Vật hữu bản mạt, sự hữu chung thúy
(Đại Học)
Sinh hồ kim chi thế, phán cố chi đạo; như thử già, tai cập kỳ thần già dã.
(Trung Dung)
PHƯƠNG PHÁP HỌC HỎI
Khi đề cập đến Khổng học, phần đông những người thế hệ mới có phản ứng không tốt hoặc vì từ nhỏ đến lớn theo học trường Tây và chương trình Tây, hoặc vì gia đình theo Tây không ai biết gì về Nho học nên không thể nhắc nhở con cháu, hoặc vì thiếu óc tò mò không tìm tòi nghiên cứu gốc tích văn hóa xã hội Việt Nam. Vì vậy, nếu họ nghe nói rằng tinh thần khoa học không phải Âu Mỹ mới có, mà trong Khổng học đã có rồi, chắc họ sẽ nghi ngờ, hoặc cho đó là nói đùa. Họ sẽ nói: «Các ông đồ Nho mà khoa học gì!Lối học Nho là học từ chương, hủ bại; nếu không tại sao ta mất nước?». Nói như vậy là đúng, nhưng đó là buộc tội những nhà nguy nho hay hương nho, chớ không phải buộc tội tư tưởng Khổng học, vì tư tưởng Khổng học là một tư tưởng rất khoa học. Chỉ vì xứ sở ta quá nhiều ngụy nho nên xã hội Việt Nam đứng một chỗ trong khi các nước Âu Mỹ tiến rất mau, và khi sự va chạm giữa ta và họ xảy ra trong thế kỷ XIX ta bị họ đánh bại và đô hộ.
Ai có một trình độ văn hóa trung bình cũng biết thế nào là tinh thần khoa học. Khoa học là quan sát, phân tách, suy luận tường tận và trình bày minh bạch những sự kiện quan sát, vạch rõ đâu là nguyên do đâu là hậu quả, đặt sự kiện nào trước sự kiện nào sau theo một hệ thống duyên quả rõ ràng. Định nghĩa khoa học như vậy thì tinh thần và phương pháp khoa học không phải là một độc quyền của Âu Mỹ, mà ta đã có từ xưa. Tất nhiên có và áp dụng là hai việc khác nhau. Có mà không áp dụng cũng vô ích và không đưa nước nhà đi tới bước nào. Nhưng đó cũng, không phải độc quyền của giới Nho học. Từ hơn nửa thế kỷ nay, thế hệ theo Tây học cũng không đưa nước nhà đến bao nhiêu, tuy họ đủ cơ hội học hỏi theo tinh thần khoa học Âu Mỹ. Như vậy, giữa họ và ngụy nho có khác gì đâu? Nói cho đúng, họ là những người mà ta có thể gọi là «ngụy tây», cũng tù chương không kém gì mấy ông ngụy nho: họ là những người kỹ sư không chế ra được một cái máy cày rẻ tiền cho nông dân Việt Nam tăng năng xuất của ruộng; họ là những người không chế được một cái máy bơm, máy điện nhỏ cho đại chúng Việt Nam dùng;họ là những người lặp đi lặp lại một số danh từ như «dân chủ», «tự do», «bình đẳng», «phân quyền», không đưa ra được một tư tưởng gì mới và độc đáo Việt Nam và hiệu nghiêm.
Nghĩ kỹ ra, thế hệ ngày nay còn có lỗi hơn các thế hệ xưa, vì các thế hệ xưa sống trong một thời mà khoa học kỹ thuật chưa được phát triển và phổ biến dễ dàng, như ngày nay. Nói vậy để đánh tan mặc cảm tự kiêu của những người «mới» đối với người xưa. Và cũng là dịp để họ kiểm điểm lại văn học tư tưởng truyền thống của ta.
