Nhân ngày Đại tường cố Hòa thượng Minh Châu, môn đồ của Ngài cho ra mắt tập kỷ yếu với nội dung ghi lại những kỷ niệm vui buồn của môn đồ, của người thân đối với vị Thầy khả kính của mình.
Người viết vốn không phải là đệ tử của Hòa thượng, cũng không phải là tông môn Tổ đình Tường Vân, nhưng lại có vinh hạnh được sống gần bên Hòa thượng trong nhiều năm. Từ năm 1984 đến năm 1988 tôi là Tăng sinh khóa I, Trường Cao cấp Phật học. Sau khi tốt nghiệp, tôi lại làm việc cho Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam cho đến năm 1994 thì tôi mới rời Vạn Hạnh để du học Đài Loan. Trong khoảng thời gian 10 năm ấy, tôi sống tại Thiền viện Vạn Hạnh, học được rất nhiều điều từ nếp sống, cách suy tư và phương pháp làm việc của cố Hòa thượng. Có thể nói, những gì mà tôi thành tựu được như ngày hôm nay là nhờ thọ ân giáo dưỡng của Ngài rất nhiều. Với tư cách là học trò, nơi đây tôi xin khái quát và điểm lại một vài sự kiện mà cố Hòa thượng đã quan tâm và nỗ lực xây dựng Phật giáo Việt Nam.
Có thể nói, cuộc đời và sự nghiệp của cố Hòa thượng là điểm son cho lịch sử Phật giáo Việt Nam. Ngài là vị tu sĩ Phật giáo Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp tiến sĩ ngành Phật học và là vị đầu tiên khai mở con đường du học cho Tăng Ni sinh Việt Nam. Ngài có công trong việc khai sáng Đại học Vạn Hạnh, Viện Nghiên cứu Phật học và, điểm nổi bật nhất, Ngài là người có công chuyển dịch Kinh tạng Pāli sang tiếng Việt, để lại cho Phật giáo Việt Nam một kho tàng văn hóa và học thuật vô giá. Thế thì Hòa thượng từ động lực nào có sự đóng góp to lớn như thế? Ở đây tôi xin phân tích.
Cố Hòa thượng sinh năm 1918, trong một gia đình khoa bảng trí thức, lại rất thuần tín Tam bảo, năm 1940 đỗ tú tài tại Trường Khải Định, nay là Trường Quốc Học – Huế. Sau khi tốt nghiệp, Ngài đảm nhiệm chức vụ Thư ký cho Tòa Khâm sứ tỉnh Thừa Thiên. Trong khoảng thời gian này, ngoài công việc làm thư ký, Hòa thượng nỗ lực tìm hiểu Phật học và tham gia phong trào chấn hưng Phật giáo. Có lẽ Ngài sớm cảm nhận cuộc đời vốn tạm bợ, sự nghiệp công danh gì đi nữa, trăm năm rồi cũng trở về với cát bụi, cho nên Ngài có ý tưởng xuất gia học đạo. Vào năm 1946, Ngài đến Tổ đình Tường Vân (Huế), xin xuất gia với Hòa thượng Thích Tịnh Khiết (Đức Đệ nhất Tăng thống GHPGVN TN).
Sau khi xuất gia, dốc lòng học Phật, đồng thời tiếp tục tham gia phong trào chấn hưng Phật giáo, Ngài có nhiều hoạt động tích cực và đã đóng góp nhiều bài viết có giá trị mang tính khai mở. Tuy nhiên, bản thân Ngài tự cảm thấy khiếm khuyết cái gì đó trong việc cải cách và chấn hưng Phật giáo, vì ai cũng hiểu rằng Phật giáo vào thời bấy giờ, kinh sách Phật học rất hạn chế, chỉ có một số kinh điển Đại thừa, và một số sách Phật học bằng tiếng Hoa. Thế thì làm thế nào để cho Chánh pháp được hưng thịnh trong xã hội Việt Nam? Và nếu cuộc canh tân chấn hưng đó có thành công đi chăng nữa, thì đó cũng chỉ là cuộc chấn hưng mô phỏng theo Trung Quốc. Điều này có phù hợp với tình hình thực tế của nước ta không? Đây là một vấn đề cần phải suy nghĩ.
