Đi tìm những bài thơ có nói đến hoa, ta thấy rất nhiều loại hoa trong thơ, nhiều nhất là mai lan cúc huệ và không thiếu là hoa hồng, hoa sen, hay bình thường thì “mùa nào hoa nấy,” như mùa Xuân hoa đào, mùa Hạ hoa sen, mùa Thu hoa cúc và cúc là loài hoa có nhiều loại, như cúc vạn thọ, và cúc như là thứ hoa bốn mùa, dân dã nhất.
Hoa gạo đầy trên lối mòn
Bàn tay anh đầy hoàng hôn
Tháng Giêng anh về một bận
Lau trắng mù bên ấy sông
Tháng Giêng anh về một bận
Nghe xao xác buồn trong lòng
Nghe xao xác buồn nửa giấc
Như thuyền ai sắp sang sông
Chiều đỏ một trời mới trổ
Hồn mình tha hồ nhớ mong
Lau trắng tha hồ trắng lối
Thuyền ấy bây giờ theo giòng.
(Hoa Gạo, Viên Linh)
Có một thành ngữ nhiều người đã nghe đã đọc là “trong thơ có họa,” họa ở đây là tranh vẽ, là hội họa, song họa ở đây cũng có thể chấm biếm cho là tai họa, không ít những bài thơ đã đưa tác giả vào tù. Như thế trong thơ có hoa mà trong thơ cũng có họa.
Đoạn thơ trên tác giả làm từ giữa thập niên 50, khoảng 1955, hay 56, lúc chưa tới tuổi hai mươi, một người bạn mới gửi cho, chứ tác giả không giữ được bài thơ này.
Hoa gạo không phải là cây cảnh vì thứ nhất cây gạo rất cao rất to, không thấy ai trồng cây gạo trong chậu cảnh bao giờ, đặc điểm của hoa gạo là nó thường thấy ở miền Bắc Việt Nam, người viết bài này có tìm hỏi, hình như miền Nam hay miền Trung không thường thấy hoa gạo. Tra sách Cây Cỏ Việt Nam của Giáo Sư Đỗ Tất Lợi (tôi xin lỗi nếu nhớ sai, vì lúc đang viết bài này không có cuốn sách bên mình – cuốn sách được nhờ một người bạn mua từ Việt Nam, không thấy bán ở tiệm sách hải ngoại như ở quận Cam. Khi thấy sách, người bạn thích quá, giữ lấy dùng, và không trao lại cho người gửi mua là tôi, chỉ cho mượn một thời gian).
Lúc làm bài thơ trên nửa thế kỷ trước, không hiểu sao tác giả lại viết “Hoa gạo đầy trên lối mòn.” Tại sao lối mòn lại liên hệ xa gần với hoa gạo? Gần đây tìm hiểu mới thấy một tài liệu viết: cây gạo là thảo mộc vùng nhiệt đới, và vào thế kỷ thứ hai trước Công Nguyên, Triệu Đà vua nước Nam Việt đã tặng vua nhà Hán một cây gạo: như thế Nam Việt có cây gạo mà Trung Hoa không có cây này. Vua một nước tặng vua nước khác một cái cây, thì ắt hẳn cái cây ấy phải có đặc thù.
Hoa gạo đầy trên lối mòn
Bàn tay anh đầy hoàng hôn
Tháng Hai anh về chốn cũ
Dáng em hờ hững cuối thôn
Nhị rơi hoa tàn xác đỏ
Chim kêu lặng ngắt trên cành.
Tháng Hai anh về chốn cũ
Bóng em không còn bên anh
Ngườ xưa có còn một thuở
Nhìn hoa nhặt xác hoa tàn.
Cây gạo làng tôi mọc ở ven đường dẫn tới một ngôi miếu cổ, thân mộc to mà không ai có thể trèo được, vì từ gốc tới ngọn, xung quanh lớp vỏ cây gai mọc tua tủa, gai to như chiếc tăm vót nhọn và cứng, sắc như kim khí, hoa năm cánh sắc đỏ rực rỡ, nhị hoa trắng như loại dưa giá
Và đầu nhị hoa có cái chúm màu vàng. Phải làm sao đó ta mới có câu phương ngữ “Thần cây đa, ma cây gạo.” Còn nhớ lúc nhỏ, thấy đàn sáo đen bay ào tới đậu trên ngọn cây gạo ấy, tôi sẵn trạc súng cao su trong tay, đã nhắm bắn một con. Lạ thay là sau khi hòn đá bay lên, một trong những con sáo bị bắn sượt trúng, chỉ sượt trúng thôi, vì nó rớt khỏi cành cây nhưng nửa chừng, nó xòe được hai cánh ra và thay vì rớt xuống mặt đường chỗ gốc cây gạo, nó bay ngang ra và đáp xuống được ở một cái bụi gần đó. Cây gạo cao lắm, viên đá làm đạn cây súng cao su bay lên tới đỉnh cây thì đã nhẹ hều, không giết được con sáo. Và may mắn làm sao sau này nhớ lại, cậu nhỏ đã không giết được con sáo, và nó đã bay mãi trong trí nhớ ngày một phai mờ của tôi, con sáo có bộ lông đen nhánh. Nhưng đàn sáo – “Chim kêu lặng ngắt trên cành,” đã kêu thảng thốt khi cả bầy bay vụt lên vì một con lìa cành rơi xuống. Mỗi mùa Hè, cuối Xuân sang Hè, tôi lại hình dung ra cây gạo, lá rất nhỏ rất thưa, nhưng hoa to là nhiều, đứng dưới trông lên chỉ thấy thân cây trơ trụi và hoa đỏ rung rinh, không thấy lá.
