Bà ngoại của các con tôi mất đã mười năm và an táng trên nghĩa trang gần nhà. Mộ bà cụ nằm trên vùng đất cao rất đẹp và chung quanh còn nhiều đất trống. Chôn cất mẹ xong, gia đình tôi mua hai phần đất. Thật ra khi mua đất không hẳn với ý định một ngày sẽ chôn ở đó. Anh chị em chúng tôi chỉ muốn mẹ yên tĩnh, không bị quấy rầy khi nằm gần người lạ, và cứ thế chia nhau mua hết những phần huyệt chung quanh mộ mẹ.
Mẹ nuôi ở Hòa Hưng của tôi ở Việt Nam thì khác. Trước đây, khi ba chúng tôi mất, gia đình có ý định khi mẹ trăm tuổi sẽ an táng bên cạnh ba để con cháu dễ dàng thăm viếng. Khi đó mẹ còn khỏe nên chưa nói gì. Khi mẹ chúng tôi trở bệnh nặng và biết mình có thể không còn sống bao lâu nên dặn dò các con: “Một mai khi mẹ qua đời, đừng chôn cất mà hãy hỏa thiêu và đem tro cốt về Quảng Nam rắc xuống sông Thu Bồn”.
Mẹ rất minh mẫn cho đến hai tuần cuối của đời mình. Các em tôi nghe lời mẹ nhưng không ai dám nghĩ đến một ngày mẹ sẽ qua đời.
Sông Thu Bồn chảy dài nhiều trăm dặm từ vùng trung du xuống Hội An là thánh tích của người dân xứ Quảng. Phía sau những rặng tre già nghiêng mình soi bóng, những bãi dâu xanh ngát dọc bờ sông, bao nhiêu thế hệ Quảng Nam, trong đó có mẹ, đã sinh ra và lớn lên. Họ khác nhau về thế hệ, hoàn cảnh trưởng thành và ước vọng riêng tư nhưng cùng có chung một tình yêu tha thiết dành cho dòng sông nuôi lớn tâm hồn yêu người như yêu quê hương của họ. Mẹ rời quê hương vào Sài Gòn sinh sống đã mấy chục năm nhưng vẫn giữ nguyên vẹn một tình cảm sâu xa dành cho dòng sông của tuổi thơ và nơi chôn nhau cắt rốn.
Dĩ nhiên trong lòng chúng tôi không muốn vì như thế sẽ không còn gì nữa. Làm con ai cũng mong mỗi dịp lễ Thanh minh được ngồi quây quần bên mộ mẹ, lắng nghe lời mẹ như vọng về từ cõi trời Đao Lợi trên đỉnh Tu Di. Làm con ai cũng muốn ngày Vu lan được dâng lên mộ mẹ những cành hoa tươi đẹp biểu tượng cho lòng hiếu thảo. Rồi các thế hệ con cháu nữa, chúng cũng cần được biết nơi ông bà đã yên nghỉ ngàn thu.
Những ngày bệnh, mẹ vẫn nhận ra giọng nói của tôi gọi về nhưng mỗi ngày một yếu hơn. Và cuối cùng mẹ ra đi khỏi cuộc đời này. Mẹ ra đi trong thanh thản, nhẹ nhàng. Ngày mẹ mất, ý nguyện mẹ lại được đem ra bàn thảo và cuối cùng gia đình đồng ý sẽ làm đúng với ước nguyện của mẹ.
Sáng sớm hôm 25 tháng 12 năm 2014, thân tứ đại của mẹ được đưa đi thiêu. Tro cốt tạm gởi trong chùa ở Hòa Hưng, vài tuần sau đó, các em tôi đưa về Quảng Nam và rắc xuống sông Thu Bồn. Mẹ trở về với nơi mẹ sinh ra và từ đó ra đi. Thân tứ đại hòa tan theo dòng nước, chảy ra Cửa Đại để hóa thân trong cuộc biến diệt không cùng của thời gian và vũ trụ.