Có lẽ đó chính là nhân tố thôi thúc vị Tỷ-kheo trẻ trí thức Thích Minh Châu chọn con đường du học Sri Lanka, mà không phải Trung Quốc. Ước muốn du học của Hòa thượng được Giáo hội đồng tình, được Bổn sư hứa khả. Cho nên vào năm 1952, Ngài lên đường du học tại Sri Lanka, với mục đích tìm hiểu nguồn gốc của Phật pháp là gì. Khi đến đây Ngài thấy rõ, muốn thấu hiểu Phật pháp, việc đầu tiên là phải học cổ ngữ Pāli mới có thể trực tiếp duyệt đọc nguyên bản Kinh tạng Nam truyền, dĩ nhiên cũng cần phải trau dồi Anh ngữ để giao tiếp với thế giới và viết luận văn. Vì thế, Ngài đã nỗ lực để thành thạo hai ngôn ngữ này. Sau khi tốt nghiệp cao học ở đấy vào năm 1954, Ngài tiếp tục du học Ấn Độ và học chương trình tiến sĩ ngành Phật học tại trường Đại học Nalanda. Năm 1961 Ngài tốt nghiệp tiến sĩ ngành Phật học với luận án “The Chinese Madhyama Āgama and the Pāli Majjhima Nikāya – A Comparative Study” (So sánh Kinh Trung Bộ chữ Pāli và Kinh Trung A-hàm chữ Hán). Có thể nói đây là một công trình nghiên cứu mang tính chuyên môn cao, đòi hỏi người nghiên cứu trước tiên phải thông thạo cả hai cổ ngữ Pāli và Hán cổ, từ đó mới tiến hành so sánh, đối chiếu. Kết quả của sự so sánh này chính là câu trả lời chính xác nhất về sự tương đồng và dị biệt giữa hai nguồn tư liệu Pāli và Hán, từ đó mới đánh giá phê bình và lý giải nguyên nhân tại sao có sự tương đồng và dị biệt giữa hai nguồn tư liệu này. Nội dung nghiên cứu luận văn của Ngài đã được giới nghiên cứu Phật học đánh giá cao, có giá trị học thuật.
Ngang qua nội dung nghiên cứu của luận văn, có thể nói đây là tác phẩm mang tính định hướng giáo dục và phương pháp hoằng dương Phật pháp của Hòa thượng. Có nghĩa là, người học Phật trước hết phải học tập kinh điển Nguyên thủy, sau đó mới tìm hiểu tư tưởng bộ phái, và cuối cùng là Đại thừa, không thể vượt thứ lớp. Đồng thời, ngang qua luận văn của Ngài, chúng ta cũng có thể xem đây là lời giải đáp lý do tại sao Hòa thượng xuất gia trong tổ đình có truyền thống tu học theo Phật giáo Đại thừa, nhưng khi về nước Hòa thượng chỉ hoằng dương Phật giáo Nam truyền. Cụ thể, Ngài đã dịch kinh điển Nam truyền sang Việt ngữ và giảng dạy các kinh điển này, mà hoàn toàn không đề cập, dù chê hay khen, tư tưởng Phật giáo Đại thừa, nhất là Phật giáo Trung Quốc. Ví dụ như khi dạy thiền cho Tăng Ni sinh khóa I (có lẽ cả các khóa sau đó), Hòa thượng chỉ nói: “Trong Phật giáo có hai loại thiền: Như Lai thiền và Tổ sư thiền. Ở đây chúng tôi không hiểu về Tổ sư thiền, nên chúng tôi chỉ giới thiệu về Như Lai thiền”. Việc tự nhận “không hiểu” này của Hòa thượng là thái độ nghiêm túc của một học giả, nhưng đồng thời cũng là vấn đề để chúng ta suy gẫm.
Có một điều chúng ta cần chú ý là, dựa theo cách thờ phụng của Tổ đình Tường Vân, thì Hòa thượng thuộc thiền phái Lâm Tế, mặc dù Hòa thượng xuất gia và sống ở Tường Vân chỉ có 6 năm trong thời gian mới xuất gia. Nếu xem xét cuộc đời của Hòa thượng, thì sự hành trì cũng như tư tưởng Phật học của Ngài mang tính Phật học thuần túy, trong sáng, rõ ràng, và không xen tạp với những loại tư tưởng văn hóa khác. Vậy, chúng ta có nên chăng chú ý đến ngôn từ khi tôn xướng danh hiệu Hòa thượng cho phù hợp với cuộc đời và đạo nghiệp của Ngài?