Một điểm thứ hai còn đề cập tới là ngoài vấn đề khoa học, nay ta còn phải đặt vấn đề chính trị, xã hội, và nhất là đạo lý (nghĩa là giáo dục,) vì càng ngày có lẽ càng nhiều người thấy rõ rằng sự lụn bại, sụp đổ của xã hội Việt Nam ngày nay nguyên do chính không phải vì thiếu khoa học và kỹ thuật – vì đã có Hoa Kỳ và nhiều nước khác cung cấp cho ta đủ các loại máy móc dụng cụ và khí giới tối tân, – mà vì xã hội ta ngày nay đang, hay đã, mất ý niệm đâu là gốc, đâu là ngọn, cái gì cần đặt trước, cái gì cần đặt sau. Và chính đây là một vấn đề được đặt ra rất rõ ràng trong tư tưởng Khổng giáo, nhất là trong hai quyển Đại Học và Trung Dung. Vì vậy tôi đề nghị ai là người ưu tư về chỉnh đốn lại xã hội và quốc gia cùng tôi đọc lại hai quyển sách nhỏ đó, nhưng không theo cách học của ngụy nho hay ngụy tây, mà theo tinh thần khoa học.
Đại Học và Trung Dung là hai quyển sách soạn ra với mục đích dạy những người có trách nhiệm hay tham vọng lãnh đạo quốc gia biết điều kiện của thành công là tri bản, nghĩa là phải biết cái gì quan trọng hơn hết thảy, gốc nằm ở đâu. Và cái gốc đó là tu thân và chí thành. Tu thân là đề tài của Đại Học và Chí thành là đề tài của Trung Dung. Mục đích của tu thân cũng như chí thành là đào tạo người quân tử, người có đủ tư cách để lãnh đạo quốc gia xã hội.
Trước khi đi sâu nào nội dung của hai quyển sách đó tưởng cũng nên đề cập đến vấn đề định chế và người. Từ Rousseau trở đi,tư tưởng chính trị chấp nhận thuyết cải tổ xã hội cần cải tổ định chế, người tốt hay xấu tùy định chế hay hay dở. Do đó các quốc gia Tây phương đua nhau thay đổi hiến pháp: hết hiến pháp này đến hiến pháp khác, hết loại quốc hội kiểu này đến quốc hội kiểu khác, suốt hơn 150 năm. Hiện phong trào đó cũng chưa chấm dứt. Tiếp theo Rousseau, Marx lại đẩy mạnh thêm phong trào đó, nhưng ngoài các định chế chính trị, Marx lại cổ võ phải xáo trộn luôn các định chế kinh tế. Phong trào đó hiện đang còn rất mạnh, tuy người ta đã bắt đầu nhận thấy sự việc không giản dị như vậy. Ngay cả Nga Sô là quốc gia đầu tiên áp dụng thuyết của Marx, cũng phải chấp nhận rằng không thể hoàn toàn phủ nhận vai trò của con người.
Tư tưởng của Rousseau và Marx tất nhiên cũng được nhập cảng vào Việt Nam qua các chánh trị gia, và Việt Nam, cũng như nhiều nước mới độc lập khác, đã lăn mình vào công cuộc cải tổ : nay thảo hiến pháp này, mai thảo hiến chương nọ, phế lập quốc hội, hội đồng này viện khác, mà rốt cuộc ta chỉ thấy quốc gia Việt Nam càng ngày càng tan rã suy sụp, xã hội càng ngày càng rối tung. Nhưng cho tới nay, rất ít ai nhận thức được sai lầm ở đâu, cứ tiếp tục đặt vấn đề chính trị trên căn bản chính trị. Như vậy là lộn ngọn với gốc, mạt với bản. Như Khổng Tử nói: bản mà loạn mà mạt trị là không thể có được.
