Thưa Đại Chúng.
Trong kinh Đức Phật dạy, mình có phước báu lắm mới được làm người, cho nên chúng ta có cơ hội làm người, tức là chúng ta có phước báu so với những sinh vật khác ở trên trái đất nầy.
Chất liệu thứ nhất:
Chúng ta có cơ hội làm người là may mắn cho chúng ta rất nhiều so với những chúng sinh đang sống ở nơi địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh và chúng ta có cơ hội làm người là chúng ta rất may mắn so với rất nhiều Chư Thiên ở các cõi Trời; giá như chúng ta không may sinh vào cõi trời Trường Thọ Thiên, thì chúng ta lại không được học và nghe Phật Pháp, bởi vì cõi trời Trường Thọ, chúng sinh nơi đó sống rất lâu nên họ không ý thức được về vô thường; dù cho phước báu của cõi Trời có dài đến mấy đi nữa, nó vẫn còn nằm trong sinh tử luân hồi. Chúng ta sinh ra được làm người ở trong cõi Nam Diêm Phù Đề nầy là còn may mắn hơn so với những châu Diêm Phù Đề khác như Bắc Cu Lô Châu, bởi vì cõi này mọi người rất là sướng, nhưng lại không có Phật Pháp truyền đến. Không có Phật Pháp truyền đến tức là không có cơ hội quy y Phật Pháp Tăng và giữ giới đã phát nguyện. Không quy y Phật Pháp Tăng và giữ giới đã phát nguyện thì không thể nào thoát ly sinh tử luân hồi. Không quy y Phật Pháp Tăng và giữ giới đã phát nguyện thì không thể nào khơi mở Tâm Bồ Đề ở nơi chính mình và không khởi Tâm Bồ Đề ở nơi tất cả mọi người, và sẽ không có cơ hội thành tựu được Vô Thượng Bồ Đề. Cho nên, ở thế giới loài người, chúng ta có rất nhiều cơ hội để thực tập Phật Pháp. Chúng ta sinh ra được làm người, có cơ hội để học hỏi Phật Pháp là một may mắn lớn nhất mà chúng ta đang có. Ở trong đời có những vị sinh ra được làm người, nhưng đâu có được quy y Phật Pháp Tăng và có những vị quy y Phật Pháp Tăng, nhưng không đủ nhân duyên để phát khởi Tâm Bồ Đề và phát khởi hạnh nguyện Đại Thừa. Cho nên, mình sinh ra được làm người, được quy y Phật Pháp Tăng, được giữ giới đã phát nguyện như vậy là mình đã có quá nhiều cơ hội để hưởng thụ phước báu, nuôi dưỡng phước báu và phát triển phước báu đó.
Có những Phật Tử quy y rồi, nhưng chỉ quy y theo tín ngưỡng truyền thống mà không có cơ hội quy y Tam Bảo theo Tuệ Giác hay đại nguyện Bồ Đề. Do phát tâm quy y không sâu sắc, không rộng lớn, nên việc hành trì pháp quy y không thấu đáo, không miên mật, chín chắn.
Giờ đây, trong giờ phút nầy, chúng ta vẫn giữ được niềm tin của chúng ta đối với Phật Pháp Tăng và còn quỳ trước bàn Phật để nói lên được lời chúng ta phát nguyện; anh em cùng nhau dâng hương cúng Phật, quỳ xuống để tụng những lời kinh đức Phật dạy, Tổ dạy và còn nhắc nhở lý tưởng tu tập, như vậy chúng ta có quá nhiều phước đức và may mắn.
Giờ phút nầy mình đang có tai để nghe, có mắt để thấy, có chân để đi, có tay để bắt ấn Cát Tường, có miệng để nói với nhau những lời tốt đẹp và quan trọng nhất là còn có trí tuệ để phân biệt được đâu là chánh, đâu là tà, đâu là chơn, đâu là vọng, để mình không rơi vào tà, không rơi vào vọng, để đi đúng, đi trọn vẹn với cái chân chính của mình, với con đường mà mình đã tự nguyện chọn lựa,
Muốn làm Phật sự có hiệu quả và nói những lời nói có phẩm chất để mọi người tin tưởng, thì trước hết ta phải biết tự hoàn thiện bản thân, trước khi nói với người và giúp người khác hoàn thiện. Tự nỗ lực để hoàn thiện bản thân là chất liệu quan trọng bậc nhất mà chúng ta cần phải thực tập.
