Tổ sư Minh Đăng Quang sinh năm 1923, tầm sư học đạo năm 16 tuổi (1938), xuất gia cầu đạo, ngộ đạo năm 22 tuổi (1944), hoằng truyền Chánh pháp trong 10 năm (1944 – 1954). Đây là thời kỳ đầy sôi động của Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn đã và đang chuyển mình, tạo nên một bước ngoặt lớn: Phong trào chấn hưng Phật giáo (1928 – 1945), mở đầu từ miền Nam, rồi miền Trung, miền Bắc, và đã phát triển rộng khắp cả nước, đem lại cho Phật giáo Việt Nam một bộ mặt mới, một sức sống mới. Sự xuất hiện của Tổ sư Minh Đăng Quang thông qua các sự kiện xuất gia cầu đạo, ngộ đạo, hành đạo, hình thành Đạo Phật Khất Sĩ – một tông phái Phật giáo biệt truyền chỉ có ở Việt Nam, có thể xem là một đóng góp, một nối tiếp của phong trào chấn hưng Phật giáo, nhưng là một sự đóng góp, một sự nối tiếp rất đặc biệt, do tâm nguyện “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp” của vị Tổ sáng lập. Bài viết này xin cố gắng làm rõ về hai vấn đề nêu trên.
1. Tổ sư Minh Đăng Quang với phong trào chấn hưng Phật giáo
Theo nhà nghiên cứu Phật học Đào Nguyên, trong bài viết “Tính tất yếu của Lịch sử Phật giáo Việt Nam từ phong trào chấn hưng (1928 – 1945)” thì diễn biến của phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam dấy khởi khắp ba miền Nam-Trung-Bắc (1928 – 1945) là con đường đi tới tất yếu của Phật giáo Việt Nam thời cận hiện đại để tồn tại và phát triển, cũng là phù hợp với tiến trình phát triển tất yếu của lịch sử dân tộc. Tính tất yếu ấy có thể ghi nhận qua các chi tiết: tất yếu vì mang tính quốc tế; tất yếu vì tính chất tự tồn, tính chất sống còn. Chi tiết này có thể nhìn thấy qua ba khía cạnh: (1) Tự tồn để phát huy nội lực; (2) Tự tồn để hiện rõ ánh sáng và sự thật; (3) Tự tồn để phục hưng cùng phát huy văn hóa Phật giáo, góp phần phát huy bản sắc văn hóa dân tộc[1]Xem Nguyệt san Giác Ngộ, số 207, tháng 06 – 2013, tr. 83 – 95..
Như vậy, theo chúng tôi, sự ngộ đạo, hành đạo của Tổ sư Minh Đăng Quang (1944) và sự thành lập Đạo Phật Khất Sĩ (1944 – 1954) cũng nằm trong chiều hướng tất yếu của dòng chảy lịch sử thuộc Phật giáo Việt Nam thời cận hiện đại. Sách Việt Nam Phật giáo sử luận III của Nguyễn Lang (HT. Nhất Hạnh) đã ghi nhận những vận động nhằm chấn hưng Phật giáo của HT. Khánh Hòa (1877 – 1947) cùng một số chư vị Tôn túc, cư sĩ trí thức thời ấy ở miền Nam như sau: Năm 1928, Thiền sư Khánh Hòa cùng với ba vị Tăng sĩ là Từ Nhẫn, Chơn Huệ và Thiện Niệm lo tổ chức việc xây dựng Thích Học đường và Phật học Thư xã tại chùa Linh Sơn, đường Douaumont, Sài Gòn. Năm 1929, Thiền sư Khánh Hòa và Thiền sư Thiện Chiếu (1899 – 1974) lại vận động giới cư sĩ hữu tâm ở Trà Vinh gởi