Thưa quý Anh Chị Huynh trưởng,
Đúng ra để chào đón cuộc họp mặt được trông đợi đem lại nhiều hứa hẹn cho tập thể chúng ta, nhan đề của bài viết này là “Hoa Nở Mùa Đại Hội” như dự định, mới bộc lộ tinh thần và nội dung những điều mà tôi và mọi người muốn chân thành gửi gắm với quý Anh Chị, những người có trách nhiệm và gắn bó với tổ chức.
Nhưng, nhìn lại quá trình, nhu cầu hiện tại và hoàn cảnh lịch sử luôn nhắc nhở, thúc giục chúng ta không bỏ phí thời gian, bỏ lỡ cơ hội mà cần bắt tay ngay vào việc, cần thực thi nhanh chóng và đầy đủ những điều đã đề ra, do đó, không gì bằng tôi chọn việc thúc đẩy hành động làm đề tài góp ý thay cho một lời kêu gọi trực tiếp gửi đến quý Anh Chị.
Chỉ đọc qua nhan đề trên, chắc quý Anh Chị cũng hiểu được phần nào tâm ý và ước mong mà tôi đặt vào quý Anh Chị vào thời điểm này. CÙNG GÓP SỨC, CÙNG LÀM cần được xem là bước đi kế tiếp của chúng ta trên con đường phụng sự cho lý tưởng chung.
Trước đây một khoảng thời gian chừng một năm, tôi có đọc một bài viết của cụ Hoàng Tụy, mà sau này mới rõ là một giáo sư, một nhà Bác học ngành Toán. Thú thật, điều sơ khởi khiến tôi để ý hơn cả là cách Cụ thể hiện điều cụ muốn nói lên: GIÁO DỤC, XIN CHO TÔI NÓI THẲNG. Chỉ đọc qua cách mà nhà giáo lão thành đáng kính này đặt vấn đề là thấy sự nhiệt thành, thiết tha, bộc trực của một tấm lòng mời gọi. Tôi cảm thấy màu trong mình chảy mạnh lên, cả người nóng ran, và tim óc của tôi run lên, để đọc từng lời, từng chữ của tác giả. Thật là những giây phút phấn khởi vô cùng với người mở lòng tiếp nhận. Tôi mạn phép học đòi cách đó, coi thử tôi có “thành tựu đạo quả” được chưa, quý Anh Chị nghe?
Thành thực mà nói, tôi còn có niềm tin là mình may mắn hơn nhà giáo lão thành trên phần nào vì, với tôi, người nghe, quý Anh Chị, vốn là những người bạn trong tình Lam, là những người đã từng cảm thông, hiểu biết nhau từ mấy thập niên qua trên con đường hướng về một lý tưởng chung.
Nhưng, theo tôi nghĩ, nỗi khó khăn chung không phải về mặt ý thức. Bài học về “bó đũa” nêu cao sự cần thiết của tinh thần hợp quần, đoàn kết hay việc xiển dương tình liên đới đoàn thể thể hiện trong “bầu ơi thương lấy bí cùng v.v…” chắc chúng ta đã nghe nhiều rồi và đã nằm lòng.
Cũng thế, một trong những vấn đề cấp thiết từng được nêu lên là chúng ta CẦN PHẢI làm gì trước tình trạng HIỆN TẠI liên quan đến tổ chức GĐPT thân thương? Câu trả lời có lẽ là tiếng đồng thanh rằng chúng ta cần một lòng ĐOÀN KẾT để bảo vệ Tổ chức màu Lam, và thật lòng ĐÓNG GÓP cụ thể để nuôi dưỡng những sinh hoạt giáo dục tuổi trẻ, là lý tưởng và mục đích chính yếu mà chúng ta đã đeo đuổi, riêng với một số Anh Chị hiện diện trong Đại hội này, đã đồng hành trong gần suốt cuộc đời.
Như vậy, xin nói thẳng, nói gọn trong một lời: giờ là lúc chúng ta cần HÀNH ĐỘNG, và được yêu cầu HÀNH ĐỘNG. Lúc này, hơn bao giờ hết và càng sớm càng tốt, tập thể Huynh trưởng chúng ta cần phải ĐỒNG TÂM HIỆP LỰC cùng chung sống một cách chân thật với châm ngôn Bi Trí Dũng và những Điều Luật Cao Quý của mình.
Trong niềm hoan hỉ của người vừa ngay lòng nói thẳng điều suy nghĩ bấy lâu, tôi cũng như những người quan tâm đến sự hưng thịnh của tổ chức đều mong chờ thành quả điều trông đợi trên trong kỳ họp mặt kế tiếp.
Kính chúc quý Anh Chị một mùa Đại Hội thành công để đem lại sinh khí mới, sức sống mới cho Tổ Chức. Cầu nguyện hồng ân Tam Bảo gia hộ quý Anh Chị, thuộc nhiều lứa tuổi, ở nhiều hoàn cảnh, tất cả đều được an vui trong lý tưởng màu Lam yêu quý của chúng ta.
