Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ – Ngay sau khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma xuất hiện vào sáng nay, Chư Tăng ở Mông Cổ đã bắt đầu tụng “Bát Nhã Tâm Kinh”, sau đó là lễ cúng dường mạn đà la trước bức chân dung của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma trên Pháp Toà trong Tu viện Gandantegchenling.
Trong phần phát biểu giới thiệu, Khamba Lama đã bày tỏ lòng kính trọng đối với Ngài và thay mặt chư Tăng ở Tu viện cũng như tất cả các Tăng ni của Mông Cổ kính lời chào đến Ngài. Ông nhận thấy rằng truyền thống của Jé Tsongkhapa đã phát triển mạnh mẽ ở Mông Cổ từ thời của Ngài Sonam Gyatso – Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ ba. Khamba Lama lưu ý rằng, ngay từ chuyến viếng thăm đầu tiên của Ngài đến Mông Cổ vào năm 1979, Ngài đã khuyến khích về sự phục hưng của Giáo Pháp ở đó. Chư Tôn túc trưởng thượng – những vị còn sống sót – đã rất cảm động trước sự quan tâm của Ngài.
Sau đó, chư Tăng Mông Cổ đã có thể đến Ấn Độ để học tập và một số Vị đã đạt được bằng Geshé Lharampa và tiếp tục hoàn thành khóa học Mật thừa của họ. Truyền thống Nalanda đã được hồi sinh ở Mông Cổ, Khamba Lama đã bày tỏ lòng biết ơn về điều đó. Lama kết thúc bằng cách thỉnh cầu Ngài trường thọ và tiếp tục chuyển bánh xe Pháp.
Ngài bắt đầu buổi giảng bằng cách tụng thuộc lòng bài Kệ kính lễ trong phần cuối của ‘Trí tuệ Căn bản Trung Quán Luận’ của Ngài Long Thọ:
“Con xin kính lễ Đức Cồ Đàm
Bậc đã thông qua lòng Bi mẫn
Giảng dạy Giáo Pháp quý tuyệt trần
Quan điểm sai lầm đều dứt tận”.
“Có một bài Kệ trong “Bách Thiên Đâu Suất” – (Ganden Lha gya ma) mà tất cả chúng ta đều đọc thuộc lòng; điều đó cho thấy rằng, dù bạn có học được đến đâu chăng nữa thì cũng sẽ là một sai lầm nếu bạn sử dụng việc học của mình để đạt được sự thành tựu và nổi tiếng. Chúng ta không được trộn lẫn việc thực hành của mình với tám mối bận tâm của thế gian. Đức Phật đã từ bỏ chúng hoàn toàn khi Ngài dấn thân vào con đường giác ngộ.
“Tương tự như vậy, Jé Tsongkhapa đã tu học ở các tu viện khác nhau và tham gia các kỳ thi mà không hề nghĩ đến tám mối bận tâm của thế gian. Ngài nhập thất tại Wölkha chỉ để thực hành. Sau đó, tại Lhading, Ngài tham gia vào việc thiền định về tính không. Trong thời gian ở đó, Ngài đã có một linh kiến hoặc giấc mơ về Đức Long Thọ cùng với năm vị đệ tử chính của Ngài. Từ trong số những vị ấy, Ngài mơ thấy Ngài Phật Hộ bước tới và chạm cuốn luận thuyết mang tên Ngài lên đầu của Jé Rinpoché. Ngày hôm sau, khi đọc cuốn sách đó, Jé Rinpoché đã liễu ngộ được về lý Duyên khởi – rằng các pháp không hề có sự tồn tại độc lập. Ngài đã đạt được sự liễu ngộ rõ ràng về tính Không. Mọi nghi ngờ của Ngài đều bị tan biến.