Khi một quốc gia lâm vào cảnh loạn, như Việt Nam ngày nay, nguyên do căn bản không phải chính trị dở, chính phủ và chính trị gia bất tài, các định chế- chính trị, kinh tế, xã hội – không hoàn mỹ, mà vì quốc gia và xã hội bị lung lay ngay trong gốc. Cái gốc đó là đạo lý. Khổng Tử tóm tắt vấn đề vào một chữ: đức. Người ta đua nhau thi thố tài năng, khôn khéo, xảo quyệt, mà quên một điều kiện căn bản, là đức. Mà đức thuộc lãnh vực giáo dục, nghĩa là vấn đề căn bản của Việt Nam hiện tại, cũng như từ mấy chục năm qua, không phải là vấn đề chính trị, kinh tế hay xã hội, mà là vấn đề giáo dục. Giáo dục đây phải hiểu đúng nghĩa của nó, là dục và giáo, nuôi dưỡng và dạy dỗ, chớ không phải chỉ luyện trí và huấn nghiệp, không phải instruction mà là éducation,không phải training mà là education.Vì vậy mà cha ông ta đã đặt thầy trên cha (quân, sư, phụ): cha là người nuôi (dưỡng), nhưng thầy là người dạy dỗ (giáo). Cho nên dạy ít nhiều gì cũng là thầy: nhất tự vi sư, bán tự vi sư.
Từ ngày ta bỏ hệ thống Nho học để theo hệ thống Pháp học (và nay là Mỹ học) thì vấn đề giáo không phải là mối quan tâm lớn của các giới hữu trách nữa. Hữu trách đây không những chỉ có chánh quyền, mà gồm cả gia đình và dư luận nữa. Và tình trạng nầy cũng một phần do sự đòi hỏi dân chủ mà có: đã gọi là dân chủ, thì không có ai có quyền ép buộc ai theo một hệ thống giá trị nào cả. Mà giáo là dạy cho con em một số giá trị nào đó. về điểm này tất nhiên Tây phương làm sao ta làm vậy, vì hệ thống giáo dục của ta theo khuôn mẫu của Tây phương.
Vậy, đặt vấn đề giáo dục là đặt vấn đề căn bản của sự cải tổ xã hội Việt Nam, là lo chuyện gốc, là tri bản. Nghĩa là muốn cải tổ quốc gia Việt Nam, ta phải đặt vấn đề cải tổ xã hội Việt Nam, và muốn đặt vấn đề cải tổ xã hội Việt Nam, ta phải đặt vấn đề giáo dục con người Việt Nam.
Vấn đề tri bản được Khổng Tử đặt rất rõ ràng theo một phương pháp rõ ràng. Phương pháp đó như sau. Trước hết ta phải ý thức rõ ràng rằng mọi vật có gốc có ngọn, mọi việc có trước có sau, và ta phải biết đâu là gốc đâu là ngọn, đâu là trước, đâu là sau: Vật hữu bản mạt, sự hữu chung thủy, tri sở tiên hậu, tắc cận đạo hy (Đại Học). Muốn biết rõ (chi tri) ta phải cách vật, nghĩa là phải phân tách tỷ mỷ. Nguyên tắc đó được áp dụng vào việc chính trị trong sách Đại Học.
Sách Trung Dung lại dành riêng một phần quan trọng trong chương XXIII để bàn về phương pháp học hỏi. Trước hết sách đặt vấn đề biết (tri). Có ba cách biết: 1) sinh ra đã biết (sinh nhi tri), là cái biết của bậc thượng tri, 2) học mà biết (học nhi tri), là cái biết của bậc thứ, 3) chịu khốn khổ, nhờ kinh nghiệm mà biết (khốn nhi tri), là cái biết của những người không được may mắn học thầy. Nhưng khi đã biết, thì đều giống nhau, nghĩa là chỉ kết quả là quan trọng. Muốn đạt kết quả cần cố gắng, người ta cố gắng một thì mình cố gắng một trăm, mà người ta cố gắng mười thì mình cố gắng một ngàn lần.