Hơn nữa, công trình phiên dịch kinh điển của Hòa thượng có thể so sánh với Huyền Trang, La Thập, mang tính khai sáng. Nếu như Phật giáo Trung Quốc xem Huyền Trang là người có công mang hệ thống Abhidhrma (Pháp Tướng tông) từ Ấn Độ về Trung Quốc, thì Phật giáo Việt Nam cũng cần phải có lòng tự hào xem Hòa thượng Minh Châu là người có công mang Kinh tạng Nikāya (Nguyên thủy) về Việt Nam và dịch sang tiếng Việt. Do đó, chúng ta cần phải xem Hòa thượng là người đã mở ra một tinh thần học Phật hiện đại trên cơ sở Kinh tạng Nikāya, mà không phải từ Phật giáo Trung Quốc. Điều này cần được xem xét và thảo luận. Đây chỉ là ý kiến riêng của tác giả.
Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ về nước, năm 1964, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất thành lập Đại học Vạn Hạnh, và Ngài được mời làm Viện trưởng và hoạt động cho đến năm 1975. Trong giai đoạn này dưới sự lãnh đạo của Hòa thượng, Viện Đại học Vạn Hạnh đã giới thiệu Phật giáo như là một tôn giáo hoạt động theo xu hướng tri thức hơn là tín ngưỡng. Đáng tiếc, sau khi thống nhất, đất nước gặp nhiều khó khăn, nên Đại học Vạn Hạnh ngưng hoạt động. Trước tình hình này, Phật giáo sẽ lâm vào trường hợp nguy hiểm nếu như không có một hệ thống giáo dục. Cho nên sau khi thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, với tư cách là Tổng Thư ký, Hòa thượng cùng Giáo hội đề xuất xin Nhà nước cho phép Phật giáo thành lập hệ thống giáo dục Phật giáo. Quan điểm này được Nhà nước chấp nhận. Nhờ đó, Trường Cao cấp Phật học Việt Nam, cơ sở I, được hình thành tại chùa Quán Sứ, Hà Nội, năm 1981; và cơ sở II tại Thiền viện Vạn Hạnh, TP. HCM, năm 1984; cả hai đều do Hòa thượng làm Hiệu trưởng. Và như vậy, sự nghiệp cải cách Phật giáo bằng con đường giáo dục được tiếp tục. Sau đó vài năm, Hòa thượng lên kế hoạch thành lập Viện Nghiên cứu Phật học, nhằm tập trung giới tri thức nghiên cứu Phật học, và ngang qua đó, thành lập Hội đồng Phiên dịch Đại tạng kinh Việt Nam, nhằm tiến hành phiên dịch biên tập bộ Đại tạng kinh Việt Nam. Có thể nói, đây là nhiệm vụ quan trọng của Giáo hội, của Tăng-già Việt Nam. Thử nghĩ xem một đất nước tự hào có chiều dài lịch sử Phật giáo gần 2.000 năm, nhưng cho đến nay vẫn chưa có bộ Đại tạng kinh bằng tiếng Việt? Đây là vấn đề mà bất cứ người lãnh đạo Phật giáo nào cũng cần phải suy nghĩ và tìm giải pháp. Dẫu rằng, khi Hòa thượng ra đi bộ Đại tạng kinh Việt Nam vẫn chưa hoàn thiện, nhưng định hướng ấy đã được Ngài hoạch định và định hình để cho người sau kế thừa và thực hiện.
Ngoài những chức vụ đề cập trên, Hòa thượng giữ nhiều chức vụ không kém phần quan trọng khác, như Phó Chủ tịch ABCP thế giới kiêm Chủ tịch Trung tâm ABCP Việt Nam…. Chúng ta cần hiểu ở đây rằng đề cập những chức vụ của Hòa thượng không đồng nghĩa xem chuyện chức quyền như là niềm vinh hạnh tự hào, mà chúng ta chỉ xem đây như là phương tiện để thực hiện định hướng phát triển Phật giáo của Hòa thượng mà thôi. Quan điểm này chúng ta có thể thấy rõ qua sự nghiệp phiên dịch kinh điển và hình thành các cơ sở giáo dục, viện nghiên cứu để làm hướng đi cho sự phát triển của Phật giáo.
