Tràng Thiên rời làng Trà Bình quận Phù Mỹ tỉnh Bình Định vào Sài Gòn định cư vào cuối thập niên 50 của thế kỷ trước. Lúc đó ông chỉ hơn 30 tuổi, cái tuổi còn quá trẻ. Vậy mà lạ thay, cái hoa lệ của Hòn Ngọc Viễn Đông không làm náo nức được tuổi trẻ đầy sức sống của chàng thanh niên Tràng Thiên. Trong một bài tùy bút, ông cho biết: “Không có xi nê, đánh bài, bơi lội, cải lương gì hết. Quanh năm tôi ít thấy Sài Gòn ban đêm. Chỉ có đọc, và thỉnh thoảng thấy cần len lỏi, vu vơ trong các ngõ hẻm”.
Còn về phương diện văn học nghệ thuật, thì những năm đầu thập niên 60, dù đất nước bị chia cắt, nhưng đời sống miền Nam thanh bình, nên những người trẻ tuổi mới trưởng thành đều khát khao đi tìm hoa thơm cỏ lạ của các nền văn hóa khác, nhất là nước Pháp. Lý do dể hiểu là, sau gần một thế kỷ đô hộ, thì hầu hết các nhà trí thức Việt Nam đều chịu ảnh hưởng sâu đậm từ nền văn hóa này. Có lẽ không người trẻ tuổi nào thời đó mà không biết đến Andre Gide, Albert Camus và nhất là triết gia hiện sinh Jean Paul Satre, tức là những tên tuổi lớn của văn chương và tư tưởng của Pháp. Vậy mà người thanh niên trẻ tuổi Tràng Thiên từ một làng quê của Bình Định vào Sài Gòn vẫn lặng lẽ đi theo con đường riêng của mình, nhất định không chạy theo thời thượng, dù ông cũng được đào tạo từ các trường Pháp thời bấy giờ. Những nhân vật như Bốn Tản (Lẻ Sống), Bốn Chìa Vôi (Chim và Rắn), Bà Thê Đồng Thời trong tác phẩm Giả Từ. Nhưng đặc biệt là nhân vật Bốn Thôi trong tác phẩm Thư Nhà, những nhân vật quê mùa của Bình Định, mà Tràng Thiên vẫn thường nhắc đi nhắc lại với các bạn văn của ông, khi có dịp cùng ngồi tâm sự chuyện viết lách với họ. Nhưng đó mới chỉ là từ Bình Định vào SàiGòn mà đã vậy, huống chi khi đã rời bỏ quê hương đất nước, thì lòng hoài hương của Tràng Thiên lại càng mãnh liệt hơn.
Vì có gì đau đớn hơn khi sống mà không có một nơi chốn nào để trở về: “Tôi tha hồ phất phơ lang bạt, không có nơi nào khác nơi nào. Vì ở đây không có nơi nào khác đề mà ‘về’ cả. Có lẽ chẳng qua một kiểu ‘về’ vờ vỉnh như về ‘Cali’”.
Câu trên được trích từ bài tùy bút “Ổi Tàu” của Tràng Thiên.
Cây ổi tàu vốn mọc trên khắp các làng quê Việt Nam, mỗi địa phương đều có tên gọi khác nhau. Riêng Bình Định, quê hương của tác giả thì gọi là cây ổi tàu. Vì sao một loại cây có vẻ tầm thường mà lại làm cho tác giả nhớ lâu đến như vậy? Mặc dù, tác giả đang sống tại một đất nước rộng lớn mênh mông, núi non, phong cảnh hùng vĩ, và tất nhiên cũng có nhiều kỳ hoa dị thảo. Có lẽ ông nhớ đến tuổi thơ nơi một làng quê mà ông đã chào đời chăng?
“Gần như sinh ra giữa ổi tàu, không hiểu do đâu mà quê tôi lắm ổi tàu đến thế, không có rào giậu nhà ai mà không có ổi tàu chen chúc, không có gò đống nào mà không có ổi tàu lan tràng, không có bở ruộng, bờ ao, bờ khe, bờ suối nào mà không có ổi tàu đứng gian hàng san sát”.