mua cho Thư xã một Bộ Tục Tạng Kinh gồm 750 tập và an trí tại chùa Linh Sơn. Năm 1929, Thiền sư Khánh Hòa cho ấn hành một tập san Phật học bằng Quốc ngữ lấy tên là Pháp Âm. Pháp Âm đặt cơ sở tại chùa Xoài Hột – Mỹ Tho, dựa trên sự ủng hộ kinh tế của bổn đạo chùa này. Đó là tờ báo Phật giáo đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ tại Việt Nam. Số đầu ra đời ngày 13/08/1929… Thiền sư Khánh Hòa lại cùng với các vị Tăng sĩ quyết định tổ chức một hội Phật học để làm tiền đề cho sự tiến tới thành lập Tổng hội Phật giáo. Thiền sư triệu tập các vị Tăng và với sự cộng tác của một số cư sĩ tại Sài Gòn, như các ông Phạm Ngọc Vinh, Huỳnh Văn Quyền, Trần Nguyên Chấn, Trần Văn Khuê, Nguyễn Văn Nhơn, Lê Văn Phổ, Nguyễn Văn Cần… thành lập Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học (1931). Thiền sư Từ Phong chùa Giác Hải ở Chợ Lớn được bầu làm Chánh Hội trưởng. Thiền sư Khánh Hòa giữ trách vụ Phó Nhất Hội trưởng và Chủ nhiệm Tạp chí Từ Bi Âm. Tạp chí này ra đời ngày 1 tháng 3 năm 1932, trụ sở đặt tại chùa Linh Sơn số 149 đường Douaumont – Sài Gòn. Thư viện của tạp chí mang tên là Pháp Bảo Phương cũng được thành lập. Tục Tạng Kinh được an trí tại đấy. Thiền sư Thiện Chiếu lại vận động giới cư sĩ ở Chợ Lớn gởi mua thêm cho Pháp Bảo Phương một Đại Tạng Kinh vừa mới được ấn hành tại Trung Hoa.
Năm 1933, Thiền sư Khánh Hòa trở về chùa Long Hoa, tổ chức một Phật học đường lưu động lấy tên là Liên đoàn Phật học xã. Năm 1934, Thiền sư Khánh Hòa lại vận động để thành lập Hội Lưỡng Xuyên Phật học, và Hội này đã ra đời chính thức vào ngày 13/8/1934, trụ sở đặt tại chùa Long Phước – Trà Vinh. Công việc đầu tiên của Hội là tổ chức Phật học đường. Phật học đường Lưỡng Xuyên được khai giảng ngay vào cuối năm 1934. Các Thiền sư Huệ Quang, Khánh Anh được mời đến giảng dạy. Thiền sư Khánh Hòa đảm trách nhiệm vụ Đốc giáo. Hai vị cư sĩ hữu tâm là Ngô Trung Tín và Huỳnh Thái Cửu hợp nhau tặng cho Phật học đường một bộ Đại Tạng Kinh khác để làm tài liệu học tập. Năm 1935, Hội xuất bản sách Phật học giáo khoa bằng hai thứ tiếng Việt và Hán. Tạp chí Duy Tâm của Hội được ra mắt vào tháng 10 năm 1935. Tạp chí khởi dịch các Kinh Ưu-bà-tắc Giới và Quán Vô Lượng Thọ Phật. Hồi ấy, phong trào Phật học đã lan rộng cho nên báo Lục Tỉnh Tân Văn tại Sài Gòn cũng mở “Trang Phật học”. Tạp chí Duy Tâm thường lên tiếng kêu gọi thành lập một Phật giáo Tổng hội để thống nhất tổ chức Phật giáo Việt Nam. Từ cuối năm 1937 trở đi, trong số nào Duy Tâm cũng có bài bàn về vấn đề thành lập Phật giáo Tổng hội…[2]Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận III, Paris, Nxb. Lá Bối, 1985, tr. 52, 53, 58, 59..
