Khảo luận Nālandā:
Truyền Thừa, Truyền Nhân và Giáo Pháp
PHẦN II: TRUYỀN NHÂN NĀLANDĀ
(Tiểu Sử, Giai Thoại và Tác Phẩm)
Biên khảo: Võ Quang Nhân
Hiệu đính: Thích Tuệ Sỹ
Lời Ngỏ cho Phần II
Trong Phần II, chúng tôi sẽ lần lượt trình bày tiểu sử, giai thoại (nếu có), và danh sách đầy đủ các công trình của những học giả lừng lẫy, vốn từng sinh hoạt hay giảng dạy tại Nālandā cũng như là các vị học giả về sau nhưng có hoạt động và sinh hoạt chứng tỏ xuất thân hay tu học theo truyền thống của học viện.
Riêng về đức Phật Thích-ca-mâu-ni, vốn là vị “sơ tổ” của mọi truyền thừa thì khó thể bỏ qua việc ghi khắc dấu chứng của Ngài trong biên khảo. Tuy nhiên, việc kể về cuộc đời hoạt động của Ngài đã được rất nhiều tài liệu nghiên cứu và trình bày. Cho nên, thay vào việc làm như thế, một số truyện kể có ý nghĩa về tiền thân của đức Phật cũng như là một số nội dung về cung cách ứng xử khéo phương tiện và hoàn mỹ của Ngài qua các kinh điển được tuyển lựa để trình bày.
Hầu hết các thông tin về các truyền nhân của Nālandā lấy từ các nguồn ghi chép trong các tài liệu lịch sử, chủ yếu từ các truyền thống Phật giáo Tây Tạng và thứ đến là từ Phật giáo Trung Hoa, một số ít hơn đến từ truyền thống Phật giáo Pali. Thông tin được kiểm chứng thêm từ các kinh luận trong Đại Tạng Kinh-Luận Adarsha Dergé. Tuy nhiên, khá nhiều thông tin về niên đại hay thời gian sống về các nhân vật, nói chung sẽ hiếm khi chính xác, đặc biệt là với những nhân vật sinh càng xa cách với thời hiện tại.
Trong phần 4, đặc biệt có các ghi nhận về cuộc đời của hai vị đại đệ tử Phật vốn có nhiều tình tiết gắn liền với thánh địa Nālandā. Dữ liệu về hai vị này được trích xuất từ luận án tiến sĩ của Thích Huyền Vi, từ sách của Nyanaponika, cũng như vài thông tin từ các trí giả hiện đại khác.
Song song với những điều trên, có nhiều tình tiết liên can đến đời sống hay hành xử của các nhân vật trong biên khảo, khả dĩ được kể lại với màu sắc dường như là huyền thoại. Dù sao, chúng tôi sẽ hết sức tôn trọng sự miêu tả của các sử gia hay tác giả Tạng, Hoa, hay Ấn-độ mà không bình luận thêm về các chi tiết như thế.
Nội dung của phần II cũng sẽ góp phần miêu tả bức tranh sống động về tầm mức của những vỹ nhân đã từng sống, hoạt động, giảng dạy, hay trước tác tại Nālandā. Trong lúc trình bày, thông qua diễn tiến của các sự kiện được kể lại từ các sử gia và các học giả, chúng tôi có để tâm chắt lọc những dữ kiện có liên can đến triết lý hay nhân sinh quan mà qua đó chúng ta có thể tìm hiểu sâu hơn về quan điểm hay trường phái mà các đại sư này theo đuổi. Nhìn chung, khi viết xuống, chúng tôi gặp một hiện tượng thật sự không cân đối về lượng thông tin cho các hiền nhân khác nhau. Các vị càng nổi tiếng (như Long Thụ và Nhiên Đăng Cát Tường Trí chẳng hạn) thì càng có nhiều dữ liệu có tính phân hóa viết về họ, nên rất khó sắp xếp lọc lựa và loại trừ sai biệt. Do vậy, có thể sẽ có một ít thông tin khó kiểm nhận. Ngược lại, có nhiều vị mà chuyện kể về họ chỉ có vài dòng (như Đức Quang, Hữu Năng Quang chẳng hạn). Sự có mặt của thông tin theo thời gian cũng có nhiều khác biệt, các hiền giả càng gần với thời nay bao nhiêu, thì càng có nhiều dữ liệu về đời tư của các ngài ấy hơn bấy nhiêu.
