Dòng thơ thiền Việt Nam khi suy gẫm về thân phận con người, lúc mô tả về phong cảnh của đất nước, cũng không thoát khỏi quy định của chức năng Phật giáo. Điều này cũng dễ hiểu, vì Phật giáo đặt sự tồn vong của mình trong sự tồn vong của dân tộc. Vì sự tồn vong của dân tộc có liên hệ mật thiết đến sự tồn vong của mỗi cá thể làm nên dân tộc đó.
Phật giáo là một hiện tượng văn hóa nước ngoài, truyền vào Việt Nam từ thời Hùng Vương, khi Việt Nam còn là một nước độc lập có chủ quyền khoảng thế kỷ thứ II-III trước Công nguyên, với những Phật tử Việt Nam có tên tuổi như: Chử Đồng Tử và Công cbúa Tiên Dung. Vào những năm đầu thế kỷ Công nguyên, với quá trình bành trướng về phương Nam, các triều đại Trung Quốc đã bắt đầu xâm lược những quốc gia người Việt ở phía Nam trong đó có Việt Nam, mà tên thời ấy là Tây Âu Lạc Việt. Chính trong quá trình đối phó với cuộc xâm lược bành trướng ở phương Bắc này, Phật giáo đã trở thành một công cụ đắc lực cho sự nghiệp đối kháng với quá trình đồng hóa của lực lượng xâm lược phương Bắc của dân tộc Việt Nam.
Phật giáo vào thời điểm đó được xác định như một con đường “mà ra ngoài xã hội có thể cứu dân giúp nước, còn ở nhà thì có thể thờ phụng cha mẹ và lúc ở một mình có thể dùng để hoàn thiện bản thân”, như Mâu Tử đã viết trong Lý Hoặc Luận (ca. 165-225?) vào cuối thế kỷ thứ II sau Tây lịch khi một nhà nước độc lập đầu tiên của Việt Nam mang tính Phật giáo ra đời với nhân vật nổi tiếng Sĩ Nhiếp (136-226). Như thế, Phật giáo đã được quy định vào thời Mâu Tử không chỉ là một đạo sống bình thường cho từng cá nhân mà còn là một học thuyết chính trị giúp người Việt Nam không những giữ vững được bản sắc văn hóa mà còn giúp họ giữ vững một nước Việt Nam độc lập với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Chính xuất phát từ một quy định như thế về Phật giáo mà Phật giáo Việt Nam đã hình thành nên những nét đặc trưng riêng biệt, lúc tìm hiểu ta thấy nó hoàn toàn không giống Phật giáo các nước khác. Việc tập hợp lại một số bài thơ thiền tiêu biểu trong một ngàn năm qua, cụ thể từ thế kỷ X-XX, nhất là trong thời nhà Lý và thời nhà Trần (thế kỷ X-XIV) giúp ta nhận ra một số nét đặc trưng ấy.
Nguyên bản Hán Văn:
國祚
國祚如藤絡,
南天裏太平。
無為居殿閣,
處處息刀兵。
Bản phiên âm Hán-Việt:
Quốc tộ
Quốc tộ như đằng lạc,
Nam thiên lý thái bình.
Vô vi cư điện các,
Xứ xứ tức đao binh..
Bản dịch thơ:
Vận nước
Vận nước như dây mây leo quấn quýt,
Ở cõi trời Nam [mở ra] cảnh thái bình.
Vô vi ở nơi cung điện,
[Thì] khắp mọi nơi đều tắt hết đao binh.