Trích dẫn khá nhiều như thế là để chúng ta cùng thấy rõ những Phật sự tiêu biểu mang tính chất vận động để chấn hưng Phật giáo ở miền Nam thời bấy giờ – thông qua HT. Khánh Hòa cùng một số vị Tôn túc – chắc chắn là đã có ảnh hưởng nhiều đến tuổi trẻ của Tổ sư Minh Đăng Quang vốn rất thông sáng, ham thích cầu học, tham vấn đạo lý và tư duy. Trong Ánh Minh Quang có đoạn kể về tuổi thơ của Tổ sư: “Đến tuổi cắp sách đến trường, Ngài luôn chăm chỉ học hành, bài vở thầy dạy đến đâu Ngài thông suốt đến đó và mỗi năm mỗi tiến phát. Ngoài giờ học tập ở trường, Ngài giúp đỡ việc nhà, hầu hạ cha mẹ. Hơn nữa, Ngài rất siêng năng ưa thích nghiên cứu, tìm hiểu sách vở ghi chép sử liệu các tôn giáo, nhất là tam giáo Thích – Đạo – Nho… Ngài tìm tòi, học hỏi rất tường tận. Nhờ vậy, mỗi khi chuyện vãn với những người thiện duyên quen lạ, Ngài đều luận giải mọi vấn đề một cách tinh tường và được người người cảm phục.
Vốn được hấp thu nề nếp đạo đức Nho phong nên Ngài thường tới lui các nhà đạo đức trưởng thượng đương thời để tham vấn đạo lý. Trong thời gian này, Ngài có tạo một cái thất nhỏ phía sau nhà để hằng ngày tiện bề tu tập tham thiền. Ngài thường trầm tư mặc tưởng, có khi cả đôi ba giờ đồng hồ.
Cận cảnh của những giờ trầm tư mặc tưởng kia phải chăng là con đường chấn hưng của Phật giáo miền Nam đang diễn tiến tương đối thuận lợi, và viễn cảnh của sự tư duy ấy phải chăng là những manh nha của tâm nguyện “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”?
2. Tổ sư Minh Đăng Quang với tâm nguyện Nối truyền Thích-ca Chánh pháp
Tâm nguyện Nối truyền Thích-ca Chánh pháp là nền tảng nên trong chiều hướng này, toàn bộ các sự kiện tầm sư học đạo, xuất gia cầu đạo, chứng đạo, hành đạo, đều chính là những biểu hiện từ tâm nguyện nền tảng ấy. Bài viết Lược sử Tưởng niệm Đức Tôn sư Minh Đăng Quang in nơi sách Ánh Minh Quang đã ghi nhận về thời kỳ dốc chí cầu đạo, thuyết pháp truyền đạo của Đức Tổ sư Minh Đăng Quang như sau: “… Ngài dấn thân vào vùng Thất Sơn, nơi có nhiều núi non huyền bí, hang động sâu thẳm, có những bậc ẩn tu ít người thấy gặp. Ngài đến đây với tất cả lòng thành, với quyết chí tu hành giải thoát, tìm ra Chánh pháp của Như Lai, hiến dâng cuộc đời cho Phật pháp. Giữa chốn núi cao chập chùng, cây lá phủ giăng bốn bề tịch lặng, chỉ nghe tiếng chim kêu vượn hú, làm bạn với cỏ cây. Đêm tham thiền tĩnh tọa, buổi sáng mang bình bát đi khất thực hóa duyên trong thôn xóm theo hạnh Phật Tăng xưa. Giờ Ngọ thọ trai xong, Ngài trở về tìm chỗ tịch lặng để đi kinh hành và giữ mình thanh tịnh, trau dồi đạo quả. Ngài ở vùng Thất Sơn ít lâu thì xuống núi qua đất Hà Tiên… Ngài lại ra đầu gành bãi biển mũi Nai, ngồi tham thiền bảy ngày bảy đêm quán xét về nhân duyên. Trước cảnh thiên nhiên trời nước bao la, những chiếc thuyền nhấp nhô, bọt nước tụ tán, vào một buổi chiều, Ngài ngộ nhập Phật pháp, chứng đạt lý vô thường, vô ngã, cảnh khổ trầm luân, đầy vơi, có không còn mất, sống chết, khổ vui của cuộc đời. Chính nơi đây, Ngài tỏ sáng lý pháp “Thuyền Bát Nhã” ngược dòng đời cứu độ chúng sinh. Năm đó, Đức Ngài tròn 22 tuổi.