Có người hỏi, Hòa thượng giữ nhiều chức vụ quan trọng như thế thì giờ đâu mà dịch kinh điển? Vấn đề này được chính Hòa thượng dạy cho chúng tôi khi còn là học viên của trường. Ngài nói: “Mặc dù cuộc sống của chúng tôi bề bộn công việc điều hành Đại học Vạn Hạnh, nhưng chúng tôi không bỏ giờ tọa thiền vào buổi khuya và 2 giờ dịch kinh sau giờ tọa thiền mỗi ngày. Do vậy việc phiên dịch kinh của chúng tôi không bị trở ngại hoặc gián đoạn…”. Đó là sự thật, là phương pháp làm việc của Hòa thượng, vì khi sống ở Vạn Hạnh tôi thường thấy cứ 4 giờ sáng học tăng chúng tôi đi công phu khuya thì Hòa thượng thức dậy tọa thiền, sau đó Ngài phiên dịch kinh điển. Nếu ta nhẩm tính cứ mỗi ngày bỏ ra 2 giờ dịch kinh, và làm như vậy suốt vài chục năm, thì năm bộ Nikāya được Ngài dịch sang tiếng Việt cũng là điều tất yếu. Năm bộ Nikāya được Ngài dịch sang tiếng Việt là: Trường Bộ Kinh (Dìghanikāya), Trung Bộ kinh (Majjhimanikāya), Tương Ưng Bộ kinh (Samyuttanikāya), Tăng Chi Bộ kinh (Anguttaranikāya) và Tiểu Bộ kinh (Khuddakanikāya).
Ở đây cần chú ý, “Tiểu Bộ kinh” gồm nhiều tập, trong đó phần sau của Jātaka là do Trần Phương Lan dịch từ bản tiếng Anh. Tại sao Hòa thượng lại không dịch nốt? Phải chăng Hòa thượng quá bận việc không có thời gian hay do sức khỏe yếu? Theo tôi cả hai lý do này đều không đúng. Lý do mà Hòa thượng đắn đo không dịch chính là vì nội dung tư tưởng của bản kinh này. Những câu chuyện tiền thân Phật rõ ràng xuất hiện tương đối trễ, chịu ảnh hưởng tư tưởng của các tôn giáo khác. Có lẽ đó là lý do mà Hòa thượng không dịch nốt bản kinh này. Có lẽ đây cũng chính là lý do tại sao nguồn tư liệu Bắc truyền ‘Kinh A-hàm’ chỉ có 4 bộ: “Trường A-hàm” (長阿含), “Trung A–hàm” (中阿含), “Tạp A–hàm” (雜阿含), “Tăng nhất A–hàm” (增壹阿含), mà không xếp phần “Bổn Sanh”, “Bổn Sự” vào Kinh A-hàm, thành 5 bộ A-hàm như Nam truyền. Như vậy, 4 (hay 5) bộ Nikāya mà Hòa thượng dịch là tư tưởng căn bản của Phật giáo Nam truyền mà Thượng tọa bộ gọi là Kinh điển Nguyên thủy, là lời Đức Phật giảng dạy. Riêng phần Luận tạng, Hòa thượng chỉ dịch “Thắng pháp tập yếu luận” (Abhidhammatthasangaha), là tác phẩm với nội dung chuyên phân tích mối quan hệ giữa sắc pháp và tâm pháp, làm rõ lộ trình hình thành và chấm dứt của các phiền não. Nội dung tác phẩm này nhằm tổng hợp, phân tích và làm rõ lộ trình tu tập đã được Đức Phật giảng dạy trong năm bộ Nikāya.