______________________________
Trích “Phổ Hương Tình Thầy” | Tuyển tập những bài viết của Thầy Từ Lực dành cho GĐPT | Kết tập: Tâm Nghĩa, Thị Nghĩa, Nhật Quang Đạo, Quảng Ý, Nguyên Túc, Giác Bổn, Tâm Thường Ðịnh, Nhuận Pháp và Uyên Nguyên | Tủ Sách Phổ Hòa xuất bản, 2020
[box type=”shadow” align=”” class=”” width=””]40 NĂM XUẤT GIA HỌC ĐẠO
Chẳng kể những lúc bâng khuâng với năm tàn của tuổi vãn niên mà mỗi khi có dịp lắng tâm nhìn lại chuỗi ngày đôi lúc phải bôn ba theo mộng ước hành thế của người hoằng hóa, tôi chợt ngẫm ra rằng ước vọng con người không thể theo kịp tốc độ của thời gian. Tôi đã xa nhà hơn bốn mươi năm và ngã rẽ quan trọng không chỉ trong cuộc sống trí huệ tâm linh cũng đã diễn ra không xa với thời điểm phải lưu lạc. Buổi lễ Thế phát đúng vào dịp vía Phật Thích Ca xuất gia, là Chủ Nhật, 27 tháng 3 năm 1977, nhằm ngày 8-2 năm Đinh Tỵ, lúc 6 giờ sáng tại chánh điện niệm Phật đường Từ Quang, số 1661 đường Fulton, San Francisco, CA 94103. Số điện thoại: (415) 431-1322. Bổn sư của tôi là HT Thích Tịnh Từ, sáng lập chùa Từ Quang và Viện trưởng Tu viện Kim Sơn. Năm đó, tôi vừa tròn 24 tuổi.
Cùng có mặt hộ niệm trong buổi sáng đáng ghi nhớ này là anh Nguyễn Hũu Nghiên, cụ Diệu Nhâm và chị Quảng An, người mà sau này cũng xuống tóc ở tu viện Kim Sơn. Xuất gia, với tôi, là sự lựa chọn không băn khoăn. Tôi nhớ, khi đó, tâm trạng mình thật nhẹ nhàng. Hạnh nguyện vỏn vẹn chỉ là chọn con đường Đạo để tu thân, hành thiện, mục đích trước mắt là báo đáp công ơn dưỡng dục của cha mẹ.
Năm tháng trôi qua, nhiều nhân duyên bồi đắp thêm hạnh nguyện ban đầu nhưng không ngoài mục đích cung hiến cho lợi ích cộng đồng và an lạc của quần chúng. Bốn mươi năm qua, được sự trợ duyên vô lượng của thiện tín thập phương, những dấu chân trên từng chặng hoằng hóa mang ý nghĩa những thành tựu chung ghi nhận nỗ lực xây dựng và phát triển một nếp sống văn hóa và tâm linh đượm màu giải thoát. Như thế, hạnh nguyện của cá nhân – tuy đơn sơ giản dị – đã có cơ hội tạo duyên cho sự hình thành ước vọng của đại chúng nên xin được phép bộc bạch tiếp nơi đây :
- Sau thời gian tu tập ròng rã mười năm tại chùa Từ Quang, được thọ đại giới trong đại giới đàn Đại Nguyện tổ chức tại chùa Kim Quang năm 1985, và tốt nghiệp đại học cùng năm, tôi xin phép về Hayward lập Trung tâm Phật giáo, mà mục đích chính nhằm vào việc thực tập thiền quán và tổ chức sinh họat dành cho đối tượng tuổi trẻ.
- Đến năm 1993, có cơ duyên lập chúng Xuất gia, trước sau gồm 16 đệ tử thọ trì giới pháp với pháp tự chữ Phổ, nương theo hạnh nguyện phụng sự của Bồ tát Phổ Hiền. Trong số đó, có năm vị ra hành đạo làm Trụ trì, lập cơ sở và hướng dẫn tu học cho Phật tử ở Hoa kỳ và ngoại quốc.
- Sau đó, nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh và tu học ngày một trở nên cần thiết, việc kiến tạo một cơ ngơi phụng tự mang tên Phổ Từ được khởi công năm 2000 và lần lượt hoàn tất ít năm sau đem lại phương tiện ổn định cho tứ chúng người Việt cũng như người bản xứ trong các chương trình sinh hoạt, tu học thường xuyên, định kỳ.
- Vị thế khang trang của ngôi chùa còn là điểm quy tụ trong một số sinh hoạt của Gia Đình Phật Tử. Ba đơn vị GĐPT Chánh Tâm, Chánh Đức và Chánh Hòa, sinh họat hàng tuần vào mỗi chủ nhật gồm trên 300 Huynh trưởng và Đoàn sinh cùng thực tập nếp sống Từ bi và nuôi dưỡng niềm tin vào công cuộc phụng sự cho lợi ích chung.
