Hàng năm, mỗi kỳ Phật đản hoặc đầu Xuân, là các Phật tử Việt nam nhận được ở Đức Tăng thống một bức thông điệp rất ngắn nhưng súc tích nhắn nhủ đồng bào cùng nhau cố gắng nguyện cầu để tạo thành một sức mạnh hóa giải cho mọi xung đột của chúng sanh nói chung và của dân Việt nói riêng, và đem lại sự thanh bình vắng bóng từ lâu trên đất nước này.
Năm 1966, Thông điệp Phật đản 2513 kêu gọi: «…các Tôn giáo bạn, những nhà văn hóa, cách mệnh và đồng bào các giới, cùng một lòng, cởi mở, đi lên, để sớm hoàn thiện công trình Hóa giải của dân tộc mà lịch sử đã trao cho chúng ta giữa thời đại này».
Năm 1970, Thông điệp đầu Xuân Canh tuất tiếp tục yêu cầu: «… gạt bỏ mọi tiểu tiết, mọi mặc cảm, mọi tị hiềm, chúng ta phải mặc áo giáp nhẫn nhục, hoàn thiện tổ chức, hãy đoạt mọi cơ hội để biểu hiện ý chí chối bỏ chiến tranh, bằng con đường Hóa giải».
Năm 1972, Thông điệp đầu Xuân Nhâm tý có ghi «Trong giòng sinh mệnh Việt nam, Dân tộc ta đã trường kỳ kiên nhẫn Hóa giải mọi ý hệ xung đột ngoại nhập, để bồi đắp và làm sáng, làm mới cho nền Văn hóa Việt bằng cách… đãi lọc lấy tinh túy của tất cả, dung hòa tất cả, biến tất cả thành chất liệu bồi dưỡng cho tinh thần Việt nam…».
Năm 1973, Thông điệp Phật đản 2517 nhấn mạnh: «Vai trò Phật giáo lúc này thật hết sức quan trọng. Chúng ta phải noi gương tiền nhân mà đảm nhận sứ mệnh qui tụ Sức mạnh Dân tộc để Hóa giải những xung đột nội tại Quốc gia. Bằng không tất sẽ bị dồn vào vị thế phần hóa, chờ khi thế cuộc đổi chiều thì các thế lực quốc tế lại đổ ập vào khai thác những xung đột nội tại thành một cuộc chiến tranh mới…»
Năm 1974, Thông điệp Phật đản 2518 có viết: «Phật tử ý thức cuộc đời càng ngày cần đến những đức tính Dung hóa và phục vụ của Từ Bi và Trí Tuệ chư Phật… nơi mỗi cá nhân để từ đó tích cực góp phần cải tạo hoàn cảnh.»
Danh từ Dung hóa lần đầu tiên xuất hiện trong thông điệp để thay thế danh từ Hóa giải. Rất có thể Giáo hội muốn tránh ngộ nhận với danh từ Hòa giải xuất phát từ năm 1973 sau Hiệp định Paris. Nhưng dầu sao danh từ Dung hóa rất thích hợp với tinh thần Phật giáo nói chung và tinh thần Hoa nghiêm nói riêng. Dung hóa đi vào gia đình Hoa nghiêm một cách vô ngại bên cạnh những danh từ như: Hóa hiện, Chuyển hóa, Hóa thân và Viên dung, Dung thông, Tương dung.
Hòa giải là một hành động tốt đẹp nhưng hạn hẹp, chưa phải là Hóa giải.
Hóa giải chắc chắn sẽ đem lại sự Hòa giải, nhưng ngược lại, Hòa giải không thể nào mà Hóa giải được. Hóa giải là một hành động tâm linh, sống động với thực tại, giải thoát con người toàn vẹn và Hóa giải chỉ có thể trực nhận trong tinh thần Hoa nghiêm: Trực nhận bằng một đốn ngộ do hành trì tu chứng, bằng một kinh nghiệm siêu hình, bằng một ý thức tự giác. Trái lại Hòa giải thì lại chỉ là sự chấp nhận bằng suy luận của lý trí, bằng phán quyết của đa số mà thiểu số phải tuân theo, bằng án quyết của Chánh án trong không khí Hòa giải rộng quyền, bằng Hiệp định thư cần quốc tế kiểm soát v.v… Hòa giải chỉ là một phương tiện tạm thời kết thúc bằng những án lệnh mà hai bên nguyên bị có thể chống án. Nếu hai đàng muốn tránh án phí và thù lao trạng sư thì sự hòa giải có thể tạm yên bằng một tờ cam kết có thị thực chữ ký. Sự cam kết to lớn thường là một hòa ước giữa hai quốc gia hoặc hai phe đồng minh. Chiến tranh Việt nam tuy có động viên mà không tuyên chiến nên khó có hòa ước đành có hiệp định thư vậy. Do đó vấn đề hòa giải còn tùy thuộc vào một hội đồng Hòa giải hẹp quyền hữu danh vô thực. Tòa Hòa giải rộng quyền xử kiện hai nhân vật đã là một khó khăn, vậy thử hỏi hội đồng Hòa giải hẹp quyền phi thực này làm sao mà giải quyết được một xung đột giữa hai phe đồng minh đã từng tặng nhau bom đạn đầy trời gần phần ba thế kỷ? Làm sao mà một vài thường dân lại có thể xử kiện cho các quan tòa mang súng đầy người? Nếu quả thật có những thường dân chân thành chịu làm thành phần thứ ba thì đó là những «con nai vàng ngơ ngác, hạp với xác nai khô».
Hóa giải thì trái lại là một sức mạnh thiêng liêng, một quật khởi tâm, một hải triều âm, một sư tử hống, không có hội đồng, không có hiệp định, không có Giám sát quốc tế, không có môn bài quốc gia. Hòa giải của Phật giáo chủ trương bao giờ cũng có nghĩa Hóa giải cả.
Hóa giải là hành động theo tinh thần kinh Hoa nghiêm.