Để đánh dấu bước đường hoằng dương Phật pháp, thời pháp đầu tiên được Ngài khai đàn giảng giải là “Thuyền Bát Nhã” vào ngày Rằm tháng Tư tại Linh Bửu tự, làng Phú Mỹ, tỉnh Mỹ Tho. Từ đó, gót chân hành đạo của Đức Tôn sư Minh Đăng Quang, vị Sư trưởng của Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam bước rộng lần ra từ phạm vi làng này sang làng khác, từ tỉnh này sang tỉnh khác… Ngài phát nguyện “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp” noi gương Phật Tăng xưa sống đời phạm hạnh giải thoát…”[3]Hệ phái Khất Sĩ, Ánh Minh Quang, TP. HCM, Nxb. Tổng hợp TP. HCM, 2004, tr. 11 – 13..
Nói chung, sự nghiệp hoằng hóa của Tổ sư Minh Đăng Quang nhằm “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp” có thể gồm thâu vào 2 phần là Truyền thống và Hiện đại.
a. Nối truyền Thích-ca Chánh pháp theo truyền thống
Chư Tăng Ni Khất Sĩ duy trì hình thức sinh hoạt của Tăng đoàn là khất thực vào buổi sáng, không nhà cửa, không gia đình quyến thuộc, không cất chứa các vật dụng, tiền bạc, không ở một nơi chốn nhất định. Vấn đề này đã được hướng dẫn một cách chi tiết, cụ thể:
1. Phép đi khất thực chỉ từ một tới hai người, trừ khi nào đến xứ lạ, một hai ngày đầu thì đi chung cho biết đường sá, đi từng người cách khoảng hai thước.
2. Khi đi lấy cơm hoặc đi trai tăng tại nhà cư sĩ thì được đi chung, đi hàng một, cách nhau hai thước tây, ai lớn tuổi đạo đi trước, tập sự đi sau.
3. Tại tịnh xá có ban cư sĩ hộ pháp, hoặc có nhiều người xin cúng dường luân phiên giáp 30 ngày trong mỗi tháng, thì Giáo hội nếu đông chia ra: phân nửa Tăng đi khất thực, phân nửa Tăng nhận cúng dường trọn bữa ăn.
4. Tốt hơn là mỗi người hàng ngày đều phải đi bát, ban hộ pháp chỉ hộ thêm sau khi đi về.
5. Khi đi khất thực, nếu ai về không kịp ngọ, lỡ quá trưa thì phải độ nơi chỗ vắng, gốc cây, xa đường lộ, phố xá, chợ đông. Phải tránh những chỗ dơ dáy bụi bặm, cấu trược ồn ào, vì thế sẽ làm nhẹ thể pháp Phật.
6. Đi bát không được vô chợ, hoặc đứng phía góc chợ, hoặc chen lấn chỗ đám đông. Nên đi vào trong xóm và các đường lộ xa chợ.
7. Mỗi đường có thể đi ba ngày, đi xa không quá ba ngàn thước.
8. Bận đi phải đi luôn, bận về nếu thiếu thì đứng trước cửa từng nhà (ngoài đường chớ không được vào thềm), mỗi nhà đứng năm ba phút theo thứ tự.
9. Khi bát còn lưng thì ôm qua tay trái gần trước bụng, lúc đầy rồi phải để vào túi, phủ nắp lại, quảy phía tay mặt không nhận nữa.
10. Không nhận lãnh đồ vật để trong túi, ngoài bát hoặc trên nắp bát.
11. Không được nhận tiền, gạo, không được nhận đồ ăn mặn. Khi người đem đến cúng, mình có thể hỏi xem là chay hay mặn, đó là gương dạy thiện cho người.
12. Không được đi vào nhà ai, khi đi khất thực. Nếu phải viếng ai hoặc có việc của Giáo hội sai, thì đi lại ngay nhà người ta trước, bát mang chớ không ôm, bận về mới ôm ra, đi xin mà trở về.
13. Không được đứng lại uống nước hay đại, tiểu khi đi khất thực.
14. Bát nếu ôm trần thì được nhận, bát mang trong túi cấm thâu nhận.
15. Không được ngó mặt thí chủ, hoặc nói chuyện quá năm, sáu câu.
16. Ai có hỏi về đạo giữa đường, thì kiếm nơi gốc cây ngồi nói, hoặc hẹn sau khi độ cơm rồi sẽ giảng nói, hoặc mời người đến ngay chỗ trụ, hoặc để ngày khác, người thỉnh cúng dường tại nhà có Tăng đông, cư sĩ nhiều sẽ giảng nói.