Về cách học hỏi, người học phải học rộng (bác học), hỏi cho kỹ càng (thẩm vấn), nghĩ cho cẩn thận (thận tư), biện luận cho rõ ràng (minh biện), và sẵn sàng cố tâm thực hành điều mình biết (đốc hành). Nhưng đã học, thì phải học cho giỏi, chưa giỏi chưa chịu thôi; không hỏi thì thôi, đã hỏi phải cho biết, chưa biết thì không chịu thôi; không nghĩ thì thôi, đã nghĩ thì phải nghĩ cho ra, chưa ra thì chưa chịu thôi, không làm thì thôi, đã làm thì làm cho hết sức, chưa hết sức thì chưa chịu thôi.
«Hữu phất học: học chi phất năng, phất thố. Hữu phất văn; vấn chi phất tri, phất thố dã. Hữu phất tư; tư chi phất đắc, phất thố dã. Hữu phất biện; biện chi phất minh, phất thố dã. Hữu phất hành; hành chi phất dốc, phất thố dã. Nhân nhất năng chi, kỷ bách chi; nhân thập năng chi, kỷ thiên chi». (Trung Dung, chương XX)
Đã học thì mở trí cho rộng, nhưng đồng thời xem xét sự vật cho tỷ mỉ (trí quảng đại nhi tận tinh vi), và đồng thời nhớ lại những cái mình biết để biết thêm điều mới (ôn cố nhi tri tán). Nhưng ôn cố không phải là ôm rì lấy những gì cũ kỹ hết hợp thời. Sinh ra thời này mà cứ làm theo lề lối xưa thì sẽ mang tai vạ vào thân: Sinh hồ kim chi thế, phản cố chi đạo: như thử giá, tai cập kỳ thân giả dã (Trung Dung, Chương XXVIII). Riêng về những gì liên hệ đến người ta, thì mình phải suy từ tâm mình ra mà biết như mẹ nuôi con thơ, đoán ý con, có sai thì chỉ sai ít mà thôi: như bảo xích tử, tâm thành cầu chi, tuy bất trùng, bất viễn (Đại Học). Phương pháp đó cũng gọi là hiệt củ: suy bụng ta ra bụng người, suy một việc ra trăm việc.
Học như trên là lối học mà Khổng Tử đã đưa ra. Như vậy nói rằng Khổng học là cổ hủ, lỗi thời, từ chương là hoàn toàn không hiểu gì về Khổng giáo vì không có nghiên cứu, như những người «tân học», hoặc có học thì không thấu tinh thần Khổng học, như một số Nho học đã được tặng cho cái tên rất đúng là ngụy nho hay hương nho. Tất nhiên Khổng Tử đề cập đến phương pháp khi nói đến Đại Học hay Trung Dung, nhưng qua những tác phẩm khác, ta biết rằng ông ấy đặt vấn đề chung cho việc học chớ không riêng gì cho Đại Học về Trung Dung. Ví dụ Khổng Tử có nói rằng học mà không suy nghĩ thì mù mờ, nhưng suy nghĩ mà không học thì uổng công: Học nhi bất tư tắc võng, tư nhi bất học tắc đãi (Luận Ngữ)
Qua sự trình bày trên đây, ta thấy Khổng Tử đưa ra một phương pháp học hỏi rất khoa học. Bây giờ ta thử xem phương pháp được áp dụng trong vấn đề tri bản trong Đại Học và Trung Dung thế nào.
TRI BẢN TRONG ĐẠI HỌC VÀ TRUNG DUNG
Một điều mà ta nhận thấy rõ ràng trong Khổng giáo là khi bàn về giáo dục ta không thấy Khổng Tử và môn đệ chú ý đến trẻ em, chỉ nói đến người lớn và nhất là những người giữ chức vụ quan trọng, hay sẽ giữ những chức vụ quan trọng, trong quốc gia. Trong tam cương (quân thần, phu phụ, phụ tử) có đề cập đến tử thì cũng chỉ người lớn hơn là con nít. Duyên do của sự kiện đó là quan niệm rằng xã hội quốc gia ổn định nếu bề trên đàng hoàng: người dưới nhìn lên người trên, và theo gương người trên. Thượng trị thì hạ sẽ trị, thượng loạn thì hạ sẽ loạn. Cho nên chỉ cần một người mà cả nước có thể yên: nhất nhân định quốc (Đại Học), và Khổng giáo chú tâm ở sự rèn luyện người quản tử là người có trách nhiệm định quốc.