“Nếu quý vị đọc năm chuyên luận của Ngài ấy viết về chủ đề: ‘Đại dương lý luận’; ‘Minh giải Tư tưởng’; Phần Tuệ giác Đặc biệt của ‘Đại Luận về các Giai trình của Đạo Giác Ngộ’; Phần Tuệ giác Đặc biệt của ‘Trung Luận về các Giai trình của Đạo Giác Ngộ’ và ‘Tinh Hoa của Diệu Thuyết’, quý vị sẽ thấy Ngài Tsongkhapa đã hiểu tường tận về Trung Quán như thế nào. “
Ngài đã trích dẫn ba bài Kệ từ chương sáu của cuốn ‘Nhập Trung Quán Luận’ của Ngài Nguyệt Xứng đề cập đến bốn nguỵ biện hợp lý sẽ xảy ra nếu khẳng định rằng các pháp và chúng sinh vốn dĩ tồn tại. Nguỵ biện cho rằng sự thiền định miên mật của một bậc Thánh về tính không sẽ là kẻ hủy diệt của các pháp hiện tượng; rằng sẽ là sai lầm nếu dạy rằng các pháp không có sự tồn tại tối hậu; rằng sự tồn tại thông thường của các pháp sẽ có thể đối chất được sự phân tích tối hậu về bản chất của các pháp; và lời của Đức Phật tuyên bố rằng “các pháp không có sự tồn tại cố hữu” là không đúng. Ngài lặp lại những dòng này cho chính mình và hàng ngày luôn suy ngẫm về chúng.
Ngài nhận xét rằng Jé Rinpoché đã tuyên bố trong ‘Đại Luận về các Giai trình của Đạo Giác Ngộ’ rằng Tứ Diệu Đế là nền tảng của cả truyền thống nguyên thuỷ và truyền thống đại thừa. Những Thánh Đế này đã hình thành nên hệ thống của tất cả những Giáo lý mà Đức Phật đã dạy.
Ngài thông báo rằng Ngài sẽ đọc ‘Thắp sáng Ba Bậc Tín Tâm: Lời khẩn cầu Mười bảy bậc Thông tuệ của Nalanda Vinh quang’ nhưng sẽ bắt đầu với lời bạt chuyên mục để trình bày nền tảng lịch sử cho lời khẩn cầu. Câu mở đầu: “Do đó, khi phân tích những lời dạy của Ngài một cách chặt chẽ, với một tâm thức ham cầu học hỏi, không thiên vị …” đã gợi nhắc Ngài về vấn đề lưu ý rằng sự không thiên vị cũng được đề cập trong những dòng từ ‘Tứ Bách Cú’ của của Ngài Thánh Thiên:
“Lắng nghe không thiên vị, quan tâm và thông tuệ
Người thính Pháp được gọi là bình chứa thích hợp”.
Ngài nói rõ rằng nếu bạn không thiên vị, bạn sẽ nhận thấy được điều lợi ích; nếu bạn không thể phân biệt được những lời dạy là đúng và những điều sai trái, thì bạn cần phải thông minh. Ngoài ra, bạn cần phải quan tâm, có tâm nguyện khát khao theo đuổi con đường tu tập. Cần phải phân tích Giáo lý với một tâm thức không thiên vị, không định kiến và luôn mong cầu học hỏi.
Ngài đề cập rằng trong số ‘những Pháp hữu đầy tâm huyết đã khuyến khích ngài’ soạn những lời khẩn cầu này có Kyabjé Trulshik Rinpoché.
Bài Kệ đầu tiên xưng tán Đức Phật đã truyền trao Giáo Pháp. Trong “Xưng tán Duyên Khởi” của mình, Jé Tsongkhapa đã viết:
Trở thành bậc xuất gia trên con đường của Đức Phật
Không giãi đãi trong việc nghiên cứu giáo lý của Ngài
Và bằng cách thực hành Du già với quyết tâm vĩ đại
Tu sĩ này đã phụng sự truyền tải chân lý cao vời ấy!
Chính nhờ vào lòng tốt của quý Thầy
Mà con được gặp Giáo Pháp của bậc Đạo Sư vô cùng vĩ đại!
Có những cách đối trị đặc biệt cho những phiền não cụ thể, nhưng Ngài trích dẫn nhận xét của của Ngài Thánh Thiên rằng:
“Khi xúc giác khắp lan tràn cơ thể
Thì xáo trộn hiện hành, khiến não phiền
Khéo chế ngự vô minh này, bạn sẽ
Khắc phục não phiền, định tĩnh an nhiên.”
Bài Kệ thứ hai khẩn cầu Ngài Long Thọ, người đã trước tác Sáu Tuyển tập Lý luận. Ngài đã trích dẫn những bài Kệ từ ‘Trí tuệ Cơ bản’ để tóm tắt chúng:
“Những gì phát sinh từ những nhân duyên,
Thì được giải thích vốn dĩ rỗng không.
Nếu đó là một pháp duyên sinh,
Thì chính nó cũng là Trung Quán.
Bởi lẽ chẳng hề có gì tồn tại,
Mà không khởi lên từ những nhân duyên
Nên cũng sẽ chẳng có gì tồn tại
Mà không phải là vốn dĩ Tánh Không.”
