Tôi chưa bao giờ có dịp lên tu viện vào mùa Thu, nhưng tôi dám đoan chắc với Thầy rằng Thu bên ấy không đẹp bằng Thu bên này đâu! Nói đùa với Thầy vậy thôi, chứ năm nào nhất định Thầy phải thưa với thầy Viện Trưởng tổ chức một khóa tu vào mùa thu ở đây.
Mỗi tờ lá, một hạnh phúc
Chúng ta sẽ được đi dưới những cơn mưa của màu sắc, có tiếng gió lùa những chiếc lá khô chạy đuổi nhau lào xào trên mặt đường theo mỗi bước chân ta đi. Vòm cây che ngang trên con đường ta đi sẽ có muôn màu lá chín. Mỗi tờ lá chín cũng có một mùi thơm riêng của nó! Thầy có tưởng được trên vũ trụ này có biết bao nhiêu là màu vàng khác nhau không? Biết bao nhiêu là những màu cam, màu tím, màu đỏ khác nhau không? Mà không có màu lá nào lại giống y với nhau!
Một ngày ngồi yên trong rừng, ta có thể lắng nghe được tiếng cây lá chuyển mùa. Mùa thu vùng này đẹp lắm, nhất định phải mời Thầy sang đây một lần cho biết. Những lá thu nơi đây không có phai mà rất đậm màu! Mùa thu không phải là màu của hoàng hôn, của đoạn cuối, mà tôi thấy chúng tượng trưng cho sự sống và sự chín tới.
Trong cuộc đời có những hạnh phúc rất tự nhiên, chân thật và sâu sắc, trong đó có thiên nhiên và đất trời của mùa thu. Có những buổi sáng đi trên con đường nhỏ phủ lá quanh bờ hồ, nhìn mặt nước phẳng lặng phản bóng rừng cây màu lá, tôi cảm thấy một hạnh phúc thật vững vàng và bình yên.
Thầy biết không, người ta nói vào mùa thu những chiếc lá mới bắt đầu hiện rõ màu sắc thật sự của chúng. Những màu sắc rực rỡ cam, vàng, đỏ, tím… mới chính là màu thật của lá. Màu xanh mà ta thấy vào mùa xuân, mùa hè, là do chất diệp lục tố (chlorophyll) tạo nên nhờ sự quang hợp (photosynthesis) của ánh sáng mặt trời. Vì cường độ của màu xanh ấy quá mạnh nên nó che lấp đi màu thật của lá. Vào mùa thu, khi ánh sáng mặt trời yếu đi, khi cây không còn đủ sức sản xuất chất diệp lục tố nữa, màu xanh của nó sẽ bị phai mờ và màu sắc thật của những chiếc lá bắt đầu hiển lộ.
Bụt là lá chín
Mở đầu tác phẩm Ana Karenin, văn hào Leo Tolstoy viết, “Những gia đình hạnh phúc thì đều giống như nhau, nhưng trong mỗi gia đình khổ đau thì không có khổ đau nào giống với khổ đau nào hết.” Có lẽ trong cuộc đời, ông đã chứng kiến quá nhiều tình cảnh khổ đau mà hạnh phúc thì chừng như quá giới hạn. Nhưng tôi cũng muốn viết lại là, “Trong cuộc đời này những khổ đau có thể giống như nhau, nhưng mỗi hạnh phúc đều rất đặc biệt và kỳ diệu theo một lối riêng của nó.”
Trời thu đẹp là nhờ có trăm ngàn chiếc lá biết phơi bày màu sắc chân thật của chúng. Những màu sắc rực rỡ ấy lúc nào cũng có mặt, chứ không phải chỉ chờ đến mùa thu, nhưng chỉ vì chúng bị che khuất bởi màu xanh của mùa hè mà thôi. Những ngày lộng gió, màu sắc bay trong không trung, màu sắc trải đường đi, màu sắc phủ mặt hồ, màu sắc trôi trong đáy tách trà thơm.
Bụt là lá chín,
Pháp là mây bay,
Tăng thân khắp chốn,
Quê hương nơi này.
Nhất Hạnh
Từ xa, nhìn vào một khu rừng thu, ta thấy những chiếc lá đủ màu sắc như một vườn cây đầy trái chín. Bụt là lá chín. Tôi nhớ trong kinh A Hàm, Phật có ví về môt người tu học đã chín toàn vẹn. Kinh viết: “Này các Thầy, thế nào là người ngoài chín trong chín? Họ là những kẻ trong ngoài đều thanh tịnh. Này các Thầy, chính hạng người này mới là hạng thanh tịnh chơn thật”.
Ta hãy bước ra ngoài một sáng mùa thu, sau một cơn mưa sớm, nắng lên tan sương mù, có tiếng lá rơi trên lá, màu sắc trên màu sắc, những chiếc lá thơm trên cây, rụng chín đầy dưới đất. Chung quanh ta sẽ có vạn trăm ngàn vị Bụt. Thế giới của thiên nhiên là một sự sống kỳ diệu đầy màu sắc. Pháp là mây bay khắp chốn. Mỗi tờ lá là một vẻ đẹp thiên nhiên rất công phu và nhiệm mầu, không thể so sánh được. Nhưng cuộc đời, nhiều khi ta cứ ngỡ chúng chỉ có mỗi một màu xanh tầm thường mà thôi!
