Đại Danh Nghĩa Tập
Mahāvyutpatti
བྱེ་བྲག་ཏུ་རྟོགས་པར་བྱེད་པ།
(大名義會)
Danh Mục Thuật Ngữ Phật Học Nền Tảng
Phạn – Tạng – Việt – Hoa
Tuệ Sỹ Chủ Biên Võ Quang Nhân Soạn Tập
Duyên Ngộ
Khoảng chiều mồng 6 Tết năm 2017, học sinh Làng Đậu (LĐ) được diện kiến thầy Tuệ Sỹ lần đầu tiên[1] Ngay sau lễ bái, Thầy đã hướng dẫn liên tục khoảng vài giờ về nhiều chủ đề khác nhau, bao gồm hầu hết những điều mà LĐ định trình lên. Trong đó, Thầy có nhắc đến một ý quan trọng: Tiêu chuẩn hóa thuật ngữ Phật học cho giới trẻ Việt Nam[2] Vì biết LĐ đang thọ giáo Phật học Tây Tạng, Thầy đề cập về tác phẩm Đại Danh Nghĩa Tập (ĐDNT) vốn là tập sách lịch sử chứa đựng nền tảng cốt lõi của mọi thuật ngữ Phật học Tây Tạng. Duyên khởi của tập sách là vào thời điểm này. Sau đó, LĐ thọ nhận nhiều trao đổi và khuyến dạy từ thầy. Những công việc chuẩn bị về phía đệ tử bắt đầu từ đó. Ý định ban đầu của Thầy là sẽ cho xuất bản làm bốn phần:
I. Chánh Văn gồm 3 thứ tiếng Phạn-Tạng-Việt trình bày theo sát với nội dung nguyên thủy trong Tengyur.
II. Vựng Tập trình bày dạng từ điển: Phạn (Latin hóa)-Tạng-Việt.
III. Vựng Tập trình bày dạng từ điển: Tạng-Phạn (Latin hóa)-Việt.
IV. Vựng Tập trình bày dạng từ điển: Việt-Phạn (Latin hóa) -Tạng.
Lý do của 3 Vựng Tập với hình thức từ điển là để giúp độc giả có được bảng tra cứu thuật ngữ thống nhất và tương đối hoàn chỉnh về từ vựng Phật học và các chủ đề liên quan.
Dưới đây là tiến độ của công trình:
- Tháng 2/2017: Kết nối và sơ chuyển phần chữ Hán của Đại Danh Nghĩa Tập sang chữ Hán-Việt bằng máy tính; theo đó, phát hiện ra nhiều lỗi có gốc từ sự sao chép tay từ nhiều đời hay từ gõ phím (máy đánh chữ / máy tính) và các Hán tự nhập từ chữ Nhật không dịch được.
- 16/4/2017, Thầy muốn chuyển một bản ĐDNT của Đại học Tokyo được Sakaki Ryōzaburō (Jap. 榊亮三郎, Phản-mộc Lương Tam Lang, 1872–1946) chủ biên cho đệ tử, nhằm tham khảo thêm cách soạn sách[3] và Thầy cũng giao việc cho các đệ tử khác có hiểu biết Phạn ngữ lo phụ về phần tiếng Phạn. Thầy dặn dò: “Từ các vựng tập sơ bộ này [3 Vựng Tập nêu trên], có thể tiến tới soạn thảo bộ Tự Điển Giản Yếu Phật học Sanskrit-Việt, cũng rất cần thiết cho người Việt học Phật, Vì từ trước dựa theo Hán dịch nhưng không rõ rõ gốc Sanskrit, đã diễn ra nhiều giải thích sai lầm trong các sách viết về giáo lý Phật”.
- Hè năm 2018: Trong dịp thăm Thầy, đệ tử có gửi tặng Thầy một sách văn phạm Tạng ngữ cỡ lớn của Đại Học Viện Sera May phát hành tựa là Đại Tam Thập Kệ Thâm Giải (སུམ་ཅུ་པའི་མཐའ་དཔྱོད་ཆེན་མྱོ།) và bộ Phạn-Tạng Đại Từ Điển 16 tập để Thầy dùng trong tham khảo được thuận tiện hơn.
