Dharamsala cách Delhi 514 km đường bộ, một chặng đường không phải quá xa, nhưng nói theo kiểu “đổ thừa” là vì chưa có duyên, nên sau hai năm sống ở Ấn Độ tôi mới có dịp lên đó. Từ Delhi, ta có thể lên Dharamsala bằng ba phương tiện khác nhau: máy bay, tàu lửa và xe khách. Nhưng trong ba phương tiện này, việc đi lại bằng xe khách là phổ biến nhất, vì nó rẻ, lại đến tận nơi. Đi máy bay hẳn nhiên là nhanh, nhưng đắt đỏ hơn, mà mỗi tuần chỉ bay ba chuyến và luôn bị hoãn vì không đủ khách. Đi bằng tàu lửa thì có phần đỡ mệt, nhưng nhà gha cách chỗ đến 90 km, vì vậy lại gây bất tiện khi phải dùng đến phương tiện di chuyển thứ hai là taxi hay xe buýt. Rốt cuộc, đi bằng xe khách vẫn là phương tiện thuận tiện nhất, dù hơi mệt nhưng vẫn là sự lựa chọn của nhiều người.
Chúng tôi đi Dharamsala vào một ngày đầu tháng 9, khi thời tiết ở Delhi đã bớt nóng. Thường thì người ta vẫn thường tìm đến Dharamsala vào mùa hè để tránh nắng hơn là vào độ này. Từ tháng 7 đến tháng 9 ở Dharamsala trời thường mưa, mà nhìn chung thì chẳng mấy ai thích đi chiêm bái hay du lịch vào mùa mưa cả. Từ cuối tháng 9 nhiệt độ giảm dần, đến tháng 12 và tháng giêng thì xuống rất thấp, đến mức có tuyết rơi. Mùa xuân ở đây nghe nói là thời điểm lý tưởng nhất trong năm. Nghe nói chứ thú thực tôi cũng không rõ nó lý tưởng thế nào. Mà mùa xuân thì hình như ở đâu cũng là mùa đẹp nhất. Nói vậy chứ cũng không chắc lắm. Nhưng, dù đi Dharamsala vào thời điểm nào trong năm đi nữa cũng đều có cái thú của nó. Nghỉ mát, xem hoa rừng nở, ngắm lá đổi màu, nhìn tuyết rơi hay coi mưa núi, tất cả đều lý thú, phải không? Đó là nói đến những người lên đây với mục đích du lịch thông thường, còn để chiêm bái, nghiên cứu Phật pháp hay tu thiền thì mùa nào cũng tốt cả.
Dharamsala là một thành phố thuộc tiểu bang Himachal Pradesh, nằm dựa vào rặng Dhauladhar thuộc Hy-mã-lạp sơn, và phía dưới là thung lũng Kangra mờ mờ sương khói. Dharamsala chia làm hai khu vực: Kotwali Bazar cùng những vùng lân cận ở mạn thung lũng với độ cao trung bình 1250 mét và được gọi là Hạ Dharamsala; khu vực thứ hai là thành phố Mcleod Gunj và những vùng phụ cận với độ cao gần 1800 mét, được gọi là Thượng Dharamsala. Trong khi Hạ Dharamsala cư dân hầu hết là người Ấn thì Thượng Dharamsala, tức thành phố chính Mcleod Gunj, hầu hết dân chúng là người lưu vong Tây Tạng.
Dharamsala được thủ tướng đầu tiên của Ấn là Jawaharlal Nehru tặng cho đức Dalai Lama vào năm 1960 và nó đã trở thành nơi đóng trụ sở của chính phủ lưu vong Tây Tạng từ đó đến nay, và cũng được biết đến dưới một cái tên khác là Tiểu Lhasa (Little Lhasa). Hiện có khoảng tám ngàn người Tây Tạng lưu vong sinh sống ở đây.
