Ngày nay người ta không lấy làm ngạc nhiên khi gọi các ngành Khoa học xã hội và Nhân văn là khoa học. Đó là những môn học như Chính trị học, Xã hội học, Tâm lý học, Kinh tế học, và Nhân loại học, và Ngôn ngữ học đều cố gắng áp dụng phương pháp khoa học khách quan trong việc nghiên cứu. Nỗ lực thường xuyên của các ngành học ấy là làm sao đạt đến trình độ «khoa học» cao. Riêng trong Xã hội học ngay từ lúc đầu khi mà Auguste Comte đề nghị danh từ «Sociologie» (trong Cours de Philosophie Positive, 1830-42) để chỉ cho một khoa học nghiên cứu mối tương quan giữa con người và xã hội, Comte tin tưởng rằng ngành học này là «khoa học» như các ngành học khác, Toán học, Thiên văn học, Vật lý học v.v…
Tuy nhiên mãi đến năm 1921, phương pháp thực nghiệm của Xã hội học mới được phổ xướng mạnh mẽ ở Mỹ, một quốc gia tiên phong phát triển phương pháp và kỹ thuật thực nghiệm đầu tiên trong xã hội học. Lý do cho sự phát triển chậm trễ này là là vì đối tượng nghiên cứu của xã hội học bao gồm những hiện tượng nhân bản, văn hóa và xã hội phức tạp. Đối tượng của một ngành nghiên cứu càng đơn giản bao nhiêu, phương pháp thực nghiệm để nghiên cứu những đối tượng ấy càng được phát triển dễ dàng và nhanh chóng bấy nhiêu; đó là trường hợp của toán học, vật lý học, hóa học.
Lý do khác nữa là phần đông các nhà khoa học xã hội Mỹ thời tiền phong xuất thân từ ngành triết học và nhất là có tinh thần tôn giáo rất nặng. Khi đề xướng phát triển xã hội tại các trường Đại học lớn ở Hoa kỳ vào 1905, các nhà khoa học xã hội tiền phong Mỹ nghĩ nhiều đến các chương trình cải tiến xã hội, duy trì nền tảng đạo lý và luân lý cổ truyền, và phát triển đời sống thịnh vượng, hạnh phúc của xã hội Mỹ ở thị thành mà ít quan tâm đến phát triển những phương pháp và kỹ thuật thực nghiệm. Nhưng sau đệ nhị thế chiến khuynh hướng khoa học thực nghiệm được đề cao rõ ràng trong các khoa học xã hội nhất là qua các tập san nghiên cứu của các ngành chuyên môn của các ngành học này. Tuy nhiên người ta vẫn thường hỏi: Thế nào là khuynh hướng khoa học trong các khoa học xã hội và nhân văn ?
Để trả lời câu hỏi này, trước hết ta nên tìm hiểu ý niệm «Khoa học» và những tính chất cần thiết của phương pháp nghiên cứu khoa học.
I.— ĐỊNH NGHĨA DANH TỪ «KHOA HỌC».
Danh từ «Khoa học» (science) có nguyên gốc La tinh, Scientia (Sciens là thể quá khứ phân từ của động từ Scire nghĩa là «biết», «hiểu», «tri thức». Theo tự điển Anh ngữ tiêu chuẩn, danh từ Science có nhiều ý nghĩa khác nhau: 1) trạng thái hay sự kiện tri thức, kiến thức thâu hoạch được không do trực giác hay đức tin, v.v… mà do nghiên cứu, quan sát, hoặc thí nghiệm, 2) ngành học hay nghiên cứu có hệ thống lý thuyết định lý, và phương pháp thí nghiệm. Đó là Vật lý học, Hóa học, Quang học, Động nhiệt học, Cơ khí học, v.v…
Theo Đức ngữ, danh từ «Khoa học» hay Wissenschaft gồm hai hợp tự chính: Wissen nghĩa là: «biết», «tri thức» và schaft nghĩa là «làm», «phục vụ» hay «thực hành». Với một định nghĩa tổng hợp hai ý nghĩa chính này, danh từ «Wissenschaft» là một kiến thức hay một hệ thống kiến thức có phương pháp áp dụng hệ thống và hữu hiệu.
Qua một số tác phẩm giá trị của phần lớn các triết gia về khoa học (philosophers of science), người ta thấy có một định nghĩa căn bản được đề nghị. Theo họ, «khoa học có thể được định nghĩa như là một phương pháp khách quan, có luận lý, và hệ thống để phân tích các hiện tượng, nhằm thu hoạch và trữ tàng tri thức chính xác»[1].
Để hiểu thêm định nghĩa tổng quát trên, chúng ta nên nói rõ thêm các yếu điểm của nó. Chính các yếu điểm này xác định phần nào bản chất tổng quát cần thiết của phương pháp khoa học.
II.- CÁC ĐẶC TÍNH CẦN THIẾT CỦA PHƯƠNG PHÁP KHOA HỌC.
Thứ tự, chúng ta có thể trình bày một cách đơn giản như sau:
1.— Khách quan tính. Phương pháp nghiên cứu có đặc tính khách quan khi:
a) Thái độ của người nghiên cứu không bị ảnh hưởng theo chủ ý riêng tư, sở thích cá nhân của mình.
b) Phương pháp sử dụng để phân tích những hiện tượng phải có giá trị thời gian và được minh chứng công khai.
c) Chứng có khám phá được phải phát xuất từ sự kiện chứ không từ giả tưởng và chân lý tìm ra phải có bằng chứng rõ ràng.
d) Người nghiên cứu không khoát lên những thẩm định giá trị về các khám phá của mình, về điểm này, các khoa học gia có thể đề nghị những phương pháp sử dụng các kết quả khám phá của mình, nhưng đó chỉ là lãnh vực chung của nghiên cứu. Mỗi ngành đều có phần thực dụng của nó. Nhưng phần thực dụng không thể làm chủ trong việc hướng định các chương trình nghiên cứu của ngành học ấy.
e) Bản chất luận lý mạch lạc của phương pháp nghiên cứu muốn chí rõ ràng phương pháp và kỹ thuật nghiên cứu và phản tích sự kiện phải được ăn khớp với khuôn khổ lý thuyết và các mệnh đề giả thuyết. Sự ăn khớp luận lý giữa vấn đề nghiên cứu, mô thức lý thuyết các mệnh đề giả thuyết và kỹ thuật chứng nghiệm các giả thuyết không phải dựa trên nền tảng suy luận đã được thỏa đồng bởi phần đông các nhà khoa học.
2.— Phương pháp tham khảo phải có đặc tính hệ thống, nghĩa là khi nghiên cứu một vấn đề gì, khoa học gia phải theo một quả trình trật tự của sự thiết lập vấn đề nghiên cứu. Ở đây người ta có thể thấy sự khác biệt rõ rệt giữa suy tư chuyên môn của nhà khoa học và suy tư thông thường của quần chúng. Theo quan điểm của nhà khoa học mọi sự kiện đều xảy ra theo thứ tự thời gian và liên hệ. Lựa chọn và thâu nhập các sự kiện có liên hệ mật thiết theo thứ tự thời gian và luận lý đó là một bận tâm thường xuyên của các nhà nghiên cứu khoa học.