Chất liệu thứ hai:
Chất liệu thứ hai mà chúng ta cần phải thực tập là tâm từ bi đối với cuộc đời. Không có tâm từ bi, ta sẽ không có phước đức để nuôi lớn thiện căn của ta và ta không có khả năng lãnh đạo và duy trì tổ chức của chúng ta.
Không có trí tuệ và tâm từ bi, người Phật Tử không có tặng phẩm nào quý báu để hiến tặng cho cuộc đời hay xã hội.
Người Phật Tử cống hiến cho xã hội với hai tư cách: Tư cách thứ nhất là cống hiến cho xã hội qua tư cách đạo đức của mình và thứ hai là cống hiến cho xã hội qua tư cách tổ chức của mình. Mình có tài năng mà mình cống hiến tài năng đó cho xã hội, đi kèm với đạo đức của cá nhân và đạo đức của tập thể của mình, thì mình sẽ làm sáng chói lên con người của mình và tổ chức của mình giữa xã hội. Điều này trong lịch sử các bậc tiền bối của chúng ta đã thể hiện một cách cụ thể.
Trong đời sống, ta đòi hỏi một người Phật Tử phải hoàn chỉnh là rất khó. Có những người Phật Tử trước đó dễ thương, nhưng về sau không dễ thương, thì mình phải thấy cái dễ thương trước đó của họ để trân quý, do cái không dễ thương về sau, mình phủ nhận cái dễ thương của họ về trước luôn, như vậy là mình ăn ở với nhau không phải đạo.
Cho nên mình phải biết trăn trở làm thế nào để cho những người dễ thương ở trong tổ chức có cơ hội dễ thương thêm và những người không dễ thương thì làm thế nào để cho họ dễ thương trở lại, đó là điều mà người Phật Tử phải biết trăn trở. Điều nầy là một pháp tu chứ không phải là lý thuyết. Anh em mình đã từng nằm gai, nếm mật với nhau, bây giờ vì hoàn cảnh nào đó mà họ không dễ thương, thì mình làm thế nào đó để có thể biết rõ hoàn cảnh của họ và đối xử dễ thương với họ, có như vậy mới gọi là Anh Trưởng, mới gọi là Chị Trưởng, mới gọi là chị ngã em nâng, chứ chị ngã mà em đạp luôn thì chướng lắm. Chị ngã em đạp chị mà lên, anh ngã em đạp anh mà lên, cách hành xử ấy thì không thiếu chi giữa đời nầy mà mình phải đến chùa, đến nhà thờ để thể hiện những điều ấy!
Ta đến chùa là để học tập trái tim từ bi, biết chấp nhận sự thua thiệt về mình và nhường lại những tốt đẹp của thế gian cho người. Ta thực tập được điều này, thì ta ở đâu là chỗ đó trở thành Thánh Địa Vô Tranh và ta ở đâu, thì dù cho đất đá có vô tình đến mấy đi nữa, chúng vẫn rựa mồ hôi và cúi đầu trước hạnh từ bi của ta.
Vị Tổ khai sơn chùa Tà Cú ở Phan Thiết, bước đầu khi mới lên núi nầy là cả một rừng núi hoang vắng đầy cọp beo. Bấy giờ Ngài lên núi và ở trong hang đá để thiền tập. Ở núi nầy bấy giờ có con bạch hổ thường ngày lui tới để yểm trợ Ngài những công việc cần thiết, như hái trái cây đem dâng Ngài hay đem nước đến cho Ngài dùng. Chú bạch hổ làm như vậy, vì chú cảm cái đức thanh tịnh và từ bi của Ngài. Sau đó, có nhiều người lui tới khu núi rừng nầy, nên chú bạch hổ bỏ đi. Chú bỏ đi một thời gian và về tìm lại Tổ để thăm, nhưng lại thấy Tổ không còn nữa nên chú bạch hổ buồn và chết trước an phần của Tổ. Quý vị thấy chưa, hung hăng như cọp mà còn dễ thương như thế, huống gì con người nào có đến nỗi chi!
