Có câu chuyện vui về một người cưỡi một con ngựa đang phi như bay trên đường. Khi anh và con ngựa chạy ngang qua một khu phố, có vài người quen đứng bên đường thấy vậy gọi với theo, “Anh có việc gì phải đi đâu mà vội vã thế?”Anh ta ngoái đầu lại và nói lớn “Tôi cũng không biết nữa, hỏi con ngựa kìa!”
Trong thời đại của kỷ nguyên thông tin ngày nay, information age, mọi việc xảy ra rất nhanh lẹ và dồn dập, cuộc sống chúng ta dường như cũng bị lôi cuốn theo cùng với một nhịp độ ấy. Mỗi sáng sớm thức dậy, cái mà ta nhìn đầu tiên là chiếc đồng hồ ở bên cạnh, một ngày của ta cũng được bắt đầu dưới sự chỉ huy của thời giờ. Tốc độ và sự bận rộn trong cuộc sống đôi lúc cũng khiến ta cảm thấy như anh chàng trong câu chuyện ấy, cưỡi một con ngựa phóng như bay trên đường mà không biết là mình đang đi về đâu.
Có lần tôi đi nghe nhạc với một người bạn.Trong phần giao lưu với khán giả, có người hỏi anh ca sĩ nổi tiếng ấy rằng anh có dự định gì cho tương lai của mình không? Anh đáp, bây giờ anh vẫn còn “đang lên” và có một cuộc sống rất bận rộn nên chưa muốn bị ràng buộc hay nghĩ gì đến tương lai xa xôi gì hết. Anh chỉ muốn vui hưởng với những cơ hội mà anh hiện đang có, dù rằng anh phải tạm gác lại một số công việc quan trọng khác, ngay cả những vấn đề tâm linh của mình nữa. Những gì anh chia sẻ cũng rất thật phải không bạn, và nếu được thành công như anh chúng ta có thể sống khác hơn chăng?
Có lẽ cái cảm giác rằng mỗi ngày mình hoàn tất được một số việc nào đó, hay đạt được thêm những gì mình ưa thích, mang lại cho ta một cảm nhận rằng cuộc sống mình có phẩm chất và có hướng đi rõ ràng hơn. Vì vậy cho nên chúng ta lúc nào cũng phải làm một việc gì, hoàn tất một cái gì đó, và khi không làm gì hết ta lại cảm thấy như là mình đang hoang phí sự sống.
Nhưng sự thật có phải là như vậy không?
Món quà của sự chờ đợi
Trong cuộc sống sẽ có những giây phút chờ đợi, bắt ta phải dừng lại, không làm gì hết. Nhưng chúng không phải là những thời gian vô ích, mà thật ra đó có thể là món quà quý giá mà cuộc sống thỉnh thoảng dâng tặng cho mình, nếu như ta biết cách tiếp nhận chúng.
Bà Jan Chozen Bays, một giáo thọ của dòng thiền Nhật Bản, có chia sẻ về một món quà quý giá mà sự dừng lại trong cuộc sống vội vã này có thể dâng tặng cho chúng ta. Bà viết:
“Trong đời sống, mỗi khi chúng ta bị bắt buộc phải dừng lại và chờ đợi, ví dụ như khi bị kẹt xe trên đường, ta thường có khuynh hướng muốn làm một cái gì đó để lảng tránh cái cảm giác chờ đợi khó chịu ấy. Ta mở radio lên, gọi điện thoại, xem email, hay ngồi đó bực dọc. Nhưng nếu như ta có một ý thức sáng tỏ về những giây phút chờ đợi ấy, chúng sẽ trở thành những cơ hội thực tập giúp mang lại sự tỉnh thức cho mình trong cuộc sống hằng ngày.
Chờ đợi là một sự kiện rất bình thường của đời sống nhưng lại thường gây cho chúng ta một cảm xúc khó chịu. Nhưng ta có thể biến đó trở thành một món quà tặng đặc biệt cho chính mình, một cơ hội, một thời gian để thiền tập. Và sự lợi lạc của nó cũng gấp đôi: trước hết, ta chuyển hóa được cảm giác khó chịu, tiêu cực của mình, và thêm nữa, bất cứ một giây phút nào của cuộc sống cũng có thể là một cơ hội thiền tập của ta.