Đặc tính hệ thống trong phương pháp khoa học còn hàm chỉ ý niệm tương quan thuần nhất nội tại (internal consistency) giữa ý niệm lý thuyết, các mệnh đề lý thuyết và các biến số thực nghiệm. Trong các khoa học thực nghiệm thuần túy, chẳng hạn, toán học, vật lý học, nhiều lý thuyết và định lý có mối tương quan và hỗ trợ cho nhau. Đó là đặc tính thống nhất trong lãnh vực lý thuyết của các khoa học được phát triển hoàn toàn.
3.— Hiện tượng nghiên cứu của khoa học phải có những đặc tính hay hậu quả có thể minh chứng được một cách khách quan. Những hiện tượng hoàn toàn chủ quan, nội tâm, chẳng hạn, mộng mị, linh cảm tôn giáo, hay khoái lạc huyền nhiệm v.v… không thể là đối tượng nghiên cứu của khoa học. Những hiện tượng chủ quan, nội tại có thể nghiên cứu bằng phương pháp khoa học, trừ phi những hiện tượng ấy có đặc tính hay hậu quả liên hệ có thể quan sát được.
4.— Kiến thức khoa học phải được lưu trữ và đúc kết thành hệ thống. Kiến thức được khám phá của những chương trình nghiên cứu khoa học được diễn tả bằng những mệnh đề giản lược, trừu tượng. Kiến thức ấy là những nguyên lý, định đề, định lý v.v… Nguyên tắc giản lược ngôn từ (parsimony) được dùng để diễn tả kiến thức khám phá của khoa học. Chính vì lý do giản lược hóa. Kiến thức khoa học mà người ta thấy trong khoa học thường có những khuynh hướng đúc chế những danh từ lớn (big terminologies) để gói ghém những ý nghĩa giải thích phức tạp. Và vì thế, mỗi khoa học được phát triển đều có vô số danh từ chuyên môn của chính nó.
Chúng ta nên ghi nhận thêm rằng kiến thức tích trữ thành hệ thống và được diễn tả bằng những mệnh đề giản lược giải thích hiện tượng hoặc định lý. Kiến thức ấy không thể biểu hiện như một chân lý tuyệt đối và tối hậu, kiến thức ấy phải được chứng nghiệm bằng dữ kiện ở những hoàn cảnh không gian và thời gian khác nhau. Chân lý khoa học có tính cách phổ quát khi nó được nghiệm chứng bằng nhiều dữ kiện có tầm độ thời gian và không gian rộng rãi. Nhưng trong các khoa học, người ta thấy nhiều kiến thức chân lý phổ quát đó. Do đó, nỗ lực thường xuyên của khoa học là khám phá ra chân lý mới hay bổ túc thêm và làm sáng tỏ thêm chân lý cũ đã có. Chính quá trình phát triển kiến thức lý thuyết khoa học là một bản chất thiết yếu của ngành khoa học.
5.— Cuối cùng, kiến thức lý thuyết và phương pháp nghiên cứu khoa học có đặc tính chính xác thuần nhất (reliability) trong việc ước đoán các hiện tượng sắp xảy ra. Theo lý thuyết hóa học nếu người ta có phân tử hydro và một phân tử oxy, người ta sẽ có một hợp chất nước, ở mọi điểm thời gian và không gian. Theo định luật Archimède trong vật lý học, một vật thả trong một chất lỏng chịu một lực đẩy thẳng đứng, từ dưới đi lên, bằng trọng lượng khối chất lỏng bị vật chiếm chỗ. Chân lý về lực đẩy này có một trình độ đoan xác thuần nhất trong những thí nghiệm ở mọi chỗ và mọi lúc khác nhau. Trình độ chính xác thuần nhất cao (nghĩa là ít có sai biệt) của những chương trình nghiên cứu hiển nhiên còn tùy thuộc vào nhiều điều kiện đối tượng nghiên cứu, sự kiện phân tích, và phương pháp thực nghiệm.
Tóm lại, xét qua những đặc tính căn bản vừa trình bày tổng quát ở trên, người ta chắc chắn tin rằng bất cứ ngành nào có những đặc tính thiết yếu trên, ngành học ấy được xem là «khoa học» tức là có hệ thống lý thuyết đoan xác và có phương pháp phân tích khách quan và luận lý mạch lạc.
III.— BẢN CHẤT «KHOA HỌC» CỦA CÁC KHOA HỌC XÃ HỘI.
Ngày nay sau mọi nỗ lực, các khoa học xã hội luôn áp dụng các phương pháp khoa học thực nghiệm trong mọi chương trình nghiên cứu và phát triển các ngành học ấy theo tinh thần khoa học.
1.— Về lãnh vực lý thuyết, mỏi ngành học trong các khoa học xã hội và nhân văn có nhiều lý thuyết để giải thích những hiện tượng của xã hội: Kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa. Nhưng người ta chưa đạt được một lý thuyết tổng hợp toàn diện trong đó mọi hiện tượng của xã hội được giải thích theo một hệ thống luận lý mạch lạc, mặc dù nỗ lực tìm kiếm một lý thuyết toàn diện đã có được đề cao từ lâu.
Trong thực tế, người ta thấy xuất hiện rất nhiều lý thuyết nhỏ hạn cục (midde-range theories) để giải thích những nhóm sự kiện xã hội trong một giới hạn nào đó. Ví dụ, người ta thường nghe đến một số lý thuyết của loại này trong xã hội học, như lý thuyết về tự tử của Durkheim, lý thuyết vê luân lưu giai cấp ưu tú (theory of circulation) của Pareto, lý thuyết về trao đổi (exchang theory) của Honans, lý thuyết về tri thức bất đồng (theory of cognitive issonance) của Festinger, lý thuyết về cơ cấu thân tộc (theory of kinship structures) của Murdock, và v.v… Trong chính trị học, người ta thường nghe đến một số lý thuyết tiểu loại, cục hạn, ví như lý thuyết xã hội hóa chính trị (political của Almond, lý thuyết về phân phối quyền lực trong một hệ thống chính trị (theory of the distribution of power in a political system) của H. Lasswell, lý thuyết về dân chủ (theory of democracy) của A. Downs, và v.v…
Những lý thuyết trên đều đề nghị lên những ý niệm lý thuyết căn bản, những mệnh đề xác định mối tương quan giữa những biến số độc lập và tùy thuộc (independent and dependent variables) và những mệnh đề giả thuyết có thể chứng nghiệm được. Tuy vậy, so với hệ thống lý thuyết của khoa học thực nghiệm thuần túy (toán học, vật lý học v.v…) những khuôn khổ lý thuyết được thiết lập lên trong các khoa học xã hội chưa đạt đến mức giản lược tối đa, và có giá trị chính xác phổ quát hoàn toàn. Nói rõ ra, chẳng hạn lý thuyết về luân lưu giai cấp ưu tú của Pareto, lý thuyết về phân phối và quyền lực trong một hệ thống chính trị của Lasswell có thể có giá trị chính xác trong xã hội tân tiến, dân chủ mà không có thể giá trị chính xác trong những xã hội hậu tiến, thiếu dân chủ.