Con người có nhiều cơ hội để tốt, con người không đến nỗi chi tệ, cho nên con người đừng đem cái tệ mà đối xử với nhau. Vì sao? Vì con người đem cái tệ mà đối xử với nhau thì cái tệ của con người còn tệ hơn cả thú vật nhiều. Nhưng con người đem cái tốt mà đối xử với cái tệ, thì cái tệ của con người sẽ giảm thiểu và được chuyển hóa.
Chất liệu thứ ba:
Chất liệu thứ ba là quý vị phải thực tập lắng nghe và học hỏi, ngày trước tổ chức của Gia Đình Phật Tử Việt Nam cách đây 70 năm trình độ dân trí khác với bây giờ; hoàn cảnh bấy giờ khác hoàn cảnh bây giờ; khác luôn cả thể chế chính trị phải không?
Như vậy, mình phải biết lắng nghe, phải biết học hỏi để bổ sung cho cái mình đã có chứ không chấp nê cái mình đã có. Phải biết học hỏi, lắng nghe và biết đổi mới trên cái cũ đã có, làm cho cái vốn cũ giàu ra, phong phú ra. Ngày nay trong xã hội có những chương trình “Vượt lên chính mình”, có những “Đố vui để học” khai thác cái thông minh của giới trẻ, khai thác tính bén nhạy của giới trẻ, thì Gia Đình Phật Tử cũng phải biết vận dụng để khai thác khả năng sáng tạo và tài năng của các em, mình phải có phương pháp giảng dạy như thế nào cho thích ứng, để sau buổi giảng đó, sau khi nghe, người ta có thể thực tập được; sau buổi sinh hoạt đó các em về sống ở trong gia đình, ở trong học đường, cảm thấy yên ổn, thích thú và mới mẻ, và trong tuần tới mong muốn sẽ gặp các anh chị nữa.
Có nhiều giáo viên nói với tôi là chúng con không có giờ để hàng tuần lên học với Thầy được, vì bài vở dạy phải cập nhật, phải đổi mới; các em đọc trước bài trên mạng, và khi lên lớp thầy cô giáo giảng bài cũ rích, các em không chịu nghe nữa. Những bài học, những môn học đều có trên mạng và các em siêng tìm tòi trên mạng sẽ có tất cả và học trước, do đó giáo viên dạy không tìm tòi sẽ không ngang tầm nó nữa và nó lơ đểnh; lơ đểnh thì giáo viên la và đôi khi nói những lời không dễ thương khiến giữa giáo viên và học trò có oán kết; cái oán kết đó không phải do trò mà do thầy, thầy dạy mà không tha thiết với cái dạy của mình và không cập nhật được cái dạy của mình cho học trò, thành ra cái dạy của thầy thất bại, chứ không phải học trò vô lễ đâu! Tất cả những người nhỏ rất dể thương, nếu chúng có được những người lớn hướng dẫn đúng đắn và sống đời sống dễ thương.
Bây giờ ra giữa xã hội, mười người thì hết chín người than phiền giới trẻ ham chơi, không biết nghe lời người lớn, nhưng một số người lớn quên đi chính mình đã làm cho tuổi trẻ thất vọng. Người lớn ở đây là những người cho mình lớn trong gia đình, trong tổ chức, trong xã hội thì phải xét lại cái người lớn của mình, kể cả những người tự cho mình là lớn trong tôn giáo. Những người tự cho mình là lớn cũng phải biết xem xét lại cái lớn của mình, lớn thì phải lao, chứ không phải lớn láo. Lớn lao có nghĩa là các việc lao nhọc thì người lớn phải nhận lấy trách nhiệm để gánh vác. Người lớn thì đáng lẽ ăn 10 giờ đây ăn 2 thôi, phải nhường bớt đi 8 cho người dưới; đối với ngủ đáng lý ngủ 8 tiếng, thì người lớn chỉ ngủ 5, 6 tiếng thôi, đó gọi là lớn lao, nhờ vậy mới lao và nhờ lao mới lớn, chứ không lao lấy gì để lớn?
