GIỚI THIỆU DỰ ÁN PHIÊN DỊCH TỪ ĐIỂN PHẬT HỌC PRINCETON
(The Princeton Dictionary of Buddhism,
Donald Lopez và Robert Buswell Chủ biên)
Trong lịch sử dài lâu và đa chiều của Phật giáo, việc kết tập kinh điển, biên tập và phiên dịch luôn được xem là những viên đá tảng cho sự trưởng dưỡng tuệ học và cho sứ mệnh hoằng pháp, độ sinh. Ở phương diện cung cấp những phương tiện tra cứu và tham học, các công trình từ điển và bách khoa thư Phật học truyền thống ở khắp Á Châu đã vun bồi nền móng vững chắc qua nhiều thế kỷ, từ Mahāvyutpatti ở thế kỷ thứ IX cho đến những bộ bách khoa thư vĩ đại của thời cận đại. Việc gặp gỡ của Đông và Tây, cùng sự bừng khởi của giới nghiên cứu Phật học chuyên sâu trong thế kỷ XX, lại một lần nữa mở toang cánh cửa dẫn vào kho tàng bất tận của giáo pháp Như Lai.
Trong bối cảnh ấy, The Princeton Dictionary of Buddhism (Từ Điển Phật Học Princeton), do hai học giả Donald S. Lopez Jr. và Robert E. Buswell Jr. chủ biên, được xem như kết tinh của hơn mười hai năm khảo cứu công phu, dựa trên những thành tựu của nhiều thế hệ tiền bối và sự đóng góp của rất đông nhà nghiên cứu hiện đại. Tập đại thành hơn một triệu từ vựng này không chỉ làm nổi bật chiều sâu và bề rộng của giáo nghĩa nhà Phật qua các truyền thống Sanskrit, Pāli, Hán, Tạng, Nhật, Hàn, mà còn mở ra cánh cửa cho những phương ngôn và nền văn hóa Phật giáo tại các quốc gia: Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Việt Nam… Từ đó, nội hàm của các thuật ngữ giáo lý, các dòng truyền thừa, các nhân vật lịch sử và các văn bản kinh điển được phác họa một cách bách khoa, giúp người đọc tiếp cận cả nền tảng văn bản lẫn những ý nghĩa ẩn tàng về mặt tư tưởng và thực hành.
Cũng vậy, bước vào thế kỷ XXI, lĩnh vực nghiên cứu Phật học đã và đang nở rộ khắp các đại học lớn trên thế giới; và không dừng ở biên cương hàn lâm, người tu tập cũng như hành giả cư sĩ phương Tây ngày càng quan tâm tìm hiểu Phật pháp trên mọi bình diện, từ tông phái cho đến văn hóa, nghệ thuật và thiền quán. Nhu cầu về một bộ từ điển hàn lâm đi sâu vào từng chi tiết có thể trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Đối với cộng đồng Phật học Việt Nam, việc chuyển dịch The Princeton Dictionary of Buddhism sang Việt ngữ không chỉ mở rộng nguồn tài liệu tra cứu cho giới học thuật trong nước, mà còn ứng dụng dòng chảy truyền thống phiên dịch kinh điển từ thời Tổ sư Thiền Việt Nam—Ngài Khương Tăng Hội đến thời Đinh, Lê, Lý, Trần, Nguyễn cho đến thế kỷ XX. Người Việt khi tham cứu giáo nghĩa Như Lai qua Hán tạng, Tạng ngữ hay Anh ngữ, vẫn cần một nhịp cầu tương thông để đến gần hơn với những khái niệm và thuật ngữ căn bản mà truyền thống Phật giáo thế giới đã hình thành và sử dụng trong suốt hơn hai nghìn năm qua.
Xin được nói thêm mục tiêu và tinh thần chủ đạo của dự án này. Trên hết là nhằm giới thiệu tài liệu nghiên cứu Phật học quý báu đến giới nghiên cứu, sinh viên các Phân khoa Phật học, và đại chúng như một phương tiện chuyên sâu để tiếp cận với Phật pháp. Trong bối cảnh đương đại, khi số lượng học giả và người quan tâm đến Phật giáo không ngừng tăng lên, việc tiếp cận một công cụ tra cứu bách khoa có tầm vóc quốc tế như The Princeton Dictionary of Buddhism càng trở nên cấp thiết.
Dự án Phiên dịch Từ Điển Phật Học Princeton hiện do nhóm học giả và chư vị xuất gia, cư sĩ nhiều kinh nghiệm đảm trách, dưới sự chứng minh và cố vấn của Giáo Sư Tiến Sĩ Lê Mạnh Thát (Cố vấn – Chứng minh) và Tỉ-khưu Thích Nhuận Châu (Chuyên dịch)
Dự án phiên dịch đã khởi động từ cuối năm 2020, đến nay phần dịch Anh sang Việt do Thầy Thích Nhuận Châu đảm trách đã hoàn tất. Nay đến công đoạn biên tập.
Ban biên tập gồm có:
- Hán, Nhật, Hàn: Tỉ-khưu Thích Nhuận Thịnh
- Phạn ngữ, Pāli: Sư Cô Thích Nữ Tuệ Không
- Tây Tạng: Cư sĩ Đạo Sinh Phan Minh Trị
- Anh ngữ: Tỉ-khưu Thích Minh Hải; Cư sĩ Tâm Thường Định-Bạch Xuân Phẻ
- Việt ngữ: Tỉ-khưu Thích Nhuận Châu; Sư Cô Thích Nữ Thường Tuệ.
