
NHÀ HỒ VÀ MINH THUỘC:
Cuối đời Trần, kể từ vua Trần Dụ Tông, triều đình hư nát, vận nước suy vi, Lê Quý Ly thừa cơ nắm giữ quyền hành sai thượng thư Đỗ Tinh xây thành Tây Giai tại động An Tôn (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa), ép vua Trần Thuận Tông thiên đô về đấy gọi là Tây đô. Rồi Quý Ly cho một đạo sĩ xui vua nhường ngôi cho con để lên tu tiên ở Cung Bảo Thạch, trên núi Đại Lại, gần bên thành Tây Giai (Tây đô): “nơi đó cảnh đẹp thanh u, khác chốn trần gian, bản triều chỉ sùng Phật Giáo, chưa có theo tiên chân du, Chúa Thượng mệt nhọc về việc nước, không gì bằng truyền ngôi cho Đông cung, để giữ lấy sức khỏe”.((Ngô Thời Sĩ))
Sau đó Quý Ly thoán đoạt ngôi vua và lập ra nhà Hồ. Nhà Hồ thi hành nhiều điều cải cách và chuẩn bị ngay quân sự để đối phó với nhà Minh nhưng vì không được lòng người nên chỉ giữ nước được có 7 năm.
Nhà Minh mượn tiếng phù Trần đem quân sang điều phạt họ Hồ, để rồi chiếm giữ luôn đất nước ta và sát nhập vào Trung Hoa. Các quan lại nhà Minh sang cai trị, áp dụng kế hoạch đồng hóa một cách triệt để, bất luận điều gì cũng phải theo như người Trung Hoa.
Từ sự phân chia những đơn vị hành chánh, cách kiểm tra dân đinh, cách tổ chức học hành thi cử, tổ chức thuế khóa đến cả những cách thờ tự cúng lễ và cách ăn mặc trang phục.
– Về tín ngưỡng: nhà Minh lập ra Tăng Cương Ty và đạo Kỳ Ty để tổ chức giới tăng lữ cùng đạo sĩ theo chế độ bên Tàu. Năm 1419 (Kỷ hợi) nhà Minh phát cho các châu huyện sách Tử Thư, Ngũ Kinh và sai các nhà sư đi truyền bá kinh Phật. Nhưng trong khi đó thì lại tịch thu hết sách vở, kinh điển sự tích của An Nam để đưa về Kim Lăng (kinh đô nhà Minh) khiến ngày nay hầu hết những sách vở này ta không còn thấy nữa.
Hoàng Phúc bắt các phủ huyện châu xây cất văn miếu, đàn xã tắc, sơn xuyên, phong vân, đền thờ bách thần đề bốn mùa tế tự theo như người Tàu nhưng đồng thời quân nhà Minh cũng đi phá hủy những chốn danh tích của ta. Chùa Long Đà (Hà Nam), tháp Linh Tế trên núi Dục Thủy thuộc Ninh Bình. Vạc Phổ Minh, Phật Quỳnh Lâm, chuông Quy Điền đến nay chỉ còn tiếng vang trong lịch sử.
Trương Phụ đi thăm thẳng tích Sài Sơn chùa Thầy (phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây) ra lệnh thiêu hủy xác khô (nhục thể hóa tượng) của Thiền sư Từ Đạo Hạnh, nhưng rồi sợ hãi lại cho đáp trả lại một cốt trọng để thờ ở chùa Thiên Phúc (chùa Thầy).
Người Minh đời Vĩnh Lạc (1403-1144) cũng đốt chùa Bối Khê (huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông) và cất tượng của Nguyễn Bình An Bồ tát Chân Như, tức thì trời mưa ra máu 3 ngày, quản lính nhà Minh bị ôn dịch chết hại rất nhiều((Đại nam nhất thống chí: tỉnh Sơn Tây.)) lấy làm sợ hãi, bèn làm lễ tạ tội xin bó lại tượng và làm lại miếu thờ. Miếu này hiện nay còn thấy ở phía sau lưng nhà hậu Đại Bi Tự tức chùa Làng Bối Khê. Chùa này qui mô rộng lớn và có nhiều di tích nghệ thuật trang trí kiến trúc triều Trần như gạch chạm rồng gắn ở thân thềm tòa Tiền đường và tương thần điểu Garuda đắp ở những góc bệ tòa thượng điện. Chùa đã được tu sửa thay đổi nhiều lần nhưng toàn thể vẫn còn giữ được phong thái thanh tao cổ kính ở những hồi lang như hình bắp ngô nhất là ở tòa thượng điện được kiến trúc theo kiểu cổ truyền, cột gỗ, then vách gỗ, đế soi ván nong buông kín. Nhưng lạ nhất và quý nhất vẫn là tòa miếu nói trên cũng có thể gọi là một hậu cung vì bên tòa miếu này là một cái nhà vuông vức, mỗi bề rộng khoảng 1 trường (4m 20) làm kiểu chồng diêm (2 từng mái gần nhau) và đứng trên một nền bệ gạch cao khoảng 2 thước ta (0 m 80).