Đồng thời, đứng trước thế kỷ văn minh vật chất, xã hội quay cuồng trong hưởng thụ dục vọng và có khuynh hướng phủ nhận đời sống tương lai, xem thường luật nhân quả, nên Hòa thượng đã khảo cứu tác phẩm “Milindapañha and Na-hsien Bhikshu Sūtra – A comparative study”, trong đó có một phần làm rõ sự tương tục giữa cuộc sống này và đời sống kế tiếp. Tỷ-kheo Na-tiên ví sự tương tục ấy như ngọn lửa của bó đuốc, khi sắp hết nhiên liệu, nó lại được kết nối sang một bó đuốc khác. Những bó đuốc tuy có sinh diệt khác nhau, nhưng ngọn lửa vẫn tương tục, không chấm dứt. Cũng vậy, với mạng người cũng thế, thân tứ đại này đến trăm tuổi sẽ tan rã, nhưng tâm thiện ác một khi đã tạo nhân ắt hẳn phải thọ quả, nhân quả đó sẽ nối nhau tồn tại, tiếp diễn từ đời này đến đời khác. Có thể nói, đây là vấn đề tranh cãi giữa Phật giáo với ngoại đạo, giữa bộ phái này với bộ phái khác trong Phật giáo, nhất là xã hội của thế hệ trẻ, không tin nhân quả, tội phước. Có lẽ đây chính là lý do Hòa thượng muốn mượn ý tứ của Na-tiên Tỷ-kheo để gợi ý cho thế hệ trẻ rằng cần suy nghĩ lại cách tư duy của mình nhằm thay đổi cách sống không lành mạnh trong đời hiện tại và xây dựng một đời sống tốt đẹp ở tương lai.
Cuối cùng, có hai tác phẩm rất quan trọng không thể không đề cập là “Huyền Trang, nhà chiêm bái và học giả” (Hsuan T’sang , the Pilgrim and Scholar), và “Pháp Hiển, nhà chiêm bái khiêm tốn” (Fa Hsien, the Unassuming Pilgrim). Có thể nói, đây là hai tác phẩm mà Hòa thượng muốn gởi một thông điệp cho những nhà lãnh đạo Phật giáo Việt Nam. Ngài muốn Phật giáo Việt Nam phát triển bằng cách lấy chính sách giáo dục làm đầu, xem việc du học của Tăng Ni sinh như là nền tảng để xây dựng cho sự phát triển Phật pháp trong lòng dân tộc. Đồng thời, Ngài muốn nhắn nhủ rằng Tăng Ni sinh cần phải nỗ lực học tập Phật pháp, noi gương tinh thần cầu học như Ngài Pháp Hiển và Huyền Trang. Để được vậy, Tăng Ni sinh cần phải tìm đường du học, thu thập kiến thức Phật học, học tập cách sưu tập, tìm tòi tư liệu như Huyền Trang để làm hành trang cho việc nghiên cứu của mình, đồng thời cung cấp tư liệu cho người nghiên cứu Phật học trong nước. Thiết nghĩ đây chính là động cơ Ngài viết hai tác phẩm này. Chúng ta là người xuất gia, là trưởng tử Như Lai, phải xem sự tồn vong của Phật pháp là trách nhiệm của mình, thế thì sự gợi ý của Ngài đáng để chúng ta suy gẫm.
Những tác phẩm còn lại của Hòa thượng có lẽ xuất hiện trong nhiều yếu tố nhân duyên khác nhau, trong ấy có một vài điểm cần thảo luận để làm rõ tác phẩm nào do Hòa thượng viết và tác phẩm nào do thư ký chấp bút.
Qua những tác phẩm nghiên cứu và dịch thuật của cố Hòa thượng, chúng ta thấy:
- Hòa thượng là một nhà nghiên cứu chuyên môn, một nhà giáo dục chân chính, là biểu tượng mẫu mực cho hậu thế noi gương;
- Nếu như Phật giáo Trung Quốc tự hào Huyền Trang là Tam tạng pháp sư, có công dịch các bộ luận của Hữu bộ, thì Phật giáo Việt Nam nên tự hào Hòa thượng Minh Châu là vị có công phiên dịch năm bộ Nikāya từ cổ ngữ Pāli sang tiếng Việt và giới thiệu tư tưởng Tạng kinh này cho Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam biết về Phật giáo Nguyên thủy;
- Hòa thượng Minh Châu là vị có công trong việc hình thành các cơ sở học thuật Phật giáo gồm các lãnh vực như giáo dục, nghiên cứu và phiên dịch kinh điển cho Phật giáo Việt Nam.