Bất cứ nơi nào mà dân chúng sẵn sàng đón nhận những tràng Hoa trang nghiêm ấy thì nơi ấy có Hóa giải và có Hòa bình. Không riêng gì trong Phật giáo mà khắp mọi nơi đều có Hoa nghiêm. Ở Đông thì có Lão Tử, Khổng Tử, Chúa Jésus. Ở Tây thì có hơi chậm với Nietzsche, Camus, Heidegger. Ở Mỹ thì có Krishnamurti, Henry Miller…
Kinh Hoa nghiêm là bộ kinh duy nhất đề cao thế giới Diệu hữu, không dùng lý trí… để minh giải các vấn đề siêu hình, hay để diễn tả các kinh nghiệm tâm linh, mà lại dùng chất liệu sống động của đồng tử Thiện Tài trên con đường tu học. Phẩm nhập Pháp giới của Hoa nghiêm là một kinh nghiệm sống lạ lùng, huyền diệu của các bậc Bồ tát. Hoa nghiêm do Phạn ngữ Avatamsaka là Trang nghiêm bằng hoa hay Tràng hoa là kinh của đức Phật Đại nhật quang Như lai (Mahavairocana). Mật giáo lần đầu tiên hiển lộ trong kinh điển Đại thừa. Đó là trường hợp khi nhân vật chính của Hoa nghiêm, đồng tử Thiện Tài, đến đảnh lễ với đồng tử Thiện Nghệ để học pháp thuật thiện xảo thế gian và xuất thế gian, đồng thời được truyền lại những mẫu tự mật tông. Trước đó Thiện Tài cũng đã từng học thần chú Đa la ni với những vị khác như Chủ dạ thần Nhất thiết Thánh, nhưng trong kinh không chép nguyên văn thần chú. Mẫu tự mật tông chỉ xuất hiện với Thiện Nghệ mà thôi. Mật giáo xuất hiện trong hiển giáo tuy rất ít nhưng cũng đã là một sự lạ.
Kinh Hoa nghiêm được coi như là do đức Phật thuyết sau khi thành đạo, nhưng thính chúng nghe như câm như điếc không hiểu gì ráo, thành thử Ngài phải dùng những kinh điển dễ hơn như các kinh A hàm. Từ đấy, Mật giáo chỉ để dành cho các vị tu chứng như hàng Bồ tát, thành thử phàm phu không thể nào thấu triệt được ý Phật. Do đó, Hóa giải hay Dung hóa của Đức Tăng thống cũng khó lòng mà được thiên hạ hiểu gì khác hơn là hòa giải nói trên.
Giáo lý Hoa nghiêm về sau được các Ngài Đỗ Thuận, Trí Nghiễm và Pháp Tạng trình bày một cách có hệ thống với các tư tưởng quan trọng như Tứ Pháp Giới, Thập Huyền Diệu Lý và Lục Tướng. Giáo lý Hoa nghiêm, theo Đại sư Linh Mộc Đế Thái Lan (Teitaro Suzuki) viết trong tập Cốt Tủy Đạo Phật, thì «quả là tuyệt đỉnh của tư tưởng Phật giáo phát triển ở Ấn, Hoa và Nhật».
Trước khi đi vào giáo lý Hoa nghiêm, thiết tưởng cũng nên trình qua hình thức của bộ kinh Diệu Hữu kỳ lạ này. Kinh Hoa nghiêm được trình bày dưới hình thức một du hành ký lạ lùng và hấp dẫn. Nếu vị nào thích đọc Iliade hay Odyssée của Homère, Enéide của Virgile thì tất phải say mê Tây Du Ký.
Nhưng với Phẩm Nhập Pháp Giới của kinh Hoa nghiêm thì quý vị không những giải trí mà lại giải thoát luôn.
Tất nhiên, kinh không phải là truyện, muốn đọc kinh Hoa nghiêm, chúng ta cần biết một số danh từ đặc biệt và làm quen với thuật ngữ của kinh mới tránh ngỡ ngàng. Đồng thời cùng cần chuẩn bị một ít vốn liếng tư tưởng khá bạo và tự chuyển tánh phần nào trước khi khăn gói theo chân Thiện Tài du nhập Pháp Giới Phẩm Hoa Nghiêm để viếng thăm thế giới Sự sự vô ngại.
Thế giới Hoa nghiêm trước sau vẫn là một nhưng đối với những luận sư thì được phân tích thành bốn:
Một thế giới của Sự. Sự có nghĩa là cá thể, dị biệt, cụ thể, đơn thể, bất tất, sai biệt, đặc biệt, phân biệt (Sự Pháp Giới).
Một thế giới của Lý. Lý có nghĩa là toàn thể, đại đồng, cộng đồng, toàn khối, tổ hợp, trừu tượng, tất yếu, đại cương, vô phân biệt. (Lý Pháp Giới).
Một thế giới của Sự và Lý hoàn toàn thông dung nhau không ngăn ngại (Lý Sự vô ngại Pháp giới).
Một thế giới của Sự và Sự thông dung nhau hoàn toàn không ngăn ngại (Sự Sự vô ngại Pháp giới).
Sống trong thế giới Sự thì thấy cái gì cũng thực tế, hồn nhiên nhưng không rộng tầm con mắt. Tình cảm quá nhiều mà lại thiếu cơm áo. Không biết tổ chức nên văn hóa tuy cao nhưng văn minh lại có phần thấp. Nôm na là như vậy, không thể đi sâu vào chi tiết trong khuôn khổ bài này.
Sống trong thế giới Lý thì thấy cái gì cũng trên lý thuyết, cao siêu nhưng quên cá thể sống động. Lý trí quá nhiều mà lại thiếu văn nghệ, không biết trầm tư nền văn minh tuy cao nhưng văn hóa lại có phần kém.
Thế giới vừa Lý và vừa Sự sống chung là xung đột triền miên, máu lửa hận thù ngập trời ngập đất. Lý Sự phân hai là Lý Sự đáng ngại cho nên các vị chân tu phải xuất gia đi kiếm thế giới Lý Sự vô ngại để mà an dưỡng tinh thần và thể xác. Đó là những nhân vật vừa thông suốt các hiểu biết thế gian mà còn biết thưởng thức nghệ thuật. Đồng thời họ biết dung hòa Lý vào Sự và Sự vào Lý. Ngày xưa thời đức Phật là thời Sự phồn thịnh, Đại bi nhiều mà Đại trí thiếu, nên các kinh như A hàm, Bát nhã Kim cang là cần thiết. Ngày hôm nay không những Lý đã kém mà Sự lại còn kém hơn, nên kinh Hoa nghiêm, Pháp hoa, Đại nhật, Kim Cang Đỉnh lại thiết yếu hơn Lý trí tri thức ngày hôm nay được suy tôn quá mức. Chữ Lý được đề cao trong khắp học đường. Đạo đức, Luân lý, Nghệ thuật là Tiểu học. Công dân được dạy ở Trung học, còn Đại học thì chỉ dạy Lý và nghề làm ăn.