Điểm thứ hai, và là điểm căn bản trong Đại Học là phải phân biệt điều gì là gốc (bản),điều gì là ngọn (mạt) trong một quốc gia. Trong một quốc gia có tài sản, đất đai, và dân. Ai cai trị quốc gia cũng cần phải có ba yếu tố đó. Nhưng gốc không phải ở đó, mà gốc ở nơi đạo lý, nơi đức. Giữa đức và tài, đức là gốc mà tài là ngọn, có đức thì thu phục được nhân tâm, mà thu phục được nhân tâm thì được nước (chính quyền), và ngược lại, không đức thì mất nhân tâm, mà mất nhân tâm thì mất nước: đắc chúng tất đắc quốc, thất chúng tất thất quốc. Mà đã có dân thì có đất, có đất thì có của, có của thì có dùng; nhưng bắt đầu là tại đức: Quân tử tiên thân hồ, hữu đức thử hữu nhân, hữu nhân thử hữu thổ, hữu thổ thử hữu tài, hữu tài thử dụng. Đức giả bản, tài giả mạt. Nếu người quân tử (Vua, Tổng Thống, Thủ Tướng, và các người lãnh đạo nói chung) không tu đức, tức là để việc gốc ra ngoài, chỉ chăm chú tiền bạc, tức là để ngọn vào trong, thì sẽ sanh ra chuyện tranh dành nhau với dân mà thi hành việc ăn cướp. Cho nên tiền của tụ lại thì dân tan, mà tiền tan ra thì dân tụ hợp lại: Ngoại bản nội mạt, tranh dán thi đoạt; thị cố tài tụ tắc dân tán, tài tán tắc dân tụ. Nếu người quốc trưởng chỉ chăm chú vào tiền của; đó là do kẻ tiêu nhân xúi dục; nếu người quốc trưởng nghe tiêu nhân là traa quyền cho tiểu nhân, giao cho kẻ đó trị quốc, thì tai hại sẽ phải đến, và dẫu có người hiền người giỏi bực nào cũng, không cứu vãn được tình thế. Cho nên cai trị nước không nên lấy tiền của làm lợi mà phải lấy nhân nghĩa (đức) làm lợi: Trưởng quốc gia nhi vụ tài dụng giả, tất tự tiểu nhân hĩ; bĩ vi thiện chi, tiểu nhân chi sử vi quốc gia, tai hại tịnh chi, tuy hữu thiện giả, diệc vô như chi hà hĩ. Thử vị quốc gia dĩ lợi vi lợi, dĩ nghĩa vi lợi dã. Sách Trung Dung cũng nói: Đại đức tất đắc kỳ vị, tất đắc kỳ lộc, tất đắc kỳ danh, tất đắc kỳ thọ,nghĩa là có đức lớn thì sẽ được địa vị (ngôi vua, chức quốc trưởng,), giàu sang, danh giá, và lâu dài (sẽ giữ được địa vị của mình lâu dài).
Nói tóm, mối ưu tư của nhà cai trị hiểu rõ chính trị biết đâu là gốc đâu là ngọn, là lo việc đạo đức cho chính mình cũng như chung quanh mình trước, còn các vấn đề hiến pháp, chính sách, tổ chức là vấn đề thứ yếu. Chỉ lo tổ chức, chính sách, định chế, mà không lo vấn đề đạo đức, nghĩa là tự giáo dục mình và giáo dục quanh mình, là lo ngọn bỏ gốc. Vì vậy mà Đại Học đặt vấn đề minh đức vào hàng đầu của sự học hỏi của người quân tử (cai trị). La minh đức là tri bản.