Trước khi những người Tây Tạng đến, Dharamsala là một vùng đất hẻo lánh, ít người biết đến. Và cũng ít người biết rằng tại vùng đất này đã có thời Phật giáo hiện diện, mà ngài Huyền Trang trong ký sự của mình nói rằng có đến 50 tự viện và hai ngàn tăng sĩ. Nhưng sau đó khoảng chừng một thế kỷ, Phật giáo đã suy tàn tại nơi này khi Bà-la-môn giáo phát triển mạnh mẽ trở lại. Rồi vùng đất này đã vùi lấp lịch sử của nó trong suốt nhiều thế kỷ mãi cho đến thế kỷ 19 khi người Anh cai trị Ấn Độ và đặt địa điểm quân sự nơi đây. Tuy vậy, Dharamsala thực sự được biết đến và thu hút nhiều du khách phải từ sau khi đức Dalai Lama đến và cư ngụ.
Dharamsala chỉ là một thành phố nhỏ, với những phố xá men theo triền núi, có chút gì đó chơi vơi. Sau mùa mưa, đường sá bị xuống cấp nhiều. Những con đường vốn đã nhỏ, nay nhiều nơi bị sụt lở, khiến cho việc di chuyển bằng xe hơi đôi lúc khó khăn. Nhưng những tài xe ở đây họ đã quen với địa hình, nên có những đoạn đường mình thấy nguy hiểm và tưởng không qua được thì họ lại vượt qua rất bình thường.
Nhưng ở Dharamsala, di chuyển bằng xe có lẽ sẽ không thích bằng đi bộ, dù có hơi mệt một chút nhưng như vậy lại phù hợp ở vùng đất này, bởi thành phố không có gì lớn, đường sá nhỏ men theo triền núi với những đồi thông lâu năm và những khu rừng mờ ảo trong mây núi.
Ở những con phố chính, ta có thể nhìn thấy nhiều quầy quán của người Tây Tạng, bán đủ các mặt hàng từ truyền thống đến… hiện đại. Dạo quanh những con phố này, dù không mua sắm gì, chỉ xem những người Tây Tạng vừa bán hàng vừa lần chuỗi trì chú cũng thấy hay hay. Tôi không biết với những người Tây Tạng này, thì việc trì chú và bán hàng công việc nào là quan trọng hơn. Tôi có ghé vào một hiệu sách bán sách Phật học. Người bán sách là một người trung niên. Ông ta chỉ gật đầu chào một cái, rồi cứ mải miết trì chú, không quan tâm lắm việc có khách vào cửa hiệu của mình. Người Tây Tạng có niềm tin sâu sắc vào sự tái sinh, và cuộc sống này đối với họ cũng chỉ là một sự sửa soạn cho đời sống kế tiếp.
Nếu nghĩ lên Dharamsala nhằm vui chơi giải trí thì chắc không hợp lắm, vì ở đây không có những điểm du lịch hiện đại, sang trọng hay tráng lệ, cũng chẳng có thành quách đền đài miếu mạo cổ kính gì.
Dharamsala là một địa điểm thích hợp để tu tập và nghiên cứu. Thời tiết và khung cảnh thiên nhiên tĩnh lặng nơi đây sẽ giúp nhiều cho điều đó. Ở đây có những trung tâm nghiên cứu Phật học và tu thiền, cũng có cả trung tâm dạy Yoga. Ta cũng có thể biết thêm sinh hoạt của giới tăng sĩ Tây Tạng, một vài phong tục tập quán của họ, và xem những người Tây Tạng lưu vong họ sống ra sao ở nơi đây. Còn những người nào muốn biết phương pháp tranh luận theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng cũng có thể đến đây tìm hiểu, tại các chùa Namgyal và Tsuglag Khang vào buổi tối. Tu viện Tsuglang Khang nằm đối diện nơi ở của ngài Dalai Lama. Dù thích hay không thích tranh luận, xem phương pháp họ thực tập tranh luận nhằm mục đích “phá tà hiển chánh” hay “làm sáng tỏ giáo nghĩa” cũng là điều cho ta ngẫm nghĩ, nếu muốn nghĩ.