Quý vị hãy nhớ mà thực tập hạnh lớn lao, luôn luôn lắng nghe cái mới, lắng nghe các em trẻ nói chuyện với nhau và từ cái nói chuyện đó, mà mình hiểu được tâm lý của nó, mới có những trò chơi thích ứng lôi kéo các em đi tới với tổ chức mình. Nhất định một tuần phải có một trò chơi mới, một bài hát mới, một câu chuyện mới; chứ khi các anh đứng trước các em mà chưa mở miệng thì các em biết các anh sẽ nói gì rồi, làm sao gọi là đổi mới phải không quý vị? Nếu quý vị là nhà giáo, quý vị phải biết đổi mới cách tư duy, cách diễn đạt.
Chả mà ngon cách mấy, cứ dọn ăn hoài thì cũng ngán và mình sẽ đi tìm rau khoai, rau muống để ăn, vì vậy mà Ban Hướng Dẫn Trung Ương, Ban Hướng Dẫn tỉnh, Ban Đại Diện quận phải thương mấy anh chị Liên Đoàn Trưởng đơn vị và mấy Liên Đoàn Trưởng phải thương, phải hết lòng với mấy Đoàn Trưởng, bởi vì những người bám sát đơn vị là những người trực tiếp công việc, nên họ phải tiếp xúc với công việc hàng ngày và rất dễ bị đụng chạm với mọi vấn đề liên hệ với công việc. Vì vậy, nên họ phải thông minh và kham nhẫn.
Ở đời làm Bí Thư tỉnh, dễ hơn làm Bí Thư huyện; làm Bí Thư huyện dễ hơn làm Bí Thư xã; làm Bí Thư xã dễ hơn làm Bí Thư tổ; làm Bí Thư tổ dễ hơn làm Tổ Trưởng, bởi vì Tổ Trưởng trực tiếp với dân. Nếu cơ sở hạ tầng thất bại, thì tỉnh và trung ương không dựa vào đâu để thành công!
Làm Trưởng Ban Hướng Dẫn tỉnh nhìn có vẻ thì oai phong, nhìn bên ngoài có vẻ như trách nhiệm nặng nề, nhưng không thực tế bằng anh chị Liên Đoàn Trưởng, làm anh chị Liên Đoàn Trưởng, không thực tế bằng anh chị Đoàn Trưởng, Đoàn Phó, vì anh chi Đoàn Trưởng, Đoàn Phó liên hệ trực tiếp với Đoàn Sinh mà Đoàn Sinh, thì hoàn cảnh, nhân duyên, trình độ, suy nghĩ và thể hiện cuộc sống phần nhiều không có ai giống ai, không có Đoàn Sinh nào giống Đoàn Sinh nào.
Khi nào người lãnh đạo hiểu được cặn kẽ như thế, thì trái tim của mình mới mở rộng ra, sự hiểu biết của mình mới lớn rộng ra và bắt đầu thực tế, để cho tổ chức mình tồn tại. Đây là điều mà anh chị em phải thực tập, không lý thuyết, mà phải thọc tay vào chợ, chứ ở nhà mà chỉ nói lý thuyết là không bao giờ xong công việc được đâu! Cho nên, mình không đổi mới, không thức thời thì làm sao gọi là ứng thời, làm sao gọi là khế lý, khế cơ?