Do đó, những sự kiện hợp lý quan hệ hơn sự kiện hợp tình. Khắp mọi nơi trên thế giới Công lý quốc tế đều được đề cao: Mạnh được yếu thua và Pháp lý quốc gia: Yếu thua, mạnh được. Lý thuyết được phổ trương và quảng cáo nhiều nhất là trong thế giới chính trị và thương mãi. Đại sứ và Đại lý nắm linh hồn rất nhiều sách vở báo chí thế gian. Các bích chương hay biểu ngữ xuất hiện như bươm bướm mỗi lần bầu cử, tất cả đầy đủ những tư tưởng thơm tho hợp lý nhưng chung qui có mấy khi mà hợp sự. Nếu các Lý lẽ trên giấy nói trên mà biết hành động thực sự như trong Truyện Liêu Trai thì nhân dân Việt nam được thanh bình từ khuya, khỏi cần Hiệp định thư để hợp lý hóa cái chết phi lý của con em chúng ta sau ngày ký kết. Trong thời mạt pháp, Lý phải nhường chỗ cho Sự nhiều hơn. Mật giáo tuy phải bí truyền vì sợ ngộ nhận, nhưng lại là nền tảng cho Phật giáo trong thời kỳ mạt pháp. Chính nhờ tư tưởng Lý Sự viên dung của kinh Hoa nghiêm mà Hiển Mật mới viên thông được và cũng nhờ kinh Hoa nghiêm mà Mật giáo mới công khai xuất hiện với các Tông phái hướng về Sự như Thiên Thai, Chân Ngôn và Tịnh Độ. Trong kinh Hoa nghiêm Lý nhường chỗ cho Sự ngay sau khi Thiện Tài được Tỳ kheo Đức Vân cho biết rằng Bồ tát hạnh là «sự khó trong những sự khó» và cần phải cầu nguyện nhiều. Cầu nguyện là một hành động đặc biệt Sự, rất ít Lý. Tiếp theo Tỳ kheo Đức Vân là Tỳ kheo Hải Vân dạy Pháp Bồ Đề Tâm. Pháp Bồ Đề Tâm là do sự khởi lên từ 11 tâm (Đại bi, Đại từ, An lạc, Lợi ích, Ai mẫn, Vô ngại, Quảng đại, Vô biên, Vô cấu nhiễm, Thanh tịnh và Trí huệ). Tâm Đại Bi và Đại Từ là quan hệ bậc nhất và Tâm Trí Huệ lại đứng chót tại đây.
Thế giới khoa học kỹ thuật đã làm con người say mê Lý quên Sự từ lâu. Chính các thi sĩ như Holderlin, Rilke, Rimbaud đã cảnh cáo nhân loại sự lãng quên tai hại này. Chỉ có những bậc chân nghệ sĩ như nhạc sĩ Wagner, họa sĩ Van Gogh mới thực sự sống trong «Sự Pháp Giới» bên Tây phương; và những bậc Đại Trí như Schopenhauer, Nietzsche và Heidegger thì không những họ sống trong Sự Pháp Giới mà lại còn có hướng dẫn nhân loại tiến đến Đại Trí của thế giới Lý Sự vô ngại. Nếu Schopenhauer đã tặng Tánh Không cho Tây phương với tập «Thế giới như Ý chí và như Biểu tượng» thì Nietzsche đã cống hiến cho nhân loại một tập «Hoa nghiêm» tân thời dưới nhan đề «Zarathoustra đã nói như vậy». Tập truyện ly kỳ của vị tân bồ tát Zarathoustra đã hóa minh thành ra vua, giáo hoàng, tiên tri, người xấu nhất, lạc đà, sư tử, phượng hoàng, trẻ thơ, cụ già hay thiếu nữ để xuất hiện trong những cảnh giới phi tưởng và thuyết pháp «Mật Giáo» hóa giải mọi suy tôn thần tượng Tây phương. Phương pháp tùy duyên bất biến thông dung vô ngại lần đầu tiên hiện diện ở Tây phương một cách âm thầm: Chương tư nghĩa là đoạn chót chỉ in có 40 bản, tặng bạn 7 bản còn bao nhiêu giữ lại không bán. Tác giả chịu thà nghèo đói còn hơn đưa «Mật Giáo» vào tay đàn kiến, đàn cừu. Toàn bộ đầy những trường hợp vừa Chân không vừa Diệu Hữu, vừa Đại Trí và Đại Từ Bi. Ông viết ở trang 49 như sau:
«Tự giải thoát chính mình, tuyên bố một tiếng không quyết liệt với chính cả Nghiệp lực. Hỡi chư đệ! Đó mới là công việc sư tử phải làm». Và trong bài «Thuyết Pháp Hoa Hồng» chấm dứt tập Zarathoustra, Nietzsche đã chỉ cho các bậc thượng đẳng phương pháp tung hoa đem lại cho hạnh phúc khắp thế gian, cho mọi sự kể cả sự chết.
Để chuẩn bị cho việc đi vào thế giới của kinh Hoa nghiêm, ngoài Bi và Trí cần phải có Dũng nữa. Dũng ở đây không phải gan lỳ tướng quân hay anh hùng dân tộc mà lại là sự kiện không sợ cái lạ, cái mới, cái mâu thuẫn, cái bất hợp lý. Theo cái hợp lý là sống trong thế giới nhị nguyên, phân hai đúng sai để mà xung đột. Hợp Lý thì ít khi mà hợp Sự. Đối với những ai còn thích an toàn hợp lý trong khung cảnh quen thuộc, hợp lý trong tập quán, hợp lý trong sự ỷ lại, hợp lý trong ao tù luận lý thì sự giải thoát khó lòng thực hiện. Không sợ cái lạ hay vô úy trước cái vô lý là đức tính cần thiết để vượt qua mọi hàng rào ngăn cách giữa cái tôi và cái chẳng – phải – tôi, giữa cái quen với cái lạ, giữa cái đúng với cái sai. Ngài Thần Hội nói với Trần Viễn Công:
«Nếu có người chứng ngộ rốt ráo, người ấy bất động và kiên cố như kim cương, và vì người ấy đã quán thấy vô niệm, nên dù ở giữa rừng gươm oán tắc đe dọa phanh thây vẫn hoàn toàn ngồi yên lặng. Ngay cả hằng hà sa số chư Phật hiện đến chào đón, tâm y cũng không gợn lên một niệm hoan lạc. Bởi vì bậc tinh tấn dũng mãnh này đã đạt đến Không Tánh và Tâm bình đẳng tánh.» Trông mong chư Phật mà đến khi thấy được thì lại không hoan lạc thì thật là một sự vô lý đối với thế gian. Có lẽ vì chúng ta ở Tục đế nên sự hiểu biết của chúng ta hạn hẹp không thể hiểu được những gì xảy ra ở Chân đế. Tuy nhiên, một khi chúng ta vào Chân đế rồi, nghĩa là đã đạt được cảnh giới Sự sự vô ngại, thì không còn hoan lạc theo kiểu thế gian được. Mình đã thành Phật tất nhiên không còn cái tâm như ở thế gian. Đồng tử Thiện Tài đi kiếm Bồ Tát Di Già để học Pháp môn luân tự trang nghiêm và đạt Diệu Âm Đà la ni hay Pháp thuật giúp ta hiểu biết ngôn ngữ của tất cả chúng sanh trong cõi Đại Thiên. Sau khi Thiện Tài đảnh lễ chân Ngài Di Già và cung kính bạch xin trí tuệ phân biệt ngôn ngữ để diễn thuyết cho muôn loài, Ngài Di Già bảo Thiện Tài:
- Ngươi đã phát tâm vô thượng bồ đề rồi ư?