Chính vì thế, trong bao nhiêu năm thiếu vắng nó, “mặc dù bị chế giểu mỗi khi dò hỏi”, nhưng tác giả vẫn không nản chí, mà theo ông “khi bị chế giểu thì ông tạm thối lui”, nhưng vẫn âm thầm hy vọng, và tự an ủi “yên chí! Yên chí! Chờ thái bình thạnh trị trở về lại làng xưa mà tha hồ tái ngộ”.
Rồi cái ngày mà Tràng Thiên âm thầm mong chờ đó, cuối cùng cũng đã đến.
Một hôm từ Cali đến bang Utab, vừa bước vào khách sạn, nhìn ra sân cỏ ông thấy cây ổi tàu. Tác giả sửng sờ ngạc nhiên, vội vàng chạy đến, theo lời ông “ suýt tông cả người vào tấm kính lớn ngăn cách phòng khách sạn với sân cỏ”.
Khi đã ra ngoài sân đứng sát bên cây rồi, tác giả mới dám khẳng định rằng: “quả thật tôi không lầm”, và thốt lên “nó” đây rồi. Vậy là sau hai mấy năm trời tác giả mới được tái ngộ “nó”, “trên bước đường lưu vong ở mãi tận xứ Hoa Kỳ xa xôi”.
Khi đứng trước cây ổi tàu và lắng nghe lại trong ký ức xa xôi tiếng con chim te te thường kêu lên trong những buổi chiều buồn ở quê nhà, tác giả đã thốt lên những lời mà tôi có cảm giác như lời của một hiền sĩ đã sống và trải qua bao nhiêu thăng trầm trong cuộc đời của chính mình:
“ủa còn đòi gì nữa? đời ta vốn vô thỉ vô chung vô cùng vô tận, ta là cát bụi trong khoảnh khắc, bạn không biết vậy sao? Bạn biết từ lời dạy của các triết gia là một chuyện, mà khi bạn thấm cái ý nghĩa cát bụi mới thấy nó thê lương là chừng nào.
Nhưng ơ này! Bất chấp mọi lời dạy dỗ của thánh hiền, tôi cứ cam đoan với bạn; dù đời ta có thể phù du, vũ trụ có thể hư không, nhưng ngày nào ta còn đi về một xóm quê xó xĩnh hoang vu nào đó có chim te te với cây ổi tàu, thì đời ta còn lớn lao choáng cả càn khôn, ta còn là một càn khôn đó bạn ạ”.
Từ cây ổi tàu của Tràng Thiên, tôi liên tưởng đến đóa hoa Nazuna của Bashô hay bông bụt (mộc cẩn), của Nguyễn Trải. Những bông hoa dại tầm thường này, chúng mọc khắp các thôn làng của Nhật Bản và Việt Nam. Nhưng đúng như câu nói nổi tiếng của văn hào Nga Pasternak “chỉ có những cái tầm thường là trở thành kỳ diệu, từ lúc được bàn tay của những nghệ sĩ tài hoa chạm tới”.
II
Năm 2012 nhà xuất bản Thời Đại cùng với Nhã Nam cho tái bản tập bút ký Quê Hương Tôi của Tràng Thiên, nghĩa là gần nữa thế kỷ thì bút hiệu Tràng Thiên mới chính thức trở lại trên văn đàn Việt Nam.
Cũng như những tác phẩm của thời kỳ 60 của thế kỷ trước, Tràng Thiên cũng không đưa ra những đề tài gì “to tát” cho lắm, như: Chiếc Áo Dài, ăn uống là sự thường, mắm và dân tộc, bánh tráng, người Huế, người Bình Đinh, Hội An, đất và người v..v..,nghĩa là những vấn để rất tầm thường mà chúng ta vẫn thường bàn tán hằng ngày.