Cây hồng táo
Tôi nhớ câu chuyện về đức Phật trong thời gian Ngài còn đang trên con đường tìm đạo. Trước khi giác ngộ dưới cội bồ đề, Phật đã có thời gian đi theo con đường khổ hạnh. Ngài nhịn ăn, nhịn uống, không ngủ, thân ngài chỉ còn da bọc xương mà thôi. Cho đến một hôm, quá đuối sức, Phật tự nghĩ, “Nếu mà những bậc tu sĩ khác có thực tập khổ hạnh thì cũng chỉ đến mức này thôi! Nhưng tại sao ta vẫn không cảm thấy chút gì là giác ngộ, hay được giải thoát hết! Phải có một con đường nào khác nữa chứ!”
Lúc đó Phật chợt nhớ lại ngày xưa khi còn nhỏ là một thái tử, có một lần được theo Vua cha ra ngoài thành, đến một miền đồng quê. Trong khi Vua cha đang quan sát người khác làm việc, thái tử tìm đến dưới gốc một cây hồng táo ngồi lặng yên. Bỗng nhiên, khi đó tâm Ngài trở nên rất tĩnh lặng. Thái tử cảm thấy bên trong mình tự nhiên có một niềm hỷ lạc rất sâu sắc.
Niềm vui ấy không hề xuất phát từ bất cứ một nguyên nhân nào ở bên ngoài. Nó có mặt ngay bên trong, với một tâm hồn tĩnh lặng. Nhưng trên con đường tìm kiếm, tu tập khổ hạnh, Phật đã vô tình đánh mất đi cái hạnh phúc ban đầu đó. Một hạnh phúc rất đơn sơ, nhưng sâu sắc và rất thực. Nó không đòi hỏi ta phải nắm bắt hoặc né tránh một điều gì trên cuộc đời này.
Sau khi Phật nhớ lại niềm an lạc ấy, bỗng dưng trong tâm Ngài chợt có một nỗi sợ hãi phát sinh lên. Ngài lại tiếp tục nhìn sâu hơn và tự hỏi, “Tại sao ta lại cảm thấy sợ sệt đối với niềm vui ấy, một hạnh phúc không nương tựa vào một cái gì hết?” Và Phật thấy được rằng, sở dĩ ta có nỗi sợ ấy là vì niềm an vui đó không hề bắt nguồn từ một sự thỏa mãn ái dục, hay một mong cầu nào của mình! Những sự rèn luyện, thành đạt mà ta hằng cố gắng đeo đuổi, chỉ là một ảo tưởng.
Ta không cần phải có một cái gì, đạt được một điều gì, trở thành một người nào, hoặc né tránh một việc gì hết. Những điều ấy có thể mang đến cho ta một niềm hạnh phúc tạm thời, nhưng không thể là chân thật. Chúng cũng như một nén hương tàn. Khi ta thắp lên một nén hương, khi mình đang ngửi được mùi thơm ấy, thì phần hương đó cũng đã cháy tàn rồi.
Và ý thức ấy bắt buộc ta phải quay nhìn lại chính mình trong giờ phút này, buông bỏ hết những mong cầu, để thấy rõ những gì đang có mặt trong thực tại! Biết được rằng, chân hạnh phúc không hề tùy thuộc vào những gì ta có, hay phải qua một sự rèn luyện khổ công nào, mà chỉ cần một thái độ buông bỏ với cái thấy trong sáng. Ý thức được điều ấy là một sự giải thoát rất lớn.
Một thái độ buông xả trong sáng
Thật ra muốn buông bỏ, chúng ta cũng không cần phải làm gì khó nhọc lắm đâu. Ôm giữ và mang vác thì phải cần đến sự tính toán và tạo tác này nọ, chứ buông thả ra thì càng ít dụng công bao nhiêu lại càng hiệu quả bấy nhiêu.
Bà Sharon Salzberg, tác giả quyển Sống với tâm từ, có kể vài năm trước trong lúc đang đứng trong chiếc thang máy ở một khách sạn tại thành phố New York, bà chợt ý thức rằng mình vẫn còn đang mang vác chiếc hành lý rất nặng trên vai. “Và tôi chợt nghĩ”, bà nói, “tại sao mình lại không đặt chiếc hành lý nặng này xuống đi, và để cho chiếc thang máy tự nó mang lên chứ?”
Bà chia sẻ, mỗi giây phút của cuộc sống là một cơ hội mới để ta buông xuống những nặng nhọc của mình – ta không cần bắt mình phải trở thành một cái gì tốt hơn, cố tập luyện để đạt đến một trạng thái nào cao hơn, hay để vượt qua một khó khăn nào đó. Chúng ta chỉ cần biết buông bỏ mà thôi, trong giây phút này sang giây phút kế.
Bà Sharon nói, tuy phương pháp bà dạy học trò mình là thực tập có ý thức về hơi thở, nhưng điều bà luôn nhấn mạnh là chúng ta bao giờ cũng có thể trở về với thực tại, dù bất cứ đang ở trong hoàn cảnh hay tình trạng nào. Và giây phút bắt đầu mới ấy chính là sự buông bỏ với một tâm từ, biết chấp nhận và tha thứ. Buông bỏ cũng có nghĩa là tiếp xúc với thực tại này với một tâm rộng mở, để cho sự việc được trong sáng tự nhiên.
[trích Một chia sẻ sống đẹp]