Nhưng, đúng ra, sự sai lệch giữa lý thuyết và thực tại có thể do nhiều lý do, chẳng hạn 1) đối tượng nghiên cứu của các khoa học xã hội có tính cách biến dịch phức tạp và đa diện; 2) lý thuyết giải thích hiện tượng xã hội phức tạp còn phiếm diện cục hạn, và phương pháp về kỹ thuật nghiên cứu chưa được phát triển tường tận.
2) Đối tượng nghiên cứu trong các khoa học xã hội phần lớn thuộc lãnh vực quan sát được, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp, bằng hậu quả của những hiện tượng. Những hiện tượng phải có sự kiện tính. Khuynh hướng đặt nặng đến sự kiện tính trong xã hội học bị chỉ trích là ngành học này quá chú trọng đến sự kiện (superfactualism). Khi đề cao vai trò sự kiện tính của hiện tượng nghiên cứu, phần đông các nhà khoa học xã hội muốn xem nhẹ những hiện tượng chủ quan, như ý thức, ý chí cảm tình, ước vọng, tâm trí và tự ngã v.v… Vì chúng thuộc về nội tại, chủ quan, không thể quan sát được, và do đó không thể nhận định và minh chứng được một cách khoa học.
Những đối tượng chính của các khoa học xã hội và chính trị là những tương quan thường hữu, bình thường của nhóm người hay cơ cấu xã hội và các thái độ và hoạt động chính trị của những tổ chức chính trị. Những đối tượng phải có một tầm mức phổ quát rộng rãi qua thời gian và không gian. Những đối tượng phải được giải thích (explacadum) là những biến số tùy thuộc (dependent variables), phần lớn được rút ra từ những khuôn khổ ý niệm hay lý thuyết. Những hiện tượng được giải thích dùng như là những yếu điểm do các cuộc khảo cứu có hệ thống.
Trong chính trị học và xã hội học, nhiều cuộc nghiên cứu khoa học đều bắt đầu bằng câu hỏi căn bản là tại sao có sự sai biệt giữa những hiện tượng chính trị và xã hội. Trong xã hội học, sai biệt giữa những hành vi cư xử của con người trong những nhóm hay tổ chức xã hội là biến số phải được giải thích (dependent variable). Câu hỏi «tại sao» trở nên câu hỏi chính yếu trong những nghiên cứu xã hội học. Chẳng hạn: Tại sao các xã hội thuộc địa sau khi thoát ra khỏi sự thống trị thuộc địa lại có khuynh hướng bùng phát những cuộc xung đột? Tại sao trong những xã hội phát triển, tôn giáo có khuynh hướng thế tục hóa (secularization) mọi ngành sinh hoạt tôn giáo? Hoặc tại sao trong những xã hội có trình độ đô thị hóa cao (urbanization) các hình thức đại gia đình bị hủy bỏ?
Sau khi cô lập một vài vấn đề, nhà xã hội học phân định những đơn vị cụ thể chỉ rõ biến số tùy thuộc được giải thích. Trong xã hội học những đơn vị cụ thể này thường được thấy trong những đơn vị của cơ cấu xã hội và trong sự sai khác của hành vi cư xử con người được hướng về cơ cấu xã hội. Cơ cấu xã hội xuất hiện dưới nhiều hình thức và lượng thể khác nhau, những nhóm nhỏ thân mật, những tổ chức chính thức lớn, những hội đoàn tình nguyện, những nhóm sắc tộc khác nhau, và những định chế như gia đình, chính trị, tôn giáo và giáo dục, v.v…
3) Các nhân tố hay hiện tượng giải thích (explicans)
Như chúng ta đã biết, mục đích của nghiên cứu khoa học là nhằm giải thích sự sai biệt trong tương quan nhân quả của hiện tượng. Cũng như vậy khoa chính trị và xã hội có cùng hướng về ước vọng tương tợ, đó là giải thích sự sai biệt trong những tương quan cư xử chính trị và xã hội của con người trong cơ cấu mà trong đó họ sinh hoạt. Khi đặt ra những vấn đề nghiên cứu, các nhà khoa học xã hội phải nghĩ đến những hiện tượng nguyên nhân (independent variables) để giải thích. Những hiện tượng nguyên nhân có những đặc tính là sự kiện tính, và khả hữu tính. Chúng được đề nghị lên hoặc một khuôn khổ lý thuyết hoặc do sự quan sát thực tại.
Trong các khoa học xã hội và nhân văn hiện tượng hay biến số nguyên nhân rất nhiều. Vì theo đối tượng nghiên cứu và khuôn khổ lý thuyết được xây dựng bởi người nghiên cứu, những biển số nguyên nhân có lúc trở thành biến số tùy thuộc (dependent variables).
Ví dụ về trường hợp khi một biến số nguyên nhân có thể trở nên biến số phụ thuộc được diễn tả như theo hình đồ sau đây:
Hình 1 diễn tả sự tương quan giữa 4 biến số như sau:
a) Những người giữ địa vị trụ cốt, nghĩa là liên quan đến nhiều hội viên trong nhóm, thường thường có nhiều kiến thức về những nhu cầu và thái độ của hội viên trong nhóm.
b) Những người có kiến thức về những nhu cầu và thái độ của người khác trong nhóm có thể đề nghị giải quyết có thể được chấp nhận bởi đa số và do đó có thể đạt được quyền lực nhiều hơn.
c) Những người với quyền lực nhiều hơn có khuynh hướng thụ hưởng nhiều uy tín hơn.
d) Những người có uy tín trong nhóm trở lại có thể giữ được những địa vị quan trọng nồng cốt trong nhóm.
Ở trường hợp này, như vậy, «địa vị nồng cốt» là biến số chính, nguyên nhân của biến số hậu quả «kiến thức» và biến số này trở lại trở nên biển số nguyên nhân của biến số phụ «quyền lực» v.v… như mũi tên trong đồ hình trên.
Thêm một điểm nữa đáng ghi nhận, đó là biến số hoặc nguyên nhân hoặc phụ thuộc, có thể là đơn thuần (simple) hay tổng hợp, phức tạp (multiplicity). Trên quan điểm phân tích người ta có thể chia những biến số nguyên nhân ra (1) biến số nguyên nhân có trước (antecedent variables) và (1) biến số nguyên nhân trung gian (intervening variables). Sự phân định được này dựa theo quan điểm về thứ tự thời gian của sự kiện xảy ra.