Suy nghĩ cho cùng, lời dặn dò của mẹ là đúng. Vẫn biết cây có cội nước có nguồn nhưng cội nguồn tâm linh mới thật sự là vĩnh cửu. Mẹ không để lại gì nhưng thật ra mẹ để lại rất nhiều. Mẹ đang để lại cho con cháu không phải là hình tướng, dù đó là bia mộ cao sang hay chỉ là một hạt bụi tro trong bình, mà là tình thương.
Tình thương là ngôi đền thiêng liêng nhất trong trái tim của mỗi con người dành để thờ cha mẹ bởi vì ngôi đền xây dựng bằng chất liệu tình thương sẽ không bao giờ sụp đổ. Nhân loại sau bao nhiêu chiến tranh tàn phá, độc tài, tội ác mà vẫn còn tồn tại hôm nay nhờ vào tình thương.
Tôi thương mẹ Hòa Hưng. Trong hầu hết những bài thơ viết về các bà mẹ Việt Nam, tôi đều có gởi gắm vào đó ít nhiều tấm lòng cao cả của mẹ Hòa Hưng, một người mẹ Việt Nam hy sinh không điều kiện.
Dường như là đặc tính tự nhiên để bù lại khoảng trống vắng tình thương trước đó nên dù khi về ở với mẹ tôi đã 18 tuổi mà thường quấn quít bên mẹ nhiều hơn các em nhỏ tuổi hơn tôi. Mẹ tôi bán bánh bèo đầu đường nên mồ hôi thấm trên vai. Nói ra có chút mắc cỡ nhưng khi đi học về tôi thường kê mũi lên vai mẹ hít một hơi dài. Bây giờ các em tôi vẫn còn nhắc.
Tôi tin cuộc đời này là chuỗi nhân duyên nối kết. Mẹ không sinh tôi ra nhưng hẳn có duyên với nhau từ xa xôi trước nên dù tôi lang bạt nhiều năm cuối cùng đã trở về với mẹ cho hết cuộc đời mình.
Ngày nghe tin mẹ mất tôi ngồi ngơ ngác suốt ngày. Tôi cảm thấy những nỗ lực của mình cho Việt Nam đã mất đi nhiều ý nghĩa. Tôi tự nghĩ, trước nay vẫn tưởng mình là người yêu nước bằng tình yêu trong sáng, thật ra, một phần không nhỏ là do yêu chính mình. Tình mẹ đẹp như sông Thu Bồn chảy qua ngôi làng nhỏ mà mẹ sinh ra và bao dung như sông Hằng ở Vanarasi, nơi tôi ngồi im lặng để nhớ về những ngày sống bên mẹ.
Dù sao, tôi đã gởi con gái lớn về thăm mẹ hai lần để con tôi biết ơn dòng sông từ bi bác ái đã một thời chảy qua đời tôi và sẽ chảy qua ý thức của các con tôi dù chúng sinh ra và lớn lên trên nước Mỹ.
Tôi không còn cơ hội để gặp lại mẹ trong cuộc đời đầy trắc trở của tôi nhưng sợi nhân duyên không phải vì thế mà đứt đoạn. Thân tứ đại sẽ trở về tứ đại nhưng tình thương của mẹ sẽ mãi sáng như vầng trăng tròn trên sông Thu Bồn vời vợi. Và tôi tin, trong cuộc tuần hoàn biến diệt không cùng, tôi sẽ gặp lại mẹ lần nữa như đã một lần hạnh ngộ trên quê hương Việt Nam.
Cách đây không lâu tôi dặn vợ nếu một mai tôi chết đừng chôn cất trên phần đất đã mua mà hỏa thiêu và lấy một chút tro làm biểu tượng, gởi đâu đó trong chùa chờ dịp đem về rắc xuống sông Thu Bồn. Vợ tôi thắc mắc: “Rắc đâu cũng được tại sao phải rắc xuống sông Thu Bồn?” và tôi trả lời: “Làm vậy để hợp với nguyện ước rất là thơ của mẹ”.
(trích Đêm nghe tiếng hát sông Hằng | Tuyển tập những tản văn trong tinh thần Phật giáo và Xã hội I Trần Trung Đạo)