.
(Trúc thiên dịch Y— Ngữ lục)
Công án Thiền tuy là một Phương tiện độc đáo nhưng cũng vẫn nằm trong Phương tiện trí, đó là một chiếc bè to lớn, một chiếc tàu tối tân mà thôi. Do đó muốn đạt Chân thật trí chúng ta vẫn phải nhờ Phương tiện trí. Nước Ấn độ vì quá nghèo khổ, quá thiếu thốn phương tiện cho nên đạo Phật không tồn tại được lâu dài, đạo Phật phải nhường bước cho những Tôn giáo khác chuyên ban phước lành trong tinh thần sai biệt đầy Phương tiện trí. Vì nghèo khổ một cách thường nhật cho nên mình không còn tin tưởng ở bản thân, vì lo chạy gạo cho nên thấy tấm thân quan trọng hơn tấm lòng, và lâu ngày chỉ biết thân xác mà thôi. Nếu chỉ biết thân xác mà thôi thì bắt buộc phải «mất tinh thần» vì làm sao mà tin tưởng vào một túi thịt sinh-già-bệnh-chết của thân xác được.
Ở những nước văn minh tiến bộ số lượng Phật tử ít hơn ở những nơi khác nhưng phẩm chất của Phật tử lại cao hơn nhiều. Đức Thích ca bỏ ngai vàng để xuất gia, những vị vua các triều Lý Trần cũng như ngài A dục vương đều theo Chân thật trí và từ khước Phương tiện trí mà mình sẵn có. Phải có Phương tiện trí trước khi khước từ nó,nếu không thì sự từ khước không đem lại chân thật trí chính thống mà một Phương tiện trí ngụy trang chân thật. Phương tiện trí ngụy trang chân thật này có thể đưa Phật giáo đến con đường đấu tranh sống còn chính trị để dành phương tiện với thế giới sai biệt. Không khước từ Sai biệt trí, nhưng lành mạnh hóa nó với tinh thần căn nguyên để một ngày kia mình tự thấy mình đầy đủ khả năng để phóng mình bằng một cái «nhảy căn bản» vào Chân thật trí. Sự tin tưởng vào mình một cách triệt để chỉ có thể đến với những tâm hồn không bận bịu vào đời sống thường nhật. Sự tin tưởng tối hậu vào bản thân chỉ đến khi nào phương tiện đầy đủ quá mức mà không giải quyết được thắc mắc nội tâm. Sự tin tưởng rằng tự mình mới giải thoát cho mình chỉ đến khi nào mình không còn tin tưởng vào phương tiện thiện xảo được nữa. Sự tin tưởng tuyệt đối vào bản thân đã đến với Thiền sư Không lộ ở thời Lý khi ông cô đơn đứng trên đỉnh núi và kêu lên một tiếng hú làm lạnh không gian:
Hữu thời trực thượng cô phong đỉnh
Trường khiếu nhất thanh hàn Thái hư.
Phương tiện trí được khai thác bằng một nền giáo dục hướng về căn nguyên, đặt trọng tâm vào sự tin tưởng bản thân, luôn sống động và được kích thích bằng những ngạc nhiên căn bản, là nền tảng của một đường hướng giáo dục đem lại thanh bình.
Có ngạc nhiên và sống động mới có thể thương người, thương tất cả. Do đó đường hướng giáo dục phải chú trọng vào nghệ thuật, một thế giới đầy sống động, sáng tác và đầy ngạc nhiên. Thiền sư chân chính phải là một nghệ sĩ, người ta gọi chốn tu hành là cảnh chùa vì tinh thần nghệ thuật được đề cao tại đây: Đạo sĩ và nghệ sĩ chỉ là một, khác nhau chăng chỉ vì một bên đặt nặng phần thiền định một bên đặt nặng phần sáng tác mà thôi. Trên thực tế không có sự trầm mặc nào mà không sáng tác cũng như không có sáng tạo nào mà tránh khỏi giây phút Thiền đốn ngộ. Tô đông Pha là đạo sĩ hay thi sĩ? Nguyễn Du là thi sĩ hay đạo sĩ? Đạo và đời chỉ có thể giải quyết cùng một lần bằng nghệ thuật vì không ai hiểu triệt để đạo bằng nghệ sĩ và cũng không ai sống mãnh liệt với đời bằng nghệ sĩ. Một nền chân chính giáo dục, ngoài tinh thần căn nguyên của Chân thật trí và tinh thần khoa học của Phương tiện trí, cần phải có tinh thần sáng tác của «Nghệ thuật trí»để duy trì một sự ngạc nhiên liên tục tại thế. Đó là phương pháp tu của Lão giáo đầy trăng, sao, gió, sương, điện, hoa, thơ và nhạc. Đó là bước đường tối hậu của tư tưởng Mật tông với sự chuyển hóa Phương tiện trí biến ra Thành sở tác trí vì ở đây Nghệ thuật là Pháp thuật (Siddhi). Vị Như lai tượng trưng cho giáo dục đầy nghệ thuật nầy là ngài Bất không thành tựu như lai trong vòng Đàn Ngũ trí (Mandala) của tâm thức cá thể khi Thiền định. (Xem tư tưởng số 1 bộ cũ, bài về Mật tông).
Và Nghệ thuật đi vào Giáo dục chính là Trà đạo, Nhu đạo, Thiền họa, Thiền thi, Thiền cắm hoa, Thiền làm vườn, Thiền sáng tác. Đó là nền tảng của:
«Nhất điểm xuân quang xứ xứ hoa» mà Huệ trung căn dặn học giả trong bài Thị học vậy.
NGÔ TRỌNG ANH
(trích Tạp chí Tư Tưởng số 4, năm 1969)