Ví dụ cho phần trình bày này, người ta có thể nêu lên lý thuyết của Robert Michels về quyền phiệt (oligarchy) trong chính trị học. Theo ông, hiện tượng quyền phiệt (hoặc chính phiệt hoặc quân phiệt) được xem là một biến số được giải thích bởi ba biến số nguyên nhân chính: 1) Sự thiếu sót các đặc tính của những tổ chức kỹ thuật và hành chánh. Đó là sự thiếu sót truyền thông và hợp tác trực tiếp các thành phần lãnh đạo trong việc chịu trách nhiệm về những quyết định gì, và vì thế trách nhiệm thường giao phó cho một số ít nhà lãnh đạo cao cấp trung ương. 2) Khuynh hướng tâm lý quần chúng ưa bợ đỡ và tôn sùng các nhà lãnh đạo cao cấp. Và 3) khả năng hùng biện, thông minh và kiến thức sâu rộng của các nhà lãnh đạo cao cấp. Cả ba nguyên nhân dự phần quan trọng trong việc phát triển nền móng cho mọi hình thức quyền phiệt. Một khi các nhà lãnh đạo cao cấp nắm uy quyền rộng rãi, họ cảm thấy rằng trở nên cần thiết cho quốc gia và xem rằng cái quyền nắm giữ quyền hành lãnh đạo quốc gia như tất hữu và thiêng liêng được giao phó cho họ. Khuynh hướng tâm lý này của kẻ lãnh đạo cao cấp trở lại có hậu quả trên quá trình phát triển cơ cấu tổ chức quyền phiệt cho chính họ. Kiến trúc lý thuyết về sự phát triển quyền phiệt của R. Michels có thể diễn tả cụ thể như sau:
Như vậy, nhóm các biến số thứ 1 là những biến số nguyên nhân (independent variables) của biến số thứ hai, biến số hậu quả (dependent variables) biến số thứ hai trở nên biến số nguyên nhân trung gián (intervening variables) của biến số thứ ba, biến số hậu quả phải được giải thích. Cuối cùng, chính biến số thứ ba trở thành biến số nguyên nhân của biến số thứ 2.
Hai ví dụ được nêu lên trên cho chúng ta biết rằng sự sắp xếp các biến số gồm biến số nguyên nhân và biến số hậu quả trong các khoa học xã hội đều tùy thuộc vào khuôn khổ lý thuyết. Khuôn khổ lý thuyết chỉ là một ảnh tượng được thu hẹp và trừu tượng của thực tại. Nó giúp nhà nghiên cứu xác định bản chất của các biến số, lựa chọn sự kiện nghiên cứu. Theo phương pháp khoa học, bất cứ một vấn đề nghiên cứu nào, dù nhỏ hẹp hay rộng lớn, đơn giản hay phức tạp, đều phải dựa vào một khuôn khổ lý thuyết nào đó.
IV.— TƯƠNG QUAN GIỮA LÝ THUYẾT VÀ SỰ KIỆN.
Vấn đề căn bản của khoa học ngày nay lả mối tương quan phức tạp giữa lý thuyết và sự kiện. Danh từ «lý thuyết» thường bị nhầm lẫn với sự «suy lý» thuần túy của triết gia hay không liên hệ với sự kiện hiện hữu. Trong lãnh vực khoa học, chúng ta thấy rõ ràng rằng (1) lý thuyết và sự kiện không đối lập với nhau nhưng liên hệ với nhau một cách chặt chẽ, (2) lý thuyết không phải là một suy lý mà là một sự tổng quát hóa về thế giới thực nghiệm, và (3) các nhà khoa học rất quan tâm đến cả lý thuyết lẫn sự kiện.
Còn sự kiện, đối với nhà khoa học là một quan sát thực nghiệm có thể kiểm chứng được. Vì thế, sự kiện có liên hệ đến lý thuyết một cách thiết yếu. Lý thuyết, ngược lại, liên hệ đến sự kiện hay liên hệ đến sự xếp đặt các sự kiện một cách có ý nghĩa. Lý thuyết hướng dẫn nhà khoa học biết cách quan sát một cách thứ tự và hệ thống, và nó giúp nhà khoa học giới hạn lãnh vực quan sát trong thế giới thực nghiệm bao la. Nếu không có tinh thần hệ thống, nguyên tắc sắp xếp, hay nói gọn, lý thuyết một khoa học không thể có những dự đoán được. Vì vậy, sự kiện quan sát khoa học là chính những quan sát có ý nghĩa, có hệ thống chứ không phải theo ngẫu nhiên, không có trật tự. Từ điểm căn bản trên, chúng ta có thể nói rằng sự phát triển của khoa học là sự hỗ tương giữa lý thuyết và sự kiện.
Đối với nhà khoa học, lý thuyết có những vai trò căn bản, như sau:
- Nó định hướng cho một khoa học bằng cách ấn định các dữ kiện được sử dụng;
- Nó cung cấp một khuôn khái niệm để hệ thống hóa phân loại và kết hợp các hiện tượng nghiên cứu;
- Nó giản lược các sự kiện vào: (a) những mệnh đề tổng quát thực nghiệm (empirical generalizations) và (b) những hệ thống mệnh đề tổng quát (systems of generalizations);
- Nó tiên đoán các sự kiện; và
- Nó cho thấy những khuyết điểm hay thiếu sót trong kiến thức chúng ta.
Mặt khác, các sự kiện thực nghiệm cũng đóng một số nhiệm vụ chính yếu cho việc xây dựng lý thuyết:
- Sự kiện giúp đề xướng lý thuyết;
- Sự kiện đưa đến việc ấn định và thiết lập các lý thuyết;
- Sự kiện giúp bác bỏ những lý thuyết không phù hợp với sự kiện;
- Sự kiện làm thay đổi mục tiêu và chiều hướng của lý thuyết; và
- Sự kiện gạn lọc và minh xác lý thu vết.
Sau đây, chúng ta giải thích rõ thêm các vai trò trên của lý thuyết.
1) Vai trò định hướng.
Nhiệm vụ chính yếu đầu tiên của lý thuyết là hướng dẫn nhà khảo cứu lựa chọn phương pháp nghiên cứu thích hợp và giúp họ giới hạn phạm vi của đối tượng nghiên cứu. Một thực tại là gồm nhiều đối tượng nghiên cứu khác nhau. Ví dụ một trái banh lông có thể được khảo sát ở khía cạnh kinh tế nếu người ta để ý đến những khía cạnh cung cầu của nó. Nó cũng có thể là đối tượng nghiên cứu của nhà khoa học khi nó được khảo sát ở khía cạnh cấu tạo (bao nhiêu chất hữu cơ). Nó có thể được nhìn ở khía cạnh khác là nó thuộc một môn thể thao (túc cầu) và có liên hệ đến đối tượng của xã hội học (xã hội học thể thao), đối tượng của tâm lý học tập thể (nghiên cứu về sự thông đạt và tổ chức tập thể).