- Vâng, tôi đã phát tâm vô thượng bồ đề.
Ngài Di Già liền vội vàng rời Tòa Sư tử mọp lạy Thiện Tài. Rồi lại rải Kim ngân bửu châu vô giá, cùng với bột mịn chiên đàn, vô lượng thứ y trùm trên mình Thiện Tài. Rồi lại rải vô lượng hương hoa và cúng dường phẩm vật.
Ở thế giới Sự Sự vô ngại giáo sư Bồ tát cũng ngang hàng với sinh viên Bồ tát. Do đó Thiện Tài không lấy làm ngạc nhiên gì cả.
Không Tánh và Tâm Bình Đẳng Tánh là hai đức tính cần thiết để có sự Vô Úy của chữ Dũng không bao giờ được tư tưởng Tây phương thấu triệt. Không Tánh được Schopenhauer đem ra ở Đức vào năm 1818 thì bị trí thức hiểu lầm với Hư vô chủ nghĩa. Tâm Bình Đẳng Tánh lại được Heidegger trình bày nhân ngày sinh nhật thứ 175 của nhạc sĩ Conradin Kreutzer ở Messkirch (30-11-1955) dưới nhan đề: GELASSENHEIT (Tâm bình đẳng đứng trước sự vật). Một bản chủ thích cho dài diễn thuyết trên lại trích trong tập «Hoa Nghiêm bỏ túi» hay một cuộc đàm luận giữa ba nhân vật: một nhà thông thái, một học giả và một giáo sư viết năm 1944-45, nghĩa là trước đó 10 năm. Đối với Heidegger thời gian là thời gian Hoa nghiêm và nhân vật cũng là nhân vật Hoa nghiêm. Thậm chí ngôn ngữ cũng toàn là mật ngữ Hoa nghiêm nên trí thức Tây phương, ngoại trừ một số rất ít bạn thân, không ai hiểu gì ráo, hoặc tệ hại hơn lại hiểu sai và xuyên tạc. Bài Tâm bình đẳng đứng trước sự vật ra đời cốt để Hóa giải những mâu thuẫn của lý trí trước những mâu thuẫn do văn minh khoa học đem lại. Cái lợi bất cập hại, cái vui đi cùng cái nguy. Môn mới sinh học đang còn phôi thai. Tiện nghi càng tăng thì chiến tranh càng kinh khủng. Đời sống vật chất gia tăng thì đời sống đạo đức sa đọa. Hiểu biết càng nhiều thì tình cảm càng ít.
Ông viết như sau: «… Tâm bình đẳng trước sự vật và óc mở rộng đón sự ẩn mật không tách rời nhau được. Chúng giúp chúng ta có khả năng trụ xứ giữa các sự vật một cách hoàn toàn mới. Chúng hứa cho ta một xứ khác, một đất khác mà ở đấy tuy vẫn còn trong thế giới kỹ thuật nhưng chúng ta hết sợ đe dọa và có thể sống an lành…». Đối với Ông tai họa không phải ở chiến tranh kể cả chiến tranh nguyên tử, nhưng chính ở chỗ tư tưởng tính toán máy móc giết chết tư tưởng trầm tư trong con người. Và nếu tư tưởng trầm tư không còn thì chúng ta không mong gì giữ được nguyên tánh vì chưa đạt được Tâm bình đẳng đứng trước sự vật. Ông viết tiếp: «Có một điều… tâm bình đẳng đứng trước sự vật và óc mở rộng đón nhận sự ẩn mật không bao giờ có sẵn do trên trời rơi xuống. Chúng không phải những sự kiện tự nhiên đến, những sự kiện ngẫu nhiên. Cả hai, muốn xuất hiện và phát triển, phải cần đến một tư tưởng luôn luôn được duy trì tinh tấn, phát xuất từ trái tim con người».
Cái tư tưởng bền bỉ phát xuất từ trái tim con người ấy chính là Đại từ bi tâm. Không có Tâm Đại Từ Đại Bi thì không hóa giải ai được. Phải thương kẻ thù như con mình là một điều cần thiết. Cái tình thương bình đẳng đòi hỏi dũng tính là căn bản cho một sự hóa giải tuyệt đối. Hòa bình chỉ đem lại chiến tranh chỉ vì quá chú trọng vào chữ Hòa mà quên chữ Bình. Bình có nghĩa vừa bình an vừa bình đẳng. Muốn bình an phải bình đẳng trong tâm trước. Đạo Phật có câu: Tâm bình thế giới bình là do đó mà ra. Tâm Đại bi bình đẳng không giới bạn là một sự bí mật của Mật giáo đề cao Bồ tát hạnh. Để đóng góp phần nào vào việc giải minh sự bí mật này chúng ta có thể cùng cụ Phan Bội Châu trong chấp nhận sự tương đương giữa chữ Nhân của Khổng Tử và chữ Đại bi của Phật giáo như sau:
«Chữ đại từ đại bi, chúng sinh bình đẳng của Phật Thích Ca, nghĩa yêu thương người như mình, xem thù như bạn của đức Chúa Dê Du, cũng là ý nghĩa chữ Nhân mà thôi. (Khổng Học Đăng.) Chữ Nhân theo cụ thì «có thể, có dụng, có kinh, có quyền, có nhân, có quả, có chính, có phụ, nhỏ đến như cái lông mùa thu mà không có thể thiếu sót, lớn đến như hòn núi Thái sơn mà không thấy bằng thừa» và ý nghĩa của chữ Nhân thì «dầu thiên ngôn vạn ngữ cũng chưa dễ miêu tả hết». Ngay Khổng Tử cũng không định nghĩa chữ Nhân một cách trực tiếp. Ngài chỉ tùy theo trình độ và căn cơ của học trò mà cho tác dụng của chữ Nhân.