Khế cơ mà khế lung tung, mất gốc, mất rễ thì làm sao gọi là khế cơ? Khế cơ mà không khế lý, thì không thể gọi là khế cơ được. Khế cơ là biểu hiện cái cụ thể của khế lý. Cho nên, các anh chị em phải luôn luôn học tập, luôn luôn lắng nghe. Ngay khi nhìn cánh bướm bay thôi, mình cũng còn phải học, vì sao cánh bướm vỗ nhẹ như vậy mà bay được còn mình luyện tập bay hoài mà bay không được? Có thể, do vì mình ăn nhiều quá, uống nhiều quá, nên thân và tâm nặng nề khiến cho thân tâm không được nhẹ nhàng. Thân tâm không nhẹ là một trong những yếu tố, khiến ta luyện tập bay như bướm không thành công. Con người ăn nhiều thứ, uống nhiều thứ, nên đi đâu cũng nặng nề hết, làm sao mà nhẹ như bướm được. Ta chỉ nhẹ nhàng khi nào ta có một tâm hồn nhẹ nhàng. Tâm nhẹ nhàng là tâm không phiền não. Do tâm không phiền não nên thân có khinh an. Thân tâm nhẹ nhàng, nên ta xử lý mọi công việc với nhau nhẹ nhàng. Nhẹ nhàng là điều kiện cho an lạc, hạnh phúc phát sinh. Ta chỉ biết đề cao nguyên tắc mà thiếu thực tế hay không thực tế, thì ta sẽ chết bởi vọng tưởng và vọng cầu của ta. Ta chết, tổ chức do ta lãnh đạo cũng duyên theo ta mà tự chết, chứ chẳng ai tiêu diệt khiến cho mình và tổ chức của mình chết cả.
Lý thuyết mà không thể thực hành được, nguyên tắc không thiết thực, thì đừng nói; nguyên tắc mà không thực tế là nguyên tắc chết. Cho nên, nguyên tắc là phải thực tế, muốn được như vậy phải biết lắng nghe và học hỏi. Học hỏi ở tất cả mọi người, bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào và bất cứ đối với ai. Đôi khi chương trình “Những bông hoa nhỏ” trên TV có những cái hay, tôi cũng ngồi xem để thu thập những cái hay ấy nhằm chia sẻ với các em trẻ; một tờ giấy gói quà, khi mở ra tôi cũng đọc. Một hôm tôi đọc tờ báo của Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo mà Anh Kha viết, viết về đề tài đạo pháp, dân tộc và chủ nghĩa xã hội, cuối cùng anh nói xã hội chủ nghĩa mà điền vào đây không còn thích hợp nữa và anh nói rằng, bây giờ tôi lại nghe mấy Thầy nói: Đạo pháp đồng hành với dân tộc, bước đầu chúng tôi cũng thích lắm, nhưng rồi nghiệm kỹ lại cũng không thể được, đạo pháp là đạo pháp thôi, dân tộc là dân tộc mình đó, nhưng quá nhỏ so với đạo pháp. Dân tộc thì có giới hạn bởi không gian, thời gian và con người, còn đạo pháp thì rộng lớn vô hạn. Vô hạn với không gian, vô hạn với thời gian và mọi người trong mọi không gian đều có thể đến với đạo pháp. Cho nên, cái nhỏ không thể đồng hành cùng với cái lớn. Cái nhỏ không thể đi kịp với cái lớn. Dân tộc không thể đồng hành với đạo pháp. Bài này tôi đọc xong cất kỹ. Bài viết này được viết năm 2007, trong bài viết này, anh lý luận rất hay. Câu chuyện trên cho ta thấy rằng ở đâu mình cũng có thể học được, cho dù đó là tờ giấy loại vẫn có lợi ích. Nên đừng cho rằng, một cánh bướm vỗ không có lợi ích; đừng cho rằng, một trái táo rơi là không có nghĩa, nó đã từng giúp cho nhà bác học phát hiện ra bao nhiêu nguyên tắc vật lý và giúp cho nhân loại biết bao nhiêu việc, không hẳn chỉ học trên ghế nhà trường hay chữ nghĩa trên những mảnh bằng giấy. Ta cần phải biết học hỏi mọi lúc, mọi khi và mọi đối tượng để ta có cái biết thiết thực đối với mọi vấn đề.
