Xuất thế và nhập thế
Không có thời đại nào mà hai phương tiện xuất thế và nhập thế của đạo Phật lại được thực hiện một cách dung hợp và hoàn mỹ như ở triều đại Lý, Trần Việt Nam.
Có những nhà lãnh đạo văn hóa và chính trị hòa mình hẳn vào phạm vi nhập thế để xây dựng cho cuộc đời, nhưng không hề bị lợi danh của cuộc đời cám dỗ. Bởi vì trước kia họ đã từng đi sâu vào cuộc sống tâm linh, đã từng nắm vững được một căn bản xuất thế lành mạnh. Họ đã tập bơi trước khi muốn đi cứu người chết đuối. Họ đã dẹp trừ hết những cố chấp chủ quan, những dục vọng đen tối có thể làm mờ ám tâm trí con người. Và như thế, một khi lăn lộn vào cuộc đời, họ không còn mang theo trong tâm niệm những ước ao lợi danh và quyền thế nữa.
Họ làm chính trị không phải vì họ ưa làm chính trị. Họ làm văn hóa không phải vì họ ưa làm văn hóa. Nói tóm lại, động cơ thúc đẩy họ hành động không phải là Danh và Lợi. Họ chỉ thấy họ cần phải làm. Làm để cứu giúp, để xây dựng. Họ hành động theo đúng tinh thần “không chấp trước” của đạo Phật, họ làm nhưng họ không tự phụ rằng họ đã có thể làm. Họ làm, nhưng họ không chấp chặt và không bị dính cứng vào những việc họ làm. Thái độ ấy là thái độ “làm mà không làm” – vi nhi vô vi. Nhưng thái độ ấy cũng là thái độ “không làm mà là làm tất cả” – vô vi nhi vô sở bất vi – có thế, họ mới hoàn toàn tự do và mới có thể đạt thành mục đích của họ.
Họ hoàn thành được nhiệm vụ nhập thế nhờ họ đã có một căn bản xuất thế. Những người của thời đại chúng ta khác xa với họ, bởi vì hầu hết hoạt động của chúng ta đều là những hoạt động hữu vi. Mà còn hữu vi thì còn chủ quan, còn chấp trước, còn danh lợi, còn vị ngã.
Hành động cành hữu vi bao nhiêu thì nhân loại càng bị nô lệ cho dục vọng và khổ đau bấy nhiêu. Thế giới đã bao nhiêu lần đảo điên vì những vụ mua danh bán lợi. Ngày nay nhân loại đã thấy rõ những tai hại gây nên bởi tư tâm và tà kiến. Cho nên nhân loại đang hướng về với đạo đức chân thực. Những nhà lãnh đạo văn hóa chính trị nào đã tự thực hiện được chánh kiến (trái với tà kiến) và vô tâm (trái với tư tâm) đều được nhân loại quay về ngưỡng mộ. Căn bản đạo đức xuất thế của họ mới có thể đảm bảo cho giá trị hành động của họ mà thôi.
Vậy thì kêu gọi làm chi, cổ động làm chi hỡi những nhà văn hóa và chính trị hiện thời trên thế giới!
Hãy cứ theo đúng tinh thần “vô trước” của đạo Phật, thực hiện sự giải phóng tâm linh rồi đi sâu vào cuộc đời nhập thế. Bão táp chướng ngại sẽ tan biến trước thần lực vô tâm và trước tinh thần vô ngại của các Ngài. Bão táp chướng ngại chỉ đánh ngã được những kẻ nào còn mang nặng tâm tư danh lợi.
Tinh thần đạo Phật là tinh thần bất khuất trước trở lực nguy nan. Tinh thần ấy là tinh thần nhập thế, căn cứ trên nền tảng xuất thế, bền vững và hùng mạnh.