Và sự thực tập này cũng rất đơn giản. Mỗi khi phải chờ đợi một việc gì, trước hết bạn hãy chú ý đến những cảm thọ nào đang có mặt trong thân mình, chúng là biểu hiện của những ý nghĩ và cảm xúc vội vã trong ta như là sự nôn nóng, bất an. Và mỗi lần ta không để cho những ý nghĩ và cảm xúc ấy biến thành quả trái, ví dụ như sự bực tức khi bị kẹt xe, hay nôn nóng vì người sắp hàng phía trước quá chậm, là ta đang làm giảm bớt đi năng lượng tiêu cực của những tập quán, thói quen xưa cũ trong tâm mình. Nếu như ta đừng để bánh xe tâm của mình tiếp tục lăn theo cùng một vết lún sâu trên con đường mòn dẫn ta đi xuống một đầm lầy, thì rồi một ngày vết lún ấy cũng sẽ được phủ lấp lại bằng phẳng như xưa. Cuối cùng rồi thì những thói quen bực tức, những phản ứng bức xúc của ta sẽ dần dần phai nhạt đi. Thật ra tiến trình này cũng chỉ là đơn giản như vậy thôi. Nó cần thời gian, nhưng rất có hiệu quả.
Đa số chúng ta thường hay đo lường giá trị ta bằng những năng suất của mình. Nếu như hôm nay tôi không hoàn tất một việc gì, nếu như tôi không viết được trang sách nào, gặp một người nào, nấu được chiếc bánh nào, kiếm thêm đồng nào, bán được một món hàng nào, mua được một món hàng nào, ký được hợp đồng nào… thì tôi đã hoang phí một ngày, tôi là người vô dụng. Chúng ta không bao giờ nghĩ rằng mình có được một giá trị nào hết, nếu như ta chỉ tiếp xúc với sự sống, và đơn sơ có mặt trong giờ phút hiện tại mà thôi. Và cũng vì nhận thức sai lầm ấy mà “chờ đợi” đã trở thành nguyên nhân của sự bất an, khi ta nghĩ đến những gì đáng lẽ mình có thể hoàn tất được trong giờ phút này.
Và nếu như bạn hỏi những người thân của mình xem họ thật sự cần gì nhất nơi bạn, chắc chắn phần lớn câu trả lời sẽ là họ cần “sự có mặt” hay là “thời giờ” của bạn. Sự có mặt của ta có một giá trị không thể nào đo lường được, vì đó là hạnh phúc, an vui, là sự mật thiết. Khi chúng ta biết buông bỏ những bận rộn và bớt đi những lao tác, trở về với với một sự tĩnh lặng tự nhiên, mình sẽ cảm thấy hạnh phúc, an vui và biết dung thứ hơn, cho dù chung quanh ta không có gì xảy ra. Đó là một món quà tặng quý giá mà không ai có thể mua được. Chúng là kết quả tự nhiên của một sự có mặt trọn vẹn trong giờ phút hiện tại. Và đó cũng là quyền bẩm sinh của mỗi người chúng ta, mà trong cuộc sống vì quá bận rộn mình đã vô tình đánh mất đi.”
Sự sống vẫn đang có mặt
Nhà văn Allen Sauder viết, “Sự sống là những gì xảy đến với chúng ta, trong khi mình đang bận rộn với những toan tính về các kế hoạch khác.“Life is what happens to us while we are making other plans”.
Cuộc sống vẫn đang diễn ra trong khi ta bận rộn với một dự án nào đó của tương lai: một chuyến đi, một cuộc gặp gỡ, một hợp đồng, hay một cấp bằng nào đó.
Mà tôi nghĩ chúng ta cũng đừng nên chờ đợi ở tương lai làm gì, vì những gì mình vừa mới đạt được là nó cũng vừa bắt đầu đang phai nhạt đi. Chúng ta chỉ có mỗi giây phút này thôi, dầu có vội vã đến đâu bạn cũng không thể nào sống trong hai giây phút cùng một lần được.
Trong những giây phút dừng lại, và có mặt với hiện tại, những dự án tương lai của ta có thể bị chậm bớt hay trì hoãn đi, nhưng bạn biết không, điều mà ta có thể sẽ tìm lại được trong giây phút ấy là cuộc đời của chính mình. Và dù ta có hoàn tất được gì hay không, sự sống nhiệm mầu, con đường hạnh phúc, vẫn đang hiện hữu ở bất cứ nơi nào mình thật sự có mặt.