Chất liệu thứ tư:
Chúng ta là Phật Tử, chúng ta phải khẳng định cho được đạo của mình đang theo, tổ chức của mình đang phục vụ, còn chính trị là chuyện của xã hội, kinh tế là chuyện của thương gia, an ninh là chuyện của công an, biên phòng là chuyện của bộ đội, HIV là chuyện của y tế… đâu phải là chuyện của thầy tu, đâu phải là chuyện của Phật Tử luận bàn?
Là Phật Tử, nếu mình học giỏi, thì trong tất cả các lĩnh vực đó mình có thể đóng góp bằng tuệ giác tu học của mình, chính trị phải là chính trị như thế nào? Phải thấy cho rõ để đóng góp cho người ta, chứ không phải chống lại chính trị hay hoan hô chính trị. Người Phật Tử, chúng ta không nên thiên ái chính trị. Thiên ái chính trị là một ý nghĩ và việc làm vô ích, vì nó chỉ dẫn sinh phe nhóm và phiền não hơn là những sinh sự trung chính và an lạc.
Phật Tử là phải dẫn đạo, phải có cách nhìn đi trước thời đại và chỉ cho những người sống trong thời đại biết rằng: Quý vị thiết định chính sách như vậy chỉ thích hợp với lòng dân trong hiện tại, nhưng không thích hợp với lòng dân lâu dài; hiến pháp, luật pháp thiết định dựa trên lẽ phải, trên tâm hướng thượng của con người mới có giá trị lâu dài, chứ hiến pháp có tính cách đối phó mà không phải là khế lý; luật pháp thiết lập có tính cách vận dụng thức thời mà không phải có khả năng phòng hộ, đối trị và chuyển hóa những căn nguyên sai phạm, tuy mình không làm chính trị, nhưng Phật Tử phải có tuệ giác chính trị để giúp cho những người làm chính trị có cái hiểu biết hoàn hảo về chính trị để lãnh đạo đất nước. Người Phật Tử đích thật không muốn làm chính trị chứ không phải không có khả năng chính trị để làm.
Phật Tử là phải thấy rõ nguyên nhân của mọi vấn đề thiện ác, tốt xấu, để tránh điều xấu ác ngay nơi nguyên nhân và vun trồng những điều tốt đẹp ngay nơi gốc rễ. Cho nên nhân quả là sở trường của người Phật Tử. Phật Tử là phải hiểu cho rõ nhân duyên, hiểu cho rõ nhân quả, hiểu cho rõ nghiệp báo để chuyển hóa nhân ác và quả khổ; chuyển hóa nghiệp ác để thiện nghiệp phát sinh. Cho nên Phật Tử phải tạo cho mình có cơ hội học Phật; phải có cơ hội hiểu Phật và phải ứng dụng những gì Đức Phật dạy vào trong đời sống của mình và cống hiến kinh nghiệm của mình cho xã hội.
Giữa xã hội, phần nhiều không biết Phật; và nếu có biết Phật thì cũng không thể hiểu Phật; và nếu có hiểu Phật, thì cũng chưa thể thực hành được lời Phật dạy một cách thấu đáo. Vì vậy, người Phật Tử phải học Phật và thực hành lời Phật cho sâu sắc để cống hiến tuệ giác của Phật Giáo cho xã hội.
Vậy, các anh chị Phật Tử phải tập ngồi thiền; phải biết niệm Phật; phải biết lạy Phật thế nào cho đẹp; phải biết tụng kinh thế nào cho đúng ý nghĩa; biết học và trình bày giáo lý cho đúng sư phạm và khoa học cho những người xung quanh mình. Nếu mình không làm được những điều trên là mình vất (vứt) đi sở trường của mình và mình không khẳng định được mình trong Phật Giáo.
Như vậy, quý vị thấy rằng chất liệu thứ tư là mình phải học hỏi để khẳng định được chính mình, tổ chức của chính mình trong lịch sử và trong xã hội.
Nếu chúng ta làm được như vậy, thì mọi cơ hội tốt đẹp vẫn còn đó cho tất cả chúng ta.
Thích Thái Hòa