- Tháng 6/2020: Ba bản sơ thảo (phiên bản alpha) (Tạng-Phạn-Việt, Phạn-Tạng-Việt và Việt-Phạn-Tạng) đã được gửi đến Thầy, dựa trên dữ liệu dịch sơ chỉnh. Hoàn tất bản thuật ngữ Tạng với 2 cách miêu tả (chữ Tạng chánh thức và chữ Tạng phiên âm Latin theo chuẩn Wylie). Tô màu các vị trí không trùng khớp về thuật ngữ Tạng (do sử dụng các phiên bản ĐDNT khác nhau). Nêu ra lỗi các chữ Hán trong danh mục. Trong dịp này Thầy dạy: “Trong phần Việt Phạn Tạng, tất nhiên từ vựng phải nhiều hơn. Một từ Phạn có thể có nhiều nghĩa khác nhau nên có nhiều từ dịch khác nhau. Và ngược lại, một từ Hán có thể dịch cho nhiều từ Tạng. Vì vậy, khi dịch cần phải lựa chon tùy ngữ cảnh …” (nhiều chi tiết khác nói về các ngữ nghĩa và ngữ cảnh của các thuật ngữ).
- Tháng 11/2021: Thầy gửi ra ĐDNT trong đó đã hoàn tất khoảng 2/3 điều chỉnh nghĩa Việt ngữ và nói đến các không trùng khớp của phần Phạn ngữ từ bản dịch Nhật ngữ (phiên bản Beta). Có lẽ Thầy đã định trước sự việc …
Một thời gian ngắn sau đó (27/02/2022), Thầy viết một lá thư đau buồn nhất mà người học trò phải tiếp nhận: Thời gian của tôi không còn nhiều, có thể góp nhặt từng ngày từng tháng để hoàn tất nhưng gì cần hoàn tất, tuy không thể nói đầy đủ. vì vậy, tôi quên đi nhưng phiền toái của người đời để làm những việc cần làm. Thật tiếc, không thể giúp anh [để tiếp tục] hoàn tất mahāvyutpatti.
- Việc của mấy năm sau, để tiếp nối việc Thầy giao lại, là các nỗ lực: áp dụng AI (công nghệ Trí tuệ nhân tạo), tiến trình xử lý máy tính dùng hai ngôn ngữ lập trình C# và Python, so sánh điều chỉnh các cách viết tìm thấy từ các phiên bản ĐDNT khác, bổ sung các khiếm khuyết khác nhau, dùng các từ điển Tạng ngữ để chỉnh sửa các thuật ngữ chép ra từ Chánh văn (các loại lỗi do sự sao chép hay tái bản mà có) cũng như là bổ sung các nghĩa Việt ngữ, mà Thầy không kịp hoàn tất.
- Nay, phần trình bày Chánh văn đã Các dạng Vựng tập về sau sẽ tùy duyên theo ý nguyện của Thầy, khi có sự hỗ trợ từ các chuyên gia Phạn ngữ sẽ hoàn thiện và phát hành.
Theo cách trình bày ban đầu, dự định là sẽ không có phần chữ Hán. Tuy nhiên, trong những hướng dẫn cuối đời, Thầy có đề nghị một thay đổi: Hãy đặt thêm các phần này vào phần Chánh Văn để giúp độc giả thêm phương tiện nắm bắt. Dù sao, các thuật ngữ Hán và Phạn Latin chỉ được xem xét có giá trị tham chiếu gợi ý, chưa hoàn toàn chuẩn mực (Thầy nói có khoảng một số thuật ngữ Phạn Latin chưa được chuẩn hóa). Chúng được đặt ở hai dòng cuối, ngay sau nghĩa dịch Việt từ chánh văn (Xin xem ảnh mẫu về một thuật ngữ dưới đây).
[1] Thật ra từ khi 13-14 tuổi (cuối thập niên 70 của TK20), người tiếp soạn sách này nghiền ngẫm không ít các sách Thiền học / Phật học do Tuệ Sỹ soạn hay dịch. Sự ảnh hưởng này rất lớn cho tu học, nhưng mãi đến gần 4 thập kỷ sau mới có duyên trực tiếp gặp Thầy.
[2] Điều này bắt nguồn từ việc đã rất nhiều Phật tử trẻ trong nước, gặp khó khăn lớn để lĩnh hội các án văn Phật giáo chuyên sâu bằng Việt ngữ. Lý do cũng dễ hiểu: Các dịch phẩm hay trước tác đó, dùng quá nhiều ngôn từ Hán-Việt tạo thêm trở ngại lớn bên cạnh ý nghĩa huyên áo sẵn có của Phật học; mà thật ra, ngay chính người Hán, họ cũng không hề bị làm khó đến mức như thế. Lấy một thí dụ đơn giản, chữ “nhân”, đối với người Hoa, họ có thể dễ dàng phân biệt các nghĩa khác nhau của nó qua cách viết phân biệt rõ ràng (人, 因, 仁, 姻, 茵, 湮, 氤 … 儿). Trong tiếng Việt, tất cả đều được / bị gói gọn-lõn qua một mặt chữ ‘nhân’. Thế-thì cần hiểu theo nghĩa nào với mỗi một chữ ‘nhân’ này? Theo thiển ý, giảm thiểu phần nào khó khăn này mà không gây ra sự hiểu biết sai lạc là việc cần thiết.