Bài Kệ thứ ba khẩn cầu đệ tử chính của Đức Long Thọ – Ngài Thánh Thiên – người đã khuyên:
“Trước tiên ngăn chặn những điều quấy sai lầm lỗi,
Kế tiếp ngăn chặn [ý tưởng thô] về một cái Tôi;
Sau đó ngăn ngừa tất cả loại kiến tri.
Ai liễu ngộ điều này – đó chính là bậc trí.”
Bài Kệ thứ tư khẩn cầu tâm thức Ngài Phật Hộ, trong khi bài Kệ thứ năm xưng tán Ngài Thanh Biện uyên bác – người đã khẳng định một quan điểm giúp đỡ những đệ tử không thể chấp nhận chỉ là sự gán danh. Bài Kệ thứ sáu đề cập đến Ngài Nguyệt Xứng – người có những trước tác Mật tông bao gồm ‘Ngọn Đèn Sáng tỏ’ và người đã trước tác ‘Nhập Trung Quán Luận’, phần tự luận của tác phẩm này; và ‘Minh Cú Luận’ để làm sáng tỏ quan điểm của Trung Quán.
Ngài Tịch Thiên được khẩn cầu ở bài Kệ thứ bảy, đã trước tác ‘Nhập Bồ Tát Hạnh’.
Ngài nhận xét, “Việc trao truyền cuốn sách này đã bị giảm sút ở miền Trung Tây Tạng, vì vậy tôi đã nỗ lực đặc biệt để thọ nhận tác phẩm này từ Khunu Lama Rinpoché. Và kể từ thời điểm đó, tôi luôn giữ một bản sao bên mình và đọc nó – đặc biệt là chương sáu và chương tám.”
Bài Kệ thứ tám khẩn cầu đến Ngài Tịch Hộ – người mà nhân dân Tây Tạng phải tri ân vì đã ban truyền một phương pháp tiếp cận lời dạy của Đức Phật, kết hợp với sự nghiên cứu triết học với logic. Tiếp theo là Đức Liên Hoa Giới – đệ tử của Ngài – người đã cảnh báo về những nguy hiểm của việc chỉ dựa vào thiền vô niệm.
Những bài Kệ tiếp theo khẩn cầu đến các Ngài Vô Trước, Thế Thân và Trần Na – người đã trước tác “Yếu lược Luận lý học” với lời mở đầu: “Con xin đảnh lễ bậc oai nghiêm uy dũng”. Tiếp theo sau đó là Ngài Pháp Xứng, Giải Thoát Quân, Sư Tử Hiền, Đức Quang, Thích Ca Quang và Atisha. Ngài Long Thọ giải thích về Giáo lý Bát Nhã được ám chỉ trong hai dòng đầu tiên của bài Kệ 20:
Bằng cách hiểu được ý nghĩa Nhị Đế, là chân tánh của hết thảy các pháp,
Nhờ vào Tứ Đế mà xác quyết được cách ta trầm luân, và cách làm sao để thoát luân hồi. Câu 21, 22 và 23 thể hiện tâm nguyện học tập và thực hành, trong khi câu 25 kết luận:
“Nhờ lực khẩn cầu này
Nguyện con luôn phụng sự
Cho hết thảy chúng sanh
Không gian còn tồn tại
Con vẫn còn ở lại
Để cứu khổ muôn loài.”
Ngài giải thích rằng những gì Ngài đã ban truyền là một bài giảng hướng dẫn ngắn gọn về bản văn mà Ngài đã trước tác hai mươi năm về trước.
Tiếp sau đó là một đoạn xen kẽ ngắn, trong đó Giám đốc của ‘Achlalt khuukhduud’ – một trại trẻ mồ côi và viện dưỡng lão, đã bày tỏ lời chào thành kính đến Ngài. Ông ấy giải thích rằng tổ chức phi chính phủ mà ông lãnh đạo là giúp đỡ trẻ em mồ côi, người nghèo khó, người già nua và người tàn tật. Vào năm 2015, họ đã khởi động một dự án xây dựng một trung tâm chăm sóc để thực hiện những mục tiêu này. Ông bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến Ngài vì sự đóng góp của Ngài đã hỗ trợ cho công việc của họ.
Ngài trả lời: “Là con người, tất cả chúng ta đều phụ thuộc vào cộng đồng hoặc xã hội mà chúng ta đang sống. Chúng ta được sinh ra một mình, nhưng chúng ta không thể sống một mình. Chúng ta gắn bó và phụ thuộc vào người khác một cách tự nhiên, do đó ta cần phải có lòng từ bi và tử tế đối với họ.