17. Khi đi khất thực, ai muốn cúng hoặc thí gì tự ý, bao giờ người hỏi sẽ chỉ dạy, bằng không thì thôi, chớ chê khen, bắt lỗi, ép buộc người ta.
18. Nếu biết cơm có dính lỡ đồ ăn mặn, thì khi về phải cho người khác, chớ không được dùng, bằng khi túng ngặt, phải gụt rửa sạch mới được dùng.
19. Khi đi khất thực phải trang nghiêm hòa huỡn, ngó ngay xuống, ngó xa hai thước, chớ ngó liếc hai bên, chớ tìm lóng nghe chuyện người nói, tâm phải niệm Phật.
20. Đừng vừa đi vừa nói chuyện, chỉ chỏ, muốn qua đường quẹo phải đứng lại xoay mình, chớ đừng đi tắt xéo.
21. Mỗi khi có chuyện gì thì phải đứng lại, có ai cúng thì chỉ lại người sau, cho để bát trước.
22. Ngày nào ai đi bát đường nào, phải sắp đặt trước tại chùa, chớ đừng ra đường lộn xộn.
23. Khi đi khất thực, ngoài món ăn ra không nhận các thứ gì khác của bất cứ ai gởi. Hãy bảo họ đem lại các chùa kia. Ai nói gởi cúng Phật thì không được nhận. Hãy nói: “Tăng chỉ là người tu đi xin ăn mà thôi”.
24. Đồ ăn rồi nếu còn dư phải cho hết, không được để dành.
25. Đồ khất thực trước phải độ trước. Đồ cúng dường sau phải độ sau.
26. Khi đi khất thực không được chống gậy, mang giày, che dù… Phải mặc áo chừa cánh tay mặt, đầu trần, chân không, phải mặc vấn thượng y trùm kín[4]Tổ sư Minh Đăng Quang, Luật nghi Khất sĩ, TP. HCM, Nxb. Tổng hợp TP. HCM, 2012, tr. 61 – 65..
b. Nối truyền Thích-ca Chánh pháp theo hiện đại
(1) Phần này là Việt hóa, rút tỉa, đúc kết từ các mảng giáo pháp căn bản của Phật pháp (Tứ đế, Bát chánh đạo, Thập nhị nhân duyên, Có và không…) để giảng dạy, chỉ dẫn, ứng hợp cơ duyên, như các đoạn trích sau:
– Người là lòng thương yêu gia đình. Trời là lòng thương yêu xã hội. Phật là lòng thương xót cả chúng sinh. Các bậc ấy thảy quên mình mà biết lo cho kẻ khác, nên muôn loài thảy kính vì (Chơn lý “Thập nhị nhân duyên”).
– Quan hệ nhất là chữ ái chia tách hai đường: Người đứng trên chữ ái là chư Phật, kẻ nằm dưới chữ ái là chúng sinh. Điều đó đáng cho chúng ta thận trọng (Chơn lý “Thập nhị nhân duyên”).
– Người tà kiến thì đi sâu vào trong chốn khổ mịt mờ đen tối. Nếu quay trở lại chánh kiến, tức nhiên giải thoát xán lạn vui tươi (Chơn lý “Bát chánh đạo”).
– Đạo chánh là bởi thiện lành không ác quấy. Ấn chứng của đạo là sự tươi vui không khổ nhọc (Chơn lý “Bát chánh đạo”).
– Có giữ giới vạn vật mới tốt đẹp. Có thiền định chúng sinh mới sống đời. Có trí tuệ các pháp mới trọn lành, trong sạch (Chơn lý “Có và không”).
– Có để đặng chơn như. Không để đặng chơn như. Trung để đặng chơn như. Chấp gồm thâu ba pháp để đến chơn như. Không chấp cũng là chơn như. Chơn như mới thật là có. Chơn như mới thật là không. Chơn như mới thật là trung. Chơn như mới thật là Ta, là Phật (Chơn lý “Có và không”).