Mỗi khoa học có nhiều ngành chuyên biệt và mỗi ngành chuyên biệt nhấn mạnh đến một ít khía cạnh nhỏ của hiện tượng hơn là toàn thể khía cạnh rộng lớn. Và chỉ như vậy, công trình phát triển khoa học mới đạt được. Và vì vậy người ta không ngạc nhiên trong vòng hơn một thế kỷ xã hội học đã phát triển nhanh chóng và phân chia ra nhiều ngành chuyên biệt — như xã hội học chính trị, xã hội học tôn giáo, xã hội học kinh tế, xã hội học gia đình, xã hội học nông thôn, xã hội học phát triển, xã hội học thiếu nhi phạm pháp v.v… Qua những nhận định trên người ta mới hiểu được xã hội học ở thế kỷ 19 bởi vì công việc quan trọng của các nhà xã hội học ở thời kỳ này, như A. Comte, H. Spencer, F. Toennies, hay G. Simmel là định nghĩa nhiệm vụ và đối tượng nghiên cứu cho xã hội học ở tương lai. Do đó, lý thuyết giúp đỡ chúng ta xác định những loại sự kiện nào có liên hệ đến mục đích nghiên cứu.
2) Vai trò ý niệm hóa (conceptualization) và phân loại.
Mỗi một ngành khoa học đều được thiết lập từ một số ý niệm liên hệ đến những quá trình và những đối tượng nghiên cứu. Những ý niệm của mỗi ngành khoa học được phát triển qua thời gian. Công tác chính của một khoa học là phát triển các hệ thống phân loại, sắp xếp nhiều ý niệm và toàn bộ những định nghĩa chính xác các từ ngữ. Trong xã hội học và chính trị học có nhiều khuôn khổ ý niệm. Những khuôn ý niệm này cho thấy một vài sự kiện được xem như là quan trọng nhất trong cuộc nghiên cứu và giúp chúng ta tổ chức các sự kiện. Ví dụ, trong xã hội học chúng ta thường nghe nói đến như ý niệm «địa vị», «vai trò», «giai cấp xã hội», «xã hội hóa», «di động xã hội», «xã hội nông thôn», «xã hội đô thị», v.v…
3) Vai trò tóm lược.
Một nhiệm vụ nữa của lý thuyết là tóm tắt những gì được biết về đối tượng nghiên cứu. Những tóm lược này gồm hai loại như sau: (a) những mệnh đề tổng quát và (b) những hệ thống tương quan giữa các mệnh đề.
Mặc dầu nhà khoa học nghĩ rằng lãnh vực nghiên cứu của mình là phức tạp, thế nhưng hầu hết công việc hàng ngày của ông chỉ liên hệ đến công việc sơ khởi là: bổ túc thêm các dữ kiện trong hình thức những mệnh đề tổng quát. Nhà xã hội học hay tâm lý học xã hội sưu tập các dữ kiện về những dị biệt trong cách thực tập dưỡng nhi ở nhiều lớp học khác nhau. Nhà dân số học thống kê số sinh và tử trong một giai đoạn để tìm thấy tăng suất của dân số. Những sự kiện này rất hữu ích và được tóm lược theo những khuôn khổ lý thuyết nào đó của họ.
Sự tóm lược ở mức độ này thường không liên hệ đến lý thuyết, và đã tiếp diễn rất lâu trước khi nhà khoa học xuất hiện. Ví dụ đó là những tóm lược những quan sát thực nghiệm như: «đồ vật thì rơi», «gỗ thì nổi»,«người lạ thì nguy hiểm» v.v…
Mặc khác, những phát biểu ấy rõ ràng vượt khỏi phạm vi một cuộc quan sát hay một số những quan sát đơn độc. Trái lại, chúng có thể trở nên rất phức tạp và hàm chứa những điều kiện để chúng trở nên xác đáng. Hơn nữa khi toàn bộ những mệnh đề tóm lược này phát triển, người ta có thể tìm thấy những tương quan giữa các mệnh đề phát biểu.
Những đối tượng có phạm vi rộng lớn, một vài lý thuyết cố gắng hội nhập những mệnh đề tổng quát thực nghiệm chính yếu trong một thời kỳ. Và qua thời gian mọi ngành khoa học đều chứng kiến nhiều biến chuyển xảy ra trong cơ cấu tương quan giữa các mệnh đề. Tác phẩm Principia của Newton là một thí dụ. Trong tác phẩm Structure of Social Action, Talcott Parsons trình bày nhiều sự thay đổi tiếp theo công trình của Weber, Durkheim và Pareto để đi từ những hệ thống lý thuyết cũ đến một hệ thống mới dễ được chấp nhận hơn.
Nhiều sự phát biểu thông thường của chúng ta sẽ phải được giải thích qua những hệ thống mệnh đề. Các sự kiện được đặt trong một khuôn khổ hơn là được quan niệm một cách cô lập. Chẳng hạn vài mệnh đề như sau: «Một tập thể xã hội không phải chỉ là một tổng số các thành phần của nó», «Đây là một xã hội phu hệ», «Mực độ phạm pháp trong các khu ổ chuột cao hơn trong các khu vực trung lưu.» Nếu nghiên cứu những mệnh đề đơn giản ấy kỹ lưỡng hơn, chúng ta sẽ thấy đàng sau chúng là một loạt những quan sát phức tạp, một loạt những giả thuyết về ảnh hưởng của các yếu tố xã hội trên tác phong con người và một hệ thống mệnh đề về hành vi tập thể. Do đó, có một chuỗi sự kiện hay lý thuyết tiềm ẩn hoặc hiển lộ tạo nên ý nghĩa đầy đủ cho những mệnh đề «đơn giản» ấy.
Hiển nhiên, sự hiện hữu của các hệ thống lý thuyết như vậy thường được mọi người công nhận. Tuy nhiên khi chúng ta muốn diễn đạt khá chính xác hay giải thích những ý tưởng phức tạp, những hệ thống lý thuyết cần phải được trình bày rõ ràng. Vì vậy đối với nhà khoa học, điều quan trọng là hệ thống những sự kiện ấy phải được minh định rõ rệt. Sự sáng tỏ lý thuyết đòi hỏi nhà khoa học phải ý thức về hệ thống ý niệm được sử dụng hơn một người thường.
4) Lý thuyết tiên đoán sự kiện.
Nếu lý thuyết tóm lược các sự kiện và phát biểu chúng trong những mệnh đề tổng quát thì nó cũng có nhiệm vụ tiên đoán về sự kiện. Sự tiên đoán này có nhiều phương diện. Phương diện rõ rệt nhất là nó suy ra cái chưa biết từ cái đã biết. Thí dụ, chúng ta quan sát thấy rằng trong nhiều trường hợp sự du nhập kỹ thuật Tây phương đã làm giảm thiểu nhanh chóng tử suất và giảm thiểu chút ít sinh suất tại một quốc gia nào đó. Do đó, chúng ta có thể tiên đoán nếu kỹ thuật Tây phương được du nhập vào một nền văn hóa bản xứ thì chúng ta sẽ thấy diễn tiến trên lại xảy ra. Tương tự như vậy, chúng ta tiên đoán trong một vùng mà kỹ thuật Tây phương đã được du nhập thì diễn trình ấy đã xảy ra.