Đối với thầy Tử Cống, Ngài dạy chữ Thứ và dặn cái gì mà lòng mình không muốn thì đừng đem ra mà đối đãi với người (Kỳ thứ hồ. Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân). Trong chữ Thứ có chữ Như và chữ Tâm. Chiết tự ra thì chữ Như theo nhà Phật là Tâm bình đẳng tánh và chữ Tâm là Đại Từ Bi. Đối với thầy Tăng Tử, trình độ cao hơn nên Khổng Tử dạy hai chữ Nhất Quán như sau: Đạo ta chỉ một mà quán suốt tất cả (Ngô đạo nhất dĩ quán chi). Hai chữ Nhất Quán quá cao nên thầy Tăng Tử nói với môn nhân rằng đó là hai chữ Trung và Thứ (môn nhân vấn viết hà vị giả? Tăng Tử viết: Phu tử chi đạo, trung thứ nhi dĩ hỷ.) Chữ Trung là quan hệ bậc nhất của Tư tưởng Trung dung của Khổng Tử, chiết tự ra ta thấy chữ Trung là ở giữa mà gồm tất cả tương đương với Tâm bình đẳng tánh, và chữ Tâm là Đại Từ Bi. Chữ Trung và chữ Thứ vẫn chưa phải là chữ Nhân, chưa phải là Đạo, chỉ gần sát mà thôi: (Trung Thứ vi đạo bất viễn). Nên riêng đối với thầy Nhan Uyên là học trò cao nhất trong Khổng môn, Khổng Tử mới nhắc đến chữ Nhân. Nói bằng những lời khen hoặc lời phê bình chứ không định nghĩa, như sau: Anh Hồi (tên của thầy Nhan) mới giữ được cái Tâm mình đúng với chữ Nhân ba tháng, còn các người khác thỉ chỉ ngày một lần, tháng một lần mà thôi. (Hồi giả kỳ tâm tam nguyệt bất vi nhân, kỳ dư tắc nhật nguyệt chí yên nhi hỷ). Tâm Đại Từ Bi và Tâm bình đẳng tánh là vô hạn và vô cùng, rất khó lòng mà giữ được lâu, nên Khổng Tử mới khen công phu của thầy Nhan giữ vững được Nhân trọn ba tháng đúng với thời gian mùa an cư của Phật giáo.
Vì Tâm tức Nhân, Nhân tức Tâm nên trong chữ Nhân chữ Tâm không hiển lộ ra mà chỉ mật ngầm hiểu thôi. Tâm Đại Từ Bi và Nhân là một, Từ bi và Nhân từ đồng nghĩa nên cần nhấn mạnh vào Tâm bình đẳng tánh. Chiết tự ra thì thấy chữ Nhân gồm nhân đứng là người và hai nét ngang nhau, như vậy ngụ ý phàm làm người ai nấy cũng bình đẳng như nhau. Tâm bình đẳng tánh là phần hiển của chữ Nhân, còn Tâm Đại Từ Bi là phần mật. Mật hiển viên thông và Lý Sự vô ngại tại đây. Chủ nghĩa Trung Dung là đạo làm người nên lấy Trung làm gốc.Bồ tát hạnh là đạo chung cho tất cả chúng sanh nên phải lấy Nhân làm gốc. Nhân không những là gốc của người mà của cả cây cối muôn loài (như đào nhân, hạnh nhân). Do đó danh từ Nguyên nhân quan trọng hơn danh từ Nguyên lý. (Đừng lầm Nguyên nhân Lý trí là Lý do đầu tiên với Nguyên nhân từ bi tâm là nguồn suối và hạt giống 徐仁 )Nguyên lý khô khan đôi khi phũ phàng tàn nhẫn, còn nguyên nhân bao trùm cả lý lẫn tình. Nếu tất cả thiên hạ quyết tâm đi kiếm nguyên nhân cho mọi xung đột thì sự khổ đau trên thế giới không còn nhờ sự Hóa giải thay thế cho sự Hòa giải. Quên nhân mà chỉ biết lý là thay thế Hội nghị Diên Hồng bằng Hội nghị Saint Cloud, thay thế sự bình đẳng nội tâm bằng sự san bằng xã hội. Đức Phật Thích Ca có thể trở về để cho cha già khỏi nhớ tưởng, hoàng hậu và con khỏi đau khổ, thần dân khỏi tiếc mến. Đó là Lý. Nhưng Phật vẫn xuất gia vì cho rằng nước mắt của gia đình, thân hữu nhiều không bằng nước mắt chúng sanh đau khổ tràn ngập đại dương.
Và đó là Nhân. Đó là mối sầu vạn cổ của những đại tài, đại trí. Khổng Tử nói: Nhân quan hệ mật thiết với người hơn cả lửa và nước, nhưng ta thấy người liều chết vì lửa và nước nhưng không thấy ai liều mình mà chết vì nhân (Dân y nhân giả, thậm ư thủy hỏa; thủy hỏa ngô kiến đạo nhi tử giả hỷ, vị kiến đạo nhân nhi tử giả giã). Chết vì lửa vì nước là tranh dành lửa và nước đến chết chưa thôi và còn hẹn nhau tái chiến kiếp sau. Chỉ có Bồ tát mới có thể nhảy vào lửa vì Nhân để cứu dân độ thế. Thiện Tài phải đến tụ lạc Y Sa Na gặp Bà la môn Thắng Nhiệt để học tu những khổ hạnh nhất thiết trí. Phải tập leo lên núi dao, tự nhảy vào đống lửa để thành tựu môn bồ tát vô tận luân giải thoát. Đối với những bậc Đại Từ Bi, Nhân là sinh mệnh, Nhân là đạo hạnh. Nhân không thể kiếm đâu ra ngoại trừ do sự cố gắng nhìn lại bổn tánh mình. Nhân ở trong ta và chính vì sự quá gần ấy nên ta không thấy, quá lo hướng ngoại để kiếm lửa và nước mà quên nhìn lại nội tâm. Chính vì vậy nên câu «Nhất dĩ quán chi» của Khổng Tử thường bị hiểu lầm là Nhất nguyên luận và đi đến việc suy tôn một đấng vạn năng. Nhất dĩ quán chi là nằm trong Thập Huyền Diệu Lý Hoa Nghiêm với:
- Đồng thời cụ túc tương ưng môn (Không có sai biệt về thời gian, tất cả đểu cộng đồng liên hệ. Ở đây nhấn mạnh vào sự viên dung).
- Nhất đa tương dung bất đồng môn (Nhiều trong một và một trong nhiều. Ở đây nhấn mạnh vào sự hỗ tương nhiếp nhập của những sự thể bất đồng).
- Quảng hiệp tự tại vô ngại môn (Không có chướng ngại giữa các hành động, lớn nhỏ đều bao hàm lẫn nhau. Ở đây nhấn mạnh vào sự Vô ngại).
- Chư pháp tương tức tự tại môn (Tất cả đều do kết quả hỗ tương nhiếp nhập và hỗ tương hòa hợp. Để đóng góp vào mọi hóa giải, môn này tỏ ra có hiệu quả nhất vì nó là gồm ba môn trên cộng lại).
- An mật hiển liễu câu thành môn (Tất cả 4 môn trên họp lại và áp dụng cho sự hỗ tương giữa Ẩn mật hiển liễu).
- Vi tế tương dung an lập môn (Tất cả các môn trên hợp lại và áp dụng cho sự hỗ tương giữa sự thể vi tiểu và ẩn ảo)
- Nhân đà la võng cảnh giới môn (Sự phản chiếu trùng trùng duyên khởi vô tận của ánh sáng giữa những hạt ngọc của lưới Indra trong thế giới Sự Sự Vô Ngại).
- Thác sự hiển pháp sinh giải môn (Thuyết minh chân lý bằng hành động cụ thể, bằng sự không bằng lý. Ở đây nhấn mạnh vào thế giới Sự).
