Bạch lãng dũng hoa thành dị thụy
Hồng liên hiệp Phật độc xưng tôn
Tu di tụ bút hưu vân tả
Vạn khoảnh thương ba dục đoạn hồn
(Phật Quốc Thiền Sư, Văn Thù Chỉ Nam)
I
Đầu thế kỷ XX, Hải Triều Âm xuất hiện trong không khí hồi sanh vô cùng hào hứng của thế giới Viễn Đông. Bây giờ, Hải Triều Âm như là biểu tượng của một thứ tiếng cách mạng, trong lãnh vực văn hóa của Phật Giáo.
Sau những giấc ngủ dài, ngủ say trên một công trình đồ sộ được gây dựng qua nhiều thế kỷ, đời sống Viễn Đông đắm chìm trong cơn mộng hưởng thụ văn học, tư tưởng hay nghệ thuật đều trở thành những thứ xa hoa và không tưởng, Phật Giáo cơ hồ chỉ còn là một hình thức tôn giáo đượm đầy mê tín dị đoan. Thể chế sanh hoạt của Tăng sĩ, sau những cuộc thanh trừng, cùng những biện pháp giám thị qua các triều đại vua chúa Trung Hoa, không còn cái phong thái siêu thoát như những thời vàng son của nó. Do đó, khởi đầu tại Trung Hoa với Thái Hư Đại Sư, một cuộc cách mạng đã xảy ra cho Phật Giáo, bao hàm cả ba mặt, mệnh danh là «Cách mạng giáo lý», «cách mạng giáo chế» và «cách mạng giảo sản». Phật Giáo được đặt trước những vấn đề của thế kỷ; phải ý thức sứ mệnh của mình trong khát vọng sâu xa nhất của nhơn loại; phải nỗ lực nhận chân và thực hiện bức thông điệp nguyên thủy của đức Phật. Cách mạng giáo chế là đặt sanh hoạt của mình qua một khúc quanh mới, vô cùng nghiêm trọng của lịch sử dân tộc.
Từ sau 1963 đến nay, không kể những cuộc vận động trực tiếp của Phật Giáo Việt Nam trong giòng vận động lịch sử của dân tộc, không khí sanh hoạt của Phật giáo trên mặt văn học và tư tưởng đã cho thấy tiềm lực sáng tạo phong phú của nó. Giữa những trận cuồng phong thác loạn của thế kỷ, tiềm lực đó vẫn y nhiên như là mặt biển trầm lặng phản chiếu trọn vẹn các dải ngân hà tinh đầu trên kia, trong con mắt khát vọng nghìn đời, trong tâm tình u ẩn thiên thu. Dù trầm lặng hay dù gào thét, biển và tiếng sóng của biển luôn luôn biểu tượng cho ước mơ nguyên thủy và tình tự phát hiện vô cùng sống động từ trước mơ chân thành đó.
II
Văn hóa chỉ thị một nền tảng cao quí mà con người cần được trở thành. Văn hóa, như thế là cứu cánh cho đời sống. Đồng thời, văn hóa soi sáng và hướng dẫn cho thực tại sanh hoạt. Trong ý nghĩa này, văn hóa trở thành phương tiện dẫn độ cho đời sống.
Con người là con vật văn hóa và chính con người soi sáng và hướng dẫn cho chính thực tại sanh hoạt của mình. Hơn thế, vì chính con người là con-vật-trong-tình trạng-luôn-luôn-trở–thành.
Truyền thống Tây Phương thường giản lược văn hóa vào thế lực lý trí. Chính vì thế, văn hóa chỉ còn là sản phẩm kinh qua quá trình lý trị hóa kinh nghiệm. Nhưng đã hẳn, một kinh nghiệm được lý trí hóa chỉ là một kinh nghiệm bị mất mác. Như dòng suối chảy qua chỉ còn để lại rác rưới. Bao nhiêu trực cảm phong phú đã không còn. Văn hóa làm con người nghèo nàn và nhốt con người lại trong thành tiền, không còn khả năng truy nhận những chân trời khả tính cao quí của mình.