- Khi cơ sở trong thành phố tạm yên ổn, thì việc gây dựng một môi trường thuận tiện cho việc thực tập chánh niệm theo mô hình quen thuộc, được đặt ra, nên vào năm 2012 Trung tâm Tu học Phổ Trí được tạo dựng ở Vacaville, một vùng ngoại ô, với 5 mẫu đất và 2 căn nhà. Bên cạnh những ngày Quán Niệm và những chương trình sinh hoạt bằng tiếng Anh dành cho thiện tín, việc xây dựng và tu bổ một số tiện nghi và cảnh quan xứng hợp tại nơi đây được tiếp tục tiến hành đem lại triển vọng của một phương thức tô bồi đời sống của trí huệ và tâm linh giữa thiên nhiên ngợi ca chào đón.
TRƯỚC và SAU
Nhiều người thường hỏi lý do thúc đẩy tôi chọn con đường xuất gia nơi xứ người. Tìm kiếm câu trả lời trong chân thành, tôi chỉ có thể nhắc đến cảm giác bỗng nẩy nở trong tâm hồn mình sau khi nghe lời kinh Phật giữa lúc nỗi lòng chưa hết bàng hoàng của kẻ bỗng trở thành người phiêu bạt nơi xứ lạ. Giọng kinh như tiếng điểm mê, dắt tôi ra khỏi nỗi thất vọng vây phủ và nỗi buồn đang gậm nhấm. Đó là khi ở trại tỵ nạn Fort Chafee, tình cờ, tôi nghe giọng tụng kinh của Ôn Trí Quang trong một băng kinh ngắn. Ôn tụng bài tựa Lăng Nghiêm, nghi thức thời kinh sáng, và một đoạn của phẩm Phổ Môn. Gịong Ôn trầm, ấm, đầy thiền vị, có một hấp lực lạ lùng làm tôi đắm mình, ngưỡng vọng. Về sau, mỗi khi có dịp nghĩ về hạnh nguyện xuất gia, giọng tụng kinh của Ôn như an ủi, như khuyến khích mình. Tôi thấy rất thảnh thơi với cuộc sống trong Chùa như tìm thấy một trợ lực, một sức mạnh linh thiêng, huyền bí thường xuyên bảo hộ mình.
Bao nhiêu năm qua, tôi vẫn tin tưởng như vậy mà yên lòng tu tập. Rồi hôm Mẹ tôi qua Mỹ thăm tôi sau 30 năm xa cách, một câu nói tràn đầy lòng thương yêu của Mẹ còn văng vẳng mãi: “Thầy tu răng mà rọm dữ rứa!” Giọng nói mộc mạc, quen thuộc của người dân quê xứ Huế một lần nữa, như vỗ về, trìu mến len vào nơi sâu thẳm trái tim. Như thế, tôi không giấu rằng, trong nhiều trường hợp quan trọng, tình cảm luôn hướng dẫn, soi lòng cho tôi trong lựa chọn hay hành động cũng như có mặt bên tôi những khi thao thức trước khó khăn hay nghịch cảnh.
NIỀM VUI TRONG CUỘC SỐNG
Ngày qua ngày, tôi sống trong tình thương đùm bọc của Tăng thân, của mọi người. Tình cảm tha thiết ấy đã khiến tôi cảm thấy một điều có thể do nhân duyên từ nhiều đời tích tụ. Đó là tôi cảm thấy thật sự vững tâm, an lạc khi nghĩ rằng luôn luôn có các bậc Thầy tiền bối chứng minh, che chở cho mình, nhất là trong những sinh họat của Tăng đoàn, Giáo hội. Tôi nghĩ, ân đức đó đối với tôi rất là quan trọng và có nhiều ý nghĩa. Tinh thần “tôn sư trọng đạo” giúp tôi giữ vững tâm Bồ đề và nuôi lớn ước nguyện giúp người, cứu mình.
Riêng, đối với giới trẻ, tôi thường mở rộng lòng đón nhận thiện ý, thành ý và xem là động lực thúc đẩy mình tiến bước, lòng dặn lòng, đây mới là đối tượng chính yếu để có thể hy sinh, hay chịu đựng gian khổ, nếu cần, miễn là giữ vững đường tu để hoàn thành nguyện vọng phụng sự theo gương bồ tát Quan Âm, Phổ Hiền.
Nhìn lại chặng đường dài trải qua, tôi vô vàn biết ơn những hộ trợ từ những người xuất gia và bạn hữu xa gần. Trong niềm cảm khái và tâm niệm biết ơn, tôi xin ghi lại đây một chút tâm tình, kèm theo hình ảnh những kỷ niệm thân thương kể từ ngày Xuất Gia 40 năm trước, ngày tôi được tái sinh vào ngôi nhà Đạo pháp.
Nguyện cầu hồng ân Tam Bảo gia hộ chư vị Sư trưởng, Huynh đệ, thiện hữu xa gần luôn được nhiều an lành.
Hayward, ngày 5 tháng 2 năm 2017
Thích Từ Lực[/box]