NHẬT KÝ GIÁO DƯỠNG TUỔI TRẺ
ĐEM CHÁNH NIỆM VÀ TÌNH THƯƠNG
VÀO NHÀ TÙ TIỂU BANG CALIFORNIA
Từ xa lộ cao tốc I-80 hướng về El Dorado Hill, chúng tôi rẽ trái trên Folsom Blvd, xuyên qua phố thị lẻ loi. Gần bờ hồ Folsom, một nhà tù rất lớn nằm dưới thung lũng của những ngọn đồi đẹp bao bọc, hàng trăm cây sồi California native oaks hiện ra thật vững chải nhưng buồn tẻ. Thỉnh thoảng chúng tôi thấy những đàn gà Tây và những chú nai ngơ ngác bước nhẹ trên đồi. Cảnh trí bên ngoài ở đây thật bình yên đến vắng lặng.
Thế đấy mà đã hơn 4 năm rồi, chúng tôi vào tù để đem thông điệp chánh niệm và từ bi để chia sẻ cho những tù nhân, trong đó có những vị đồng hương Việt Nam, đa số là còn trẻ. Chúng tôi là những thiện nguyện viên của Buddhist Pathway Sangha (BP3) vào nhà tù an ninh tối đa Folsom State Prison (B-yard) của tiểu bang California.
Xin mở ngoặc, nhà tù Folsom State Prison, viết tắc là FSP, mở cửa vào năm 1880, là nhà tù an ninh tối đa maximum security prison, lớn thứ hai và lâu đời nhất trong tiểu bang, sau khi nhà tù SanQuentin. Nhà tù FSP nằm ở thành phố Folsom, CA, khoảng 20 dặm (30 km) về phía Đông Bắc của thủ phủ Sacramento. Nhà tù FSP khá nổi tiếng bởi vì nhạc sĩ Mỹ nổi tiếng Johnny Cash đã thu album live và năm 1968. Theo trang nhà California Department of Corrections and Rehabilitation (Sở Cải Huấn và Phục Hồi Chức Năng California, http://www.cdcr.ca.gov/Facilities_Locator/FSP-Institution_Stats.html), theo thống kê năm 2013-2014, nhà tù FSP có 3023 tù nhân nam và có 307 tù nhân nữ (bị nhốt riêng ở nhà tù trong khu vực khác), tổng cộng là 3330 tù nhân và có 1058 nhân viên làm việc (Custody Staff: 562, Support Staff: 301, Healthcare Staff: 195. Annual Operating Budget, $130 million), không tính những người thiện nguyện viên như chúng tôi; và tốn 130 triệu Mỹ kim mỗi năm để hoạt động. Nghĩa là có 1 người chăm sóc 3 người tù nhân, trong khi đó chúng tôi là giáo viên trung học, 1 người phải chăm lo đến 165 học sinh mỗi ngày. Với giá 130 triệu mỗi năm, để giữ 3330 tù nhân thì tốn đến $39,039 cho mỗi tù nhân, mỗi năm. Trong khi đó, theo thống kê ở tiểu bang California (http://www.governing.com/gov-data/education-data/state-education-spending-per-pupil-data.html), mỗi năm chỉ chi có $9,220 cho mỗi học sinh ở trường học công cộng, K-12 public school.
Từ năm 1997, dưới sự lãnh đạo và thiện nguyện tận tình của Bà Diane Wilde, Buddhist Pathway Sangha (BP3), một tổ chức bất vụ lợi, đưa những tình nguyện viên vào tù để mang triết lý Phật giáo, nghi lễ, đem phong trào chánh niệm và hướng dẫn thiền định cho các tù nhân đang ở trong những trại tù tiểu bang California. Đến nay, BP3 đã đưa chương trình này đến với 17 nhà tù lớn nhỏ ở tiểu bang California, từ sa mạc high desert đến thị thành Sierra Conservation Center. Triết lý Phật giáo nhấn mạnh vào hành vi đạo đức và thực hành thiền định để có cái nhìn sâu sắc mà phát sanh lòng từ. Thực tế là nhiều tù nhân có quá nhiều khổ đau của chính mình và đã gây đau khổ cho người khác. Thêm vào đó, những người tù nhân này đang sống trong một môi trường rất phức tạp, bạo động và đôi khi vô vọng. Nên chương trình này thành lập nhằm cung cấp cho các tù nhân phương tiện cần thiết, công cụ, tài nguyên và kỹ năng sống hầu thay đổi cuộc sống của họ khi còn bị giam giữ hoặc khi được thả ra.
