Bản sắc của Phật giáo Việt Nam
Ðạo Phật là một đường lối sống, một lẽ sống. Nhưng đạo Phật không phải là một khuôn khổ giáo điều và giới điều khô khan, cứng cỏi, thiếu tính chất sống động. Một giáo lý có gần ba ngàn năm lịch sử truyền bá, luôn luôn phát triển với thời gian, thích nghi với không gian, hòa hợp chặt chẽ với cuộc sống như đạo Phật, không thể được xem như một mớ giáo điều khô khan và cứng cỏi.
Nhựa sống của Phật Giáo tràn trề và phong phú, bất tuyệt, vì đạo Phật là chân lý, là nguồn sống của tất cả mọi sự sống. Thế cho nên đạo Phật sống vĩnh viễn giữa cuộc sống nhân loại với nguyên tắc tùy thời và tùy cơ. Ðạo Phật có thể sống trong bất cứ một thời đại nào, ở bất cứ một địa phương nào, vì Phật giáo có một khả năng đồng hóa hết sức mầu nhiệm.
Nhiều người không bằng lòng khi thấy Phật giáo có nhiều phân phái quá, nhiều mầu sắc , nhiều chủ trương quá. Nào Phật giáo Tiểu thừa, nào Phật giáo Ðại thừa, nào Không tôn, nào Hữu tôn, nào hiển, nào mật, nào áo vàng, nào áo nâu. Nơi thì tăng chúng khất thực, nơi thì tăng chúng cư trú tại tự viện; nơi thì sùng thượng Phật sống, nơi thì thành lập phái Tân tăng…. Người ta muốn rằng Phật Giáo phải là duy nhất, đồng một màu sắc, một tổ chức, một hình thức. Nhưng người ta đã lầm. Thời đại khác, địa phương khác, căn cơ khác, thì làm sao mà cùng có chung một hình thức sinh hoạt cho được. Vì thế cho nên đi đến xứ nào, Phật giáo cũng liền tìm cách thích nghi với xứ ấy để tự hòa mình trong sinh-hoạt quần chúng. Cùng là Phật giáo cả, nhưng Phật giáo Tây Tạng khác, Phật giáo Trung Hoa khác, Phật giáo Nhật Bản khác, Phật giáo Thái Lan khác. Y phục khác nhau. Kiến trúc tự viện khác nhau. Tổ chức giáo hội khác nhau. Giáo lý hệ khác nhau. Nói tóm lại, mỗi quốc gia có một nền Phật giáo đặc biệt của riêng mình, một nền Phật giáo độc lập.
Vì điều kiện khí hậu, phong-tục chủng tính của địa phương, quốc gia là những đơn vị cần thiết không thể nào xóa bỏ được, Phật giáo là một viên đá nền tảng cho nền văn hóa quốc gia cố nhiên cũng cần thích hợp với địa phương tính để làm căn bản tinh thần duy trì nền độc lập quốc gia. Cũng vì thế Phật giáo của một quốc gia nào cũng cần phải có những bản sắc riêng biệt, thích hợp với sinh hoạt quần chúng của quốc gia ấy.
Nhìn sang các nước láng giềng ta thấy Phật giáo của họ đều có những sắc thái đặc biệt, Phật giáo của họ có những hệ thống giáo lý riêng, những tôn phái riêng, những lề lối giáo dục và tự học riêng, những phương tiện hoạt động riêng, những nghi lễ và phong tục riêng… Tất cả những cái “riêng” ấy thích hợp với cá tính dân tộc họ, với lề lối sinh hoạt của quốc dân họ và có lợi ích thiết thực cho đời sống mọi người. Một nền Phật giáo dân tộc được tạo dựng trên một lịch sử truyền bá, với những hệ thống giáo lý, những vị danh tăng, những tác phẩm văn học là những hoạt động phổ biến và sinh hoạt hóa giáo lý trong đời sống quốc dân.
Nước Việt Nam ta, một nước thấm nhuần Phật giáo từ mười mấy thế kỷ nay, lý nào lại không có một nền Phật giáo dân tộc?
Lật lại những trang sử Phật giáo nước nhà, chúng ta thấy luôn luôn Phật Tử Việt Nam muốn đi đến sự thành lập một nền Phật giáo quốc gia. Ngoài những dòng Thiền Tông do Trung-Hoa truyền xuống, Phật giáo Việt Nam còn có một phái thiền tông đặc biệt của mình: đó là phái Trúc Lâm Yên Tử. Ngoài những giáo lý hệ do ngoại quốc đưa vào, danh tăng Việt Nam đã cố dựng những giáo lý hệ đặc biệt của mình: đó là thuyết Tam Bản của Ngộ Ấn thiền sư, thuyết Tam Pháp nhất của Cứu Chỉ thiền sư… Ngoài những tác phẩm kinh điển của ngoại quốc đưa vào, danh tăng Việt Nam còn sản xuất thêm nhiều loại: đó là những tác phẩm thi ca, phiên dịch, sáng tác của nền văn học Phật giáo Việt Nam từ đời Lý, Trần, sang các đời Lê, Nguyễn. Phật giáo Việt Nam lại có một cố gắng đáng khen hơn cả là đã cố dung hợp được hai phương diện xuất thế, nhập thế để tạo thành một lối sống đặc biệt cho người Phật tử: một nhà vua có thể là một vị thiền sư và một vị thiền sư có thể là một quốc sư. Ðời không xa đạo là đạo sống ngay trong cuộc đời, đó là khuynh hướng dung hòa hai phương diện xuất thế và nhập thế của phái Thiền Tông Việt Nam đời Lý vậy.