– Kẻ thiện lành dầu câm cũng là biết nói, nói lời lành ai cũng mến. Kẻ ác dầu học giỏi cũng như câm, vì nói chẳng ai nghe (Chơn lý “Sanh và tử”).
– Lòng thương có cao có thấp, có sạch có dơ, có trúng có trật. Thương ngay là đến Niết-bàn, sống mãi. Thương tà vạy là sa địa ngục, diệt vong (Chơn lý “Nam và nữ”).
– Nếu ta sống có ích lợi cho người, thì người khác cũng sẽ sống có ích lợi lại cho ta (Chơn lý “Y bát chơn truyền”).
– Người có định thì thân khẩu ý mới trong sạch, tuy ít nói mà nói hay, tuy ít làm mà làm nên, tuy ít nhớ mà nhớ phải, là được kết quả yên vui (Chơn lý “Nhập định”).
– Hạt giống thú là thân khẩu ý ác. Hạt giống người là thân khẩu ý nhân. Hạt giống trời là thân khẩu ý thiện. Hạt giống Phật là thân khẩu ý chơn (Chơn lý “Tâm”).
– Chơn lý như mặt trời, pháp lý như đèn sao, thế sự như hang tối. Vậy nên cái học của chúng ta là học chơn lý, thấu chơn lý mới gọi là bậc thật học (Chơn lý “Học Chơn lý”).
– Kẻ trí trau tâm chớ chẳng dồi thân, nói ít mà nên, làm ít mà hay, lo ít mà đặng, là bởi nơi tâm đã trọn tốt… (Chơn lý “Đi tu”).
– Trong đời ai cũng phải ăn đặng sống. Nhưng bởi có cái sống trước mới có sự ăn sau. Vậy thì muốn sống là chớ sát sinh, muốn ăn thì không nên trộm cắp (Chơn lý “Ăn và sống”).
– Có không tham vọng, tâm ta mới no đủ. Có không sân si thì tinh thần mới sáng láng, mát mẻ trong sạch. Thân khẩu ý không vọng động thì tâm hồn mới an trụ cứng cỏi (Chơn lý “Phật tánh”).
– Thân trong sạch ấy là xứ Phật. Miệng trong sạch ấy là pháp Phật. Ý trong sạch ấy là con Phật. Tâm trong sạch ấy là Đức Phật (Chơn lý “Tu và nghiệp”).
– Đạo Phật khi hẹp thì phải mở rộng, và khi rộng là phải thu hẹp. Rộng hẹp phải biết tùy duyên mới gọi là phương tiện thiện xảo của trí tuệ Phật (Chơn lý “Thờ phượng”).[5]Hệ phái Khất sĩ, Ánh Minh Quang (trích Tinh hoa Chơn lý), TP. HCM, Nxb. Tổng hợp TP. HCM, 2004, tr.51–71.
c. Về phần giới luật
Luật nghi Khất sĩ, riêng cho giới xuất gia gồm 9 phần: (1) Bài học Khất sĩ; (2) Luật Khất sĩ; (3) Bài học Sa-di; (4) Pháp học Sa-di 1 (Giới); (5) Pháp học Sa-di 2 (Định); (6) Pháp học Sa-di 3 (Tuệ); (7) Giới bổn Tăng; (8) Giới bổn Ni; (9) Giới Phật tử cùng 114 điều Luật nghi Khất sĩ.
Cũng như nơi phần Giáo lý, đây là những đúc kết, nêu thuật, tóm lược những điểm chính yếu về Giới luật từ các bộ Luật tiêu biểu đã được Hán dịch và Việt dịch (Luật Tứ Phần, Luật Ma-ha-tăng-kỳ, Luật Ngũ Phần, Luật Thập Tụng…) trong nỗ lực Việt hóa, diễn ca, chỉ dẫn cụ thể dễ hiểu, ứng hợp cơ duyên, làm chỗ dựa cho hàng xuất gia của Hệ phái Khất sĩ an trụ, tu tập, hành hóa, nhằm đạt đến giác ngộ giải thoát.