Nhưng bằng cái nhìn tinh tế và sâu sắc, Tràng Thiên đã cho chúng ta nhìn thấy một khía cạnh khác mà ít người trong chúng ta thấy được. Chẳng han,. miền đất Nam Bộ , xưa nay chúng ta chỉ biết đại khái là, miền có con sông Cửu Long hùng vĩ từ Tây Tạng đổ xuống, đem phù sa đến làm cho ruộng lúa phì nhiêu, đất đai trù phú này, tất nhiên cũng ảnh hưởng đến tâm hồn của người dân Nam Bộ, những đức tính như rộng rãi, hào phóng, hiếu khách hay tốt bụng chẳng hạn. Nhưng đọc Quê Hương Tôi của Tràng Thiên ta mới thấy tác giả chỉ cho chúng ta biết một đức tính cao quý khác nữa của người Nam Bộ:
“Ở trong này nhìn đâu cũng thấy biểu hiện của tín ngưỡng. Ngoài sân thờ ông Thiên, trong nhà thờ ông Địa và khắp cùng nơi nơi rong chơi các ông Đạo! Đất đai miền Nam cơ hồ thuộc về các đấng thần linh.
Thế mà lạ, không ở đâu con người được đề cao bằng ở đây. Đây mới chính thị là đất của con người.
Xuống Cà Mau chơi mấy hôm, nghe tên sông, tên rạch, tên ấp, tên thôn, mới hay làm sao: Xóm Ông Đồ, Ấp Ông Khâm, Ấp Bà Năm, Ấp Trùm Thuật, Ấp Ông Muôn, Ấp Ông Nhơn, Sông Ông Đốc, Ngọn Ông Trang, Rạch Biện Nhan, Rạch Ông Quyên, Rạch Bà Quang, Rạch Ông Búp, Rạch Bà Khuê, Rạch Ông Nô, Rạch Bà Hường, Mũi Ông Trang.
Chân thật, ấm cúng không biết chừng nào: Ông nọ bà kia, người với rạch, với sông, với xóm làng, với đất đai cùng nhau quấn quýt, chan hòa làm một. Đất đai sông rạch gắn liền với con người”.
Đó là vùng đất Nam Bộ.
Còn Bình Định, quê hương của tác giả thì sao? có phải ông cũng viết cái mà ai cũng biết như con gái cầm roi đi quyền, bánh tráng hay bàn Bàn Thành Tứ Hữu chăng? Không, ông không viết cái mà ai cũng biết đó.
Trong bài Người Bình Định, Tràng Thiên viết lại cái truyền thuyết về một vết thương mà người dân quê ông đã âm thầm gánh chịu từ hơn hai thế kỷ nay:
“Hai thế kỷ trước, lớp người của Nguyễn Huệ, Bùi Thị Xuân, Võ Văn Dũng, Trần Quang Diệu v..v… ngang tàng lẫm liệt; cuối thế kỷ này, tục ngữ địa phương xác nhận rằng người Bình Định ‘hay lo’, nói cách khác là an phận thủ thường, không hay tranh hơn thua, là chín bỏ làm mười.
Từ thời lập quốc đến giờ, nước ta có bao nhiêu là Vua, vua nào rồi cũng chết, vậy mà chỉ có một nhà vua chết được vợ lưu lại hậu thế tiếng khóc nỉ non tức vua Quang Trung. Từ hồi nào tới giờ, tướng lĩnh vẫn chịu thưởng thức cái hồng nhan lắm, vậy mà chỉ có mấy ông tướng Tây Sơn ra Thăng Long được thi hào Nguyễn Du khen là cốt cách. Hai thế kỷ trước vua quan nhà Tây Sơn không biết đã đối xữ ra sao mà được yêu thương, thương tiếc, được ngợi khen như thế; cuối thế kỷ này dường như người Bình Định không còn cái tình tứ ấy. Trong vòng 40 năm nay, văn học ở nước ta từng trải qua những thời kỳ thật thơ mộng lãng mạng, vậy mà Bình Đinh chỉ có góp được một tác giả xuất sắc về tình yêu là Xuân Diệu.
Mất đi cái khí phách ngang tàng (tức là cái đáng trọng) lẫn phong cách tình tứ (tức cái đáng yêu) sự mất mát thật lớn lao. Không biết cái gì đã xãy đến trong đời sống của người dân Bình Định trong vòng 200 năm ấy, có người đã nghĩ đến cuộc trả thù, đến chính sách trấn áp của triều đình Nguyễn Gia Miêu đối với vùng quê quán của họ Nguyễn Tây Sơn. Dù sao đó cũng mới chỉ là giả thiết.