Nói tóm lại, Phật Giáo Việt Nam đã có được những bản sắc riêng. Và người Phật tử Việt Nam đã biết đem đạo Phật làm phương châm sinh hoạt cho quốc gia và dân tộc.
Tuy nhiên, nếu văn hóa Việt Nam chưa có được những sắc thái kỳ đặc nào lớn lao thì Phật giáo Việt Nam cũng chưa có được những nét huy hoàng nhiệt liệt. Trải qua bao nhiêu nguy nan đau khổ của các thời đại sống trong chiến họa liên miên, dân tộc Việt Nam đã không có thì giờ và điều kiện để mà phát triển nền văn hóa Việt Nam, cố nhiên là cũng cùng chung số phận đó.
Hiện nay, quốc dân đang cố xây đắp tô bồi cho các bộ môn văn hóa: văn học, mỹ thuật, kinh tế, chính trị, tư tưởng, phong tục đều đang ở trên đà tiến triển. Những tinh hoa của văn hóa quốc tế được thu thập để bồi bổ cho văn hóa nước nhà. Những gì đặc biệt của văn hóa quốc gia được nêu cao và phát triển mạnh mẽ. Trong công trình xây dựng văn hóa, Phật giáo vẫn phải đóng những vai trò quan trọng của ngày xưa. Nghĩa là Phật giáo Việt Nam phải tìm ngay cho mình những sắc thái riêng biệt, độc lập, Phật giáo Việt Nam phải hòa hợp trong cuộc sống của dân tộc để sáng tạo văn hóa và sáng tạo cho mình những bản sắc đặc biệt, duy trì được cá tính quốc gia, bảo vệ được nền độc lập và tự do của tổ quốc.
Một tam tạng kinh điển bằng quốc văn phải được cấp thời tạo dựng. Những trường cao đẳng Phật học phải được xây dựng lên để nghiên cứu và phổ biến giáo lý, đào luyện những tăng tài đất nước, tổng hợp và tinh luyện lên những giáo lý hệ hợp với tâm hồn, căn cơ, và sinh hoạt của quần chúng Việt Nam. Nghi thức tán tụng, lễ nhạc phẩm phục phải được nghiên cứu lại cho hợp với cá tính người Việt và đúng với chánh pháp. Từ hội họa, âm nhạc, cho đến kiến trúc, điêu khắc, Phật giáo Việt Nam phải có những nét đặc biệt thuần túy và bao giờ cũng biểu thị được tinh thần đạo Phật.
Mong rằng chúng ta không còn phải bắt chước Tàu mãi như ở ngày xưa và cũng sẽ không bị lai Tây như thời nay. Ðâu đó người ta còn thờ đức Quan Ðế và xin xăm trong chùa như bên Tàu, và đâu đó người ta cũng hát những bài “hát Phật” giống như các bài thánh ca Gia Tô. Người ta lại còn đang làm chùa theo kiểu… nhà Tây, và nóc chùa đã dần dần hết cong, hết mang hình con rồng con phụng…
Bản chất của văn hóa Phật giáo là sự sống an hòa, tịnh lạc. Hình thái của văn hóa Phật giáo phải là phản chiếu được nếp sống an hòa tịnh lạc đó. Từ giáo lý cho đến nghệ thuật, âm nhạc, điêu khắc, kiến trúc, tinh thần Phật giáo được lưu lộ cùng với tinh thần dân tộc, một mái chùa cong, một ngôi tháp cổ, một tiếng chuông thuần hậu… đã nói với ta những gì? Hồn dân tộc sống lành mạnh trong tinh thần Phật giáo. Quay về với nền Phật giáo dân tộc, xây dựng cho nền Phật giáo dân tộc để đưa nước nhà đến chỗ an lạc phú cường, đó là bổn phận của người Phật tử Việt Nam.
Muốn đi đến một nền Phật giáo dân tộc, ta phải trở lại trong tinh thần truyền thống. Ta lại phải thu thập những tinh ba của người để bồi đắp cho chính mình. Nhưng thu thập không phải là vay mượn. Hãy trở về những cái gì “của ta” và “do ta sáng tạo”. Rồi sau đó, hãy luyện những cái hay của người trở thành thích hợp với mình và dùng nó để bồi bổ cái của mình càng ngày càng thêm tốt đẹp.