- Thập thế cách pháp di thành môn (Quá khứ, hiện tại, vị lai, ba thời là một nhưng trong mỗi thời cũng có đầy đủ quá khứ, hiện tại, vị lai. Tất cả là chín thời (3×3). Tuy chín nhưng nhờ ảnh hưởng của các môn trên thành thử vẫn là một thời hoặc mười thời (một tổng thời cộng 9 phân thời thông dung vô ngại).
- Duy tâm hồi chuyển thiện thành môn (Không có chủ thể và đối tượng riêng biệt nhưng xoay quanh tâm khi ẩn khi hiện tạo ra thế giới, Sự chuyển hóa thế giới do đó có thể thành tựu tùy theo đại nguyện của Tâm).
Mười pháp môn này cùng nhau tạo thành các pháp giới mà chúng ta chỉ cần nắm lấy một cũng đủ thông suốt tất cả. Vì thời Khổng tử chưa có Hoa nghiêm nên Khổng Tử không có tài liệu để giảng Nhất dĩ quán chi cho môn đệ. Dầu sao, nhờ hạn chế mục tiêu, nên chỉ một khía cạnh nào rất nhỏ của Nhân, một hạt bụi Hoa nghiêm cũng đủ hóa giải xã hội. Do đó Khổng Tử trả lời với Thầy Trọng Cung (thích lo việc nước): Nhân là khi ở trong một nước không làm oán ai, và khi ở nhà cũng không làm oán ai (tại bang vô oán, tại gia vô oán). Đối với thầy Tư Mã Ngưu thường nói năng đối đáp khinh người, nên Khổng Tử dạy rằng: Nhân là trả lời cho người phải cẩn thận (Nhân giả, kỳ ngôn giã nhẫn). Thầy Ngưu chưa hiểu nên Khổng Tử khuyên khéo Thầy nên dồn sức để lo thực hành và nhịn nơi lời nói! (Vi chi nan, ngôn chi đắc vô nhẫn hồ). Đối với thầy Phàn Trì thích công lợi nên Khổng Tử bảo: Nhân là thương người (ái nhân). Đối với thầy Tử Trương thích làm chính trị chữ Nhân theo Khổng Tử gồm năm chữ: Cung, Khoan, Tín, Mẫn, Huệ. Cung nghĩa là kính cẩn; Khoan là rộng lượng, Tín là thật thà, Mẫn là chăm chỉ, Huệ là ban ân, tưởng thưởng. Đối với thầy Tử Lộ tính tình nóng nảy thì chữ Nhân là đối với bạn bè thì thật thà chân thật, đối với anh em thì vui vẻ hòa nhã (Bằng hữu thiết thiết tư tư, huynh đệ di di).
Chữ Nhân của Khổng Tử một khi đi vào con đường Hoa nghiêm bằng hành động tâm linh thì thật hoàn toàn bất khả thuyết. Chính cụ Phan Bội Châu thú nhận trong tập Khổng Học Đăng: «Chân tinh thần của chữ Nhân là một thứ vô hình, vô ảnh, vô thanh, vô xứ, không phải văn tự ngôn ngữ mà mô tả cho rõ ràng». Đặc biệt vì đặc tính vô ngại, nên Nhân là tự do giải thoát và không bao giờ bó tay chịu thua chữ Mệnh (Thiên mệnh hay Vận mệnh) hoặc chạy theo chữ lợi riêng tư. Trong thiên Tử hãn có chép ở chương đầu rằng: Khổng Tử ít khi nói đến chữ Mệnh và chữ Lợi cùng chung với chữ Nhân (Tử hãn ngôn lợi dữ mệnh, dữ Nhân). Cho đến thầy Tử Cống tỏ ý muốn thực hiện chữ Nhân bằng sự bố thí khắp nơi và giúp đỡ dân chúng cũng bị Khổng Tử ngăn lại vì khả năng học giả có bao nhiêu mà dám vọng ngôn. Bác thí tế chúng là một hành động của những bực Thánh nhân (hà sự ư nhân, tất giả thánh nhân hồ). Chỉ có Thánh nhân và các đức Bồ lát mới có thể bố thí và cứu độ một cảnh vô hạn được.
Có những hành động mà với cặp mắt thế gian chúng ta tưởng là Nhân mà lại không phải, Cái trung của Lịnh Doãn Tử được thầy Tưởng Tử cho là Nhân, nhưng đối với Khổng Tử vẫn không lấy gì làm chắc (Tử viết: Trung hỷ, Viết: Nhân hỷ hồ? Viết vị tri yên đắc nhân). Sự thanh liêm của Trần Văn Tử vẫn chưa phải là Nhân (Tử viết: Thanh hỷ. Viết: Nhân hỷ hồ? Viết vị tri yên đắc Nhân). Những đức tính cao quí ấy có thể nằm trong chữ Nhân nhưng không thể thay thế cho toàn Nhân được. Hiền đức như thầy Trọng Cung, tài ba như thầy Tử Lộ vẫn không được Khổng Tử cho là Nhân. Trái lại Khổng Tử lại cho Quản Trọng là Nhân trong khi thầy Tử Lộ không tin vì thấy Quản Trọng bất trung với Công tử cũ, y không chết với chủ như Thiệu Hốt mà lại sang giúp người giết chủ mình là Hoàn Công. Khổng Tử cho biết Quản Trọng là Nhân vì y xem thường khí tiết để cứu muôn dân khỏi binh đao và thống nhất được chư hầu khỏi cần xe binh. Biết hy sinh khí tiết, quyền lợi đảng phái, chủ nghĩa chính trị, v.v… để đem lại hòa bình là một hành động của chữ Nhân. Tất nhiên chịu nhục để tạo ra chiến tranh hoặc nuôi dưỡng chiến tranh thì lại là chuyện khác, không những xa hẳn chữ Nhân mà lại xa luôn cả chữ Nhân đứng của kiếp người. Chữ Nhân khó hiểu như vậy cho nên trong Hoa nghiêm ngay cả Thiện Tài cũng có đôi lần ngạc nhiên: Thiện Tài đến Da la Tràng học Bồ tát hạnh với vua Vô Yễm Túc, thấy:
«Trước mặt nhà Vua, hai bên có 10 vạn lính mạnh, hình ác, y phục xấu, tay cầm binh khí, xăn tay trợn mắt. Ai ngó thấy cũng phải kinh sợ. Những chúng sanh phạm pháp… được dắt đến chỗ vua, tùy chỗ họ phạm mà trị tội. Hoặc chặt tay chân, hoặc cắt tai mũi, hoặc khoét đôi mắt, hoặc chém đầu, hoặc lột da, hoặc phân thây, hoặc đem nấu, hoặc đem đốt, hoặc dắt lên núi cao xô té xuống. Vô lượng sự hành hình độc ác như vậy».