Trông toàn thể tòa miếu hay hậu cung này dáng dấp xinh xắn nhưng cũng không khác tòa nhà tám mái khác bao nhiêu, cũng lợp ngói vẩy rồng dày dặn rêu mốc, cũng có tám góc dao cong và đưa vươn lên trời những hình trang trí kiến trúc thông thường như tại các đền chùa miền Bắc VN như con lân, đầu rồng, phụng đắp theo hình triệu (phượng hóa). Nhưng tòa miếu này có thành phần chi tiết kiến trúc rất đặc biệt, ấy là những bộ con sên chồng đấu sắp xếp chồng chất như tổ ong và chĩa những mỏ nhọn gỗ nhọn tua tủa dưới mỗi tầng mái. Thành phần của mỗi bộ con sên này mà danh từ Trung Hoa gọi là tổ sức gồm có đấu và đòn gánh. Đấu là khúc gỗ vuông, dưới cắt vát, trên đứng, mặt có xẻ rãnh 1 đường ngang 1 đường dọc để ôm đỡ đòn gánh. Đòn gánh là thanh gỗ bề cao lớn hơn bề dày, dưới cắt cong cong hớt lên ở 2 đầu, bên trên làm ngông để cắm vào chân những đấu ở tầng trên, giữa khoảng những đấu này cắt lõm cong xuống để trông cho thanh nhẹ. Những đòn gánh dọc ở tầng trên, có khi cắt thành một cái mỏ rũ xuống như trường hợp ở ngoài miếu Bối Khê này. Phương thức chồng đấu trước hết là đặt 1 đấu đầu tiên (đấu cái) trên đầu cột hoặc trên đà nối các đầu cột, rồi đặt tầng đòn ngang đòn dọc có cắt ngoàm một nửa vào 2 đường rãnh của đấu cái. Trên tầng đòn ngang đòn dọc đặt tầng đấu thử nhì (nhỏ hơn đấu cái) và theo nguyên tắc gồm có 5 đấu, trên giàn đấu này đặt tầng đòn thứ nhì dài hơn tầng nhất, rồi tầng đấu con thứ nhì nhiều hơn tầng nhất và theo nguyên tắc gồm 9 đấu, nếu muốn làm mái xòe rộng ra càng nhiều thì càng đặt nhiều tầng đấu và tầng đòn gánh.
Đây là chi tiết kiến trúc đặc biệt Trung Hoa, đã làm cho những cung điện đền miếu của xứ này có một vẻ cầu kỳ nhưng tài tình khéo léo và nếu có được sơn son thếp vàng, tô màu thuốc ngũ sắc nữa thì trông thật là phong phú rực rỡ.
Ở đây nó chứng tỏ rằng tòa miếu này đã do người Tàu làm hay nói rõ hơn là đã do người Minh cất dựng lại để tạo tội với Bối Khê Chân Nhân.
Kiến trúc Việt Nam không phải không biết kiểu con sơn chồng đấu nhưng trừ có ở những tầng trên của gác chuông chùa Keo, còn các nơi khác làm thưa thớt giản dị hơn đến biến làm thành phần trang trí hơn công dụng chống đỡ thiết thực.
Trần miếu này không có sơn thếp gì, trông càng tăng vẻ thuần thiết, cổ kính, vách gỗ, có chạm trổ đôi chỗ ở phần giáp cạnh góc, vách gỗ thường ngày được bao cột về bằng những bức giại tre nên trải bao thời gian chỉ bị hoa mốc mà không hư mục. Miếu được săn sóc giữ gìn cẩn thận vì người ta cho rằng đây là cung thờ một vị chân nhân vì kiểu miếu lạ hiếm, ngoài ra đây là một chứng tích lịch sử và nghệ thuật hiếm có và xác thực của nhà Minh tại Đại Việt. Trong thời gian 14 năm đô hộ, nhà Minh xây cất khá nhiều nên trong Bình Ngô Đại Cáo đã có câu: “Kiệt công lao thô mộc, xây cho các nhà của chỗ công tư…” nhưng đến nay thì ngoại trừ một số di tích quân sự như thành Phao Sơn (huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương) thành Lục Niên (Nghệ An) ngôi miếu hậu cung chùa làng Bối Khê này có lẽ là di tích độc nhất về kiến trúc đền miếu còn lại từ thời đô hộ của nhà Minh.
*
* *
PHỤ CHÚ:
Sự tích Bối Khê Bồ Tát Chân Nhân
Chân Nhân được triều đình sắc tặng “Đại thánh khai thiên tồn nghĩa hành thiện Bồ tát chân nhân” nhờ sau khi hóa thân có nhiều công đức hộ quốc kỷ dân.