Thập niên ’80 tôi được nghe mấy câu thơ của mình thời niên thiếu qua giọng hát của một nam ca sĩ trẻ tuổi. Hỏi ra được biết trên một chiếc đò ngang từ bờ sông bên này Sài Gòn qua Thủ Thiêm, một người đọc lên những câu thơ của bài Hoa Gạo, và người kia đang ngồi cùng thuyền là Trịnh Công Sơn, đã sẵn cây đàn Tây Ban Cầm trong tay, liền phổ nhạc ngay bài thơ Hoa Gạo. Nhắc đến Sơn người viết bài này lại nhớ tới một ngày một đêm ở Đà Lạt, chúng tôi cùng tới nhà hàng L’Eau Vive – nhớ mang máng cái tên như thế — một nhà hàng do các tu sĩ Dòng Tên góp phần phụ trách, các cô nữ tu với sự có mặt của hai bà sơ nhiều tuổi, đã trình bày và múa hát bài “Trên Đường Emmau,” nghe ngờ ngợ như thế, không tin là chính xác lắm. Emmau là phiên âm một danh từ ngoại quốc, không phải tiếng Việt.
[box type=”shadow” align=”” class=”” width=””]
Viên Linh sinh tại ga Đồng Văn, Hà Nam, có truyện ngắn đăng trên trang xã hội nhật báo Tiếng Dân, Hà Nội, năm 14 tuổi.
Cũng tại Hà Nội, đã cùng Dương Nghiễm Mậu xuất bản một tờ bán nguyệt san in hai màu, khổ nhỏ, vào năm 1953.
Di cư vào Nam đêm Noel 25.12.1954.
Tự học và tự lập từ năm 16 tuổi.
Phóng viên thường trực nhật báo Ngôn Luận năm 1957.
Từ đó, chọn nghề báo, nghiệp văn, dù một thời gian đã dậy học tại Trung học Bạch Đằng, Ban Mê Thuột.
Thư ký tòa soạn Tuần báo Điện Ảnh, 1960.
Trong hơn 10 năm kế tiếp, làm Thư ký và Tổng Thư ký Tòa soạn các báo Kịch Ảnh (chủ nhiệm Quốc Phong), Nhật báo Dân Ta (chủ nhiệm Nguyễn Vỹ), Nhật báo Đất Tổ (chủ nhiệm Thích Thiện Minh). Thư ký Tòa soạn Nhật báo Tiền Tuyến trong hơn 6 năm thi hành nghĩa vụ quân dịch, với các chủ nhiệm Lê Đình Thạch, Hà Thượng Nhân.
Trong gần 5 năm, làm Tổng thư ký Tòa soạn Tuần báo Khởi Hành của Hội Văn Nghệ Sĩ Quân Đội với chủ nhiệm Anh Việt Trần Văn Trọng.
Giải ngũ năm 1972.
Tổng thư ký Tuần báo Diễn Đàn (chủ nhiệm Phan Huy Quát) cho đến khi tự xuất bản nguyệt san Thời Tập, từ 1973 tới Tháng 4.75.
Trong thời gian từ 1964 tới 1975, cho xuất bản gần 20 tác phẩm; cuốn Gió Thấp, bản đánh máy, được trao Giải Nhất Giải Văn Học Nghệ Thuật Toàn Quốc 1974 (danh xưng của giải thưởng lúc đó).
Năm 1976 tại Hoa Kỳ, được trao học bổng the Ford Foundation để soạn Những Khuynh Hướng Văn Học Tại Miền Nam Việt Nam 1954-1975, chưa xuất bản.
Năm 1980, cùng em trai, Chơn Pháp Nguyễn Hữu Hiệu, xuất bản một tập thơ vô danh gửi đi từ Hà Nội, mà ông đặt nhan đề cho tác phẩm này là Tiếng Vọng Từ Đáy Vực, tác giả được gọi là Ngục Sĩ. Sau được biết là Hoa Địa Ngục và Nguyễn Chí Thiện.
Chủ tịch Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, 1991-1995.
Chủ nhiệm, chủ bút Khởi Hành tại Calif. từ 11.1996.[/box]