Những đóng góp của đạo Phật ở Việt Nam nói lên điều khá rõ: khước từ mọi thế lực quyền bính, mọi quyền lợi lãng quên đến bỏ rơi những thống khổ vô hạn của đại chúng để thắp sáng ý thức dân tộc trước khổ đau và trước những áp lực ngoại vi. Trong khi đó, vẫn không ngừng kêu gọi con người tự kinh nghiệm lấy sự thực nền tảng khổ đau; đồng lúc, khải thị phương trời giải thoát từ kinh nghiệm nguyên thủy đó. Hình ảnh những Thiền Sư Việt Nam đi giữa lòng lịch sử, sau cùng cũng chỉ là những bóng mờ. Đến như thế và đi cũng như thế. Bởi đạo Phật vốn không cần thiết phải in lại dấu vết trang điểm cho bộ mặt mình. Lịch sử chỉ là vô thường. Sự thực nền tảng không phải là lịch sử mà là khổ đau và lòng khát vọng giải thoát. Văn hóa, đối với đạo Phật chính là đặt trên nền tảng khổ đau và lòng khát vọng giải thoát đó.
Không lúc nào hoạt trường xã hội rối rắm và con người hoang mang trước cảnh trạng đổ vỡ và thất hướng bằng lúc này. Không lúc nào, giá trị truyền thống đi xuống đến độ bị lãng quên trong ý thức tập thể, bổn chất con người bị đắm chìm trong ảo ảnh bằng lúc này. Hiển nhiên, người ta không thể lấy hiệu năng thực tế làm tiêu chuẩn định giá cho tất cả mọi công trình. Nhưng đồng thời, cũng không thể mặc cho những yêu cầu khát vọng thực tế để chạy theo một thứ văn hóa xa hoa. Không truy nhận và lãnh hội được ý nghĩa truyền thống để chỉ nhìn trên bề mặt hiệu năng thực tế là hình ảnh của một đời sống nông nổi, tầm thường.
Nhưng không nhìn lại thực tại thống khổ của xã hội để chỉ đuổi theo một thứ văn hóa xa xỉ lý tưởng thì chỉ là những bước nhảy vào chỗ không tưởng. Tuôn chảy trong dòng ý nghĩa truyền thống và không ngừng đáp ứng cho mọi yêu cầu của thực tế, văn hóa mới sắm đúng vai trò của mình giữa lòng đời sống. Đó chính là bổn nguyện muôn đời của mọi sức mạnh văn hóa – trái tim của đời sống. Đó cũng chính là hướng đi của Hải Triều Âm.
III
Phạm âm, hải triều âm, chấn bĩ thế gian âm: tiếng của thiên thần, tiếng của sông biển, những thứ tiếng làm rung chuyển thế gian; nếu không là tiếng nói khẩn thiết được nói lên từ những đau khổ và tuyệt vọng, quyết không thể mang nổi âm hưởng tuyệt vời đó. Bởi vì, đó là âm vang đại nguyện của Bồ Tát Quan Thế Âm, đến với thế gian bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu đồng vọng âm thanh khẩn thiết của mọi loài chúng sanh. Mà đó cũng là ý niệm kiên trì của Thiện Tài đồng tử, không bao giờ mỏi mệt trong cuộc lữ hành vô tận, được thúc đẩy với niềm tin không giới hạn trong những chân tình cao quí của thiện hữu tri thức. Bên bờ biển, trước những ngọn sóng dâng cao trắng xóa, mối chân tình cao quí của thiện hữu tri thức đã mở mắt cho Thiện Tài đồng tử thấy ước mơ của mình kết tụ thành đóa sen giác ngộ tối thượng. Do đó, Hải Triều Âm còn là biểu tượng cho tiếng nói của ý nghĩa đồng thanh tương ứng.
Trong khát vọng chân thành trên, nơi đây, Tổng Vụ Văn Hóa xin giới thiệu Tam Nguyệt San HẢI TRIỀU ÂM đến tất cả thiện hữu tri thức, trong âm hưởng của các bậc tiền nhân và qua công trình của các ngài còn vang dội, và cũng mong được thưởng thức những công trình đang tiếp tục ở ngày nay và ngày mai.
Tổng Vụ Văn Hóa
(Nguyệt san Hải Triều Âm, số 1-1973)