Chẳng hạn, đây là những Học pháp kết hợp với Giới cần thực hành để buộc giữ sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) khiến người Khất sĩ tịnh hóa thân tâm, tinh cần tu học, hành đạo:
– Mắt: Mắt phải đừng nháy liếc, nếu ngó ngang phải xoay trọn cái đầu. Ngó phụ nữ cách xa năm thước. Ngó ngay sóng mũi, ngó thoáng qua không được chăm chú… Mắt là thần, chủ của tâm nên phải ngó xuống và tập cho cứng. Thường phải ngó xa về chân trời hướng Tây để quán tưởng. Chớ ngó sắc trần, đồ vật tươi tốt khéo hay, thân người chưng diện, mà phải thấy chư Phật, Pháp, Tăng…
– Tai: Tai không nghe thế sự, tiếng ác nhơ, êm dịu, lời kèn huyễn. Phải nghe gió, nghe hư không, nghe tiếng pháp, nghe tận nơi xa, nghe trong trí não.
– Mũi: Mũi chớ ngửi mùi thơm thúi, mà nên ngửi tâm người, ngửi mùi pháp, ngửi tận hư không, ngửi mùi của các hạng chúng sinh…
– Lưỡi: Lưỡi chớ nếm vị ngon, chớ phân biệt thức ăn, nên phải nếm pháp vị, nếm đạo lý, quả Niết-bàn an lạc.
– Thân: Thân chớ trau dồi tốt đẹp, mà cũng đừng quá ư trệ xấu xí. Chớ ưa mềm mại, chớ ham tươi tốt áo quần. Phải trì giới phạm hạnh thanh tịnh… Đừng dung dưỡng, đừng khổ hạnh…
– Ý: Ý không mong cầu, đừng hay cố chấp, sao cũng được, sao cũng xong. Sao là sao, cái gì cũng vậy, sao cũng bằng nhau, như vậy, như nhiên, như thường, như như. Đừng trái ý ai, đừng tự ý mình. Đừng nhớ tưởng, đừng rối loạn, chớ tự cao. Thân khẩu ý phải trong sạch lục trần. Tham sân si phải đoạn diệt; sát đạo dâm phải dứt chừa…
Như vậy thì có giới mới có định. Không giới định thì không phải là người tu hành, chẳng bao giờ phát huệ sanh chơn…[6]Luật nghi Khất sĩ, TP. HCM, Nxb. Tổng hợp TP. HCM, 2012, tr. 70 – 72.
Tóm lại, Tổ sư ra đời trong sự nối tiếp phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam, tâm nguyện “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp” của Tổ sư Minh Đăng Quang như thế là đã thành hiện thực, vì Đạo Phật Khất Sĩ do Ngài sáng lập đã chứng tỏ có một sức sống bền vững, phát triển rộng khắp, góp phần làm phong phú những pháp phái hành đạo của Phật giáo Việt Nam, đem ánh sáng Chánh pháp đến với muôn loài.
HT. Thích Trung Hậu
Trưởng ban Văn hóa Trung ương GHPGVN
[trích Tham luận Hội thảo Khoa học của hệ phái Khất sĩ]
↑1 | Xem Nguyệt san Giác Ngộ, số 207, tháng 06 – 2013, tr. 83 – 95. |
---|---|
↑2 | Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận III, Paris, Nxb. Lá Bối, 1985, tr. 52, 53, 58, 59. |
↑3 | Hệ phái Khất Sĩ, Ánh Minh Quang, TP. HCM, Nxb. Tổng hợp TP. HCM, 2004, tr. 11 – 13. |
↑4 | Tổ sư Minh Đăng Quang, Luật nghi Khất sĩ, TP. HCM, Nxb. Tổng hợp TP. HCM, 2012, tr. 61 – 65. |
↑5 | Hệ phái Khất sĩ, Ánh Minh Quang (trích Tinh hoa Chơn lý), TP. HCM, Nxb. Tổng hợp TP. HCM, 2004, tr.51–71. |
↑6 | Luật nghi Khất sĩ, TP. HCM, Nxb. Tổng hợp TP. HCM, 2012, tr. 70 – 72. |