Khi vào tù làm thiện nguyện, thì chúng tôi thường đi chung, 2 hoặc 3 người vì những thủ tục rườm ra và an toàn cho mình. Trước khi vào đó, chúng tôi phải đi học về hệ thống nhà tù, các nhóm băng đảng, kiểm tra sức khoẻ, làm hồ sơ không bị phạm tội, chính ngừa ho lao, v.v… Chúng tôi phải lái xe gần 40 phút, rồi đậu xe và đến cổng để trình trước khi vào bên trong, những người canh tù bắt chúng tôi phải ghi tên và ngày giờ vào mới có lý do chánh đáng. Chỉ có những người có trách nhiệm và nhân viên mới vào được cổng này. Tất cả mọi xe cộ và người ra vào đều phải được kiểm tra. Sau đó, chúng tôi đến Sally Port, nơi có hai hàng lớp kẽm gai, chính giữa là luồng điện sống. Trên tháp canh giác tù (observation tower) có những nhân viên an ninh vạm vỡ đang canh chừng với súng đạn và nhiều máy ghi hình (camera) bao vây. Cá nhân tôi đã thuộc lòng lời dặn của tiến sỹ Gus Koehler, người bạn Phật giáo cùng lý tưởng, dặn dò tôi vào tối đầu tiên là không bao giờ chạy trong bất cứ mọi hoàn cảnh khi ở bên trong nhà tù vì “khi chạy có thể mình bị bắn”.
Mỗi khi vào, chúng tôi sắp đặt bàn thờ Phật, tụng kinh, tập yoga, ngồi thiền, và chia sẻ Phật pháp. Sau đó hồi hướng và tiễn đưa. Đã mấy năm rồi, vào ra nhà tù một cách thong dong tự tại như thế bỗng dưng lại thấy ‘bị nghiền’. Bận quá không vào chia sẻ thì tù nhân đợi chờ. Bên trong, những tù nhân cũng gọi mình là nhóm học Phật, tăng thân (Sangha) mỗi khi vào thì năng lượng tu học của mình lại có thêm. Đó là những cảm giác êm đềm, an nhiên và tự tại mà chúng tôi đã viết lần đầu tiên vào ra cửa tù FSP.
VÀO RA TỰ TẠI
Vào tù ra khám trong tự tại
Cảm giác nào thoải mái như vầy
Niềm an lạc giữa nơi tù tội
Hạt bồ đề đạo pháp nhiệm mầu
Những tử tội một lần dại dột
Nay ngồi tù hối hận trong lòng
Về cửa Phật tĩnh tâm thiền định
Gieo hạt lành ngay giữa long đong
Tối nay trong khám nhiều lợi lạc
Người canh tù cũng được bình yên
Kẻ tử tội tìm về bến giác
Bốn vách tường. Độc Lập. Tự Do.
Tối nay ra khám bao vẻ đẹp
Con nai vàng ngơ ngác nhìn tôi
Vầng trăng sáng im lìm ngỏ hẹp
Nghe thênh thanh một lối đi về
Folsom State Prison, CA.
November, 2011.
IN and Out at Will
To Gus, Jeff and Joette
I am in and out of the maximum-security state prison at will
What a release…
A comfortable feeling.
Finding peace, even bliss in this violent prison place
Even here Dharma seeds are sown
It is a miracle
The criminal elements, once foolish
Now show remorse and regret inside the prison
They come to the Buddha’s door and join the meditation retreat,
Personally sowing their own fresh Dharma seed in the middle of stagnancy and uncertainty.
Tonight I see many benefits for the inmates
Even the prison guards are peaceful
The criminals look for ways to be transformed by finding
In the Chapel of cement cold walls true independence and freedom.
Tonight I came out of jail and found how beautiful things really are
The golden deer look at me bewildered
The crescent, Dormant, moon light is sparkling the night.
I listen to my footsteps on an immense footpath going home.
Folsom State Prison, CA.
November 2011.
Hình ảnh và sự biểu hiện lợi lạc của những tù nhân cũng như người tiếp cận là động cơ để mình tiếp tục vào tù để chia sẻ mặc dù bận bịu với công ăn việc làm và đời sống hằng ngày. Đáng lý ra, chúng tôi sẽ không viết những loạt bài này, nhưng có những lời góp ý hữu lý từ những người anh khả kính, khuyên rằng chúng ta giúp những người trong tù thì tốt nhưng giúp những người ở ngoài tù thì càng tốt hơn.
Nói tóm lại, mặc dù tiểu bang California (CDCR – Sở Cải Huấn và Phục Hồi Chức Năng California) đã tốn rất nhiều tiền và nhân sự để cai quản tù, nhưng cuộc sống của tù nhân rất đơn lẻ, buồn tủi, phức tạp, bạo động và đôi khi là vô vọng, nên chúng tôi hy vọng là chúng ta hãy làm mọi cách để thiểu giảm (từ thuở ban đầu) đưa con người vào tù, nhất là con em Việt Nam của chúng ta. Chúng tôi cũng hy vọng sẽ có thêm nhân sự để vào tù hầu trao truyền thông điệp tỉnh thức của đấng Như Lai, giúp đời bớt khổ. Nếu quý độc giả, muốn biết thêm chi tiết, xin thăm trang nhà http://www.buddhistpathways.org/ hoặc liên lạc với chúng tôi ở trang nhà www.phebach.com.
Bạch X. Phẻ
Sacramento, ngày sinh nhật chị Sáu.