Tuy nhiên theo tác giả, hơn hai thế kỷ người Bình Đinh “hay lo”, và “an phận thủ thường” đó, cũng đã đưa đến những kết quả đáng quý: chẳng hạn trường hợp Quách Tấn.
Và ông đã trích một bài thơ trong Mộng Ngân Sơn của Quách Tấn cùng với lời bình mà ông cho là ‘kết quả đáng quý’:
Nhân thế nguội tình thương,
Ôm thu nằm Khánh Dương,
Rừng trăng đôi lá rụng,
Lành lạnh gió đem hương.
Sao mà đìu hiu, se sắt, tịch mịch, cô quạnh quá chừng! ấy Quách Tấn là vậy, xóm thơ Bình Định là vậy: “là tình cảm lịm vào trong, là bên ngoài dè dặt, lim lỉm nhưng bên trong lại chất chứa u tình”. Vì nặng lòng với đất nước quê hương như thế, nên Tràng Thiên lúc nào cũng thấy mình xa lạ, cô độc nơi đất khách quê người: “Bây giờ trên xứ này, thân tôi là một hạt cát, sự hiện diện lạc lỏng của tôi trên cỏi lục địa mênh mông này không là gì cả. Không có con đường nào, ngôi gò nào, lùm cây bải cỏ nào làm cho chân tôi run cả”. (Cây Ổi Tàu) Trong bài tùy bút Một Mùa Thu, Tràng Thiên giải thích rõ vì sao ông không thể yêu rặng núi hay dòng sông nơi xứ người:
“Đi trên bờ sông Missippi, nghĩ đến Mark Twain. Nghe nói ông yêu sông Missippi, tha thiết với sông, lấy một âm thanh từ cái sinh hoạt của hàng ngàn người làm ăn sinh sống mà làm bút hiệu.Còn chúng ta ngày nay, yêu sông chỉ biết giương mắt mà nhìn sông chứ có biết đâu cái sinh hoạt trên sông Missippi, như giọng hò, điệu hát trên sông Hương, sông Đồng Nai, sông Ông Đốc v…v… Yêu cảnh mà không biết đến cuộc sống trong khung cảnh ấy thì làm sao yêu tha thiết”.
III
Trong Quê Hương Tôi, Tràng Thiên có kể lại, một năm nọ vào cuối tháng Giêng, ông đi công tác ở Kiến Tường, khi xe đưa ông đi qua những cánh đồng trống trải, không một bóng người, chỉ có những đám khói tỏa lên trong buổi trưa. Nhìn những đám khói Tràng Thiên bồi hồi xúc động và đã viết nên một tùy bút có tên là Một Đám Khói. Xin được trích một đoạn ngắn sau đây.
“Trên một cánh đồng như thế, một buổi xế trưa đầu mùa xuân năm nay, tôi có dịp đi về một làng biên giới, đồng không mông quạnh, ở chân trời, vài đám khói ùn lên, chậm chạp, tỏa cao và rộng. Khói đốt cỏ. Nông dân phát cỏ, dồn lại đốt, để chuẩn bị làm mùa. Chao ôi, những đám khói đốt cỏ ở chân trời trong nắng trưa, sao mà xúc động, cảm hoài. Những đám khói kể lể nổi niềm bao la cuối một chân trời mênh mông. Đứng him mắt mà trông: Khói lặng lờ, không vội vã, khói bát ngát, nhẫn nại, xa vời, hàng giờ hàng giờ, khói tỏa, vừa hiền từ vừa mơ mộng”.
Hồi nhỏ ở quê nhà, những buổi trưa cuối xuân, tôi cũng thường đứng nhìn những đám khói tỏa lên từ cánh đồng bên kia sông. Bây giờ trên đồi cao này, vào những buổi xế chiều nhìn bầu trời nhiều mây âm u, lòng tôi cũng chợt cảm hoài, rồi tự hỏi trong bâng quơ: không biết những đám khói từ những mùa xuân xa xưa ấy, hiện giờ chúng đã phiêu bạt nơi chân trời góc bể nào?