“Một điều chúng ta cần phải nỗ lực thực hiện là giảm bớt khoảng cách giữa giàu và nghèo. Chúng ta cần phải liên tục quan tâm đến hạnh phúc của toàn thể nhân loại. Đây là lý do tại sao điều quan trọng là chúng ta phải chăm sóc những người nghèo khó, đặc biệt là những người già cả và ốm yếu.”
Trong khi trả lời các câu hỏi của khán giả, Ngài khuyên rằng nếu chúng ta tìm kiếm sự hướng dẫn qua việc bói toán khi gặp khó khăn, thì điều quan trọng là phải tham khảo ý kiến của người đáng tin cậy, có đủ tài năng để làm điều đó cho chúng ta.
Cư dân và thợ mỏ từ thành phố Erdenet đã tìm kiếm lời khuyên của Ngài về việc khai thác và bảo vệ môi trường tự nhiên. Ngài trả lời rằng việc đào đất để lấy tài nguyên thiên nhiên đã diễn ra từ xa xưa. Tuy nhiên, nếu nó bị thực hiện quá mức có thể dẫn đến sự mất cân bằng của thiên nhiên. Ngày nay, rõ ràng là, ví dụ, việc liên tục đốt than đã gây ra thiệt hại cho môi trường. Có những sự lựa chọn để thay thế. Thay vào đó, chúng ta có thể dựa vào việc sử dụng năng lượng mặt trời và tuabin gió để tạo ra điện, nhằm bảo vệ môi trường nhiều hơn.
Có người hỏi phải làm gì khi họ nỗ lực làm điều tốt thì lại khiến cho người khác tức giận. Ngài khuyên rằng, bạn nên trau dồi tính khiêm tốn, coi mình là người thấp kém hơn tất cả, chấp nhận thất bại và dâng hiến sự chiến thắng cho họ.
Một người hỏi khác muốn biết tại sao có vẻ như những người được thúc đẩy bởi lòng từ bi nhưng sự thật lại trở thành nạn nhân, trong khi những người bất công và ngược đãi thì lại thành công. Ngài đã chỉ ra rằng, từ khóa quan trọng ở đây là “dường như”. Ngài nói, thực tế là những người lạm dụng quyền lực là những người không có hạnh phúc. Tâm bất thiện đã khiến cho họ phải đau khổ, trong khi nếu bạn là người trung thực và chân thành, thì mọi người sẽ tin tưởng bạn và bạn sẽ cảm thấy mãn nguyện.
Khi được yêu cầu so sánh người Mông Cổ với những dân tộc khác mà Ngài đã gặp, Ngài nhận xét rằng, người Mông Cổ là những Phật tử sống trong một quốc gia Phật giáo. Trong lịch sử, có những học giả vĩ đại trong số họ, những người thông qua nghiên cứu, suy ngẫm và thiền định đã trở nên uyên bác nhưng vẫn khiêm tốn và tử tế. Ngài lưu ý rằng, ngày nay các nhà khoa học và thần kinh học ngày càng quan tâm đến những gì mà Phật giáo đã đề cập về cách hoạt động của tâm thức.
Cuối cùng, Ngài giải thích rằng ‘đạo đức ngoài tôn giáo’ liên quan đến việc xem xét toàn bộ nhân loại, bởi vì tất cả chúng ta đều muốn tồn tại. Vì vậy, chúng ta cần phải sống ở đây và ngay bây giờ – như những con người tốt. Chúng ta cần đạo đức để hướng dẫn suy nghĩ và hành vi của mình; bởi vì tất cả chúng ta cần phải sống hòa thuận với nhau. Chúng ta cần tình yêu thương và lòng từ bi. Vì khoảng cách giàu nghèo trên thế giới sẽ chỉ là nguồn gốc gây ra rắc rối, cho nên chúng ta cần phải tìm cách đảm bảo sự phân phối của cải một cách công bằng hơn.
Người điều phối đã cảm ơn sự chỉ dạy của Ngài, cầu nguyện Ngài trường thọ để làm lợi lạc cho Đạo Pháp và chúng sinh. Ông thông báo rằng sự kiện trong ngày đã kết thúc. Ngài tuyên bố rằng ngày mai Ngài sẽ dạy về ‘Ba Cốt tuỷ của Đạo lộ’ – “Hẹn gặp lại” – và Ngài vẫy tay chào tạm biệt.