Trước đây mình rất sợ ma, sợ tới nỗi tối không dám đi vệ sinh một mình. Nỗi sợ ấy kéo dài, đến khi vào đại học vẫn còn sợ, dù chẳng bao giờ nhìn thấy mặt mũi con ma nó ra làm sao.
Cách đây khoảng hơn 10 năm thì nỗi sợ ấy biến mất, gần như biến mất hoàn toàn, khi tôi tiếp xúc sâu với Phật giáo. Từ chỗ hiểu ra bản chất của sinh mệnh và sự thống khổ của các kiếp sống (cảnh giới trong lục đạo), cảm ngộ được sự trầm luân của tất cả trong vòng sinh diệt bất tận miên viễn, một nguồn xúc cảm thương yêu dâng lên khiến nước mắt trào ra. Từ đó, nỗi sợ đã được thay bằng tình yêu. Không những không còn sợ mà ngược lại, thấy “họ” thật gần gũi và đáng thương, họ cần được chia sẻ và đồng cảm; không có lý do gì để sợ hãi hay xa lánh “họ” cả. Nỗi sợ hãi đã được xua tan đi như thế.
Rồi tôi nghĩ, cái gọi là “dũng khí” trong con người thực ra chỉ là sự biểu hiện của tình yêu. Khi ta có tình yêu thương dành cho tha nhân thì ta có “bản lĩnh”; tình yêu thương càng lớn, bản lĩnh càng lớn; tình yêu thương đến mức coi mọi người như con một thì thành người đại dũng.
Sự nhát sợ của phần đông bây giờ, trong đó đáng buồn nhất là sự nhát sợ của giới “trí thức” trước các thế lực đen tối trong xã hội, phải chăng là do ta chưa đủ tình thương dành cho con người? Lòng ái kỷ của ta mạnh hơn tất cả, ta yêu bản thân mình tới nỗi trở nên hèn nhát cốt để bảo vệ cái bản ngã của ta? Phải chăng sự hèn nhát không hẳn là biểu hiện của sự thiếu hiểu biết mà sâu hơn, là việc ta thiếu đi lòng từ ái? Phải chăng chúng ta đang sống trong một xã hội không phải là hèn nhát mà là khô cằn về tình người?
Và phải chăng, “tri thức” phải được dùng để đánh thức nhân tính trong con người; chỉ khi ấy tri thức mới thật sự là thứ có ý nghĩa? Và người trí thức, thay vì dùng tri thức để vinh thân phì gia thì nên dùng nó cho việc đánh thức “tính bản thiện” trước nhất?
Hãy xem gà mẹ vụng về xông vào con diều hâu vuốt sắc với sự uy dũng để bảo vệ những đứa con thì ta hiểu cái gì đã khiến nó bỗng chốc “hóa anh hùng”. Và với bản thân ta, ngay cả nỗi sợ chết cũng biến mất khi thấy con cái ta gặp nguy hiểm. Chỉ có thể là tình yêu.
Dường như đó là một bài học khá giản dị, dễ hiểu nhưng khó hành? Có lẽ thế…