Thiện Tài thối chí muốn đi nơi khác, thì nghe trên hư không bảo rằng: Này Thiện nam tử ngươi phải nhớ lời dạy của Phổ Nhãn Trưởng giả…
Nhờ vậy Thiện Tài mới ở lại và nghe lời vua Vô Yểm Túc dạy: «… Này Thiện nam tử, ta được môn Bồ lát như huyễn giải thoát. Nước ta dân chúng nhiều người làm việc trộm cướp giết hại nhẫn đến tà kiến. Dùng phương tiện khác không thể cho họ bỏ ác nghiệp. Ta vì điều phục chúng sanh đó mà hóa hiện những người ác tạo tội nghiệp bị hành hình khốn khổ. Làm cho những dân chúng làm ác nghe thấy mà kinh sợ chừa ác làm lành phát bồ đề tâm.»
Muốn hóa giải chúng sanh khỏi nghiệp chướng, Bồ tát phải hóa hiện thành tội phạm chịu cực hình, đó là một hành động Đại từ bi.Cũng trong tinh thần này mà Phật giáo Đại thừa xem Đức chúa Jesus như đã thành tựu Bồ tát hạnh và thành tâm tôn kính.
Sự ngạc nhiên của Thiện Tài là một hành động thế gian phát xuất do từ bi tâm. Đại trí tạm nhường bước cho Đại bi trước những lời ai oán. Xuất thế rồi phải nhập thế để mà cứu độ. Theo Hoa nghiêm thì nếu thế gian này và thế giới vô ngại là một (Tục đế và Chân đế không hai) và Bồ tát ly thế gian mà bất ly thế gian thì chúng ta thường gặp Phật mà không hề hay biết. Nhưng nếu mà biết được thì đó lại là Phật giả ngoại trừ chúng ta đã thành Phật. Vậy nếu gặp ai mà tự xưng là Di Lạc tái thế hay Jésus xuống trần để thành lập Giáo hội thì nên kiểm soát gấp phiếu lý lịch Tư pháp, xem tài sản và đếm số vợ con đương sự trước tiên. Nếu Thiện Tài đồng tử mà tin vào giá trị đại từ bi của giải thưởng Hòa bình Nobel năm vừa qua cho những nhân vật đã tạo ra hiệp định Paris thì chắc Thiện Tài, phải khiếp đảm khi biết rằng sau hiệp định gần 70.000 vi phạm đã xảy ra với hàng triệu tử thương. Nếu ở Đa la Tràng có dân ma chết thật và dân thật khỏi chết thì tại đây có lính kiển lương ma, và lính ma lương thật. Việc Hóa giải do đó chắc chắn sẽ khó khăn, Thiện Tài e phải nhờ môn Vân võng giải thoát của Thần đại Thiên. Môn này là lấy độc trị độc, ai tạo nghiệp báo là phải thọ nghiệp báo. Thần đại Thiên nói:
«Nếu có chúng sanh sân hận kiêu mạn nhiều cạnh tranh, thì ta thị hiện thân hình rất đáng sợ như La sát uống huyết ăn thịt, v.v… cho họ xem thấy mà kinh hãi, tâm ý điều nhu rời bỏ thù oán. Nếu có chúng sanh hôn trầm lười biếng, thời ta vì họ mà thị hiện những nạn vua, giặc, nước, lửa và các bịnh tật, cho họ kinh sợ biết khổ lo để mà tự gắng. Nước Việt nam đã trải qua trên 30 năm biết khổ biết lo quá nhiều nhưng lại phải nương nhờ ngoại quốc, thành thử quên tự gắng tu hành và còn phải đau khổ triền miên. Thông điệp Phật đản năm nay của Đức Tăng thống cũng nhấn mạnh điểm này: «… Những hậu quả tai hại dự liệu cho giai đoạn này là chiến tranh, nạn đói nạn hủy diệt cũng đã được thấy báo điềm… và các Phật tử ý thức cuộc đời, càng ngày càng cần đến những đức tính Dung hóa và phục vụ của Từ bi và Trí tuệ chư Phật… nơi mỗi cá nhân để từ đó tích cực góp phần cải tạo hoàn cảnh».
Chữ HÓA có nghĩa là biến chuyển một cách đột ngột không có lý do. Còn lý do thì không phải Hóa nữa mà lại là Hóa. Hòa bình Việt nam sẽ đến ngay lập tức nếu tất cả đều bằng lòng đình chỉ xung đột không lý do, không điều kiện tiên quyết. Tất cả phải hiểu theo tinh thần Hoa nghiêm nghĩa là tất cả trong mỗi người, tất cả nơi mỗi cá nhân.
Dung là một sự cố gắng nhẫn nhục tương trợ lẫn nhau, chịu đựng sự sai biệt trong tinh thần Tương tức Tương nhập Hoa nghiêm.
Tuy nhiên cái cố gắng Hoa nghiêm là một cái cố gắng có sự gia hộ của chư Phật. Do đó cần phải có sự công phu cầu nguyện không ngừng. Nếu chúng ta cho rằng sinh mạng hàng triệu đồng bào là thiêng liêng thì phải niệm Phật, tụng kinh cầu nguyện. Ngồi thiền để tự giải thoát là rất quí nhưng chưa đủ. Tu huệ ở thời mạt pháp không lợi ích bằng tu Phước và tu Đức. Dung hóa để cải tạo hoàn cảnh địa ngục trần ai ở Việt nam phải bắt đầu bằng những hành động cụ thể. Bình đẳng trong nội tâm khác với bình đẳng chính trị, không bao giờ tranh đấu để bắt buộc người ta bằng mình. Tự do trong nội tâm khác với tự do chính trị, không phải cướp tiền rồi bao thuê Pháp luật che chở. Những công dân của những chế độ «bình đẳng xã hội» hay «Tự do tư bản» đều cảm thấy mất bình đẳng và mất tự do, không những trong nội tâm mà đôi khi còn biểu lộ ra ngoài mặt. Tất cả đều mất ăn mất ngủ vì lo âu trước viễn vọng một thế chiến tàn khốc. Trong khi chờ đợi, một đàng học tập, phê bình, kiểm thảo, còn một đàng uống thuốc an thần, điều trị thần kinh và chạy thầy kiện. Hóa giải chiến tranh Việt nam phải bắt đầu bằng một Hóa giải dân tộc. Phải làm sao có một hội nghị Diên Hồng để thay thế cho Hội nghị Saint Cloud. Phải có một hội nghị nửa đêm đốt đuốc để thay thế cho hội nghị lớn nhất thế giới tại điện Kléber đặc biệt tu trang với hệ thống đèn sang nhất. Đèn sang nhất để che cái ngu tối nhứt của dân Việt: Thích hư danh, thích làm tiền phong cho hai phe đối lập, thích làm anh hùng quốc tế, thích hội đàm được tiền hô hậu ủng, nói tóm lại thích làm gà đá để đến bây giờ thân tàn ma dại tiếp tục sống kiếp dế mèn cắn nhau. Tinh thần chấp ngã quá nhiều thành thử say mê tự ái mà quên tự trọng. Thích giám sát quốc tế thật nhiều để lấy oai mà quên rằng có ai trọng mình chí tình đâu. Phải Hóa giải hoàn cảnh trên bằng một cuộc chuyển hóa nội tâm. Chuyển hóa nội tâm không làm chết ai mà lại cứu sống. Chuyển hóa nội tâm là một hành động được hướng dẫn bằng tâm Từ Bi. Nước Pháp sau chiến tranh 39-45 cũng làm nạn phân hóa em em nước ta ngày nay. Nhưng nhờ dân trí khá sáng suốt thành thử những lời kêu gọi Hóa giải của thiện tri thức được đáp ứng và nội chiến không xảy ra. Tinh thần Hóa giải ấy được trình bày trong tác phẩm «Người phản kháng» (L’homme révolté) như sau:
«Phản kháng không thể nào thiếu sót một thứ tình thương kỳ lạ: Một số người không thấy an phận với Chúa hoặc với lịch sử, tự phạt mình phải sống nếp sống của những người cùng không đủ khả năng sống như họ: những kẻ khốn cùng. Như vậy, cử chỉ trong sạch nhất của cách mạng là tự tô điểm bằng tiếng thét xé tâm can của Karamazov: Nếu chúng không được cứu tất cả thì cứu lấy mỗi một người để làm gì!… Lòng quảng đại điên cuồng ấy là lòng quảng đại của sự phản kháng, nó đem lại tức khắc sức mạnh của tình thương và từ chối ngay đó mọi bất công. Danh dự của phản kháng là không tính toán một mảy may, cống hiến tất cả cho sự sống hiện tại và cho anh em đang sống…
Từ đấy phản kháng chứng minh rằng chính nó mới là sự vận hành của sinh mệnh và ai khước từ nó tất phải khước từ sự sống. Tiếng thét trong sạch nhất của nó mỗi lần vang lên là làm cho một con người đứng dậy. Nó hoặc là tình thương tràn đầy, hoặc không là gì cả. Cách mạng hèn hạ, cách mạng có mưu tính, chuộng con người trên giấy hơn con người da thịt, phủ nhận cá thể mỗi khi xét cần, dĩ nhiên đã đem hận thù thay thế tình thương… Đó không còn là phản kháng hay cách mạng nữa mà là thù oán và chuyên chế. Một khi mà cách mạng nhân danh sức mạnh và lịch sử biến thành một bộ máy sát nhân to lớn quá mức, thì một phản kháng mới trở nên thiêng liêng nhân danh sự dung hòa và sinh mệnh.»
Sự phản kháng bột khởi không tính toán kỳ lạ, thiêng liêng phân danh tình thương và sinh mệnh đầy đủ Bi trí Dũng của Camus chính là hành Bồ tát để hóa giải hận thù. Tất cả một thế hệ thanh niên Âu châu hưởng ứng Camus và xem ông như bậc minh sư và nhờ vậy bên Tây phương nay được thanh bình.
Camus đối với Á đông là một nhà chí sĩ. Trong Khổng học chí sĩ đứng hàng đầu vì trong chữ Chí có chữ Tâm đi kèm với chữ Sĩ, có học phải có hạnh, đại trí phải nương theo đại bi. Cụ Phan Bội Châu giảng trong Khổng Học Đăng rằng: «Ba chữ Chí (Chí vu học, Chí ư Đạo, Chí ư Nhân) cũng chí là một chữ, mà trong ý đức Khổng Tử thời cốt muốn cho học giả phải «chi ư nhân»! Bởi vì trong phạm vi Khổng học, to lớn và cao thượng nhất là chữ nhân, nên Ngài nói: Chí sĩ là người đặt chí mình trên chữ nhân không cầu sống mà hại nhân, có lúc phải giết thân mình để thành tựu nhân». (Chí sĩ, nhân nhân, vô cầu sinh dĩ hại nhân, hữu sát thân dĩ thành tựu nhân).
Đất nước Việt nam, tục gọi là Giao chỉ hay ngã ba văn hóa (Khổng có, Lão có, Phật có, thậm chí đến bài giảng trên núi của Chúa cũng có) vậy mà thanh niên không kiếm ra chí sĩ để tôn sư, lý do tại sao?
Thanh niên Việt có lẽ hầu hết vướng nghiệp võ, mắc lo động viên nên không kịp tìm ra chí sĩ. Những vị này hiện ở rải rác khắp đó đây, dung hòa với kẻ khốn cùng, sống rất mãnh liệt nhưng âm thầm, lấy tình thương, lấy tâm từ bi, lấy lòng bác ái, không coi sinh mạng mình ra gì, để hóa giải hận thù và hàn gắn mọi tàn phá chiến tranh.
Vì sống với kẻ khốn cùng, sống hồn nhiên với núi non, cây, cỏ, sống đơn sơ mộc mạc, sống để hành động hơn là phát ngôn, cho nên chúng ta nếu chưa biết dung hóa thì làm sao mà thấy họ được. Ngay cả Khổng Tử lúc còn tráng niên (34 tuổi) cũng chưa phân biệt được người quân tử có đức rộng. Nhờ sang nước Chu học lễ với Lão Tử, Ngài mới được dạy rằng: «Người quân tử có đạo đức cao lớn, tất nhiên dung dáng ở bề ngoài xem như người ngu» (Quân tử thịnh đức dung mạo nhược ngu). Khổng Tử cáo biệt trở về nói lại với học trò:
«Ta ngày nay mới thấy Lão Tử, e ông ấy là rồng thiêng đó.» (Ngô kim nhật, kiến Lão Tử, kỳ do long hồ).
Để Hóa giải chiến tranh ý thức hệ, chúng ta con Rồng cháu Tiên chắc chắn phải nghe lời Rồng thiêng Lão Tử. Đi kiếm người ngu hơn mình để mà học. Tuy nhiên kiếm được hay không đó lại là vấn đề dung hóa Hoa nghiêm do mình định đoạt lấy.
Heidegger đã dùng mật ngữ khi dùng chữ Gelassenheit (Tâm bình đẳng tánh) vì Gelassenhein là Sự Giải thoát, nên tôi bắt chước để chấm dứt bài này bằng bài vè (hoặc kệ) như sau:
Chết vì dầu HỎA
Từ lâu mang HỌA
Mà chưa chịu HÒA
Vì thiếu tràng HOA
Để mà dung HÓA.
Nam Mô A Di Đà Phật
NGÔ TRỌNG ANH
(Phật Học Viện Nha trang.
15-10 — Giáp Dần.)
[Tạp chí Tư Tưởng số 48, 1975]
1 Comment
Cảm ơn những bài viết như thế này giúp độc giả trong nước mở rộng tầm nhìn. Nam mô Công Đức Lâm Bồ Tát, ma ha tát!