Nhưng muốn trau dồi cái đức của mình, thì phải tu thân. Mà vì vậy Đại Học cũng gọi tu thân là bản, và thúc đẩy mọi người, từ Vua (quốc trưởng) trở xuống, ai cũng phải lấy việc tu thân làm gốc: Tự thiên tử dĩ ư thứ dân, nhất thị giai tu thân vi bản.
Người quân tử (lãnh tụ) có hai vai trò: trưởng gia đình và trưởng quốc gia(và lâm thời,chúa tể thiên hạ). Trong hai vai trò đó, nếu làm tròn được vai trò trưởng gia đình mới làm tròn được vai trò trưởng quốc gia. Mà muốn làm tròn được vai trò trưởng gia đình thì chính mình phải tu thân trước đã. Không tu thân thì không cai trị gia đình được: Thân bất tu, bất khả tề kỳ gia. Biết hiếu tất biết cách cư xử với vua, biết để tất biết cách cư xử với người trên, biết từ tất biết cách cư xử với dân ; cho nên người mà biết cai trị gia đình thì không cần ra khỏi nhà mà giáo hóa được cả nước, và nếu không cai trị được gia đình thì không hòng gì trị được quốc gia: sử vị trị quốc, tất tiên tề kỳ gia giả; kỳ gia bất khả giáo nhì năng giáo nhân giả,vô chi;cố quân tử bất xuất gia nhi thành giáo ư quốc: hiếu giả, sở dĩ sử quân giả; để giả, sử dĩ sử trưởng giả; từ giả, sở dĩ sử chúng giả. Cho nên tu thân là bản của tề gia, và tề gia là bản của trị quốc.
Nếu không tri bản mà làm liều, không có đức mà vẫn đòi trị quốc thì đó chỉ là sự làm ẩu của kẻ tiểu nhân, có được gì thi cũng chẳng lâu dài. Trời không cho ai cái gì vĩnh viễn; có làm điều thiện thì mới được Thiên mệnh, nếu làm điều bất thiện thì mất: Duy mệnh bất vu thường; đạo thiện tắc đắc chi, bất thiện tất thất chi. Nếu làm liều, nghĩa là không có đức mà cứ đòi trị quốc, thì có thể mất mạng. Người có quyền hành trong nước phải cần thận điểm đó: Hữu quốc giả, bất khả bất thận: tích tắc thiên hạ lục hĩ. Mà không những mình sai thì bị tai họa, mà mình dùng người sai, thay vì dùng người hiền được dân yêu, lại dùng người xấu bị dân ghét, thì cũng mang họa: Hiếu nhân chi sở ố, ố nhân chi sở hiếu, thị vi phật nhân chi tính, tai tất đãi phù thân.
Nói tóm, nếu giữa trị quốc và trị gia mình biết lo trị gia trước; nếu giữa trị gia và tu thân, mình lo tu thân trước; nếu giữa tài và đức mình biết lo đức trước, là mình biết phân biệt gốc với bản, là tri bản.
Muốn tu thân thì phải chính tâm, mà muốn chính tâm thì phải thành ý. Thành ý tột bực là chí thành. Đạt chí thành là đề tài của sách Trung Dung.((Từ đây trở xuống, các câu trích dẫn đều lấy ở sách Trung Dung.)) Cũng như tu thân là gốc của trị quốc, chí thành là gốc của tu thân, và vì vậy mà người quân tử (lãnh tụ) lấy thành làm quí; không có thành là cái gì cũng vất đi cả: Thành gia vật chí chung thủy. Bất thành vô vật. Thị cố quân tử thành chí vi quí. Tại sao chí thành lại quí như vậy? Vì người đạt được chí thành có thể như thần, biết trước việc quốc gia hưng vong, đều họa đều phúc, điềm lành điềm dữ: Chí thành chi đạo, khả dĩ tiên tri; quốc gia vong, tất hữu trinh tường; quốc gia tương vong, tất hữu yêu nghiệt; hiện hồ thi qui, động hồ tứ thể; họa phúc tương chi, thiện tất tiên tri, bất thiện tất tiên tri chi. Cố chí thành như thần. Chí thành có thể hóa được: chí thành năng hóa. Chí thành thì biết được tận tính của người, của vật: mà biết tận tính của người, của vật thì có thể giúp trời đất hoá dục, và như vậy là ngang hàng với trời đất, là một trong bộ tam: Thiên, Địa, Nhân: Duy thiên hạ chí thành vi năng tận kỳ tính. Năng tận kỳ tính tắc năng tận nhân chi tính ;năng tận nhân chi tính tắc năng tận vật chi tính; năng tận vật chi tính tắc khả dĩ tán thiên địa chi hóa dục ;khả dĩ tán thiên địa chi hóa dục tắc khả dĩ thiên địa tham hĩ.
