Cuộc sống là một chuỗi dài hạnh phúc và khổ đau, là một cuốn phim được gom nhặt từ những thước phim ngắn đời người. Rất ít ai có đủ thời gian để xem lại những hình ảnh của mình đã được ghi lại trong quá khứ. Và có lẽ cũng rất ít người đặt câu hỏi cho những gì xảy ra, và những gì mình nói, làm trong đời mình. Đó là một điều dễ hiểu bởi lẽ, con người vốn mang sẵn trong mình những cái bất toàn hảo, và cũng vì người ta sợ phải đối diện với chính bản thân mình.
Trong Phật giáo, con người là một trong sáu loài((Sáu loài, Hán gọi là lục thú: Địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, nhân (con người), thiên, a tu la.)) Con người là loài mà sự hiểu biết còn nhiều hạn hẹp và thụ động. Trừ khi nào con người cởi bỏ lớp áo phàm tục, thì con người mới có thể thăng tiến lên các cảnh giới cao hơn và tự làm chủ được chính mình. Hễ còn bị điều khiển bởi những ham muốn tầm thường của ngũ dục((Ngũ dục: năm món ham muốn của người đời: Tài (tiền tài), sắc (sắc dục), danh (danh vọng, địa vị), thực (ăn uống) và thuỵ (ngủ nghỉ))) thì con người khó có được cơ hội để hưởng hạnh phúc và bình an. Chúng ta thử nhìn xem, có được lợi lộc gì bao lăm khi chú Titô dễ thương say sưa gặm nhấm miếng xương khô; lũ ruồi lấn chen vây quanh chút mật ngọt; bầy kiến hăm hở bò quanh miệng chén có dính chút đường.
Con người cũng thế, sự ham muốn tiền tài, sự ham muốn sắc đẹp, sự ham muốn danh vọng địa vị, sự ham muốn các vị ngọt của thức ăn, hay sự ham muốn ngủ nghỉ là những gì mà con người mong mỏi và cố công tìm kiếm; hễ một khi con người vướng vào một trong năm thị dục đó thì khó mà thoát ra được, huống nữa là đắm vào cả năm thị dục ấy. Con người chỉ hơn loài vật là biết nhận thức và nhận thức cao hơn. Nhưng đôi khi cái nhận thức của con người không có khả năng vượt thoát sự cám dỗ của bản năng dục vọng của chính mình; có khi con người cũng ý thức được những cay đắng và thất vọng do năm thị dục mang lại, nhưng con người vẫn không thoát khỏi cạm bẫy hấp dẫn của chúng. Cho nên, trong cuộc sống đôi khi có những cái biết nhưng chúng không thắng lướt được những cám dỗ của bản năng dục tính. Đó là một yếu kém gây nhiều đau khổ cho con người.
Trong kinh “Bát Đại nhân giác” có đoạn nói rằng:
“Tâm vô yếm ly
Duy đắc đa cầu
Tăng trưởng tội ác.
Bồ tát bất nhĩ,
Thường niệm tri túc
An bần thủ đạo
Duy tuệ thị nghiệp”((Đây là Điều giác ngộ thứ ba trong tám điều giác ngộ của các bậc đại nhân (Kinh Bát Đại nhân giác)))
Nghĩa là: Tâm lý chúng sanh tham cầu nhiều thứ mà không biết mỏi mệt, nên càng tạo ra nhiều tội lỗi. Hàng Bồ tát thì không phải vậy, thường nhớ nghĩ đến phép tri túc, an vui sống đời đạm bạc và xem sự nghiệp duy nhất của mình là thực hiện trí tuệ giác ngộ.
Điều đó nói lên rằng; tâm lý phàm phu khác hẳn với tâm của Thánh giả, Bồ Tát. Phàm phu thì u mê si ám chỉ biết cái lợi trước mắt, chỉ biết hạnh phúc tạm thời, hư huyễn mà không biết lợi ích lâu dài và hạnh phúc cao thượng hằng cửu. Nên hàng phàm phu mãi là kẻ lữ khách ruổi rong tìm kiếm. Có người lang thang tìm kiếm cho đến khi bạc đầu vẫn là kẻ đuổi bắt sóng nắng giữa xa lộ. Lại có kẻ lang thang tìm kiếm ngũ dục đến hết kiếp người mà vẫn chẳng tìm thấy bến bờ để dừng lại, vẫn một mình cô liêu dưới bóng chiều buông xuống.
Nếu đi cho hết cuộc đời, đi cho hết kiếp người cô đơn thì sự đi ấy thật buồn bã, lắm lo âu và sợ hãi, nên thi sĩ Tuệ Nguyên đã có lần nói rằng:
Lênh đênh cho hết kiếp người
Thì bao giờ hết kiếp người lênh đênh.