[3] Rất tiếc kích cỡ sách này quá nặng đã không cho phép Thầy gửi đến tay người nhận.
Cảm Tạ
Vô cùng tri ân Ôn Tuệ Sỹ, người đã hy sinh vô vàn thì giờ dịch thuật, bàn bạc, hướng dẫn và chủ biên cho toàn bộ đề án này. Từ việc tham chiếu và thẩm tra nhiều thông tin từ các nguồn ngôn ngữ khác nhau cho đến việc chuyển dịch Việt ngữ, chỉnh sửa chữ Hán và chữ Phạn Latin.
Xin cảm tạ nỗ lực âm thầm nhưng lớn lao để giúp đỡ gián tiếp của Thầy Hạnh viên, không có sự hy sinh này, nhiều trở lực sẽ khó lòng vượt qua được.
Xin ngỏ lời cảm tạ các chức sắc thuộc Văn phòng của Thánh đức Dalai Lama đặc biệt sự giúp đỡ to lớn về mặt tư liệu và thư giới thiệu để tiện liên lạc với các cơ quan xin hỗ trợ cho đề án.
Xin thành kính tri ân Viện trưởng Library of Tibetan Works and Archives, học giả Geshe Lhakdor, ngài quản thủ thư viện Sonam Topgyal, và ông quản lý bảo tàng viện Namgyal Tsering đã hết lòng hỗ trợ chúng tôi qua việc giúp đỡ về các phương tiện và tài liệu Phật học quan trọng, trong đó có việc cung cấp các dị bản khác nhau của Đại Tạng Kinh Tây Tạng Kangyur và Tengyur.
Thành kính ghi ơn Sarnath International Nyingma Institute đã hoan hỉ cung ứng miễn phí bộ Đại Tạng Kinh Kangyur dạng pecha, Đại học Phật giáo Central University of Tibetan Studies đã cung ứng nhiều Kinh Luận cần thiết, và đặc biệt tổ chức ADARSHA dưới sự bảo trợ của ngài Karmapa 17, thuộc Mật viện Gyuto Dharamsala đã vui lòng cung cấp bản điện tử Adarsha Kangyur và Tengyur.
Chân thành cảm tạ ngài Khentrul Tenzin Dhondup Rinpoche, đã tốn vô vàn công sức và thời gian, kiên trì tìm kiếm và cung cấp rất nhiều Kinh và Luận Đại thừa Tạng ngữ tham khảo.
Xin trân trọng ghi ơn mọi thầy cô dạy Phật học và Tạng ngữ đã có các hỗ trợ gián và trực tiếp, đặc biệt là thầy Geshe Lharampa Gyaltsen Tsering, đã đứng ra giới thiệu đệ tử đến với viện trưởng Sarnath International Nyingma Institute.
Xin cảm tạ đạo hữu Từ Quốc Hoàn, người đã không quản ngại cùng đệ tử đến New Dehli cùng tìm thỉnh bộ Đại Từ Tiển Tạng-Phạn giúp Ôn Tuệ Sỹ phương tiện chuyển dịch.
Xin gửi lời cảm kích đến GS. Đỗ Quốc Bảo đã vui lòng gửi cho liên kết đến trang có đăng một phiên bản Đại Danh Nghĩa Tập, xuất bản trực tuyến bởi Đại học OSLO.
Xin chân thành cảm ơn các đạo hữu Lê Nguyên Bảo Trân đã đóng góp trong việc gõ lại các thuật ngữ tiếng Tạng trong phần sơ thảo (alpha version).
Vô cùng cảm kích tri ân đạo hữu Phạm Vân Thi, thầy Quảng Thọ, tỉ muội sư ni Pháp Âm và Pháp Quang, cũng như là Pháp hữu Phạm Hằng Hà đã có nhiều trợ duyên cho những lần gặp gỡ Ôn và đề án.
Ngoài ra, mọi nỗ lực đều sẽ vô ích nếu không có sự góp sức cố gắng của tất cả các đạo hữu khắp nơi đã hỗ trợ qua các hình thức khác nhau để giúp luân chuyển, giữ gìn và phát hành các giáo pháp của đức từ phụ Thích-ca-mâu-ni. Xin chân thành cảm tạ tất cả các nỗ lực âm thầm hoằng hóa chánh Pháp của từng Phật tử.