Chúng ta tìm thấy tỉ lệ phạm pháp tại một khu ổ chuột thấp hơn tại các khu vực khác trong thành phố, hoặc tìm thấy tỉ lệ tái giá và tục huyền trong lớp tuổi 25-34 thấp hơn số tỉ lệ hôn nhân lần đầu cũng ở lớp tuổi ấy. Những mệnh đề tổng quát này là kết quả của nhiều cuộc quan sát. Chúng ta hi vọng sẽ tìm thấy tương tự như vậy trong tương lai tại các vùng mà hiện giờ chúng ta chưa có dữ kiện.
Tuy nhiên chúng ta hi vọng như vậy chỉ vì: 1) chúng ta tin rằng mình đã biết những sự kiện nào đã gây ra hiện tượng ấy; 2) chúng ta tin rằng những sự kiện này sẽ được tìm thấy trong hoàn cảnh mới. Đây là đường lối thông thường để người ta cho rằng phía sau những mệnh đề tổng quát thực nghiệm là một toàn bộ lý thuyết. Các lý thuyết phát biểu rằng hễ có những điều kiện X thì Y có thể quan sát được. Một lý thuyết có thể sai lầm nhưng nhiệm vụ của nó là tạo nên những tiên đoán cho công cuộc quan sát các hiện tượng. Nhiệm vụ này gồm một loạt những hướng dẫn để minh định cách thức làm việc, quan sát và tính toán cộng với một ước đoán về kết quả. Bởi vì xã hội học là một khoa học còn ở tuổi ấu niên, những tiên đoán của nó chưa mấy chính xác. Thường thường người ta không phân định được đâu là nguyên nhân, đâu là hậu quả và vì vậy sự tiên đoán có thể bị sai lạc. Cho nên, sự tiên đoán áp dụng một cách máy móc từ quốc gia này đến quốc gia khác có thể bị sai lầm.
Tuy nhiên, lý thuyết rõ rệt có nhiệm vụ minh định những sự kiện nào là đáng mong đợi. Nhiệm vụ này là một số các định hướng để nhà nghiên cứu biết được các dữ kiện nào mà họ có thể quan sát.
5) Lý thuyết cho thấy những khuyết điểm trong kiến thức của chúng ta.
Bởi vì lý thuyết tóm lược những sự kiện đã biết và tiên đoán những sự kiện chưa được quan sát, cho nên nó cũng có nhiệm vụ vạch rõ những lãnh vực chưa được khám phá. Sự tiên đoán gợi cho chúng ta công việc trắc nghiệm những kiến thức. Nếu lý thuyết nói về một loại tương quan tổng quát, chẳng hạn, sự tương phản giữa lợi tức và sinh suất, chúng ta có thể biết ngay phải tìm ở đâu để có những sự kiện sâu xa hơn. Chúng ta có thể chia các giai cấp lợi tức thành từng nhóm nhỏ hơn để xem sinh suất của những nhóm lợi tức lớn nhất có sinh suất cao (thay vì thấp) hay không; chúng ta có thể nhận xét liệu hiện tượng này có xảy ra ở nông thôn như xảy ra ở đô thị không; hoặc chúng ta có thể nghiên cứu những tương quan lịch sử giữa lợi tức và sinh suất. Đây chỉ là những thí dụ, người sinh viên có thể gợi nên những cách thức trắc nghiệm khác tùy theo từng mệnh đề tổng quát.
Tuy nhiên, lý thuyết cũng chỉ cho thấy những khuyết điểm căn bản hơn. Khi những khuyết điểm ấy được sửa đổi thì khung khái niệm cũng sẽ thay đổi. Chúng ta có thể lấy một ví dụ từ tội phạm học. Vào lúc Sutherland bắt đầu nghiên cứu, mặc dù toàn bộ kiến thức cốt tủy của môn học được xây dựng trên những tác phong tội phạm và các hậu quả của nó, nhưng hầu hết những kiến thức này chỉ đề cập đến những tội ác thông thường như sát nhân, trộm cướp, đốt nhà v.v…, mà nếu nhận xét kỹ hơn chúng ta sẽ thấy toàn bộ lý thuyết này chỉ chú trọng đến những nguyên nhân hậu quả của những tội ác do các giới hạ lưu phạm phải, trong khi hầu như quên hẳn những phạm pháp của giới trung lưu và nhất là những phạm pháp của giới bàn giấy cũng như những phạm pháp xuất phát từ các hoạt động thương mại. Sutherland đã xem sự kiện này như một khuyết điểm quan trọng trong lý thuyết tội phạm học. Lý thuyết này cho thấy những kiến thức thiếu sót về các loại phạm pháp nói trên. Sau đó nhiều nhà nghiên cứu khác mới bắt đầu chú tâm vào những lãnh vực ấy.
Một khuyết điểm như thế sẽ không thấy được, nếu những sự kiện không được tổ chức và hệ thống hóa. Do đó, chúng ta có thể nói rằng lý thuyết cho biết những kiến thức của chúng ta có những khuyết điểm nào. Vì vậy, một người sinh viên phải tự làm quen với lý thuyết đang hiện hữu và sau đó sẽ hiểu được tại sao vấn đề này nảy nở phong phú còn vấn đề khác thì ngưng đọng chết cứng. Trong khoa học, sự ấn định được một vấn đề đúng là một bước quan trọng trong việc phát triển kiến thức. Do đó sự ý thức về những khuyết điểm của lý thuyết và sự kiện làm tăng thêm khả năng ấn định đúng vấn đề.
VAI TRÒ CỦA SỰ KIỆN.
Lý thuyết và sự kiện luôn luôn tác động lẫn nhau. Sự phát triển của cái này sẽ đưa đến sự phát triển của cái kia. Dù tiềm tàng hay rõ rệt, lý thuyết là cơ sở cho kiến thức và tri thức. Lý thuyết không phải là một yếu tố tiêu cực, trái lại nó đóng một vai trò tích cực trong việc khám phá sự kiện. Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy rằng sự kiện cũng đóng một vai trò như vậy trong việc phát triển lý thuyết. Thật vậy, khoa học tùy thuộc vào sự tác dụng không ngừng của lý thuyết đối với sự kiện và ngược lại của sự kiện đối với lý thuyết.
1) Sự kiện đề xướng lý thuyết.
Nhiều câu chuyện trong lịch sử khoa học cho thấy đôi khi chỉ một sự kiện tình cờ ngẫu nhiên lại dẫn đến những lý thuyết mới và quan trọng. Người ta thường gọi đó là một «khám phá». Chúng ta có thể kể ra nhiều ví dụ như sau: nấm penicilin, triệu chứng của bệnh đái đường, tia radium chụp hình qua vật ngăn ánh sáng v.v… đều là những khám phá một cách tình cờ. Những câu chuyện như vậy có thể được thêm thắt, nhưng nó bày tỏ một sự kiện căn bản trong sự phát triển của khoa học, đó là một cuộc quan sát rất đơn giản có thể tạo nên một lý thuyết quan trọng.
Merton gọi sự quan sát đó là loại quan sát «các dữ kiện tình cờ, bất thường và chiến lược» và ông đưa ra một ví dụ từ cuộc nghiên cứu của Craitown[2].