Người đạt được đạo chí thành có khả năng như thần nhờ biết rõ (minh), và làm thế nào để đến chỗ biết đó ta đã bàn ở trên. Áp dụng vào tu thân, vào xử sự, vào thực hành đạo quân tử, biết đó là biết ở đâu là mức vừa phải, không đứng lại trước khi đến (bất cập), không đi qua xa (quá), làm sao giữ được mức trung. Đạt được trung là hòa. Đạt được trung hòa, người quân tử ung dung, trong, nước có đạo cũng không đổi thay (quốc hữu đạo nhi bất biến), mà nước vô đạo cũng không đổi thay (quốc vô đạo nhi bất biến). Người trung dung có nhân, trí, dũng. Nhưng đạt được trung dung là một điều rất khó. Khổng Tử nói rằng trị thiên hạ quốc gia khó, nhưng có thể làm được, tước lộc có thể từ chối được, gươm giáo có thể không sợ, nhưng đạo trung dung thì ít người mà theo nổi: Thiên hạ quốc gia khả quán dã; tước lộc khả từ dã ; bạch nhận khả dao dã; trung dung bất khả năng dã.
Về phương diện tu thân, mục tiêu của người quân tử (lãnh tụ) là làm sao giữ được nhân, lễ, nghĩa, tín và trung hiếu, để, từ. Trên bình diện trị quốc người quân tử phải biết tôn hiền, và cư xử làm sao cho đúng để thu phục được nhân tâm trong cũng như ngoài nước, trong mọi giới: gia đình, đại thần (danh từ ngày nay: tổng trưởng), quần thần (quân chính), bách tính (dân chúng), bách công (lao động), nhu viễn nhân (khách thăm viếng, ngoại kiều), chư hầu (lân bang, các nước bạn). Cư xử với đại thần thì lấy kính, và cho họ đủ cọng sự viên để xử dụng (quan thịnh nhiệm sử); đối quần thần thì phải nêu gương trung tín, hậu đãi bổng lộc (trung tín, trọng lộc); đối với bách tính thì đánh thuế nhẹ, và dừng buộc họ sưu công trong mùa cấy gặt, nghĩa là tránh xảo trộn công ăn việc làm của họ phần đông là nông dân (thời sử, bạc liễm); với lao động thì phải phát lương đúng ngày giờ và trả thù lao xứng đáng (nhật tỉnh nguyệt thi, khái lẫm xứng sự); đối với khách thì đưa đón, khen người giỏi, thương kẻ chẳng may (tống vảng, nghinh lai, gia thiện nhi căng bất năng): với chư hầu thì giúp đỡ,sinh lễ, hậu đãi (triều sinh, hậu).
Về phương diện cố nhân, thì xử sự sao cho đúng nhân, trí, dũng và đúng mức: hòa mà không theo (hòa nhi bất lưu), không thiên lệch (trung lập nhi bất ỷ) tùy địa vị của mình mà hành động (tố kỳ vị nhi hành), khi ở ngôi trên không kiêu (cư thượng bất kêu), khi ở ngôi dưới không ngược (vi hạ bất bội), ở trên không lấn bức người dưới (tại thượng vị bất lăng hạ ),ở dưới không leo lên trên (tại hạ vị bất viên thượng), làm gì cũng có dự định trước, khổng đúng lễ không làm (phi lễ bất động).