Nét đặc trưng thứ nhất là đời sống của Phật Giáo Việt Nam đã quyện chặt với đời sống chính trị của đất nước. Điều này thật dễ hiểu vì trong lịch sử tồn tại của mình, dân tộc Việt Nam phải thường trực đấu tranh và thậm chí phải vũ trang đấu tranh để bảo vệ sự tồn tại của chính mình. Cho nên, phật giáo như một lực lượng văn hóa của dân tộc và không thể tách khỏi cuộc đấu tranh thường trực này. Từ đó, ta không có gì phải ngạc nhiên trước những phát biểu của các Phật tử thiền sư Việt Nam khi mang ít nhiều hơi hướng chính trị đối với đất nước. Và bài thơ đầu tiên trong tuyển tập này là một dạng bài thơ như thế. Bản thân vị thiền sư này đã trực tiếp tham gia vào hoạt động chính trị, đặc biệt trong cuộc chiến tranh Hoa- Việt đầu tiên giữa nước Việt Nam độc lập và một triều đại đang lên ở Trung Quốc là nhà Tống. Có thể nói đây là nét đặc trưng xuyên suốt của nền thơ thiền Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn đầu. Những vị thiền sư tên tuổi của giai đoạn này đều có chung một mối quan tâm, hầu hết đều phát biểu xoay quanh vấn đề chính trị của đất nước. Có thể mối quan tâm của họ khác nhau, dẫn đến những phát biểu khác nhau về vấn đề ấy. Từ những phát biếu thuần túy và rõ ràng là chính trị như bài Quốc Tộ của Pháp Thuận, cho đến những phát biểu trông bên ngoài như những suy gẫm về đạo đức hay triết lý, cụ thể là bài Thị đệ tử của thiền sư Vạn Hạnh, chúng ta thấy bàng bạc những nỗi niềm lo nghĩ về đất nước, về vận mệnh của dân tộc, từ đó chúng vẫn hàm chứa một nội dung chính trị nào đó. Chính nét đặc trưng đầu tiên này sẽ quy định toàn cảnh thơ thiền của Phật giáo Việt Nam.
Thị đệ tử 示弟子 • Dặn học trò
示弟子
身如電影有還無,
萬木春榮秋又枯。
任運盛衰無怖畏,
盛衰如露草頭鋪。
Thị đệ tử
Thân như điện ảnh hữu hoàn vô,
Vạn mộc xuân vinh, thu hựu khô.
Nhậm vận thịnh suy vô bố uý,
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.
Dịch nghĩa
Người đời như bóng chớp, có rồi lại không,
Như cây cối, mùa xuân tốt tươi, mùa thu khô héo.
Mặc cho vận đời dù thịnh hay suy, đừng sợ hãi,
Vì sự thịnh suy [cũng mong manh] như giọt sương đầu ngọn cỏ.
Bài kệ này thiền sư đọc cho đệ tử khi sắp mất.
Nguồn: Thơ văn Lý Trần (tập I), NXB Khoa học Xã hội, 1977
Hai lời khuyên của quốc sư Phù Vân, tức thiền sư Trúc Lâm, với vua Trần Thái Tông trên đỉnh núi Yên Tử khi nhà vua trốn hoàng cung lên đó vào tháng 4 năm 1236 vì có chuyện bất đồng ý với Thái sư Trần Thủ Độ, nói lên rất rõ cái nhìn phóng khoáng cũng như quan điểm trị nước đặc sắc của Phật giáo. “Trong núi vốn không có Phật, Phật ở ngay trong lòng. Lòng lặng mà hiểu, đó chính là chân Phật. Nay nếu bệ hạ giác ngộ tâm đó thì lập tức thành Phật, không nhọc công tìm kiếm ở bên ngoài”. Và “Phàm là bậc nhân quân thì phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tấm lòng của thiên hạ làm tấm lòng của mình. Nay thiên hạ muốn đón bệ hạ về thì bệ hạ không về sao được! Duy có việc nghiên cứu nội điển xin bệ hạ đừng chút xao lãng mà thôi”. Trần Thái Tông đã thực hiện triệt để lời nhắn nhủ của Quốc sư, trở nên không những một trong những vì vua xuất sắc nhất của nhà Trần mà còn là một Thiền sư trác tuyệt của thời đại, như bài thơ thiền lung linh của ông trong tuyển tập này.
