Đạo Phật là một tôn giáo hiện đại. Chúng ta nhắc nhiều đến khẳng định này, song trong thực tế đời sống tín ngưỡng tôn giáo hiện nay, những giá trị bản chất nhất để dẫn ra khẳng định ấy vẫn chưa được phát huy một cách đầy đủ trong cả phạm vi tông môn truyền thống, lẫn trong vai trò của một tổ chức Giáo hội.
Dĩ nhiên, không thể phán đoán giá trị của một tôn giáo chỉ qua sự quan sát thuần túy về mặt hiện tượng, hay qua một vài phương cách hành trì nặng về phần trình diễn tôn giáo, mà cần phải hiểu những tư tưởng cơ bản tạo nên giá trị của tôn giáo đó. Bởi trước tiên, người theo đạo Phật là những con người tự do, phóng khoáng, khoan dung, không chịu bất cứ sức ép nào trong con đường chọn lựa niềm tin, tư tưởng cho mình. Không gì khác hơn, đó chính là biểu hiện của một nền giáo dục tự do sơ khởi, một nền văn hóa để cao các giá trị nhân đạo, nhân văn. Do đó, thước đo giá trị của thời đại, không chỉ dừng lại ở những thành tựu của văn minh vật chất, mà căn bản, những bài học cơ bản để làm người đã tạo ra một xã hội hạnh phúc, hài hòa, được miêu tả sinh động qua hình ảnh “người dân đi ngủ không cần phải đóng cửa”, “ra đường không ai nhặt của rơi”.
Truyền thống văn hóa, giáo dục ấy đã liên tục khẳng định sức ảnh hưởng của Phật giáo trong lòng dân tộc. Chúng ta đã có những cơ sở nền tảng để phát huy vai trò, giá trị của nền văn hóa, giáo dục Phật giáo. Vấn đề còn lại hiện nay là trên tinh thần khế lý, khế cơ, khế thời, Phật giáo Việt Nam cần phải làm gì để theo kịp những bước chuyển mình nhanh chóng của xã hội hiện đại. Phật giáo Việt Nam luôn được lý giải bằng tinh thần của người Việt. Vì thế, tinh thần hộ quốc an dân, gắn bó đồng hành cùng dân tộc không chỉ là một khẩu hiệu suông, mà phải trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong ý thức trách nhiệm và hành động dấn thân của người Phật tử Việt Nam. Có nghĩa rằng, ở trong bất cứ hoàn cảnh nào, Phật giáo cũng phải thể hiện vai trò, thậm chí là sứ mệnh lịch sử của mình trước vận mệnh dân tộc.
Tinh thần “hộ quốc an dân” phải đi song song với tinh thần “hộ giáo khai quyền, để Phật giáo luôn giữ được hình ảnh “Hộ Pháp” của mình cho đất nước quê hương, nhưng cũng không làm biến dạng các giá trị thiêng liêng thuộc về tôn giáo. Điều đó đòi hỏi bản lĩnh, trí tuệ của người lãnh đạo, những người được Tăng Ni, Phật tử Việt Nam gửi gắm niềm tin và kỳ vọng.
Người Phật tử không làm ngơ trước những cái ác, cái bất công trong xã hội. Đồng thời, để làm sáng tỏ những giá trị đạo đức văn hóa Phật giáo trong đời sống ứng xử hàng ngày, người Phật tử cần phải giữ vai trò hạt nhân trong việc khôi phục văn hóa truyền thống, đề cao việc thờ cúng tổ tiên, hỗ trợ phát huy các nền tảng tinh thần làng xã, đẩy mạnh phong trào Phật hóa gia đình, sống đoàn kết, tương trợ trong cộng đồng dân cư…
Đạo Phật ở đâu trên bản đồ văn hóa dân tộc? Chắc chắn với những biến động xã hội lớn lao, thế giới ngày càng xích lại gần nhau, sẽ có những thách thức không nhỏ đối với văn hóa Phật giáo. Nếu ngay từ bây giờ, chúng ta không ý thức về điều này để nâng cao vai trò ảnh hưởng của văn hóa Phật giáo trong nền văn hóa dân tộc, thì không những chúng ta chưa kịp tiếp tục khẳng định giá trị của một tôn giáo đồng hành cùng với bước tiến thời đại, thì người Phật tử đã phải đứng bên lề xã hội, nhìn xã hội bước đi và bỏ tôn giáo của mình lại phía sau.
Mọi phân tích dự đoán, mọi cảnh báo đối với vai trò của Phật giáo trong các xã hội truyền thống Á châu đều đã được đưa ra. Vì thế, không có giữ gìn bản sắc văn hóa nào tốt hơn là quảng bá văn hóa. Người Phật tử dân thân là mẫu hình người Phật tử “Hộ Pháp” của mọi thời đại, và một tôn giáo hiện đại phải là tôn giáo có những con người mang trong mình lý tưởng và tinh thần cao cả của thời đại!
THÍCH THANH THẮNG