Kỹ thuật: Trí Nhân, Nguyên Túc, Nhuận Pháp, và Quảng Pháp
Giới thiệu và truyền thông: Trang nhà Hội Đồng Hoằng Pháp; Trang nhà Thư viện Phật Việt; Lưu trữ: tudienphathoc.net (website đang được xây dựng)
Có thể nói, thành phần nhân sự được phân công chi tiết, từ những vị chuyên trách Hán – Nhật – Hàn, Phạn – Pāli, Tây Tạng, Anh ngữ cho đến ban Việt ngữ, hầu bảo đảm mức độ chuẩn xác và trọn vẹn nhất cho quá trình chuyển dịch. Tính quy mô cũng được bộc lộ qua những bước kỹ thuật chặt chẽ, từ việc chia nhỏ bản thảo hơn hai ngàn trang thành từng tệp, đến quy trình đọc duyệt liên hoàn, biên tập có đánh dấu màu để kiểm soát sự sửa đổi của từng ngôn ngữ.
Theo dự kiến, chỉ riêng giai đoạn biên tập cũng cần ít nhất mười hai tháng để hoàn tất. Hẹn kỳ cuối năm 2025, nhân dịp Lễ Đại Tường của Hòa Thượng Ân Sư Thích Tuệ Sỹ, dự án sẽ ra mắt qua hai ấn bản: một in trên giấy theo lối sách tham khảo truyền thống, và một bản điện tử tương tác trực tuyến. Dự án chia thành 4 tập/file, mỗi tập khoảng 500 trang, đòi hỏi sự kiên trì, tâm huyết và tính chuyên môn. Với số lượng hơn 2.200 trang chữ, dự án phiên dịch này hẳn nhiên mang đến một nguồn tư liệu đồ sộ. Sách in giấy không những mang giá trị tư liệu, mà còn nhắm đến đối tượng quen tiếp cận sách in; trong khi đó, bản điện tử sẽ hỗ trợ tra cứu trực tuyến trên các thiết bị công nghệ, mở rộng phạm vi phổ biến, thuận tiện cho mọi người.
Dĩ nhiên, trước khi được ấn hành chính thức, mọi nội dung cần qua sự duyệt xét cẩn trọng của vị cố vấn, đồng thời phải tuân thủ những điều kiện bản quyền được Đại học Princeton cho phép.
Trong phương pháp tiến hành, nhóm dịch giả chọn cách dịch từng mục từ trong nguyên bản Anh ngữ, theo thứ tự alphabet của từ gốc, đồng thời chú giải cẩn trọng các phiên thiết từ Sanskrit (S), Pāli (P), và trong trường hợp cần thiết, ghi chú “V.” để người đọc tiện tham chiếu sang Việt ngữ tương ứng. Phương pháp này giúp đảm bảo tính hệ thống, dễ tra cứu, đồng thời tôn trọng nguyên tác, tránh tình trạng dàn trải hay lược bỏ không cần thiết.
Việc thực hiện dự án mang ý nghĩa kế thừa tinh thần của các chư Tổ—từ những bộ đại từ điển Phạn-Hoà, Pali-Hoà của Nhật Bản, đến nỗ lực Mahāvyutpatti của vua Tây Tạng xưa—đồng thời mở ra cầu nối cho những nghiên cứu giao thoa giữa Phật học và các khoa học xã hội đương đại. Bằng tâm nguyện “Duy tuệ thị nghiệp” và Hoằng pháp lợi sinh,” của hàng xuất gia và tinh thần Hộ trì chánh pháp của hàng cư sĩ, công trình này hướng đến giới Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước, mong dự án trở thành nhịp cầu đối thoại giữa những truyền thống và vùng địa lý khác nhau; qua đó, đưa nền Phật học Việt Nam sánh bước cùng dòng chảy Phật học đương đại trên thế giới.
Có thể thấy, với dung lượng và tinh thần bách khoa, Từ Điển Phật Học Princeton là minh chứng hùng hồn cho nỗ lực hợp tác nghiên cứu Phật giáo xuyên biên giới của các học giả đương thời, như thể nối dài tinh thần “pháp giới duyên khởi” trong lĩnh vực học thuật. Và bản Việt ngữ đang thành hình chính là món quà vừa trang nghiêm, vừa giá trị mà những người làm công việc hoằng dương chánh pháp muốn trao gửi cho cộng đồng nghiên cứu cùng hành giả hôm nay. Nguyện đem thành tựu viên mãn của công trình này cúng dường lên mười phương Tam Bảo, lợi lạc quần sinh, báo đền ân đức sâu dày của chư Tổ và các bậc tiền nhân đã nỗ lực giữ gìn, trao truyền ngọn đuốc tuệ của Đức Bổn Sư suốt hơn hai nghìn năm qua.
Tóm lược lại, dự án phiên dịch Từ Điển Phật Học Princeton thể hiện hạnh nguyện của nhóm chủ trương, trên cầu học đạo, dưới phụng sự chúng sanh và muốn trợ giúp giới nghiên cứu Phật học đương thời, được soi sáng bởi quy trình tổ chức chặt chẽ, quan điểm học thuật nghiêm túc và sự khéo léo dung hợp giữa truyền thống cùng xu thế quốc tế. Dự án mang tính hàn lâm này được dịch sang Việt ngữ sẽ giúp quý độc giả có thể thưởng lãm, thấu hiểu và vận dụng, hầu mở rộng tầm nhìn trên con đường học hỏi và hành trì giáo pháp của Đấng Từ Phụ, Thích Ca Mâu Ni.
Tâm Thường Định
Sacramento, CA. Đầu Xuân Ất Tỵ, 2025.
Tham khảo: https://press.princeton.edu/books/hardcover/9780691157863/the-princeton-dictionary-of-buddhism