Chúng ta cần chú ý là các sự kiện tự nó không phát biểu được cũng như không phải nhà nghiên cứu nào cũng có khả năng đáp ứng với hoàn cảnh. Trước «nhà khám phá» có rất nhiều người đã từng thấy sự kiện ấy nhưng không tìm thấy điều gì mới lạ hơn. «Mọi người» đều biết những lỗi lầm và sai lạc không phải chỉ do ngẫu nhiên mà còn vì nhiều yếu tố khác nữa, nhưng chỉ có Freud đã sử dụng kinh nghiệm của chính ông để xây dựng một lý thuyết hoàn mỹ và hữu ích từ những quan sát thông thường. Sự kiện chỉ có thể đề xướng nên lý thuyết khi nào người nghiên cứu ý thức được sự tác động lẫn nhau giữa chúng.
2) Sự kiện bác bỏ và thiết lập lại lý thuyết.
Sự kiện không hoàn toàn ấn định lý thuyết, bởi vì có nhiều lý thuyết được phát triển từ những cuộc quan sát chuyên biệt. Tuy nhiên lý thuyết phải nhượng bộ sự kiện. Bất kỳ lý thuyết nào cùng phải phù hợp với những sự kiện, nếu không nó sẽ bị bác bỏ hoặc sửa đổi lại. Vì nghiên cứu là một hoạt động liên tục nên sự bác bỏ và sự thiết lập lại một lý thuyết hầu như xảy ra cùng thời. Những cuộc quan sát mỗi ngày mỗi tạo thêm sự hoài nghi đối với lý thuyết đương thời. Và trong khi nhiều cuộc thí nghiệm mới được dự định thì lý thuyết mới được phát triển để phù hợp với những sự kiện mới. Kết quả là đến một lúc nào đó sẽ có nhiều nhà khoa học cùng đâm ra nghi ngờ những lý thuyết cũ, dù họ chưa thực sự phát triển được một lý thuyết mới nào thỏa đáng hơn.
Một trường hợp điển hình trong xã hội học là công trình nghiên cứu hiện tượng tự tử của Durkheim. Tự tử là một hiện tượng đã lôi cuốn sự chú ý của nhiều nhà phân tích trước Durkheim. Một vài người giải thích tự tử bằng những lý thuyết của khoa tâm bịnh lý học, người khác thì giải thích theo các yếu tố khí hậu, chủng tộc, quốc tịch v.v… trong một nỗ lực nhằm khảo sát tất cả các sự kiện[3]. Tuy nhiên, Durkheim cho thấy rằng có nhiều sự kiện quan trọng lại không phù hợp với bất kỳ một lý thuyết nào kể trên. Đặc biệt là khi một trong những sự kiện này được coi là bất biến thì tỉ lệ tự tử lại thay đổi. Do đó, Durkheim cố gắng chứng tỏ tất cả những sự kiện này đều phù hợp với một sự phân loại các loại tự tử và với một lý thuyết về sự rối loạn cá nhân và xã hội. Dĩ nhiên, sau này nhiều sự kiện mới lại đưa đến sự sửa đổi lại lý thuyết của Durkheim.
Sự tương quan giữa sự kiện và lý thuyết có thể diễn tả theo phương pháp tam đoạn luận như sau: «Nếu điều kiện X hiện hữu thì có thể quan sát thấy sự kiện Y; nếu không quan sát được Y thì điều kiện X không hiện hữu». Tuy nhiên, nếu điều kiện X thực sự hiện hữu và Y không thể quan sát được thì mệnh đề ban đầu bị bác bỏ. Chẳng may thay cho nhà khoa học, cách lý luận theo tam đoạn luận ấy không bảo đảm rằng lý thuyết ban đầu sẽ đúng khi những sự kiện được tìm thấy như đã tiên đoán. Sự phù hợp giữa lý thuyết và sự kiện chỉ bảo đảm một vài mệnh đề lý thuyết khác là không đúng. Do đó, nhà khoa học bị đặt trong một tiến trình hạn hẹp nếu không nói là chỉ giới hạn trong vấn đề tìm sự xác thật. Những sự kiện mới có thể dẫn tới việc bác bỏ những lý thuyết cũ và đưa ra những lý thuyết mới, nhưng những lý thuyết mới này ngược lại cũng phải bị trắc nghiệm bởi những cuộc quan sát và thí nghiệm khác nữa. Những ý niệm cũ về «máu xấu» và chủng tộc trong sự nghiên cứu thiếu nhi phạm pháp được căn cứ trên một vài sự kiện (như là tỉ lệ phạm pháp cao trong một vài gia đình và nhóm chúng tộc). Hiển nhiên những lý thuyết này trở nên lung lay khi người ta tìm thấy một số sự kiện phát hiện từ: 1) nguồn tin của cảnh sát trong nhiều khu vực khác nhau, 2) những liên hệ nhân quả có tính cách xã hội của tội ác đối nghịch với những lý thuyết sinh vật học về tội ác. Cứ trong hai thập niên, những sự kiện mới đòi hỏi những lý thuyết hiện thời nhất cũng phải thay đổi trong một vài khía cạnh.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lưu ý rằng sự sửa đổi lý thuyết còn có nghĩa là nhà khoa học đã có một mục tiêu nghiên cứu mới. Do đó ngược lại, nhiều sự kiện mới cũng được phát hiện. Khi chúng ta biết rằng không thể hiểu được nạn thiếu nhi phạm pháp trong khía cạnh sinh vật học mà phải hiểu qua những yếu tố xã hội, lúc ấy chúng ta bắt đầu để ý đến những sự kiện sâu xa hơn về những yếu tố xã hội của hiện tượng này. Chúng ta bắt đầu khai thác những dữ kiện mới này qua nhiều cuộc nghiên cứu sâu rộng hơn. Trong việc hướng dẫn thiết lập lý thuyết mới, các sự kiện cụ thể. thay đổi chiều hướng của cuộc nghiên cứu. Do đó, ngay cả những sự kiện phủ định (đối với lý thuyết) cũng rất hữu dụng.
3) Sự kiện gạn lọc và minh xác lý thuyết.
Thường thường nhà khoa học đã điều tra vấn đề nghiên cứu của mình trong một thời gian lâu dài trước khi thực sự nghiên cứu nó và do đó ông ít khi ngạc nhiên trước kết quả của mình. Hiếm khi nào nhà khoa học gặp phải một sự kiện chỉ đơn thuần không phù hợp với lý thuyết, hoặc ít khi nào ông phải trắc nghiệm cùng lúc hai giả thuyết trái nhau nhưng có số lượng dữ kiện ngang nhau. Nói chung, công việc của nhà khoa học thường chứng tỏ rằng những gì ông tin tưởng đều đúng.