(Cõi huyền)
Một trăm năm trong cõi thế phù sinh, khúc quanh của cuộc đời, trái đắng của tình người,… là tất cả những gì ấn sâu vào tâm thức ta. Nó sẽ tạo nên những đợt sóng âm ỉ, rì rào trong tâm thức một cách âm thầm, dữ dội. Chúng ta đã từng là kẻ đuổi bắt ảo tưởng, và đã từng là kẻ ruổi rong ngoài phố thị để đuổi bắt những cuộc tình ủy mị phù hư, đã từng đuổi bắt những danh lợi hơn thua nghiệt ngã. Chúng ta cũng đã từng nếm mùi ngọt, chát, chua, cay trong cuộc đời; cũng có kẻ đã nằm chết quạnh hiu trên cánh sa mạc già cô độc. Và cũng có người dừng lại giữa chừng trong cuộc tìm kiếm ấy, nhưng những gì đã đi qua trong đời chúng ta, ấn sâu trong tâm thức chúng ta vẫn còn đó; giờ lại dâng trào lên như sóng biển rì rào và đôi khi chúng ta cảm thấy tiếc nuối cho một thời quên lãng, một thời rong ruổi đi hoang:
…. Khi dừng lại,
ký ức tuôn trào như sóng vỗ liên hồi
giận dữ
em tiếc nuối
một thời quên lãng,
khi nhận ra, mặn chát bờ môi.
(Lời nhắn cho em – Nhuận Phong Vân)
Cuộc đời vốn không phải là trái đắng mà chính chúng ta đã làm nên trái đắng của cuộc đời. Chính con người là kẻ thù của cuộc đời vì đã vẽ lên bức tranh cuộc đời bằng những nét sẫm tối và ngoằn ngoèo. Với tính tự kiêu, bạo động, ích kỷ,… con người đã dẫm đạp lên cuộc đời và cũng đã dẫm đạp lên bản thân con người. Và khi con người không lối thoát thì chính con người lại là kẻ than trách cuộc đời. Đó là một biện minh cho sự ích kỷ của con người. Và rồi con người bắt đầu đi tìm hạnh phúc xa vời, hiến cuộc đời vào cõi xa xăm:
Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh
Một vì sao trơ trọi cuối trời xa
Để nơi ấy tháng ngày tôi lẩn thẫn
Những ưu sầu đau khổ với buồn lo.
(Chế Lan Viên)
Phàm phu là thế, sống thả buông theo bản năng con người, không như đời sống của các bậc thánh giả, các hàng Bồ Tát. Các Ngài thấu được lẽ đời, chấp nhận đời sống giản dị, an vui sống đời đạm bạc, thanh thoát. Họ không còn ruổi rong tìm kiếm nữa, vì biết rằng:
Ruổi rong cho mỏi hình hài
Thì đôi tay trắng vẫn hoàn trắng tay.
(Cõi huyền – Tuệ Nguyên)
Đúng thế, cuộc đến – đi của hàng phàm phu trong cõi đời này là theo nghiệp duyên thiện ác, nên cuộc đến đi của họ đầy chất liệu lo âu, sợ hãi và bất an; bởi họ không làm chủ được bản thân mình mà bị nghiệp lực làm chủ. Còn các bậc thánh giả, họ đến và đi bằng nguyện lực, nên cuộc đến – đi ấy nhẹ như cánh nhạn giữa trời không, chẳng vương dấu tích, ảnh, hình*; đến chẳng lưu dấu, đi chẳng lưu hình, chẳng lệ thuộc bởi “có” và “không”:
Đi không lưu một dấu hài
Ngày về cũng vượt ra ngoài có – không.
(Đi về – Tuệ Nguyên)
Đời sống của một vị Thánh giả hay một vị Bồ Tát là đời sống nhẹ nhàng thanh thoát, chẳng khác nào áng mây chiều nhẹ nhàng trôi giữa biển đời sinh diệt. Họ mỉm cười khi đất trời biến động. Bởi vì họ biết được hạnh phúc không nằm trong sự ruỗi rong tìm kiếm ấy, họ biết rằng cuộc đời là những bông hoa mầu nhiệm hiện hữu vô ngôn. Chỉ cần mở đôi mắt và trái tim thì hạnh phúc và bình an sẽ hiện hữu. Họ ý thức được, mỗi phút mỗi giây là mỗi viên ngọc quý, không mơ mộng, ảo tưởng về một thế giới xa xăm, mờ ảo. Biết vui với niềm vui hoa cỏ, biết cười với trăng gió thênh thang:
Biết vui am lá hoá thơ
Cõi này cũng đẹp còn mơ cõi nào.
Cõi này cũng có trăng sao
Có ngàn vạn lối để vào như nhiên.
(Cõi huyền – Tuệ Nguyên)
và chính cái đó là cái đẹp, cái cao quý, là cuốn phim hay hiến tặng cho cuộc đời…
Hạ, 2546
(Tập san Nghiên cứu Phật học, số 3, PL 2551)
* ý thơ của Thiền Sư Không Lộ: Nhạn quá trường không, Ảnh trầm hàn thủy, Nhạn vô di tích chi ý, Thủy vô lưu ảnh chi tâm. Dịch: Nhạn bay ngang trời, Bóng chìm đầm lạnh, Nhạn không có ý để lại dấu tích, Nước không có ý lưu giữ bóng hình. (Nguyễn Lang dịch – VNPGSL II, nhà xb VH, 1992, tr 175)