Nói tổng lược, sự trình bày về các hiền nhân được chia làm hai nhóm. Nhóm thứ nhất gồm các học giả Phật giáo được nêu trong Kệ Hướng Nguyện của Thánh Đức Dalai Lama lên 17 Đại Trí Giả của Truyền Thừa Nālandā. Nhóm thứ hai sẽ là các hiền nhân khác thuộc truyền thống Nālandā cũng có ảnh hưởng lớn đến Đại thừa nói chung, Phật giáo Tây Tạng, và một phần Phật giáo Pāli.
Tản mạn trong mỗi phần viết về các hiền nhân, đôi khi sẽ có thêm một bài viết nhỏ bổ xung về hiền nhân đó.
Ngoài ra, trừ trường hợp các giáo thọ Nālandā mà hoạt động chính của họ là Giới Luật và kinh Bát-nhã, thì với các truyền nhân, nếu khả dĩ, chúng tôi sẽ cố gắng trích dẫn từ trước tác của họ một ý kệ tinh túy. Kệ này, được in nghiêng, có thể đáng để chúng ta lưu tâm học hỏi sâu hơn về tác giả hay ý nghĩa. Các câu kệ đó sẽ được ghi rõ nguồn chánh văn của lời dạy trong chú thích được như trích lừ tác phẩm nào trong Đại Tạng Luận (Tengyur).
Bên cạnh, các chi tiết được kể lại, nếu đủ duyên, các trích dẫn sẽ được truy lùng và ghi lại chánh văn từ các Đại Tạng Kinh-Luận mà chủ yếu là của Dergé (nguồn Tạng ngữ) và một ít từ CBETA (nguồn Hán ngữ).
Trong các ghi nhận sưu khảo, chúng tôi có dựa trên danh mục chính từ Tạng ngữ[*] là: Dergé (tib. སྡེ་དགྡེ་བསྟན་འགྱུར) (Nyingma Dergé và Tōhoku). Sau đó, nếu là các danh mục khác như Nathang (tib. སྣར་ཐང་བསྟན་འགྱུར) (Otani), và Bắc Kinh (tib. པྡེ་ཅིན.བཀའ་བསྟན་དཀར་ཆག) (Peking). Ngoài ra, có các nguồn về Đại Tạng Kinh Hán Ngữ là A Catalogue of The Chinese Translation of The Buddhist Tripitaka (Nanjio), Mục Lục Đại Chánh Tân Tu (Minh Tiến) và Đại Tạng Kinh Hàn ngữ là Mục Lục Miêu Tả Phật Giáo Hàn Quốc (Lewis) cũng được tham chiếu thêm. Riêng về các tác phẩm hay các trích dẫn về Tsongkhapa sẽ lấy từ danh mục Sungbum (གསུང་འབུམ་). Danh sách các tác phẩm của đức Dalai Lama được lấy từ trang WEB của văn phòng đại diện của ngài.
Cuối cùng, trong phần II một số thông tin được khai thác bởi công nghệ Máy học (Machine Learning) và Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence). Tuy nhiên, do công nghệ hiện đại này vẫn chưa hoàn mỹ, các thông tin thu được đều được hiệu đính lại cho chính xác .
Do có rất nhiều dữ liệu cổ, đa dạng, và phức tạp, khó tránh khỏi thiếu sót. Kính mong nhận được các phê phán hay hỗ trợ từ các bậc trí giả và độc giả. Xin chân thành cảm tạ.
Mùa Thu năm 2022, Làng Đậu Cung Kính
[*] Riêng hai nguồn tltk: Tōhuku (1934) và Minh Tiến, do các khiếm khuyết về các trước tác, chỉ được tham khảo rất hạn chế.