Tuy nhiên, dù phù hợp với lý thuyết, các sự kiện mới thường minh xác lại lý thuyết, bởi vì các sự kiện diễn tả một cách chi tiết những gì mà lý thuyết phát biểu một cách đại cương. Các sự kiện cũng tinh lọc lý thuyết vì nó soi sáng cho những khái niệm của lý thuyết. Cuối cùng các sự kiện còn có thể trình bày những vấn đề lý thuyết mới có tính cách chuyên biệt hơn. Chúng ta có thể lấy một ví dụ: giả thuyết tổng quát cho rằng khi những người nông thôn gia nhập vào đời sống đô thị, người ta sẽ chứng kiến một số rối loạn trong đời sống của họ. Người ta nghiên cứu quá trình biến chuyển ấy một cách chi tiết trong những nhóm di dân và các trẻ con di cư. Người ta cũng mong sẽ tìm thấy nhiều thay đổi trong khuôn mẫu tập quán của họ khi họ tìm cách thích ứng với đời sống mới. Một trong những thay đổi đó là hiện tượng suy giảm sinh suất. Dựa trên những ý niệm này, người ta tiên đoán nếu người Mỹ da đen một khi sinh sống ở đô thị thì số sinh suất của họ sẽ giảm đi. Thật vậy, sinh suất thuần của người Mỹ da đen đô thị thấp kém rất nhiều so với người Mỹ da đen nông thôn, và người ta có thể nói sự kiện đã phù hợp với sự tiên đoán lý thuyết.
Tuy nhiên, lý thuyết là một sự mong đợi có tính cách tổng quát còn các sự kiện dân số là những sự kiện chuyên biệt. Lý thuyết không phát biểu được sự dị biệt là bao nhiêu. Trong thực tế, sinh suất của người Mỹ da đen ở đô thị còn thấp hơn cả sinh suất của người Mỹ da trắng ở đô thị. Do đó chúng ta sẽ phải minh xác lại lý thuyết với một mức độ chuyên biệt cao hơn và chúng ta cũng thấy rằng lý thuyết cũ đã không giải thích những sự kiện mới này. Các sự kiện không phủ nhận lý thuyết cũ, nó chỉ cho thấy rằng nó phức tạp và xác đáng hơn những tiên đoán của lý thuyết, và như vậy nó đòi hỏi một cuộc nghiên cứu sâu rộng hơn.
Thật vậy, một trong những kinh nghiệm quan trọng của các nhà nghiên cứu cho thấy một khi trắc nghiệm một lý thuyết đương thời hầu như có nghĩa là minh xác lại nó. có những khái niệm của lý thuyết từng được xem là đơn giản và rõ rệt, nhưng khi so chúng với sự kiện, chúng lại trở nên mơ hồ và bất xác. Điều này không phải vì sự không thích hợp, nhưng vì sự kiện phong phú hơn, chính xác và rõ rệt hơn khái niệm hay lý thuyết. Hơn nữa, những minh xác và gạn lọc lý thuyết như vậy còn có thể giúp ta tìm ra những giả thuyết mới. Nếu lý thuyết vẫn sử dụng những khái niệm tổng quát và đưa ra những tiên đoán thô sơ, chúng ta khó quyết định lý thuyết ấy sai hay đúng. Thí dụ: chúng ta có thể tiên đoán rằng bất kỳ hệ thống xã hội nào cũng có sự hội nhập giữa cơ cấu chính trị và tôn giáo. Những cuộc nghiên cứu cho thấy đó là một mệnh đề đúng nhưng nó quá tổng quát khó có thể tiên đoán được những cách thức và mức độ hội nhập khác nhau. Nhờ quan sát các sự kiện, chúng ta thấy rằng cần phải đào sâu lý thuyết để có thể quyết định chấp nhận hay phủ nhận nó.
Do đó, sự kiện luôn khuyến khích chúng ta minh xác và gạn lọc lý thuyết dù ngay cả khi sự kiện và lý thuyết phù hợp với nhau đi nữa. Ngược lại, diễn trình này cũng đưa tới sự ấn định lại lý thuyết và sự khám phá các sự kiện mới mẻ.
TÓM LƯỢC.
Để tóm lược, chúng ta có thể nói rằng đã gần trên nửa thế kỷ nay, các Khoa học xã hội và Nhân văn đang nỗ lực sử dụng những phương pháp nghiên cứu khoa học để phát triển các ngành học ấy. Tuy nhiên, việc sử dụng những phương pháp nghiên cứu khoa học chưa hẳn tạo các ngành học ấy có trình độ khoa học cao. Đúng ra, trình độ khoa học của một ngành học tùy thuộc rất nhiều điều kiện phát triển của nó: hệ thống lý thuyết được tích trữ và đúc kết có mạch lạc luận lý, phương pháp nghiên cứu phải có tính cách thực nghiệm, và tinh thần của người nghiên cứu phải là trung tính và khỏi ảnh hưởng tham định giá trị (value-free). Đúng như Johnson, nhà xã hội học Mỹ cho rằng có 4 đặc tính chính yếu của một khoa học được gọi là «khoa học» (a) thực nghiệm, nghĩa là khoa học đó phải dựa trên quan sát; (b) có lý thuyết, nghĩa là nó cố gắng đúc kết cô đọng nhưng quan sát phức tạp thành mệnh đề lý thuyết có luận lý mạch lạc nhằm giải thích những mối tương quan nhân quả của các hiện tượng xảy ra trong thực tại; (c) có khả năng lưu trữ kiến thức, nghĩa là những kiến thức lý thuyết tìm kiếm được bổ túc, cải đổi và phát triển những kiến thức lý thuyết đang có; và (d) không có thẩm định giá trị, nghĩa là nhà xã hội học không có ý kiến phê bình hiện tượng xã hội này là tốt và hiện tượng xã hội kia là xấu, họ phải tránh vấn đề thẩm định giá trị và chỉ nhằm giải thích những hiện tượng đó thôi[4]. Broom và Selznick, trong sách Xã hội học nhập môn cùng nêu lên một xác nhận căn bản như trên: «Người ta cho rằng xã hội học là một khoa học nếu những lý thuyết của ngành học này luôn luôn được tinh lọc và nghiệm chứng bởi quan sát, và nếu những lý tưởng về đặc tính khách quan và chính xác hướng dẫn mọi chương trình điều tra nghiên cứu»[5]. Chừng nào những đặc tính căn bản vừa kể trên bị các nhà khoa học xã hội và nhân văn coi thường và quên lãng, chừng đó khuynh hướng làm cho các ngành học của họ có «khoa học» không tồn tại.
LÊ VĂN HÒA
_____________
[1] Carlo L. Lastrucci, The Scientific Appcoach (Cambridge, Mass: Schenkman Publishing Co., 1967), ch. 1.
[2] Robert K.Merton, «The Bearing of Empirical Research on Sociological Theory», Social Theory and Social Structure. (Glenco, III. Free Press, 1949), chương 3
[3] Emile Durkheim, Suicide.
[4] Harry Johnson, Sciology : A Systematic Introduction (New York : Hareourt, Brace và World, 1960), tr. 2.
[5] L. Broom and P. Selznick, Sociology (3rd ed.) (New York : Haryet và Bon, 1963), tr. 4-6.
[Tạp chí Tư Tường số 49, 175]