Tất cả những đức tính nói trên cần thiết, và cần thiết hơn định chế, chương trình, tổ chức, vì người thi hành chính sách là gốc, chính sách chương trình chỉ là ngọn: vi chính trị nhân. Nếu không có người hiền thì chính sách, định chế hay mấy cũng bỏ đi: Kỳ nhân tôn tắc kỳ chính cử, kỳ nhân vong tắc kỹ chính tức. Tư cách, đạo đức con người mới là đều chính, chính sách, chương trình, tổ chức là đều phụ. Biết vậy là tri bản. Cho nên, muốn giải quyết các vấn đề chính trị và xã hội của Việt Nam hiện tại, vấn đề gốc là giáo dục. Mà giáo dục đây không phải là giáo dục trẻ em: đó là một quan niệm rất sai lầm; giáo dục trẻ em chỉ là ngọn. Vấn đề chính là giáo dục những người lớn, nhất là những người có địa vị quan trọng. Vì họ là những người làm gương cho con em, cho người dưới. Đặt vấn đề như vậy mới là tri bản. Mà muốn đặt vấn đề cho đúng thì ta phải tìm lại Nho học, vì chỉ có Nho học mới lấy đạo đức, tu thân, làm căn bản cho giáo dục và trật tự xã hội. Học vấn Âu Mỹ đặt nặng, và càng ngày càng đặt nặng thêm vấn đề chuyên môn, mà không đặt vấn đề cư xử với nhau thế nào cho xã hội trong thắm ngoài êm. Biết nghề mà không biết cư xử trong xã hội thì chỉ gây rối loạn trong xã hội. Mà vấn đề ta cư xử với nhau thế nào trong xã hội để tránh cảnh loạn chỉ có người Việt Nam mới giải quyết được, vì đó là vấn đề liên hệ đến sống còn của xứ sở, cho trật tự và tiến bộ của xã hội Việt Nam. Đối với ngoại nhân, xứ sở ta có loạn cũng chả sao, có phần tiện và vui cho họ là khác. Vậy việc ta ta lo, và việc lớn ta lo trước. Việc lớn đó là giáo dục. Lo như vậy là tri bản.
Trong việc chính trị, xã hội đặt vấn đề đức trước tài (theo nghĩa tài sản) và vấn đề giáo dục (tu thân) trước kỹ thuật là đúng. Từ ngày tiếp xúc với Âu Mỹ, ta lấy vấn đề khoa học kỹ thuật làm trọng và quên phứt vấn đề căn bản là vấn đề đạo đức. Ta đã đặt gốc trước ngọn, và xã hội Việt Nam ngày nay rối loạn, đảo điên không có gì lạ. Nhận định được như vậy thì ta phải trở lại quan niệm đúng là tiên học lễ hậu học văn. Lễ đây không phải là nghi lễ rườm rà, mà ta thường gọi là «chinoiseries ». Nhưng lễ đây là cách cư xử thế nào cho xã hội khỏi bị xáo trộn, vì không ai làm đúng vai trò của mình. Phần khác, nói học lễ trước không phải là không học văn (hiểu theo nghĩa rộng là chuyên môn kỹ thuật). Văn rất cần, vì không có chuyên môn kỹ thuật thì Việt Nam không tiến được về mặt vật chất. Nhưng văn vẫn phải đi sau lễ. Không có máy lạnh, máy bay và hỏa tiễn không sao, chớ không thể không một ngày, một giờ, một phút nào mà sự cư xử với nhau trong xã hội dừng lại được. Mà có nhiều súng đạn máy móc, chỉ để chém giết, bóc lột, lừa gạt nhau thì thà không có còn hơn. Máy móc vẫn là phụ, đạo đức vẫn là gốc của xã hội, của chính trị. Hiểu như vậy là tri bản.
(trích Tạp chí Tư Tưởng số 4, năm 1969)