Chân Nhân là một vị Phật sống, thác tích tại Việt Nam, người làng, Bối Khê, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông. Thuở xưa, mẹ ngồi nằm mộng thấy Phật tử giáng hạ, bèn thọ thai mà sanh ra Ngài. Từ nhỏ mồ côi, lên sáu ở với cậu mợ làm trẻ chăn trâu, sẳn Phật tính: thường ra đồng tát vũng, bắt được bao nhiêu tôm cá đều thả hết xuống sông Vĩnh Dụ. Chẳng chơi giỡn với mấy đứa trẻ chăn trâu khác, chỉ lẫm thẫm một mình, lượm những gạch ngói vụn xây chùa nhỏ, lấy lén cơm ở nhà in làm oản, lấy chuối ở vườn làm đồ lễ cúng Phật, bị cậu mợ la rầy đánh mắng mà chẳng chịu chừa. Năm lên chín, xuất gia làm tiểu tăng. Tới lớn lên tu hành tại chùa Tiên Lữ (chùa Sở) thuộc huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Đông. Sớm hôm tụng niệm, luyện được phép thần thông bèn khởi công cất lại chùa ấy cho thành chúa lớn, nhóm trên trăm người thợ mộc, thợ nề, mỗi bữa chỉ nấu một nồi cơm nhỏ mà dạy bày tiểu tăng rằng:
“Các con liệu sắp nhiều những cái nong lớn ra mà giở cơm, chờ thầy về quê lấy dưa tương đem qua để dọn cho thợ ăn”.
Ban đầu bầy tiểu tăng chẳng tin. Sau đó Sãi đi từ núi Tiên Lữ ra, qua làng Đàn Viên, chợ Bảo Đà (nay là làng Bình Đà) về làng Bối Khê, quãng đường dài 200.000 thước ta (lối 8 cây số) mà Sãi chỉ bước có một bước, trong nháy mắt đã tới tại trước thềm đá cửa chùa làng Bối Khê ngày nay hãy còn dấu chân in sau. Tới đó lấy hai lọ tương và dưa cà xách đi, trong nháy mắt trở lại chùa Tiên Lữ, nồi cơm vừa chín tới. Cơm dọn lên, làm cơm hóa ra nhiều món chay, thợ hơn trăm người ăn no nê vẫn còn dư cơm. Xong xuôi, Sãi gõ trên miệng nồi tức thì cơm trong nồi hết sạch. Lúc cất chùa Sãi thường đi guốc leo lên góc chùa, đi lại lăng xăng, bọn thợ kinh hãi mới biết rằng Ngài là bậc chân tu đắc đạo, bèn lạy phục.
Chùa làm xong rồi, Ngài chế một cỗ khảm gỗ, sơn son thếp vàng, làm phép ấn quyết, trối lại với các đồ đệ rằng: Thầy đây trần duyên đã mãn, nay là kỳ siêu hóa, các đạo tràng nên đóng cửa khám lại đủ trăm ngày rồi mở ra coi, nếu thấy thơm tho thì để mà phụng sự, còn nếu tanh hôi thì đem chôn ngoài cánh đồng hoang. Các sãi vãi y lời, trăm ngày sau giờ Ta thấy hương thơm ngát, bèn mướn thợ tạc cốt tượng sơn thếp hệt chân dung mà thờ rất sùng bái.
Sau đó hiển linh báo ứng, dân Bối Khê chế bài vị, lãnh duệ hiệu rước về làng phụng sự. Hàng năm cứ 12 tháng giêng là sinh nhật của Ngài, dân mở hội lớn.
Tới đời Hồ Quí Ly cướp ngôi vua Trần, nhà Minh xâm lấn, muốn trấn yểm các linh tích của ta, đem cốt tượng Chân Nhân ra thiêu hủy nhưng ròng rã ba tháng trường không thiêu đốt được. Có người mách lấy tim bấc bao bọc, tẩm dầu mà đốt. Quân Minh làm theo, xảy đâu mưa ra máu ba ngày, quân Minh mắc dịch chết rất nhiều, mới đắp đất làm dấu tại chợ Bảo Đà để lường số binh, thấy mất quá nửa. Mới sợ hết hồn, rất ăn năn lại thấy Chân Nhân hiển hiện bảo rằng “Chúng bay muốn sống mà trở về thì phải tạc trả ta cốt tượng khác, không thì tai ách còn nhiều lắm. Ta bảo cho hay sẽ không sót được một người”.
Quân Minh sai người về nước, chế tạo cốt tượng như cũ, rước qua chùa làng Bối Khê, làm đàn tế lễ tạ, từ đó mới yên.
Từ ấy đến nay, dân địa phương thời cũng quanh năm, cầu gì cũng linh ứng. Qua đời Lê (lối giữa thế kỷ 15) triều đình bao phong Thượng Đẳng Phúc Thần. Mười hai chữ trên đây tức là duệ hiệu trong lòng sắc văn vậy. Tới nay vẫn còn nhang khói.
(Theo Công Dư Tiệp Ký)
KTS. NGUYỄN BÁ LĂNG
(Nguyệt san Hải Triều Âm số 1)
KIẾN TRÚC CHÙA BỐI KHÊ
Ảnh: Ngô Vương Anh