Thầy Trí Siêu Lê Mạnh Thát với nhà văn Phạm Xuân Đài (Phạm Phú Minh) | Ảnh: Quảng Pháp
Cũng nhờ quy định về chức năng của Phật giáo trong đời sống dân tộc mà Mâu Tử đã đề ra, những người Phật giáo Việt Nam đã biết dừng lại đúng chỗ trong quan hệ giữa Phật giáo và nhà nước Việt Nam. Vào thời đại của họ, có lẽ vấn đề tách rời giữa giáo quyền và thế quyền chưa được đặt ra một cách bức thiết. Tuy nhiên, những người Phật giáo Việt Nam trực tiếp tham gia chính trị đầu tiên này biết được những giới hạn của mình. Cho nên, sự tranh chấp giữa giáo quyền và thế quyền không xảy ra một đẫm máu ở Việt Nam như đã từng xảy ra ở các nơi khác trên thế giới. Đây là một nét đặc trưng thứ hai của nền thơ thiền Phật giáo Việt Nam. Có lẽ họ không ý thức một cách tự giác cái mà sau này các nhà viết lịch sử đã nói tới, đó là quan hệ giữa nhà nước với nhà thờ. Nhưng có thể họ đã thấp thoáng thấy mối quan hệ này và cố tình tách rời thực thể đó. Giáo quyền và thế quyền là hai lãnh vực khác nhau. Và thực tế từ bản chất, giáo lý Phật giáo không bao giờ cho phép xây dựng nên một giáo quyền. Không những thế, đời sống Phật giáo là một đời sống khiêm cung, đòi hỏi những người Phật tử phải tôn trọng người khác như những vị Phật sẽ thành. Vì thế, nói đến giáo quyền trong Phật giáo là một chuyện xa lạ.
Dẫu vậy, do những người Phật giáo đã tham gia vào đời sống chính trị và thực tế đã nắm quyền nên dễ xảy ra tham vọng xây dựng một giáo quyền Phật giáo, từ đó vấn đề giáo quyền của Phật giáo phải được đặt ra. Điều may mắn là trong lịch sử Việt Nam những nhân vật Phật giáo trực tiếp tham gia chính trị đó không hề có một tham vọng như thế, và họ cũng nói rõ vì sao họ không có tham vọng ấy. Đối với họ cuộc đời con người nhìn trong diễn trình vận hành bao la của vũ trụ quá nhỏ bé và phù du. Cái vĩ đại nhất mà con người có thể có trong diễn trình đó là ý chí vươn lên không chút gì sợ hãi trước bất cứ thay đổi nào của thế giới tự nhiên cũng như thế giới con người. Xuất phát từ một nhân sinh quan như thế, Phật giáo Việt Nam đã tránh cho mình cái họa tham quyền cố vị cho đến khi bị hất ra dòng lịch sử.
Cũng bắt nguồn từ hoàn cảnh lịch sử của đất nước như vậy, dòng thơ thiền Việt Nam khi suy gẫm về thân phận con người, lúc mô tả về phong cảnh của đất nước, cũng không thoát khỏi quy định của chức năng Phật giáo nói trên. Điều này cũng dễ hiểu thôi, vì Phật giáo đặt sự tồn vong của mình trong sự tồn vong của dân tộc. Vì sự tồn vong của dân tộc có liên hệ mật thiết đến sự tồn vong của mỗi cá thể làm nên dân tộc đó. Cho nên, dù mục tiêu cuối cùng của đời sống Phật giáo là sự giải thoát, tức là sự đạt đến tự do tuyệt đối cho mỗi con người, nhưng mục tiêu đó chỉ đạt được nhờ vào mối tương quan với các cá thể khác trong một cộng đồng. Đây là quan điểm duyên sanh của Phật giáo, tức quan điểm cho rằng: Mọi tồn tại chỉ tồn tại trong tương quan với những tồn tại khác. Chính quan điểm duyên sanh cơ bản này giúp người Phật giáo có một cái nhìn bao dung không những với chính mình mà còn đối với những người khác và thế giới quanh mình.
Đọc thơ thiền Việt Nam như thế sẽ gợi cho ta nhiều suy nghĩ đặc biệt trong liên hệ với đời sống hiện đại, khi những tiến bộ khoa học kỹ thuật đã giúp cho con người có một cuộc sống gần gũi nhau mà những thế kỷ trước không bao giờ tưởng tượng nổi. Khi đã sống gần gũi nhau, cũng vì duyên sanh, con người cảm thấy phải có trách nhiệm đối với đồng loại của mình cũng như đối với thế giới mình đang sống. Việc tập hợp lại một số thơ thiền tiêu biểu của Việt Nam giúp người đọc có cái nhìn mới không chỉ về nền văn hóa trong quá khứ của dân tộc Việt Nam, mà còn từ nền văn hóa quá khứ ấy xây dựng một lối sống mới trong quan hệ với đồng loại và với thế giới xung quanh.