Ở Dharamsala, nếu muốn biết văn hóa ẩm thực của người Tây Tạng thế nào, thì nên ghé vào những quán ăn của họ. Văn hóa ẩm thực của người Tây Tạng thực ra không có gì phong phú. Món ăn truyền thống và được giới thiệu nhiều là thukpa – một loại mì nước, và momo – một dạng bánh bao nhỏ dẹp. Và cũng nên biết rằng, hai món ăn phổ biến này đều có cả mặn lẫn Tất nhiên là ngoài hai món này còn có những thứ khác nữa. Nhưng nói chung là ăn để cho biết, còn để trừ bữa trong một thời gian dài thì đối với người Việt, phải thật sự cố gắng mới được.
Và còn nếu ưa thích leo núi, thưởng thức sự hùng vĩ của núi rừng và xem sự biến đổi đột ngột lạ thường của thời tiết thì ta có thể trèo lên núi Triund. Triund cách Mcleod 9 km, một trong những ngọn núi cao nằm sau rặng Dhauladhar. Lên đây ta có thể chứng kiến sự kỳ ảo của thiên nhiên. Và ai đã đọc bài kệ trong kinh Kim Cang “nhất thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh, như lộ diệc như điển, ưng tác như thị quán” mà chưa có dịp “quán” thì đây là nơi chốn thích hợp nhất để quán, để thấy được sự biến đổi nhanh chóng và không thật của các pháp hữu vi! Trên Triund cũng có nhà trọ cho những ai muốn nghỉ lại đêm để thưởng thức hơi lạnh của núi rừng và ngắm trăng. Lãng mạn quá chăng?!
Tôi quay lại Delhi sau năm ngày ở Dharamsala. Chủ nhà gặp tôi, hỏi ở Dharamsala có gì đặc biệt không. Tôi cười, nói có nhiều thứ nhưng vẫn không kể với ông những điều cụ thể, mà thú thực tôi khó có thể nói được cụ thể những gì mình nghĩ là đặc biệt. Mấy ngày sau khi trở về, câu nói của vị sư Tây Tạng – người đưa chúng tôi lên núi – vẫn còn khiến tôi thấy xốn xang, “Ba mẹ tôi đã mất. Tôi còn lại ba người anh em bên đó. Thỉnh thoảng thấy nhớ quê, nhất là khi hay tin người dân của mình bị đàn áp”. Sư đã trả lời như vậy khi có người trong đoàn hỏi, “sư có nhớ Tây Tạng không?” Nhà sư này đã trốn đến Dharamsala sau khi bị Trung Quốc cầm tù một thời gian ở trên quê hương của mình. Số phận những con người, của một nền văn hóa, của một dân tộc, nhiều khi chỉ là quân bài trong tay các ông lớn.
Dharamsala có gì đặc biệt? Nhiều lắm. Nhất là sương mù. Nhưng không phải lên đây để thấy sương mù rồi trở về hối hận làm thơ kiểu như Đỗ Phủ (cũng có tài liệu nói Tô Đông Pha) khi viếng Lô sơn:
Lô sơn yên tỏa Chiết giang triều
Vị đáo bình sinh hận bất tiêu
Đáo đắc hoàn lai vô biệt vị
Lô sơn yên tỏa Chiết giang triều.
Mù tỏa Lô Sơn sóng Triết Giang
Khi chưa đến đó hận muôn vàn
Đến rồi về lại không gì lạ
Mù tỏa Lô Sơn sóng Triết Giang.
(HT. Mật Thể dịch)
Dharamsala không chỉ là mù sương. Ẩn khuất trong sương mù đó có nhiều điều khá lý thú. Đến khắc biết!
[Tập san Pháp Luân, số 85]